Counterfactual comparison so sánh phản sự thật năm 2024

Cuộc sống có đầy những lựa chọn và những con đường không được chọn, do đó không có gì ngạc nhiên khi con người chúng ta đôi khi cảm thấy tiếc nuối về những quyết định họ đã đưa ra và những điều họ đã không thực hiện.

Hối tiếc có thể là một cảm xúc vô cùng đau đớn. Mặc dù bắt nguồn từ cảm giác lo lắng, nỗi thất vọng, cảm giác tội lỗi hoặc hối hận về những điều đã xảy ra trong quá khứ, những cảm xúc này có sức ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hiện tại của bạn. Vấn đề ở đây là khi bạn cảm thấy tiếc nuối về những lựa chọn hoặc những lỗi lầm trong quá khứ, đôi khi bạn sẽ bỏ lỡ niềm vui trong những khoảnh khắc hiện tại.

Cùng tìm hiểu thêm về sức mạnh của sự hối tiếc, nguyên nhân và điều bạn có thể làm để đối mặt với nó.

Sự hối tiếc là gì?

Hối tiếc được định nghĩa như một loại cảm xúc khó chịu tập trung vào niềm tin rằng một sự kiện nào đó trong quá khứ có thể được thay đổi để đạt được kết quả đáng mong đợi hơn.

Đó là một loại suy diễn phản sự thật (counterfactual thinking), liên quan đến việc tưởng tượng ra cách mà cuộc sống của bạn có lẽ sẽ khác đi. Đôi khi suy diễn phản sự thật có nghĩa là bạn đánh giá cao sự may mắn khi tránh được các hiểm hoạ, nhưng những lúc khác nó tập trung vào cảm giác thất vọng hay tiếc nuối.

Đặc điểm của sự hối tiếc

  • Tập trung vào quá khứ
  • Có cảm xúc tiêu cực, khó chịu
  • Tập trung vào các khía cạnh của bản thân
  • Nó dẫn đến sự so sánh ở mức độ cao (upward comparison)
  • Nó thường liên quan đến sự tự trách bản thân

Về bản chất, lý do chúng ta cảm thấy sự hối tiếc là một trải nghiệm tồi tệ là vì nó nhắc nhở bạn rằng một điều gì đó bạn đã có thể hoàn thành được, một sự lựa chọn bạn đã có thể thực hiện, hoặc những hành động bạn đã có thể làm để đạt được kết quả tốt hơn hoặc tránh được những điều khủng khiếp.

Sự hối tiếc không chỉ là việc ao ước một việc gì đó sẽ diễn ra theo cách khác; nó cũng cho thấy một khía cạnh khác của việc tự đổ lỗi và thậm chí cảm thấy tội lỗi.

Sự hối tiếc là một điều khó để cảm nhận, nhưng một số chuyên gia cho rằng nó cũng có thể có những ảnh hưởng tích cực nếu bạn đối phó tốt với nó và nghĩ rằng nó giúp bạn có những sự lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

“Không hối tiếc” trở thành một cụm từ phổ biến, biểu thị quan điểm rằng hối tiếc là việc lãng phí thời gian và năng lượng. Đó là một thế giới quan được lặp đi lặp lại trong nền văn hóa đại chúng và được tất cả mọi người từ những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đến những người nổi tiếng và cả những chuyên gia về self-help rao giảng.

.jpg)Và, theo nhà tâm lý học Daniel Pink, tác giả của cuốn “Sức mạnh của sự hối tiếc” (“The Power of Regret”) cho rằng điều đó 100% là sai lầm. Ông cho rằng hối tiếc không chỉ là một điều hoàn toàn bình thường mà thậm chí còn tốt cho sức khỏe. Theo quan điểm của Pink, sự hối tiếc có thể đóng vai trò như một nguồn thông tin có giá trị. Khi được sử dụng tốt, nó sẽ dẫn dắt, tạo động lực, và khơi nguồn cảm hứng để bạn có thể đưa ra những quyết định tốt hơn trong tương lai.

Mẹo để đối mặt với sự hối tiếc

Mặc dù bạn không thể lãng tránh sự hối tiếc nhưng có những điều bạn có thể làm để giảm thiểu cảm giác này. Hoặc loại bỏ những điều tiêu cực ra khỏi cảm giác này và biến sự hối tiếc của bạn thành cơ hội để trưởng thành và thay đổi.

Sự hối tiếc thường được xem như một dạng cảm xúc tiêu cực, nhưng nó xứng đáng được đóng một vai trò quan trọng và thậm chí là một động lực tích cực trong cuộc sống của bạn. Chằng hạn, sự hối tiếc có thể trở thành động lực thúc đẩy. Nó có thể giúp bạn vượt qua những lỗi lầm trong quá khứ hoặc hành động để sửa chữa những sai lầm đó.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cả những trải nghiệm hối tiếc trước đó và những hối tiếc có thể dự đoán trước có thể ảnh hưởng đến quyết định của bạn trong tương lai. Nỗ lực để tránh sự hối tiếc trong tương lai có thể giúp bạn đưa ra những quyết định tốt hơn.

Luyện tập cách tự chấp nhận

Thừa nhận và chấp nhận những điều bạn cảm nhận được là điều cần thiết. Khi bạn chấp nhận bản thân và những gì bạn cảm nhận, bạn sẽ nhận ra giá trị của bản thân không được định nghĩa từ những thất bại hay lỗi lầm của bạn.

Chấp nhận bản thân và cảm xúc của bản thân không có nghĩa là bạn không muốn thay đổi mọi thứ hoặc làm tốt hơn. Nó chỉ có nghĩa là bạn có thể nhận ra rằng bạn luôn luôn học hỏi, thay đổi và trưởng thành.

Tóm tắt lại

Nhắc nhở bản thân rằng những sự kiện trong quá khứ không quyết định tương lai của bạn, và bạn có khả năng đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

Tha thứ cho bản thân

Vì sự hối tiếc một phần có liên quan đến cảm giác tội lỗi và tự kiểm điểm bản thân nên việc tìm cách để tha thứ cho bản thân có thể giúp giảm bớt cảm giác tiêu cực. Tha thứ cho bản thân bao gồm việc đưa ra một lựa chọn có chủ ý để loại bỏ sự tức giận, bực bội hoặc thất vọng mà bạn cảm nhận về bản thân.

Chấp nhận lỗi lầm của bản thân là một phần trong quá trình này, nhưng sự tha thứ cũng yêu cầu bạn phải rèn luyện sự bao dung. Thay vì tự trừng phạt bản thân vì những lỗi lầm, hãy đối xử với bản thân bằng sự tự tế và tha thứ như bạn đã từng đối xử với một người thân yêu.

.jpg)

Bạn có thể làm điều này bằng cách nhận trách nhiệm cho những điều đã xảy ra, bày tỏ sự hối hận về những sai sót của bản thân và hành động để sửa đổi. Bạn không thể thay đổi quá khứ, nhưng từng bước có thể làm tốt hơn trong tương lai, điều này có thể giúp bạn tha thứ cho bản thân và nhìn về phía trước thay vì nhìn lại quá khứ.

Xin lỗi những lỗi lầm

Bên cạnh việc tha thứ cho bản thân, sẽ hữu ích nếu bạn xin lỗi những người cũng bị ảnh hưởng. Điều này thực sự quan trọng nếu sự hối tiếc của bạn tập trung vào các xung đột trong các mối quan hệ hoặc những vấn đề khác đã gây ra đau khổ và đau đớn về mặt tinh thần cho người khác.

Lời xin lỗi thật lòng có thể khiến người khác biết rằng bạn cảm thấy hối tiếc về những gì đã xảy ra và rằng bạn đồng cảm với cảm giác của họ.

Hãy hành động

Một cách nữa giúp bạn đối mặt với cảm giác hối tiếc đó là biến những trải nghiệm đó thành hành động trong tương lai. Xem xét điều bạn có thể thay đổi và làm khác đi, nhưng thay vì hồi tưởng lại những điều không thể thay đổi, hãy xem đó là một cơ hội để học hỏi và cho phép bạn đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

Trên thực tế, bạn có thể không có khả năng đưa ra lựa chọn “tốt hơn” trong quá khứ đơn giản bởi vì bạn không có đủ kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn để dự đoán được hậu quả. Bạn đưa ra sự lựa chọn dựa trên những gì bạn biết cũng như những công cụ, những thông tin mà bạn có trong đầu.

Hãy nhắc bản thân rằng nhờ những điều bạn học được trong quá khứ mà bạn của hiện tại mới đủ những kiến thức cần thiết để đưa ra những lựa chọn tốt hơn nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Tóm tắt lại

Hãy nhớ rằng những sự kiện trong quá khứ không quyết định tương lai của bạn, và bạn có khả năng đưa ra những lựa chọn tốt hơn trong tương lai.

Tái cấu trúc sự hối tiếc

Tái cấu trúc nhận thức (cognitive reframing) là một chiến lược có thể giúp bạn thay đổi suy nghĩ và thay đổi cách bạn nghĩ về một tình huống. Cách tiếp cận này có thể giúp bạn thay đổi quan điểm, thể hiện lòng trắc ẩn đối với bản thân và xác thực những cảm xúc mà bạn đang cảm nhận. Nó cũng có thể giúp bạn nhìn nhận các tình huống theo hướng tích cực hơn và khắc phục một số sai lệch trong nhận thức – những điều thường đóng vai trò trong suy nghĩ tiêu cực.

Như Pink đã đề cập trong cuốn sách của anh ấy, tâm lý phổ biến “không hối tiếc” không đề cập quá nhiều đến việc phủ nhận sự hối tiếc mà là về việc điều chỉnh nó, hay như cách ông gọi là cần phải tối ưu hóa nó. Đó là một sự thừa nhận rằng lỗi lầm trong quá khứ có thể định hình bạn là ai hôm nay.

Tái cấu trúc sự hối tiếc và coi đó là một cơ hội học tập giúp xây dựng nghị lực và trí tuệ. Không phải là bạn sẽ không thay đổi các quyết định trong quá khứ nếu bạn có thể - mà là việc nhận ra rằng những lựa chọn đó giúp bạn học hỏi và có thể giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.

Tóm tắt lại

Thay đổi cách bạn nghĩ về những điều đã xảy ra trong quá khứ cũng có thể giúp bạn nhìn nhận sự hối tiếc theo một cách khác. Thay vì tập trung vào những cảm xúc tiêu cực, bạn có thể xem nó là một thông tin chỉ dẫn cho bạn tiến về phía trước.

Nguyên nhân của sự hối tiếc là gì?

Bất cứ khi nào bạn buộc phải lựa chọn đều sẽ có sự xuất hiện của hối tiếc. Liệu bạn có đưa ra quyết định đúng đắn chưa? Liệu có điều gì khác tốt hơn không? Bạn có vui hơn nếu chọn khác đi không?

.jpg)

Sự hối tiếc như vậy đôi khi tập trung vào những điều đơn giản (như liệu bạn nên ăn súp hay bánh mì cho bữa trưa) đến những thay đổi cuộc sống (như liệu bạn có nên chọn nghề nghiệp khác hay chọn kết hôn với một người bạn đời khác).

Nhưng chính xác thì điều gì là nguyên nhân khiến cho con người hối tiếc về một số quyết định chứ không phải là những quyết định khác? Theo nhiều nhà nghiên cứu, bản thân cơ hội đóng một vai trò quan trọng.

Nếu quyết định nằm ngoài tầm tay của bạn hoặc phần lớn bị ảnh hưởng bởi các tác động bên ngoài, bạn sẽ ít cảm thấy tiếc nuối về những điều đã xảy ra. Lý giải cho điều này đó là các quá trình như sự bất hòa về nhận thức và sự hợp lý hóa tác động đến việc giảm thiểu trách nhiệm cá nhân của bạn đối với kết quả một cách vô thức.

Chẳng hạn, nếu bạn mua một món hàng mà bạn biết rằng không thể hoàn trả, bạn sẽ ít hối tiếc khi mua hơn. Theo các nhà nghiên cứu, mọi người thường vô thức kiềm chế hoặc bóp méo nhiều điều hối tiếc trong cuộc sống hằng ngày mà không hề nhận ra điều đó vẫn đang xảy ra.

Đó là khi bạn có nhiều cơ hội hơn để thay đổi suy nghĩ của bản thân, chẳng hạn như khi bạn biết bạn có thể trả lại kiện hàng và đổi một kiện hàng khác, có thể bạn sẽ ước được chọn khác đi. Những nhà nghiên cứu gọi đây là nguyên tắc cơ hội, điều này cho thấy rằng nhiều cơ hội hơn dẫn đến nhiều hối tiếc hơn.

Sự hối tiếc

Kiểm soát và cơ hội có thể đóng vai trò trong việc bạn có cảm thấy hối tiếc hay không. Khi khả năng kiểm soát hậu quả nằm ngoài tầm tay của bạn, bạn có thể sẽ ít cảm thấy hối tiếc hơn vì sự lựa chọn của mình. Nhưng khi hiện tại có nhiều sự lựa chọn, nhiều khả năng bạn sẽ hối hận về lựa chọn trước đó của mình.

Mọi người hối tiếc điều gì nhất?

Trong một nghiên cứu cũ hơn vào năm 2008, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu lưu trữ để tìm hiểu thêm về những lĩnh vực mà chúng ta thường cảm thấy hối tiếc nhất. Các kết quả chỉ ra rằng sáu điều hối tiếc phổ biến nhất tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, nghề nghiệp, tình yêu, nuôi dạy con cái, chính bản thân và giải trí. Ngoài 6 điều trên, sự hối tiếc tập trung vào các chủ đề liên quan đến tài chính, gia đình, sức khỏe, bạn bè, tâm linh và cộng đồng.

Điều thú vị là, chúng ta thường có xu hướng hối hận vì đã không hành động nhiều hơn là hành động. Chẳng hạn, bạn cảm thấy hối tiếc vì đã không chọn một nghề nghiệp nhất định nào đó hoặc không bày tỏ với người mà bạn quan tâm hơn là cảm thấy hối tiếc về công việc và người bạn đời bạn đã chọn. Điều này là bởi vì hành động không được thực hiện sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào kết quả tưởng tượng.

Hậu quả của những hành động mà bạn thực hiện được định sẵn và dễ dàng nhận thấy, nhưng những hành động mà bạn không thực hiện dường như đã lãng phí vô số cơ hội. Nói cách khác, lợi ích nhận thức được từ những lựa chọn bạn không thực hiện dường như lớn hơn những hậu quả thực tế của hành động mà bạn đã thực hiện, do đó, hối tiếc vì những cơ hội bị bỏ lỡ hiện lên trong tâm trí bạn nhiều hơn.

Tóm tắt lại

Những hối tiếc thường tập trung vào các lĩnh vực trong cuộc sống bao gồm giáo dục, nghề nghiệp và chuyện tình cảm. Ngoài việc hối tiếc về những lựa chọn, con người cũng thường hối tiếc vì những hành động không được thực hiện trong quá khứ.

Ảnh hưởng của sự hối tiếc

.jpg)

Sự hối tiếc có thể gây tổn hại về thể chất lẫn tinh thần cho cơ thể và tâm trí của bạn. Cảm giác hối tiếc có thể dẫn đến những triệu chứng vật lý như căng cơ, rối loạn giấc ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn, đau đầu, đau cơ, đau khớp và căng thẳng mãn tính.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng sự hối tiếc liên tục có thể gia tăng nguy cơ mắc phải các vấn đề về hô hấp, đau ngực, đau khớp và khiến sức khỏe toàn diện kém hơn.

Liên tục suy ngẫm về sự hối tiếc trong quá khứ có thể dẫn đến các triệu chứng như lo lắng, trầm cảm, tự ti, bất lực và cảm thấy mất hy vọng.

Nỗi sợ sẽ hối tiếc trong tương lai cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi của bạn. Sự hối tiếc được dự đoán trước hoặc tin rằng bạn sẽ hối tiếc về một điều gì đó trong tương lai, cũng có thể đóng vai trò trong việc chấp nhận rủi ro và các hành vi liên quan đến sức khỏe mà bạn thực hiện hôm nay.

Khi mọi người nghĩ rằng thực hiện một hành động sẽ dẫn đến hối tiếc nhiều hơn, họ sẽ ít có khả năng tham gia vào hành vi mang lại rủi ro. Và khi chúng ta nghĩ rằng không hành động sẽ mang lại cảm giác hối tiếc (chẳng hạn như việc không quan tâm đến sức khỏe hoặc không sắp xếp để tập thể dục đều đặn), nhiều khả năng họ sẽ thực hiện các bước để tránh những hối tiếc đã lường trước.

Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng quan tâm đến những hối tiếc đã lường trước có thể ảnh hưởng đến quyết định mà chúng ta đưa ra trong cách cư xử với người khác. Khi chúng ta lo lắng rằng mọi người sẽ thất vọng hoặc tiếc nuối, nhiều khả năng họ sẽ đưa ra các lựa chọn thận trọng hơn.

Tóm tắt lại

Đối phó kém với sự hối tiếc có thể dẫn đến căng thẳng và nỗi đau tinh thần. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến hành vi trong tương lai của bạn. Hối tiếc được dự liệu trước thường khiến con người tránh những hành vi nguy hiểm hoặc thực hiện một số hành động để tránh những hậu quả có thể khiến họ tiếc nuối.

Lời nhắn nhủ

Sự hối tiếc là một cảm xúc khó chịu, một điều gì đó khó để vượt qua. Nhà tâm lý học Henri-Frédéric Amiel nói: “Chấp nhận cuộc sống, và bạn phải chấp nhận sự hối tiếc”. Khi sự hối tiếc là một hệ quả không thể tránh được trong cuộc sống và lựa chọn, bạn có thể tìm cách đối mặt với những cảm giác này và thậm chí là biến nó thành cơ hội để trưởng thành.

Học cách chấp nhận cảm giác của bạn, tha thứ cho những lỗi lầm của bản thân, và thực hiện các bước để rút kinh nghiệm có thể giúp giảm thiểu suy nghĩ tiêu cực liên quan đến sự hối tiếc. Mặc dù bạn có thể không thực sự sống một cuộc sống “không hối tiếc” nhưng bạn có thể thay đổi cách bản thân suy nghĩ về những điều bạn có thể thay đổi và học cách tập trung vào những khoảnh khắc hiện tại thay vì hồi tưởng về quá khứ.

--

Dịch giả: Trương Thương

Biên tập: Mỹ Trần

Nguồn ảnh: unsplash.com

Link bài gốc: How to Cope With Regret

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Facebook Tâm Lý Học Tuổi Trẻ tại www.facebook.com/tamlyhoctuoitre để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.