Cách chăm sóc người bệnh nằm một chỗ

Tiếp xúc với nước tiểu và phân kéo dài có thể làm tổn thương da, gây phá hủy mô và thúc đẩy sự hình thành loét do tỳ đè. Ngoài việc giữ cho da sạch và không bị nhiễm trùng, bỉm người lớn có kích thước vừa vặn phù hợp còn giúp giảm thiểu những tổn thương ngoài da do tỳ đè và cọ xát, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng loét khó điều trị này.

Lần đầu thay bỉm cho người lớn có thể mang lại cảm giác khó chịu và đáng sợ, để việc này dễ dàng hơn cho bạn và người bệnh, hãy làm theo các bước sau:

Vật dụng cần thiết

Nếu bạn là người thường xuyên thay bỉm cho người thân của mình, tốt nhất bạn nên để tất cả những vật dụng cần thiết gần giường của họ để bạn không phải tìm kiếm trong trường hợp cần gấp. Hãy chuẩn bị sẵn:

  • Găng tay y tế loại dùng một lần
  • Bỉm dành cho người lớn
  • Túi ni-lông [có thể mua tại cửa hàng tiện ích]
  • Khăn giấy được làm ẩm trước, như khăn lau dùng cho trẻ em hay khăn ướt [hoặc thay thế bằng loại khăn vải dùng một lần chuyên dùng để vệ sinh da]
  • Kem dưỡng ẩm bảo vệ da

Đảm bảo rằng những vật dụng này dành riêng cho việc thay bỉm. Điều này là rất quan trọng, ví dụ kem dưỡng ẩm không được dùng để bôi vị trí khác. Hơn nữa, nếu bạn cất tất cả các vật dụng ở một nơi, bạn sẽ biết khi nào khăn lau hoặc kem bảo vệ da sắp hết và cần mua thêm.

Cân nhắc việc thuê hoặc mua giường kiểu bệnh viện [có thể điều chỉnh độ cao nền giường và đầu giường] nếu nhà bạn chưa có. Điều này giúp việc chăm sóc người nằm liệt giường dễ dàng hơn và cũng có thể giúp họ cảm thấy thoải mái hơn.

Các bước thực hiện

Để giữ cho da luôn sạch sẽ và không bị viêm, cần thay ngay khi bỉm bị bẩn. Cố gắng kiểm tra bỉm thường xuyên. Tốt hơn nên có thêm người khác trong gia đình có thể làm thay khi bạn ra ngoài mua sắm hoặc làm việc nhà và dạy họ cách thay bỉm nếu họ có thể làm được.

Việc thay bỉm cho người lớn có thể được thực hiện bởi một người, nhưng sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu có người hỗ trợ bạn [đặc biệt nếu người bệnh to lớn hay bạn thấp nhỏ]. Vì vậy, bạn cần luyện tập một chút để có thể làm một mình được.

Các bước thay bỉm cho một bệnh nhân người lớn:

Video minh họa: //www.youtube.com/watch?v=2iWC6LxLVQ4&t=26s

1. Rửa sạch tay bạn bằng xà phòng và nước ấm

2. Mang găng tay y tế

3. Đặt người bệnh nằm ngửa ở tư thế thoải mái

4. Nếu giường có thể điều chỉnh, hãy nâng toàn bộ giường lên một độ cao phù hợp, thấp hơn một chút so với hông của bạn. Hạ thấp đầu giường về vị trí nằm ngang đến khi người thân của bạn thoải mái nhất.

5. Gỡ các miếng dán trên bỉm bẩn, nhét phần bỉm phía xa bạn nhất xuống dưới hông người bệnh.

6. Một tay đỡ hông, một tay đỡ vai, lăn trở người bệnh nằm nghiêng về phía xa của bạn.

7. Nếu phần bỉm phía xa bạn được nhét hoàn toàn dưới hông, lúc này bạn có thể kéo miếng bỉm ra khỏi người họ.

8. Cuộn bỉm bẩn với mặt bẩn vào trong khi bạn vứt bỏ bỉm.

9. Bỏ bỉm bẩn vào trong túi ni-lông [nhưng chưa đóng kín túi]

10. Dùng khăn ướt, lau kỹ vùng da đóng bỉm, cả mặt trước và mặt sau thân người bệnh. Tránh ấn hoặc cọ xát da quá mạnh. Bạn có thể cần lăn trở người thân nằm ngửa hoặc nghiêng để vệ sinh những vùng da còn lại.

11. Bỏ khăn lau đã sử dụng vào túi ni-lông.

12. Trong khi người thân của bạn nằm nghiêng, kiểm tra phát hiện các vết loét. Kiểm tra hàng ngày để điều trị kịp thời ngay khi phát hiện các dấu hiệu sớm là điều rất quan trọng.

13. Thoa kem dưỡng da vào phần tầng sinh môn để giữ ẩm và bảo vệ da.

14. Khi da của người bệnh bị khô, hãy mở một miếng bỉm mới, nhét phần bỉm phía xa bạn xuống dưới hông. Làm phẳng và cố định phần còn lại của bỉm trên giường, trải phẳng phần ga giường bên dưới thân người bệnh.

15. Lăn trở người bệnh về tư thế nằm ngửa lên trên bỉm.

16. Kéo bỉm vào giữa hai chân người bệnh.

17. Vuốt thẳng và gắn chặt các miếng dán. Để bỉm vừa khít, dán các miếng dán phía trên cùng hướng xuống dưới và các miếng dán phía dưới cùng hướng lên trên

18. Tháo găng tay và bỏ vào túi ni-lông. Buộc kín miệng túi và bỏ túi.

19. Rửa sạch và lau khô tay.

20. Điều chỉnh giường về độ cao và vị trí thích hợp.

Lưu ý

Trước khi rời đi, hãy đảm bảo người bệnh đã nằm ở tư thế phù hợp. Điều này bao gồm cả việc thay đổi tư thế cho họ thường xuyên để áp lực không đè lên hông hoặc phần khác của cơ thể quá lâu.

Giữ sạch da, thay đổi tư thế ít nhất 2 giờ một lần, và giữ ga trải giường sạch và phẳng có thể giúp phòng ngừa loét và giúp cuộc sống của bạn và người bệnh trở nên dễ dàng hơn.

Nguồn: Angela Morrow, RN - verywellhealth.com

Đường dẫn: //www.verywellhealth.com/how-to-change-a-person-in-bed-1131995

Biên dịch: Nguyễn Thị Hồng Vân Điều dưỡng Khoa Nội tiêu hóa theo yêu cầu BVUBHN

Hiệu đính: Ths.Bs.Nguyễn Thanh Hằng Phòng HTQT & NCKH

Video liên quan

Chủ Đề