Khán giả đánh giá phim về nhà đi con năm 2024

Bài này viết từ hồi phim vừa mới chiếu xong, tức hồi tháng 8 tháng 9 mà để dở dang tới giờ. Đọc lại thấy để vậy mà không đăng thì uổng quá, edit một tí rồi đăng vậy hia hia hia ~

Thể loại: Phim truyền hình, Tình cảm gia đình

Đơn vị sản xuất: VFC

Đơn vị phát sóng: VTV1

Diễn viên: NSUT Trung Anh, Thu Quỳnh, Bảo Thanh, Bảo Hân, Quốc Trường, Anh Vũ, NSUT Hoàng Dũng, Ngân Quỳnh, Trọng Khải…

Đại từ nhân xưng trong bài không thống nhất vì còn tuỳ vào tâm trạng người viết.

Đúng vậy, mọi người không đọc nhầm đâu, em chính là đang rị mọ ngồi viết review cho phim truyện quốc dân “Về Nhà Đi Con” đây. Thật ra chính em không thể ngờ được lại có ngày cô gái hai mươi tám tuổi vẫn còn tươi tràn sắc xuân này lại ngày ngày canh giờ để về nhà trước chín giờ tối để cày phim vê tê vê như một bà nội trợ đích thực đâu, lại còn là phim gia đình nhì nhằng nữa. Nhưng vâng, cũng chính là em đây, mỗi ngày chày bửa xem không biết bao nhiêu cái quảng cáo thuốc loãng xương với cả bỉm Bobby để mót từng mười phút phim một xong khóc muốn đui con mắt.

Nói chung là nhìn lại chặng đường 85 tập phim tương đương gần 3 tháng trời vừa rồi, không thể không thừa nhận “Về Nhà Đi Con” xứng đáng được xem là một dấu ấn đáng nhớ của cả năm 2019.

Nội dung phim nếu kể ra thì hết sức là đơn giản, nhỉ. Ông Sơn là một ông bố gà trống nuôi con với ba cô con gái mà mỗi cô thì lại có một tính nết khác nhau. Xong rồi cuộc đời của các cô ấy gặp những người khác nhau, có những ngã rẽ khác nhau, để cuối cùng câu nói mà các cô ấy lẫn bất kì đứa con nào trên đời này cũng muốn nghe chính là: “Về nhà đi con!” (Uhuhu đúng rồi em cũng chỉ muốn được nghe mẹ em nói thế rồi thòng thêm câu “về nhà mẹ nuôi” thôi không đi làm nữa đâuuuuu).

Hôm trước có nói với cô Xịt rằng, lý do khiến mình không cảm thấy tập cuối của phim không bị kết thúc gấp gáp là vì ngay từ đầu phim đã nhảy tõm vào khoảng giữa cuộc đời của các nhân vật. 85 tập phim giống như một lát cắt ngắn lơ lửng vài năm trong mấy chục năm của đời người vậy. Kết thúc có vội vàng một tí, có lửng lơ một tí thì cũng không sao cả, vì người ngoài cuộc như chúng ta đã quan sát đủ rồi. Các nhân vật sẽ còn sống tiếp cuộc đời của họ. Và trong quãng thời gian mà chúng ta có được cái diễm phúc chiêm ngưỡng ấy, chúng ta đã được chứng kiến các nhân vật làm được một điều vô cùng khó khăn: được sai, và khi sửa sai thì ồ may quá, họ may mắn được nằm trong vòng tay yêu thương của gia đình. Có lẽ vì đang nằm trong giai đoạn kiểm điểm bản thân mà mình nhạy cảm với việc sai lầm và sửa chữa hơn, nên trong nhiều giá trị nhân văn mà bộ phim truyền tải, mình thấy nổi bật lên hẳn chi tiết rằng: tất cả các nhân vật trong phim đều có sai lầm. Kể cả người lớn và người trẻ; chắc chỉ mỗi cu Bon “Củ Gừng” là đúng từ đầu đến đít thôi. Và điểm đắt giá nhất trong toàn bộ ý nghĩa về “lỗi lầm” này là bố Sơn. Là trung tâm của bộ phim, là chỗ dựa to lớn của các cô con gái, nhưng bố Sơn lại là người sai nhiều nhất, sai từ đầu phim đến cuối phim. Trong quá khứ bố Sơn trọng nam khinh nữ, gián tiếp hại chết vợ, khiến con mình mồ côi mẹ. Mấy tập đầu phim chắc ai cũng nhớ Dương “xoăn” cáu bố nó như nào, cái câu “Con chưa bao giờ yêu cầu được sinh ra” nó lại đau như thế nào. Rồi đến hai cuộc ly hôn của hai cô con gái lớn, lần nào bố Sơn cũng khuyên lơn hết sức là trớt quớt. Đau nhất là tới tuổi trung niên rồi, với từng ấy hệ giá trị sống mà mình gầy dựng để nuôi dạy một bầy con, thì đùng một cái tất cả sụp đổ hết. Lại chả sốc vãi lồng ra. Nhưng đấy, bố Sơn vẫn được các con yêu thương tới từng nếp nhăn khoé mắt, vì ta thương ai là ta thương đến cả đường đi lối về, đến từng lỗi lầm dù to dù nhỏ. Mà cười hiền như bố Sơn, yêu thương con như bố Sơn, vững chãi như bố Sơn thì sao lại không yêu cho được hở các anh chị em ơi? Thế nên thành công của phim của phim chính là đã tạo nên một hệ thống nhân vật không hề hoàn hảo, nhưng rồi chính hệ thống nhân vật đấy lại khiến người ta yêu thương hết mực; đến như Kim/Nhã còn lấy được vài phần thông cảm và thương hại, Khải còn ghi điểm bởi hành vi sám hối phút cuối cơ mà.

Bên cạnh đó, một số chi tiết không đi theo lối mòn dễ đoán đến từ ban biên kịch xịn sò cũng làm mình rất thoả mãn. Ví dụ như đợt hai đứa Dương và Bảo bị chửi lên bờ xuống ruộng vì thái độ hỗn láo, nhưng cá nhân mình thì siêu siêu thích. Lý giải của biên kịch rất hợp lý và đúng với kì vọng của mình. Mà cuối cùng thì chúng nó vẫn cứ là Dương và Bảo đáng yêu của mọi người đấy thôi. Một thằng con trai trông như con gái và một đứa con gái trông như con trai, thế mà không gây khó chịu, không lên gân, dễ thương đúng tuổi. Phải nói là dễ đến nghìn năm mới đẻ ra được một cặp moe chết bỏ như cặp này.

Lâu rồi không xem được phim Việt nào có phần thoại hay như phim này. Thoại đắt, nói câu nào chất câu đấy, nên thành ra những đoạn nào không thoại lại cũng toả sáng như minh châu. Mình nhớ mãi tập 36, sau khi Khải cà khịa cực mạnh chuyện Thư lấy Vũ ngay trước mặt Huệ và Dương, không ngờ bố Sơn đứng ngay sau cửa sổ cũng nghe được. Lúc ấy, bố mới nhận ra cuộc hôn nhân của Huệ cũng nát bét lắm rồi. Trong cái lặng người hôm ấy, cái nụ cười như mếu và cái vẫy tay gượng gạo ấy, chả có một câu thoại nào cả. Disme em khóc lụt nhà các bác ạ, khóc như hôm bố đi đón Thư về ấy. Mà để những đoạn không thoại ấy có thể toả sáng thì dĩ nhiên là phải phụ thuộc vào năng lực diễn xuất rồi. Của đáng tội, đài truyền hình trung ương có khác, gom hẳn được một dàn cast ngon nghẻ từ già tới trẻ, từ gương mặt cũ đến gương mặt mới. Ví dụ như Quốc Trường đi, ổng đẹp trai hút fan là một chuyện, nhưng chính khoảnh khắc ổng rớt nước mắt lúc lần đầu gặp cu Bon mới thực sự khiến toàn thể chị em cõi Việt bùng nổ. Thu Quỳnh và Bảo Thanh đều đang trong độ chín nhất từ trước tới nay. Bảo Thanh thì không có một sự thay đổi toàn diện như Thu Quỳnh với My Sói và Huệ để khán giả dễ so sánh, nhưng mình đánh giá cao sự tinh tế trong kịch bản lẫn nét diễn của Thanh khi không tạo nét đối lập quá lớn đầy tính khuôn mẫu cho một nhân vật “xính lao” mê tiền nhưng lại vẫn rất ngây thơ và yếu đuối. Thư có cám cảnh cho bản thân ngay đúng ngày cưới thì vẫn có thể cười tươi ngay khi Vũ bước vào với vali đầy tiền mừng cưới, có hổ báo ngoài đường thì vẫn là đứa hay ôm bố nũng nịu với bố nhiều nhất khi về nhà. Còn dàn diễn viên gạo cội thì thôi không cần phải nói nhiều, nói nhiều lại làm giảm đi sự đẳng cấp của các cô các chú.

Điểm gì mình không thích ở phim thì có bài hát nhạc nền, hơi bị sến và khuôn mẫu quá; mạch phim có nhiều tập cắt dựng bị vụn vặt, timeline ngày tháng cũng có chút không rõ ràng. Dàn nhân viên của chú Quốc rất khó chịu, đặc biệt là hai cô gái, diễn lố và vô duyên. Bị lộ nhiều chi tiết không thống nhất một cách đáng tiếc, điển hình là vụ họ tên ba chị em.

Kể ra mùa hè này có đến hai tác phẩm “bạo hồng” một cách bất ngờ, là Về Nhà Đi Con và Trần Tình Lệnh. Tới tận đầu đông mình mới dẩy Trần Tình Lệnh nên thấy hơi tiếc vì không hoà chung nhịp gei cùng chúng chị em, nhưng được nôn nao Về Nhà Đi Con cùng toàn thể nhân dân Việt Nam kể cũng là một kỉ niệm đáng nhớ. Kể từ khi VTV và VFC comeback hoành tráng với loạt phim gây sốt, từ Người Phán Xử cho đến Quỳnh Búp Bê, thì phải tới Về Nhà Đi Con mới thật sự xứng danh “phim truyện quốc dân”. Mà để làm được điều đó, hoá ra chỉ cần một điều đơn giản là một câu chuyện relatable. Những chủ đề gai góc kia hay thật đấy, thú vị thật đấy, nhưng vẫn là những câu chuyện mà khán giả là người ngoài cuộc. Còn với Về Nhà Đi Con, thì ai cũng có thể thấy bản thân mình trong đấy. Kèm thêm một ê kíp dễ thương nữa. Nên là mình có thể tiên đoán được, chưa chắc sẽ có phim đam mỹ nào bạo hồng được như Trần Tình Lệnh, cũng chưa chắc có phim nào tự tin khoác áo “quốc dân” như Về Nhà Đi Con.

Đăng bởi Cổ Nguyệt

"Người đàn bà đẹp cũng như một bông hoa, hoa đẹp mấy cũng có lúc tàn, nhưng nếu hoa có hương thơm, cũng như người đàn bà có trí tuệ, dẫu có tàn cũng có thể dùng để ướp trà, hoặc là làm nước hoa." - Nguyễn Hoàng Quy. Xem tất cả bài viết bởi Cổ Nguyệt