Đường lối kháng chiến do đảng ta đề ra trong kháng chiến chống thực dân pháp là gì?

Những sáng tạo về đường lối của Đảng ta trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp [1945-1954]

Năm nay, chúng ta kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Một Đảng mới ra đời đã có đường lối chiến tranh đúng đắn, sáng tạo làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp
báo cáo tình hình Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947. [Ảnh tư liệu]

1. Đường lối của Đảng được xây dựng, phát triển và từng bước hoàn chỉnh qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đó là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính. Trên cơ sở xem xét, đánh giá khách quan, toàn diện tình hình quốc tế, trong nước, địch, ta, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định lực lượng kháng chiến là toàn dân, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân, gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích làm nòng cốt. Để phát huy tối đa sức mạnh của toàn dân tộc, Đảng tổ chức, động viên mọi tầng lớp nhân dân, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, đảng phái; đồng thời, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Phương pháp cách mạng là nhiệm vụ kháng chiến được đặt lên hàng đầu; thực hiện vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Phương thức tiến hành kháng chiến là kết hợp chặt chẽ chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các đơn vị bộ đội chủ lực. Đây thực sự là một sáng tạo của đường lối chiến tranh nhân dân Việt Nam – đường lối kháng chiến – mà Đảng ta với tư cách chủ thể. Bởi lẽ, chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, do nhân dân tiến hành [mỗi người dân là một chiến sĩ], với lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt. Kháng chiến toàn diện, là vì thực dân Pháp tiến hành xâm lược, nô dịch nhân dân ta cả chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quân sự,... do đó ta phải đấu tranh toàn diện, lâu dài với địch, trong khi phải dựa vào sức mình là chính để giành thắng lợi cho cuộc kháng chiến vĩ đại. Đường lối đó là sự kế thừa truyền thống, kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm của dân tộc, nắm vững và vận dụng đúng quy luật chiến tranh trong điều kiện “lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều”.

Trong bối cảnh chúng ta vừa giành được độc lập, chính quyền từ Trung ương đến địa phương vừa được thiết lập; chính trị, kinh tế, văn hóa và quân sự,... của chế độ mới đang từng bước hình thành; quan hệ ngoại giao mới chỉ có một số nước, như: Liên Xô, Trung Quốc. Để bảo toàn lực lượng, kháng chiến lâu dài, Đảng quyết định chọn Việt Bắc để xây dựng thành căn cứ địa của cuộc kháng chiến. Theo đó, các cơ quan của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Quân đội, các ngành, đoàn thể Trung ương lần lượt chuyển lên An toàn khu [ATK][1] để chỉ đạo kháng chiến. Đảng ta chủ trương kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược: kháng chiến và kiến quốc; bởi hai nhiệm vụ này có mối quan hệ biện chứng, thúc đẩy nhau phát triển. Thực hiện chủ trương đó, Trung ương Đảng chỉ đạo đảng bộ và chính quyền các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch, ổn định tư tưởng, chuẩn bị các phương án để duy trì sản xuất, sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét, đánh phá. Nhiều căn cứ, nhiều chiến khu, cơ sở cách mạng ở Nam Bộ và các địa phương, kể cả địa bàn địch tạm chiếm đã được xây dựng, duy trì hoạt động sản xuất và sẵn sàng chiến đấu. Cùng với đó, các địa phương tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, đẩy mạnh xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang. Nhờ vậy, chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo của Đảng đi vào lòng dân, được nhân dân phấn khởi đón nhận, nô nức động viên con em xung phong gia nhập lực lượng vũ trang. Phong trào tập luyện quân sự diễn ra sôi nổi, trên khắp các vùng, miền. Đến cuối năm 1947, quân số lực lượng vũ trang đã đạt trên 12 vạn. Các hoạt động khác, như: giáo dục, văn hoá, văn nghệ cũng từng bước chuyển kịp với yêu cầu của thời chiến phục vụ đắc lực sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của Đảng ta. Để giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo, Đảng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát triển Đảng. Đến năm 1947, tổng số đảng viên cả nước đã có hơn 7 vạn. Việc nhanh chóng chuyển đất nước sang thời chiến, xác định đường lối, tổ chức lực lượng kháng chiến toàn dân đã tạo tiềm lực, đủ để đánh bại từng bước các chiến lược, kế hoạch của thực dân Pháp.

Nhằm tăng cường tiềm lực vật chất và tinh thần cho cuộc kháng chiến, ngày 27-3-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào Thi đua Ái quốc động viên mọi người, mọi ngành thi đua - “bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau”[2]. Nhờ đó, phong trào Thi đua yêu nước phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Mặt trận Nông nghiệp đã xuất hiện nhiều phong trào, như: khai hoang phục hóa, đổi công, đổi thợ, cấy nhanh, cày giỏi,... Ngay trong các vùng địch tạm chiếm, nhân dân cũng tranh thủ cày, cấy, ngày, đêm chiến đấu bảo vệ mùa màng. Việc trồng lúa, trồng hoa màu, trồng bông dệt vải,... phát triển mạnh mẽ. Nhiều địa phương, nhân dân không những tự túc được nhu yếu phẩm, mà còn cung cấp cho kháng chiến. Mặt trận Giáo dục có phong trào bình dân học vụ, giáo dục phổ thông, đại học được duy trì và giữ vững ở vùng tự do. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, chú trọng xây dựng căn cứ địa - hậu phương vững mạnh về kinh tế, chính trị, xã hội là sáng tạo độc đáo của Đảng, vừa đảm bảo yêu cầu sinh hoạt của nhân dân, vừa phục vụ kháng chiến.

2. Nghệ thuật quân sự là nét đặc sắc nổi bật của đường lối kháng chiến, được biểu hiện tập trung ở sự chỉ đạo tác chiến chiến dịch, chiến lược thông qua các chiến dịch: Việt Bắc Thu Đông năm 1947, Chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950 và đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thực hiện Chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh”, ngày 07-10-1947, quân Pháp tập trung khoảng 12 nghìn quân, gồm: bộ binh, lính dù và thủy quân tinh nhuệ ở Bắc Bộ tiến công lên Việt Bắc, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não của ta để kết thúc chiến tranh và áp đặt sự thống trị thực dân như trước đây. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chỉ đạo phải tổ chức chiến dịch phản công đập tan cuộc tiến công của quân Pháp. Phương châm Chiến dịch là: tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, phương thức tác chiến là đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung đánh phục kích, tập kích, trên cả hai trục: đường thủy [Sông Lô] và đường bộ [Đường số 4, số 3]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân ta đã bẻ gẫy hai gọng kìm tiến công của quân Pháp, khiến chúng bị tổn thất nặng nề. Thắng lợi ở Việt Bắc đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang ba thứ quân, để lại nhiều bài học kinh nghiệm bước đầu về sự phối hợp tác chiến giữa lực lượng du kích và bộ đội chủ lực với phương châm tiêu diệt địch để bảo vệ lực lượng của ta.

Trong lúc tình hình thế giới có nhiều thay đổi có lợi cho ta, Đảng chủ trương chớp thời cơ đánh địch mở thông tuyến hành lang biên giới Việt Nam - Trung Quốc để tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trước hết là nhân dân Trung Quốc. Ngày 21-01-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng quyết định gấp rút chuẩn bị lực lượng, vật chất và tinh thần, chuyển mạnh sang tổng phản công. Tháng 6-1950, Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Biên giới nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng địch, giải phóng đất đai, mở thông tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và sang các nước XHCN. Tham gia Chiến dịch gồm: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích của hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật được chuẩn bị, bảo đảm đánh dài ngày[3]. Chiến dịch Biên giới thắng lợi đã tạo ra bước ngoặt, ta chuyển từ chiến tranh du kích lên chính quy, giành quyền chủ động cả về chiến dịch, chiến lược trên chiến trường. Đó là kết quả của sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng tạo, linh hoạt, nhạy bén của Đảng, sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân.

Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị chủ trương mở chiến dịch tiêu diệt lớn quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm: đánh chắc thắng, nhằm kết thúc chiến tranh có lợi cho ta. Đây là quyết định đúng đắn, sáng tạo của Đảng ở giai đoạn cuối cuộc chiến tranh. Nếu như trước đây, ta chủ trương tránh nơi địch mạnh, đánh nơi địch tương đối yếu và sơ hở với hình thức tác chiến chủ yếu là đánh vận động, đánh công sự vững chắc, quy mô nhỏ, thì đến nay, Đảng quyết định tiến công vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - chỗ mạnh nhất, vững chắc nhất, nhưng mang tính chiến lược của cuộc chiến tranh. Đây là một quyết định táo bạo, dũng cảm. “Đứng về ý nghĩa quyết chiến chiến lược mà nói cũng như đứng về quy mô và hình thức của chiến dịch, cuộc tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã đánh dấu một biến chuyển mới, một sự phát triển mới trong sự lãnh đạo đấu tranh vũ trang của Đảng ta cũng như trong quá trình lớn mạnh của Quân đội ta”[4].

Sáng tạo và quyết tâm chiến lược của Đảng đã nhanh chóng biến thành ý chí và hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta đã dồn sức người, sức của cho chiến dịch. Do vậy, trong thời gian ngắn, mọi công tác chuẩn bị kể cả lực lượng, vật chất và tinh thần đã hoàn thành.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của chiến cuộc Đông Xuân 1953 – 1954. Chiến dịch đã diễn ra từ ngày 13-3 đến 07-5-1954; suốt 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, bộ đội ta đã thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với khát vọng “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chiến dịch đã làm phá sản hoàn toàn Kế hoạch Na-va, đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, cam kết chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

Trong cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược, nhờ có những sáng tạo về đường lối của Đảng, quân và dân ta đã phát huy truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc anh hùng, giành thắng lợi vang dội. Việt Nam - Điện Biên Phủ - Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng của niềm tin và hy vọng của các dân tộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới./.

TS. TRẦN THỊ VUI

Học viện CTQG Hồ Chí Minh

[1] - Thuộc 5 huyện: Đại Từ, Định Hóa [Thái Nguyên], Chợ Đồn [Bắc Kạn] Chiêm Hóa và Sơn Dương [Tuyên Quang].

[2]- Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 556.

[3] - Hơn 1000 tấn đạn dược, vũ khí, 190 tấn quân trang, quân dụng, gần 3000 tấn gạo, 20 tấn thuốc và dụng cụ y tế cùng hàng trăm tấn hàng quân giới, xăng dầu.

[4] - Điện Biên Phủ Hợp tuyển công trình khoa học, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 46.

Chủ Đề