Đánh pao là gì

Laocaitv.vn - Cùng với nhiều mỹ tục truyền thống trong nghi lễ, sinh hoạt thì đời sống tinh thần của người Mông trong dịp tết cũng vô cùng phong phú và đặc sắc, với các trò chơi dân gian như ném pao, đánh én, ném còn, đẩy gậy, kéo co...Trong đó, ném pao là một nét đẹp đã được cộng đồng người Mông lưu giữ qua nhiều thế hệ. Trò chơi này không chỉ mang lại niềm vui, mà quả pao còn được xem là một minh chứng cho hạnh phúc tình yêu đôi lứa gửi gắm biết bao ước vọng trong mùa xuân mới.

Quả pao được phụ nữ Mông tự tay khâu rất cẩn thận và tỉ mỉ.

Bản Tả Van Mông, xã Tả Van, thị xã Sa Pa những ngày cuối năm. Dưới tán đào đang bung nở sắc hồng, không khí tết đã tràn ngập nơi mỗi nếp nhà. Những người đàn ông đã cho nông cụ nghỉ ngơi, trong lúc những phụ nữ Mông đang mải miết khâu những đường chỉ cuối cùng cho bộ váy mới. Và điều đặc biệt nhất là ở bản Mông này, ai cũng tự chuẩn bị cho mình những quả pao đầy màu sắc.

Ném pao - trò chơi duyên tình của người Mông mỗi dịp xuân về.

Ném pao thường được người Mông chơi vào các dịp lễ hội đầu xuân. Để tham gia trò chơi, người chơi được phân chia làm 2 đội, 1 bên nam và một bên nữ đứng cách nhau từ 3 - 5 m. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đội thắng quy định. Khi ném pao cũng là lúc đôi trai gái cùng trao nhau ánh mắt, nụ cười. Họ chơi ném pao để trao nhau tình cảm, sau cuộc chơi nếu thấy ưng ý thì người con trai sẽ giữ lại quả pao của cô gái để tìm đến nhà bày tỏ tình cảm, tiến tới kết duyên đôi lứa. Chị Lồ Thị Gánh, thôn Tả Van Mông, xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Cũng như se lanh, nhuộm vải, thêu thùa may vá, người phụ nữ Mông đến tuổi trưởng thành cũng phải biết làm quả pao để chơi ngày hội. Trò chơi ném pao thì có từ lâu lắm rồi, chỉ biết từ ngày xa xưa ông bà đã chơi thì sau này tôi lớn lên đi hội cũng học chơi. Ngày trước, tôi quen chồng tôi bây giờ cũng từ hội xuân ở xã. Hai đứa cùng gặp nhau ở lễ hội, cùng chơi ném pao đem lòng thương yêu nhau thì nên vợ, nên chồng".

 Trò chơi dân gian truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.

Tả Van là địa bàn cư trú của 2 dân tộc chính là người Mông và người Giáy. Trong những năm qua, bên cạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân gìn giữ bản sắc văn hóa, phát triển các làng nghề truyền thống như: Dệt vải lanh, thêu thổ cẩm, chạm khắc đá…thì việc đưa các trò chơi dân gian truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc vào các lễ hội đầu xuân cũng được địa phương này chú trọng thực hiện. Qua đó, tạo không khí vui tươi, sôi nổi trong ngày hội, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân và sự tham gia, trải nghiệm của du khách trong nước và quốc tế. Ông Sì Văn Cang, Bí thư Đảng ủy xã Tả Van, thị xã Sa Pa cho biết: "Đối với Tả Van chúng tôi cũng thành lập 1 đội văn nghệ, có lễ hội thì chúng tôi cũng tập trung thực hiện biểu diễn tại lễ hội để thu hút khách du lịch...Giữ gìn trò chơi dân gian có từng đặc trưng của từng dân tộc để vui cho ngày lễ, tết. Góp phần mang lại cho bà con được vui chơi, khí thế tham gia".

Hiện nay, khi đời sống đang ngày càng phát triển, các nền văn hóa đang có sự giao thoa mạnh mẽ thì việc bảo tồn và lưu giữ bản sắc văn hóa nói chung, trò chơi truyền thống của người Mông nói riêng là rất cần thiết. Bởi vậy, trong nhiều năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn cũng đã quan tâm đến việc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ thông qua các mô hình học tập ngoài giờ lên lớp. Những hoạt động này đồng thời cũng giúp các em hứng thú hơn trong học tập. Cô giáo Phan Thị Phạm Dân, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS xã Tả Van, thị xã Sa Pa chia sẻ: "Để bảo tồn phát triển các trò chơi dân gian, trong đó có một số trò như ném pao, ném còn của các bạn học sinh người Mông, thì trường vận dụng rất nhiều biện pháp để thu hút học sinh như huy động sự tham gia của phụ huynh học sinh, 1 tuần nhà trường sắp xếp 1 buổi chiều thứ 4 để các bạn được tham gia các trò chơi dân gian".

Cùng với trò chơi ném pao, đến nay đồng bào Mông ở Lào Cai còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: Đánh én, tu lu, đẩy gậy, ném còn...thông qua các trò chơi này không chỉ thể hiện sức mạnh, bản lĩnh của người đàn ông, sự khéo léo, nhanh nhẹn của người phụ nữ Mông mà còn gửi gắm biết bao ước nguyện, khát vọng trong mùa xuân mới - một mùa xuân ấm no, hạnh phúc, đủ đầy.

Vân Anh - Ngọc Dương

Ném pao [pó po] - trò chơi dân gian truyền thống đã trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn cao đẹp. Trò chơi ném pao của người Mông là một trong những nét văn hóa độc đáo, đặc trưng của tộc người.

Độc đáo trong cách chơi

Quả pao hay còn được gọi là “Lu po” được khâu nối các miếng vải lanh thành trái tròn, to bằng quả cam, bên trong nhồi hạt lanh hoặc bông vải. Ngày nay, để tạo sắc màu cho quả pao, các thiếu nữ Mông còn dùng thổ cẩm của người Thái, hay lụa tơ tằm để tạo sự mềm mại cho quả pao. Quả pao được tạo nên từ những đôi bàn tay khéo léo tỉ mỉ của các cô gái Mông. Pao của các thiếu nữ thường to, màu sắc bắt mắt và sặc sỡ hơn, còn pao của các cô bé mới lớn đơn giản hơn, bé hơn và có màu đen.


 Tết Mông ở Tà Xùa

Quy định về cách chơi pao, từ truyền thống đến hiện đại, trò chơi vẫn giữ được bản sắc vốn có của nó: Trò chơi ném pao được diễn ra ở những khu đất rộng tương đối bằng phẳng, thường thì một bản sẽ có một sân riêng để tụ họp chơi pao, người chơi được chia làm hai bên nam - nữ, những người này có thể là người cùng bản hoặc là người khác bản, tuy nhiên người Mông cấm tuyệt đối ném pao giữa những người cùng dòng họ, vì ném pao là để tỏ tình, yêu đương nên người ta kiêng kị .

Sân chơi có chiều dài, rộng từ 50 m trở lên là có thể chơi được. Khoảng cách hai đội cách nhau khoảng 5 - 7 m. Tài khéo léo của người ném pao là không để cho pao rơi xuống đất và được giao ước với nhau bằng về số lần ném, số lần bắt được pao, nếu bên nào thua thì phải hát một bài hoặc làm một điều gì đó do đôi thắng quy định.

Ném pao ẩn chứa trong đó bao điều thú vị. Ban đầu họ chỉ chơi cho vui với nhau theo từng nhóm, sau đó đôi nam nữ sẽ ném quả pao cho nhau và cứ ném qua, ném lại hàng giờ, hàng ngày mà không biết chán. Trong cuộc vui, nếu cô gái ưng chàng trai nào thường là họ khéo léo giấu tình cảm qua ánh mắt, nụ cười, còn các chàng trai ưng cô gái nào thì giữ luôn quả pao.


 Một phụ nữ Mông giỏi giang là phải biết làm quả pao tốt

Giá trị của trò chơi ném pao

Bà Mùa Y Dênh [49 tuổi], ở bản Ka Dưới, xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã khâu hàng nghìn quả pao cho người Mông trong vùng kể rằng: “Chẳng biết quả pao và trò chơi ném pao có từ khi nào nữa, nó có từ lâu lắm rồi. Chỉ biết rằng, người đàn ông Mông đi tìm vợ, đi hội đều mang theo khèn và biểu diễn những điệu múa khèn mạnh mẽ thể hiện sự trai tráng của người đàn ông thì người phụ nữ phải mang theo quả pao để đối xứng. Quả pao thể hiện sự mềm mại, vừa là trò chơi, vừa là vật trang sức của phụ nữ Mông trong các cuộc vui”.

Cũng theo bà Dênh, việc quan trọng nhất của thiếu nữ Mông là phải biết xe lanh, dệt vải, may váy và làm quả pao. Người đàn ông Mông đi tìm vợ thì việc đầu tiên họ xem là khả năng dệt vải, thêu thùa và làm quả pao. Một quả pao tốt thì các đường khâu phải kín, khi cầm quả pao không được cứng hoặc mềm quá. Một người phụ nữ Mông giỏi giang, đảm đang thì phải biết làm quả pao tốt.

 
 Các đôi nam nữ ném qua ném lại mà không chán

Chơi pao có giá trị rất lớn trong xã hội người Mông từ trước đến nay. Chơi pao thể hiện tinh thần, bản sắc cộng đồng người Mông. Chơi pao là hoạt động của tập thể, cộng đồng người Mông, mỗi dòng họ có một sân chơi pao riêng, cứ đến tết, các chàng trai trong bản đi đến các bản khác để tìm kiếm bạn gái chơi pao, còn các chàng trai ở bản khác lại đến chơi pao cùng các cô gái trong bản, cứ thế, qua nhiều lần, nhiều năm được chơi pao, các chàng trai, cô gái người Mông làm quen được rất nhiều con người, từ đó trang bị cho họ những kinh nghiệm, ý thức trong cộng đồng người Mông.

Chơi pao thể hiện tính cố kết cộng đồng, là sợi dây kết nối các cộng đồng, dòng họ người Mông lại với nhau, là trò chơi đơn giản, nhưng có giá trị rất lớn trong đời sống xã hội người Mông từ trước đến nay. Với người Mông, cứ mỗi dịp Tết đến, họ tập trung, tụ họp đến các điểm chơi pao để giao lưu, tìm kiếm bạn bè, với những người già, họ không đến chơi pao mà họ đến để được gặp gỡ bạn bè, đến để xem các lễ hội như hội chọi bò, lễ hội bản, tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa cũng chính là họ đưa những người con của mình đến để tìm hiểu, tìm vợ, tìm chồng.

Với những thanh niên chưa có gia đình, họ đến với hội chơi pao với mục đích tìm kiếm người yêu, kiếm vợ, kiếm chồng. Trò chơi pao là điều kiện để con người được gặp nhau, là nơi kết nối tạo điều kiện cho con người được ngồi với nhau nói chuyện, chia sẻ, gần gũi với nhau, chính trò chơi này đã giúp cho cộng đồng, xã hội người Mông có nhiều mối quan hệ và đoàn kết hơn.

Trong xã hội người Mông, trò chơi pao là một trò chơi dân gian có giá trị lớn. Trò chơi là cơ sở để con người được gặp nhau, giao lưu, giải trí, rèn luyện con người. Người Mông có điều kiện gặp nhau khi mùa vụ đã thu hoạch xong, ngày Tết đến, họ đến với hội chơi pao để giải tỏa những áp lực trong công việc, cuộc sống, những người còn nhỏ, họ đến xem, bắt chước, học tập, rèn luyện bản thân để sau này biết chơi, nhằm bảo vệ trò chơi đồng thời là để tiếp nối các mối quan hệ họ hàng, anh em, bạn bè từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

Nguồn: Langvietonline.vn

Chủ Đề