Kế hoạch phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Ngày 03/12/2020, UBND tỉnh Kon Tum ban hành Kế hoạch số 4485/KH-UBND về việc phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Kế hoạch nêu rõ phương hướng, mục tiêu và các giải pháp thực hiện phát triển khoa học và công nghệ [KH&CN] giai đoạn 2021 – 2025, cụ thể như sau:

1. Phương hướng phát triển KH&CN giai đoạn 2021 – 2025:

Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước để triển khai các nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chế biến phát triển sản phẩm mới, sản phẩm dược liệu và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST, đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, tăng cường tiềm lực KH&CN.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ về tổ chức, cơ chế quản lý và hoạt động KH&CN: Tập trung triển khai đồng bộ các quy định của pháp luật, các cơ chế chính sách về KH&CN; Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN cấp tỉnh, cấp huyện phù hợp trong tình hình mới. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN; Tiếp tục rà soát, sắp xếp kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn tỉnh. Liên kết với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học để đào tạo nguồn nhân lực KH&CN; Khuyến khích, hỗ trợ hình thành, phát triển các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp. Hình thành cơ sở ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, khuyến khích thành lập doanh nghiệp KH&CN.

Tập trung các nguồn lực đề triển khai các định hướng phát triển KH&CN chủ yếu như: Tập trung triển khai nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ một số lĩnh vực then chốt của cuộc CMCN lần thứ tư, lấy doanh nghiệp làm trung tâm để đổi mới và ứng dụng KH&CN phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Tập trung nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, đối với các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu hệ thống cơ cấu cây trồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu,...; Đẩy mạnh hoạt động khởi nghiệp ĐMST, hoạt động sở hữu trí tuệ.

Tiếp tục nâng cao tiềm lực KH&CN của tỉnh: Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật KH&CN. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh; Nâng cao chất lượng hoạt động các tổ chức KH&CN [công lập và ngoài công lập], xây dựng một số tổ chức KH&CN theo mô hình tiên tiến.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển KH&CN; phát huy hiệu quả Quỹ phát triển KH&CN tỉnh: Triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN của địa phương, doanh nghiệp và các dự án hợp tác  công - tư. Khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025.

Nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN cơ sở: Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN ở các huyện, thành phố. Tăng cường đầu tư cho hoạt động triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, các thành tựu KH&CN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, vùng kinh tế động lực của tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN: Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức KH&CN trong nước và hội nhập quốc tế về KH&CN nhằm nâng cao khả năng tiếp thu, làm chủ công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm, dịch vụ, công nghệ mới, góp phần vào việc phát triển tiềm lực KH&CN, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh.

2. Mục tiêu:

Phát triển mạnh mẽ KH&CN và ĐMST, lấy KH&CN và ĐMST là động lực quan trọng để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển bền vững. Trong đó, mục tiêu cụ thể là:

- Đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN của tỉnh đạt trình độ trung bình chung của cả nước, nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại để chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả trong sản xuất và đời sống tập trung trong một số lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp ứng dụng CNC, CNSH, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, trồng và chế biến dược liệu,...

- Trên 50% số nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và tạo ra sản phẩm trong các doanh nghiệp.

- Bảo hộ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước từ 20 đối tượng trở lên các sản phẩm, nhóm sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù và sản phẩm làng nghề mang địa danh của địa phương.

- Hình thành 1 - 2 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN.

- Hỗ trợ 3 - 5 dự án khởi nghiệp ĐMST và doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST.

3.  Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 – 2025

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về hoạt động KH&CN và ĐMST:

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền về vai trò và động lực của KH&CN. Xác định KH&CN và ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KH&CN và ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

Tập trung triển khai các cơ chế, chính sách về KH&CN: Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 20-NQ/TW; Quyết định số 1466/QÐ-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; tổ chức thực hiện tốt các văn bản Luật, Nghị định, văn bản hướng dẫn hoạt động KH&CN của Trung ương. Kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh trí thức trong lĩnh vực KH&CN, đặc biệt là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng, các nhà khoa học có trình độ cao.

Triển khai chuyển đổi số và ứng dụng KH&CN vào hoạt động quản lý nhà nước. Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KH&CN cấp tỉnh, cấp huyện. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN.

Rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức KH&CN công lập; kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN tỉnh; từng bước hình thành các tổ chức nghiên cứu và phát triển CNSH, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng CNC khi đủ điều kiện. Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập.

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế đặt hàng, cơ chế khoán chi thực hiện nhiệm vụ KH&CN đến sản phẩm cuối cùng. Cơ chế cấp phát kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN thông qua quỹ KH&CN khi có hướng dẫn của Trung ương.

Triển khai các cơ chế, chính sách để phát triển cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST; phát triển thị trường KH&CN; khai thác sáng chế, ưu tiên mua bán công nghệ nội địa do các tổ chức KH&CN tạo ra; khuyến khích các tổ chức KH&CN liên kết với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.

Tập trung nguồn lực triển khai định hướng nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ:

Tập trung ứng dụng các thành tựu KH&CN phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; các ngành nghề chế biến nông sản, dược liệu; thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC, sản xuất hàng hóa; xử lý môi trường; chăm sóc sức khỏe Nhân dân,.. theo hướng hiện đại, hiệu quả cao trên một số lĩnh vực:

a]  Lĩnh vực nông nghiệp:

Nghiên cứu, đánh giá tính thích nghi của một số cây trồng [dược liệu, cây ăn quả,..] phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích sản xuất. Nghiên cứu, chọn tạo các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực, nhất là các loại cây dược liệu, cà phê, cao su, rau hoa, giống cỏ, cây ăn quả, gia súc, thủy sản cá nước ngọt,... phù hợp với các vùng sinh thái để nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp.

Ứng dụng CNSH trong sản xuất các sản phẩm sinh học sử dụng trong trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh hại, xử lý môi trường, sơ chế, bảo quản nông sản…

Ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp, mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, mô hình chăn nuôi ứng dụng CNC,..

Tuyển chọn, bổ sung danh mục các loài dược liệu, cây trồng lâm nghiệp có năng suất, chất lượng cao. Nghiên cứu, ứng dụng các mô hình trồng cây dược liệu, chăn nuôi,... dưới tán rừng, gắn với việc khoanh nuôi tái sinh rừng, tạo sinh kế cho người dân.

Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại để nâng cao hiệu quả sản xuất đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh: Cao su, cà phê, cây dược liệu, rau...

Điều tra, thu thập, đánh giá, bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen quý, hiếm, có giá trị cao về kinh tế, khoa học, y dược, môi trường góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Xác lập và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc thù, có lợi thế của tỉnh.

b] Lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ

Nghiên cứu, ứng dụng CNSH, công nghệ nano, công nghệ mới... trong bảo quản, chế biến, sản xuất thực phẩm và đồ uống; sản xuất phân bón, thức ăn gia súc, thủy sản; sản xuất vật liệu mới,.. phục vụ trong sản xuất nông nghiệp.

Chuyển giao, ứng dụng các thành tựu của cuộc CMCN lần thứ tư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội trong các lĩnh vực: nông nghiệp, chính quyền điện tử; quản lý đô thị, giao thông; thiên tai; tài nguyên rừng và đất đai; du lịch; quản lý biên giới...

Chuyển giao, ứng dụng công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, công nghiệp chế biến dược liệu, nông lâm sản; phát triển năng lượng tái tạo; sản xuất vật liệu mới; công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường... trên địa bàn tỉnh.

c]  Lĩnh vực y - dược

Ứng dụng các thành tựu KH&CN mới, hiện đại trong phòng, chẩn đoán, điều trị một số bệnh truyền nhiễm, bệnh mãn tính phổ biến trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp điều trị bệnh kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền.

Nghiên cứu sản xuất các sản phẩm thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, thức uống bổ dưỡng,.. từ các loài dược liệu của tỉnh.

d]   Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn

Nghiên cứu cơ sở lý luận và tổng kết thực tiễn trong việc hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn về tiềm năng, lợi thế và thách thức đối với phát triển nông nghiệp tỉnh Kon Tum, đề xuất giải pháp cụ thể phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa ứng dụng CNC gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ.

Nghiên cứu, cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn để xử lý hiệu quả một số vấn đề xã hội; vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội...

Nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Nghiên cứu phát triển các sản phẩm, mô hình du lịch của tỉnh gắn với khu vực tam giác phát triển và các địa phương trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây.

Thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về KH&CN

a]  Hoạt động quản lý công nghệ, phát triển thị trường KH&CN

Tham gia ý kiến/thẩm định công nghệ các dự án đầu tư; Cấp chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh theo quy định. Tham gia đánh giá trình độ công nghệ các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các diễn đàn, triển lãm về KH&CN, các hội chợ công nghệ thiết bị; kết nối với các sàn giao dịch công nghệ, giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận, lựa chọn công nghệ. Triển khai các chính sách hỗ trợ hình thành các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN.

b]  Hoạt động quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về an toàn bức xạ và an ninh nguồn phóng xạ. Điều chỉnh, cập nhật kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và tổ chức diễn tập theo quy định.

c]  Hoạt động tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa; công bố, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; đăng ký sử dụng mã số, mã vạch.

d]  Hoạt động sở hữu trí tuệ: Tăng cường các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ. Hỗ trợ xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả việc khai thác thông tin sáng chế, thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ trong sản xuất, kinh doanh.

đ] Hoạt động thông tin và thống kê KH&CN: Tăng cường công tác thông tin về KH&CN trên các kênh truyền hình, báo trung ương và địa phương; các chuyên mục, ấn phẩm KH&CN, trong đó chú trọng thông tin phục vụ xây dựng nông thôn mới. Xây dựng thư viện điện tử [khi đủ điều kiện].

e]  Hoạt động quản lý KH&CN cơ sở: Triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ quy định. Tăng cường hoạt động chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ KH&CN; nhân rộng kết quả các đề tài, dự án KH&CN vào sản xuất và đời sống.

f]  Hoạt động thanh tra, kiểm tra: Triển khai thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm được cấp thẩm quyền phê duyệt. Tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thanh tra chuyên ngành về KH&CN theo chỉ đạo của Bộ KH&CN và UBND tỉnh Kon Tum. Phối hợp với các ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Phát triển thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, tổ chức KH&CN

Tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch của Trung ương, địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN.

Đẩy mạnh thương mại các sản phẩm sau nghiên cứu.

Phát huy vai trò của Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Dịch vụ KH&CN, nâng cao năng lực hoạt động nghiên cứu, làm chủ công nghệ để chuyển giao ứng dụng các thành tựu KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

Hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ: Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp để nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ. Khuyến khích triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành tựu KH&CN vào sản xuất trong các doanh nghiệp. Hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng công nghệ, thiết bị trong dự án đầu tư, dự án đổi mới công nghệ trong sản xuất. Hỗ trợ các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận làm chủ và ứng dụng các công nghệ của cuộc CMCN lần thứ tư vào trong hoạt động sản xuất, quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp để nâng cao năng suất và chất lượng, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST: Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 2763/KH-UBND ngày 21/10/2019 về “Hỗ trợ hệ sinh thải khởi nghiệp ĐMST tỉnh Kon Tum giai đoạn 2019 - 2025”; Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch hằng năm về hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của tỉnh.

Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ: Tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức và năng lực về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân; hỗ trợ xác lập, quản lý, khai thác và phát triển sở hữu trí tuệ cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; khai thác thông tin về sở hữu trí tuệ phục vụ nghiên cứu, triển khai, sản xuất và kinh doanh... Triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030

Phát triển tiềm lực KH&CN

Nguồn nhân lực KH&CN: Tập trung đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao, ưu tiên các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ: công nghệ thông tin, CNSH, công nghệ chế biến,.... Thực hiện liên kết, hợp tác đào tạo với các Viện nghiên cứu, Trường Đại học trong và ngoài nước thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích các tổ chức KH&CN, cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ quản lý, tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Tăng cường cơ sở, vật chất: Đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho tổ chức KH&CN; hiện đại hoá các máy móc, thiết bị nghiên cứu và phân tích thuộc hệ thống các phòng thí nghiệm tại các trung tâm, cơ sở đào  tạo22. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phân tích, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu, sản xuất, bảo quản, chế biến dược liệu, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC. Xây dựng tổ chức nghiên cứu và phát triển CNSH, dược liệu, nông nghiệp ứng dụng CNC [khi đủ điều kiện]. Tăng cường xã hội hóa trong đầu tư tiềm lực cho KH&CN.

Nâng cao hiệu quả hoạt động KH&CN cơ sở

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về KH&CN của trung ương, của tỉnh đối với hoạt động KH&CN trên địa bàn các huyện, thành phố; triển khai xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động KH&CN 5 năm, hàng năm theo chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất.

Đẩy mạnh triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu, các thành tựu KH&CN gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, vùng kinh tế động lực của tỉnh. Lựa chọn và tập trung triển khai nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ trên các lĩnh vực: CNSH, nông nghiệp ứng dụng CNC, bảo quản, chế biến nông sản, dược liệu và các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được phân cấp. Tăng cường đầu tư ngân sách của địa phương cho KH&CN và huy động các nguồn lực để triển khai hoạt động KH&CN của địa phương.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về KH&CN các huyện, thành phố.

Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH&CN

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể về hợp tác với các Trường Đại học, các Viện, Trung tâm nghiên cứu khoa học để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận ứng dụng công nghệ tiên tiến, đổi mới công nghệ và các Chương trình đã ký kết giữa tỉnh Kon Tum với Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Đà Nẵng trong công tác nghiên cứu khoa học trong hoạt động nghiên cứu, tư vấn chuyển giao, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. 

Đẩy mạnh hợp tác với các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học và doanh nghiệp của nước: Hàn Quốc; Israel; Nhật Bản, Thái Lan, Lào… trong các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, nông nghiệp CNC, chế biến dược liệu, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản….

Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KH&CN tỉnh; Khuyến khích doanh nghiệp thành lập Quỹ phát triển KH&CN

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ của Quỹ phát triển KH&CN tỉnh.

Khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN. Hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp lập, quản lý, sử dụng Quỹ phát triển KH&CN trong các doanh nghiệp hoặc tham gia đóng góp cho Quỹ phát triển KH&CN của tỉnh.

Kế hoạch giao Sở KH&CN chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành và địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện, định kỳ báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện; xây dựng chương trình ứng dụng KH&CN hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh cân đối và bố trí ngân sách hàng năm cho hoạt động KH&CN để triển khai thực hiện Kế hoạch./.

 hbnguyet

    Quét mã QR để tải toàn văn của Kế hoạch

Video liên quan

Chủ Đề