4 vùng chiến thuật cộng hoà là gì

SANTA ANA, California [NV] – Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc tình và “nhạc lính” tại miền Nam tự do thời Chiến Tranh Việt Nam.

Nhạc phẩm “Trên 4 Vùng Chiến Thuật” của Trúc Phương. [Hình: Tài liệu]

Chủ đề chính trong các nhạc phẩm của Trúc Phương là những ca khúc viết về tình yêu và về tâm tư của người lính chiến nơi địa đầu giới tuyến, trong đó phải kể đến “Kẻ Ở Miền Xa,” “24 Giờ Phép,” “Một Người Đi Xa,” “Để Trả Lời Một Câu Hỏi,” “Người Nhập Cuộc”… Nhưng được coi là nổi tiếng nhất và được những người yêu nhạc khắp nơi ái mộ nhiều nhất vẫn là nhạc phẩm “Trên 4 Vùng Chiến Thuật,” bài hát được người nhạc sĩ này sáng tác vào khoảng giữa thập niên 1960.

“Tôi thường đi đó đây, bùn đen in dấu giày, lửa thù no đôi mắt/ Chân nghe lạ từng khu chiến thuật, áo đường xa không ấm gió phương xa, nghìn đêm vắng nhà.”

Là lính chiến “thứ thiệt,” anh chiến sĩ Cộng Hòa đi khắp đó đây trên đất Mẹ mến yêu, đến nỗi bùn lầy luôn vướng đế giày và mắt thấy, tai nghe biết bao hận thù từ nơi trận địa trải dài trên khắp bốn vùng chiến thuật và qua hàng ngàn đêm làm kiếp lính xa nhà.

“Mây mù trên núi cao, rừng sương che lối vào, đồng ruộng mông mênh nước/ Đêm đêm nằm đường ngăn bước thù, áo nhà binh thương lính, lính thương quê, vì đời mà đi.”

Thôi thì hết núi, tới rừng, hết đồng ruộng, tới làng quê, bạc màu áo trận thấy thương mà người lính vì yêu quê hương vẫn miệt mài tranh đấu nơi chốn xa.

“Gio Linh đón thây giặc về làm phân xanh cây lá/ Pleime gió mưa mùa/ Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi/ Đồng Tháp vắng bóng hồng tôi yêu ai?”

Đây Gio Linh nơi Vùng I chứng kiến cảnh quân giặc chết tràn đồng, đó Pleime nơi Vùng II gió mưa mùa lạnh buốt xương da, nọ Tây Ninh nắng cháy da làm xông mùi tử khí, và kia là Đồng Tháp đìu hiu, hoang vắng vì chiến tranh tàn khốc nối tiếp đi qua nên thiếu bóng đàn bà.

“Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc/ Xưng tao gọi mày thương quá gần/ Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng, của vạn người thân.”

Nhưng giữa những đau thương, thù hận kia, người lính vẫn tìm thấy được hơi ấm và niềm an ủi tư tình đồng đội và lòng người dân mến mộ anh chiến sĩ Cộng Hòa. Người chiến binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đặt chân đến đâu cũng được dân chúng đón chào và tiếp đãi như người thân xa cách đã lâu nay mới trở về.

***

“Trên 4 Vùng Chiến Thuật” nằm trong số những bản “nhạc lính” không thấy đề cập tới khía cạnh yêu đương lãng mạn như thường được phô bày giữa các anh chiến sĩ Cộng Hòa và những người yêu của lính, nhưng lại xoáy sâu vào những gian lao, nguy hiểm mà người lính tác chiến trên bộ thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phải trải qua trong suốt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng hồi thế kỷ trước.

Những người lính này là ai? Họ chính là những chiến sĩ thuộc các sư đoàn và trung đoàn bộ binh từng vì nhu cầu chiến trường mà được điều động đi chiến đấu từ khu chiến thuật này qua khu chiến thuật khác và từ vùng chiến thuật này sang vùng chiến thuật kia thuộc bốn quân khu trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam.

Họ cũng chính là những người lính mũ đen thuộc các đơn vị Thiết Giáp của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhờ tính di động cao, được điều động đi khắp các quân khu. Đặc biệt, họ còn là những chiến sĩ thuộc các liên đoàn Biệt Động Quân, tức Cọp Rằn, là lực lượng trừ bị của các quân đoàn. Họ cũng còn là những Thiên Thần Mũ Đỏ, tức là lính Nhảy Dù, và Lục Thần Thủy Mũ Xanh, hay Cọp Biển, tức là các chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến, nằm trong các lực lượng tổng trừ bị của của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Những gian khổ mà người lính Cộng Hòa phải hứng chịu trong khi lo chu toàn sứ mệnh bảo quốc, an dân trong “Trên 4 Vùng Chiến Thuật” có thể được cảm nhận qua những ý nhạc như “bùn đen in dấu giày,” “lửa thù no đôi mắt,” “áo đường xa không ấm gió phương xa,” “nghìn đêm vắng nhà,” “rừng sương che lối vào,” “đêm đêm nằm đường ngăn bước thù,” “vì đời mà đi,” “Gio Linh đón thây giặc,” “Pleime gió mưa mùa,” “Tây Ninh nóng nung người,” “Đồng Tháp vắng bóng người.”

Bìa nhạc phẩm “Trên 4 Vùng Chiến Thuật” của Trúc Phương. [Hình: Tài liệu]

Và những chiến trường mà người lính tác chiến trên bộ phải trải qua không hề thiếu phần ác liệt và đẫm máu, với những lời nhạc như “lửa thù,” “thây giặc,” “trận địa loang máu tươi”… Tử Thần lúc nào cũng theo đuổi, bủa vây và sẵn sàng hủy diệt người chiến sĩ Cộng Hòa, những kẻ xả thân bảo vệ tổ quốc trong cơn nguy biến.

Tuy nhiên, giữa những hiểm nguy và đau thương, tang tóc đó như được mô tả trong phần đầu thì trong phần cuối của bản nhạc, người ta lại tìm thấy những tình cảm nồng ấm của tình đồng đội và tình quân dân tha thiết dành cho người chiến binh Cộng Hòa Việt Nam trên bước đường hành quân qua khắp bốn vùng chiến thuật: “Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận,” mặc dù những cuộc gặp gỡ giữa các đối tượng thường là ngắn ngủi, “gặp gỡ trong cơn lốc,” vì những diễn biến cấp bách của chiến trường. Tình đồng đội và huynh đệ chi binh trong hoàn cảnh vào sinh, ra tử có nhau được rất nhiều dịp thể hiện qua những lần “xưng tao gọi mấy thương quá gần”…

Và còn gì đẹp hơn là tình quân dân như cá với nước, bịn rịn, lưu luyến không rời giữa người chiến sĩ Cộng Hòa và người dân lành trên bốn vùng chiến thuật giữa thời chinh chiến điêu linh: “Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng, của vạn người thân.” Những con đường Việt Nam như “Đại Lộ Kinh Hoàng” tại Quảng Trị hồi năm 1972 và “Liên Tỉnh Lộ 7B” từ Pleiku về Tuy Hòa hồi năm 1975 cùng nói lên tình quân dân thắm thiết và gắn bó tại miền Nam tự do, cho thấy rằng, giữa cảnh sơn hà nguy biến, hễ lính đi đâu thì dân chạy theo đó…

***

Nhạc sĩ Trúc Phương, tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Từ giữa thập niên 1950, lúc đang theo học bậc trung học tại Vĩnh Bình, Trúc Phương đã sinh hoạt văn nghệ tại Ty Thông Tin địa phương. Sau đó, chàng trai trẻ quyết định lên Sài Gòn sinh sống và học nhạc với nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả ca khúc nổi tiếng “Lối Về Xóm Nhỏ.”

Hai sáng tác đầu tiên của Trúc Phương ra đời vào năm 1957, đó là “Tình Thương Mái Lá” và “Tình Thắm Duyên Quê.” Tiếp theo đó là “Chiều Làng Em” [1958] và “Đò Chiều” [1958]. Nhạc sĩ cũng có mở một lớp dạy nhạc tại Gò Vấp để đào tạo các ca sĩ trẻ, gọi là Lớp Nhạc “Trúc Phương Tự Lực.” Tuy học trò của ông không có mấy người nổi tiếng trong nghề ca hát nhưng một số ca sĩ, trong đó có Thanh Thúy, Chế Linh và Duy Khánh, lại nổi tiếng nhờ trình diễn những ca khúc của Trúc Phương.

Năm 1976, một năm sau ngày Sài Gòn sụp đổ, Trúc Phương vượt biên nhưng không thành công khiến ngôi nhà của ông trên đường Lý Thường Kiệt ở quận 11 bị chính quyền Cộng Sản tịch thu. Sau đó, ông còn vượt biên thêm hai lần nữa nhưng lại thất bại. Lúc ra tù, vợ con ly tán, nhạc sĩ đành cam phận sống không nhà, không cửa và không giấy tờ tùy thân, rồi cứ thế lưu lạc, nay Trà Vinh, mai Vĩnh Long và mốt là những nơi khác nữa.

Khoảng cuối thập niên 1980, Trúc Phương quay trở về sống nốt những ngày còn lại tại Sài Gòn, để rồi qua đời nơi đây vào ngày 18 Tháng Chín, 1995 [lúc đó ông được 63 tuổi], và được an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu thuộc tỉnh Sông Bé.

Năm 2014, trung tâm ASIA tại Little Saigon, miền Nam California, có thực hiện chương trình “ASIA 74: Trúc Phương, Ông Hoàng của Dòng Nhạc Boléro” để vinh danh người nhạc sĩ tài hoa nhưng số kiếp long đong này. Đặc biệt, nữ danh ca Thanh Thúy, một người rất thích hát nhạc của Trúc Phương, đã dành cho người nhạc sĩ tài hoa này những lời ngợi ca đáng giá ngàn vàng: “Nhạc sĩ Trúc Phương và tôi không hẹn nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 1960, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau….”

Nhạc sĩ Trúc Phương. [Hình: vi.wikipedia.org]

Nhạc của Trúc Phương, kể cả những bản nhạc lính, tuy chan chứa tình cảm yêu thương và có sức hấp dẫn mãnh liệt người nghe nhưng lại đượm buồn, một nỗi buồn sâu thẳm từ thân phận bi đát của những con người sống giữa cuộc chiến tranh tàn khốc. Thêm vào đó, mối tình đầu kém may mắn của tác giả cũng là một yếu tố khiến cho các ca khúc tình yêu của Trúc Phương lúc nào cũng nghe như có tiếng thở dài ray rứt trong đêm thâu, không biết có phải vì đời chưa trọn vòng tay mà tâm tư tư đành giấu kín trong thư còn đây…

Trước và sau năm 1975, Trúc Phương sáng tác khoảng 70 nhạc phẩm, với nhiều bài hát rất phổ thông trong quảng đại quần chúng, từ cuối thập niên 1950 mãi cho đến ngày nay: “24 Giờ Phép,” “Ai Cho Tôi Tình Yêu,” “Buồn Trong Kỷ Niệm,” “Con Đường Mang Tên Em,” “Để Trả Lời Một Câu Hỏi,” “Đò Chiều,” “Kẻ Ở Miền Xa,” “Mưa Nửa Đêm,” “Những Lời Này Cho Em,” “Nửa Đêm Ngoài Phố,” “Tàu Đêm Năm Cũ,” “Trên 4 Vùng Chiến Thuật”… [Vann Phan] [qd]

Chủ Đề