Call me by your name là gì năm 2024

Sau bao tháng ngày đợi mong, cuối cùng thì tôi cũng đã xem được bộ phim “Call me by your name” bản full SD Vietsub. Trước khi xem phim, tôi đã vô cùng ấn tượng với câu chuyện tình yêu nồng nhiệt, đắm say nhưng cuối cùng không thể có một kết thúc có hậu của hai nhân vật chính. Đó là một mối tình ngắn ngủi kéo dài vỏn vẹn chỉ 6 tuần, nhưng có sức ảnh hưởng và để lại dư vị mãi mãi về sau cho cả Elio và Oliver. Mối tình ấy diễn ra trên cái nền mùa hè nước Ý vùng Địa Trung Hải, tràn ngập ánh nắng vàng ấm áp và khung cảnh cổ kính, nên thơ. Khung cảnh ấy, cái ánh vàng của những ngày hè ấm áp đó đã được tái hiện một cách xuất sắc lên màn ảnh, với cái hồ nước nơi Elio và Oliver cùng tắm với nhau, khoảng cỏ rộng nơi mọi người tụ tập chơi bóng chuyền, khu vườn đầy những quả đào, mơ và lựu - những thứ trái cây đậm chất mùa hè, những ly nước mơ ngon lành mát lạnh, những bữa ăn ngoài trời dưới bóng cây, khu thành phố với những tòa nhà, những công trình kiến trúc chứa đựng bề dày lịch sử của nước Ý.

Và trên cái nền đó, một mối tình đẹp và khắc khoải đã diễn ra. Timothée Chalamet đóng vai Elio đã lột tả được hoàn toàn cái thần thái của nhân vật: một cậu thiếu niên nhạy cảm, yêu âm nhạc và hết mực si tình, đứng trước một tình cảm mới mẻ và đầy ám ảnh dành cho một người đàn ông lớn hơn mình đến tận 7 tuổi. Elio lao vào tình yêu với Oliver như con thiêu thân lao vào lửa, bất chấp kết cục sau này có là gì; cậu yêu như chưa từng được yêu, như thể chính mối tình đầu, chính tình yêu của tuổi trẻ phải thế: dào dạt, điên cuồng và thẳm sâu. Những khoảnh khắc chờ đợi trong bồn chồn cho đến nửa đêm cho cuộc hẹn đầu tiên giữa hai người; những cảnh làm tình với cô bạn Marzia nhưng mắt vẫn hướng về cái đồng hồ đeo tay, tất cả đã làm nên một Elio của tuổi 17 lần đầu tiên thực sự biết yêu, lần đầu tiên thực sự biết ngóng chờ ai đó, tương tư ai đó. Và ai đó của Elio là Oliver, đã được diễn viên Armie Harmmer hóa thân một cách trọn vẹn, với vẻ ngoài cao ráo, đẹp trai và phong thái như một “movie star”, thổi luồng gió mới vào một mùa hè những tưởng như rất đỗi bình thường ở nước Ý.

Trường đoạn khi hai người làm tình với nhau lần đầu tiên, sau đó Oliver thì thầm với Elio rằng: “Call me by your name, and I’ll call you by mine.” [“Hãy gọi anh bằng tên em, và anh sẽ gọi em bằng tên anh.”] đã khiến tôi bật khóc. Tôi khóc vì khoảnh khắc ấy quá đẹp, quá tinh khôi, dẫu nó diễn ra trong bóng tối, bên trong những cánh cửa khép kín của hai căn phòng kế bên nhau. Và tôi khóc bởi vì tôi đã biết trước, rằng dẫu tình yêu ấy có đẹp đến thế nào, tinh khôi đến thế nào, thì cuối cùng, hai người vẫn phải chia tay nhau, vẫn phải bước đi trên những ngã rẽ khác của cuộc đời. Tôi khóc khi thấy Elio khóc, khi cậu dụi đầu vào lòng Oliver mà hỏi anh rằng liệu cậu có bệnh hoạn quá không, khi toàn làm những chuyện kỳ dị cốt chỉ để có anh gần bên, gần hơn nữa; để thỏa mãn cái cơn thèm khát Oliver, thỏa mãn nỗi ám ảnh khát khao của một chàng trai đang lớn dần lên cùng với những cảm xúc mới mẻ mà dữ dội của mình.

Cả Timothée Chalamet và Armie Hammer đều là trai thẳng [Armie Hammer thì đã có vợ con đề huề rồi cơ ], vậy mà khi xem phim, đố ai biết được họ không phải là gay, vì chemistry của họ trên màn ảnh quá tuyệt; những cảnh hai nhân vật ôm ấp nhau cứ tự nhiên và tình cảm vô cùng. Phim đã cố gắng đưa được gần như toàn bộ những chi tiết chính của cuốn tiểu thuyết lên phim, nhưng nhìn chung cả hai khác nhau về cách miêu tả câu chuyện, dù chúng đều kể về một câu chuyện giống nhau. Nếu cuốn sách mang trong lòng nó sự dữ dội và ngây ngất của tình dục, của mối kết nối “tuy hai mà một” giữa Elio và Oliver, thì cá nhân tôi thấy phim làm nhẹ nhàng hơn nhiều, nhưng vẫn rất có chiều sâu. Có lẽ vì phim đi theo hướng nghệ thuật, nên cảnh tình dục cũng có, nhưng không đến nỗi quá phô bày hay gây kích động mạnh, trừ cảnh sex của Elio và Marzia [chứ nếu làm y xì như trong sách chắc đã bị gọi là phim kích dục rồi :D]. Đến cả cảnh Elio “fuck the peach” [là cảnh nổi bật và gây ấn tượng mạnh nhất của cuốn tiểu thuyết] cũng được làm khá nhẹ nhàng và có phần đáng yêu :D.

Thay vì chuyển tải sự dữ dội của bản truyện gốc, phim đã sử dụng cảnh vật và bầu không khí nước Ý đầy hoài cổ những năm 1980s để kể lại câu chuyện tình khắc khoải của Elio và Oliver. Tông màu vàng ấm của mùa hè cùng nhịp điệu kể chuyện chậm rãi, lời thoại ít, chừa những khoảng không im ắng cho diễn viên diễn xuất đã định hình cách kể chuyện của bộ phim. Ở đây, tôi không bàn luận giữa sách và phim, cái nào hay hơn, bởi mỗi cái đều có những nét riêng đầy cuốn hút của mình. Nhưng cho dù nét riêng ấy có là gì, thì ở tận sâu trong trung tâm của “Call me by your name”, cả bản sách và bản phim, luôn là một câu chuyện đáng để đọc, để xem, để trải nghiệm và cảm nhận, dẫu bằng ngôn ngữ điện ảnh hay ngôn ngữ văn chương. Câu chuyện này đặc biệt và đáng đọc đến nỗi, sau khi xem phim xong, tôi đã buộc mình phải suy nghĩ lại và cho cuốn sách 5 sao thay vì 4 sao như lúc đầu. Cách truyền tải của tác giả có khó hiểu một chút thì đã sao chứ? Về cơ bản, câu chuyện của "Call me by your name" đã quá tuyệt vời và xứng đáng được nằm trong hàng ngũ những cuốn sách 5 sao trên kệ sách của tôi :]]

Xem phim giúp tôi hiểu nhiều hơn về nhân vật cha của Elio, một người cha vô cùng tâm lý mà tôi ước ao tất cả những ai thuộc cộng đồng LGBT đều có trong cuộc đời. Đoạn gần kết phim, sau khi Elio đã chia tay Oliver ở ga tàu hỏa và được mẹ chở về nhà, cha của Elio đã chia sẻ với cậu những suy nghĩ và cảm nhận của ông về những gì Elio đã có cùng với Oliver: một điều đặc biệt hiếm hoi và tuyệt đẹp. Và còn những lời khuyên nhủ đúc kết từ chính kinh nghiệm cùng những tiếc nuối của ông về những gì ông đã bỏ lỡ trong đời nữa:

“Then let me say one more thing. It'll clear the air. I may have come close, but I never had what you two have. Something always held me back or stood in the way. How you live your life is your business, just remember, our hearts and our bodies are given to us only once. And before you know it, your heart is worn out, and, as for your body, there comes a point when no one looks at it, much less wants to come near it. Right now, there's sorrow, pain. Don't kill it and with it the joy you've felt.”

Đoạn kết tràn đầy sự dang dở của một mối tình không viên mãn sẽ gây đớn đau và thổn thức cho nhiều người. Nhưng đối với tôi, cái kết đó là hợp lý. Vì ở thời điểm đó, cái thời mà quyền LGBT vẫn còn là một khái niệm quá xa vời, một mối tình đồng tính có thể đi đến đâu? Nếu Elio và Oliver đến được với nhau, nếu họ muốn xây dựng một gia đình của riêng mình, ai sẽ cho phép họ nhận con nuôi? Liệu tình yêu của họ có đủ mạnh mẽ, đủ sâu sắc để vượt qua những dị nghị và dòm ngó của người đời? Gia đình Elio thì tâm lý quá rồi, nhưng còn gia đình của Oliver? Anh đã nói với Elio qua điện thoại là cha anh sẽ đưa anh vào trại cải huấn nếu anh dám công khai tình yêu của mình với Elio và chọn cách ở bên cậu. Và còn cả những kỳ vọng của gia đình và xã hội vào một người đàn ông có học vấn như Oliver nữa. Đơn giản là ở thời điểm đó, một cặp tình nhân đồng tính với tuổi đời trẻ như Elio và Oliver không có nhiều sự lựa chọn để có thể tiếp tục cuộc sống của mình mà không phải hối tiếc vì những quyết định mình đưa ra...

Nghe đâu phim sẽ có phần 2 [ra mắt vào năm 2020], nên thành ra khúc cuối chỉ tiết lộ Oliver chuẩn bị làm đám cưới thôi, chứ không có khúc 20 năm sau khi Oliver trở lại ngôi nhà của gia đình Elio ở Ý, dắt theo vợ cùng hai đứa con trai :]] Sách thì chỉ có một cuốn, nên nếu phim làm phần 2 thì chắc chắn là sẽ tự viết kịch bản rồi Trước mắt hy vọng mùa “hốt vàng” Oscars sắp tới, phim “Call me by your name” sẽ được đề cử ở hạng mục “Best Picture”, “Best Adapted Screenplay”, “Best Cinematography”, “Best Score”, “Best Song” [mợ ơi cái bài “Mystery of Love” quá hay và quá hợp với không khí của phim ahhhh!!!!], đạo diễn Luca Guadagnino sẽ được đề cử “Best Director”, Timothée Chalamet thì được đề cử “Best Actor in a Leading Role” và Armie Hammer thì được đề cử “Best Actor in a Supporting Role”. Chỉ cần được đề cử thôi là mừng thôi ha ha :D

  1. S.: Trong phim thấy nhân vật Elio nói chuyện với Marzia bằng tiếng Pháp, dù khi đọc sách mình không nhớ cô bé này có phải người Pháp không [nhớ là nguyên dàn nhân vật trừ anh Oliver ra là người Ý hết cả…] nên đang thắc mắc [vì câu chuyện diễn ra ở Ý mà lại nói tiếng Pháp :D]. Không lẽ tại Timothée Chalamet biết tiếng Pháp chứ không phải tiếng Ý nên cho ẻm nói tiếng Pháp luôn ha ha :]]]]

Coi phim xong chỉ muốn như cha mẹ của Elio, có một ngôi nhà ở miền Địa Trung Hải của Ý và một khu vườn rộng đầy hoa cùng cây ăn quả, ngày ngày được ngắm cảnh đẹp, ra vườn ngồi đọc sách, chán chê rồi thì đi bơi hồ, tắm sông, tới hè thì được ăn quả ngon, riêng mỗi ngày đều được ăn đồ Ý ở ngoài sân vườn :]] Cuộc đời đẹp đơn giản thế thôi, chứ cũng không dám mơ có được một tình yêu nồng nhiệt và dữ dội như của Elio và Oliver đâu :D

Old review:

Mùa hè những năm 1980s. Một tòa biệt thự nhìn ra vùng biển Địa Trung Hải ở Ý. Elio, năm đó mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, cùng cha mẹ đón vị khách đến ở trọ ở khu biệt thự mà mỗi năm họ đều cho giới văn sĩ thuê để viết sách. Ngay từ lần đầu tiên nhìn thấy Oliver - giảng viên đại học kiêm nhà văn người Mỹ đến Ý để giám sát việc dịch thuật cuốn sách của anh - bước ra khỏi chiếc xe taxi dừng trước cổng nhà, Elio đã trúng tiếng sét ái tình với người đàn ông hơn mình 7 tuổi. Oliver đẹp trai sáng ngời, một kiểu “movie star” như mẹ của Elio miêu tả, một làn gió đậm mùi nam tính có thể đánh gục bất cứ ai. Anh xuất hiện như một thỏi nam châm giữa vùng biển mùa hè của nước Ý, chinh phục những cô gái trẻ trong vùng, trở thành trung tâm của khu biệt thự và đồng thời đánh cắp trái tim của Elio.

Tình cảm mà Elio dành cho Oliver là một thứ tình cảm gây nghiện, và trong con mắt của cậu là thật đáng xấu hổ biết bao. Nhưng cậu không thể nào buộc tâm trí và trái tim mình thôi thổn thức vì chàng văn sĩ mang dáng dấp của một diễn viên điện ảnh. Bề ngoài, Elio cố gắng duy trì một thái độ dửng dưng, thờ ơ với vị khách của gia đình, nhưng bên trong, từng ngày từng giờ, chàng trai trẻ phải đối mặt nỗi dằn vặt đớn đau mang tên nỗi thèm khát. Đó là nỗi thèm khát được chạm vào Oliver, được cảm giác thân thể của người đàn ông 24 tuổi kế bên mình, ở trên mình, sâu trong cơ thể mình. Elio khát khao được sống trong cơ thể của Oliver, được là Oliver, và để Oliver trở thành cậu.

Cậu đàn những bản nhạc của Bhrams và Haydn cho Oliver nghe, cùng vị khách đàm đạo về văn học thế giới. Cậu phát hiện đũng quần mình ướt nhẹp vì kích thích bởi sự có mặt của Oliver trong phòng cậu; và cậu cũng ướt như thế khi lẻn vào phòng người mình yêu để mặc trộm những bộ đồ của Oliver, để được cảm nhận chút gì đó của Oliver thông qua những thứ đã chạm vào da thịt của vị khách. Cậu nằm mơ, những giấc mơ phản ánh cái khát khao cháy bỏng của cậu đối với Oliver, cái ước vọng thẳm sâu và mãnh liệt muốn được Oliver chú ý đến, được Oliver đáp lại tình yêu, được hòa quyện cùng Oliver trên giường, của cậu hay của Oliver đều được.

Elio tự nhận mình đã từng có vài mối tình thoáng qua, và đã từng ngủ với rất nhiều cô gái. Nhưng cậu đâu ngờ mối tình đầu thật sự của cậu, lần đầu tiên trong đời cậu cảm nhận được việc khao khát một người là như thế nào, lại có thể mãnh liệt và giày vò tâm can đến như vậy. Bất chấp tất cả những hành vi nhỏ nhặt, những biểu hiện có thể tiết lộ một điều gì khác hơn chỉ là một tình bạn đơn thuần giữa hai người đàn ông, Oliver vẫn đối xử với Elio với một thái độ dửng dưng y hệt, một thái độ đã đốt cháy tâm hồn chàng trai trẻ trong những nỗi nghi ngờ. Elio nghi ngờ Oliver đã ngủ với toàn bộ phụ nữ trong vùng, và thay vì ghen tuông, thay vì thu hết can đảm để thổ lộ lòng mình, Elio lại thấy mình cương cứng trước cái hình ảnh Oliver quan hệ tình dục với một cô gái khác diễu ra trước mắt cậu. Cậu chấp nhận yêu trong câm lặng và tuyệt vọng, chấp nhận duy trì cái trạng thái đau khổ cùng cực trong lòng, đâu biết rằng Oliver thực ra cũng đáp lại tình cảm của cậu.

Và theo sau cái đau khổ đó là những nụ hôn của hai người trên ngọn đồi nhìn ra quảng trường nhỏ, nơi mà theo lời Elio là địa điểm họa sĩ thiên tài người Pháp Claude Monet đã từng vẽ tranh. Những buổi chiều cùng nhau đạp xe. Chuyến đi tới hiệu sách. Elio bí mật làm tình với Marzia - một cô gái trong vùng, chỉ để cố gắng quên đi thứ tình cảm đầy xấu hổ cậu cảm nhận được với một người đàn ông. Và rồi tình cảm ấy đã được thổ lộ. Những cuộc hẹn bí mật vào buổi tối, được thông báo bằng những tờ ghi chú nhỏ nhét vào dưới cửa phòng. Và sự bùng nổ của cảm xúc, của tình yêu, của những đêm làm tình mê mệt, say sưa, choáng váng.

Tình dục và rất nhiều tình dục, thứ tình dục đắm say, gắn kết, đau đớn nhưng cũng đầy thỏa mãn; thứ tình dục giữa hai người đàn ông, hay đúng hơn là giữa một người đàn ông đã trưởng thành và một chàng trai mới lớn đang khám phá những gì thuộc về tình yêu và bản thể của mình. Thứ tình dục ở mức tột cùng nhưng không hề bệnh hoạn, thứ tình dục đã biến Elio trở thành Oliver và Oliver trở thành Elio. Và trong những đêm như thế, khi Elio cảm nhận được Oliver đang ở sâu trong cơ thể mình, cậu đã gọi người mình yêu bằng tên của chính mình, như cái cách Oliver đã gọi cậu bằng chính tên của anh.

“Call Me By Your Name” không chỉ là câu chuyện tình của hai người đàn ông; nó còn là câu chuyện của riêng Elio, của một chàng trai lần đầu tiên trong đời khám phá sức mạnh của mối tình đầu, một mối tình mặc dù chỉ kéo dài trong 6 tuần Oliver lưu lại Ý, nhưng lại ám ảnh khôn nguôi. Một mối tình như ánh sao băng, xoẹt ngang qua bầu trời, để rồi toàn bộ mọi thứ bùng nổ trong những đợt sắc màu không sao tả nổi. Elio vật lộn với tình cảm mới mẻ này, vật lộn với việc có còn nên xem nó là thứ tình cảm đáng xấu hổ và tội lỗi. Cậu tiếp tục những giờ làm tình bí mật với Marzia, coi nó như là một thứ để cân bằng lại với mối tình giữa hai người đàn ông mà cậu đang duy trì với Oliver. Để rồi sau cùng Elio nhận ra, chỉ có những gì cậu đã trải qua với Oliver là những gì sẽ đi vào ký ức của cậu - một trải nghiệm mãi mãi thay đổi con người cậu, thay đổi những gì cậu nhìn nhận về chính mình. Nói một cách khác hơn, “Call Me By Your Name” còn là hành trình của một chàng trai khám phá bản dạng giới tính của bản thân, cùng lúc có một mối tình đáng nhớ với một người mà vì cách trở về địa lý và sự ngăn trở của tư tưởng thời đại, sẽ không còn là của cậu.

Elio vay mượn thời gian của hiện tại để níu giữ những giờ phút còn lại với Oliver bằng chuyến đi đến thủ đô Rome. Và tại đây, cậu tiếp tục những ngày hạnh phúc hiếm hoi của cuộc đời bên cạnh Oliver và những người bạn, bên những quán bar, những cốc rượu mạnh, bằng đôi bàn tay của Oliver đỡ cậu khi cậu ói dọc vệ đường. Và nhất là, bằng nụ hôn đắm say Oliver trao tặng cho cậu trong con ngõ vắng, khi anh đẩy chàng trai trẻ vào bức tường và buộc cậu phải ghì một chân vào chân anh - nụ hôn đã mãi mãi biến nơi đó trở thành nơi kỷ niệm của hai người, của một mối tình đã rơi vào quá vãng.

Kết thúc chuyến đi tới Rome, Elio về lại nhà, trong khi Oliver quay về Mỹ. Ít lâu sau, Oliver liên lạc lại để thông báo về việc anh sắp kết hôn, bởi lẽ, đồng tính ở thời điểm đó vẫn là một đề tài cấm kỵ, và hai người đàn ông yêu nhau thì làm sao đây để có thể trọn vẹn đến với nhau mà không hối tiếc điều gì? Oliver chỉ còn biết cách tiếp tục sống cuộc đời của mình, trở thành cha của hai đứa con trai, và thảng hoặc, vào những ngày lễ, sẽ trở về lại khu biệt thự đó, bên bờ biển Địa Trung Hải, nơi tình yêu của anh đã thay đổi một con người. Và đúng như thể một ánh sao băng, hay một ánh chớp chói lòa, tất cả những gì họ đã có trước đây - sự thân mật cực điểm đến nỗi không gì có thể chia lìa - là những gì họ chỉ có thể trải nghiệm được một lần duy nhất. Nó đẹp và mong manh như chính số phận của hai người đàn ông giờ đây rẽ sang hai hướng khác biệt. Nó bừng lên và vụt tắt chỉ trong một lần, nhưng dư âm của nó thì ở lại mãi mãi, bên trong ký ức và tâm trí của hai con người, vào cái mùa hè đó, 20 năm về trước, khi Elio mới chỉ là chàng trai 17 tuổi, còn Oliver đã là một chàng trai giữa tuổi 20.

Câu từ của tác giả André Aciman đẹp như thứ ngôn ngữ chúng ta chỉ tìm thấy được ở trong thơ; nó đẹp và ám ảnh bởi khả năng phân tích và giãi bày tâm lý cũng như tình cảm nhân vật. Theo dấu lời kể của Elio, tôi say mê dõi theo câu chuyện tình của cậu và Oliver, đau đớn những khi cậu đau đớn, hạnh phúc những khi cậu hạnh phúc, trăn trở những khi cậu trăn trở, suy tư những khi cậu suy tư. Tác giả cũng đã tài tình dựng nên cái nền là khung cảnh mùa hè rực nắng và khó quên ở nước Ý - khung cảnh của gió, bãi cỏ, mùi biển, tiếng ve kêu, những giấc ngủ ban trưa, hồ bơi, những trái mơ và đào chín ửng. Mùa hè là mùa của tự do, của những chuyến phiêu lưu, của sự khám phá, và đặc biệt là của những mối tình bí mật. Chắc có lẽ đây là lý do mà tác giả đã lựa chọn mùa hè làm nền cho câu chuyện của mình. Điểm trừ duy nhất của “Call Me By Your Name” có lẽ là việc sử dụng nhiều khi quá mức chất thơ và chất triết lý trong những suy ngẫm của Elio, dẫn đến việc nhiều câu văn quá dài, đọc một hồi mới hiểu tác giả đang muốn nói gì [nhiều khi đọc hoài mà cũng chẳng hiểu luôn…].

P.S.: Mới biết là cuốn tiểu thuyết này đã được dựng thành phim, sẽ ra rạp vào ngày 24/11 năm nay Chưa gì mà trên trang Rotten Tomatoes critics đã chấm 100% rồi nè :D //www.rottentomatoes.com/m/call...

Trong sách có đoạn Elio have sex với trái đào, tại hình dáng trái đào nhìn giống cái mông người quá, làm ẻm liên tưởng tới phần dưới của Oliver :D Thêm cái vụ bên trong trái đào thì nhìn giống anus [anus nghĩa là gì thì mời dò từ điển ], làm ẻm nghĩ tới Oliver tiếp, nên là ẻm mới quyết định fuck the peach. Nói chung cảnh đó bạo liệt lắm, đọc mà nóng cả người :D Rồi cha nội Oliver đi vô, thấy Elio đang nằm thỏa mãn phủ phê trên giường, bên cạnh là hai miếng đào bị tách ra, bên trong còn chứa đầy tinh dịch của ẻm. Cha nội khoái quá, cầm lên ăn ngon lành, kiểu giống như là “cái gì của em anh cũng yêu hết. Những gì thuộc về em nếu có chết thì phải chết bên trong người anh” :D Nghe đồn lên phim ông đạo diễn quyết định làm cảnh đó luôn, mà đang không biết diễn viên diễn thế nào đây =]]]]] Phân đoạn quá nhạy cảm :]]]] Rồi cái nữa là không biết khi phim được mua về VN chiếu thì sẽ có bị censored không, censored nhiêu phần nữa… [nếu censored hết thì mất mợ nó những chi tiết hay rồi]. Mà quan trọng là VN có ai dám mua phim về chiếu không đây… Cái ải kiểm duyệt ở nước ta cũng ghê gớm lắm...

Sign into Goodreads to see if any of your friends have read Call Me by Your Name.

Call me by your name có ý nghĩa gì?

Như vậy "𝗖𝗮𝗹𝗹 𝗺𝗲 𝗯𝘆 𝘆𝗼𝘂𝗿 𝗻𝗮𝗺𝗲" có nghĩa là các cặp. đôi đã tìm được ý trung nhân của đời mình, còn có thể hiểu là "Cậu chính là nửa kia của tớ".

Phim Call me by your name được quay ở đâu?

Call Me by Your Name được quay tại nhiều địa điểm tại miền Bắc nước Ý. Khung cảnh thị trấn ven Địa Trung Hải dưới nắng hè đầy lãng mạn được coi là bối cảnh hoàn hảo cho bộ phim với những rung động đầu đời, với một tình yêu đẹp nhưng buồn man mác của thập niên 80.

Chủ Đề