Toan vẽ tranh là gì

Khung căng vải vẽ

nguyendinhdang
6 năm trước

Nguyễn Đình Đăng

Các nước với truyền thống hội họa lâu đời đều có hệ thống thuật ngữ khá đầy đủ và rõ ràng. Ví dụ tiếng Ý gọi cái khung tranh là cornice, khung căng vải vẽ là telaio [vải vẽ là tela]. Tiếng Pháp gọi cái khung tranh là cadre, còn cái khung để căng vải vẽ là châssis. Trong tiếng Anh frame là cái khung tranh còn strainer hay stretcher là cái khung căng vải vẽ. Ở tiếng Nga hai thứ này là рама [khung tranh] và подрамник [khung căng vải vẽ]. Người Nhật cũng không chịu lép khi phân biệt gakưbưchi [がくぶち hay 額縁, khung tranh] với kiwakư [きわく hay 木枠, khung căng vải vẽ], tuy rằng đến vải vẽ thì người Nhật chịu, đành xài kyanbasư [キャンバス, phiên âm katakana của canvas], tương tự như ta phiên âm toile [tiếng Pháp] thành toan vậy, bởi sơn dầu là chuyên ngành hội hoạ mới được du nhập từ phương Tây vào Nhật Bản cuối t.k. XIX.

Ở ta khung tranh và khung để căng vải vẽ đều được gọi là khung. Để phân biệt, nhiều người gọi khung căng vải vẽ là khung căng toan hay sát-xi [phiên âm từ tiếng Pháp châssis] [1].

Bất cập về thuật ngữ trong tiếng Việt phần nào phản ánh sự hời hợt, không coi trọng các kiến thức kỹ thuật và nghề nghiệp, hay nói gọn là thiếu chuyên nghiệp. Căng lên cái gì mà chẳng được, miễn vẽ đẹp là thứ lý lẽ cùn, đôi khi được nghe thấy từ miệng một số hoạ sĩ làng ta. Một người sưu tập tranh Việt có lần than phiền với tôi rằng hầu hết tranh sơn dầu và acrylic mua ở Việt Nam đều được căng trên khung làm từ gỗ kém chất lượng, nhiều cái còn bị mọt, khiến vị này sau đó phải tháo ra căng lên khung mới.Bên cạnh nhiều lý do khác, bằng việc dùng hoạ phẩm và nguyên vật liệu chất lượng thấp, nhiều hoạ sĩ Việt đã góp phần xứng đáng vào việc hạ giá tranh của chính mình.

Các loại khung căng vải vẽ

Khung để căng vải vẽ được sản xuất tại Việt Nam đa số là loại DIY [Do-It-Yourself, hay tự chế], được ghép mộng vuông góc [mitre joint]. Các thanh gỗ được cưa vát 45 độ ở chỗ ghép để tạo thành góc vuông, và cố định bằng đinh đóng thẳng vào khung gỗ. Các góc được giữ vuông nhờ các thanh chêm chéo.Loại khung này có xuất xứ từ châssis à écharpes[châssis đóng thanh chéo] ở Phápcuối t.k. XVIII.

Châssis à écharpes[châssis đóng thanh chéo] của bứcchân dung Rabelaisdo hoạ sĩLouis-François Durrans [1754 1847] vẽ

Ưu điểm của loại khung này là dễ làm và rẻ tiền. Nhược điểm của chúng là yếu, dễ cong vênh, không thể tháo lắp dễ dàng, đinh gia cố rỉ theo thời gian và lỗ đinh rộng ra sẽ làm khung ngày càng yếu hơn. Đó là chưa nói thợ mộc còn ăn bớt gỗ [2], khiến khung căng vải vẽ trở nên khá mỏng manh, dễ vặn vỏ đỗ sau một thời gian nếu không được cố định trong một cái khung tranh chắc chắn. Khung căng vải vẽ thường được làm bằng gỗ rẻ tiền, kém chất lượng, không được xử lý chống mối mọt, nên dễ bị mọt đục, có khi xuyên cả vào mặt tranh.

Một bức sơn dầu của Tạ Tỵ được căng lại trên khung ghép mộng vuông góc. Có thể nhìn rõ các lỗ đinh cũ hoặc mọt đục trên khung gỗ thông.

Theo //www.palletgo-pallet.com, gỗ thông được dùng ốp trần, tường, sàn ở Việt Nam đa phần là loại gỗ thùng, ván kê các thùng hàng xuất khẩu, được đemtái sử dụng. Khung tranh và khung căng vải vẽ được làm từ loại gỗ này dĩ nhiên có nhiều lỗ đinh, và chưa hề được xử lý chống mối mọt. [Ảnh từ //www.palletgo-pallet.com]

Khung căng vải vẽ chuyên nghiệp ngày nay thường được ghép mộng khung căng vải vẽ [canvas-stretcher joint], thuộc loạimộng âm dương [tenon-mortise joint],có thể tháo lắp rất dễ dàng, nhưng cũng rất chắc chắn. Kiểu mộng này được P.F. Pfleger phát minh năm 1886 [3].

Khung ghép mộng kiểu này thường gồm hai loại, có tên tiếng Anh là strainer [khung thường, ghép cố định. Tiếng Pháp: châssis ordinaire] và stretcher [khung nêm, có nêm ở các góc để có thể thay đổi kích thước chút ít bằng cách gõ vào các nêm, giữ cho mặt tranh không bị chùng. Tiếng Pháp: châssis à clés]. Nhược điểm của stretcher là không chắc bằng strainer, nêm dễ tuột ra khi vận chuyển. Một phương án làthiết bịbằng kim loạichỉnh độ căng[tendeur en métal pour châssis, tiếng Pháp], có thể lắp vào strainer/stretcher, rồi vặn khóa ở giữa để gia giảm kích thước khung, giữ cho mặt tranh luôn căng. Thiết bị này C.F. Dodge sáng chế cũng vào năm 1886 [3].

Giải phẫu một khung căng vải vẽ ghép mộng có nêm [stretcher]

Cách lắp nêm vào khe ở góc stretcher

Mộng khung căng vải vẽ [canvas-stretcher joint]

Đăng ký sáng chế canvas-strecher joint năm 1886 của P.F. Pfleger

Thiết bị điều chỉnh độ căng dựa trên sáng chế của C.F. Dodge

Đăng ký sáng chế năm 1886 của C.F. Dodge

Hai kiểu bố trí thanh giằng

Thanh giằng của strainer [stretcher] được bố trí theo 2 kiểu: thường và chữ thập [cross-bracing]. Kiểu chữ thập được dùng để chống đỡ cho cạnh dài của khung, tránh cho chúng bị sức căng của tấm vải kéo cong về phía tâm tranh, đồng thời cũng ngăn thanh giằng dài bị cong ra ngoài ở mặt sau. Việc chọn kiểu nào phụ thuộc kích thước của tranh và chất lượng của strainer [stretcher]. Đối với tranh kích thước lớn [từ 0.8 1m trở lên] nên chọn thiết kế thanh giằng chữ thập.

Trái: Thiết kế thường; Phải:Thiết kế thanh giằng chữ thập [cross-bracing].

Ưu điểm của strainer [stretcher] ghép mộng âm dương là không cần đinh giữ nên tránh được đinh han rỉ làm hỏng gỗ,có thễ tháo lắp dễ dàng. Khi vận chuyển tranh, nếu bắt buộc phải tháo tranh ra cuộn lại cho gọn, thì đồng thời cũng có thể tháo rời strainer [stretcher] thành từng thanh để bó lại vận chuyển cùng. Sau khi tới nơi có thể lắp lại strainer [stretcher] nhanh chóng dễ dàng và căng lại bức tranh lên đúng strainer [stretcher] nguyên thủy của nó. Năm 2007 tôi triển lãm cá nhân tại một gallery ở Tokyo có chỗ quành cầu thang hẹp đến nỗi tranh kích thước F130 [162 x 194 m] không qua lọt. Nhờ dùng strainer ghép mộng âm dương, tôi đã nhanh chóng tháo 2 bức kích thước F130 ra, cuộn lại, rồi tháo rời các thanh stretcher bó lại, mang qua cầu thang. Vào tới phòng tranh tôi lắp stretcher và căng lại tranh. Sau bế mạc triển lãm, tôi lại tháo lắp như vậy một lần nữa để chuyển tranh 2 bức tranh đó từ gallery ra ngoài.

Dĩ nhiên những strainer [stretcher] ghép mộng âm dương như vậy chỉ có thể được sản xuất bằng máy hàng loạt thì mới giảm được giá thành, như trong video clip tại đây.

Các bó strainers

Các kiểu căng vải vẽ

Cho tới cuối t.k. XVII hoạ sĩ thường dùng dây căng vải vẽ lên strainer có kích thước lớn hơn tấm vải vẽ. Độ căng của vải vẽ được điều chỉnh bằng dây buộc từ mép tranh cột vào strainer. Sau khi vẽ xong, hoạ sĩ gỡ tranh khỏi strainer, rồi căng lại trên một strainer khác, vừa kích thước tranh, trước khi lắp vào khung tranh.

Jan Miesen Molenaer [1610 1668]
Tự hoạ trong xưởng vẽ

Khung căng vải vẽ trong xưởng của Rembrandt tại Amsterdam

Johannes Vermeer là một trong những hoạ sĩ đầu tiên đã bỏ kiểu căng này, để vẽ lên vải căng trên strainer cùng kích thước tranh, như được dùng cho đến ngày nay.

Vải vẽ ngày nay được căng trên strainer [stretcher] theo 2 kiểu: kiểu bảo tàng [museum wrap] và kiểu gallery [gallery wrap].

Kiểu bảo tàng là kiểu căng truyền thống: đinh được đóng vào bề dày của khung. Theo kiểu gallery, đinh được đóng vào mặt sau của khung, vì thế không lộ ra trên bề dày của khung. Kiểu gallery tăng thẩm mỹ cho loại tranh treo không cần khung.

Kiểu căng bảo tàng [trái] và gallery [phải]

Gỗ khung căng vải vẽ

Gỗ làm strainer [stretcher] phải vừa khô, cứng, vừa nhẹ mà lại khó mục rữa, chịu được mối mọt.

Cây tuyết tùng đỏ tây phương [Western red cedar, thuja plicata] là cây họ bách, cao tới 70m, tự tiết ra chất bảo quản, có khả năng chống được mục, mối mọt cao, rắn chắc và ít nứt nhất. Khung căng vải vẽ do hãng Maruoka của Nhật sản xuất được làm từ gỗ tuyết tùng đỏ tây phương nhập khẩu từ Mỹ và Canada.

Cây sam [杉, sư-gi, cryptomeria japonica]hay tuyết tùng Nhật Bản [Japanese cedar], cũng là cây họ bách, cũng cao tới 60 70m và có các tính chất tương tự tuyết tùng đỏ phương Tây, được trồng nhiều tại Nhật Bản, Trung Quốc, quần đảo Azores trên Đại Tây Dương, châu Âu, Bắc Mỹ, vùng núi Himalaya giáp Nepal và Ấn Độ. Cây sam được coi là quốc thụ của Nhật Bản. Gỗ sam được dùng phổ biến trong xây dựng nhà tại Nhật, nhưng ngày nay thường được nhập khẩu từ châu Á. Có lẽ đó là lý do vì sao khung căng vải vẽ bằng gỗ sam có giá rẻ hơn khung bằng gỗ tuyết tùng đỏ tây phương [còn gọi là mễ sam, 米杉, bêi-sư-gi].

Gỗ cây chi hông hay bào đồng [paulownia], mọc nhiều ở Trung Quốc, có độ cứng chỉ bằng 80% gỗ thuyết tùng đỏ tây phương và khả năng chống mối mọt kém hơn. Khung căng vải vẽ sản xuất tại Trung Quốc thường được làm bằng loại gỗ này.

Gỗ dương [poplar] là loại gỗ rất thông dụng để làm ván gỗ [panel] trong hội hoạ Ý t.k. XIII XV [gỗ dương trắng, populus alba] [4]. Nhược điểm lớn nhất của gỗ dương là chịu nấm mốc kém, và không có khả năng đề kháng mối mọt. Gỗ dương ngày nay phần lớn là từ cây dương lai ghép [hybrid poplar] giữa dương châu Âu và dương đen Bắc Mỹ, có tên populus euramericana.

So với 4 loại gỗ được liệt kê ở đây, gỗ thông là loại rẻ tiền nhất và khá tạp vì có nhiều loại, tính chất không giống nhau. Khung căng vải vẽ sản xuất tại Nga, châu Âu và Mỹ thường được làm bằng gỗ thông, thứ gỗ phổ biến nhất ở các xứ này, những xứ vốn ít mối mọt [châu Âu chỉ có 10 loại, Bắc Mỹ 50 loại, trong khi châu Á có hơn 430 loại mối mọt].

Khung căng vải vẽ bằng chất liệu khác

Gần đây trên thị trường xuất hiện loại khung căng vải vẽ làm bằng MDF [medium-density fiberboard = ván ép], giá rẻ. Nhược điểm lớn của loại khung này là MDF có sức căng rất thấp, vì thế khung MDF rất dễ cong vênh dưới sức căng lớn của canvas. MDF strainer/stretcher dễ trương lên trong môi trường ẩm, và co mạnh trong môi trường khô.

Nhôm cũng được dùng để chế tạo khung căng vải vẽ, có nẹp gỗ ốp quanh. Loại stretcher này rất chắc chắn, nhẹ, không bao giờ cong vênh, không bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, không rỉ, và dĩ nhiên không bao giờ bị mọt. Nhược điểm của stretcher nhôm là giá thành cao [Giá một canvas căng sẵn trên khung nhôm kích thước 120 x 180 cm là khoảng 230 USD]

Stretcher nhôm

Xem video clips cách chỉnh độ căng canvas trên stretcher nhôm tại video 1,video 2,video 3,video 4. Khung căng vải vẽ [canvas strainer/stretcher] là một trong những thành tố quan trọng của bức tranh sơn dầu.
*
Khung căng vải vẽ [canvas strainer/stretcher] là một trong những thành tố quan trọng của bức tranh sơn dầu. Hoạ sĩ cần hiểu rằng, cũng như màu vẽ và canvas, chất lượng canvas strainer/stretcher trên thị trường rất đa dạng. Sự trường tồn của bức tranh phụ thuộc trước hết vào chất lượng hoạ phẩm, nguyên vật liệu, và kỹ thuật vẽ sơn dầu của hoạ sĩ.
*
Phụ lục
Các hệ thống kích thước chuẩn cho tranh và khung

Anh:

Canvas được dùng trong hội hoạ sơn dầu từ cuối t.k. XV tại Ý. Một thế kỷ sau canvas mới lan sang Anh. Kích thước canvas phụ thuộc vào khổ vải trên khung máy dệt. Vì thế các nhà sản xuất canvas ở Anh cuối t.k. XVI đầu t.k. XVII chỉ cung cấp canvas khổ rộng tới 40 50 inches [102 và 127 cm]. Sang t.k. XVIII việc phát minh ra con thoi bay [flying shuttle] cho phép dệt được những khổ vải rộng, vì thế hoạ sĩ có thể vẽ tranh trên canvas liền tấm khổ rộng tới 127 x 177 inches [324 x 450 cm].

Từ t.k. XVII tới đầu t.k. XIX Anh dùng các khổ canvas chuẩn như bảng dưới đây.

Kích thước chuẩn của Anh t.k. XVII XIX [feet và inches]

Trong bảng này:

Head [đầu] là khổ tranh chân dung chỉ vẽ đầu.

Three-quarter [3/4] là khổ chân dung tới vai, hoặc thắt lưng.

Half-length [bán thân] là khổ chân dung tới đầu gối

Kit-cat là khổ tranh chân dung từ đầu tới tay, giữa 3/4 và bán thân. Năm 1704 1710 hoạ sĩ Godfrey Kneller [1646 1723] vẽ một series chân dung các hội viên câu lạc bộ Kit-Cat. Các chân dung này hiện nẳm trong sưu tập của National Gallery London.

Sau đó là whole-length hay full-length tức toàn thân, Bishops whole-length hay King size.

Đến giữa t.k. XIX hệ thống khổ chuẩn này dần dần bị bỏ qua vì các hoạ sĩ chân dung muốn có những kích thước linh hoạt hơn, đồng thời các thể loại tranh ngoài tranh chân dung cũng trở nên phổ biến khiến các khổ chuẩn cũ trở nên không phù hợp. Ngày nay các nhà sản xuất canvas và khung ở Anh cung cấp rất nhiều kích thước, gồm cả các số nguyên lẫn số thập phân theo inches, trong đó có cả các khổ cũ nói trên [Xem //www.canvas-store.co.uk/loxley-chunky-stretched-canvas-72-48-pack-of-2-c2x15074278]

Pháp:

Cũng vào t.k. XIX ở Pháp hình thành hệ thống khổ canvas chuẩn [đo bằng đơn vị đo độ dài m, cm, mm], được đánh số từ 0 đến 120 theo chiều rộng. Với cùng một chiều rộng, chiều cao được chia ra làm 3 loại F [figure = hình người], P [paysage = phong cảnh], M [marine = biển]. Khổ F gần với hình vuông.

Khổ F có tỉ lệ cạnh dài chia cho cạnh ngắn từ 1.19 tới 1.5, được cho là gần với 2 lần tỉ lệ vàng: 2 x 0.618034 = 1.236068
Khổ P có tỉ lệ này khoảng từ 1.3 tới 1.71, được cho là gần với tỉ lệ khuôn cửa hài hòa của Paul Sérusier, bằng căn bậc 2 của 2 tức 1.414214].
Khổ M có tỉ lệ này từ 1.41 tới 2.0, được cho là gần với tỉ lệ vàng 1.618034

Kích thước chuẩn của Pháp

Châu Âu:

Bên cạnh hệ thống khổ tranh chuẩn của Pháp, một số nước châu Âu ngày nay như Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý v.v. theo hệ thống chuẩn châu Âu, như bảng dưới đây.

Kích thước chuẩn châu Âu [cm]
Standard: kích thước chuẩn; Grand formats: kích thước lớn;
Carré: vuông; Double carré: hai hình vuông; Panoramique: toàn cảnh

Mỹ:

Trước Đệ Nhị Thế Chiến, hệ thống khổ tranh châu Âu cũng đã từng được dùng ở Mỹ, ví dụ một trong những bức họa nổi tiếng nhất của hội hoạ Mỹ, American Gothic [1930] của Grand Wood, có kích thước 78 x 65.3 cm [30 3/4 x 25 3/4 in], rất gần với F25 của Pháp [81 x 65 cm].

Grant Wood
American Gothic [1930]
sơn dầu trên gỗ dán,78 x 65.3 cm[30 3/4 x 25 3/4 in.]

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, các hoạ sĩ Mỹ đã bỏ hệ thống khổ tranh chuẩn châu Âu, dùng hệ thống riêng, gọi là khổ tranh của Mỹ đo bằng các bội số của inches như bảng dưới đây.

Kích thước chuẩn của Mỹ [inches]
Các sao đánh dấu độ phổ biến của kích thước. Kích thước càng nhiều sao là kích thước càng nhiều người ưa dùng.
Nguồn: //blog.artprintsetc.com/2014/10/standard-canvas-sizes-graphs-ratings.html

Nhật Bản:

Cùng với hội hoạ Tây phương, hệ thống khổ tranh chuẩn của Pháp được du nhập vào Nhật Bản từ thời Minh Trị [1868 1912]. Các kích thước đo bằng cm của Pháp được đổi sang đơn vị shaku-sun [尺寸の単位] hệ thống đơn vị đo chiều dài của Nhật thời đó. Theo hệ thống đơn vị của Nhật:

1 shaku [尺, xích hay thước] = 30.3 cm

= 10 sun [寸, thốn]

= 100 bu [分, phân]

= 1000 rin [厘, li]

= 10000 mō [毛 hay 毫, mao hay hào].

Khi đổi như vậy, các số đo được làm tròn. Vì thế sau này, khi Nhật Bản chuyển sang dùng đơn vị đo lường châu Âu, các kích thước, vốn đã được làm tròn theo shaku-sun, lại được đổi ngược lại thành cm và mm, nên bị sai khác một chút so với kích thước gốc. Người Nhật đến nay vẫn giữ nguyên sai khác đó. Ngoài ra Nhật Bản còn thêm vào hệ thống này các khổ rất lớn, Nos. 130, 150, 200, 300, và 500, làm thành hệ thống kích thước chuẩn dành cho Yōga [tranh Tây] và Nihonga [tranh Nhật].

Kích thước chuẩn Nhật Bản [mm].
Cột thứ 2 [長辺] là cạnh dài, cột 3 6 là các cạnh ngắn tương ứng của khổ F, P, M và S [square = vuông]

18.7.2015

_____________________
[1] Ở các tỉnh phía Nam, vải vẽ được gọi là bố vẽ, còn sát-xi là sác-xi.
[2] Truyền thống này của người Việt đã được tổng kết trong tục ngữ:Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ, thợ mộc ăn dăm khô, thợ rèn ăn cứt sắt.
[3] W.T. Chase and J.R. Hutt, Aaron Draper Shattucks Patent Stretcher Key,Studies in conservation, Vol. 17, No. 1 [January, 1972] 12 19.
[4] Luca Uzieli, Historical Overview of Panel-MakingTechniques in Central Italy.
_____________________
Các chuyên khảo về kỹ thuật vẽ sơn dầu và màu sắc của Nguyễn Đình Đăng:
1. Sơ lược về kỹ thuật vẽ sơn dầu
2. Nền móng của tranh sơn dầu
3. Màu trắng của sơn dầu
4. Bí mật của màu sắc
5. Dùng sơn dầu nhãn hiệu nào?
6. Chất kết dính và dung môi của sơn dầu
7. Một giáo trình dạy nhiều cái sai
8. Hội họa sơn dầu: thịnh và suy
9. Phương pháp vẽ sơn dầu nhiều lớp
10. Các công thức bí mật
11. Bút vẽ sơn dầu
12. Màu sơn dầu
13. Dung dịch alkyd và tempera grassa
14. Đóng gói tranh sơn dầu
15. Khung căng vải vẽ
________________
© Nguyễn Đình Đăng Tác giả giữ bản quyền. Các chuyên khảo này được viết với mục đích phổ biến kiến thức và kinh nghiệm. Bạn đọc có thể lưu giữ để sử dụng cho cá nhân mình. Mọi hình thức sử dụng khác như in ấn, sao chép lại các bài viết này, dù là một phần hay toàn bộ, để phát hành trong các ấn phẩm như sách, báo chí, luận văn, hay nhằm mục đích thương mại [kể cả tại các trang thư viện điện tử trên internet mà để đọc được hay tải xuống người đọc phải trả tiền để mở tài khoản] v.v. đều vi phạm bản quyền nếu không nhận được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.

Chia sẻ:

Có liên quan

  • Nền móng của tranh sơn dầu
  • 21/03/2013
  • Trong "hội họa"
  • Một giáo trình dạy nhiều cái sai
  • 06/08/2013
  • Trong "hội họa"
  • Trao đổi về pha mầu vẽ
  • 04/05/2013
  • Trong "hội họa"
Danh mục: Fine-artsKhu vực Widget dưới Chânhội họaKhu vực Widget dưới Chânkỹ thuật sơn dầuKhu vực Widget dưới Chânphê bình mỹ thuật
Thẻ: kỹ thuật sơn dầu
Để lại nhận xét

Video liên quan

Chủ Đề