Khi nào được đối thoại xử lý đơn tổ cáo

Tố cáo là lĩnh vực phức tạp, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đồng thời xác định giải quyết tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan nhà nước và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo là nội dung quan trọng trong việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính nhà nước.

Tố cáo là lĩnh vực phức tạp, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, đồng thời xác định giải quyết tố cáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan nhà nước và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tố cáo là nội dung quan trọng trong việc đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước và cải cách hành chính nhà nước.


Trong thực tiễn cho thấy, chủ thể thực hiện việc tố cáo rất đa dạng, nhưng chủ thể là cơ quan, tổ chức tuy có nhưng rất ít, nội dung tố cáo này thường thiên về phản ánh, kiến nghị. Việc xác định tố cáo có thực sự thể hiện ý chí của pháp nhân hay chỉ là nhóm cá nhân mượn danh nghĩa cơ quan, tổ chức cũng là công việc phức tạp, mất nhiều thời gian, khó quy trách nhiệm cá nhân (nhất là khi xác định trách nhiệm của người tố cáo trong trường hợp cố tình tố cáo sai, tố cáo trái pháp luật)…. , về loại hình cơ quan, tổ chức cũng đa dạng, do đó việc quy định phương thức, thủ tục, trình tự tố cáo và giải quyết tố cáo chung cho mọi loại cơ quan, tổ chức là hết sức khó khăn.


Việc thực hiện quyền tố cáo của một chủ thể sẽ làm phát sinh những hậu quả pháp lý và trách nhiệm gắn với cá nhân (nghĩa vụ phải đi đôi với quyền hạn). Nên quy định công dân (cá nhân) có quyền tố cáo là phù hợp với Hiến pháp và chính sách hình sự của nước ta - cá thế hoá trách nhiệm hình sự. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình, nếu tố cáo sai sự thật thì phải bị xử lý về hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.


Vì vậy, nếu quy định cơ quan, tổ chức có quyền tố cáo thì có thể làm phát sinh những vấn đề phức tạp, chưa lường hết được những tác động liên quan đến cách thức để các chủ thể này thực hiện quyền tố cáo. Do vậy, Luật tố cáo quy định chỉ công dân có quyền tố cáo.


Điểm a Khoản 2 Điều 9, Khoản 2, Khoản 3 Điều 19 Luật tố cáo quy định: người tố cáo có nghĩa vụ nên rõ họ, tên, địa chỉ của mình, trường hợp nếu tố cáo trực tiếp thì người tiếp nhận ghi lại việc tố cáo bằng văn bản và yêu cầu người tố cáo ký tên hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản. Quy định này nhằm mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân trong việc thực hiện quyền tố cáo. Bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực thì cũng có không ít người lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo sai sự thật, tố cáo tràn lan, không có căn cứ, gây phức tạp, mất đoàn kết nội bộ, làm tốn kém cả thời gian và công sức cho các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trong việc xem xét, giải quyết. Bên cạnh đó, Điều 20 Luật tố cáo cũng đã quy định nếu tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết thì phải kiểm tra, xác minh họ, tên, địa chỉ của người tố cáo và quyết dịnh việc thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Như vậy, từ quy định về nghĩa vụ của người tố cáo tại Điều 9 Luật tố cáo, hình thức tố cáo tại Điều 19 Luật tố cáo, tiếp nhận và xử lý thông tin tố cáo tại Điều 20 Luật tố cáo thì chỉ những tố cáo rõ họ, tên, địa chỉ của người tố cáo mới được cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết.


Tuy nhiên, việc xử lý đơn tố cáo cần lưu ý thực hiện đúng các quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ như sau:

Điều 17. Đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích

Đối với đơn tố cáo xuất phát từ việc khiếu nại không đạt được mục đích, công dân chuyển sang tố cáo đối với người giải quyết khiếu nại nhưng không cung cấp được thông tin, tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình thì cơ quan, người có thẩm quyền không thụ lý giải quyết nội dung tố cáo.


Điều 19. Đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng về hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm


Khi nhận được đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ người tố cáo nhưng có nội dung rõ ràng, kèm theo các thông tin, tài liệu, bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo hành vi tham nhũng, hành vi tội phạm thì người xử lý đơn báo cáo thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật tố tụng hình sự.

(Có tham khảo Tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn theo Đề án 1-113 của Thanh tra Chính phủ)

Luật Tố cáo năm 2018, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018 quy định về thời hạn, thời gian về tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố cáo như sau:

1. Giai đoạn tiếp nhận, thụ lý thông tin tố cáo

1.1 Về việc xử lý ban đầu thông tin tố cáo: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh thông tin về người tố cáo và điều kiện thụ lý tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc. Trường hợp tố cáo không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn tố cáo, phải chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người tố cáo.

Đối với các tố cáo do cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển đến, cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận có trách nhiệm tiến hành phân loại và xử lý. Kết quả xử lý tố cáo được thông báo bằng văn bản cho cơ quan báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã chuyển tố cáo trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo.

1.2 Thời hạn thông báo thụ lý tố cáo: Người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo khi có đủ các điều kiện pháp luật quy định. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thụ lý tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thông báo cho người tố cáo và thông báo về nội dung tố cáo cho người bị tố cáo biết.

2. Giai đoạn tiến hành giải quyết tố cáo

2.1. Thời hạn giải quyết tố cáo: Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo năm 2018 thì việc xác định vụ việc phức tạp, đặc biệt phức tạp để áp dụng thời hạn quy định của điều này như sau: Vụ việc phức tạp là vụ việc có một trong các tiêu chí sau đây: (i) Tố cáo về một nội dung nhưng phải xác minh từ 02 địa điểm trở lên; (ii) Tố cáo có từ 02 nội dung phải xác minh trở lên; (iii) Nhiều người tố cáo về cùng một nội dung hoặc nội dung tố cáo liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều người; (iv) Tố cáo có yếu tố nước ngoài: người tố cáo ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài; hành vi bị tố cáo xảy ra ở nước ngoài; nội dung tố cáo phải xác minh ở nước ngoài; (v) Nội dung tố cáo liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, tổ chức; (vi) Các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình giải quyết tố cáo còn ý kiến khác nhau; (vii) Có tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn với nhau cần có thời gian kiểm tra, xác minh, đánh giá hoặc tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn; Vụ việc đặc biệt phức tạp là vụ việc có từ 02 tiêu chí trở lên được quy định ở trên.

2.2. Về xác minh nội dung tố cáo: Xác minh nội dung tố cáo bao gồm 04 trình tự giải quyết tố cáo: Thụ lý tố cáo; Xác minh nội dung tố cáo; Kết luận nội dung tố cáo; Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.

Luật Tố cáo không quy định cụ thể thời gian tiến hành xác minh nội dung tố cáo, do người giải quyết tố cáo quy định; về nguyên tắc thời gian tiến hành xác minh nội dung tố cáo không được vượt quá thời hạn giải quyết tố cáo.

2.3. Về rút tố cáo: Người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Trên cơ sở quy định về thời hạn giải quyết tố cáo, khi tố cáo của mình được người có thẩm quyền giải quyết, thì người tố cáo phải có văn bản rút tố cáo gửi người giải quyết tố cáo trước 30 ngày (trước khi ban hành kết luận nội dung tố cáo) hoặc trước 60 ngày (đối với vụ việc phức tạp) hoặc trước 90 ngày (đối với vụ việc đặc biệt phức tạp).

2.4. Về tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo: Người giải quyết tố cáo khi có đủ căn cứ mà pháp luật quy định ra quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết tố cáo phải gửi đến người tố cáo, người bị tố cáo trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

3. Giai đoạn kết luận và xử lý nội dung tố cáo

3.1. Kết luận nội dung tố cáo: Khi người giải quyết tố cáo ban hành kết luận nội dung tố cáo theo quy định pháp luật, chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; thông báo về kết luận nội dung tố cáo đến người tố cáo. 

3.2. Việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo: Chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo tiến hành việc xử lý các nội dung đã kết luận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người giải quyết tố cáo về kết quả xử lý

3.3 Việc tố cáo tiếp, giải quyết lại vụ việc tố cáo: Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo phải xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo trước đó; trường hợp cần thiết, làm việc trực tiếp với người tố cáo về nội dung tố cáo tiếp, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan để quyết định xử lý đối với tố cáo tiếp.

3.4. Giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn quy định mà chưa được giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định. 

3.5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Hình thức công khai bao gồm:

Việc niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của người đã giải quyết tố cáo, người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thời gian niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục; 

Việc đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc mạng thông tin nội bộ của cơ quan đã giải quyết tố cáo, cơ quan người đã ra quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo; thời gian đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trên mạng thông tin nội bộ của cơ quan giải quyết tố cáo ít nhất 15 ngày liên tục; 

Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, (bao gồm: báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và cổng thông tin điện tử; việc thông báo trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện ít nhất 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử, cổng thông tin điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục...

Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các văn bản pháp luật về tố cáo, tôi có mấy ý kiến về thời hạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết tố cáo như trên. Rất mong có nhiều ý kiến trao đổi về vấn đề này./.