Bếp dầu đun kiểu gas bán ở đâu

 

Kỹ sư Phương và loại bếp "3 trong 1".

Với những ưu điểm nổi bật, thực tế đã chứng minh, loại bếp dầu đun kiểu gas do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu và chế tạo, có thể thay thế bếp than tổ ong và đặc biệt là phù hợp với đời sống kinh tế của đông đảo người dân Việt Nam. Kỹ sư Nguyễn Duy Phương, một thành viên của nhóm nghiên cứu, giám đốc Công ty Đại An [163 Thuỵ Khuê, Hà Nội] là người có công đầu trong việc ứng dụng thành quả khoa học này vào đời sống.  Ông cũng là một trong những kỹ sư có phong cách Traditional- phong cách truyền thống.

Tôi tìm đến căn nhà khá đặc biệt của KS Nguyễn Duy Phương, tại 163 Thuỵ Khê, Hà Nội. Đặc biệt là bởi lẽ, chỉ duy nhất căn nhà này không có cửa sắt kéo mà cử chính được làm bằng gỗ thiết kế theo lối kiến trúc thường thấy ở các đình chùa. Phía trên, nơi mà người ta hay treo những biển hộp chữ nhật để quảng cáo lại là dòng chữ “Traditional home” bằng sắt uốn. Trong diện tích rộng khoảng 50m2 có duy nhất một bộ bàn ghế và ngổn ngang toàn là cột kèo, sắt thép, cửa gỗ.… Chẳng có thứ gì đáng giá cả.

Từ 9 lần đến Trung Quốc....

Ông Phương mở đầu bằng câu chuyện về xuất xứ ý tưởng nghiên cứu bếp đầu đun kiểu gas. Hiện nay, bên cạnh các loại bếp hiện đại đang được ưa chuộng như bếp điện, bếp gas..., bếp than tổ ong vẫn đang được sử dụng rộng rãi vì ưu điểm rẻ tiền, phù hợp với mặt bằng kinh tế của đại bộ phận dân Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều tai nạn do ngộ độc khí than tổ ong đã xảy ra. Trước thực tế đó, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học công nghệ và Trường Đại học Bách khoa nghiên cứu để tìm ra một loại bếp mới nhằm thay thế bếp than tổ ong. Kể từ năm 1996, một nhóm kỹ sư, tiến sĩ của Bộ môn Nhiệt của Trường Đại học Bách khoa đã bắt tay vào nghiên cứu.

Điểm khiến người tiêu dùng quyết định lựa chọn sử dụng bếp than tổ ong là tính kinh tế. Vì vậy, một loại bếp mới muốn đạt được mục đích thay thế than tổ ong thì trước hết cũng phải đạt được mục tiêu này. Từ suy nghĩ đó, nhóm nghiên cứu quyết định hướng nghiên cứu của mình tới một loại nhiên liệu tương đối rẻ hiện nay là dầu hoả. Qua thăm dò thị trường trong và ngoài nước, nhóm được biết các nước Nga, Đức, Pháp đã sản xuất một loại bếp sử nhiên liệu lỏng [như dầu, cồn] nhưng khi cháy lại ở thể khí. Loại bếp này có ưu điểm là tiện sử dụng, không ô nhiễm môi trường, không sinh ra muội đen, rất phù hợp với yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, nó lại được thiết kế để phục vụ du lịch, không phù hợp với mục đích sử dụng trong sinh hoạt ở nước ta. Còn ở Trung Quốc, cũng đã có một loại bếp hoạt động theo nguyên lý trên và được 90% dân số sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Nhóm nghiên cứu quyết định tìm hiểu loại bếp này để học hỏi kinh nghiệm của bạn. Theo đường Lạng Sơn, thị trường nước ta cũng đã xuất hiện loại bếp này dưới tên gọi là bếp dầu. Bếp có ba van dùng để điều chỉnh và một hệ thống đánh lửa mồi bằng xăng. Nhưng để sản xuất được một sản phẩm tương tự như vậy không chỉ đơn giản là mua một chiếc bếp về rồi tiến hành mổ xẻ nó, phải đến tận nơi, tìm cách vào xem quy trình sản xuất của bạn. Hai chuyến đi của đoàn đến Trung Quốc hoàn toàn thất bại, không thu hoạch được gì vì trong nhóm, không ai biết tiếng Trung Quốc. Vì vậy, nhóm chỉ hỏi được đến nơi bán và đã mua được một chiếc bếp mang về nước. Sau một thời gian mày mò, nhóm bắt tay vào chế tạo thử nhưng không thành công, lửa đốt lên không xanh, có nhiều khói và muội đen.

Chỉ đến chuyến đi thứ 4, nhóm mới làm quen được một người Trung Quốc có thể  liên hệ và dẫn cả đoàn vào tận nơi sản xuất chiếc bếp này. Do không thể quay phim, chụp ảnh, nhóm chỉ có thể nhìn và cố gắng ghi nhận trong đầu những điều cần thiết. Với các nhà khoa học thì chỉ như vậy là đã đủ. Sau đó, điều mong đợi đã đến, nhóm đã sản xuất được chiếc bếp đạt yêu cầu. Và đến năm 1998, tức là hai năm sau nghiên cứu, chiếc bếp dầu đun kiểu gas được đưa ra tiêu thụ trên thị trường, nhưng vẫn phải mua một số phụ kiện là ống hoá khí và gấm hoa bếp của bạn.

Những năm tiếp theo, nhóm nghiên cứu phải 5 lần sang Trung Quốc để tiếp tục tìm hiểu, tiến tới có thể tự chủ được hoàn toàn quy trình sản xuất. Và phải mất 5 năm sau, nghĩa là năm 2003, mong muốn trên mới thành hiện thực. Ông Phương vui vẻ nói: Chúng tôi có thể tự hào nói rằng, loại bếp dầu đun kiểu gas của ta hơn hẳn của Trung Quốc ở chỗ vừa đơn giản trong sử dụng, phù hợp với người Việt, giá thành lại rẻ. Mặc dù so với bếp Trung Quốc, loại bếp này không có hệ thống đánh lửa, nhưng điều đó không chỉ đơn giản là bỏ đi bộ phận này mà phải thay đổi một loạt chi tiết để đảm bảo hiệu suất tiêu hao nhiên liệu cũng như hiệu quả sử dụng.

... Đến chiếc bếp “ba trong một”

Sau khi nghiên cứu và sản xuất thành công, nhóm nghiên cứu đã thành lập Công ty Đại An để sản xuất và tung sản phẩm của mình ra thị trường. Ngay từ thời gian đầu, loại bếp này đã được đông đảo người tiêu dùng chấp nhận vì ý nghĩa môi trường và tính kinh tế.

Bếp dầu đun kiểu gas vừa phát huy được ưu điểm nhiên liệu rẻ lại vừa khắc phục được nhược điểm ô nhiễm môi trường của bếp than tổ ong. Vì vậy, nó hoàn toàn có thể đáp ứng được mục tiêu thay thế bếp than tổ ong. Nếu gia đình nào đó mỗi ngày chỉ cần dùng 2 viên than tổ ong thì số tiền mua nhiên liệu khoảng 1.000-1.200đ. Với nhu cầu sử dụng như vậy, nếu chuyển sang dùng bếp dầu đun kiểu gas, chi phí để mua nhiên liệu cũng chỉ tương đương số tiền đó, khoảng 30.000-40.000đ/tháng. Trong khi đó, nếu dùng bếp gas thì số tiền này sẽ phải là 130.000-135.000đ/bình gas 13,5kg. Hơn nữa, dùng bếp dầu đun kiểu gas sẽ tiết kiệm được thời gian đun nấu, bởi nhiệt lượng của nó lên tới 1.3000C, cao hơn rất nhiều so với bếp dầu và bếp than tổ ong. Trong khi hiệu suất nhiệt của bếp dầu chỉ là 56% thì ở loại bếp mới này là 99,9%, điều đó có nghĩa là nhiên liệu đã được huy động tối đa trong việc đốt cháy và sinh nhiệt.

Ông Phương cho biết, nguyên lý làm việc của bếp dầu đun kiểu gas là: Nhiên liệu lỏng chứa trong bình thép kín, được bơm tới áp suất từ 0,5 đến 0,7kG/cm2 với mục đích đưa nhiên liệu lên ống hoá khí và phun sương vào cốc chứa khí rồi bốc lên mặt cháy để bốc cháy. Ống hoá khí đặt trên mặt cháy, hấp thu nhiệt của ngọn lửa nên dòng nhiên liệu lỏng trong ống được hoá khí. Vì vậy, nhiên liệu ban đầu ở thể lỏng nhưng khi cháy là ở thể khí, nên bếp có hiệu suất cao, không có muội và mùi hôi của dầu, là những nhược điểm của bếp dầu. Nhiên liệu là hỗn hợp của dầu hoả và một số nhiên liệu dễ bay hơi như xăng và cồn. Bếp được cấp tạo thành hai thành phần riêng biệt: phần để đun và bình chứa nhiên liệu làm bằng thép kín dày 2mm.

Với bếp than tổ ong, nhiên liệu được sử dụng là hỗn hợp của than và bùn, khi đốt cháy nó sinh ra khí CO. Đây là một loại khí cực kỳ độc, được xếp đầu bảng, không màu, không mùi, không tan trong nước và chiếm một lượng lớn nhất trong quá trình đốt than, có thể gây hôn mê và tử vong cho người. Hơn nữa, trước khi sử dụng, lại phải tốn thời gian và một số nhiên liệu [củi hoặc điện] để nhóm bếp. Còn bếp dầu, nhiên liệu cháy ở dạng lỏng, được thẩm thấu qua những chiếc bấc, nên khi hoạt động, nó tiêu hao nhiều nhiên liệu và đặc biệt là sinh nhiều khói và mùi khó chịu. Thời gian để vận hành bếp dầu không nhiều như với bếp than tổ ong, chỉ khoảng 1-2 phút, nhưng lúc này, bếp dầu sinh rất nhiều khói và mùi khó chịu. Với nguyên lý hoạt động hoàn toàn khác, bếp dầu đun kiểu gas đã khắc phục được những nhược điểm của bếp dầu và bếp than tổ ong. Nó hoàn toàn không sinh khói, không có mùi, không có muội, không gây bẩn những dụng cụ đun nấu. Nghĩa là loại bếp này phát huy được những ưu điểm nổi bật của bếp gas, nhưng lại có một ưu điểm mà bếp gas không có, đó là tính kinh tế, tiết kiệm chi phí. Giá của bếp dầu đun kiểu gas thay đổi tuỳ theo dung tích bình, từ 360.000đ/ bếp 10 lít, 400.000đ/ bếp 20 lít đến 440.000đ/ bếp 30 lít.

Như vậy, bếp dầu đun kiểu gas là tập hợp ưu điểm của ba loại bếp dầu, bếp than tổ ong và bếp gas, vì vậy có thể gọi đây là loại bếp ba trong một. Anh Phương cho biết, sắp tới nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu, cải tiến để hoàn thiện sao cho chiếc bếp dầu đun kiểu gas có thể pháp huy tối đa ưu điểm của cả ba loại bếp trên. Chẳng hạn, anh sẽ nghiên cứu để đưa vào bếp dầu đun kiểu gas một hệ thống đánh lửa như ở bếp gas, để tiện lợi hơn cho việc sử dụng. Điểm bất tiện của loại bếp này là sau khi tiếp nhiên liệu, người tiêu dùng phải dùng bơm [loại bơm xe đạp] để nâng áp suất trong bình lên 0,5-0,7kG/cm2, tối đa là 2 kG/cm2, tương đương 0,2Mpa là vạch đỏ của áp kế. Hơn nữa, để nhóm bếp phải nhờ đến diêm, đóm hay que mồi đặt sẵn lên trên mặt cháy và mở nhanh van chính rồi mở từ từ van điều chỉnh cho đến khi bếp cháy. Nói thì như vậy, nhưng so với bếp dầu và bếp than tổ ong thì thời gian nhóm bếp dầu đun kiểu gas ngắn hơn nhiều, thường không quá 10 giây.

Phong cách ... Traditional!

Trở lại với thắc mắc của tôi về “đống sắt vụn” trong nhà mình, ông Phương cho biết, nhìn qua thì tưởng đó là những vật vô giá trị, nhưng thực chất đó là những vật liệu trang trí kiến trúc cổ của Pháp, Ý, Hà Lan. Thậm chí có những đồ vật được sản xuất từ năm 1920, được ông sưu tầm về và nếu ai có nhu cầu sẽ bán lại. Đó là một phần công việc kinh doanh, nhưng cũng là niềm đam mê của ông. Sở thích này xuất phát từ lý do, đã có thời gian dài thuở ấu thơ, ông được sống trong một khu nhà cổ của Pháp và dường như những đường nét kiến trúc cổ điển đã ăn sâu và gắn bó với ông từ đó. Sau này, mỗi lần có dịp đi đâu, dù bận rộn thế nào, ông cũng dành thời gian cho niềm đam mê của mình: tìm và sưu tầm những đồ nội, ngoại thất cổ. Trong cuộc sống tấp nập và hiện đại ngày nay, nhiều người đã nhận ra giá trị của những lối kiến trúc đó và người ta đang dần quay lại với phong cách traditional, phong cách truyền thống.

Khi đã nói lời tạm biệt, ông Phương còn cố níu tôi lại để nói về chuyện những ca sĩ trẻ mới nổi hiện nay, được một bộ phận thanh niên hâm mộ, khi lên sân khấu, họ cố gắng nói những lời hoa mỹ để lấy lòng người nghe. Tuy nhiên, trong thực tế, những ca sĩ với lối biểu diễn kiểu cách đó không tồn tại lâu trong lòng khán giả. Ngược lại, lớp ca sĩ nhiều tuổi như Quang Hưng, Ánh Tuyết... giờ đây khi lên sân khấu, mặc dù giọng không còn khoẻ nhưng với lối diễn giản dị, họ vẫn làm cho người nghe phải bật khóc khi xem họ trình diễn... Tôi còn chưa hiểu được câu chuyện về các ca sĩ này ăn nhập gì với mục đích cuộc gặp gỡ của chúng tôi ngày hôm nay, thì ông Phương giải thích “Tôi muốn, bài viết của chị về tôi cũng chỉ giản dị, nôm na, nhưng chân thực và cuốn hút người đọc”. Trước câu nói có vẻ “dạy đời” của ông, tôi không tự ái, bởi tôi hiểu nét phong cách truyền thống- tradition đã thấm đẫm trong tâm hồn, ý nghĩ và cách xử sự của người kỹ sư này.

Video liên quan

Chủ Đề