Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế

Ông Lê Đình Bàn nói chuyện với
cán bộ địa phương về không khí những
ngày cách mạng tháng 8 ở Huế

 "Tháng Tám vùng lên Huế  của  ta..."

Ðồng chí Hoàng Anh, nguyên Bí thư Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ bồi hồi nhắc lại những ngày hào hùng Tháng Tám mùa thu năm 1945 ở Huế: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế lúc bấy giờ là nhiệm vụ đầy cam go. Lúc ấy, bên cạnh chính phủ bù nhìn của Trần Trọng Kim. Huế là nơi đồn trú của quân đội Nhật có tới năm nghìn sĩ quan và binh sĩ do cố vấn Yo-kô-ha-ma chỉ huy, chưa kể hàng chục nghìn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ... của triều đình nhà Nguyễn. Thắng lợi ở Thừa Thiên - Huế có ý nghĩa và tầm quan trọng sâu sắc đối với cả nước. Nhớ lại những ngày lịch sử đó, đồng chí Hoàng Anh kể: Chiều 20-8, Thường vụ Việt Minh tỉnh họp mở rộng để bàn kế hoạch khởi nghĩa ngày 23-8. Hai đoàn cán bộ chúng tôi cử ra Trung ương để xin chỉ thị vẫn chưa về. Ðúng lúc cuộc họp kết thúc  thì đoàn cán bộ của Trung ương gồm có các đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, và Hồ Tùng Mậu vào Huế chỉ đạo khởi nghĩa. Ðó là sự tiếp sức rất kịp thời cho Huế.

Năm 1945, ở Huế có trường võ bị tên là Trường Quân sự thanh niên tiền tuyến. Ðiều đặc biệt là, ngôi trường này tuy do chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim lập nên nhưng điều hành lại là những trí thức yêu nước nổi tiếng như Giáo sư Tạ Quang Bửu, Luật sư Phan Anh.  Nhiều học viên đã được Việt Minh giác ngộ cách mạng, tham gia đấu tranh giành chính quyền ở Huế.

Những người cao tuổi ở Huế còn nhớ mãi sự kiện: Ngày 20-8, Ủy ban khởi nghĩa đã hạ cờ quẻ ly của Nam Triều, treo lá cờ cách mạng nền đỏ sao vàng lên kỳ đài Phu Văn Lâu.  Hai tự vệ tài trí, quả cảm thực hiện công việc này là Nguyễn Thế Lương [tức Cao Pha, cũng là người sau đó được giao nhiệm vụ  đưa Vua Bảo Ðại thoái vị ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ ta, sau này là Thiếu tướng, Giáo sư, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự] và Ðặng Văn Việt.  Ông Ðặng Văn Việt, trong kháng chiến chống  thực dân Pháp là chỉ huy Trung đoàn 174. Nhớ lại thời trai trẻ, ông hào sảng kể: Ngày 21-8, được Việt Minh giao nhiệm vụ, chúng tôi cuộn lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn, gác lên hai chiếc xe đạp, tiến thẳng về kỳ đài.  Cả tiểu đội lính dõng có mặt nhất cử nhất động theo lệnh hai chúng tôi, buộc lá cờ đỏ sao vàng vào ròng rọc kéo lên cao. Sự kiện diễn ra trước sự bất động của hàng trăm tay súng lính khố vàng giữ thành. Ðiều này dễ hiểu bởi những người đi treo cờ mang theo sức mạnh của quần chúng cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên kỳ đài ngày ấy làm rúng động Kinh thành Huế.

Những con đường, dòng sông tràn sắc đỏ...

Ðồng chí Nguyễn Hữu Hường [tức Thọ], năm 1945, là thành viên Ban vận động khởi nghĩa tổng Hương Cần [trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đồng chí là Bí thư Huyện ủy Hương Trà]. Ðồng chí Hường nhớ lại: Tại Huế, từ ngày 21-8-1945, các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ, giương băng, cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Bọn lính Nhật hoảng sợ không dám hành động.

Ở Cố đố Huế, Vĩ Dạ là nơi có nhiều dinh thự của các ông hoàng, bà chúa. Nổi bật với Phủ Tuy Lý Vương Miên Trinh, hiệu Vĩ Dạ [con Vua Minh Mạng]. Theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu lịch sử Ðảng Ngô Kha [nguyên Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử Ðảng tỉnh Thừa Thiên - Huế], chúng tôi thăm lại dinh thự cũ của cụ Thượng thư Ưng Tôn. Cụ là cháu nội Tuy Lý Vương Miên Trinh. Ông Bửu Dục, con cụ Ưng Tôn, nay là chủ nhân ngôi dinh thự cổ.

Bên bến Vĩ Dạ, rực rỡ nắng vàng, ông Bửu Dục, vốn là  sĩ quan quân đội về hưu, nay đã tròn 60 năm tuổi Ðảng, tâm sự: Nhiều người trong Hoàng tộc theo lời hiệu triệu của Bác Hồ, của Việt Minh đã hòa mình vào phong trào cách mạng, hăng hái tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành. Tôi cùng các anh, các chị em ruột là Bửu Kỳ, Như Hoành, Nam Mai, Bửu Hiến cùng trong số đó. Cách mạng Tháng Tám thành công, được hưởng nền độc lập, tự do của dân tộc, nhiều con cháu trong Hoàng tộc theo cách mạng đã được đào tạo, hoặc được mời giữ những trọng trách và có nhiều cống hiến cho đất nước.

Giờ đây bên Ðập Ðá, vẫn những con thuyền sáng sáng chở nông sản, đặc sản cung cấp cho Vĩ Dạ, mảnh đất có nhiều gia đình, dòng họ vẫn giữ lối sống rất Huế. Trong ngõ hẻm, ngôi nhà ba tầng lớn kề bên ngôi vườn nhỏ, có những bệ đá cẩn khắc công phu vốn là  trụ nhà của những gia đình Hoàng tộc nằm dưới những gốc mai cảnh. Nơi đó ông Vĩnh Tập, con trai thứ ba của cụ Bửu Trác [Bửu Trác là vị quan nhất phẩm, cháu nội Vua Hiệp Hòa] thường ngồi thưởng trà cùng các cựu chiến binh một thời trận mạc. Ông nguyên là Chính ủy đơn vị hải quân cảng Cửa Việt. Vào những ngày Cách mạng Tháng Tám sôi sục, ông làm liên lạc của Ủy ban kháng chiến. Cũng như các nhân chứng một thời, ông nhớ lại những ngày đã qua: Chiều 23-8, tại sân vận động Huế, hàng chục nghìn người dân đổ về tập trung, hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới, Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn tuyên bố, từ nay chính quyền về tay nhân dân. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh làm Phó Chủ tịch.

Những ngày tháng 8 này, người dân Huế vui mừng trước chủ trương của Ðảng và Nhà nước:  Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Ðại hội Ðảng bộ thành phố Huế đã đề ra các mục tiêu giải pháp xây dựng thành phố xứng đáng là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc, là trung tâm thương mại, dịch vụ và giao dịch quốc tế; trung tâm giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn nhất miền trung.

                  Lê Mậu Lâm

Nhân dân các địa phương vùng lên giành chính quyền trong những ngày Cách mạng tháng Tám sôi sục. [Nguồn: Tư liệu TTXVN]

Thừa Thiên-Huế trong những ngày mùa Thu tháng Tám năm 1945 lịch sử có vị trí vô cùng đặc biệt, góp phần quyết định sự thành công của cách mạng trong cả nước bởi Huế vừa là kinh đô của Nhà nước phong kiến Việt Nam, vừa là thủ phủ của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và là nơi đặt cơ quan cai trị của quân đội Nhật. Khởi nghĩa thành công ở Huế đã đánh dấu sự sụp đổ không tránh khỏi của bộ máy phong kiến trung ương tập quyền, cùng với chính phủ bù nhìn và các thế lực bảo trợ nó. Đã tròn 70 năm kể từ những ngày tháng Tám sôi động ấy, mảnh đất Thừa Thiên-Huế vẫn in đậm dấu ấn của những ngày quật khởi. Sau khi nghe tin phátxít Nhật đầu hàng Ðồng minh, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh, bày tỏ sự nhất trí hoàn toàn với chủ trương khởi nghĩa và quyết định chọn huyện Phú Lộc để phát động giành chính quyền trước nhằm rút kinh nghiệm cho các địa phương khác, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Huế tiến hành khởi nghĩa. Ngày 20/8/1945, đoàn cán bộ của trung ương gồm các đồng chí Tố Hữu, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh đến Huế tham gia chỉ đạo khởi nghĩa. Trong ngôi nhà ông Thuật [cửa Thượng Tứ], thường vụ Việt Minh tỉnh báo cáo với đoàn tình hình chung trong tỉnh, thái độ của quân đội Nhật và chính phủ Trần Trọng Kim, dự kiến của Thường vụ Việt Minh tỉnh về kế hoạch khởi nghĩa ở Huế. Các đồng chí trong đoàn hoàn toàn thống nhất kế hoạch đó và ngay trong ngày 20/8 thành lập ủy ban Khởi nghĩa gồm các đồng chí: Tố Hữu - Chủ tịch, Hoàng Anh - Phó chủ tịch. Tham gia Ủy viên Ủy ban Khởi nghĩa là các đồng chí: Lê Tự Ðồng, Lê Khánh Khang, Hoàng Phương Thảo, Nguyễn Sơn... Tối 21/8, hội nghị cán bộ phổ biến kế hoạch, giao nhiệm vụ cho các huyện, thành phố và từng cán bộ trong việc tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế vào ngày 23/8/1945. Ủy ban Khởi nghĩa sắp xếp kế hoạch huy động quần chúng ở các huyện tập trung về Huế, quần chúng các phường của thành phố tham gia míttinh tuần hành trong ngày 23/8. Các đoàn thể có nhiệm vụ chiếm giữ các cơ quan, công sở, kho tàng của nhà nước. Lực lượng vũ trang bao gồm các đội tự vệ, các đội lính bảo an ta đã nắm được và học viên trường Thanh Niên tiền tuyến làm nhiệm vụ bảo vệ quần chúng tuần hành, bảo vệ cuộc mít tinh ở Huế. Cuộc họp này thống nhất cử Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế do ông Tôn Quang Phiệt làm chủ tịch. Tại các huyện, khí thế cách mạng quần chúng sôi sục. Từ ngày 18 đến 22/8/1945, thực hiện quyết định của hội nghị mở rộng ngày 15/8, các Ủy ban Khởi nghĩa đã tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Ở huyện Phong Ðiền, ngày 18/8/1945 nhân dân và tự vệ hai tổng Phò Ninh và Hiền Lương nổi dậy giành chính quyền ở xã, tổng. Ngày 19/8, nhân dân các tổng Phò Trạch, Chánh Lộc, Phong Thu, Vĩnh Xương... giành chính quyền ở Ưu Ðiềm, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng. Ở huyện Phú Lộc, trong ngày 19/8 nhân dân toàn huyện đã tuần hành vũ trang từ An Cư ra An Nông, Lương Ðiền vào Từ Diêm Trường, vượt phá Cầu Hai sang, tiến về bao vây huyện đường và tuyên bố giải tán Chính quyền bù nhìn, lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ở huyện Hương Thủy, ngày 20/8, ủy ban khởi nghĩa huyện tập hợp nhân dân tại 3 điểm: đình làng Thanh Thủy thượng, đình làng Thần Phù và đình làng Bãng Lãng, sau đó giương cờ, gióng trống với vũ khí thô sơ kéo đi giành chính quyền ở tổng xã. Ngày 22/8 tập trung toàn bộ lực lượng giành chính quyền ở huyện, thành lập Ủy ban cách mạng lâm thời. Ở huyện Phú Vang, ngày 21/8, nhân dân đã giành chính quyền ở 3 tổng Mậu Tài, Ngọc Anh, Dương Nổ. Ngày 22/8, hơn 5.000 người đại diện cho toàn thể nhân dân Phú Vang, hàng ngũ chỉnh tề có mặt tại huyện đường giành chính quyền về tay nhân dân lao động. Ở Quảng Ðiền, ngày 23/8/1945, hàng vạn quần chúng cả 5 tổng đã rầm rộ kéo về giành chính quyền tại quận lỵ Hạ Lang, chấm dứt ách áp bức bóc lột phong kiến nặng nề và tàn bạo. Ở huyện Hương Trà, ngày 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động hơn 1 vạn quần chúng 6 tổng về khởi nghĩa giành chính quyền tại Bao Vinh. Sau đó kéo về giành chính quyền ở tỉnh. Tại Huế: từ ngày 21/8/1945, các đội tự vệ, các đoàn thể cứu quốc có trang bị vũ khí thô sơ, giương cờ, biểu ngữ, biểu tình thị uy qua các đường phố. Các trại lính bảo an đã được chuẩn bị tham gia phong trào khởi nghĩa. Bọn lính Nhật hoảng sợ không dám hành động. Chiều 21/8, đơn vị tự vệ khu phố Phú Bình đã chiếm được vòng ngoài ở đồn Mang Cá. Ðêm 22/8, trước áp lực của cuộc khởi nghĩa, Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đình phải cuối đầu tuyên bố: "Nhường quyền lãnh đạo quốc gia cho Việt Minh." Ủy ban Khởi nghĩa không đồng ý và yêu cầu Nhà vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã giao tất cả quyền binh cho Chính quyền Cách mạng và điện cho các Tỉnh trưởng giao quyền cho Việt Minh; Nhà vua phải giao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị vũ khí đạn dược. Chính quyền cách mạng hứa sẽ bảo đảm an toàn tính mạng và quyền công dân cho Bảo Ðại. Những tài sản trong hoàng cung đều thuộc quyền sở hữu của nhân dân. Một số tài sản riêng Bảo Ðại được phép mang theo để sử dụng. Các lăng tẩm triều Nguyễn từ nay thuộc tài sản quốc gia. Những người trong hoàng tộc trước đây lo lăng tẩm nay được lại tiếp tục làm việc cho chế độ mới. Nhận được "tối hậu thư," Bảo Ðại triệu tập họp nội các. Nhà vua và những người dự họp đã nhất trí chấp nhận những điều kiện của Việt Minh đưa ra và sẽ từ bỏ ngai vàng bằng hình thức thoái vị. 16 giờ ngày 23/8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ sao vàng phấp phới, Ủy ban Khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Ðồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố từ nay chính quyền về tay nhân dân. Ðồng chí trân trọng giới thiệu Ủy ban Nhân dân Cách mạng Lâm thời tỉnh do ông Tôn Quang Phiệt làm chủ tịch, đồng chí Hoàng Anh - Phó chủ tịch. Phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Cù Huy Cận được cử vào Huế tiếp nhận sự thoái vị của Bảo Ðại. Ngày 28/8/1945, nhân dân Thừa Thiên-Huế míttinh tại sân vận động Huế để chào mừng phái đoàn của Trung ương. Từng tràng vỗ tay kéo dài khi nghe đồng chí trưởng đoàn thông báo cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi rực rỡ trên phạm vi toàn quốc và giới thiệu Ủy ban dân tộc giải phóng là Chính phủ Cách mạng Lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm chủ tịch. Chiều 29/8, tại điện Kiến Trung, phái đoàn Trung ương tuyên bố với Bảo Ðại những điều khoản cần thiết và bàn về thủ tục thoái vị. Theo đúng chương trình, chiều 30/8, lễ thoái vị của Bảo Ðại, vị vua cuối cùng của triều đại phong kiến cuối cùng đã được tổ chức tại lầu Ngọ Môn trong kinh thành Huế. Ðại biểu nhân dân 6 huyện Phú Vang, Phú Lộc, Hương Trà, Hương Thủy, Phong Ðiền, Quảng Ðiền, cùng với đại biểu các tầng lớp nhân dân thành phố đã tập hợp đông đủ, hàng ngũ chỉnh tề trên quãng sân rộng từ trước cửa Ngọ Môn đến chân Cột Cờ. Ðúng 13 giờ, Bảo Ðại bịt khăn vàng, mặc áo vàng cùng một số Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim và đại diện hoàng gia đứng ra phía trái lầu Ngọ Môn. Ðoàn đại biểu của Chính phủ Lâm thời Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đứng bên phải. Bảo Ðại đọc thoái vị và trao lại cho đại diện chính phủ Quốc ấn bằng vàng và một thanh gươm bằng vàng nạm ngọc tượng trưng cho quyền lực của chế độ phong kiến. Trong nắng mùa Thu tháng Tám, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh kỳ đài, cả kinh thành Huế rộn rã sắc cờ hoa mừng ngày hội lớn, nhân dân Huế đại diện cho nhân dân cả nước chứng kiến phút giây lịch sử - triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam tuyên bố cáo chung, báo hiệu một kỷ nguyên mới cho đất nước và dân tộc Việt Nam./.

[TTXVN/Vietnam+]

Xem thêm 70 năm Quốc khánh

Video liên quan

Chủ Đề