Hướng dẫn phun thuốc cho lan

 
 
 
 

Tại sao tôi phun thuốc mà lan vẫn chết? Nên phun thuốc gì để phòng bệnh cho lan và tại sao là thuốc đó? Cơ chế tác động của từng loại thuốc lên nấm và vi khuẩn như thế nào? Mẹo dùng thuốc và cách phối trộn…. Mọi thắc mắc đều có ở phần sau!

Dùng thuốc cho lan, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc 4 đúng:

1. Đúng thuốc:



Khi chọn mua thuốc Bảo Vệ Thực Vật [BVTV] bạn cần biết rõ loại sâu bệnh hại cần phòng trừ. Nếu không xác định được sâu bệnh hại thì bạn nên xách cả giò lan tới chỗ bán thuốc BVTV và nhờ kỹ sư của cửa hàng tư vấn nhận diện và có cơ sở mua thuốc cho chuẩn. Vấn đề này rất nhạy cảm vì hiện nay 1 anh kỹ sư nông nghiệp thường cho thuê bằng để người khác đăng ký cửa hàng đứng bán thuốc, vì thế bạn nên tìm cửa hàng nào có kỹ sư đứng bán thì tốt nhất, tỷ lệ này rất thấp khoảng 10% thôi, còn lại người đứng bán hàng đa số trình độ phọt phẹt….

Khi mua thuốc nên ưu tiên chọn thuốc ít độc với người và động vật máu nóng. Cần mua những loại thuốc có tác động chọn lọc [có tác dụng trừ sâu bệnh cao nhưng tương đối ít độc đối với sinh vật có ích như ong mật, cá tôm, gà vịt, ký sinh và thiên địch]. Chọn thuốc an toàn đối với cây trồng, ít nguy hại đến người tiêu thụ sản phẩm. Chọn thuốc có thời gian cách ly ngắn [ví dụ Agrifos thời gian cách ly 1 ngày gần như là không độc], không lưu tồn lâu dài trong nguồn nước và trong đất. [Ví dụ bạn mua ĐỒNG ĐỎ để phun trừ nấm cho lan, thì thà bạn mua thuốc diệt cỏ về xịt luôn cho rồi].

Không sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, không có trong danh mục thuốc được phép sử dụng. Không sử dụng thuốc cấm.

Không gì đau khổ hơn xịt thuốc mà lan vẫn lăn ra chết vì sai thuốc.


Anh ơi, em mới xịt Ridomilgold hôm qua, sao hôm nay lan em lại bị thối nhũn thế này? Em xịt Ridomilgold cho Nấm trắng trên giá thể mà không thấy gì…. Đủ kiểu thắc mắc tôi nhận được hàng ngày! Ôi, Ridomilgold THẦN THÁNH TRỊ BÁCH BỆNH! Ridomilgold không có lỗi, lỗi tại bạn… [Phật gọi là VÔ MINH, Chúa gọi là LẠC LỐI].

2. Đúng liều lượng và nồng độ



Liều lượng là lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích và nồng độ là độ pha loãng của thuốc trong nước để phun. Pha đúng nồng độ và phun đủ lượng nước quy định để đảm bảo thuốc trải đều và tiếp xúc với sâu bệnh hại nhiều nhất. [Ví dụ Anvil trị thối lá non, ngọn và rỉ sắt khá tốt, nhưng nếu bạn phun quá liều và nồng độ cao hơn 30% so với nhãn mác, lan nhà bạn sẽ bị đứng im không mọc dài lên nữa, nếu nặng thì nó thắt ngọn luôn]. Hoặc xịt nhện đỏ mà bạn không xịt ướt đẫm và đều mặt sau của lá thì chỉ mất công xịt mà thôi, vì bọn nhện nằm dưới mặt lá.

Khi dùng thuốc BVTV, cần đọc kỹ hướng dẫn khi dùng thuốc, phải có dụng cụ cân, đong thuốc, không ước lượng bằng mắt, không bốc thuốc bột bằng tay. Bạn nên mặc áo mưa, đeo khẩu trang y tế và đội mũ rộng vành khi phun thuốc. Cá nhân tôi còn mua thêm 3 cây nối, nối cho cái vòi phun dài gần 3m để khỏi phải hít thuốc nhiều.

Nếu bạn mua thuốc dạng bột mà không biết làm thế nào để chia nhỏ dùng cho bình 1,5 lít hoặc 2-4 lít, thì tôi có mẹo nhỏ này chắc chắn sẽ giúp được bạn:

– Mua 1 chai nước lọc 250ml hoặc 500ml ĐÁY BẰNG, HÌNH TRỤ ĐỀU, trong suốt. Uống hết nước, để khô.

– Đổ thuốc dạng bột vào chai và lấy thước, bút lông ra chia làm 10 phần bằng nhau.

– Giả sử 1 gói Aliette 100gam pha với 32 lít nước xịt 4000 giò lan, mà lan bạn ít, chỉ cần 1,5lít là đủ, thì bạn chia cái phần thuốc trong chai ra làm 20 vạch, vậy mỗi vạch bột thuốc bạn pha với 1,5 lít nước là quá ổn rồi.


Cách dùng thìa đong 6 muỗng cà phê với 1 lít nước bạn KHÔNG NÊN ÁP DỤNG, vì tỉ trọng thuốc khác nhau [tôi thấy Ridomilgold và Starner cùng là bột, nhưng mà khối lượng trên thể tích khác nhau rất xa]. Vấn đề nữa là THÌA CÀ PHÊ là thìa nào? Tôi uống cà phê 30 quán thì có 20 loại thìa, vậy thìa nào đây?

Sau khi dùng, thuốc còn trong chai bạn PHẢI BẢO QUẢN CHỖ TỐI VÀ MÁT [rất nhiều loại thuốc bị phân giải mất tác dụng khi gặp ánh sáng và nhiệt]. Tôi mua hẳn 1 THÙNG XỐP ĐỰNG ĐÁ để bảo quản thuốc và phân, bất chấp mưa nắng và thời gian.

Nếu thuốc dạng dung dịch trong gói nhỏ [ví dụ Atonik, thuốc trị nhện đỏ Pesieu 500EC…], Bạn nên mua 1 chai cồn Iot Povidine hoặc chai nước muối rửa mắt về, nhớ mua chai to chút [20ml trở lên]:

– Đổ hết cái trong chai ra, rửa sạch sau đó cho thuốc trong tép [bịch] giành cho lan của bạn vào.

– Cụ thể như sau: 10ml thuốc Pesieu 500EC trị nhện đỏ pha với 16 lít nước, bạn muốn pha 1,5 lít thì chỉ cần 20 giọt là được. [Trung bình 20 giọt = 1ml]. Tương tự với Atonik.

– Nếu bạn chưa thật tự tin, vì lỗ miệng chai đôi khi to nhỏ khác nhau, hãy cho nước vào và thử đếm xem bao nhiêu giọt, rồi lấy số giọt chia cho số millilit ghi trên chai.


Có 1 lần tôi pha thuốc nấm và khuẩn để ngâm xử lý giống [Sóc Lào], tôi không dùng bao tay mà dùng tay không để trộn thuốc, vớt và dìm cây, sau đó 1 tiếng tay tôi bắt đầu mỏi rã rời, nhức bên trong tận xương lên tận bả vai, cầm nắm hầu như không còn lực. Sau này tôi dùng 1 bịch nilon dày và to, cho tay vào trong bịch rồi bốc trộn lan với thuốc, rất là hiệu quả mà an toàn, biến cái bịch nilon thành bao tay [giống mấy bà bán bún bốc bún bằng bịch ấy các bạn]. Nếu bạn có điều kiện thì nên dùng bao tay cao su nhé!
Cách của anh nông dân, chỉ người đam mê mới biết quý trọng!

Có vài bạn quá nôn nóng, muốn đốt cháy giai đoạn mà cho liều tăng lên gấp đôi. Bạn đang làm hại lan của mình và nếu có dập được dịch bệnh thì sau này muốn chữa cũng bệnh đó, bạn phải xịt nồng độ cao hơn nữa. Hiện tượng lờn thuốc sẽ xảy ra.

Có một số bạn hỏi tôi rằng trên bao bì ghi rất nhiều nồng độ cho rất nhiều loại cây vậy lấy số đo nào để pha?


Bạn cộng tất cả các chỉ số trên bao bì lại và chia trung bình là ổn nhất. Ví dụ trên bao bì ghi là pha từ 20-40ml thuốc cho 16 lít nước, thì bạn cứ lấy 30ml thuốc là được.

Nếu bao bì ghi cả chỉ số cho cây lương thực, rau, cây công nghiệp và cây ăn trái. Bạn hãy lấy theo chỉ số của rau và lương thực. Vì lan thuộc bộ Măng Tây, cũng là rau thôi [thực tế thì đa số lan là ăn được, ví dụ luộc giả hạc hoặc ý thảo bạn sẽ thấy ăn đắng như mướp đắng [khổ qua], Kiều [thủy tiên] hoặc ngọc thạch thì hơi nhớt và vị thanh hơi ngọt].

3. Đúng lúc



Phun thuốc đúng lúc kịp thời vào thời điểm sâu bệnh dịch hại trong vườn lan. Đặc biệt là phải xem dự báo thời tiết để biết đường phun phòng bệnh.
Ví dụ 2 ngày nữa bão đổ bộ vào vườn nhà bạn, khi đó độ ẩm không khí rất cao sẽ tạo điều kiện cho các chủng nấm thủy sinh [sinh và sống với môi trường nước] sẽ làm hại lan nhà bạn, sinh thối gốc, thối ngọn non, thối nhũn lá…. Biết vậy thì xịt thuốc nấm và khuẩn để tiêu diệt hết các mầm mống nấm khuẩn đó đi, mưa tẹt ga vườn lan nhà bạn vẫn vô tư.

NÂNG CAO: Trong vườn nhà bạn, trong không khí lúc nào cũng có nấm và khuẩn, vấn đề là số lượng không đủ nhiều để phát thành dịch và làm hại lan nhà bạn. Ví dụ cụ thể: Giả sử trên lá lan Ngọc Điểm lúc bình thường luôn là có 100 con vi khuẩn 1 lá. Khi điều kiện thuận lợi [mưa, độ ẩm không khí cao, lá bị xước, nhiệt thay đổi thất thường] làm cho vi khuẩn sinh sôi lên hàng vạn, hàng triệu lần sau 1 đêm. Nó sẽ phá hủy tế bào lá và tiết dịch khuẩn, chúng nhân đôi với tốc độ chóng mặt. Lan nhà bạn sẽ bị thối nhũn.


Nếu bạn biết đường căn thời gian thấy trời sắp mưa dầm 1 tuần, thì bạn nên xịt thuốc phòng vi khuẩn để tiêu diệt đa số [trong số 100 con] để dù điều kiện có thuận lợi thì nó cũng sinh sôi nảy nở không đủ số lượng để phá hủy lan nhà bạn. Bên cạnh đó bạn phải tăng cường sức đề kháng cho lan với trung vi lượng, đa lượng cân đối….

Tốt nhất là điều kiện vườn không bệnh gì thì cũng nên phun thuốc nấm và khuẩn 2 tuần 1 lần. Còn khi bị bệnh thì cứ 5-7 ngày 1 lần là được. Mùa khô thì 20-30 ngày phòng bệnh 1 lần là hợp lý.


Nên phun thuốc vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Không phun thuốc vào những ngày thời tiết quá nóng, trời nắng gắt, trời sắp mưa, có gió to. Hạn chế phun khi cây đang ra hoa.

Buổi chiều mát lúc 16-17h phun là hợp lý nhất. Nhớ là có tưới thì cũng phải đợi ít nhất 1 tiếng cho khô ráo mới phun thuốc. Thuốc phun xong phải được ÍT NHẤT 2 TIẾNG khô ráo không bị mưa thì mới đạt hiệu quả cao nhất, nếu phun xong 1 tiếng mưa liền thì hiệu quả chỉ đạt 50%-60% thôi. Ngày hôm sau khi phun thuốc bạn vẫn cứ tưới lan như bình thường.

Giả xử chiều nào cũng mưa không phun được thì bạn nên phun vào lúc 6h sáng, 8 giờ sáng mới phun là muộn rồi, vì 9-10h trời mà nắng nóng lên là thuốc bay hơi mất tác dụng.

Đó là thuốc, còn với phân, theo quan điểm cá nhân của tôi thì chỉ phun phân vào buổi chiều mát 16h-17h, tuyệt đối không bao giờ phun phân vào buổi sáng, vì nắng và nhiệt sẽ biến phân đọng trên lá, ngọn thành axit và làm cháy lá lan. Bạn nên nhớ phân bón lá phải có ít nhất 5 tiếng không bị nắng nóng thì cây mới hấp thu đầy đủ được. Nếu giả sử bạn xịt phân xong mà vài tiếng sau nhiệt lên cao trên 30 độ thì sẽ làm hại tế bào lá lan nhiều.

LƯU Ý NÂNG CAO:


Tưới rồi đợi khô phun thuốc sâu nấm bệnh là đúng.

Phun phân chiều nay rồi sáng hôm sau tưới sớm là đúng. Lan hấp thu phân bón lá qua KHÍ KHỔNG, khi bạn tưới –> cây no nước, nó mở khí khổng ra để đẩy hơi nước ra ngoài, sẽ hạn chế khả năng hấp thu phân rất nhiều. Khi trời nắng thì khí khổng đóng lại, lan cũng không hấp thu được phân.


Cách dùng phân bón lá cho cây công nghiệp không thể áp dụng dập khuôn vào lan được.

Không biết bạn có quan sát lan mọc dài và to ra với tốc độ ra sao giữa ngày và đêm? Tôi thấy sau 1 đêm, lan luôn to và dài hơn là sau 1 ngày! Thực vật nói chung và lan nói riêng là vậy.

4. Đúng cách



Pha thuốc đúng cách, làm thế nào để chế phẩm thuốc được hòa tan thật đồng đều vào nước, bạn phải lắc hòa tan thuốc triệt để rồi mới phun.
Phun thuốc đúng cách là phun rãi đều làm cho thuốc tiếp xúc với dịch hại nhiều nhất, tập trung vào nơi sinh vật gây hại.

Trên cùng vườn lan chuyên canh không dùng một loại thuốc liên tục trong một vụ, nhiều năm liền nhằm ngăn ngừa hiện tượng kháng thuốc của sâu bệnh dịch hại. Thuốc nấm bạn nên thay đổi luân phiên 3 loại trở nên, thuốc khuẩn cũng vậy.

Không tự ý hỗn hợp nhiều loại thuốc với nhau để phun trên đồng ruộng. Khi hỗn hợp 2 hay nhiều loại thuốc, có trường hợp gia tăng hiệu lực trừ dịch hại nhưng cũng có trường hợp bị phản ứng do hỗn hợp làm giảm hiệu lực trừ dịch hại hoặc dễ gây cháy lá cây trồng và gây ngộ độc cho người sử dụng.


Ví dụ thuốc có tính kềm không pha chung thuốc tính axit.
Thuốc gốc Đồng [Cu] thì không pha với loại nào cả, nó là con sói cô độc sẽ tốt nhất.

Khi bạn pha 2 hoặc 3 loại thuốc với nhau mà sinh ra phản ứng kết tủa hoặc tỏa nhiệt, thu nhiệt thì xong rồi, tốt nhất là nên bỏ luôn mẻ pha đó đi và nên phun riêng bạn nhé!

Nhà sản xuất thường có cặp đôi đi chung với nhau, bạn đã mua 1 loại thì nên mua nốt loại kia. Và tôi rất thích sử dụng các bộ đôi. Đi mua thuốc tôi thường hỏi: bán cho tôi bộ đôi trị nấm khuẩn của công ty này công ty kia. Đó là sự kết hợp tuyệt vời với phổ trừ bệnh cực kỳ rộng.

– Khi đang phun thuốc không nên ăn uống, hút thuốc, tránh không dùng tay sờ vào bất cứ nơi nào trên cơ thể, nhất là đối với mắt sẽ rất nguy hiểm.

– Sau khi phun thuốc xong quần áo và các dụng cụ lao động, bình bơm phải được rửa sạch sẽ và phải được cất giữ trong kho riêng [cùng với nơi lưu chứa thuốc BVTV của gia đình].

– Không trút đổ thuốc dư thừa, nước rửa bình bơm ra nguồn nước sinh hoạt. Tuyệt đối không được dùng vỏ chai, bao bì thuốc BVTV đã dùng hết vào bất kỳ mục đích nào khác, phải hủy và chôn những bao bì này ở xa nguồn nước sinh hoạt và khu dân cư.


 

Video liên quan

Chủ Đề