Khiếu nại và tố cáo có nghĩa là gì

Luật pháp Việt Nam luôn đề cao quyền, lợi ích hợp pháp và quy định chặt chẽ về nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, pháp nhân. Trong đó khiếu nại, tố cáo cũng là một trong những hình thức nhằm bảo vệ quyền lợi của những đối tượng trên, hai cụm từ này thường xuyên được nhắc đến không chỉ trong phạm vi pháp luật mà còn rất phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên xuất phát từ việc hiểu chưa rõ, chưa chính xác, chưa đầy đủ về bản chất của khiếu nại, tố cáo là nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng quá nhiều đơn khiếu nại, tố cáo, ảnh hưởng trực tiếp đến lòng tin của nhân dân, quyền lợi của cá nhân tổ chức, quy định pháp luật và trật tự an ninh xã hội. Do đó, việc hiểu rõ về khiếu nại, tố cáo và quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, quy trình giải quyết tố cáo là một vấn đề cần được chú trọng. Sau đây, Luật Thiên Minh mời bạn đọc tham khảo những nội dung sau để cùng tìm hiểu rõ hơn.

Thứ nhất, khái niệm khiếu nại được hiểu là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện việc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại phán quyết, quyết định hành chính, vi phạm hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước hoặc quyết định đối với cán bộ, công chức theo trình tự, thủ tục nhất định khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó không đúng với quy định của pháp luật, ảnh hưởng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thứ hai, về khái niệm tố cáo, tố cáo là việc công dân thực hiện việc trình báo cho cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, cơ quan, tổ chức gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân công dân, cơ quan, tổ chức theo thủ tục luật định.

Về bản chất, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau và không thể đánh đồng. Việc khiếu nại nhằm đề nghị xem xét đòi lại quyền và lợi ích của chủ thể khiếu nại khi có căn cứ cho rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm. Còn tố cáo lại nhằm tố giác hành vi vi phạm của người thực hiện hành vi đó và hướng tới việc tìm ra phương hướng xử lý hành vi vi phạm này.

Thứ ba, quy trình giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo:

1. Tiếp nhận đơn: Văn thư, cán bộ tiếp công dân, lãnh đạo UBND huyện, thanh tra huyện, Phòng tiếp công dân và Văn phòng UBND huyện có trách nhiệm thường xuyên tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo [các đơn này phải đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật]. Những đơn này có thể được nộp theo ba hình thức: nộp trực tiếp tại Bộ phận tiếp dân của các địa phương; gửi qua đường bưu điện, qua Bộ phận văn thư; Bộ phận một cửa; gửi thư trực tiếp đến cá nhân lãnh đạo có thẩm quyền. Cán bộ tiếp công dân tiến hành phân loại đơn, quá trình này diễn ra trong cùng ngày nhận đơn. 

2. Xem xét, xử lý đơn: Sau khi tiếp nhận đơn thư, cán bộ tiếp dân, thanh tra huyện, thanh tra Sở tiến hành xem xét, phân loại đơn:

– Đối với đơn khiếu nại, tố cáo có đủ điều kiện và thuộc thẩm quyền giải quyết thì tiến hành thụ lý giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục, thời hạn mà luật quy định. Tiến hành lập phiếu tiếp nhận đơn thành 02 bản, 1 bản gửi cho công dân khiếu nại, tố cáo, 1 bản do Bộ phận tiếp dân giữ, sau đó vào sổ tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo. Sau khi xem xét, thẩm định nội dung, tính chất của vụ việc của đơn khiếu nại, tố cáo thì tiến hành đề xuất phương án xử lý và trình phương án đề xuất lên lãnh đạo cho ý kiến.

– Đối với đơn khiếu nại, tố cáo không đủ các điều kiện để thụ lý hoặc không đủ thẩm quyền giải quyết thì phải trả lời trực tiếp hoặc trả lời qua điện thoại nhưng phải có văn bản trả lời cho người nộp đơn biết, chỉ dẫn người nộp đơn nộp đơn khiếu nại, tố cáo lên cấp trên có thẩm quyền thụ lý, giải quyết.

3. Phê duyệt phương án giải quyết: Sau khi nhận đề xuất phương án xử lý, lãnh đạo có thẩm quyền thực hiện ký ban hành Quyết định thụ lý giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo, các đơn vị được phân công nhận và tiến hành xử lý.

4. Tiến hành thẩm tra, xác minh và báo cáo kết quả: 

Căn cứ nội dung phê lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt, giao giải quyết, Trưởng các Đoàn, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiến hành thẩm tra, xác minh, lập báo cáo kết quả giải quyết nội dung đơn của người nộp đơn theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Quá trình giải quyết khiếu nại được theo dõi, đôn đốc chặt chẽ, nếu xảy ra trường hợp các đơn vị thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm trễ phải chịu trách nhiệm và xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Ký ban hành quyết định giải quyết:

Cá nhân lãnh đạo có thẩm quyền ký ban hành quyết định giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người có yêu cầu. Sau đó tiến hành báo cáo cáo lên cấp trên [nếu có đơn của cấp trên chuyển về] và thông báo kết quả, trả lời cho người có đơn.

6. Lưu hồ sơ:

Phòng chức năng, thanh tra huyện, văn phòng UBND huyện lưu giữ hồ sơ giải quyết khiếu nại, tố cáo, hồ sơ này phải được đánh số thứ tự theo quy định của pháp luật. Hồ sơ được lưu giữ bao gồm những nội dung sau: Đơn khiếu nại, tố cáo; công văn chuyển đơn; tài liệu,chứng cứ có liên quan thu thập trong quá trình giải quyết; biên bản xác minh, kết quả giám định, biên bản đối thoại, gặp gỡ giữa các bên; văn bản giải trình; kết quả giải quyết đơn; các tài liệu khác có liên quan khác.

Thời hạn thụ lý để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo là 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ đơn, trong vòng 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn cá nhân, cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo lần đầu. Trừ các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, về quy trình giải quyết tố cáo được thực hiện qua 5 bước sau:

1. Tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo:

– Cá nhân, cơ quan, tổ chức tiếp nhận đơn tố cáo của công dân, sau đó tiến hành phân loại và xử lý tố cáo. 

+ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tố cáo đủ điều kiện, thuộc thẩm quyền giải quyết thì người giải quyết tố cáo tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người tố cáo [họ tên, địa chỉ] và quyết định việc nhận thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Trường hợp không thụ lý giải quyết phải trả lời, thông báo cho người tố cáo biết rõ lý do. Đối với trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều nơi khác nhau thì thời hạn có thể kéo dài hơn đến 15 ngày.

+ Trường hợp tố cáo không đủ điều kiện, không thuộc thẩm quyền giải quyết thì người tiếp nhận tố cáo phải chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc và phải thông báo cho người tố cáo qua hình thức trực tiếp hoặc qua điện thoại và phải có văn bản chỉ dẫn đi kèm cho người tố cáo hướng dẫn người tố cáo đến cá nhân, cơ quan hoặc tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Tiến hành xác minh nội dung tố cáo:

– Nội dung tố cáo phải được kiểm chứng, xác minh một cách nghiêm ngặt và đúng trình tự theo quy định của pháp luật. Người giải quyết tố cáo tiến hành xác minh nội dung tố cáo hoặc có thể giao cho cơ quan thanh tra nhà nước hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo.

–  Việc người xác minh nhận trách nhiệm xác minh nội dung tố cáo do người giải quyết tố cáo giao phải được lập thành văn bản, bao gồm các nội dung như:  Ngày, tháng, năm giao xác minh; thông tin [tên, địa chỉ] của người tố cáo; người được giao xác minh nội dung tố cáo; nội dung tố cáo cần phải xác minh, thời gian quá trình xác minh diễn ra, quyền và trách nhiệm của người được giao xác minh nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật. Trong quá trình tiến hành xác minh làm rõ nội dung tố cáo, người xác minh phải thực hiện các biện pháp phù hợp, cần thiết để có thể thu thập các thông tin, tài liệu có liên quan. Việc thu thập thông tin, tài liệu phải được ghi chép cụ thể thành văn bản và được lập thành biên bản, lưu giữ trong hồ sơ tố cáo nếu cần thiết. Người bị tố cáo có quyền được giải trình, đưa ra các chứng cứ, tài liệu có liên quan để chứng minh. Việc giải trình này phải được người xác minh nội dung tố cáo tạo điều kiện và phải được lập thành biên bản có chữ ký của cả hai bên người bị tố cáo và người xác minh nội dung tố cáo.

3. Đi đến kết luận nội dung tố cáo:

Người giải quyết tố cáo dựa trên căn cứ vào các nội dung tố cáo, văn bản giải trình đã được xác minh của người bị tố cáo, kết quả xác minh và những thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan sau đó đi đến kết luận và phải lập thành văn bản. Trong văn bản kết luận nội dung tố cáo phải thể hiện rõ những nội dung sau: kết quả xác minh nội dung tố cáo; kết luận về tính đúng, sai của việc tố cáo cùng với trách nhiệm của từng cá nhân về nội dung tố cáo; các biện pháp xử lý theo thẩm quyền, ngoài ra còn có thể bao gồm đề xuất, kiến nghị biện pháp xử lý với cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Người tố cáo có thể tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người có trách nhiệm giải quyết tố cáo nếu người đó có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng, không hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật hoặc quá hạn mà tố cáo không được thụ lý giải quyết. 

 4. Người giải quyết tố cáo xử lý tố cáo:

Người giải quyết tố cáo tiến hành xử lý tố cáo sau khi đã có kết luận về nội dung tố cáo theo những trường hợp cụ thể sau:

TH1: Nếu kết luận thể hiện người bị tố cáo không vi phạm quy định của pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ thì phải tiến hành thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo và cơ quan đang quản lý người bị tố cáo biết. Ngoài ra phải khôi phục, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, bù đắp những tổn hại gây ra từ việc tố cáo không đúng sự thật cho người bị tố cáo. Đối với những trường hợp cố tình tố cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị tố cáo thì những cá nhân, cơ quan, tổ chức tố cáo đó phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

TH2: Trường hợp có kết luận của người bị tố cáo về việc người này có vi phạm quy định của pháp luật thì dựa trên cơ sở quy định của pháp luật, tiến hành xử lý hành vi vi phạm đó theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền.

TH3: Đối với trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chuyển hồ sơ vụ việc cho Viện kiểm sát hoặc cơ quan điều tra khác có thẩm quyền tiến hành điều tra, thu thập lời khai, chứng cứ để giải quyết theo quy định của pháp luật.

5. Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm đối với người bị tố cáo.

– Sau khi có kết luận về nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo phải công khai nội dung tố cáo và quyết định xử lý hành vi vi phạm. Hình thức công khai có thể là thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; công bố kết quả và quyết định xử lý tại nơi người bị tố cáo đang công tác; niêm yết tại các trụ sở của cơ quan, tổ chức đã tiến hành giải quyết tố cáo theo quy định chi tiết của Chính phủ về việc công khai này.

– Đối với những thông tin nhạy cảm, những thông tin thuộc nội dung bí mật Nhà nước hoặc những thông tin về người tố cáo phải được đảm bảo không bị tiết lộ khi tiến hành công khai kết luận nội dung tố cáo theo quy định Chính phủ.

Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ và được đánh số trang theo thứ tự và tài liệu. Việc lưu giữ, khai thác và sử dụng hồ sơ vụ việc tố cáo phải được thực hiện nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật.

Xem thêm:

>>> Mẫu hợp đồng khoán việc năm 2020 cho lao động giao khoán

>>> Thông báo chấm dứt hợp đồng lao động, làm việc mới nhất

CÔNG TY LUẬT THIÊN MINH

Address: Tòa AQUA 2 109OT12B Vinhomes Golden River, số 2 Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1

Hotline: 0839 400 004 – 0836 400 004

Email: 

Trân trọng !

Video liên quan

Chủ Đề