Lập kế hoạch nghề nghiệp là gì và thực hiện như thế nào

Tomorrow Marketers – Bản kế hoạch nghề nghiệp bao gồm các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và những hành động cụ thể bạn cần thực hiện để đạt được từng mục tiêu. Nó cũng giúp bạn đưa ra những lựa chọn về môn học, các hoạt động ngoại khóa, nghiên cứu và các chương trình thực tập mà bạn sẽ tham gia, để bạn rèn luyện bản thân trở thành một ứng viên sáng giá cho công việc mơ ước. 

Vậy làm sao để lập một bản kế hoạch nghề nghiệp trọn vẹn dựa trên những sở thích và tham vọng cá nhân của mỗi người? Hãy cùng TM khám phá trong bài viết dưới đây nhé! 

Bước 1: Xác định các lựa chọn nghề nghiệp 

Đầu tiên, bạn cần tự đánh giá đúng sở thích, kỹ năng và giá trị của bản thân để lập ra một danh sách các lựa chọn nghề nghiệp. Tiếp theo, hãy tìm hiểu thông tin về những công việc này, nghiên cứu các công ty, kết nối với những chuyên gia trong ngành để loại trừ một vài công việc không phù hợp với bạn. Sau đó, bạn có thể tham gia vào một số hoạt động tình nguyện hoặc thực tập của các công ty còn lại để làm gọn danh sách này thêm một lần nữa. Tại Viện Công nghệ Massachusetts [MIT], Mỹ, các sinh viên còn có thể sử dụng MyPlan – một công cụ tự đánh giá trực tuyến [online self-assessment tool] hữu hiệu để xác định các lựa chọn nghề nghiệp cho bản thân. Tài liệu “Self-Assessment for Career Planning” của Đại học Amherst – tổ chức giáo dục đại học lâu đời thứ ba ở tiểu bang Massachusetts cũng là một công cụ hữu ích đối với các sinh viên trong quá trình định hướng nghề.

Bước 2: Sắp xếp các lựa chọn nghề nghiệp theo thứ tự ưu tiên 

Nếu chỉ dừng lại ở bước liệt kê các lựa chọn nghề nghiệp thôi là chưa đủ. Bạn phải sắp xếp các công việc này theo thứ thự ưu tiên. 

  • Những kỹ năng nổi bật nhất [top skills] của bạn là gì? 
  • Bạn có hứng thú với kiểu công việc nào nhất? 
  • Điều gì quan trọng nhất đối với bạn? 

Cho dù đó là một công việc nhiều thách thức, văn phòng nằm ở vị trí thuận tiện, trả lương cao hay có chế độ phúc lợi cho bạn và cả gia đình – những đặc điểm này sẽ giúp bạn đánh giá được đâu là yếu tố bạn quan tâm nhất, và đâu là yếu tố bạn không mong muốn ở một công việc.   

Bước 3: Đối chiếu công việc yêu thích với khả năng của bạn

Ở bước này, bạn cần so sánh những lựa chọn nghề nghiệp của mình với các kỹ năng, sở thích và giá trị của bản thân. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một nhân viên giao dịch ngân hàng, nhưng bạn lại không có khả năng giao tiếp, không thích phải ngồi cả ngày để tư vấn và giúp khách hàng giải quyết các vấn đề, bạn sẽ rất khó duy trì động lực làm việc và thăng tiến trong lĩnh vực này.

Bước 4: Cân nhắc các yếu tố khác tác động đến công việc bạn mong muốn

Bên cạnh việc lựa chọn công việc yêu thích theo đánh giá chủ quan, bạn cũng nên đưa ra một vài đánh giá khách quan khác về công việc nữa. Một số câu hỏi bạn có thể đặt ra là:

  • Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này đang ở mức nào?
  • Nếu nhu cầu nhân lực đang thấp hoặc quá trình gia nhập ngành rất khó, tôi có sẵn sàng chấp nhận rủi ro không?
  • Nếu vào ngành, tôi cần có những loại bằng cấp gì? Liệu công việc có yêu cầu nào khác về học vấn hoặc yêu cầu tham gia training trước khi vào làm không? 
  • Công việc này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của tôi và những người xung quanh tôi trong tương lai?

Để trả lời những câu hỏi này, bạn có thể tham khảo lời khuyên từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Hãy cân nhắc những tiềm năng hoặc rào cản mà bạn sẽ đối mặt khi lựa chọn từng công việc khác nhau trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. 

Bước 5: Đưa ra sự lựa chọn

Sau khi cân nhắc tiềm năng và những rào cản của từng công việc, bạn có thể chọn ra những con đường sự nghiệp phù hợp nhất với mình. Việc chọn ra một con đường hay bao nhiêu con đường là do bạn quyết định, dựa trên hoàn cảnh của cá nhân bạn và sự thoải mái của riêng bạn. Nếu lựa chọn nhiều con đường, bạn sẽ có cơ hội khám phá bản thân nhiều hơn và gia tăng những cơ hội nghề nghiệp tiềm năng. Ngược lại, nếu chỉ tập trung lựa chọn 1 hoặc 2 con đường nghề nghiệp, bạn sẽ có thể bắt đầu tìm kiếm các cơ hội việc làm hoặc đăng ký tham gia một chương trình đào tạo sau đại học. 

Bước 6: Đặt mục tiêu theo mô hình “SMART”

Để hiện thực hóa những lựa chọn nghề nghiệp của bản thân, bạn cần triển khai một kế hoạch hành động cụ thể. Nhưng trước đó, hãy xác định các mục tiêu cụ thể, có thời hạn và vạch ra các bước cần làm để hoàn thành mục tiêu đó. Lưu ý rằng bạn cần đặt cả mục tiêu ngắn hạn – những mục tiêu cần đạt được trong hoặc dưới 1 năm và mục tiêu dài hạn – những mục tiêu cần đạt được trong khoảng thời gian từ 1-5 năm. Ứng dụng mô hình SMART sẽ giúp bạn có cái nhìn trực quan hơn về việc thiết lập mục tiêu.

  • S – Specific: Mục tiêu phải cụ thể và rõ ràng.

Nhiều bạn trẻ có thói quen đặt những mục tiêu quá mơ hồ như “trở thành một marketer giỏi, “trở thành một Brand Manager thành công”, v.v… Nhưng thế nào mới là giỏi, thế nào mới là thành công? Mục tiêu mơ hồ sẽ gây khó khăn cho bạn trong quá trình hành động, vì vậy, khi đặt ra mục tiêu, hãy đảm bảo rằng nó đủ cụ thể và rõ ràng để thực hiện. Ví dụ, thay vì đặt mục tiêu “trở thành một Brand Manager thành công”, bạn có thể sửa thành “đạt danh hiệu Brand Manager xuất sắc nhất năm 2020 của Unilever”.

  • M – Measurable: Mục tiêu phải đo lường được về mặt tiến độ và khả năng hoàn thành.

Nếu mục tiêu được gắn với các con số cụ thể, bạn sẽ đo lường và đánh giá được kết quả của những việc mà bản thân đang làm. Ví dụ, “hoàn thành 2 khóa học online về Marketing trong 30 ngày” là một mục tiêu có thể đo lường được, còn “hoàn thành 2 khóa học về Marketing” lại không phải là một mục tiêu có thể đo lường được. 

  • A – Attainable: Mục tiêu phải khả thi [nghĩa là có từ 50% khả năng thành công trở lên]. 

Bạn sẽ dễ dàng mệt mỏi và thất vọng khi đặt ra một mục tiêu quá cao, nằm ngoài khả năng của mình. Do đó, hãy bắt đầu bằng những mục tiêu vừa tầm với khả năng của mình rồi nâng dần lên. Ví dụ, nếu bạn mới bắt đầu tìm hiểu về Marketing, hãy thử bắt đầu bằng việc “dành 30 phút mỗi ngày để đọc các bài blog về Marketing”, rồi tăng dần lên thành “dành 1 tiếng mỗi ngày để đọc các bài blog về Marketing” sau 1 tháng đầu tiên. Đừng cố gắng nhồi nhét theo kiểu “đọc hết 5 cuốn sách về Marketing trong 1 tháng” để tự gây áp lực một cách thái quá cho bản thân, nhất là khi bạn biết rằng đó là điều không tưởng.

  • R – Relevant: Mục tiêu phải đủ quan trọng và có ý nghĩa đối với bạn. 

Những mục tiêu ngắn hạn phải có sự nhất quán với các mục tiêu dài hạn, và tất cả các mục tiêu cần phải đủ quan trọng và ý nghĩa để tạo động lực cho bạn hoàn thành. Ví dụ, bạn đang là sinh viên năm 2 và bạn có niềm đam mê với mỹ phẩm. Mục tiêu dài hạn của bạn là làm việc tại tập đoàn L’Oreal sau khi tốt nghiệp. Như vậy, ngay từ bây giờ, bạn cần tích cực tìm hiểu những kiến thức tổng quan về ngành hàng mỹ phẩm nói chung và phân khúc mỹ phẩm cao cấp nói riêng. Bạn cũng cần nâng cao khả năng ngoại ngữ và các kỹ năng mềm khác để thích nghi với môi trường làm việc tại tập đoàn đa quốc gia. Những việc như “mua một đôi giày mới” hay “tìm hiểu về chế độ dinh dưỡng eat clean” sẽ không giúp ích được gì cho mục tiêu ứng tuyển vào tập đoàn L’Oreal của bạn.

  • T – Time bound: Mục tiêu phải có thời hạn.  

Nếu bạn chỉ đặt mục tiêu vu vơ như “tham gia cuộc thi P&G CEO Challenge” mà không có thời hạn kèm theo, bạn có thể sẽ chẳng bao giờ có động lực đăng ký và chuẩn bị cho cuộc thi một cách nghiêm túc. Hãy luôn gán một mốc thời gian, một khoảng thời gian cụ thể cho một mục tiêu nào đó, chẳng hạn như “tham gia cuộc thi P&G CEO Challenge vào năm 2020”. Với mục tiêu này, bạn sẽ biết cuộc thi diễn ra vào thời gian nào, trong thời gian đó bạn cần phải trang bị những gì – từ việc trau dồi kiến thức về Marketing, tìm hiểu về cách thức thi, chọn đồng đội, tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, v.v… Như vậy, bạn sẽ có một tâm thế hoàn toàn chủ động và dễ dàng đạt được mục tiêu hơn.

Bước 7: Lên kế hoạch theo đuổi các mục tiêu

Bạn nên có suy nghĩ thực tế về những kỳ vọng của bản thân và thời hạn hoàn thành chúng. Tốt nhất, bạn hãy viết ra giấy từng bước hành động cụ thể để bản thân có thể đạt được mục tiêu. Việc này cũng có thể giúp bạn theo dõi các bước hành động dễ dàng và hiệu quả hơn. Sau đó, bạn có thể gạch đi những bước mình đã hoàn thành, chỉnh sửa hoặc thay đổi thứ tự các bước hành động cho phù hợp.

Bước 8: Tham khảo ý kiến của chuyên viên tư vấn nghề nghiệp

Nếu bạn chưa chắc chắn về định hướng nghề nghiệp của bản thân, đừng ngần ngại tìm kiếm và kết nối với các chuyên viên tư vấn nghề nghiệp. Họ sẽ giúp bạn tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và gợi ý những ngành nghề phù hợp với tính cách, năng lực và nguyện vọng của bạn. Bạn cũng có nhờ người thân và bạn bè đưa ra một số nhận xét về bản thân, giúp bạn có thêm những đánh giá tổng quan về chính mình để tìm ra một định hướng nghề nghiệp phù hợp.

Tạm kết

Bản kế hoạch nghề nghiệp giống như “tấm bản đồ” giúp bạn có cái nhìn trực quan và rõ nét hơn về từng đường đi, nước bước trên con đường sự nghiệp. Với bản kế hoạch này, bạn sẽ biết mình cần đi đâu, đi như thế nào, và làm sao để đến đích trong một khoảng thời gian định trước. Tham gia khóa học Career Coaching của Tomorrow Marketers ngay hôm nay để được định hướng nghề một cách bài bản và sẵn sàng dấn thân vào con đường Marketing chuyên nghiệp nhé!

Video liên quan

Chủ Đề