Hướng dẫn xây dựng quy trinh an toàn phẩu thuật

Tuy có nhiều quy trình và khuyến cáo trong an toàn phẫu thuật, nhưng vẫn còn có thể xảy ra các trường hợp đáng tiếc và nghiêm trọng liên quan đến phẫu thuật. Nhận thấy tầm quan trọng của an toàn phẫu thuật; bệnh viện Trưng Vương đã tự xây dựng và đưa vào áp dụng một quy trình chuyên môn về Phẫu thuật an toàn với mục tiêu nâng cao chất lượng và an toàn phẫu thuật. Quy trình cải tiến này được đưa vào vận dụng tại Khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện với kinh phí đầu tư thấp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động phẫu thuật của Khoa.

Quản lý hoạt động an toàn phẫu thuật bằng hệ thống công nghệ thông tin

Các quy trình và khuyến cáo chủ yếu tập trung vào hai mục tiêu chính liên quan đến an toàn phẫu thuật là: Tránh nhầm lẫn [về bệnh nhân, vị trí phẫu thuật] và Chất lượng chuyên môn [như hội chẩn, bảng kiểm,…]. Liên quan đến quy trình chuyên môn còn phải kể đến chất lượng của can thiệp phẫu thuật, nghĩa là làm sao đạt được kết quả tốt nhất có thể trong phẫu thuật. Điều này không dễ thực hiện và phụ thuộc rất nhiều vào trình độ của phẫu thuật viên trực tiếp thực hiện cuộc phẫu thuật.

Hướng đến an toàn trong phẫu thuật, bệnh viện Trưng Vương phát huy trí tuệ, sức mạnh của tập thể khoa Ngoại trong tất cả các trường hợp can thiệp phẫu thuật có thể cải thiện và nâng cao được chất lượng điều trị người bệnh. Theo đó, bệnh viện đã xây dựng và cải tiến quy trình phẫu thuật theo hướng khép kín từ khâu thông tin bệnh nhân, hội chẩn duyệt mổ, tư vấn phẫu thuật/thủ thuật đến quá trình phẫu thuật nhằm đảm bảo an toàn phẫu thuật cho bệnh nhân. Tăng tính hiệu quả của hoạt động phẫu thuật, bệnh viện đầu tư trang bị hệ thống công nghệ thông tin để quản lý và giám sát xuyên suốt hoạt động phẫu thuật của Khoa ngoại tổng hợp.

Theo quy trình cải tiến, những thông tin bệnh nhân như kết quả cận lâm sàng [xét nghiệm, hình ảnh học về bệnh lý của người bệnh...] đều được lưu trữ tại khoa qua hệ thống mạng máy vi tính. Ngay cả thông tin của những lần nhập viện trước của bệnh nhân cũng được lưu trữ tại khoa như: cận lâm sàng, tường trình phẫu thuật, giải phẫu bệnh lý, tình trạng xuất viện, …

Khi Hội chẩn Duyệt mổ tại Khoa, danh sách bệnh nhân được hội chẩn hàng ngày được truy xuất từ phần mềm quản lý bệnh nhân của khoa. Bác sĩ điều trị trình bệnh án: Bệnh sử, Tiền sử, Khám lâm sàng, Cận lâm sàng... Qua hệ thống công nghệ thông tin, tập thể bác sĩ trực tiếp hỏi và khám người bệnh. Những kết quả cận lâm sàng và hình ảnh học [như CT, MRI, hình chụp khi khám bệnh...] được xem lại qua hồ sơ hoặc qua hệ thống lưu trữ dữ liệu hình ảnh tại khoa. Khi cần, người bệnh được siêu âm tại khoa và hình ảnh cũng được lưu trữ lại trên hệ thống. Toàn bộ các thông tin khi hội chẩn đều được hiển thị trên màn hình để tất cả bác sĩ có thể xem và có thể truy cập lại dễ dàng. Sau khi trao đổi, kết luận của hội chẩn sẽ: xác định chẩn đoán [có thể cần thực hiện bổ sung một số cận lâm sàng] hoặc xác định hướng xử trí và chỉ định điều trị nội khoa [về nội dung thảo luận và thống nhất phương pháp điều trị] hoặc điều trị ngoại khoa [với yêu cầu phải có nhiều phương án để phân tích, chọn lựa và đặc biệt ghi chú các điểm cần lưu ý khi thực hiện can thiệp]; đồng thời dự kiến ngày can thiệp và chuẩn bị cho can thiệp phẫu thuật, phân công phẫu thuật viên [Bác sĩ điều trị]. Nội dung hội chẩn được ghi lại trong hồ sơ và lưu trữ trong phần mềm quản lý khoa Ngoại Tổng hợp, từ đó lập danh sách phẫu thuật.

Từ kết luận của hội chẩn điều trị, bác sĩ điều trị hoặc phẫu thuật viên sẽ tư vấn phẫu thuật/thủ thuật cho người bệnh và gia đình theo mẫu có sẵn của từng loại bệnh lý.

Trong quá trình phẫu thuật tại 6 phòng mổ của bệnh viện, hình ảnh của từng phòng mổ được truyền trực tiếp đến khoa Ngoại Tổng hợp [và các nơi khác nếu cần] qua hệ thống mạng internet, với phần mềm truyền tải và lưu trữ hình ảnh tại khoa [bao gồm: Mổ mở, Phẫu thuật nội soi, Nội soi can thiệp, …]. Toàn bộ hình ảnh phẫu thuật-thủ thuật được lưu trữ tự động vào một máy tính tại khoa và có thể truy cập lại dễ dàng. Âm thanh cũng được truyền bằng điện thoại IP qua mạng internet đến từng phòng mổ. Các bác sĩ tại Khoa xem trực tiếp và có thể trao đổi với nhóm phẫu thuật viên trong suốt quá trình thực hiện can thiệp phẫu thuật. Sau can thiệp, phim tư liệu về ca phẫu thuật có thể được xem lại và trao đổi rút kinh nghiệm.

Qua thực hiện quy trình trên, tất cả các can thiệp chương trình phẫu thuật tại khoa Ngoại đều có được sự tham gia của cả khoa, không có trường hợp ngoại lệ. Trong phiên trực, hệ thống hội chẩn và truyền hình ảnh âm thanh vẫn hoạt động bình thường.

Hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình

Với việc xem và trao đổi trực tiếp tại phòng mổ, phẫu thuật viên được giám sát và rất thuận lợi để tham khảo ý kiến của các bác sĩ khác trong công tác phối hợp, hỗ trợ chuyên môn. Từ đó chất lượng của can thiệp phẫu thuật được kiểm soát tốt và giảm được các tai biến, biến chứng. Sự trung thực và chính xác trong chuyên môn cũng được tôn trọng.

Trình độ của các bác sĩ được nâng cao và toàn bộ tư liệu thông tin bệnh nhân đều được lưu trữ trong hệ thống máy vi tính của Khoa. Từ tư liệu lưu trữ đó đã giúp ích rất nhiều trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học của khoa. Điển hình năm 2015, khoa Ngoại đã tham gia 3 hội nghị: của bệnh viện, của trường Đại học Y khoa và hội ngoại khoa toàn quốc với hơn 10 bài báo cáo nghiên cứu từ dữ liệu lưu trữ.

Với hiệu quả cải thiện chất lượng và an toàn trong điều trị, bệnh viện đã phổ biến quy trình này tại một số bệnh viện tuyến trước [theo đề án 1816] và rất mong nhân rộng quy trình trong Ngành y tế trong thời gian tới.

Chủ Đề