Các cụ già thanh hóa bắn rơi máy bay năm 2024

Tọa lạc tại trung tâm xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường sừng sững trước biển trời - nơi lưu giữ những chiến công oai hùng của người dân Hoằng Trường, Hoằng Hóa. Bao năm trôi qua, sự anh dũng, quả cảm ấy luôn là niềm tự hào, là động lực để các thế hệ trẻ tiếp bước noi theo.

Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc - Đơn vị nữ đầu tiên trên miền Bắc bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước có nhiều đơn vị nữ dân quân quên mình vì Tổ quốc, trở thành huyền thoại về lòng quả cảm, tinh thần yêu nước bất diệt được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu và gửi thư khen ngợi. Một trong những đơn vị đó là Trung đội nữ dân quân gái Hoa Lộc [Thanh Hóa] - đơn vị nữ dân quân đầu tiên trên miền Bắc đã bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh.

14 nữ dân quân Hoa Lộc năm xưa

Sau những đòn thất bại liên tiếp của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” mà chính quyền Mỹ nuôi nhiều hy vọng thắng lợi đã hoàn toàn sụp đổ. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ L.Giôn xơn - kẻ đại diện cho phe hiếu chiến Mỹ đã tiến hành chiến lược “chiến tranh cục bộ” đưa quân Mỹ vào miền Nam - Việt Nam đồng thời đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân ngày càng ác liệt. Mỗi ngày chúng huy động hàng chục tốp máy bay liên tục tấn công những vị trí trọng yếu của ta.

Ở Thanh Hóa, chúng tập trung đánh phá những khu vực kinh tế trọng điểm và khu vực đông dân cư, bệnh viện, trường học, nhà thờ và một số tuyến đường vận chuyển huyết mạch như: phà Thắm [Nga Sơn], kênh De [Hậu Lộc], cầu Hàm Rồng, phà Ghép [Tĩnh Gia], cầu Đò Lèn [Hà Trung]… nhằm cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến.

Tháng 5/1967, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho một số đồng chí trong các đơn vị nữ. Nhiều cán bộ quân sự giỏi, có kinh nghiệm được cử về hướng dẫn chị em. Một số nơi đang chuẩn bị thành lập các đơn vị nữ dân quân bắn máy bay cũng trực tiếp cử người về học tập.

Ngày 01/6/1967, Hội nghị Ban Thường vụ Đảng ủy xã Hoa Lộc được tổ chức tại gia đình cố Xung [xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc]. Hội nghị đã quyết định thành lập đơn vị nữ dân quân trực chiến. Đơn vị này đã được tham dự lớp huấn luyện của tỉnh tổ chức tại xã nhà.

Phụ nữ Hoa Lộc từ xưa đã nổi tiếng cần cù, chịu thương, chịu khó trong sản xuất, lại gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu. Ngay trong những ngày đầu đánh Mỹ, nhiều chị đã có những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở địa phương.

Đơn vị nữ dân quân gái Hoa Lộc gồm 14 chiến sĩ, do đồng chí Hoàng Thị Mợi làm trung đội trưởng. Những cô gái này tuổi đời còn rất trẻ, hầu hết ở độ tuổi 18, đôi mươi, có người còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, vì độc lập, tự do của dân tộc, họ đã gác lại mọi mơ ước riêng tư của mình để nhận nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, kho thóc và tuyến đường huyết mạch giao thông quan trọng từ Bắc vào Nam.

Trung đội trưởng Hoàng Thị Mợi

Theo kế hoạch, trung đội được huấn luyện trong 11 ngày, vừa học lý thuyết, vừa thực hành về cách sử dụng súng. Đội nữ dân quân đã được cấp trên giao cho 3 khẩu súng phòng không 12,7mm và chọn khu đất cồn bãi ở khu Đông Ngàn [Hậu Lộc] làm căn cứ luyện tập. Việc tập bắn súng 12,7mm đối với chị em buổi đầu gặp rất nhiều khó khăn. Súng có nhiều bộ phận phức tạp, có chị lần đầu tiên sử dụng nên không tránh khỏi ngỡ ngàng. Song với quyết tâm cao, nhiều chị em đã vượt qua quá trình “khổ tập”, “khổ luyện” để nhanh chóng chuyển từ thành thạo trong huấn luyện sang việc sử dụng thành thạo, kịp thời, chính xác trong chiến đấu.

Khu vực kênh De là nơi trọng điểm, địch tập trung đánh phá rất ác liệt, nên toàn trung đội thống nhất chọn làm nơi bố trí trận địa, miệt mài ngày đêm theo dõi, quan sát để rút ra quy luật hoạt động của chúng.

Khoảng 15h chiều ngày 16/6/1967, trong khi cả trung đội đang luyện tập thì trên bầu trời bất ngờ xuất hiện hai tốp máy bay của địch từ biển Lạch Trường bay vòng vào trận địa. Ba khẩu súng 12,7mm đồng loạt nhả 21 viên đạn. Chiếc máy bay A4D trúng đạn, loạng choạng lao xuống đất. Thấy vậy, cả tốp máy bay quay đầu tháo chạy ra biển.

Chiến công bắn rơi máy bay A4D của các nữ dân quân Hoa Lộc làm nức lòng quân, dân cả nước. Đây là đơn vị nữ đầu tiên trên miền Bắc độc lập bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh. Ngay sau chiến công đó, Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và gửi tặng cho mỗi thành viên trong trung đội một huy hiệu của Người.

Bức thư Bác Hồ khen ngợi Trung đội dân quân gái Hoa Lộc

Trong thư Bác viết: “Bác rất vui lòng khen các cháu đã chiến đấu giỏi và bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ. Bác gửi tặng mỗi cháu một huy hiệu. Bác mong các cháu hãy phát huy những điểm tốt: chăm học, chăm làm, sản xuất giỏi, đánh giặc giỏi cùng với bà con địa phương giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”…

Cả nước nhiệt liệt hoan nghênh và cổ vũ chiến công của chị em, hàng chục thư khen, thư giao ước thi đua của tập thể, cá nhân trong tỉnh và trên miền Bắc gửi đến Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc. Khắp nơi trong tỉnh đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi. Nhiều công trình lao động mang nội dung thi đua với Trung đội nữ dân quân Hoa Lộc xuất hiện. Chị em trong tỉnh bước vào sản xuất với một khí thế mới. Từ thửa ruộng, con mương, quãng đường đến đồi cây, lớp học, phòng chữa bệnh, cỗ máy… đâu đâu cũng gắn liền với phong trào thi đua với trung đội dân quân gái Hoa Lộc.

Trận địa đơn vị trở thành trung tâm trao đổi kinh nghiệm bắn máy bay của hầu hết các trung đội nữ dân quân trong tỉnh. Hầu hết các xã vùng ven biển, đồng bằng đến các xã trung du, miền núi đều thành lập các đơn vị nữ dân quân trực chiến. Nhiều đơn vị nữ khác như: Dân quân gái Thanh Thủy [Tĩnh Gia], Hoằng Trường, Hoằng Hải [Hoằng Hóa], Hà Phú, Hà Toại [Hà Trung], đại đội Triệu Thị Trinh cũng đã lần lượt bắn rơi máy bay Mỹ. Mỗi đơn vị lập công đều được được Bác Hồ gửi thư khen ngợi và gửi tặng huy hiệu.

Chiến thắng của các cô gái Hoa Lộc vang khắp năm châu, bốn biển, nhiều đoàn báo chí, truyền hình trong và ngoài nước đã về đây ghi lại chiến tích hào hùng của các chị em. Có nhà báo nước ngoài tỏ ra vô cùng kinh ngạc, bởi những cô gái “yếu liễu, đào tơ” của xứ Thanh từ trước đó chưa từng biết sử dụng vũ khí, vậy mà chỉ bằng ý chí quyết tâm, lòng quả cảm cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã làm nên thành tích đặc biệt này, đã dũng cảm bắn rơi chiếc máy bay tối tân nhất của quân đội Mỹ vào thời điểm bấy giờ.

Được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, thấm nhuần lời căn dặn của Bác, cùng với sự mến yêu, cảm phục của đồng chí đồng bào, các chị em lại càng phấn khỏi, tự hào, hăng say luyện tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, đề cao cảnh giác, sẵn sàng đánh phá địch. Chiến công nối tiếp chiến công. 5 tháng sau, ngày 2/11/1967 đơn vị lập công bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2; ngày 30/7/1972 đơn vị lại tiếp tục bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ ba.

Với những thành tích đặc biệt này, cuối năm 1967, chị em lại đón thêm niềm vui khi được Đảng, Nhà nước phong tặng Huân chương quân công hạng Ba, 2 Huân chương chiến công [1 Hạng nhất, 1 Hạng nhì]. Bảy năm liền đạt đơn vị Quyết chiến Quyết thắng. Vinh dự hơn, đến năm 1973, trung đội dân quân gái Hoa Lộc đã được Quốc hội và Chính Phủ tuyên dương đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Trung tướng Lê Quang Hòa đã từng nhận định về khả năng chiến đấu của lực lượng nữ dân quân Thanh Hóa: “Nếu dân quân tự vệ Việt Nam là người đầu tiên trên thế giới dùng súng bộ binh bắn rơi được máy bay phản lực Mỹ và sử dụng được pháo lớn để bắn chìm, bắn cháy tàu chiến Mỹ thì những cô gái dân quân, tự vệ nói trên cũng là những người phụ nữ đầu tiên trên thế giới đã góp phần đập tan những cái gọi là “uy thế của không lực và hải lực Huê Kỳ”.

Chiến công của những nữ dân quân Hoa Lộc đã đóng góp vào rừng chiến công của các nữ dân quân miền Bắc trong những năm chiến đấu ác liệt, chống giặc Mỹ bắn phá miền Bắc, giai đoạn 1965 - 1968. Đó là biểu hiện cao quý về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, về tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; là kết quả rực rỡ của phong trào thi đua “3 giỏi”, phong trào “phụ nữ ba đảm đang”, phong trào “giết giặc lập công” và phong trào xây dựng những đơn vị “Quyết thắng” trong dân quân tự vệ tỉnh ta. Đó là minh chứng hùng hồn về khả năng cách mạng vĩ đại của phụ nữ Việt Nam nói chung và phụ nữ Thanh Hóa nói riêng chẳng những sản xuất giỏi mà chiến đấu cũng giỏi, rất xứng đáng với truyền thống của quê hương Bà Triệu anh hùng./.

Nguyễn Thị Thắm [Tổng hợp]

Tài liệu tham khảo:

- Ban chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tập II [1954 - 1975], nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, năm 1996.

- Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Hội phụ nữ Thanh Hóa “Phụ nữ Thanh Hóa ba đảm đang chống Mỹ, cứu nước”, nhà xuất bản Thanh Hóa, năm 1985.

Chủ Đề