Vai trò của giáo viên cốt cán ở trường tiểu học

GDVN- Trong bối cảnh dịch COVID-19 tuy nhiên theo Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán cơ bản không bị ảnh hưởng.

Năm 2021, Đại học Thái Nguyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thực hiện bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho 6 tỉnh thành trên cả nước, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Lai Châu, Điện Biên và Thái Nguyên.

Đây là một trong những nội dung nằm trong khuôn khổ kế hoạch thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Việc triển khai hoạt động này đã đem lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc nâng cao năng lực giáo viên cốt cán của mỗi tỉnh. Sau khi được bồi dưỡng tại Đại học Thái Nguyên, các giáo viên sẽ về triển khai tập huấn đại trà tại tỉnh của mình.

Xác định đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức đào tạo cán bộ cốt cán của các tỉnh với đối tượng học viên là giáo viên cấp 1,2,3.

Công tác bồi dưỡng giáo viên cốt cán của Đại học Thái Nguyên cơ bản không bị ảnh hưởng dù dịch COVID phức tạp.

Chia sẻ về công tác triển khai thời gian qua, Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam – Trưởng ban Ban Đào tạo, Đại học Thái Nguyên cho biết, thực hiện Kế hoạch số 577/KH-BGD&ĐT ngày 18/6/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Tổ chức tập huấn triển khai môn Ngoại ngữ trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên cốt cán các cấp học phổ thông”; Kế hoạch 5277/BGDĐT - GDTrH ngày 17/11/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tập huấn giảng viên chủ chốt về hướng dẫn triển khai môn Ngoại ngữ thì Đại học Thái Nguyên triển khai tập huấn 2 modul.

Trong đó, modul 1: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 với 116 học viên tham gia và Modul 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh có 352 học viên tham gia.

Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam thông tin, các giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng đều là giáo viên cốt cán của các trường, đã nắm vững kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm giảng dạy, xử lý tình huống sư phạm và tổ chức hoạt động dạy - học hiệu quả ở các trường và địa phương mình công tác. Theo đánh giá của các giảng viên, tinh thần của các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng rất tốt, hoàn thành các nhiệm vụ bồi dưỡng đầy đủ, đặc biệt là thái độ học tập rất nghiêm túc, cầu thị, say mê, trách nhiệm. Sự hợp tác với giảng viên đã làm làm nên sự thành công cho khóa bồi dưỡng.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tuy nhiên theo Phó giáo sư Nguyễn Danh Nam, việc bồi dưỡng giáo viên cốt cán cơ bản không bị ảnh hưởng. Theo công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc tập huấn cốt cán dự kiến sẽ được triển khai theo hình thức trực tiếp, tuy nhiên do dịch bệnh các đơn vị đều phải chuyển sang hình thức trực tuyến với nhiều giải pháp như:

- Phân công và phân cấp bồi dưỡng một cách rõ ràng. Đổi mới công tác quản lí bồi dưỡng.

- Xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng thiết thực, chuyên sâu và dựa trên nhu cầu của giáo viên: bồi dưỡng về năng lực dạy học và năng lực giáo dục và quản lý lớp học.

- Đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức bồi dưỡng: Đa dạng hóa các hình thức bồi dưỡng do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chú trọng hình thức bồi dưỡng trực tuyến qua mạng. Ứng dụng phương pháp mới, kiến thức mới. Trong bồi dưỡng, giảm bớt những vấn đề lý thuyết, hàn lâm, tăng cường trao đổi, thảo luận, đưa ra ý kiến, …và đặc biệt phải cho giáo viên thực hành, xem các băng hình minh hoạ để học tập kinh nghiệm.

- Sử dụng đội ngũ giảng viên sư phạm cốt cán, phát huy thế mạnh của các trường sư phạm trong công tác bồi dưỡng giáo viên.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên, có sự hướng dẫn của giáo viên cốt cán, chuyên gia giáo dục.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và Giám đốc Đại học Thái Nguyên - Phạm Hồng Quang dự giờ thăm lớp bồi dưỡng giáo viên cốt cán tại Lào Cai.

Qua bồi dưỡng giáo viên, đại diện Đại học Thái Nguyên nhận định bất cập lớn nhất hiện nay với các trường là giải bài toán giáo viên dạy môn tích hợp. Để dạy tích hợp, thầy, cô giáo cần được bồi dưỡng. Hiện nay, công tác bồi dưỡng giáo viên nòng cốt để tiếp cận chương trình mới là yêu cầu quan trọng nhất và phải được đặt lên hàng đầu. Họ sẽ là những “máy chủ” nắm thật kỹ để truyền đạt kinh nghiệm và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới những năm tiếp theo.

Chính vì vậy, công tác bồi dưỡng về đổi mới trong phương pháp giảng dạy cùng việc nâng cao năng lực của mỗi cán bộ giáo viên trở thành giáo viên cốt cán sẽ góp phần tích cực vào nâng cao chất lượng dạy và học tại các địa phương trên cả nước.

Phát huy vị thế, vai trò của một Đại học vùng, Đại học Thái Nguyên tập trung xây dựng đội ngũ, bồi dưỡng đào tạo, nâng cao năng lực giáo viên cốt cán tại các tỉnh thành. Các giáo viên nòng cốt được tham gia bồi dưỡng đều đánh giá công tác bồi dưỡng lần này rất ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả; quá trình triển khai cẩn thận, có lộ trình hợp lý, khoa học. Sau khóa học, đa số giáo viên cho rằng, họ đã hiểu hơn về chương trình giáo dục phổ thông 2018, về từ quan điểm xây dựng, các điểm mới, nội dung, mục tiêu, yêu cầu cần đạt, định hướng về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá theo phát triển năng lực… Các thầy cô cũng nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân trong triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương tự bồi dưỡng qua hệ thống online.

Với những nỗ lực trong công tác bồi dưỡng giáo viên năm qua, năm 2022, Đại học Thái Nguyên tiếp tục phát huy vai trò và vị thế, làm tốt hơn nữa “nhiệm vụ chính trị”. Đồng thời, phát triển quy mô đào tạo hợp lý; tạo bước chuyển biến căn bản về chất lượng và đào tạo, khoa học và công nghệ, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế; tập trung phát triển các ngành đào tạo trọng điểm, mũi nhọn đạt chuẩn kiểm định; xây dựng và phát triển tài nguyên giáo dục mở gắn với mô hình điện tử thông minh.

Hà Anh

Theo giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa/internet

Mô hình 5- 3 -7 trong bồi dưỡng giáo viên

Mô hình bồi dưỡng giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông Bộ GD&ĐT đang triển khai có nhiều điểm mới. Theo đó, bồi dưỡng, thường xuyên, liên tục, tại chỗ; kết hợp trực tiếp - trực tuyến với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt; biến quá trình bồi dưỡng thành tự bồi dưỡng có hỗ trợ - xây dựng cộng đồng học tập tại nhà trường phổ thông.

Chương trình bồi dưỡng thường xuyên gồm có 9 mô đun, trong đó có 2 mô đun bắt buộc và giáo viên được lựa chọn 3 trong số 4 mô đun [tổng cộng là 5 mô đun]. Ngoài ra, giáo viên có thể tham khảo tài liệu học tập của 3 mô đun còn lại.

TS Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên gia tư vấn của Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông [ETEP], cho biết: Một mô đun được thiết kế với khối lượng kiến thức cho thời gian học tập là 5- 3 -7.

Trong đó, 5 ngày học tập trực tuyến. 3 ngày học trực tiếp - hỗ trợ trực tiếp, giải đáp thắc mắc, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, sinh hoạt chuyên môn trực tiếp tại trường/cụm trường. Tùy theo điều kiện của từng địa phương, có thể tổ chức bồi dưỡng trực tiếp do giảng viên sư phạm giảng dạy và giáo viên cốt cán là trợ giảng hỗ trợ; 7 ngày tiếp tục tự học, hoàn thành các bài kiểm tra, bài tập cuối khóa, bài khảo sát] …

Trên thực tế, do học tập trực tuyến và giáo viên vẫn phải đảm bảo nhiệm vụ ở trường nên thời gian học tập cho mỗi mô đun khoảng từ 20 đến 40 ngày.

Hỗ trợ đồng nghiệp phát triển năng lực nghề nghiệp

Vai trò, nhiệm vụ của giáo viên cốt cán theo mô hình bồi dưỡng mới là hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhấn mạnh điều này, TS Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, đội ngũ giáo viên cốt cán được xem như là cánh tay nối dài giữa trường đại học sư phạm, giảng viên sư phạm với trường phổ thông và các giáo viên phổ thông.

Theo đó, sau khi được bồi dưỡng vừa trực tuyến, vừa trực tiếp bởi các giảng viên sư phạm chủ chốt, các thầy cô cốt cán sẽ có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp với sự hỗ trợ, góp ý của giảng viên sư phạm chủ chốt về chuyên môn.

Đồng thời, triển khai kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp, như: Tổ chức tự bồi dưỡng cho giáo viên hoàn thành các mô đun theo kế hoạch năm trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến [LMS]; hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông truy cập vào tài khoản học tập trên Hệ thống LMS.

Giáo viên cốt cán cũng có nhiệm vụ hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông tự học trên hệ thống LMS.

Cụ thể, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc trực tuyến trên LMS để giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành khối lượng học tập qua mạng và hoàn thành bài kiểm tra trắc nghiệm qua mạng;

Hỗ trợ giáo viên/cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông làm bài tập thực hành mô đun bồi dưỡng, tải kết quả trên hệ thống LMS;

Chấm/đánh giá các bài tập hoàn thành mô đun, đôn đốc trả lời khảo sát về mô đun bồi dưỡng và khảo sát về chương trình bồi dưỡng;

Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng trực tiếp, trao đổi kế hoạch bài dạy, dự giờ, thảo luận chuyên đề, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch giáo dục năm cho các đồng nghiệp…

“Những hỗ trợ này là thường xuyên, liên tục ngay cả khi đồng nghiệp hoàn thành các mô đun bồi dưỡng hoặc chưa được học tập trên hệ thống LMS; từ đó xây dựng và phát triển cộng đồng học tập theo môn học và trong chính trường của mình” -  TS Nguyễn Thị Kim Dung chia sẻ.

“Điểm tựa” của giáo viên cốt cán

Theo TS Nguyễn Thị Kim Dung, Ban Quản lý Chương trình ETEP là đơn vị điều phối các trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục tham gia ETEP đồng hành cùng đội ngũ cốt cán trong hỗ trợ đồng nghiệp hoàn thành các mô đun bồi dưỡng phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều hình thức và các kênh khác nhau.

Có thể kể đến việc phối hợp với các trường sư phạm được giao nhiệm vụ biên soạn các mô đun bồi dưỡng đảm bảo chất lượng, bám sát những yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tổ chức bồi dưỡng đội ngũ cốt cán có đủ năng lực về chuyên môn và phương pháp hỗ trợ; nhiệt huyết và sẵn sàng nhận nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng;

Lựa chọn, phân công các giảng viên sư phạm chủ chốt hỗ trợ đội ngũ cốt cán trong bồi dưỡng đại trà.

Ban Quản lý Chương trình ETEP cũng tham gia xây dựng và trình ban hành các văn bản chỉ đạo từ cấp Bộ, đến cấp Sở, trường đại học sư phạm/Học viện Quản lý giáo dục để đôn đốc đội ngũ đại trà hoàn thành các mô đun bồi dưỡng. Tham gia hoàn thiện hệ thống LMS để đội ngũ cốt cán thuận lợi, dễ dàng tương tác với đồng nghiệp và sự hỗ trợ của các nhà cung ứng LMS đến từng đơn vị cơ sở.

“Tóm lại, theo mô hình bồi dưỡng mới, giáo viên tự học, tự bồi dưỡng trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến [LMS], với sự hỗ trợ của giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt.

Điều này sẽ giúp cho giáo viên được tiếp cận với nguồn tài liệu gốc, biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự học, tự bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng các cộng đồng học tập tại nhà trường” - TS Nguyễn Thị Kim Dung cho hay.

[theo giaoducthoidai.vn]

Video liên quan

Chủ Đề