Đường giới hạn khả năng sản xuất dịch chuyển ra ngoài khi

Kinh tế học trả lời 3 câu hỏi cơ bản:

  • Sản xuất cái gì, với số lượng bao nhiêu? [tiêu dùng hay đầu tư, hàng hóa tư nhân hay công cộng, thịt hay khoai tây…]
  • Sản xuất như thế nào? [sử dụng công nghệ nào?…]
  • Sản xuất cho ai? [sản xuất phải hướng đến nhu cầu người tiêu dùng, phân phối đầu ra cho ai?…]

Một công cụ để phân tích vấn đề này là đường giới hạn khả năng sản xuất [viết tắt: theo tiếng Anh: PPF- production possibilities frontier]. Giả sử, một nền kinh tế chỉ sản xuất hai loại hàng hóa. Đường PPF chỉ ra các sản lượng khác nhau của hai loại hàng hóa. Công nghệ và nguồn lực đầu vào [như: đất đai, nguồn vốn, lao động tiềm năng] cho trước sẽ sản xuất ra một mức giới hạn tổng sản lượng đầu ra. Điểm A trên đồ thị chỉ ra rằng có một lượng FA thực phẩm và một lượng CA máy tính được sản xuất khi sản xuất ở mức hiệu quả. Cũng tương tự như vậy đối với một lượng FB thực phẩm và CB máy tính ở điểm B. Mọi điểm trên đường PPF đều chỉ ra tổng sản lượng tiềm năng tối đa của nền kinh tế, mà ở đó, sản lượng của một loại hàng hóa là tối đa tương ứng với một lượng cho trước của loại hàng hóa khác.

Sự khan hiếm chỉ ra rằng, mọi người sẵn sàng mua nhưng không thể mua ở các mức sản lượng ngoài đường PPF. Khi di chuyển dọc theo đường PPF, nếu sản xuất một loại hàng hóa nào nhiều hơn thì sản xuất một loại hàng hóa khác phải ít đi, sản lượng hai loại hàng hóa có mối quan hệ tỷ lệ nghịch. Điều này xảy ra là bởi vì để tăng sản lượng một loại hàng hóa đòi hỏi phải có sự dịch chuyển nguồn lực đầu vào để sản xuất loại hàng hóa kia. Độ dốc tại một điểm của đồ thị thể hiện sự đánh đổi giữa hai loại hàng hóa. Nó đo lường chi phí của một đơn vị tăng thêm của một loại hàng hóa khi bỏ không sản xuất một loại hàng hóa khác, đây là một ví dụ về chi phí cơ hội. Chi phí cơ hội được miêu tả như là một “mối quan hệ cơ bản giữa khan hiếm và lựa chọn”. Trong kinh tế thị trường, di chuyển dọc theo một đường có thể được miêu tả như là lựa chọn xem có nên tăng sản lượng đầu ra của một loại hàng hóa trên chi phí của một loại hàng hóa khác không.

Với sự giải thích như trên, mỗi điểm trên đường PPF đều thể hiện hiệu quả sản xuất bằng cách tối đa hóa đầu ra với một sản lượng đầu vào cho trước. Một điểm ở bên trong đường PPF, ví dụ như điểm U, là có thể thực hiện được nhưng lại ở mức sản xuất không hiệu quả [bỏ phí không sử dụng các nguồn lực đầu vào]. Ở mức này, đầu ra của một hoặc hai loại hàng hóa có thể tăng lên bằng cách di chuyển theo hướng đông bắc đến một điểm nằm trên đường cong. Một ví dụ cho sản xuất không hiệu quả là thất nghiệp cao trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Mặc dù vậy, một điểm trên đường PPF không có nghĩa là đã đạt hiệu quả phân phối một cách đầy đủ nếu như nền kinh tế không sản xuất được một tập hợp các loại hàng hóa phù hợp với sự ưa thích của người tiêu dùng. Liên quan đến sự phân tích này là kiến thức được nghiên cứu trong môn kinh tế học công cộng, môn khoa học nghiên cứu làm thế nào mà một nền kinh tế có thể cải thiện sự hiệu quả của nó. Tóm lại, nhận thức về sự khan hiếm và việc một nền kinh tế sử dụng các nguồn lực như thế nào cho hiệu quả nhất là một vấn đề cốt yếu của kinh tế học.


Các từ khóa trọng tâm hoặc các thuật ngữ liên quan đến bài viết trên:
  • đường giới hạn khả năng sản xuất
  • đường ppf
  • duong gioi han kha nang san xuat
  • năng xuất kinh tế là
  • nguyên nhân dịch chuyển đường giới hạn khả năng sản xuất
  • dđường giới hạn khả năng sản xuất
  • đường cong trong đường giới hạn sản xuất
  • duong gioi han san xuat
  • Đường giới hạn khả năng sản xuất tuyến tính
  • đường giới hạnkhar năng sản xuất là gì
  • ,

    Đường giới hạn khả năng sản xuất: Một trong những công cụ kinh tế đơn giản nhất có thể minh họa rõ ràng tính khan hiếm nguồn lực và sự lựa chọn kinh tế là đường giới hạn khả năng sản xuất.

    Đường giới hạn khả năng sản xuất của một nền kinh tế là đường mô tả các tổ hợp sản lượng hàng hóa tối đa mà nó có thể sản xuất ra được khi sử dụng toàn bộ các nguồn lực sẵn có.

    Để đơn giản hóa, chúng ta hãy tưởng tượng nền kinh tế chỉ sản xuất hai loại hàng hóa X và Y. Hai ngành sản xuất này sử dụng toàn bộ các yếu tố sản xuất sẵn có [bao gồm cả một trình độ công nghệ nhất định] của nền kinh tế. Nếu các yếu tố sản xuất được tập trung toàn bộ ở ngành X, nền kinh tế sẽ sản xuất ra được 100 đơn vị hàng hóa X mà không sản xuất được một đơn vị hàng hóa Y nào. Điều này được minh họa bằng điểm A của hình 1. Trong trạng thái cực đoan khác, nếu các yếu tố sản xuất được tập trung hết ở ngành Y, giả sử 300 hàng hóa Y sẽ được tạo ra song không một đơn vị hàng hóa X nào được sản xuất [điểm D trên hình1]. Ở những phương án trung gian hơn, nếu nguồn lực được phân bổ cho cả hai ngành, nền kinh tế có thể sản xuất ra 70 đơn vị hàng hóa X và 200 đơn vị hàng hóa Y [điểm B], hoặc 60 đơn vị hàng hóa X và 220 đơn vị hàng hóa Y [điểm C]… Những điểm A, B, C, D [và những điểm khác, tương tự mà chúng ta không thể hiện] là những điểm khác nhau của đường giới hạn khả năng sản xuất. Mỗi điểm đều cho chúng ta biết mức sản lượng tối đa của một loại hàng hóa mà nền kinh tế có thể sản xuất ra được trong điều kiện nó đã sản xuất ra một sản lượng nhất định hàng hóa kia. Ví dụ, nếu nền kinh tế sản xuất ra 70 đơn vị hàng hóa X, trong điều kiện nguồn lực sẵn có, nó chỉ có thể sản xuất tối đa 200 đơn vị hàng hóa Y. Nếu muốn sản xuất nhiều Y hơn [chẳng hạn, 220 đơn vị hàng hóa Y], nó phải sản xuất ít hàng hóa X đi [chỉ sản xuất 60 đơn vị hàng hóa X].

    Nền kinh tế không thể sản xuất ra được một tổ hợp hàng hóa nào đó biểu thị bằng một điểm nằm bên ngoài đường giới hạn khả năng sản xuất [chẳng hạn điểm E]. Điểm E nằm ngoài năng lực sản xuất của nền kinh tế ở thời điểm mà chúng ta đang xem xét, do đó nó được gọi là điểm không khả thi. Nền kinh tế chỉ có thể sản xuất ở những điểm nằm trên hoặc nằm trong đường giới hạn khả năng sản xuất [được gọi là những điểm khả thi]. Những điểm nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất [các điểm A, B, C, D] được coi là các điểm hiệu quả. Chúng biểu thị các mức sản lượng tối đa mà nền kinh tế tạo ra được từ các nguồn lực khan hiếm hiện có. Tại những điểm này, người ta không thể tăng sản lượng của một loại hàng hóa nếu không cắt giảm sản lượng hàng hóa còn lại. Sở dĩ như vậy vì ở đây toàn bộ các nguồn lực khan hiếm đều đã được sử dụng, do đó, không có sự lãng phí. Trái lại, một điểm nằm trong đường giới hạn khả năng sản xuất, như điểm F trên hình 1 chẳng hạn, lại biểu thị một trạng thái không hiệu quả của nền kinh tế. Đó có thể là do nền kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái, lao động cũng như các nguồn lực của nó
    Số lượng hàng hóa X [x] không được sử dụng đầy đủ, sản lượng các hàng hóa mà nó tạo ra thấp hơn so với năng lực sản xuất hiện có. Tại trạng thái không hiệu quả, [ví dụ, điểm F], xét về khả năng, người ta có thể tận dụng các nguồn lực hiện có để tăng sản lượng một loại hàng hóa mà không buộc phải cắt giảm sản lượng hàng hóa còn lại cũng như có thể đồng thời tăng sản lượng của cả hai loại hàng hóa.

    Giới hạn khả năng sản xuất của xã hội bị quy định bởi tính khan hiếm của các nguồn lực. Trong trường hợp này, xã hội phải đối mặt với sự đánh đổi và lựa chọn. Khi đã đạt đến trạng thái hiệu quả như các điểm nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất chỉ ra, nếu muốn có nhiều hàng hóa X hơn, người ta buộc phải chấp nhận sẽ có ít hàng hóa Y hơn và ngược lại. Cái giá mà ta phải trả để có thể được sử dụng nhiều hàng hóa X hơn chính là phải hy sinh một số lượng hàng hóa Y nhất định. Trong các trường hợp này, sự lựa chọn mà chúng ta thực hiện luôn luôn bao hàm một sự đánh đổi: để được thêm cái này, người ta buộc phải từ bỏ hay hy sinh một cái gì khác. Sự đánh đổi như thế là bản chất của các quyết định kinh tế. Rốt cuộc, điểm nào trên đường giới hạn khả năng sản xuất được xã hội lựa chọn? Điều này còn tùy thuộc vào sở thích của xã hội và trong các nền kinh tế hiện đại, sự lựa chọn này được thực hiện thông qua hoạt động của hệ thống thị trường.

    Sự đánh đổi mà chúng ta mô tả thông qua đường giới hạn khả năng sản xuất cũng cho ta thấy thực chất khoản chi phí mà chúng ta phải gánh chịu để đạt được một cái gì đó. Đó chính là chi phí cơ hội.

    Chi phí cơ hội để đạt được một thứ chính là cái mà ta phải từ bỏ để có nó. Trong nền kinh tế giả định chỉ có hai phương án sản xuất các hàng hóa X,Y nói trên, chi phí cơ hội của việc sản xuất thêm một lượng hàng hóa nào đó [ví dụ hàng hóa X] chính là số lượng hàng hóa khác [ở đây là hàng hóa Y] mà người ta phải hy sinh để có thể thực hiện được việc sản xuất nói trên. Nếu xuất phát chẳng hạn từ điểm C trên đường giới hạn khả năng sản xuất ở hình 1, ta thấy, nền kinh tế đang sản xuất ra 60 đơn vị hàng hóa X và 220 đơn vị hàng hóa Y. Chuyển từ C đến B, chúng ta nhận được thêm 10 đơn vị hàng hóa X, song phải từ bỏ 20 đơn vị hàng hóa Y.

    Như vậy, 20 đơn vị hàng hóa Y là chi phí cơ hội để sản xuất 10 đơn vị hàng hóa X này. Xét một cách tổng quát hơn, chi phí cơ hội của việc sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa X chính là số lượng đơn vị hàng hóa Y ta phải từ bỏ để có thể dành nguồn lực cho việc sản xuất thêm này. Nó được đo bằng tỷ số -ΔY/ΔX, vì thế có thể đo bằng giá trị tuyệt đối của độ dốc của đường giới hạn khả năng sản xuất tại từng điểm. Trong một số trường hợp, vì lý do đơn giản hóa, người ta giả định rằng, chi phí cơ hội của việc sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa nào đó là không đổi ở mọi điểm xuất phát. Khi đó đường giới hạn khả năng sản xuất được xem như một đường thẳng [có độ dốc không đổi]. Trên thực tế, chí phí cơ hội của việc sản xuất một loại hàng hóa thường tăng dần lên khi chúng ta cứ tăng mãi sản  lượng hàng hóa này. Vì thế, đường giới hạn khả năng sản xuất thường được biểu thị như một đường cong lồi, hướng ra ngoài gốc tọa độ.

    Một đường giới hạn khả năng sản xuất cho ta thấy các số lượng hàng hóa tối đa mà xã hội có thể có được trong một giới hạn nhất định về nguồn lực. Như trên ta đã nói, điểm E là điểm không khả thi, vì với lượng nguồn lực khan hiếm hiện có, người ta không thể tạo ra được các khối lượng hàng hóa như điểm này biểu thị. Tuy nhiên, xã hội có thể sản xuất được tại điểm E nếu như nó có nhiều yếu tố sản xuất hơn, hoặc có được những công nghệ sản xuất tiên tiến hơn. Gắn với trạng thái mới về các nguồn lực [bao hàm cả trình độ công nghệ sản xuất], nền kinh tế của xã hội lại có một đường giới hạn khả năng sản xuất mới. Khi các nguồn lực gia tăng [theo thời gian, xã hội tích lũy được nhiều máy móc thiết bị hơn, tìm ra được các phương pháp sản xuất tiên tiến hơn v.v…], đường giới hạn khả năng sản xuất của xã hội dịch chuyển ra phía ngoài. Giới hạn khả năng sản xuất được mở rộng tạo khả năng cho xã hội có thể có thể sản xuất được nhiều hơn cả hàng hóa X lẫn hàng hóa Y.

    Liên tục mở rộng giới hạn khả năng sản xuất của mình theo thời gian chính là thực chất của quá trình tăng trưởng kinh tế của xã hội [hình 2]

    Quy luật hiệu suất giảm dần: Hình dạng đường giới hạn khả năng sản xuất điển hình như một đường cong lồi cũng như giả định về chi phí cơ hội của việc sản xuất một loại hàng hóa có xu hướng tăng dần có liên quan đến một quy luật kinh tế được gọi là quy luật hiệu suất giảm dần.

    Quy luật hiệu suất giảm dần phản ánh mối quan hệ giữa lượng hàng hóa đầu ra và lượng đầu vào góp phần tạo ra nó. Nội dung của quy luật này là: nếu các yếu tố đầu vào khác được giữ nguyên thì việc gia tăng liên tiếp một loại đầu vào khả biến duy nhất với một số lượng bằng nhau sẽ cho ta những lượng đầu ra tăng thêm có xu hướng ngày càng giảm dần.

    Có thể minh họa quy luật này bằng ví dụ sau.

    Giả sử việc sản xuất lương thực cần đến hai loại đầu vào là lao động và đất đai [ở đây, đất đai đại diện cho các đầu vào khác không phải là lao động]. Với một lượng đất đai cố định [ví dụ là 10 ha], sản lượng lương thực đầu ra tạo ra được sẽ tùy thuộc vào số lượng lao động [yếu tố đầu vào khả biến duy nhất] được sử dụng. Khi chưa có một đơn vị lao động nào được sử dụng, sản lượng lương thực đầu ra là bằng 0. Với 1 đơn vị lao động canh tác trên 10 ha nói trên, giả sử trong 1 năm người này sản xuất được 15 tấn lương thực. Khi bổ sung thêm 1 đơn vị lao động nữa, 2 lao động này có thể tạo ra trong 1 năm một khối lượng lương thực là 27 tấn. Ta nói rằng lượng lương thực tăng thêm nhờ có thêm đơn vị lao động thứ hai là 12 tấn [27-15=12]. Vẫn với diện tích đất đai cố định như trên, nếu số lượng lao động lần lượt là 3, 4, 5 sản lượng lương thực được tạo ra giả sử lần lượt là 37, 46, 54,5 tấn. Khi lượng lao động gia tăng, tổng sản lượng lương thực ngày càng được sản xuất ra nhiều hơn, song lượng lương thực tăng thêm từ mỗi đơn vị lao động bổ sung thêm lại có xu hướng giảm dần [lượng lương thực có thêm nhờ đơn vị lao động thứ ba là 10 tấn, nhờ đơn vị lao động thứ tư là 9 tấn, nhờ đơn vị lao động thứ năm là 8,5 tấn].

    Quy luật hiệu suất giảm dần là một hiện tượng thường bộc lộ trong nhiều trường hợp của đời sống kinh tế. Điều giải thích cho quy luật này nằm ở chỗ các đầu vào được gia tăng một cách không cân đối. Khi các đầu vào khác [ví dụ, đất đai] là cố định, việc tăng dần đầu vào lao động cũng có nghĩa là càng về sau, mỗi đơn vị lao động càng có có ít hơn các đầu vào khác [ở đây là đất đai] để sử dụng. Đây là lý do khiến cho càng về sau, mỗi đơn vị lao động tăng thêm lại chỉ góp phần tạo ra lượng sản phẩm đầu ra tăng thêm [trong ví dụ trên là lương thực] giảm dần. Ở ví dụ trên, với mục đích minh họa, chúng ta cho quy luật hiệu suất giảm dần bộc lộ hiệu lực của nó ngay khi chúng ta bổ sung đơn vị lao động đầu tiên. Trên thực tế, quy luật này chỉ thể hiện như là một xu hướng. Khi số lượng lao động được sử dụng còn ít, việc tăng thêm một đơn vị lao động có thể không chỉ làm tổng sản lượng đầu ra tăng thêm mà còn làm lượng đầu ra bổ sung cũng ngày một tăng [ở đây hiệu suất là tăng dần]. Tuy nhiên, khi lượng lao động được sử dụng là đủ lớn [trong tương quan với lượng đầu vào khác là cố định], việc cứ tiếp tục bổ sung thêm lao động chắc chắn sẽ làm xu hướng hiệu suất giảm dần phát huy hiệu lực.

    Quy luật hiệu suất giảm dần là một trong những lý do có thể giải thích xu hướng chi phí cơ hội tăng dần khi chúng ta muốn sản xuất ngày một nhiều hơn một loại hàng hóa trong điều kiện bị giới hạn bởi một tổ hợp đầu vào sẵn có nhất định. Thường thì các hàng hóa khác nhau có các yêu cầu về đầu vào không giống nhau. Mỗi ngành sản xuất đều sử dụng một số yếu tố sản xuất đặc thù [ví dụ, đất đai là đầu vào quan trọng của việc sản xuất nông sản, song nó lại có ý nghĩa ít hơn nhiều trong việc sản
    xuất ô tô. Việc bổ sung đất đai cho ngành sản xuất ô tô bằng cách rút nó ra khỏi ngành nông nghiệp có thể làm giảm nhiều sản lượng nông sản mà lại không làm tăng thêm bao nhiêu sản lượng ô tô. Ngược lại, chuyển những lao động lành nghề từ ngành công nghiệp ô tô sang ngành nông nghiệp có thể làm sản lượng nông nghiệp tăng lên không nhiều trong khi lại có thể làm sản lượng ô tô sụt giảm mạnh]. Do đó, khi muốn tăng thêm sản lượng của một loại hàng hóa X chẳng hạn, ở điểm hiệu quả trên đường giới hạn khả năng sản xuất, người ta buộc phải phân bổ lại nguồn lực bằng cách rút chúng ra khỏi lĩnh vực sản xuất hàng hóa Y. Việc bổ sung các nguồn lực cho việc sản xuất X thường không thực hiện được một cách cân đối: các yếu tố sản xuất đặc thù mà ngành sản xuất X đòi hỏi thường không được bổ sung một cách tương ứng như các yếu tố sản xuất khác. Điều này làm cho quy luật hiệu suất giảm dần có thể phát huy tác dụng. Với những lượng hàng hóa Y hy sinh bằng nhau, ta chỉ nhận được lượng hàng hóa X tăng thêm ngày một giảm dần. Nói cách khác, để có thể sản xuất thêm một đơn vị hàng hóa X như nhau, số lượng hàng hóa Y ta phải từ bỏ sẽ tăng dần. Chi phí cơ hội của việc sản xuất, vì thế, thường được giả định một cách hợp lý là tăng dần. [Chúng ta cũng có thể nói như vậy đối với chi phí cơ hội của việc sản xuất hàng hóa Y]. [Hình 3]

    Khi chi phí cơ hội của việc sản xuất một loại hàng hóa được xem là tăng dần, độ dốc của đường giới hạn khả năng sản xuất không phải là cố định mà có xu hướng tăng dần khi ta di chuyển từ trái sang phải. Vì thế đường giới hạn khả năng sản xuất điển hình thường được mô tả như một đường cong lồi.

    PGS.TS. Phí Mạnh Hồng [Quantri.vn biên tập và hệ thống hóa]

    Video liên quan

    Chủ Đề