Tội gây rối trật tự công cộng là gì năm 2024

Tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại khoản 1 Điều 245 BLHS 1999 [sửa đổi, bổ sung năm 2009] quy định: "Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm." Khoản 1 Điều 318 BLHS 2015 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] quy định: "Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm." Hậu quả để cấu thành tội phạm Gây rối trật tự công cộng giữa Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sự thay đổi từ gây hậu quả nghiêm trọng thành gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trước đây tại Nghị quyết số 02/2003 ngày 17/4/2003 của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn cụ thể về gây hậu quả nghiêm trọng trong tội Gây rối trật tự công cộng, quy định các trường hợp cụ thể từ điểm a đến điểm h. Ngoài các hậu quả xảy ra về tính mạng, sức khỏe và tài sản được hướng dẫn, thực tiễn cho thấy còn có các hậu quả phi vật chất, như có ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, ngoại giao, đến trật tự an toàn xã hội ... Trong trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra có phải là nghiêm trọng hay không. Để đảm bảo căn cứ xử lý các đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng: trước hết ta nhận thức, hiểu hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là các hành vi làm ảnh hưởng, đe dọa, hoặc làm phá vỡ trạng thái bình yên, ổn định của xã hội, hành vi của cá nhân làm ảnh hưởng, đe dọa, phá vỡ trật tự, kỷ cương xã hội, khiến cho bộ phận không nhỏ người dân, khu dân cư hoặc cộng đồng dân cư hoang mang, lo sợ, phẫn nộ hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến giá trị xã hội chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận tuân thủ. Tuy nhiên vấn đề đánh giá, áp dụng tình tiết, hậu quả gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, gặp khó khăn không thống nhất, vì đây là hậu quả mang tính chất phi vật chất, đánh giá, áp dụng tùy nghi phụ thuộc vào nhận thức các cơ quan, người tiến hành tố tụng cũng như phụ thuộc vào đặc trưng, điều kiện phát triển kinh tế của từng vùng miền, từ việc có thể đánh giá tùy vùng khi áp dụng không đúng có thể dẫn đến oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc hình sự hóa quan hệ hành chính. Trong thực tế tình hình tội phạm Cố ý gây thương tích, Gây rối trật tự công cộng có những vụ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt, đặc biệt là các đối tượng chưa thành niên tụ tập hẹn đánh nhau [tội phạm đường phố...] hình thành các nhóm đối tượng có chuẩn bị công cụ, hung khí, phương tiện để tham gia đánh nhau như nhóm 2 - 3 đối tượng, trên 10 đối tượng... hẹn gặp để đánh nhau, đuổi đánh nhau trên đường, dùng chai, gạch, đá ném nhau dùng hung khí gây thương tích cho một hoặc nhiều đối tượng, tỷ lệ thương tích đến mức xử lý hình sự. Địa điểm thực hiện hành vi đánh nhau trong từng vụ án khác nhau như trên đường phố, tại quán ăn, tại nơi vắng người như cánh đồng, trên sông ... Thời gian thực hiện hành vi thông thường như đêm tối, có những vụ tại nơi không có người dân ở. Với hậu quả xảy ra các địa phương xử lý vụ án khác nhau, xử tất cả về hai tội Cố ý gây thương tích và Gây rối trật tự công cộng; có địa phương xử lý; đối tượng trực tiếp đánh hai tội, các đối tượng không đánh một tội Gây rối trật tự công cộng. Do có nhận thức hiện nay các hành vi Cố ý gây thương tích xảy ra tại nơi công cộng làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn nên có quan điểm hành vi này xâm phạm trực tiếp đến hai khách thể khác nhau được pháp luật hình sự bảo vệ là sức khỏe của người khác và gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội. Do đó, hành vi của các đối tượng thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội Cố ý gây thương tích và tội Gây rối trật tự công cộng nên xử lý cả hai tội. Có quan điểm cho rằng, hành vi xâm phạm đến hai khách thể nhưng hành vi phạm tội diễn ra tại một địa điểm trong cùng thời điểm, hành vi hò hét, chửi bới với hành vi đuổi đánh nhau có mối quan hệ tương hỗ, hành vi này là tiền đề của hành vi kia nên chỉ xử lý về một tội. Vì vậy, trong trường hợp này xử lý đối tượng về một tội có khung hình phạt nặng hơn. Quan điểm của cá nhân tôi trong các dạng tổng hợp các vụ án nêu trên cần xem xét từng hành vi cụ thể áp dụng theo hướng dẫn trong Nghị quyết số 02/NĐ-HĐTP ngày 17/4/2003 hướng dẫn các hành vi cụ thể để xem xét, đánh giá tính chất hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội là phải nói đến tính quy mô, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra mang tính chất xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự, kỷ cương xã hội, xâm phạm đến sự mất ổn định nghiêm trọng đời sống của người dân, gây tâm lý hoang mang trên một diện rộng khu dân cư, vụ việc diễn ra thường xuyên dẫn đến người dân thiếu tin tưởng vào cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giữ vững ổn định, trật tự an toàn xã hội. Đánh giá bằng sự phản ánh bức xúc, lo lắng của nhân dân như thế nào, ở cấp độ nào. Trên cơ sở đó mới có căn cứ để xem xét xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS 2015. Đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi cố ý gây thương xem xét để xử lý về tội Cố ý gây thương tích quy định tại Điều 134 BLHS 2015 mà không xem xét xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra đối chiếu theo quy định, chế định đồng phạm để xem xét, phân loại xử lý các đối tượng có hay không đồng phạm về tội Cố ý gây thương tích. Từ những nhận định trên, để đảm bảo pháp luật hình sự được áp dụng thống nhất, nghiêm minh, đúng quy định, không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm, liên ngành trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể với tình tiết “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự - an toàn xã hội”. Có như vậy mới tránh được áp dụng pháp luật tùy tiện theo địa phương, theo ý chí chủ quan của người có thẩm quyền. Để góp phần nhận thức pháp luật, tác giả đề nghị các bạn đọc trao đổi quan điểm làm sáng tỏ nội dung trong bài viết.

Chủ Đề