Đánh giá nhân vật hồ quý ly năm 2024

Ngay từ khi còn là một đại thần, đặc biệt sau khi lên ngôi vua, Hồ Quý Ly đã thực hiện những cải cách trên nhiều lĩnh vực.

  1. Về chính trị:

- Cải tổ hàng ngũ võ quan, thay thế dần các võ quan cao cấp do quý tộc tôn thất nhà Trần nắm giữ bằng những người không phải họ Trần nhưng có tài năng và thân cận với mình.

- Hồ Quý Ly cho đổi tên một số đơn vị hành chính cấp trấn và quy định cụ thể, rõ ràng cách làm việc của bộ máy chính quyền các cấp.

- Đặt lệ cử các quan ở triều đình về các lộ thăm hỏi đời sống nhân dân và tìm hiểu tình hình làm việc của quan lại để thăng hay giáng chức.

  1. Về kinh tế tài chính:

- Phát hành tiền giấy thay thế tiền đồng.

- Ban hành chính sách hạn điền.

- Quy định lại biểu thuế đinh, thuế ruộng.

  1. Về xã hội:

- Ban hành chính sách hạn chế số nô tì được nuôi của các vương hầu, quý tộc, quan lại.

- Những năm có nạn đói, nhà Hồ lệnh cho các quan địa phương đi khám xét, bắt nhà giàu thừa thóc phải bán cho dân đói và tổ chức nơi chữa bệnh cho dân.

  1. Về văn hoá, giáo dục:

- Bắt các nhà sư chưa đến 50 tuổi phải hoàn tục.

- Cho dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm để dạy cho vua Trần và phi tần, cung nữ.

- Sửa đổi cả chế độ thi cử, học tập.

  1. Về quân sự: thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường củng cố quân sự và quốc phòng.

Nhận xét:

- Trong tình trạng đất nước khủng hoảng, Hồ Quý Ly đã mạnh dạn khởi xướng và tiến hành hàng loạt các chính sách cải cách trên nhiều mặt. Cuộc cải cách của ông có nhiều mặt tiến bộ giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng.

\=> Ông là một nhà yêu nước có tài năng, có hoài bão, tiến bộ, là một trong những nhà cải cách nổi tiếng trong lịch sử nước ta thời phong kiến.

- Hạn chế và sai lầm lớn nhất của ông là để đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh do đường lối kháng chiến sai lầm và cũng do những hạn chế trong cuộc cải cách của ông

Hồ Quý Ly là một nhân vật lịch sử khó mà nhận xét cho đích đáng được. Nếu nhìn bằng quan điểm kiểu phong kiến, Hồ Quý Ly là kẻ nghịch thần tiếm ngôi, đại gian đại ác; nhưng xét theo mặt khác, Hồ Quý Ly lại là nhà cải cách, nhà chính trị không tệ, mang hoài bão xây dựng đất nước thái bình. Nhận xét về ông, có nhiều sử gia bàn luận khen chê khác nhau. Nhìn lại và đánh giá cho thật kỹ lưỡng thì Hồ Quý Ly tuy là người có tấm lòng vì sự phồn vinh của đất nước, nhưng tư cách lại quá tầm thường, ích kỷ. Lúc làm quan cho nhà Trần, đầu tiên thì ông ta xu phụ quyền thế, chỉ biết dựa vào thân thế và tài nịnh vua để mà leo lên vũ đài chính trị, lại ngầm dựng bè đảng tạo thế lực hùng hậu cho mình. Thân là quan đại thần mà không chính trực vì công việc mà lại làm chuyện nịnh dối vua, lôi kéo bè thế, ấy quả là gian thần rồi. Một điều lạ lùng là vua Trần Nghệ Tông lại tin ông ta một cách lạ lùng, điều đó cũng có thể vì Nghệ Tông quá u muội, mà cũng vì tài dối vua của Hồ Quý Ly quá "cao cơ". Đến khi nắm quyền rồi, ông ta bắt đầu cải cách đất nước (những cải cách của ông đã bắt đầu từ khi lên nắm quyền phụ chính cho nhà Trần chứ không phải mới ban khi lên ngôi vua), có vẻ là người am hiểu thế sự, biết canh tân đổi mới đất nước, tỏ tài kinh bang tế thế, nhưng lòng dạ ông ta lại quá vị kỷ, hẹp hòi, lòng tham vô đáy một cách đúng nghĩa, có quyền cao rồi còn muốn leo lên ngôi vua, lại còn hãm hại những kẻ không cùng phe cánh với mình. Có thể nói, công lao kiến thiết của ông ta thì chưa tỏ bao nhiêu, mà cái đức xấu đã hiện ra quá rõ. Hồ Quý Ly tuy có tài mà cái đức bị mang tiếng nhơ thì làm sao mà được lòng người, huống chi những cải cách của ông ta quá dồn dập, khiến đảo lộn cả xã hội một nước. Mặc dù những cải cách đó có vẻ nghe qua thì lợi dân lợi nước, nhưng thực chất thì chẳng hợp lòng dân được, vì cái tính của dân rất ngại có thay đổi mà họ chưa biết điều thay đổi đó có đem lại cho họ tương lai tốt hơn không. Rốt cuộc từ dân cho đến giới quyền quý, ai nấy đều ghét ông, mà cũng vì cái tư tưởng Nho giáo thời đó người người đều kì thị ông là phản nghịch, thành ra cái "lòng thành" vì nước của Hồ Quý Ly lại chẳng được ai đón nhận, mà còn trở thành cái cớ cho giặc Minh xâm lược. Nói cho gọn thì công lao của ông ta đương thời chẳng ai thèm ghi nhận, mà cái tội nhơ nhuốc cũng ông thì ai cũng biết, thế mới biết, một nhà chính trị ngoài cái tài kinh tế ra, còn phải biết gây dựng cho mình cái danh tiếng tốt trước khi bước lên vũ đài chính trị vậy.

Like (0) Báo cáo sai phạm

Hồ Quý Ly (1336 - 1407) quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là Hà Đông, Hà Trung, Thanh Hóa) là người có cá tính, có bản lĩnh, có tham vọng lớn lao; dám làm những việc mạo hiểm và xử lý khác thường trong các mối quan hệ. Đánh giá về Hồ Quý Ly có nhiều ý kiến khác nhau nhưng chỉ với việc cho xây dựng tòa thành đá, từ mục tiêu ban đầu là một căn cứ quân sự chống lại giặc Minh, ngày nay trở thành di sản văn hóa thế giới, cùng với những chính sách cải cách táo bạo, toàn diện, nhất là về văn hóa, giáo dục đã khẳng định, ông xứng đáng là một vị vua văn hóa, vị vua yêu nước.

Đánh giá nhân vật hồ quý ly năm 2024

Khi mới bước lên vũ đài chính trị, với vai trò là một đại thần nhà Trần, Hồ Quý Ly đã từng bước đề ra tư tưởng cải cách của mình, song vì chưa nắm được quyền lực quốc gia trọn vẹn trong tay, nên không đủ điều kiện thực hiện cải cách đến nơi đến chốn. Khi giành được chính quyền, ông trực tiếp điều khiển công cuộc cải cách trên cương vị một nhà vua, một Thái thượng hoàng. Các chính sách cải cách của Hồ Quý Ly rất toàn diện, táo bạo trên khắp các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa xã hội, giáo dục, trong đó, cải cách về tư tưởng, văn hóa, giáo dục được coi là tiến bộ nhất. “Về văn hóa, tư tưởng, cải cách của Hồ Quý Ly thể hiện tinh thần phát huy văn hóa dân tộc, đề cao chữ quốc ngữ (chữ Nôm), đồng thời bài bác tư tưởng các thánh hiền Trung Quốc mà gần như toàn thế giới nho sĩ bấy giờ vẫn coi là bất khả xâm phạm. Về giáo dục, nội dung cải cách thể hiện tinh thần yêu nước, tính đại chúng và gắn bó với cuộc sống” (Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa, Cải cách Hồ Quý Ly, Nxb Tổng hợp TP HCM, 2012, tr156).

Những biện pháp cải cách về văn hóa của Hồ Quý Ly đã tạo nền tảng tư tưởng cho cải cách giáo dục. Trước khi nắm quyền điều hành triều chính, tháng 12 năm Nhâm Thân (1392), Hồ Quý Ly đã soạn sách Minh đạo làm sáng tỏ đạo Nho (có người hiểu “minh đạo” nghĩa là con đường sáng) gồm 14 thiên, dâng lên Thái thượng hoàng Trần Nghệ tông. Hạ thấp vai trò của Khổng Tử, đề cao Chu Công, Hồ Quý Ly cho rằng “Chu Công là Tiên thánh, Khổng Tử là Tiên sư”, khi sắp xếp ngôi thứ thờ ở Văn Miếu thì “đặt bài vị Chu Công ngồi giữa, mặt hướng Nam, bài vị của của Khổng Tử ngồi bên, mặt hướng Tây”. Ông đã phê phán một số danh nho, nghi ngờ một số chỗ trong sách Luận Ngữ của Khổng Tử, phê phán thói giáo điều của các nhà Nho, như Hàn Dũ, Chu Đôn Di, Trình Hiệu là “trộm Nho”, “cóp nhặt văn chương”; đồng thời ông đề nghị khuyến khích thực học, kén người tài năng. Như vậy, khác với thời Lý Trần, Hồ Quý Ly hạn chế Phật giáo, Đạo giáo, đề cao Nho giáo, nhưng là thứ Nho giáo thực dụng, chống giáo điều, kết hợp với tinh thần Pháp gia. Đây chính là nền tảng tư tưởng, triết lý cho những biện pháp cải cách giáo dục của ông.

Hồ Quý Ly là vị vua đầu tiên ở nước ta phổ biến rộng rãi việc dùng chữ Nôm, đưa chữ Nôm lên vị trí quan trọng. Điều đó được xem là biểu hiện của ý chí nêu cao tinh thần dân tộc. Ông soạn sách Thi nghĩa (nghĩa của Kinh Thi) bằng chữ quốc âm rồi sai người dạy cho hậu phi và cung nhân học tập. Ông còn chép thiên Vô dật (Không nên nhàn hạ) ra chữ quốc âm để dạy Vua Trần Thuận tông. Hai cuốn sách biên dịch nói trên cùng nhiều bài thơ Nôm của Hồ Quý Ly đã cho thấy “thái độ đề cao, khuyến khích việc phổ biến và sử dụng chữ Nôm đến mức độ nào. Thái độ đó nói lên một cách hùng hồn tinh thần dân tộc của Hồ Quý Ly và tinh thần ấy lại được thể hiện qua cẩm nang dành để dạy dỗ những người đang giữ cương vị tối cao trong xã hội. Thật là một hành vi văn hóa có ý nghĩa lịch sử hết sức đặc biệt” (Sđd, tr.162). Trước Hồ Quý Ly, chỉ có Hàn Thuyên và Nguyễn Sĩ Cố đời Trần làm thơ chữ Nôm, còn nói chung tầng lớp quý tộc, trí thức Đại Việt thường chỉ biết có chữ Hán, chỉ coi trọng chữ Hán. Tuy vậy, dù coi trọng chữ Nôm nhưng Hồ Quý Ly mới dừng lại ở việc dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm và viết sách chữ Nôm, còn việc thi cử vẫn thực hiện bằng chữ Hán.

Tháng 5 năm Đinh Sửu (1397), theo ý của Hồ Quý Ly, Vua Trần Thuận tông xuống chiếu cải cách giáo dục ở các phủ, lộ. Hệ thống trường lớp tại các địa phương được Hồ Quý Ly thúc đẩy mở rộng từ cuối thời Trần và tiếp tục duy trì sang thời Hồ. Theo đó, tại các lộ xa như Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông, mỗi phủ đều đặt một học quan, ban ruộng công cho phủ, châu lớn 15 mẫu, vừa 12 mẫu và nhỏ 10 mẫu để chi dụng dạy học ở lộ, phải đốc thúc học quan dạy dỗ học trò để cho thành tài nghề. Mỗi cuối năm phải chọn người học giỏi tiến vào triều. Hệ thống trường học này do các nhà Nho và Thái học sinh không làm quan, về nhà dạy học (Quốc sử quán triều Nguyễn, Việt sử thông giám cương mục, tập VII, Nxb Văn Sử Địa, H, 1958, tr.670).

Về thi cử, từ năm 1396, dưới thời Trần Thuận tông, lệ thi 4 trường được Hồ Quý Ly quy định lại so với quy chế trước đó, bỏ cách thi ám tả cổ văn mà định ra tứ trường văn. Đến tháng 2-1404, nhà Hồ quy định cách thức thi cử nhân gồm thi Hương, thi ở Bộ Lễ, thi Hội (đỗ Thái học sinh). Các đợt thi đều tổ chức vào tháng 8 hàng năm. Ai đỗ cấp nào sẽ được hưởng chế độ ưu đãi tùy theo, như đỗ thi Hương được miễn lao dịch, đỗ ở Bộ Lễ thì miễn đi lính.

Đây là lần đầu tiên môn Toán được đưa vào nội dung thi chính thức. So với các đời trước, hình thức và nội dung thi của nhà Hồ có tính thiết thực hơn, giảm bớt tính “tầm chương, trích cú”, gắn với mục tiêu đào tạo “hiền tài” vì một nền giáo dục “tỏ rõ giáo hóa, giữ phong tục” nhằm nâng cao dân trí và đào tạo nhân tài cho đất nước. Tồn tại 7 năm, nhà Hồ đã tổ chức được 2 kỳ thi, lấy gần 200 người đỗ, trong đó có 1 trạng nguyên là Lưu Thúc Kiệm với bài phú “Linh kim tàng”.

Rất tiếc, nhà Hồ chỉ tồn tại ngắn ngủi, nên nhiều tư tưởng biện pháp cải cách của Hồ Quý Ly chưa có điều kiện thực hiện. Tuy vậy, chỉ mấy chục năm sau đã được Lê Thánh tông kế thừa và phát triển và đạt những thành tựu rực rỡ ở nửa sau thế kỷ XV. Một số nhân tài đỗ đạt dưới thời Hồ sau này phục vụ cho nhà Lê Sơ, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành...

Đến nay, những tư tưởng biện pháp cải cách văn hóa, giáo dục của Hồ Quý Ly vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta. Trải qua 5 lần cải cách giáo dục (1950, 1956, 1979, 2000 và 2018), chúng ta vẫn đang kế thừa những bài học cải cách giáo dục của quá khứ, học tập những kinh nghiệm, tinh hoa của các nước có nền giáo dục tiên tiến, nhưng vẫn phải đề cao tính dân tộc: “hiện đại, cơ bản và phù hợp với thực tiễn Việt Nam”.