1105 có nghĩa là gì

      Nữ Trung Tùng Phận chú thích: từ câu 1105 dến câu 1401.
      ***************************************************************************

Nữ Trung Tùng Phận
Chú thích

1105.

Bước cảnh tịnh đã đành để cẳng,
Tóc qui y nửa trắng nửa vàng.
Phồn hoa xa mã rộn ràng,
Vinh vinh nhục nhục dẫy tràn kiếp căn.

Chú thích:

Cảnh tịnh: Cảnh chùa, ngôi chùa. Tịnh là trong sạch, nơi tu hành thì phải thanh tịnh, trong sạch. Qui y: Qui là trở về, y là nương theo, dựa vào. Nói đầy đủ là Qui y Tam bảo: Qui y Phật, qui y Pháp, qui y Tăng. Qui y Tam bảo là trở về nương theo Phật, Pháp, Tăng. Tóc qui y: Người lập nguyện qui y vào cửa Phật thì phải thí phát, tức là cạo tóc cho thành đầu trọc. Tóc qui y là tóc cạo ra trong buổi lễ qui y. Phồn hoa: Nơi dân cư đông đảo đua chen danh lợi. Xa mã rộn ràng: Xe ngựa nhộn nhịp. Kiếp căn: Đồng nghĩa với Căn sinh [trong câu 1072].

Câu 1105: Đành bước vào chùa xin qui y tu hành.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1105 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1109.

Ngắm thế cuộc chẳng bằng một giấc,
Kiếp phù sinh đặng thất là bao.
Nhẫng là đeo thảm chác sầu,
Tóc xanh cho tới bạc đầu cũng in.

Chú thích:

Nhẫng là: Chỉ là. Đeo thảm chác sầu: Đeo mang phiền não, chuốc lấy buồn rầu.

Hai câu 1109-1110: Ý nghĩa giống với 2 câu 949-950:

Đời vắn ngủn huỳnh lương in giấc,
Kiếp phù sanh đặng thất nơi thân.

Câu 1112: Từ lúc trẻ tuổi cho tới lúc tuổi già đầu bạc, việc đời cũng in hệt nhau, nghĩa là chỉ biết chạy theo danh lợi rồi phải mang lấy phiền não.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1109 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1113.

Nào là phép giựt giành quyền lợi,
Nào là phương chuộng quới cầu vinh.
Thử đem sánh khổ kiếp sanh,
Chưa ai thấy đặng phước giành nhiều hơn.

Chú thích:

Phép: Cách thức. Phương: Phương cách. Chuộng quới: Ưa thích giàu sang. Quới là nói trại chữ Quí, là giàu sang.

Hai câu 1115-1116: Trong kiếp sống của mỗi người, thử đem so sánh cái đau khổ và cái hạnh phúc, chưa ai thấy cái hạnh phúc chiếm phần nhiều hơn. [Cho nên, Đức Phật mới nói rằng: Đời là biển khổ.]

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1113 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1117.

Nào vui gượng do cơn khóc lỡ,
Nào là khi chịu tớ làm thầy.
Quyền là chi? Lợi là chi?
Dứt hơi ba tấc có gì gọi hay.

Chú thích:

Chịu tớ làm thầy: Chịu nhịn nhục vì gặp kẻ không ra gì mà lên mặt làm thầy dạy đời. Dứt hơi ba tấc: Hết thở, chết. Ba tấc hơi không có nghĩa là cái hơi thở dài 3 tấc, mà đây chỉ là một cách nói, giống như nói: Tấc lòng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1117 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1121.

Nào là lúc ăn cay uống đắng,
Nào là khen rồi mắng bao phen.
Tuồng đời trọng trọng hèn hèn,
Chẳng qua bướm tối mến đèn xôn xao.

Chú thích:

ˆn cay uống đắng: Chỉ sự khổ cực đau đớn.

Câu 1124: Bướm cũng như các con thiêu thân khác, chỉ những kẻ tầm thường; ánh đèn chỉ cuộc danh lợi. Người đời thấy chỗ nào có danh lợi thì rộn rịp nhào vô, giống như con buớm kia thấy ánh đèn thì bu lại để rồi bị sức nóng của đèn đốt chết.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1121 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1125.

Nào chửa đẻ biết bao khổ nhọc,
Nào hơn thua theo học sách đời.
Tang thương lúc biến khi dời,
Trăm năm e cũng một đời thế thôi.

Chú thích:

Chửa đẻ: Người phụ nữ có chồng thì có chửa và đẻ ra đứa con. Đó là nhiệm vụ cao quí mà Trời giao phó cho phụ nữ để di truyền nòi giống loài người. Sách đời: Cuộc đời ví như một cuốn sách, có đủ các bài học, đủ các môn học thiện ác, chánh tà, từ thấp lên cao. Tang thương: Do thành ngữ "Tang điền thương hải": Ruộng dâu biến thành biển xanh. Theo Thần Tiên Truyện, Tiên Nữ Ma Cô nói với Vương phương Bình rằng: Từ khi tôi hầu tiếp ông đến nay, đã từng thấy biển xanh 3 lần biến thành ruộng dâu. Do đó, các thành ngữ: Tang thương, Tang hải, Bể dâu,... là để chỉ sự biến đổi luôn luôn xảy ra trong cuộc đời.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1125 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1129.

Nào tranh đấu thắng rồi lại thất,
Của phù du chứa chất gọi giàu.
Thân còn đã quí là bao,
Dứt hơi của cải thế nào không hay.

Chú thích:

Phù du: Phù là nổi, du là lông bông trên mặt nước. Con phù du là loại côn trùng nhỏ, bay từng đàn trên mặt nước, tối lại khi thấy ánh đèn thì bay tới bu quanh ngọn đèn rồi chết. Kiếp phù du là kiếp sống ngắn ngủi của con phù du, sáng sanh ra chiều thì chết. Của phù du: Của cải không bền, thấy có đó rồi mất đó.

Hai câu 1131-1132: Tấm thân của con người, mình phải xem là quí trọng biết bao, vì có thân mới tạo ra của cải. Khi thân chết rồi thì của cải đâu có đem theo được, lại lọt vào tay kẻ khác mà mình đâu còn hay biết.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1129 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1133.

Thiệt thì bỏ, giả vay nên nợ,
Mãn căn sanh chưa mở dây oan.
Kìa là vua, nọ là quan,
Cũng như bọn hát hý tràng bán vui.

Chú thích:

Căn sanh: Cái số phận của kiếp sông con người. [Xem Chú thích câu 1072]. Mãn căn sanh: Hết một kiếp sống. Dây oan: Sợi dây oan nghiệt. Mình làm người ta thù giận mình thì sự thù giận ất tạo thành sợi dây oan nghiệt ràng buộc mình, kiếp nầy phải đền trả theo đúng luật nhân quả. Khi trả xong thì sợi dây oan nghiệt nầy mới tiêu mất. Hý tràng: Hý trường, rạp hát. Bán vui: Bọn đào kép thì bán vui, người đi coi hát thì mua vui.

Câu 1133: Người đời thường vô minh, nên cái thiệt thì bỏ đi, lại ham thích cái giả, tìm kiếm cái giả để mà vay mượn nên phải mắc nợ. Vì mắc nợ nên con người cứ mãi trầm luân trong cõi trần để vay vay trả trả, hết kiếp nầy sang kiếp khác.

Vậy cái nào là Thiệt? Cái nào là Giả?

Đức Chí Tôn có dạy rằng: "Việc chi do người đều phàm cả, nó không bền, thường thường bị hư hỏng và tiêu tan ngay sau khi người đã được nó tặng bị cướp mất sự sống. Các con nên tìm phẩm tước nơi cõi thiêng liêng, tước phẩm ấy mới là vĩnh viễn. ... Các con nên tìm sự giàu có trong đức tính của Trời. Chỉ có cách đó mới là vĩnh cửu. Của quí ấy không ai ăn cướp đặng cả. ... Danh quyền nơi Trời là bền nhứt, và danh quyền ấy mới chịu đựng nổi bao thử thách. Đức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung bạch: Mấy con phải làm sao mà tìm được phẩm tước, của cải, danh vọng nơi Trời? Thầy trả lời: Tu." [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, trang 136]

Như vậy, tất cả danh vọng, của cải nơi cõi thế gian nầy đều là giả tạm, chúng ta chỉ mượn nó để học hỏi và làm nấc thang để tiến hóa. Chỉ có của cải và danh vọng nơi Trời mới thiệt, vì nó tồn tại vĩnh viễn với thời gian.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1133 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1137.

Sống thấy chết, miệng cười mắt khóc,
Nịnh lừa trung, lưỡi thọc tay đâm.
Cũng như ác thú nhốt hầm,
ˆn nhau cho đã nào cần mệnh nhau.

Chú thích:

Lưỡi thọc tay đâm: Miệng thì nói lời đâm thọc gây ác cảm chia rẽ, tay thì toan cầm gươm đâm chém.

Câu 1137: Người nầy sống thấy người khác chết thì cười, trong lúc thân nhân của người chết thì khóc.

Hai câu 1139-1140: Cũng như đám thú dữ bị nhốt chung trong một cái hầm, chúng không biết thương nhau, mà lại ăn thịt nhau cho thỏa sự thèm khát, nào cần biết mạng sống của nhau.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1137 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1141.

Muốn lấy đạo làm đao hại thế,
Toan dùng văn gọi kế sanh nhai.
Đường hung ác, nẻo chông gai,
Lấn chen vào chốn nghiệt đài gọi ngoan.

Chú thích:

Đạo: Tôn giáo. Đao: Cây gươm. Hại thế: Hại đời. Nghiệt đài: Nghiệt là cái mầm ác, nghiệp ác; đài là nơi cất cao. Nghiệt đài tức là Nghiệt Cảnh Đài. Nơi đây có một tấm kiếng huyền diệu dành cho những người tội lỗi, nhìn vào thấy diễn ra trở lại hành vi tội lỗi của mình. Người thiện không bao giờ được đến Nghiệt Đài. "Đài Nghiệt Cảnh là nơi rọi sáng các việc lỗi lầm, bước luân hồi sẽ dẫn vào nơi u khổ cùng sầu mà đày đọa đời đời kiếp kiếp. ƒy là buổi chung qui của khách trần đó." [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 1, trang 90]

Hai câu 1141-1142: Muốn dùng tôn giáo làm món khí giới sắc bén để hãm hại người đời, lại tính dùng văn chương để mê hoặc người đời, gọi đó là phương cách để sanh sống.

Hai câu 1143-1144: Đi vào con đường hung ác, hay đi vào những nẻo chông gai khó khăn nguy hiểm, chẳng khác chi chen lấn vào chốn Nghiệt Cảnh Đài, gây ra lắm oan nghiệt tội tình, thế mà gọi là ngoan!

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1141 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1145.

Mạnh hiếp yếu lấy gan hung bạo,
Dữ lấn hiền gươm giáo là hơn.
Nhẫng lo chác oán mua hờn,
Hại nhau chẳng biết nghĩa nhơn thế nào.

Chú thích:

Gan hung bạo: Lòng hung dữ bạo ngược. Gươm giáo là hơn: Chỉ biết dùng võ lực hay gươm giáo là hơn hết.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1145 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1149.

Thấy cảnh thế mà đau với thế,
Biết thương đời mấy kẻ vì đời.
Ngán thay cái kiếp con người,
Thôi đành bến Phạm kiếm lời Phật răn.

Chú thích:

Bến Phạm: Ý nói cửa chùa, nơi tu hành. Phạm là Phật.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1149 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1153.

Thay đạo phục bước xăng lánh thế,
Mơi thì kinh, tối kệ giải lòng.
Từ bi hứng giọt nhành dương,
Lau thanh trái chủ, lấp đường nghiệt căn.

Chú thích:

Đạo phục: Quần áo của tu sĩ mặc trong tôn giáo. Bước xăng: Bước nhanh đi. Lánh thế: Xa lánh cõi đời. Giọt nhành dương: Nước Cam lồ do Đức Quan Âm Bồ Tát luyện thành, dùng cành dương liễu rải nước Cam lồ. Nước Cam lồ có tác dụng rất huyền diệu, tiêu trừ các ô trược, các oan nghiệt tội chướng nơi cõi trần, và cải tử huờn sanh. Lau thanh: Lau sạch. Trái chủ: Người chủ nợ. Nghiệt căn: Cái gốc rễ của nghiệp ác, tức là những việc làm ác độc trong kiếp trước, khiến kiếp nầy phải chịu nhiều nỗi đau đớn khổ sở. Nghiệt là cái nghiệp ác; căn là cái gốc rễ từ kiếp trước.

Hai câu 1153-1154: Mau bước lánh đời, qui y vào đạo, mặc áo đạo tu hành, sáng chiều tụng niệm kinh kệ, cởi bỏ lòng trần tục.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1153 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1157.

Đoạn tình ái đem quăng bể khổ,
Bứt hồng duyên tính bỏ non thề.
Nầy bờ tục, nọ bến mê,
Từ đây không trở lộn về thấy ngươi.

Chú thích:

Đoạn: Cắt đứt. Quăng: Ném đi. Bứt: Giật cho đứt. Hồng duyên: Tơ duyên, mối dây ràng buộc vợ chồng. Hồng là chỉ sợi tơ đỏ, tơ hồng. Non thề: Cái núi mà 2 người lúc mới yêu nhau chỉ nó mà thề nguyền với nhau. Bờ tục & Bến mê: Đồng nghĩa với Bến mê, chỉ cõi trần. Bờ tục tức là cõi tục, cõi trần; Bến mê chữ Hán là Mê tân, chỉ cõi trần, vì con người sống trong cõi trần đều mê muội. Trái với Mê là Giác. Còn Mê thì còn là chúng sanh, Giác thì thành Phật. Ngươi: thế cho chữ Bờ tục hay Bến mê.

Hai câu 1157-1158: Quyết tâm cắt đứt tình yêu vợ chồng hay tình yêu nam nữ để đi tu.

Câu 1160: Quyết tâm đi tu, nhứt định không thối bước

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1157 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1161.

Vì thấy đó phải cười lộn khóc,
Sách của ngươi chẳng học mà say.
Cửa ngươi cửa đọa cửa đày,
Ghét ngươi ta dứt từ ngày buổi ni.

Chú thích:

Sách của ngươi: Sách của cõi trần. Buổi ni: Buổi nầy.

Câu 1162: Nói ví theo nghĩa đen của từ ngữ Mê. Mê thì đi liền với chữ Say: Mê say, Say mê. Sách của Bờ tục Bến mê không học mà cũng say.

Câu 1163: Cõi trần là cõi đọa cõi đày. "Trần là cõi khổ để đọa bậc Thánh Tiên có lầm lỗi. ƒy là cảnh sầu để trả xong quả, hoặc về ngôi cũ, hoặc trả không xong quả phải mất cả chơn linh, là luân hồi, nên kẻ bị đọa trần gọi là Khách trần." [Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển 2, trang 3]

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1161 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1165.

Lần chuỗi hột từ bi cứu khổ,
Nương gió thanh trăng tỏ là nhà.
Nước non để bước ta-bà,
Sô xiêm đem nhuộm màu dà gọi duyên.

Chú thích:

Gió thanh trăng tỏ: Chữ Hán là "Thanh phong minh nguyệt": Gió mát trăng sáng, chỉ cảnh thanh tịnh nên thơ. Ta-bà: Chữ Phạn là Saha, phiên âm là Ta-bà hay Sa-bà, nghĩa là nhẫn nhục. Cõi Ta-bà là cõi mà người tu phải chịu đựng sự nhẫn nhục vì cõi nầy có nhiều ác độc và ô trược. Cõi Ta-bà chính là cõi trần nầy. Để bước Ta-bà: Bước đi khắp nơi trên cõi trần. Sô xiêm: Quần áo bằng vải thô. Sô là vải thô, xiêm là xiêm y, quần áo. Màu dà: Màu nâu. Gọi duyên: Gọi là có duyên tu hành.

Câu 1165: Lần chuỗi hột bồ đề, niệm câu từ bi của Phật, tụng kinh Cứu Khổ cầu cho chúng sanh bớt khổ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1165 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1169.

Trương thẳng cánh con thuyền Bát Nhã,
Cổi đau thương giải quả trừ khiên.
Lấy thân rửa thảm lau phiền,
Đem công chuộc khách thuyền quyên lụy tình.

Chú thích:

Trương thẳng cánh: Giương thẳng cánh buồm. Thuyền Bát Nhã: Thuyền Trí huệ. [Xem Chú thích câu 1000]. Cổi đau thương: Cổi bỏ hết các nỗi đau thương. Giải quả: Cởi bỏ hết các kết quả xấu do các ác hành đã gây ra trong kiếp trước. Đó là Nghiệp quả xấu cần phải cởi bỏ ra. Trừ khiên: Trừ diệt các tội lỗi trong kiếp trước gây ra. Lấy thân: Dùng cái tấm thân tu hành nầy. Đem công: Lấy cái công quả lập được do tu hành. Thuyền quyên: Người phụ nữ xinh đẹp. Lụy tình: Khốn khổ vì tình yêu.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1169 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1173.

Túi gió trăng thinh thinh rộng mở,
Vui hạc cầm hay dở thú riêng.
Khi động Thánh, lúc non Tiên,
Sớm thì Hải đảo, tối miền Thiên Thai.

Chú thích:

Túi gió trăng: Bầu trời có gió mát trăng thanh, chỉ cảnh thanh nhàn thơ thới. La Hồng Tiên viết: "Thanh phong minh nguyệt nhất thi nang." nghĩa là: Gió mát trăng trong, thơ một túi. Thinh thinh: Rộng lớn thênh thang. Hạc cầm: Con hạc và cây đàn, chỉ cảnh nhàn hạ thanh bạch. Điển tích: Ông Triệu thanh Hiến đời Tống, được vua bổ nhậm làm quan, khi đi phó nhậm, ông chỉ đem theo một con hạc và một cây đàn, không có vợ con hay đày tớ chi cả. Ông nổi tiếng là vị quan thanh liêm và nhân hậu. Vui hạc cầm: Ý nói sống vui vẻ tự nhiên, không bận tâm đến việc đời. Thú riêng: Thú vui riêng của mỗi người. Động Thánh: Cái động đá làm nơi ở của các vị Thánh. Non Tiên: Cái núi dùng làm nơi ở của các vị Tiên. Hải đảo: Cái đảo ngoài biển, nơi ở của các vị Tán Tiên. Thiên Thai: Tên một hòn núi ở tỉnh Triết giang bên Tàu, chỉ cảnh Tiên. Tương truyền, Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi hái thuốc, lạc vào núi nầy, gặp hai Tiên Nữ, rồi cùng hai nàng kết duyên thành vợ chồng. Lưu Thần và Nguyễn Triệu vì lòng trần chưa dứt nên sau khi ở cảnh Tiên được nửa năm thì lòng chợt nhớ quê nhà, hai người đòi về thăm. Khi trở lại quê hương thì phong cảnh hoàn toàn đổi khác, hỏi ra mới biết đã đến đời cháu thứ sáu rồi. Không còn ai quen thuộc, lòng buồn bã hối hận, hai chàng trở lại núi Thiên Thai nhưng không tìm được đường lên cõi Tiên nữa. [Chuyện nầy giống như chuyện Từ Thức ở nước ta].

Hai câu 1175-1176: Đi chơi vui thú nơi nầy nơi khác, thật thảnh thơi nhàn hạ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1173 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1177.

Đạp giày cỏ nương cây gậy bá,
Mặc áo tơi nón lá che thân.
Trừ trần cấu, xủ phất trần,
Quen bờ biển trí, dựa gần non nhân.

Chú thích:

Giày cỏ: Chữ Hán là Thảo hài. Thảo là cỏ, hài là giày. Đây là giày của các đạo sĩ thời xưa làm bằng loại cỏ mền kết lại. Giày cỏ có hình dáng thô kệt, nhưng không tốn tiền mua, đi cũng được êm chân. Đây là giày của người tu. Gậy bá: Cây gậy làm bằng cây trắc. Áo tơi: Áo đi mưa làm bằng lá cọ, không có tay áo. Trần cấu: Trần là bụi, cấu là cáu ghét dơ bẩn. Trần cấu là chỉ những xấu xa dơ bẩn nơi cõi trần. Xủ: Rủ xuống. Phất trần: Phất là quét, trần là bụi. Phất trần là cây chổi Tiên để quét các thứ bụi dơ dáy của cõi trần bám vào Chơn thần, làm cho Chơn thần được trong sạch nhẹ nhàng, có thể bay lên cõi Tiên. Phất trần còn được gọi là Phất chủ, là bửu bối đặc biệt của các vị Tiên, nên Phất trần được dùng làm Cổ pháp tượng trưng Đạo Tiên [Tiên giáo]. Biển trí: Trí là sự sáng suốt hiểu biết. Biển trí là sự hiểu biết rộng như biển, đó là Trí huệ. Người có trí huệ thì hết mê lầm, tức là giác ngộ, mà giác ngộ thì đắc thành Tiên, Phật. Ở đây, biển trí chỉ cõi Tiên hay cõi Phật. Quen bờ biển trí: Thường đi đến cõi Tiên. Non nhân: Nhân là lòng thương người mến vật, thương khắp chúng sanh. Non nhân là lòng thương người lớn như núi. Đó chính là lòng từ bi bác ái của Phật. Ở đây, non nhân là chỉ cõi Phật.

Câu 1179: Dùng cây Phất trần để quét sạch các thứ dơ bẩn của cõi trần đã bám vào Chơn thần.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1177 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1181.

Đến phồn hoa thân gần tục lự,
Chơi lầu hồng hỏi thử trái căn.
Chuỗi bồ trừ nghiệt gió trăng,
Linh đơn cứu kẻ khổ phần liễu hoa.

Chú thích:

Phồn hoa: Nơi đông đúc dân cư đua chen danh lợi. Tục lự: Tục là tầm thường thấp kém, chỉ cõi trần; lự là suy nghĩ lo lắng. Tục lự là những lo lắng phiền não của con người nơi cõi trần. Lầu hồng: Chữ Hán là Hồng lâu, chỉ nhà ở của con gái đẹp và giàu sang. Thơ của Lý Bạch: "Mỹ nhân nhất tiếu khiên châu bạc, Giao chỉ hồng lâu thị thiếu gia." nghĩa là: Người đẹp liền cười, kéo rèm châu nhìn ra. Tay chỉ lầu hồng đó là nhà em. Trái căn: Trái là món nợ, căn là gốc rễ từ kiếp trước. Trái căn là món nợ đã gây ra từ kiếp trước. Chuỗi bồ: Xâu chuỗi bồ đề, làm bằng những hột của cây bồ đề. Nghiệt: Cái mầm ác, cái nghiệp ác. Gió trăng: Chữ Hán là Phong nguyệt, chỉ sự lã lơi chung chạ không đứng đắn giữa nam và nữ. Linh đơn: Thuốc Tiên. Linh là thiêng liêng, đơn là thuốc. Liễu hoa: hay Hoa liễu, là những chứng bịnh nơi bộ sinh dục và lây lan do giao hợp, như bịnh lậu, bịnh giang mai, v.v... Kẻ khổ phần liễu hoa: Những người bị đau khổ vì chứng bịnh do sắc dục bừa bãi và quá độ gây ra.

Câu 1181: Đi đến chốn phồn hoa là đem thân vào nơi phiền não.

Hai câu 1183-1184: Việc tu hành trừ bỏ được các oan nghiệt gây ra do sự quan hệ không đứng đắn giữa nam nữ, và như liều thuốc Tiên để cứu vớt những kẻ đau khổ vì sắc dục bừa bãi quá độ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1181 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1185.

Gót nhân ái đến nhà kẻ bịnh,
Giọng từ bi thức tỉnh hung tâm.
Giữa cơn náo loạn trổi cầm,
Lấy hơi hòa nhã dẹp lần bỉ thô.

Chú thích:

Gót nhân ái: Bước chân của người có lòng nhân ái, luôn luôn muốn cứu giúp chúng sanh. Giọng từ bi: Lời nói từ bi. Náo loạn: Ý nói lúc cang thường điên đảo, đạo đức suy đồi, mạnh ai nấy tranh đua giựt giành danh lợi. Trổi cầm: Trổi lên tiếng đàn. Bỉ thô: Thô bỉ, xấu xa đáng khinh rẻ.

Hai câu 1187-1188: Giữa cuộc đời đang lúc náo loạn, người tu cần phải nói lên lời đạo đức giống như trổi lên khúc nhạc hòa nhã để thức tỉnh người đời, dẹp lần điều xấu xa bỉ ổi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1185 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1189.

Giúp những kẻ ôm mồ thủ hiếu,
Dỗ những trang bận bịu khối tình.
Dọn đường phước giúp mày xanh,
Đưa con thuyền hạc đến gành thiên lương.

Chú thích:

Ôm mồ thủ hiếu: Đây là nói về Vương Bầu, mỗi khi nghe sấm nổ thì chạy ra ôm mồ của mẹ mà vái rằng: "Có con ở đây, mẹ đừng sợ." Vì lúc mẹ còn sống, bà rất sợ tiếng sấm. Đây là một gương hiếu thảo trong Nhị thập tứ Hiếu. Khối tình: Ý nói tình yêu dữ dội giữa trai và gái. Đường phước: Con đường tạo ra phước đức, đó là con đường tu hành. Mày xanh: Chỉ người phụ nử trẻ tuổi. Thuyền hạc: Thuyền được ví duyên phận của người con gái [Thuyền với 12 bến nước]; Hạc được ví với vóc dáng của con gái [Mình hạc xương mai]. Thuyền hạc là chỉ người phụ nữ. Gành: Ghềnh, ở đây có ý chỉ nơi chốn. Thiên lương: Cái tốt đẹp mà Trời ban cho người để khuyên nhủ con người làm điều hay sự phải. Đến gành thiên lương: Đến nơi mà Thiên lương tỏ rạng, hết vô minh, ý nói đến bờ giác ngộ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1189 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1193.

Tưới hoa chạ bên đường vô chủ,
Đậy giậu thưa cúc xủ mai xào.
Bó lòng thảm, dệt tâm đau,
Nâu sồng cậy phép đổi màu anh hoa.

Chú thích:

Hoa chạ: Bông của cây mọc hoang, chỉ những người con gái làng chơi, vô giá trị. Vô chủ: Không có ai làm chủ. Giậu thưa: Hàng rào thưa thớt. Cúc xủ mai xào: Hoa cúc hoa mai héo xào, chỉ những phụ nữ đang gặp hoạn nạn sầu thảm. Dệt: là kết lại. Nâu sồng: Màu nâu và màu sồng, là màu quần áo của tăng ni nhà Phật, chỉ việc tu hành. Nâu sồng cậy phép: Dựa vào việc tu hành. Anh hoa: Cái bông đẹp đẽ nhứt, chỉ người phụ nữ đẹp.

Hai câu 1193-1194: Mở lòng nhân ái cứu giúp những người con gái làng chơi bạc phận, và những phụ nữ hoạn nạn thảm sầu.

Câu 1195: Buộc chặt lòng sầu thảm và lòng đau khổ, ý nói đè nén lòng sầu thảm đau khổ.

Câu 1196: Người phụ nữ trút bỏ lớp quần áo đẹp, để mặc nâu sồng lo việc tu hành.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1193 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1197.

Câu tư dục biến ra bác ái,
Nghiệp oan khiên đổi lại hồng ân.
Khi kinh Thánh, lúc kệ Thần,
Đoạn trường diệt dứt nợ nần nữ lưu.

Chú thích:

Tư dục: Lòng tham lam ích kỷ. Nghiệp oan khiên: Sự hờn giận và tội lỗi do mình gây ra tạo thành cái nghiệp xấu ảnh hưởng lên đời mình, làm cho mình phải chịu nhiều đau đớn sầu khổ. Hồng ân: Ơn huệ to lớn do Trời ban cho. Theo Giáo lý của Đạo Cao Đài, sau khi nhập môn cầu đạo, người tín đồ được hưởng Phép Giải Oan, cởi bỏ hết các oan khiên nghiệp chướng, lại hưởng được hồng ân của Đức Chí Tôn, mà dốc chí tu hành.

Câu 1200: Tiêu diệt hết sạch những nỗi đau khổ trong tình trường và những oan trái của người phụ nữ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1197 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1201.

Lầu xanh giặm màu tu trở vẻ,
Cửa không môn mở hé chơn hồng.
Thu phòng học chước thu không,
Đốt hương cho ấm cho nồng phòng tiêu.

Chú thích:

Lầu xanh: Thanh lâu, ở đây không có nghĩa là nhà chứa gái điếm, mà chỉ nhà giàu có sang trọng. Điển tích: Tấn Thư có câu: "Nam khai chu môn, bắc vọng thanh lâu." nghĩa là: Phía Nam mở cửa đỏ, phía bắc trông lầu xanh. Giặm: Điểm thêm vào. Màu tu trở vẻ: Thay đổi màu sắc để có cái vẻ là nơi tu hành. Chơn hồng: Gót son, chỉ người phụ nữ đẹp. Thu phòng: Chỉ người phụ nữ luống tuổi. Thu không: Chiều tối. [Xem câu 966]. Phòng tiêu: Phòng của người vợ.

Câu 1201: Người phụ nữ ở trong cái nhà sang trọng kia nay biết lo tu hành thì cái vẻ ngoài của nó đổi khác trước.

Hai câu 1203-1204: Người phụ nữ lo tu hành rồi nên chiều tối là đốt hương niệm Phật.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1201 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1205.

Đưa tuổi hạc quen chiều non nước,
Mượn bút nghiên làm chước chê đời.
Nâng bầu nhựt nguyệt lưng vơi,
Dành gương liệt nữ để lời trinh phu.

Chú thích:

Liệt nữ: Người phụ nữ tiết nghĩa, có khí phách anh hùng. Trinh phu: Người đàn ông chính đính, giữ trọn thủy chung. Trinh phu ở đây đồng nghĩa với Trinh nhân.

Câu 1205: Đưa tuổi già quen sống với cảnh vật thiên nhiên.

Câu 1206: Dùng lời văn để chê cõi đời là phù du mộng ảo.

Câu 1207: Ý nói ngày tháng dần dần trôi qua.

Câu 1208: Gìn giữ để làm người liệt nữ nêu gương tốt và để lời nói cùng các trinh phu.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1205 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1209.

Nắm huệ kiếm định thâu trái chủ,
Mặc đạo y sạch giũ phồn hoa.
Nơi bến khổ để bước già,
Xuân xanh noi dấu xây tòa anh phong.

Chú thích:

Huệ kiếm: Gươm trí huệ. Kinh Duy Ma Cật: "Dĩ trí huệ kiếm phá phiền não tặc." nghĩa là: Lấy kiếm trí huệ phá tan giặc phiền não. Ý nói: dùng cái trí huệ của mình có được do tu hành làm thành cây kiếm để trừ diệt lục dục và tam độc Tham Sân Si, vì chúng là giặc gây ra phiền não, cũng như chặt đứt các mối dây oan nghiệt trói buộc mình vào Luân hồi. Trái chủ: Người chủ nợ. Nợ đây là nợ oan nghiệt. Đạo y: Đạo phục, quần áo của người tu. Sạch giũ: Giũ cho rơi sạch hết các bụi bặm. Phồn hoa: Chỉ danh lợi. Bến khổ: Chỉ biển khổ, tức là cõi trần. Xuân xanh: Người trẻ tuổi. Tòa anh phong: Tòa nhà truyền thống tốt đẹp. Anh là đẹp nhứt, phong là phong tục.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1209 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1213.

Cột thân ái cậy lòng đạo đức,
Gầy từ tâm gắng sức ôn nhu.
Nung trang trí thức nữ lưu,
Biết thân giữ mặt hảo cừu giai nhân.

Chú thích:

Cột thân ái: Gây tình thương yêu giữa mọi người. Từ tâm: Lòng lành. Ôn nhu: Ôn hòa mềm mỏng. Nung: Nung đúc, xây dựng và thúc đẩy. Hảo cừu: Đẹp đôi. Hảo là tốt đẹp, cừu là kết đôi. Giai nhân: Người con gái đẹp. Kinh Thi: Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cừu. [Người con gái yểu điệu nết na, đẹp đôi cùng người quân tử.]

Câu 1216: Người con gái phải biết thân phận của mình, giữ gìn cho xứng đáng là một giai nhân, để được sánh duyên cùng người quân tử.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1213 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1217.

Giồi trí thức tinh thần đẹp đẽ,
Trau tài ba vẹn vẻ anh thư.
Vinh thì chuộng, nhục thì từ,
Cân cao tính thấp đặng trừ thiệt hơn.

Chú thích:

Giồi trí thức: Trau giồi sự hiểu biết cho sâu rộng. Tinh thần: Phần vô hình tốt đẹp nhất của con người để điều khiển các hoạt động của thể xác. Nếu phân tích theo Giáo lý của Đạo Cao Đài thì tinh thần gồm: Chơn thần và Chơn linh. Chơn linh điều khiển Chơn thần, Chơn thần điều khiển thế xác. Tài ba: Ba là cái hoa. Tài ba tức là Tài hoa, là tài giỏi về nghệ thuật và văn chương. Vẹn vẻ: Vẻ đẹp trọn vẹn. Anh thư: Anh là tài giỏi xuất chúng, thư là con gái. Anh thư là người phụ nữ tài giỏi xuất chúng. Vinh thì chuộng: Cái nào là vinh hiển thì mến thích. Nhục thì từ: Cái nào nhục nhã thì từ bỏ.

Câu 1220: Cân đo tính toán cao thấp, hơn thiệt kỹ lưỡng để có hành động đúng đắn thích hợp.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1217 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1221.

Nước Ma-Ha rửa hờn nhi nữ,
Chuỗi bồ đề gìn giữ hồng nhan.
Cây trăm thước đổi hương tàn,
Treo y bá nạp làm màn phòng the.

Chú thích:

Nước Ma Ha: Chữ Hán là Ma Ha thủy, nghĩa đen là nước sông Ma Ha tức là nước của sông Gange [sông Hằng] linh thiêng bên ƒn Độ. Ở đây Nước Ma Ha là nước Thánh dùng trong Phép Tắm Thánh và Phép Giải Oan. Khi Luyện Ma Ha thủy, vị Chức sắc hành pháp niệm câu Chú: "Ma Ha thủy năng hủy oan nghiệt tội chướng chi đọa." Nghĩa là: Nước Ma Ha có khả năng tiêu hủy sự đọa đày do các oan nghiệt và các tội chướng. Rửa hờn: Rửa sạch sự hờn giận. Nhi nữ: Đàn bà con gái. Chuỗi bồ đề: Xâu chuỗi làm bằng các hột bồ đề, các tăng ni thường vừa lần từ hột chuỗi vừa niệm Phật. Hồng nhan: Má đỏ, chỉ người phụ nữ đẹp. Cây trăm thước: Cây bồ đề, chỉ sự tu hành. Kinh Phật có câu: "Bồ đề bách xích thụ, Liên tọa tứ thời hoa." Nghĩa là: Bồ đề là cây trăm thước, Tòa sen là hoa 4 mùa. Theo lịch sử Phật giáo, Thái Tử Sĩ Đạt Ta thiền định dưới cội cây bồ đề và thành Phật, hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Do đó, cây bồ đề là chỉ sự tu hành. Hương tàn: Hương tàn phấn lợt, chỉ người phụ nữ trở về già. Đổi hương tàn: Thay vào chỗ hương tàn. Y bá nạp: Cái áo làm bằng hàng trăm miếng vải vụn may lại. Y là cái áo, bá là trăm, nạp là vá lại cho lành. Thường nói là Bá nạp y. Theo giới luật của Phật giáo, các nhà sư phải lượm các miếng vải bỏ của người đời, may kết lại thành áo mà mặc. Mặc như thế để tỏ ý rằng: Không phải mặc cho đẹp, mà mặc cho ấm, và khỏi tốn tiền mua vải. Do đó, Bá nạp y là cái áo của các nhà sư Phật giáo. Phòng the: Cái phòng có treo màn bằng the, đó là phòng ở của phụ nữ, chỉ người phụ nữ. The là loại vải mỏng, mịn và đẹp.

Câu 1221: Nước Thánh Ma Ha [trong Phép Giải Oan] có khả năng rửa sạch các oan nghiệt của người phụ nữ.

Câu 1223: Nghĩa đen: Đem cây bồ đề thay vào chỗ hương tàn phấn lợt. Ý nói người phụ nữ trở về già lo tu hành.

Câu 1224: Lấy áo bá nạp treo thế cho màn the, ý nói người phụ nữ khoát áo bá nạp, làm ni cô tu hành.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1221 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1225.

Để chuông mõ dựa kề son phấn,
Chất nhơn tình chồng cận kệ kinh.
Tâm ẩn ái giúp Chí Linh,
Biển mê chèo chiếc thuyền tình độ nhân.

Chú thích:

Tâm ẩn ái: Lòng trắc ẩn thương người. Chí Linh: Rất thiêng liêng, chỉ Đức Chí Tôn. Biển mê: Biển khổ, chỉ cõi trần. Thuyền tình: Chiếc thuyền của tình thương, của từ bi, bác ái, để cứu vớt những người đang chìm đắm trong biển khổ. Độ nhân: Cứu giúp người.

Hai câu 1225-1226: Ý nói: Dẹp son phấn qua một bên, dẹp nhơn tình qua một bên, tức là dẹp hết việc đời, chuyên tâm gõ mõ tụng kệ tụng kinh, niệm Phật tu hành.

Hai câu 1227-1228: Hai câu nầy đã có dẫn để giải thích hình bìa [Phần 6], ý nói: Lấy lòng trắc ẩn thương người giúp Đức Chí Tôn, làm thành chiếc thuyền bác ái cứu giúp người đang chìm đắm trong biển khổ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1225 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1229.

Lấy tâm chánh làm cân đong thế,
Cậy lòng lành làm kế dìu đời.
Chông gai vạch bước thảnh thơi,
Cầm phương cứu khổ độ người trầm luân.

Chú thích:

Tâm chánh: Chánh tâm, cái tâm chánh trực. Cầm phương cứu khổ: Nắm giữ phương pháp cứu khổ. Độ: Cứu giúp. Trầm luân: Trầm là chìm, luân là chìm đắm. Trầm luân là chìm đắm trong biển khổ.

Câu 1229: Lấy chánh tâm để xác định giá trị thực của những thứ hiện diện trong cõi đời.

Câu 1231: Chỉ cho thấy những nẻo chông gai của cuộc đời, vạch ra con đường đưa đến cảnh thảnh thơi nhàn hạ.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1229 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1233.

Vẹn nhơn đạo, đi lần nẻo chánh,
Đến vô ưu đặng lánh nhơn luân.
Thuyền con mệch mệch như rừng,
Đon đường Thánh đức, hỏi chừng Như Lai.

Chú thích:

Nhơn đạo: Đạo làm người. Đây là nấc thang thấp nhứt trong 5 nấc thang tiến hóa của con người. Sách Nho có viết rằng: "Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo. Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ." Nghĩa là: Muốn tu Tiên đạo, trước tu Nhơn đạo. Nhơn đạo không tu, Tiên đạo xa vời lắm vậy. Theo Nho giáo, Nhơn đạo gồm: Tam cang và Ngũ thường [đối với Nam] và Tứ Đức Tam Tùng [đối với Nữ]. Nẻo chánh: Con đường chánh, tức là Chánh đạo. Vô ưu: Không phiền não. Đến vô ưu: Đến cõi không phiền não, tức là đến cõi Cực Lạc Niết Bàn. Muốn đến được cõi nầy thì phải tu. Đặng lánh: Đặng đi xa khỏi chỗ đó. Nhơn luân: Ở đây có nghĩa là Luân hồi nhơn quả. Sự luân hồi là thể hiện luật nhơn quả. Trong kiếp trước mình gây ra nhiều mối nợ oan nghiệt thì mình bị luân hồi lại kiếp nầy để lo đền trả các món nợ ấy cho xong, đúng theo lẽ công bình tuyệt đối của Trời Đất. Thuyền con: Chiếc thuyền bé nhỏ, ý so sánh con người nơi cõi trần như chiếc thuyền bé nhỏ lênh đênh trên biển khổ. Đon: Hỏi thăm chừng. Đường Thánh đức: Con đường Đạo, rèn luyện con người có đức tốt như của bực Thánh. Như Lai: Phật. Kinh Kim Cang: Phật vốn không do đâu lại, cũng không đi đâu, nên gọi Như Lai. Hỏi chừng Như Lai: Hỏi thăm chừng nơi nào là cõi Phật.

Câu 1235: Con người nơi cõi trần như chiếc thuyền bé nhỏ lênh đênh trên biển khổ, mờ mịt như đi trong rừng, không biết phương nào thoát ra.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1233 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1237.

Am tự đóng chặt gài bước tục,
Nước Cam lồ cho phúc tiêu diêu.
Oan trái dứt, nghiệp chướng tiêu,
Cảnh vui Cực Lạc mỹ miều vẻ tâm.

Chú thích:

Am tự: Am là cái chùa nhỏ, tự là cái chùa lớn. Am tự là chỉ chung các chùa thờ Phật. Chặt gài: Gài chặt cái cánh cửa, không cho mở ra. Tục: Thầm thường thấp kém, chỉ cõi trần. Bước tục: Bước vào cõi trần. Nước Cam lồ: Nước sương ngọt. Cam là ngọt, lồ là giọt sương. Cũng gọi là nước nhành dương, vì nước Cam lồ được đựng trong cái bình, có nhành dương gác ngang miệng bình. Nước Cam lồ do Đức Quan Âm Bồ tát chế luyện, được đựng trong Tịnh bình, Đức Quan Âm dùng cành dương liễu để rải nước Cam lồ nầy cứu sống người hay vật, hay rửa sạch các ô trược bám vào Chơn thần, để được trong sạch tinh tấn. Phúc tiêu diêu: Điều may mắn tốt đẹp được thung dung tự tại. Phúc là điều may mắn tốt đẹp, Tiêu diêu là thảnh thơi vui thú không vướng bận việc đời. Oan trái: Trái là món nợ. Oan là oan nghiệt, là những việc làm ác độc gây thù giận tạo thành nghiệp ác. Nghiệp chướng: Sự ngăn trở của nghiệp. Chướng là ngăn trở. Ở đây là nói nghiệp dữ hay nghiệp ác. Nghiệp ác ảnh hưởng làm kiếp nầy phải chịu nhiều hoạn nạn đau khổ. Cảnh vui Cực Lạc: Cõi Cực Lạc hoàn toàn an vui hạnh phúc. Mỹ miều vẻ tâm: Cái tâm tốt đẹp.

Câu 1237: Đóng chặt cửa chùa, không cho các tu sĩ thối bước trở lại cõi trần. Ý nói khuyên người tu dứt khoát việc đời, chuyên tâm tu hành, không cho hoàn tục.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1237 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1241.

Lánh bợn tục tình thâm cũng tránh,
Trốn đau thương xa cảnh trần gian.
Biến thân hạc nội mây ngàn,
Nắm phan Tiếp Dẫn, mở đàng Lôi Âm.

Chú thích:

Bợn tục: Những thứ dơ bẩn ô trược nơi cõi trần. Tình thâm: Tình cảm sâu đậm như tình vợ chồng, tình mẫu tử, tình phụ tử,... Trần gian: Cõi trần, cõi thế gian.

Hạc nội mây ngàn: Ý nói tự do, thung dung tự tại như con hạc ngoài đồng, muốn bay đâu thì bay; như đám mây trên rừng, bay tự do theo gió. Nội là đồng cỏ, ngàn là rừng.

Lý Bạch viết:

Lung kê hữu mễ than oa cận,
Dã hạc vô lương thiên địa khoan.

Nghĩa là:

Con gà trong lồng có lúa đầy bụng mà nồi nước sôi kế bên;
Con hạc ngoài đồng túng thiếu lương thực nhưng Trời Đất rộng thinh, mặc tình cao bay xa liệng.

Ý nói chẳng thà làm con hạc ngoài đồng bữa đói bữa no mà được tự do thoải mái, hơn là làm con gà bị nhốt trong lồng, mất tự do mà nồi nước sôi kế bên, không biết bị cắt cổ làm thịt lúc nào.

Phan Tiếp Dẫn: Cây phướn Tiếp Dẫn của vị Phật gọi là Tiếp Dẫn Đạo Nhơn, dùng để hướng dẫn các chơn hồn đắc đạo đến Cực Lạc Thế giới. Nơi kinh đô của Cực Lạc Thế giới có chùa Lôi Âm [Lôi Âm Tự], là nơi ngự của Đức Phật Thích Ca và Đức Phật A-Di Đà. Phan là cây phướn dẫn đường.

Câu 1243: Biến cái thân của mình thảnh thơi như con chim hạc ngoài đồng, như đám mây trên rừng, không còn vướng bận việc đời.

Câu 1244: Theo cái phướn Tiếp Dẫn của vị Phật Tiếp Dẫn Đạo Nhơn mở đường để đi đến chùa Lôi Âm ở cõi Cực Lạc Thế giới.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1241 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1245.

Nơi cảnh tịnh âm thầm vui thú,
Đem tấm tình để ngụ đài sen.
Thong dong quạt gió trăng đèn,
Nhành dương làm bạn, sách hiền gọi quen.

Chú thích:

Cảnh tịnh: Cảnh chùa, nơi tu hành. Tịnh là trong sạch. Tấm tình: Cái tấm tình cảm yêu thương vợ chồng. Đài sen: Tòa sen, nơi Đức Phật ngự. Ngụ: Ở, cư ngụ. Để ngụ đài sen: Ý nói đem gởi cho Phật. Nhành dương: Cành dương liễu của Đức Quan Âm Bồ Tát dùng để rải nước Cam lồ. Nhành dương làm bạn: Làm bạn với cành dương liễu, ý nói làm đệ tử của Phật. Sách hiền: Kinh sách của các bậc Thánh Hiền. Sách hiền gọi quen: Ý nói thường đọc kinh sách của Thánh Hiền.

Câu 1246: Đem cái tấm ái tình đặt lên tòa sen gởi cho Phật, để lòng được yên ổn lo việc tu hành.

Câu 1246: Thung dung nhàn hạ sống với cảnh vật thiên nhiên, dùng gió làm quạt, dùng trăng làm đèn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1245 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1249.

Bế ngũ quan, không kiêng tục tánh,
Diệt lục trần, xa lánh phàm tâm.
Mệnh Thiên giữ vững tay cầm,
Đoạt phương tự diệt giải phần hữu sanh.

Chú thích:

Ngũ quan: Năm giác quan của con người: Nhãn, Nhĩ, Tỹ, Thiệt, Thân [Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Da của thân thể].

Lục trần: Sáu thứ dơ bẩn nơi cõi trần. Trần là bụi, chỉ cái dơ bẩn. Nhà Phật cho là dơ bẩn vì làm cho cái tâm dơ bẩn, nhưng lại rất hấp dẫn đối với con người đời. Lục trần gồm: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp [Sắc đẹp, Âm thanh, Mùi thơm, Đồ ăn ngon ngọt, Sự tiếp xúc trên da thịt, Ý tưởng].

Lục trần khêu gợi các giác quan của con người, làm con người ham muốn, tạo thành Lục dục: Sáu điều ham muốn.

Lục dục gồm: Sắc dục, Thinh dục, Hương dục, Vị dục, Xúc dục, Pháp dục.

- Mắt nhìn thấy Sắc đẹp thì sanh ra Sắc dục.
- Tai nghe âm thanh êm diệu, lời ngon ngọt thì sanh ra Thinh dục.
- Mũi ngữi mùi thơm dễ chịu thì sanh ra Hương dục.
- Lưỡi nếm sự ngon ngọt béo bùi thì sanh ra Vị dục.
- Da thịt tiếp xúc sự mềm mại thì sanh ra Xúc dục.
- Ý tưởng thích được mến khen sanh ra Ý dục.

Bế ngũ quan: Đóng 5 giác quan lại, không cho lục trần cám dỗ. Không kiêng: Không nể sợ. Tục tánh: Cái tánh tầm thường của người phàm, thích vật chất. Diệt lục trần: Tiêu diệt sự cám dỗ của Lục trần, chớ không thể tiêu diệt được Lục trần, vì Lục trần là ngoại cảnh. Phàm tâm: Cái tâm phàm tục, nhiều tham vọng và ích kỷ, thích hưởng thụ vật chất. Trái với Phàm tâm là Thánh tâm. Mệnh Thiên: Mệnh Trời, mệnh lệnh của Trời. Đoạt phương tự diệt: Đoạt được phương pháp để tự mình diệt hết cái phàm tâm của mình, để phàm tâm không còn che lấp Thánh tâm, Tâm sáng tỏ, có được trí huệ, đắc đạo. Giải phần hữu sanh: Giải là cởi bỏ; phần hữu sanh là phần có sống, tức là phần thể xác của con người. Giải phần hữu sanh là cởi bỏ thể xác, để chơn linh và chơn thần xuất ra đi lên cõi thiêng liêng.

Câu 1251: Giữ vững Mệnh Trời. Muốn giữ vững Mệnh Trời thì phải biết Mệnh Trời. Điều nầy rất khó, vì Đức Khổng Tử tới 50 tuổi mới biết được mệnh Trời. [Ngũ thập nhi tri Thiên mệnh]. Khi đã biết được mệnh Trời thì cứ sống vui theo mệnh Trời, chớ lập ý riêng, lần lần tạo được năng lực mẫn huệ, đắc đạo tại thế.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1249 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1253.

Linh linh, hiển hiển, khinh khinh khứ,
Sắc sắc, không không, sự sự tiêu.
Chơn linh đẹp đẽ mỹ miều,
Xuất dương sớm đã đến triều Ngọc Hư.

Chú thích:

Linh: Thiêng liêng. Hiển: Hiện ra. Khinh: Nhẹ. Khứ: Đi. Sắc: Cái có hình dạng thấy được bằng mắt thường. Không: Không có gì cả, trống không. Sự: Việc. Tiêu: Mất. Xuất dương: Đi ra khỏi cõi trần. Xuất là đi ra. Dương là cõi dương gian, tức là cõi trần. Triều: Chầu. [Chầu vua] Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung nơi cõi thiêng liêng. Đây là nơi nắm giữ Thiên điều, điều hành tất cả các hoạt động của Càn khôn Vũ trụ.

Câu 1254: Sắc và Không chỉ là hai trạng thái nối tiếp của một sự vật. Vật có hình thể là Sắc, lần hồi theo thời gian, vật bị hủy hoại tiêu mất để trở về Không. Rồi từ cái Không, sẽ tạo trở lại vật có hình thể tức là Sắc. Sắc Không cứ thế luân chuyển. Thể xác của con người cũng thế, luân chuyển trong vòng Sắc Không. Khi thể xác già yếu thì sẽ chết, tức là bị hủy hoại, Chơn linh và Chơn thần xuất ra khỏi thể xác, bay lên cõi thiêng liêng, tức là trở về Không.

Câu 1255: Nhờ tu hành, Chơn linh của người tu đẹp đẽ.

Câu 1256: Chơn linh đi ra khỏi cõi trần, bay lên Ngọc Hư Cung để chầu Đức Chí Tôn.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1253 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1257.

Ngũ khí thanh diệt trừ quả kiếp,
Linh quang đầy đặng tiếp hồng ân.
Xác tại thế, đã nên Thần,
Ba mươi sáu cõi đặng gần Linh Thiên.

Chú thích:

Ngũ khí: Năm chất khí gồm: Kim, Thủy, Mộc, Hỏa, Thổ. Thân thể con người có Ngũ Tạng: Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Ngũ tạng sanh ra Ngũ khí, giống như 5 dòng điện.

- Tâm là trái tim, thuộc Hỏa.
- Can là lá gan thuộc Mộc.
- Tỳ là hai lá lách thuộc Thổ.
- Phế là hai lá phổi thuộc kim.
- Thận là hai quả thận thuộc Thủy.

Ngũ Tạng, nếu được nuôi dưỡng bằng thức ăn mặn, tức là cá thịt, thì Ngũ Khí sanh ra ô trược và năm dòng điện phát ra có tần số thấp; trái lại nếu được nuôi dưỡng bằng những thức ăn chay, tức là rau quả, thì Ngũ Khí thanh nhẹ, và năm dòng điện phát ra có tần số cao. [Thanh là trong sạch nhẹ nhàng].

Người tu luyện đạo, luyện cho năm luồng điện nầy điều hòa hiệp lại làm một trở nên mạnh mẽ, gọi là Ngũ Khí triều nguơn; kế đó luyện cho Tam Huê tụ đỉnh, tức là luyện cho Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì đắc đạo thành Tiên Phật tại thế.

Muốn luyện cho Ngũ Khí triều nguơn thì phải dụng công phu định cái tâm, gìn cái ý, bế Ngũ quan, thì Ngũ Khí hiệp về. Còn muốn luyện Tam huê tụ đảnh thì luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hiệp Thần và luyện Thần huờn Hư.

Các phép luyện đạo chỉ được truyền dạy trong Tịnh Thất dưới dự chăm nom của một Tịnh Chủ.

Quả kiếp: Cái kết quả của kiếp trước tạo thành cái Nghiệp để theo báo đáp lại trong kiếp nầy. Khi diệt trừ hết quả kiếp, tức là hết Nghiệp, hết nợ, tu hành rất mau đắc đạo. Linh quang: Điểm linh quang của Đức Chí Tôn ban cho mỗi người để làm Chơn linh. Đầy: Đủ sự tốt đẹp. Hồng ân: Ơn huệ to lớn của Đức Chí Tôn ban cho. Ba mươi sáu cõi: Còn gọi là Tam thập lục Thiên: Ba mươi sáu cõi Thiên Tào. Linh Thiên: Ông Trời, Đức Chí Tôn Thượng Đế.

Câu 1259: Tuy còn mang xác phàm tại thế nhưng đã đắc đạo, thành bực Thần, Thánh, Tiên, Phật tại thế.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1257 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1261.

Hiệp Tạo hóa cầm quyền chuyển thế,
Dạy vạn linh dụng thế từ bi.
Sanh ấy ký, tử là qui.
Diệu huyền cơ tạo chẳng gì gọi hơn.

Chú thích:

Tạo hóa: Đấng Tạo hóa là Đấng tạo ra Càn khôn Vũ trụ và hóa sanh vạn vật. Đó là Đức Chí Tôn, Thượng Đế. Chuyển thế: Làm cho đời thay đổi, từ xấu thành tốt, từ đời hung tàn bạo ngược trở nên thuần lương đạo đức. Vạn linh: Toàn thể các chơn linh trong Càn khôn Vũ trụ, gồm đủ Bát hồn. Vạn linh đầu kiếp xuống cõi trần làm chúng sanh. Nên nghĩa thông thường của Vạn linh là Chúng sanh. Diệu huyền cơ tạo: Bộ máy của Đấng Tạo hóa huyền diệu.

Câu 1261: Khi đắc đạo rồi thì trở về cõi Thiêng liêng, hiệp cùng Đức Chí Tôn lo cơ chuyển thế.

Câu 1263: Sống gởi thác về. Đây là một triết lý nhân sinh hoàn toàn đúng đắn. Cõi thật sự của con người là cõi Thiêng liêng Hằng sống. Con người đầu kiếp xuống cõi trần là để học hỏi và tiến hóa. Khi hết hạn thì trở về cõi Thiêng liêng. Cho nên cõi Trần là nơi tạm mượn, cõi thiệt là ở thiêng liêng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1261 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1265.

Chừ mới rõ nguồn cơn kiếp sống,
Tấc thây phàm rất mỏng số căn.
Ham phương cứu thế độ nhân,
Giải mê khách tục, cõi trần lánh xa.

Chú thích:

Chừ: Bây giờ. Nguồn cơn: Đầu đuôi ngọn ngành của sự việc. Tấc thây phàm: Thể xác phàm. Dùng chữ Tấc là để tỏ sự khiêm tốn. Số căn: Số phận của con người. Cứu thế độ nhân: Cứu đời giúp người. Giải mê: Cởi bỏ sự mê muội để được sáng suốt, thông hiểu sự lý, tức là giác ngộ. Khách tục: Khách trần, chỉ con người đang sống trên cõi trần. [Xem Chú thích câu 972].

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1265 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1269.

Lấy bác ái làm hòa vạn vật,
Đem thiện duyên xây nấc thang hồng.
Đoạn căn đóng chặt Âm cung,
Tòa sen chín phẩm để cùng Phật tâm.

Chú thích:

Làm hòa: Làm cho thuận hòa với nhau. Thiện duyên: Duyên lành, ý nói cái duyên tu hành. Xây nấc thang hồng: Xây cái thang to lớn bắc lên Trời cao. Đây là nói ví dụ, sự tu hành ví như là cái thang bắc lên Trời để người tu đắc đạo đi lên Trời. Hồng là to lớn. Đoạn căn: Đoạn là cắt đứt. Căn là gốc rễ tức là chỉ những việc làm thiếu đạo đức trong kiếp trước tạo thành những mối dây oan nghiệt buộc chặt Chơn thần, không cho Chơn thần bứt ra rời khỏi thể xác khi thể xác chết để đi lên cõi thiêng liêng. Đức Chí Tôn mở Đạo Cao Đài là đại khai ân xá cho các đẳng linh hồn, nên ban cho Phép Đoạn Căn để Chức sắc hành pháp cắt đứt bảy dây oan nghiệt, Chơn thần mới được xuất ra đi lên cõi thiêng liêng. Âm Cung: Các cung điện nơi cõi Âm phủ, chỉ cõi Địa ngục. Đóng chặt Âm Cung: Đóng chặt cõi Địa ngục. Tòa sen chín phẩm: Cửu phẩm Liên hoa, là chín phẩm bực nơi cõi Cực Lạc Thế giới. Những chơn linh đắc đạo lên cõi nầy sẽ tùy công đức nhiều ít mà ở trong chín phẩm liên hoa nầy. Phật tâm: Tâm từ bi giác ngộ hoàn toàn của Phật.

Câu 1269: Nhờ bác ái mà vạn vật sống hòa bình với nhau, nếu không bác ái thì vạn vật tranh đấu giết hại nhau.

Câu 1271: Cắt đứt các dây oan nghiệt để chơn thần thoát ra khỏi thể xác và đóng chặt cửa Địa ngục, ân xá không cho hành hình các chơn hồn tội lỗi để đưa họ đi học đạo.

Cũng trong thời kỳ ân xá của Đức Chí Tôn, Đức Chí Tôn cho đóng cửa Địa Ngục, không cho giam giữ và hành phạt các linh hồn tội lỗi, mà đưa họ qua cõi Âm Quang để học đạo và tự xét mình. Khi họ biết hối ngộ thì sẽ được cho đi đầu thai lên cõi Trần để trả quả và tu hành, mong có ngày diệt trừ hết quả kiếp, trở về cõi Thiêng liêng Hằng sống.

Đồng thời, Đức Chí Tôn cho mở rộng cõi Trời để tiếp rước những linh hồn đầy đủ đạo đức trở về.

Kinh Giải Oan:

Đóng Địa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc dẫn miền Tây phương.

Câu 1272: Cửu phẩm Liên hoa là ngôi vị dành cho những linh hồn có tâm lành như Phật.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1269 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1273.

Trăm tuổi sống chẳng lầm tuổi sống,
Một kiếp sanh chưa trọng kiếp sanh.
Thay thân Tạo hóa là mình,
Nâng niu sanh chúng mới đành chữ nhơn.

Chú thích:

Câu 1273: Một kiếp sống của con người lâu lắm là một trăm năm, chẳng còn gì để lầm lẫn nữa.

Câu 1274: Trong một kiếp sanh, con người chưa biết quí trọng kiếp sanh của mình. Con người thường phung phí thời giờ vào các cuộc tranh giành danh lợi hay các cuộc vui chơi, chỉ biết lo cho phần thể xác giả tạm, mà quên hẳn phần linh hồn. Đó là chưa biết trọng kiếp sanh của mình. Trái lại, nếu biết trọng kiếp sanh, phải lo trau tâm luyện tánh cho trở nên tốt đẹp, và lo phụng sự nhơn sanh thì linh hồn mới mau tiến hóa, mới đạt được phẩm vị cao trọng nơi cõi Thiêng liêng.

Câu 1275-1276: Thượng Đế tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, nên Thượng Đế có gì thì người có nấy. Thượng Đế là Đại Thiên Địa thì người là Tiểu Thiên Địa. Cho nên con người nơi cõi Trần là thay thân cho Đấng Thượng Đế, làm anh cả của chúng sanh, dìu dắt chúng sanh, xem chúng sanh là đàn em nhỏ thì mới đúng theo lòng Nhân của Thượng Đế .

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1273 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1277.

Ngồi mà lóng tiếng đờn vô cực,
Phước siêu thăng đặng thất nơi ta.
Biết coi thế giới như nhà,
Sống nên Chí Thánh, thác là Thần Tiên.

Chú thích:

Lóng: Lắng tai nghe. Vô cực: Vô là không, cực là chỗ đầu cùng. Vô cực là không có đầu cùng, chỉ một nơi xa không cùng tận. Tiếng đờn vô cực: Tiếng đàn từ cõi xa xăm, ý nói tiếng gọi của Đại Hồn vũ trụ. Tiếng gọi đó cũng chính là tiếng gọi từ chỗ sâu thẩm của tâm hồn con người. Phước: Điều phước đức. Siêu thăng: Bay vượt lên cõi thiêng liêng. Đặng thất: Được hay mất, siêu thăng hay đọa lạc. Nơi ta: Do nơi mình, không do nơi người khác. Chí Thánh: Bực Thánh lớn. Chí là rất. Thác: Chết. Thần Tiên: Chỉ chung các Đấng Thiêng Liêng gồm: Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Câu 1277: Ngồi yên lặng mà lắng nghe tiếng gọi thiêng liêng của Đại Hồn [Thượng Đế], kêu gọi các Tiểu Hồn [con người] sớm giác ngộ, quay trở về con đường tu thì mới mong hiệp nhứt với Đại hồn.

Câu 1278: Có phước đức thì được siêu thăng, siêu hay đọa là do nơi mình có tu hay không tu.

Câu 1279: Coi thế giới nầy như nhà của mình, tức là coi nhân loại là anh em một nhà, dù khác tiếng nói hay màu da sắc tóc, vì toàn cả nhơn loại đều là con cái của Đức Chí Tôn và Đức Phật Mẫu.

Nếu làm được như vậy thì tạo thành nơi mặt thế nầy một thế giới đại đồng, một Thiên đường tại thế, gọi là đời Thượng nguơn Thánh đức.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1277 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1281.

Thiếp nhờ Đạo giải phiền diệt khổ,
Biết may duyên lựa chỗ gởi tâm.
Tìm đâu đặng kẻ tri âm,
Ôm thương đem gởi cảnh Thần cửa Không.

Chú thích:

Giải phiền: Cởi bỏ sự phiền não. May duyên: Cái duyên may mắn gặp Đạo và theo Đạo. Gởi tâm: Gởi trọn tâm hồn vào cửa Đạo. Kẻ tri âm: Người bạn hiểu được tiếng đàn của mình, ý nói người bạn hiểu rõ lòng mình. Cảnh Thần cửa Không: Ý nói cảnh chùa cửa Phật.

Câu 1281: Nhờ theo đạo, lo tu hành nên cởi bỏ được sự phiền não và diệt trừ hết sự đau khổ.

Câu 1284: Ôm cái tấm tình thương yêu vợ chồng đem gởi vào cửa Phật. Ý nói dứt bỏ tình thương yêu thấp kém ích kỷ, để nuôi lấy lòng bác ái vị tha.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1281 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1285.

Càng ngó trái lại miền thế tục.
Lụy nhỏ dầm đòi khúc lòng đau.
Ái ân, ân ái là sao?
Đày thân lắm khách má đào gian truân.

Chú thích:

Ngó trái lại: Ngoảnh nhìn lại phía sau. Thế tục: Cõi đời thấp kém. Lụy nhỏ dầm: Ý nói đau khổ khóc lóc. Đòi khúc lòng đau: Lòng đau đớn như ruột bị cắt nhiều khúc [đoạn trường]. Đòi là nhiều. Ái ân: Sự giao hợp hạnh phúc giữa vợ chồng. Đày thân: Đày đọa tấm thân. Má đào: Gò má đỏ hồng như trái đào, chỉ người phụ nữ. Gian truân: Khó khăn vất vả.

Hai câu 1285-1286: Ngoảnh nhìn lại thấy cảnh đời khiến cho lòng đau khổ đoạn trường, nước mắt tuôn rơi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1285 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1289.

Chịu mòn mỏi mảnh thân nhi nữ,
Cũng toan lo gìn giữ khối tình.
Trăm năm dầu sống mảnh hình,
Thì trong tâm lý đã đành tiêu tan.

Chú thích:

Khối tình: Khối tình thương yêu sâu đậm giữa nam và nữ, hay giữa vợ chồng. Mảnh thân, Mảnh hình: Tấm thân của người phụ nữ. Tâm lý: Cái lẽ biến hóa và tác dụng của lòng dạ con người. Nói cụ thể hơn, tâm lý là tất cả tình cảm, tư tưởng và ý thích trong lòng. Tiêu tan: Tiêu mất hết.

Bốn câu 1289-1292: Tấm thân nhi nữ phải chịu mòn mỏi là vì lo toan gìn giữ khối tình. Dầu cho tấm thân nầy có sống được trăm năm nhưng trong lòng cũng đành phải để cho cái khối tình nầy tiêu tan, bởi vì người phụ nữ ấy bây giờ đã từ bỏ việc đời, đem thân vào con đường đạo đức.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1289 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1293.

Nào những mộng nợ chàng duyên thiếp,
Nào những mơ ý hiệp tâm đầu.
Duyên là đâu, nợ là đâu?
Chẳng qua biển khổ bắc cầu sông mê.

Chú thích:

Mộng: Mơ tưởng. Ý hiệp tâm đầu: Tâm và ý đều hoàn toàn hòa hiệp với nhau. Đầu là hợp nhau. Biển khổ, Biển mê, Mê tân, Sông mê, Bến mê, Bến khổ: Những từ ngữ nầy đều đồng nghĩa, chỉ cõi trần.

Câu 1296: Chẳng qua chỉ là việc đi qua khỏi biển khổ thì đến sông mê, qua được sông mê thì lại đến bể khổ. Ý nói con người phải chịu đau khổ triền miên nơi cõi trần. Cho nên cõi trần là cõi đọa. Muốn hết khổ thì phải giác ngộ có được trí huệ. Muốn có trí huệ thì phải Tu.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1293 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1297.

Khối thảm chất tràn trề bể hẹn,
Giọt đau thương quá chén hiệp phu.
Hễ là trí, ấy là ngu,
Càng say âu yếm càng sầu nhớ thương.

Chú thích:

Bể hẹn: Ý nói Biển hẹn non thề, chỉ sự thề nguyền đính ước cùng nhau giữa đôi nam nữ yêu nhau tha thiết. Chén hiệp phu: Chén rượu hiệp cẩn mà người vợ mới cưới uống với chồng. Đây là chén rượu vui mừng hạnh phúc.

Câu 1298: Giọt nước mắt đau thương của người vợ nếu lấy cái chén đã đựng rượu hợp cẩn mà đong thì quá đầy dẫy tràn trề. Ý nói: Trong suốt cuộc sống vợ chồng, người phụ nữ hạnh phúc thì ít mà đau buồn thì nhiều.

Câu 1299: Sự khôn ngoan đua chen danh lợi trong trường đời được các nhà đạo đức xem là sự ngu xuẩn trong đường đạo. [Trí là sự khôn ngoan, Ngu là sự khờ dại].

Câu 1300: Càng thương yêu nhiều chừng nào thì càng sầu khổ nhớ thương nhiều chừng nấy.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1297 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1301.

Khách má phấn môi son đậm sắc,
Đặng đem mồi trêu mặt ác phong.
Đâu chữ tiết gọi là đồng,
Lời than tiếng thiết để lòng trăm năm.

Chú thích:

Ác phong: Do thành ngữ chữ Hán: "Ác nguyệt đảm phong." Nghĩa là: Cầm trăng gánh gió. Ác phong là chỉ những người háo sắc, dâm đảng, thích việc gió trăng. Ác là cầm giữ, đảm là gánh lấy, nguyệt phong là trăng gió. Tiếng thiết: Tiếng kêu đau đớn. Thiết là cắt.

Hai câu 1303-1304: Đâu là chữ tiết hạnh, đâu là chữ đồng tâm? Lời kêu than đau đớn giữ mãi trong lòng suốt đời.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1301 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1305.

Chẳng qua khách ăn nằm quán tục,
Vắn một ngày, lâu chút trọn đời.
Hỏi ai thỏa chí ai ơi?
Tra phòng hiệp cẩn, bao hồi khóc riêng.

Chú thích:

Quán tục: Cõi Trần là quán trọ của khách trần. Người khách trần tạm ở nơi quán trọ một thời gian rồi cũng trở về quê cũ là cõi Thiêng liêng Hằng sống. Vắn: Ngắn. Tra: Xem xét, kiểm tra. Phòng hiệp cẩn: Phòng của vợ chồng mới cưới, chỉ người vợ. Khóc riêng: Khóc một mình.

Hai câu 1305-1306: Con người chẳng qua chỉ là những khách trần, ăn ở tạm thời nơi cõi trần một thời gian, nếu ngắn thì một ngày, nếu lâu thì nhiều lắm là trăm năm.

Câu 1308: Kiểm điểm trong cuộc sống vợ chồng, người phụ nữ âm thầm chịu đựng biết bao đau đớn khổ sở.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1305 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1309.

Một câu mến gieo phiền muôn tiếng,
Đôi lời phân ngàn miệng xa xôi.
Hỏi ai trộm đứng lén ngồi,
Những cay những đắng cái mùi ra sao?

Chú thích:

Mến: Thương yêu. Phiền: Phiền não. Phân: Phân trần.

Câu 1309: Một tiếng nói thương yêu gây ra cả muôn tiếng phiền não. Ý nói vì tình yêu, người phụ nữ phải chịu biết bao phiền não.

Câu 1310: Một vài lời nói phân trần, cả ngàn miệng nói ra nói vào, nói xa nói gần. [không người thông cảm]

Hai câu 1311-1312: Người con gái về nhà chồng, lạ người lạ cảnh, chỉ có chồng là thân yêu, nên sống rất ké né, mất tự nhiên, cái gì cũng ngại cũng sợ [trộm đứng lén ngồi], lại còn chịu nhiều nỗi đắng cay khổ sở.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1309 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1313.

Tính để viết khuyên rào tiết ngọc,
Thì sợ e ghẹo chọc si tình.
Còn không để trọn lời lành,
Lại e cho gái nhẹ mình nữ trung.

Chú thích:

Rào: Giữ gìn, bảo vệ. Tiết ngọc: Cái tiết hạnh quí báu của con gái. Ngọc: Chỉ sự đẹp đẽ quí báu. Si tình: Tình yêu đắm đuối mê mẩn như ngây dại. Nhẹ mình: Xem nhẹ giá trị của mình, không biết quí trọng giá trị của mình. Nữ trung: Trong giới phụ nữ.

Hai câu 1313-1314: Tính đặt bút viết một bài khuyên bảo người con gái nên gìn giữ tiết hạnh quí báu của mình. Nhưng e sợ làm như vậy thì cũng như chọc ghẹo kẻ si tình.

Hai câu 1315-1316: Còn không viết ra để lưu lại lời lành thì e sợ đám con gái không biết quí trọng giá trị của mình.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1313 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1317.

Toan để bút ngăn vòng chồng vợ,
Thì lại e nghịch nợ tiền khiên.
Còn không lưu lại lời hiền,
Mưu chi gỡ nổi thảm phiền đạo thê.

Chú thích:

Nợ tiền khiên: Nợ nần với nhau từ kiếp trước. Gỡ: Tháo ra cho hết rối. Thảm phiền: Buồn rầu phiền não. Đạo thê: Bổn phận làm vợ trong gia đình.

Hai câu 1317-1318: Tính viết ra một bài để khuyên con gái đừng nên có chồng, thì lại sợ rằng điều ấy đi ngược lại sự vay trả nợ nần từ kiếp trước.

Hai câu 1319-1320: Còn nếu không viết ra để lưu lại lời hiền thì người phụ nữ không có cách chi để thoát khỏi những nỗi sầu thảm phiền não trong bổn phận làm vợ trong gia đình.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1317 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1321.

Thấy trẻ gái dầm dề lụy đổ,
E cho sau chịu số như già.
Muốn khuyên đầu Phật xuất gia,
Lại e để hại nước nhà khuyết dân.

Chú thích:

Chịu số như già: Gánh chịu cái số phận như kẻ già nầy đây. Già là tiếng tự xưng của tác giả. Đầu Phật: Theo Phật. Đầu là theo. Xuất gia: Đi ra khỏi nhà, tức là từ bỏ gia đình để đi tu. Khuyết dân: Thiếu dân, không đủ số dân để xây dựng và bảo vệ quốc gia.

Bốn câu 1321-1324: Thấy đám con gái khóc lóc đau khổ, e rằng chúng nó phải chịu số phận giống như già nầy đây, nên muốn khuyên chúng xuất gia đầu Phật, nhưng rồi lại sợ con gái không có chồng để sinh sản con cái, làm cho dân số của quốc gia giảm đi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1321 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1325.

Thấy nhi nữ kiếp căn mỏng mảnh,
Muốn binh lời làm mạnh đỡ nâng.
Lại e lỗi đạo nhơn luân,
Dở dang gia pháp, vương thần loạn ngôi.

Chú thích:

Kiếp căn: Số kiếp, số phận. [Xem Chú thích câu 1108]. Đạo nhơn luân: Phép tắc cư xử giữa con người với nhau trong xã hội, gồm năm bực: Vua tôi, Cha con, Chồng vợ, Anh em, Bè bạn. Gia pháp: Phép tắc riêng của gia đình. Vương thần: Vua tôi. Loạn ngôi: Đảo lộn ngôi thứ, trật tự.

Bốn câu 1325-1328: Nhận thấy nữ phái có số phận mỏng manh, nên muốn để lời binh vực mạnh mẽ, nâng đỡ cho nữ phái được bình quyền cùng nam phái, nhưng sợ e trái với đạo nhơn luân lúc bấy giờ, làm cho gia pháp không thi hành được và làm đảo lộn phép tắc nơi triều đình.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1325 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1329.

Gẫm thân gái trọn đời cực nhọc,
Tính buông câu gọi chút nghỉ ngơi.
Lại e sái thế lỡ thời,
Giúp nam nhân chẳng có người trọn tâm.

Chú thích:

Buông câu: Viết ra một câu. Sái thế: Trái với lẽ thường của cuộc đời. Lỡ thời: Không hợp thời. Nam nhân: Người đàn ông con trai. Người trọn tâm: Người hết lòng giúp đỡ.

Bốn câu 1329-1332: Ngẫm nghĩ, người phụ nữ trọn đời cực nhọc, nên muốn viết bài kêu gọi phụ nữ hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, nhưng lại sợ rằng làm như thế là trái lẽ thường và không hợp thời, vì không có người hết lòng giúp đỡ nam nhân.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1329 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1333.

Nghĩ phận vợ ngàn trăm đau đớn,
Sanh đẻ còn nuôi dưỡng nhọc nhằn.
Muốn khuyên giảm bớt ái ân,
Lại e giục kẻ Tấn Tần chia phôi.

Chú thích:

Giục: Xúi giục. Chia phôi: Chia lìa. Tấn Tần: Chỉ vợ chồng. Điển tích: Nước Tấn và nước Tần là 2 nước lớn thời Xuân Thu bên Tàu. Theo Tả Truyện, Huệ Công vua nước Tấn, phụ ước vua Tần, bị Tần đem quân đánh, bắt được Thái Tử Ngữ đem về Tần làm con tin. Sau vua Tần Mục Công gả Công chúa Hoài Danh cho Thái Tử Ngữ và hai nước Tấn Tần hòa nhau. Từ đó về sau, luôn năm đời liền, con cháu hai nước cưới gả cho nhau, đối xử nhau rất tốt đẹp.

Hai câu 1335-1336: Muốn khuyên bảo người vợ giảm bớt việc ái ân với chồng để giảm bớt việc sanh đẻ, nhưng lại sợ làm như thế là xúi giục vợ chồng chia lìa nhau.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1333 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1337.

Nên ngậm thảm đặng ngồi nuốt thảm,
Toan buông lời, chẳng dám hở môi.
Lén xem sự thế ngậm ngùi,
Nguyền trông chỉ đợi phép Trời dạy khuyên.

Chú thích:

Lén: Không dám ra mặt. Sự thế: Việc đời. Ngậm ngùi: Buồn rầu thương xót trong lòng. Nguyền: Tự cam kết sẽ làm đúng theo ước vọng của mình. Trông: Mong mỏi. Phép Trời: Luật Trời, Thiên điều.

Hai câu 1337-1338: Nên phải chịu nhiều nỗi sầu thảm trong lòng mà không thể tỏ bày ra được, tính nói ra mà lại sợ nên cũng chẳng dám hở môi. [Bởi vì những điều nói ra cũng không thể đem thi hành được trong hoàn cảnh xã hội bấy giờ].

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1337 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1341.

Tay lịch sự tự nhiên chê sự,
Lòng đa tình vẫn cứ vị tình.
Biết tùng quyền hiểu chấp kinh,
Tìm phương hay gởi lấy mình cửa tu.

Chú thích:

Tay lịch sự: Người từng trải việc đời. Chê sự: Chê việc đời. Đa tình: Có nhiều tình cảm thương yêu, dễ xúc động. Tùng quyền, chấp kinh: Do câu: "Xử thường chấp kinh, ngộ biến tùng quyền." Nghĩa là: Việc bình thường thì đối xử theo đạo thường, khi gặp biến thì tùy theo tình thế mà đối phó, không nên khư khư cố chấp mà chịu thất bại.

Hai câu 1341-1342: Người từng trải việc đời thì tự nhiên chê đời [nếu chưa từng trải thì chưa dám chê đời], người đa tình thì vẫn cứ vì tình yêu mà làm.

Hai câu 1343-1344: Biết lúc nào phải giữ đạo thường, biết lúc nào phải quyền biến, để tìm phương hay trong hoàn cảnh thích hợp mà lánh mình vào cửa Phật.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1341 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1345.

Những thảng mảng tháng thâu năm lụn,
Sớm công phu, tối tụng vãng sanh.
Đã quen cảnh Phạm lánh mình,
Nên phương nhờ bởi đoạn tình ái yêu.

Chú thích:

Thảng mảng: Thỏn mỏn, thời gian dần dần trôi qua. Tháng thâu: Suốt tháng. Năm lụn: Năm tàn. Công phu: Công việc tụng kinh hay ngồi thiền. Vãng sanh: Sanh qua cõi khác tốt đẹp hơn. Tụng Vãng sanh: Là tụng Vãng Sanh Chơn ngôn [Vãng Sanh Thần chú], để cầu cho chúng sanh khi chết được thoát sanh về cõi Cực Lạc. Cảnh Phạm: Cảnh Phật, cảnh chùa. Nên phương: Cách thức làm có kết quả. Đoạn tình ái yêu: Cắt đứt ái tình nam nữ, hay cắt đứt tình thương yêu vợ chồng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1345 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1349.

Nghe một sự, hiểu điều khác nghĩ,
Trong thất tình tiêu hủy không không.
Hết ham danh, chẳng mến công,
Xem hình lẩn lộ, bùi nồng thế gian.

Chú thích:

Thất tình: Bảy tình cảm gồm: Hỷ, nộ, ái, ố, ai, lạc, dục [Mừng, giận, thương, ghét, buồn, vui, muốn]. Lẩn lộ: Lẩn là giấu kín, lộ là hiện rõ ra. Đây là hai trạng thái đối nghịch nhau của một sự việc. Nồng: Cay.

Câu 1349: Nghe một việc, suy nghĩ thì hiểu thêm ra được nhiều việc khác.

Câu 1350: Tiêu hủy hết Thất tình, để cho lòng không còn mừng vui hay hờn giận ganh ghét, không còn buồn rầu hay ước muốn, để giữ cho lòng trống trải không không.

Câu 1352: Ngồi xem cảnh đời biến đổi trong hai trạng thái đối ngược nhau: Kín hở, bùi nồng, vui buồn, thương ghét.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1349 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1353.

Cây trăm thước bắc thang bến khổ,
Hoa bốn mùa thơm chỗ nhớp nhơ.
Vui đọc truyện, buồn ngâm thơ,
Non Vu lấp nẻo, đàn tơ dở mùi.

Chú thích:

Cây trăm thước: Cây bồ đề, chỉ sự tu hành. [Xem Chú thích câu 1223]. Về Cây trăm thước, có một Điển tích nữa là: Thiền Sư Cảnh Sầm, đời thứ 4 sau Lục Tổ Huệ Năng, có làm bài kệ:

Bách xích can đầu bất động nhơn,
Tuy nhiên đắc nhập vị vi chơn.
Bách xích can đầu tu tiến bộ,
Thập phương thế giới thị toàn thân.

Nghĩa là:

Trăm thước đầu sào người đứng yên,
Tuy nhiên được nhập chưa là chơn thật.
Đầu sào trăm thước tu hành tiến bộ,
Mười phương thế giới là toàn thân thể.

Theo bài kệ nầy, Cây trăm thước là cây sào trăm thước, cũng chỉ sự tu hành.

Bến khổ: Ý nói bể khổ, chỉ cõi trần. Bốn mùa: Ý nói suốt năm. Hoa thơm chỗ nhớp nhơ: Chỉ bông sen, vì gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Non Vu: Theo bài phú Cao Đường của Tống Ngọc, vua Sở đi chơi núi Vu sơn, nằm mơ thấy ân ái với Thần nữ núi Vu sơn. Non Vu lắp nẻo: Ý nói tuyệt dứt đường ân ái. Đàn tơ: Dây đàn. Dở là đờn không hay, mùi là đờn rất hay. Đàn tơ dở mùi: Khảy đàn chơi, hay dở gì cũng được.

Câu 1353: Sự tu hành như là cái thang để người tu trèo lên thoát qua biển khổ.

Câu 1354: Tả cái hoa đèn trên bàn thờ Phật, chân đèn có hình hoa sen, giữa hoa sen cắm cây đèn sáp. Mỗi khi cúng Phật hay tụng kinh đều đốt đèn lên, suốt năm đều như vậy. Ngày nay, thay vì cắm đèn sáp, người ta gắn vào chỗ đó một bóng đèn điện thì tiện lợi hơn và không có khói.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1353 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1357.

Đếm thử tuổi tám mươi đã quá,
Giấc Nam Kha giục giã tỉnh mê.
Tâm thần mỏi mệt ủ ê,
Khối sanh khi đã gần kề dứt hơi.

Chú thích:

Giấc Nam Kha: Giấc mộng ở đất Nam Kha, chỉ cuộc đời là phù du mộng ảo, công danh phú quí như giấc chiêm bao. Giấc Nam Kha đồng nghĩa với Giấc Huỳnh lương. Điển tích: Ông Lý Tá đời Đường làm sách Nam Kha, có thuật lại một chuyện như sau: Thuần Vu Phẩn nằm mộng đi đến nước Hòe An, được vua nước nầy đem lòng thương gả Công chúa cho, rồi bổ làm quan Thái Thú đất Nam Kha, công danh thật là hiển hách. Vu Phẩn được vua sai đi đánh giặc, chẳng may bại trận, trong lúc đó, Công chúa ở nhà bị đau bịnh đột ngột từ trần. Vua nghi ngờ rồi cách chức đuổi đi. Thuần Vu Phẩn quá buồn bã và uất ức, liền giựt mình thức dậy, thì thấy mình đang nằm ngủ dưới gốc cây Hòe, nơi cành cây phía Nam, trên đó có một con kiến chúa trong tổ kiến lớn. Thuần Vu Phẩn nhớ lại giấc mộng và chợt hiểu rằng: Cây Hòe là nước Hòe An, cành cây phía Nam là đất Nam Kha, vua nước Hòe An là con kiến chúa. Ông lấy làm chán nãn sự đời, thấy cuộc đời chẳng khác chi giấc mộng, nên liền đi lên núi, tìm Đạo tu Tiên. Giục giã: Thúc giục liên tiếp. Tỉnh mê: Tỉnh cơn mê. Tâm thần: Tâm trí và tinh thần. Ủ ê: Chán chường. Khối sanh: Khối vật chất có sự sống, chỉ thân thể con người lúc còn sống. Gần kề dứt hơi: Gần kề sự chết.

Bốn câu 1357-1360: Đã sống quá 80 tuổi rồi, thấy công danh phú quí của cuộc đời như giấc mộng, hãy mau thức tỉnh cơn mê, tâm thần mỏi mệt ủ ê, gần tới ngày chết rồi.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1357 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1361.

Khổ bịnh thấy trêu người đã quá,
Buổi vãng sanh giục giã kêu hồn.
Tỉnh say trong kiếp dương môn,
Nửa thì thấy cảnh hoàng hôn mộng hình.

Chú thích:

Vãng sanh: Chết ở thế giới nầy để linh hồn chuyển sanh qua thế giới khác tốt đẹp hơn. Vãng là đi qua. Tỉnh say: Lúc tỉnh thức, lúc mơ màng. Dương môn: Cửa dương gian, đây là cõi trần, cõi của người sống. Kiếp dương môn: Kiếp sống nơi cõi trần. Cảnh hoàng hôn: Cảnh chiều vàng, ý nói cảnh của người sắp chết, như buổi chiều sắp tắt. Mộng hình: Mơ thấy hình hài của mình.

Hai câu 1361-1362: Bịnh tật gây đau khổ quá nhiều, như kêu réo thúc giục linh hồn chuyển sanh qua thế giới khác.

Câu 1364: Lúc mơ màng thì mộng thấy cảnh sắp chết của hình hài của mình.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1361 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1365.

Muốn gặp mặt thâm tình gởi trối,
Nhưng lỡ bề vì buổi đoạn từ.
Khôn nhạn tín, khó hồng thư,
Viết quơ chẳng nổi, giấy như tránh đề.

Chú thích:

Thâm tình: Tình cảm sâu đậm. Gởi trối: Gởi lời trăn trối trước khi chết. Lỡ bề: Lỡ dịp, dịp tốt đã qua. Buổi đoạn từ: Buổi chia tay từ giã, cắt đứt tình ái. Đó là buổi ly gia cắt ái để vào chùa tu hành. Khôn: Không. Nhạn tín: Tin tức do chim nhạn mang lại. Hồng thư: Cái thơ cột vào nách của con chim hồng để nó mang đi. Hồng là loại chim nhạn nhưng lông màu đỏ. [Xem Chú thích câu 769]. Đề: Là viết vào.

Câu 1368: Cầm viết quơ quào ít chữ mà không nổi, tấm giấy như né tránh không cho viết chữ vào.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1365 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1369.

Muốn nhắm mắt một bề cho khỏe,
Những tình hình mọi vẻ trêu ngươi.
Khi thì khóc, lúc thì cười,
Bao nhiêu tình nghĩa một đời thoáng qua.

Chú thích:

Nhắm mắt: Ý nói chết. Một bề: Chịu an phận như vậy Tình hình: Tình trạng của các việc xảy ra. Mọi vẻ: Nhiều mặt khác nhau. Trêu ngươi: Ghẹo chọc một cách cố ý, tỏ ra không kiêng nể.

Hai câu 1369-1370: Muốn an phận mà chết cho khỏe, nhưng tình hình các mặt chung quanh như có ý trêu ghẹo người sắp chết.

Hai câu 1371-1372: Nằm nhớ đến việc nầy việc kia, khi nhớ việc vui thì cười, khi nhớ việc buồn thì khóc. Bao nhiêu tình nghĩa trong cuộc đời, thoáng qua như giấc mộng.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1369 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1373.

Tám chục năm lâu xa cách mấy,
Trong giấc mê xem thấy ngắn thay!
Ba vạn sáu ngàn ngày,
Cõi dương gian với tuyền đài gần nhau.

Chú thích:

Giấc mê: Giấc mộng lúc ngủ mê. Ba vạn sáu ngàn ngày: là thời gian 100 năm. Dương gian: Cõi của người sống. Tuyền đài: Tuyền là suối, đài là đền đài cung điện. Tuyền đài là chỉ cõi Âm phủ, cõi của người chết.

Hai câu 1373-1374: Sống được 80 tuổi là lâu dài trường thọ lắm, nhưng trong giấc mộng lúc ngủ mê thì thấy rất ngắn ngủi. [như Giấc Huỳnh lương hay Giấc Nam kha].

Hai câu 1375-1376: Một đời người nhiều lắm là một trăm năm, cõi của người sống và cõi người chết rất gần nhau.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1373 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1377.

Nhớ con cháu còn lâu kiếp sống,
Dầu gặp hình như bóng sá chi.
Dở hồn phách, yếu thây thi,
Dậy ngồi chẳng nổi, bước đi không rồi.

Chú thích:

Còn lâu kiếp sống: Đời sống còn lâu dài. Hình: Hình hài xác thịt. Bóng: Cái ảnh chụp in trên giấy. Sá chi: Có đáng kể chi. Dở: Không giỏi. Hồn phách: Linh hồn và chơn thần. Thây thi: Thây là thể xác, thi là thi hài xác thịt. Thây thi là thể xác phàm bằng xương bằng thịt.

Hai câu 1377-1378: Nhớ đến con cháu, thấy cái kiếp sống của chúng nó còn lâu dài. Con cháu gặp đặng cái hình hài xác thịt nầy hay thấy cái hình chụp, việc ấy đâu có sá gì.

Hai câu 1379-1380: Chơn thần và linh hồn dở lắm rồi, thân thể đã yếu đuối lắm rồi, đứng dậy hay ngồi đều không nổi, bước đi cũng không được.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1377 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1381.

Gắng cầm viết nín hơi sống rốt,
Đề năm vần khắc cốt nữ lưu.
Dứt tình ái, giải sầu ưu,
Hễ thương thì cũng lo mưu giữ mình.

Chú thích:

Gắng cầm viết: Cố gắng cầm cây viết lên để viết. Nín hơi: Giữ lấy hơi thở. Sống rốt: Rán sống thêm. Đề năm vần: Viết ra bài thơ gồm có năm vần. Khắc cốt nữ lưu: Khắc vào xương của nữ phái để ghi nhớ hoài.

Hai câu 1383-1384: Khuyên nữ phái hãy dứt bỏ tình ái, cởi bỏ sự ưu sầu, mà hễ có yêu ai thì cũng phải lo tìm mưu kế để gìn giữ tấm thân của mình. [Đừng như già nầy đây, vì chữ ái tình mà phải chịu đau đớn khổ sở suốt đời.]

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1381 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

Thi:

1385.

Giữ mình dầu vẹn tấm tình chung,
Danh tiết nữ lưu ở phụ tùng.
Mặt biển khổ dồi dào ái thủy,
Đầu non thề hủy hoại hương hồng.

Chú thích:

Tình chung: Tình yêu chung thủy trước sau như một. Danh tiết: Danh là tiếng tăm, Tiết là lòng trong sạch ngay thẳng, không nhơ bợn. Nữ lưu: Nữ phái. Phụ tùng: Phụ là phụ nữ; tùng là theo, ý nói Tam tùng. Phụ tùng là đạo Tam tùng của người phụ nữ. Tam Tùng gồm: Tại gia tùng phụ, Xuất giá tùng phu, Phu tử tùng tử. Ái thủy: Nước ái tình, ấy là nước của biển khổ. Non thề: Cái núi mà hai người lúc mới yêu nhau chỉ nó mà thề nguyền với nhau là sẽ yêu nhau suốt đời. Hoại hủy: Hủy hoại, làm hư nát. Hương hồng: Cây nhang cháy đỏ hồng. Đây là cây nhang đốt lên để hai người vái Trời Đất thề nguyền với nhau.

Câu 1385: Dầu thế nào cũng phải giữ mình cho toàn vẹn tình yêu chung thủy.

Câu 1386: Danh giá và tiết hạnh của phụ nữ là ở trong cái đạo Tam tùng.

Câu 1387: Mặt biển khổ có nhiều nước ái tình. Ý nói: Những đau khổ của con người nơi cõi trần phần lớn là do ái tình. Càng yêu nhiều càng khổ nhiều.

Câu 1388: Coi chừng người yêu [hay người chồng] hủy hoại cây nhang thề nơi đầu núi thề. Ý nói coi chừng người yêu [hay người chồng] quên hết lời thề nguyền thuở trước, sanh tâm có người yêu khác [hay có vợ bé].

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1385 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1389.

Mày xanh khá nhớ cơn đầu bạc,
Ngọc trắng đừng cho nhiễm bợn bùn.
Khí tượng anh thư gìn lẫn giá,
Giúp đoàn nhi nữ mở non sông.

Chú thích:

Mày xanh: Chữ Hán là Thanh mi, chỉ lúc trẻ tuổi. Đầu bạc: Chỉ lúc tuổi già tóc bạc. Ngọc trắng: Chỉ cái tiết hạnh của người con gái trong trắng sáng đẹp như ngọc. Bợn bùn: Bùn dơ. Khí tượng: Cái khí phách phát ra thành hình tượng có thể nhận biết được qua lời nói và việc làm. Người có khí phách mạnh mẽ khiến cho lời nói, cử chỉ đều tỏ ra vững vàng, cương quyết, tự tin. Anh thư: Anh là tài giỏi hơn người, thư là đàn bà con gái. Anh thư là người phụ nữ tài giỏi hơn người. Gìn lẫn giá: Gìn giữ cái khí tượng anh thư lẫn cái giá trị cao quí của mình, cũng là gìn giữ cả tài năng lẫn đức hạnh. Nhi nữ: Chỉ chung giới phụ nữ.

Hai câu 1389-1390: Người con gái lúc trẻ tuổi thì nên nhớ đến lúc tuổi già đầu bạc, khá gìn giữ tiết hạnh cho tốt đẹp đừng để cho nhơ nhớp.

Hai câu 1391-1392: Người phụ nữ cần phải gìn giữ cái khí tượng anh thư lẫn cái giá trị cao quí của mình, để giúp cho nữ phái mở mang non sông đất nước.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1389 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1393.

Rán quá sức cẩn phong thí nhạn,
Dường say mê lơ lảng tinh thần.
Sấn tay thêm một chữ: Thân,
Để dành gỡ khổ đoạn tràng hồng nhan.

Chú thích:

Cẩn phong: Cẩn là cẩn thận; phong là niêm lại cho kín. Cẩn phong là cẩn thận niêm lại cho kín. Thí nhạn: Nhạn là con chim nhạn; thí, đáng lẽ là chữ "thi" [thi nhạn tức là thơ nhạn], nhưng vì luật thơ, chỗ nầy phải là chữ vần trắc, nên đổi lại là"thí". Thi nhạn tức là Thơ nhạn, nghĩa là gởi thơ nhờ con chim nhạn mang đi. Sấn tay: Đưa tay lướt tới, với một cử chỉ mạnh dạn. Thân: nghĩa là: tự mình.

Câu 1393: Tác giả rán quá sức viết thành bài thơ nầy, cẩn thận niêm lại, nhờ chim nhạn gởi đi khắp nơi để khuyên dạy nữ phái rán lo tròn Nhơn đạo gồm Tứ Đức và Tam Tùng.

Câu 1394: Dường như vì say mê công việc mà tinh thần có vẻ lơ lơ lảng lảng như để ở đâu đâu.

Câu 1395-1396: Tác giả, Đoàn Tiên Nương đưa tay lướt tới, với ý chí mạnh mẽ, viết thêm một chữ Thân để lưu ý giới phụ nữ phải nhớ kỹ rằng: Tự mình mới có thể cứu được mình chớ không ai cứu được mình, tự mình giải khổ cho mình chớ không ai giải khổ giùm mình, tự mình tu hành để giải thoát chớ không ai tu giùm mình được, tự mình bước lên nấc thang tiến hóa để lên địa vị cao thượng chớ không ai bồng ẵm mình lên được.

Sở dĩ Đoàn Tiên Nương phải nhấn mạnh như thế là vì Bà biết rõ người phụ nữ luôn luôn có tánh ỷ lại, chỉ biết nương dựa chớ ít khi tự chủ, tự lực cánh sinh. Đó cũng là yếu điểm của đạo Tam Tùng, làm cho người phụ nữ chỉ biết tùng theo và sống phụ thuộc vào người khác.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1393 / Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

1397.

Buông ngọn viết vào làn mây trắng,
Hễ có thương nhớ dạng là hơn.
Cảnh Thiên gởi tấc hương hồn,
Đề câu tiết nghĩa vĩnh tồn hậu lai.

1401.

Đời đời danh chói Cao Đài.

Chú thích:

Buông ngọn viết: Buông tay bỏ cây viết ra, vì đã viết xong. Vào làn mây trắng: Ý nói linh hồn siêu thăng, bay vào làn mây trắng, lên các từng Trời để đến cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Cảnh Thiên: Ý nói cõi Trời, tức là cõi Thiêng Liêng Hằng Sống. Tấc: Tiếng dùng để tỏ ý khiêm nhượng. Hương hồn: Hồn thơm, linh hồn của người chết. Đề câu: Viết ra một câu. Tiết nghĩa: Lòng ngay thẳng trong sạch và sự ăn ở phải đạo. Vĩnh tồn: Tồn tại lâu dài. Hậu lai: Thời gian từ đây về sau.

Câu 1397: Bà Đoàn Thị Điểm giáng cơ viết xong tác phẩm Nữ Trung Tùng Phận thì Bà liền được siêu thăng, linh hồn Bà được đi lên cõi Tiên, đúng như lời Đức Phạm Hộ Pháp nói: "Thuở xưa, Bà Điểm qui liễu nhưng chưa siêu thoát được vì Bà thiếu công quả. Nay Bà ra được cuốn Nữ Trung Tùng Phận rồi, tức nhiên Bà lập được công quả trong buổi Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nhờ vậy Bà mới siêu thoát và trở về Tiên Cảnh."

Câu 1399: Gởi linh hồn nơi cõi Trời. Ý nói đắc đạo, linh hồn được lên ở cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 1400: Viết ra một câu để khuyên nữ phái phải giữ gìn tiết nghĩa thì mới được vĩnh tồn hậu lai. Đời đời danh chói Cao Đài.

Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 1397
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận câu 01
Trở lại Nữ Trung Tùng Phận mục lục.

___________________________________________________________________________
Đức Nguyên: Giới thiệu & Chú thích.

Video liên quan

Chủ Đề