Trách nhiệm trong việc giữ gìn các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc việt nam?

Để tiến hành có hiệu quả một chiến lược lâu dài, bài bản cấp quốc gia nhằm giữ gìn, phát triển, quảng bá văn hóa Việt Nam, bên cạnh vai trò của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, thì rất cần có sự nhập cuộc của những người trẻ. Vì không ai khác, họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người tiếp tục lưu giữ, phát triển, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Áo Nhật bình-một trang phục cổ được Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên phục dựng.

NGHIÊN CỨU, SÁNG TẠO TỪ DI SẢN CỦA CHA ÔNG

Từ sở thích, đam mê tìm hiểu văn hóa truyền thống, ngày càng có nhiều người trẻ tham gia vào việc phục dựng, sáng tạo những giá trị văn hóa từ di sản của cha ông; tạo ra không ít dự án, sản phẩm thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế. Bằng giải pháp độc đáo, các nhóm nghiên cứu đưa nhiều sản phẩm văn hóa, nghệ thuật tưởng như đã thất truyền tới công chúng với những cách thức, diện mạo mới mẻ.

Góp ý cho dự thảo Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030, bên cạnh ý kiến chuyên môn của các nhà khoa học, tâm tư, nguyện vọng đến từ đại diện Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên cũng thu hút sự chú ý của nhiều người khi đưa ra yêu cầu: cần có cơ chế, chính sách rõ ràng, tạo nguồn lực, khích lệ nhiều thành phần xã hội tham gia đồng hành cùng thế hệ trẻ trong hoạt động nghiên cứu và tái hiện văn hóa truyền thống. Đây là tiếng nói xuất phát từ một doanh nghiệp được gây dựng bởi những người trẻ, với mục tiêu phát huy các giá trị văn hóa quốc gia, dân tộc. Là công ty chuyên sản xuất trang phục, đồ trang sức, nội thất truyền thống, ba năm qua kể từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Ỷ Vân Hiên đã trở thành địa chỉ được nhiều bạn trẻ đam mê cổ phục tìm đến. Việc công ty trụ vững trên thị trường cho thấy khả năng cũng như sự lựa chọn hướng đi thành công của người trẻ trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng mang yếu tố truyền thống nói riêng, gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung.

Thực tế hiện nay cho thấy hiện tượng người trẻ tìm tòi, nghiên cứu phục dựng các giá trị truyền thống, cách tân, sáng tạo sản phẩm trên tinh thần kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại tuy chưa phổ biến nhưng không còn hiếm gặp trong đời sống. Thậm chí, nhiều thể loại nghệ thuật cổ hoặc nghề truyền thống tưởng chừng sẽ rơi vào cảnh mai một, như: tuồng, hát xẩm, tranh Đông Hồ,... đã bước đầu tái sinh dưới những hình thức bất ngờ, độc đáo như: kết hợp giữa nhạc điện tử và động tác nhảy hip hop trên nền tuồng cổ Sơn Hậu của Nguyễn Vũ Hoàng Anh; kể một câu chuyện cải lương bằng truyện tranh, hình vẽ, nghệ thuật thị giác, quay clip TikTok như dự án YUME-Art Project; trình diễn nghệ thuật thư pháp dưới hiệu ứng ánh sáng sân khấu hiện đại của Nguyễn Quang Thắng và Phạm Văn Tuấn... Tất nhiên vẫn cần thêm thời gian để đánh giá chất lượng của những thử nghiệm này song sự hưởng ứng nhiệt tình của một bộ phận thanh thiếu niên cho thấy sự quan tâm đối với nghệ thuật truyền thống của cha ông cũng như tiềm năng của những dự án, kế hoạch phục dựng nghệ thuật kiểu mới, bên các cách thức truyền thống đã định hình. Đồng thời, đó cũng là bằng chứng sinh động về sự gìn giữ, phát huy, tiếp nối mạch nguồn của thế hệ chủ nhân tương lai đất nước đối với những di sản của cha ông để lại.

Không chỉ làm "sống" dậy văn hóa cổ và nghệ thuật truyền thống bằng tư duy mới, người trẻ cũng có cách thức độc đáo trong việc vận động nguồn vốn, nhân lực phục vụ các dự án của họ. Khó khăn về tài chính đã từng bước được giải quyết bằng hình thức crowdfunding [gọi vốn cộng đồng, thường là thông qua internet]. Hình thức này cũng tạo điều kiện cho nghệ sĩ, nhà nghiên cứu,... có cơ hội chia sẻ, trình bày những giá trị lịch sử, văn hóa hun đúc trong tác phẩm. Một ưu điểm khác của hình thức này là các "mạnh thường quân" có thể theo dõi tiến độ hoàn thành của dự án; đóng góp, đề xuất ý kiến để tạo ra "đứa con tinh thần" ấn tượng và hiệu quả. Thời gian qua, từ crowdfunding, không ít dự án có ý nghĩa đã hoàn thành, gây được tiếng vang, như: Hoa văn Đại Việt, Dệt nên triều đại, hoặc mới đây là video âm nhạc hòa quyện giữa đàn tranh và nghệ thuật Beatbox của nhóm Limebócx. Rõ ràng, những dự án mang ý tưởng táo bạo với kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng như vậy khó có cơ hội trở thành hiện thực nếu không dựa trên các nền tảng kêu gọi vốn trực tuyến, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua sự sáng tạo của người trẻ trong cách thức truyền thông, quảng bá các dự án phục dựng, phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật cổ trên nền tảng mạng xã hội. Tận dụng những công cụ có sẵn trên Facebook, YouTube, TikTok như khả năng đăng tải video, hình ảnh, bài viết và livestream, các nhóm nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật cổ đã truyền bá nhiều tác phẩm, sản phẩm đến với cộng đồng mạng. Có thể kể đến các workshop trực tuyến với mục tiêu giới thiệu kiến thức và kỹ năng biểu diễn một số loại thể nghệ thuật dân gian như chèo, hát xẩm, cải lương, tuồng... Tiêu biểu và cần nhắc tới là dự án của nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương. Trong khi đó, dự án Ngày xưa Asia của tổ chức Ngày Xưa - một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng và lợi ích của giới trẻ, lại khéo léo gợi nhắc người trẻ về thời quá khứ thông qua hình thức bản tin đăng tải trên các nền tảng podcast-chương trình radio theo chủ đề có thể nghe trực tiếp hoặc tải về thiết bị máy tính, di động. Cùng với sự phát triển của phim cổ trang trên nền tảng mạng xã hội, một số dự án, sản phẩm truyền thống đã được người xem đón nhận, phản hồi tích cực. Ngoài ra, có thể kể đến các dự án phi lợi nhuận hướng đến số hóa các di sản, tác phẩm nghệ thuật cổ của một số kỹ sư, nhà khoa học trẻ tuổi. Chính những nỗ lực như thế đã tạo sự gắn kết, là tiền đề cho sự ra đời của nhiều cộng đồng tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo văn hóa trên nền tảng mạng xã hội lên đến hàng chục nghìn thành viên, phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ.

Quan sát các phương pháp gìn giữ, phát huy văn hóa, nghệ thuật truyền thống của thế hệ trẻ, có thể tin rằng những nét đẹp của người Việt Nam sẽ tiếp tục được gìn giữ, bảo vệ và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, trong viễn cảnh đầy hy vọng nói trên cũng cần nhận diện một số hạn chế, yếu kém. Đó là một số dự án, sản phẩm phục dựng, lấy ý tưởng văn hóa truyền thống có chất lượng chưa cao, chưa tương xứng với nội dung quảng bá lúc đầu. Nhận thức của một số nghệ sĩ, nhà nghiên cứu trẻ trong tiếp biến văn hóa từ cổ truyền đến hiện đại nhiều khi còn đơn giản, hời hợt, cứng nhắc hoặc rập khuôn theo các trào lưu đã xuất hiện ở nước ngoài. Một số người trẻ quá tự tin, chủ quan vào hiểu biết của bản thân, thiếu sự tìm tòi, học hỏi hoặc quan tâm đến góp ý, phê bình của giới học thuật dẫn đến sai sót trong thiết kế, phục dựng, tái hiện sản phẩm. Cá biệt, có hiện tượng đề cao sự nổi loạn, phá cách trong quá trình thể nghiệm, kết hợp quá đà, bất hợp lý văn hóa truyền thống với hiện đại dẫn đến hành vi phản cảm, phản văn hóa. Những biểu hiện tiêu cực này rất cần được chấn chỉnh kịp thời.

Câu chuyện bản quyền, sở hữu trí tuệ cũng là một vấn đề đáng lưu tâm, cần giải quyết triệt để mới có thể khích lệ nguồn lực tham gia nghiên cứu, sáng tạo, phát triển tham gia văn hóa truyền thống. Bởi, dù hình tượng, họa tiết, chất liệu truyền thống là tài sản chung của dân tộc Việt Nam song không thể vì vậy mà xem nhẹ, bỏ qua công sức, đóng góp của những người trẻ với việc làm mới, thậm chí tìm ra công thức, phương pháp tái hiện một số giá trị tưởng như đã thất truyền. Thực tế đã từng xảy ra trường hợp người nghiên cứu bỏ công sức, tiền bạc để phục chế một số mẫu thiết kế truyền thống, nhưng lại bị ngang nhiên chiếm đoạt ý tưởng mà không có bất kỳ đền bù hay lời thanh minh thỏa đáng. Mặt khác, lợi dụng kẽ hở trong thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, một vài cá nhân đã nhanh tay thâu tóm các kỹ thuật, công thức cổ truyền làm "tài sản riêng" của bản thân, doanh nghiệp, tạo ra những cuộc cạnh tranh không lành mạnh, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với công việc sản xuất, kinh doanh của các làng nghề, nghệ nhân truyền thống.

Nhìn ở mặt tích cực, có thể thấy, chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, nhiều đột phá trong suy nghĩ và hành động của người trẻ đã tạo ra những giải pháp bất ngờ trong gìn giữ, bảo vệ, phát huy văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại. Song có lẽ ấn tượng nhất chính là tham vọng góp phần xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa gắn kết giữa truyền thống và hiện đại. Như sự liên kết giữa nghệ sĩ Việt Max và Công ty Biti’s trong việc phát triển dòng sản phẩm giày dép tôn vinh văn hóa Việt Nam liên tiếp gặt hái thành công lớn về mặt doanh thu. Và sự tồn tại của Ỷ Vân Hiên, La Sonmai, Hoa Văn Đại Việt,... là cơ sở để nhiều người tin về khả năng ứng dụng nghệ thuật, văn hóa truyền thống vào đời sống hiện đại. Không chỉ vậy, điều này còn cho thấy người trẻ có công thức riêng để lưu giữ, kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của lịch sử, văn hóa nước nhà.

Mới đây, ngày 12/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1909/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030 với bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng: Nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý; Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa. Cùng với Quyết định là 22 chương trình, quy hoạch, đề án quan trọng để triển khai Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2030. Có thể xem các chủ trương lớn đó là động lực để thế hệ trẻ tiếp tục phát triển văn hóa nói chung, các giá trị văn hóa cổ truyền nói riêng.

Không phải ngẫu nhiên tại một số quốc gia, ngành công nghiệp văn hóa có sự phát triển nhanh chóng, thậm chí tạo ra làn sóng xuất khẩu văn hóa. Đó chính là thành tựu mà những quốc gia này có được từ chiến lược, chính sách nhận diện bản sắc văn hóa truyền thống, phát triển theo hướng đổi mới văn hóa truyền thống, giao lưu văn hóa theo hướng hòa nhập nhưng không hòa tan. Và trên hết, đó là chính sách giáo dục, khích lệ thế hệ trẻ tham gia xây dựng, phát triển, truyền bá các giá trị văn hóa từ cổ điển đến hiện đại của quốc gia, dân tộc. Đối sánh với con người và tiềm lực hiện có cùng với một nền văn hóa truyền thống đa dạng của 54 dân tộc anh em, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng các ngành công nghiệp văn hóa lớn mạnh như thế. Mà một trong những chìa khóa mở ra thành công ấy chính là quan tâm, trao niềm tin, tạo cơ hội hơn nữa để thế hệ trẻ xây dựng, bảo vệ và phát triển văn hóa nước nhà.

NHỮNG "SỨ GIẢ THẦM LẶNG"

Không chỉ đam mê nghiên cứu, khám phá, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một, ngày càng có nhiều bạn trẻ dù đang sinh sống, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn tâm huyết, triển khai những ý tưởng, dự án, hoặc việc làm nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Việt với bạn bè các nước. Có thể coi đó là những nhịp cầu góp phần đưa văn hóa Việt không ngừng đi xa, ghi dấu ấn tốt đẹp trong cộng đồng quốc tế.

Tháng 5/2020 tại Australia, “Dệt nên triều đại” - cuốn sách song ngữ Anh-Việt đầu tiên khái quát về cổ phục Việt thời Lê sơ, đã ra mắt độc giả. Cuốn sách được nhóm Vietnam Centre [Trung tâm Việt Nam-VNC] thực hiện - một tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động độc lập, do ba bạn trẻ người Việt sống tại Australia là Nguyễn Ngọc Phương Đông, Nguyễn Anh Vũ, Lê Ngọc Linh thành lập tháng 3/2017. Trước khi cuốn sách ra mắt, nhóm VNC đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt như triển lãm, trình diễn trang phục cung đình của Đại Việt thời đầu Lê sơ [1437-1471], tọa đàm, chiếu phim, hòa nhạc...

Tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng các thành viên trong nhóm đều đam mê nghiên cứu và lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc và bề dày lịch sử dân tộc. Nhận thấy tài sản văn hóa của đất nước không thua kém bất cứ cường quốc văn hóa nào trên thế giới, nhóm đã lên kế hoạch triển khai hoạt động giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế. Lê Ngọc Linh - một trong các thành viên sáng lập VNC, chia sẻ: “Khi còn ở Việt Nam, tôi không ý thức được rằng văn hóa bản địa rất quan trọng. Nhưng khi ra nước ngoài, tôi cảm nhận rất rõ khát khao hướng về cội nguồn. Chứng kiến cộng đồng người Hàn Quốc, Trung Quốc,... có những lễ hội, sự kiện văn hóa ý nghĩa, chúng tôi nảy ra ý tưởng truyền cảm hứng rộng hơn về văn hóa, lịch sử Việt Nam”.

Qua tác phẩm “Dệt nên triều đại”, nhóm mong muốn những bộ trang phục được tái hiện trong cuốn sách sẽ gợi mở, giới thiệu các dấu ấn văn hóa đặc sắc của từng thời kỳ lịch sử của đất nước song chưa được nhiều người biết đến. Tin vui là sau ba tháng ra mắt công chúng, “Dệt nên triều đại” đã được đưa vào hệ thống thư viện thuộc Đại học Quốc gia Australia như: Thư viện Menzies [chuyên về châu Á-Thái Bình Dương], Thư viện Nghệ thuật, Thư viện Luật, Thư viện Chifley, Thư viện Hancock… Nhờ vậy, cuốn sách sẽ có điều kiện tiếp cận ngày càng nhiều độc giả. Điều này càng khiến các bạn trẻ thêm tin tưởng niềm tin của nhóm với việc văn hóa chính là chìa khóa quan trọng giúp mở ra cánh cửa đến với bạn bè quốc tế. “Dệt nên triều đại” chỉ là một trong nhiều hoạt động VNC đã và tiếp tục thực hiện để góp phần quảng bá văn hóa, lịch sử của Việt Nam, như mục tiêu mà nhóm xác định: “tận dụng mọi cơ hội để quảng bá văn hóa Việt Nam ở bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến”.

Việc làm ý nghĩa của VNC là một trong rất nhiều hoạt động mà các bạn trẻ người Việt Nam hiện sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài đã và đang thực hiện, với cùng ước muốn “đưa Việt Nam đến với thế giới”. Vì đến nay, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, các giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của dân tộc vẫn chưa được nhiều bạn bè quốc tế biết đến, hoặc nếu biết đến cũng khá mơ hồ, thậm chí không ít người vẫn mặc định ấn tượng về một Việt Nam gắn với các cuộc chiến tranh liên miên. Để thay đổi cách nhìn phiến diện đó, bên cạnh vai trò không thể thiếu của Nhà nước, còn rất cần sự chung tay, vào cuộc của cả cộng đồng. Bởi mỗi người dân trong điều kiện và khả năng của mình, với trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc đều có thể đóng góp một phần vào công cuộc bảo tồn, lưu giữ, phát triển văn hóa truyền thống của cha ông, lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy đến với thế giới. Và sự nhập cuộc của thế hệ trẻ trong công cuộc giữ gìn, phát huy, quảng bá văn hóa Việt là điều đáng mừng, góp phần làm cho dòng chảy văn hóa dân tộc luôn liền mạch và không ngừng phát triển.

Hiện nay, sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã tạo ra điều kiện để giao lưu quốc tế có cơ hội được mở rộng, với thế mạnh về ngoại ngữ và khả năng nắm bắt, nhiều người trẻ chọn cách lập các trang YouTube với nội dung quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam có phụ đề tiếng Anh giúp bạn bè các nước dễ dàng tiếp cận, thưởng thức. Nhiều trang được thực hiện khá thành công, thực sự trở thành các “địa chỉ văn hóa” được người xem ở trong và ngoài nước quan tâm. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến kênh YouTube Vuong Anh’s Cooking Journey của Nguyễn Khánh Vương Anh. Vương Anh sinh năm 1995, từng là du học sinh tại Mỹ và hiện là sinh viên học ngành ẩm thực tại Trường Le Cordon Bleu, Sydney [Australia].

Với niềm đam mê ẩm thực và du lịch, trên trang YouTube của mình, Vương Anh đã đưa người xem khám phá mọi vùng miền của đất nước với những góc tiếp cận gần gũi, dung dị. Cô đã có các chuyến đi để tự khám phá nét khác biệt về văn hóa, ẩm thực của từng vùng đất, từ đó tạo ra món ăn của riêng mình với nguyên liệu khai thác ngay tại địa phương, tạo hứng thú cho khán giả. Cô tâm sự: “hãy theo dõi hành trình nấu ăn của tôi để thấy thêm nhiều vẻ đẹp lạ thường của Việt Nam”, đồng thời ấp ủ ước vọng: “biết đâu, một ngày nào đó trong tương lai, tôi sẽ mở chuỗi nhà hàng món Việt ở nước ngoài để giới thiệu ẩm thực Việt Nam ra thế giới”.

Còn Minh Trang, một du học sinh ở nước Anh cũng thuộc thế hệ 9X, lại lập trang YouTube Olive’s Diary với hình thức như một cuốn cẩm nang du lịch. Các video clip về Việt Nam trong serie “A Journey Back Home” [Hành trình trở về nhà] được Minh Trang thực hiện một cách kỹ lưỡng, chỉn chu và tinh tế, không chỉ thể hiện được chiều sâu văn hóa đặc sắc của các vùng đất mà còn được thể hiện một cách giàu cảm xúc, với lối dẫn chuyện truyền cảm, thực sự đã chinh phục người xem dù ở bất cứ quốc gia nào. Hay Nguyễn Diệu Vân, cô gái quê Bắc Ninh, sinh năm 2002, đang du học tại Mỹ lại đau đáu với nguy cơ mai một của làng tranh dân gian Đông Hồ nên đã cùng một nhóm bạn đều thuộc thế hệ 2k2 lập nên fanpage Dong Ho folk paintings [Tranh dân gian Đông Hồ] với mong muốn khơi gợi sự quan tâm và tình yêu của giới trẻ với một dòng tranh đặc sắc của dân tộc.

Trên trang fanpage, nhóm thường xuyên đăng tải các bức tranh nổi tiếng cùng lời giới thiệu ngắn gọn, súc tích, giúp người xem hiểu được nét đặc sắc của từng tác phẩm, và chân dung những nghệ nhân còn lại của làng nghề. Diệu Vân và nhóm bạn còn tích cực triển khai dự án tổ chức chợ tranh tại làng tranh Đông Hồ, đồng thời mở rộng việc quảng bá về làng nghề trên YouTube, Instagram,... để tạo sự lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng. Ngay tại ngôi trường mình đang theo học tại Mỹ, Diệu Vân thường xuyên trao đổi, giới thiệu tranh Đông Hồ, tặng tranh cho thầy cô, bạn bè quốc tế trong những dịp đặc biệt.

Với nhiều việc làm ý nghĩa tham gia các hoạt động cộng đồng, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, có thể nói các bạn trẻ đang thực hiện vai trò như những “sứ giả” văn hóa thầm lặng tại chính môi trường học tập, làm việc của mình. Bên cạnh hoạt động có tính chất cá nhân, các du học sinh người Việt còn tích cực tham gia các hoạt động do Đại sứ quán Việt Nam, Trung tâm văn hóa Việt Nam, Hội sinh viên Việt Nam,… ở các nước sở tại tổ chức. Như trong Lễ hội cộng đồng quốc tế - một hoạt động hằng năm do Hội đồng thành phố Bowling Green [tiểu bang Kentucky, Mỹ] tổ chức, quy tụ sự tham gia của đại diện đến từ nhiều nước trên thế giới, du học sinh Việt Nam thường xuyên góp mặt và có nhiều hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc.

Thông qua chương trình biểu diễn văn nghệ, trao đổi văn hóa, lịch sử, giao lưu ẩm thực,… các sinh viên Việt Nam đã mang đến cho bạn bè quốc tế hình ảnh một Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc văn hóa và đã nhận được sự quan tâm, thiện cảm của nhiều người. Hoặc gần đây, tháng 5/2021 tại thành phố Moscow [Nga], cùng với 50 đơn vị lưu học sinh quốc tế tham dự Lễ hội “Hành tinh Tây Nam” do Đại học tổng hợp Hữu nghị các dân tộc Nga [RUDN] tổ chức, các lưu học sinh Việt Nam đã có nhiều hoạt động thiết thực để giới thiệu văn hóa, đất nước Việt Nam đến với người xem, đến đông đảo người dân sở tại. Từ các cuộc giao lưu văn hóa, không ít bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam mối quan tâm đặc biệt.

Thực tế trên cho thấy sự vào cuộc với lòng đam mê, nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm của những người trẻ sống xa Tổ quốc trong công cuộc quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc là rất đáng ghi nhận. Văn hóa, lịch sử dân tộc đã được trao truyền qua nhiều thế hệ, và đến hôm nay, những người trẻ với sự hiểu biết, khả năng sáng tạo, lòng đam mê, nhiệt huyết của mình tiếp tục có những cách làm mới mẻ, truyền cảm hứng đến cộng đồng, giúp văn hóa Việt không ngừng lan tỏa. Điều này cho thấy ý thức về việc bảo tồn, phát huy và tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc ra thế giới đang ngày càng được nâng cao trong thế hệ trẻ, từ đó góp phần xây dựng, củng cố lòng tự tôn dân tộc trước làn sóng hội nhập quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ.

Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ, động viên, khích lệ hơn nữa của các hội, ban, ngành có liên quan. Để tiến hành có hiệu quả một chiến lược lâu dài, bài bản cấp quốc gia nhằm giữ gìn, phát triển, quảng bá văn hóa Việt Nam, bên cạnh vai trò của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc nhiều thành phần, thì rất cần có sự nhập cuộc của những người trẻ. Vì không ai khác, họ chính là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người tiếp tục lưu giữ, phát triển, quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới./.

Quang Minh - Thành Nam

[Nguồn: nhandan.vn]

Video liên quan

Chủ Đề