Lê bá khánh trình đang ở đâu

Sinh ra và lớn lên ở TP Huế, TS Khánh Trình bảo học sinh ngày đó không thiếu chiêu trò. Ông đã từng trải qua những mùa hè đặc biệt, có trò nghịch của trẻ con, có tự ái của tuổi mới lớn và cả những “quả ngọt”…

Ở tuổi gần 60, TS Lê Bá Khánh Trình vẫn không quên những ngày hè thời còn đi học

Ở tuổi gần 60, mùa hè năm học lớp 4 vẫn rõ nét trong tâm trí ông.

“Tôi cùng anh trai mang diều ra vườn, chơi thì ít mà bày trò phá diều của bạn nhà kế bên thì nhiều. Mỗi lần bạn ấy thả diều lên, tôi và anh lại núp vào cây, lấy súng thun bắn đá rách diều. Sau vài lần bị hỏng, bạn phát hiện ra chúng tôi và chuẩn bị súng thun bắn trả đũa.

Kết quả “bên ta” là anh tôi trúng đá vào đầu, còn bên “địch” - bạn ấy bị trúng đá vào tay, bụng. Tối về thấy đầu anh có vết máu, mọi người hỏi mới biết và dắt sang nhà bên nói chuyện” - TS Trình kể.

Thời học sinh, ông cũng có nhiều lần chuyển trường: cấp 1 học ở Huế, cấp 2 chuyển vào học ở Sài Gòn nhưng tới lớp 8 lại quay về Huế. Trong 2 năm ngắn ngủi ở Sài Gòn, kỳ nghỉ hè của thầy Trình chỉ quanh quẩn trong nhà.

“Tôi chỉ thỉnh thoảng ra phố nếu có người lớn đi cùng. Cũng có lúc được đi ăn một vài món yêu thích nhưng mùa hè cứ vậy mà trôi qua cho tới năm học mới”.

Sau mùa hè đầu tiên ở Sài Gòn “rất chán”, hết năm lớp 7, cậu học trò Khánh Trình xin ba mẹ về nhà ở Huế chơi.

“Tôi lao ngay ra vườn, leo lên cây ngồi chơi vắt vẻo. Ban ngày tôi ra sông bơi cùng bạn. Đêm về giấc ngủ chìm trong tiếng ve, tiếng dế vọng vào…”.

Mùa hè năm lớp 8, ông cùng nhóm bạn nam trong lớp đi cắm trại. Cả nhóm mang lều bạt, thức ăn, nước uống đạp xe tới bãi biển. Bạn chăng dây đóng cọc, bạn san mặt bằng, hì hục mãi cũng dựng được túp lều “lý tưởng” để cả nhóm trú ngụ qua đêm.

TS Khánh Trình nhớ tối đầu tiên, nhóm cử hai bạn ở trại giữ đồ, những bạn còn lại kéo nhau ra bờ biển bắt còng về nướng. Lúc về trại thì thấy hai bạn ở lại giữ đồ nằm ngủ say sưa, còn quần áo mất sạch.

“Ngày đó cuộc sống khó khăn nên áo quần có giá trị lắm. Mất hết đồ, đứa nào đứa nấy mặt buồn so, ở trần mặc quần tắm về nhà” - ông nhớ lại.

Hái "trái ngọt" nhờ tính tự ái

TS Lê Bá Khánh Trình bảo bây giờ phụ huynh thường ép con học thêm trong hè. Còn ngày trước, ông không học thêm, ba mẹ cũng không ép. Nhưng có 2 mùa hè vì tự ái mà ông tự học ở nhà.

Đó là năm ông lên lớp 9, TP Huế bắt đầu mở lớp chuyên toán trong Trường Quốc học.

Để được chọn, trong kỳ thi tốt nghiệp học sinh phải làm thêm một câu hỏi phụ. 

Năm đó, cả tỉnh có 3 bạn làm bài tốt, trong đó một bạn học cùng trường. Còn ông dù là học sinh giỏi toán nhưng chỉ làm được nửa câu hỏi. Tự ái vì thua kém, mùa hè năm ấy ông quyết tâm ở nhà ôn luyện.

TS Lê Bá Khánh Trình trong 1 lần dẫn đoàn học sinh đi thi Olympic toán quốc tế

“Trong mấy tháng hè tôi cũng có chơi, nhưng việc học vẫn ưu tiên hơn. Tới kỳ thi chính thức vào lớp chuyên toán, tôi là đứa ít tuổi và nhỏ con nhất do học sớm một năm. Ngày thi đầu tiên, tôi hoàn thành bài sau 2/3 thời gian. Ngày thi thứ hai, tôi cũng hoàn thành bài rất sớm. Năm đó, tôi đỗ điểm cao nhất vào chuyên toán của Trường Quốc học” - ông kể.

Lần tự ái thứ hai là vào mùa hè năm lớp 11. Năm đó, ông dự thi học sinh giỏi quốc gia vòng 1 nhưng không lọt vào danh sách được ra Hà Nội thi vòng 2. Một lần nữa, ông quyết định ở nhà tự học trong dịp hè. Đến năm lớp 12, ông vượt qua vòng 1 và lọt vào danh sách 22 học sinh ra Hà Nội thi vòng 2.

Kết quả, ông vào vòng cuối và cùng 3 bạn khác ở Hà Nội dự thi Olympic toán quốc tế ở Anh.

Thời gian ở Hà Nội ôn thi cũng vào mùa hè. Kỳ thi Olympic toán quốc tế năm đó, Lê Bá Khánh Trình đoạt giải nhất với số điểm tuyệt đối 40/40, đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo.

Hai mùa hè dành thời gian cho việc tự học, với TS Trình, như một niềm vui.

“Tôi vui vì trình độ mình được nâng lên. Còn ba mẹ tôi thấy dù nghỉ hè nhưng con vẫn học thì không phản ứng gì. Có lẽ họ nghĩ “may quá, nó không chơi bời hay phá phách"….” - ông cười nhớ lại. 

TS Khánh Trình cho rằng mình may mắn được trải nghiệm, được sống những ngày hè đẹp và đúng nghĩa đời học sinh. Tuy nhiên, bây giờ ở vai trò là phụ huynh, cái nhìn của ông đã khác.

“Hiện nay, các em học sinh chịu áp lực học tập lớn. Cuộc sống của chính chúng ta cũng đổi thay. Ngày còn nhỏ, nằm ở đâu cũng có thể ngủ nhưng nay chỉ nghe muỗi vo ve hay dế kêu là tôi không thể chợp mắt. Tôi nghĩ, những điều bản thân mình không làm được thì không thể ép con phải làm”.

Vậy nên, ông không ép con phải học trong thời gian hè mà để tự chúng quyết định điều mình muốn. Lúc rảnh rỗi, ông khuyến khích con đi du lịch, trải nghiệm để mùa hè bớt đơn điệu…

Theo Vietnamnet

Nhiều năm dẫn đoàn dự thi Olympic Toán quốc tế, TS Lê Bá Khánh Trình cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng chỉ duy trì thành tích, chưa có đột phá.

Olympic Toán quốc tế 2021 [IMO 2021] là kỳ thi đáng nhớ với những người dẫn đoàn như TS Lê Bá Khánh Trình, Phó trưởng đoàn Olympic Toán quốc tế của Việt Nam. Do ảnh hưởng dịch bệnh, 6 thành viên của đội tuyển Việt Nam phải ôn luyện hoàn toàn qua mạng, chưa một lần gặp mặt đầy đủ.

Năm nay, Đỗ Bách Khoa, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, xuất sắc giành huy chương vàng. Hai em đoạt huy chương bạc là Đinh Vũ Tùng Lâm, Trương Tuấn Nghĩa, học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Huy chương đồng thuộc về em Phan Hữu An [trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội], Phan Huỳnh Tuấn Kiệt [trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM] và Vũ Ngọc Bình [trường THPT chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc].

Kết quả xếp toàn đoàn, Việt Nam xếp thứ 14, tốt hơn so với thành tích của năm ngoái [17].

Thi cử luôn có điều bất ngờ

Kết quả toàn đoàn năm nay là sự bất ngờ với TS Trình và các thầy trong ban huấn luyện. Một số em năng lực tốt, được hy vọng nhiều nhưng kết quả thi lại không cao. Nếu các em thể hiện được tốt hơn, kết quả toàn đoàn sẽ được cải thiện. Nhưng thi cử luôn có những điều bất ngờ, có thể như ý hoặc không như ý.

TS Lê Bá Khánh Trình - người đạt điểm số tuyệt đối 40/40 tại IMO 1979 - thừa nhận năm nay, ông không thể đánh giá được đầy đủ và chính xác tố chất, khả năng của 6 học trò bởi việc ôn tập hoàn toàn bằng hình thức online đã hạn chế giao tiếp, tương tác, trao đổi.

Nói về Đỗ Bách Khoa - cái tên được chú ý ngay từ khi tuyển chọn vào đội tuyển - TS Trình cho biết khi thi đầu vào qua 2 vòng, Khoa không phải là người có điểm số cao nhất nhưng em tư duy sáng và nỗ lực.

Sau quá trình ôn luyện, Khoa là một trong 3 em mà các thầy đặt hy vọng sẽ giành huy chương vàng cùng Trương Tuấn Nghĩa [năm ngoái đã giành huy chương vàng] và Phan Hữu An [điểm thi vòng 2 cao nhất].

Theo TS Trình, Olympic Toán quốc tế năm 2020 cũng được tổ chức thi online nhưng các thí sinh của Việt Nam lại học tập trực tiếp, ăn ở cùng nhau nên điều kiện truyền thụ kiến thức, giao lưu tốt hơn.

Các thí sinh năm nay thiệt thòi và gặp nhiều bất lợi vì học online hoàn toàn. Thầy trò chưa có buổi gặp mặt đầy đủ nên thiếu không khí đồng đội, sự gắn kết. Nếu được gặp trực tiếp, các thầy sẽ dễ truyền đạt kiến thức và tinh thần hơn.

Mọi năm, ngoài dạy học, các thầy còn trò chuyện, dẫn các em đi tham quan thành phố, là dịp để hiểu về điểm mạnh, yếu của từng thành viên, động viên và khuyến khích lúc cần thiết.

“Việc học tập tập trung sẽ tạo không khí thảo luận, cùng tiến bộ nhanh bởi không khí thi đua, hăng hái. Các em có khả năng đột phá vì ngoài học thầy còn học với bạn. Chia sẻ điều này, tôi muốn nói đến sự thiệt thòi của các em, chứ không thể biện hộ cho thành tích vì nhiều nước cũng gặp khó như chúng ta”, TS Trình nhận định.

Buổi ra quân của cả đội, Phan Huỳnh Tuấn Kiệt và TS Lê Bá Khánh Trình chỉ có thể tham gia online. Ảnh: Lê Anh Vinh.

Hai ngày thi căng thẳng

Kể lại trải nghiệm trong 2 ngày thi chính thức [19 và 20/7] của Olympic Toán quốc tế năm nay, người giành huy chương vàng IMO 1979 cho rằng đây là kỳ thi rất đặc biệt, đáng nhớ trong sự nghiệp dẫn đoàn của mình.

TS Trình cho biết ban đầu dự định tổ chức thi một điểm cầu ở Hà Nội, thầy và em Phan Huỳnh Tuấn Kiệt sẽ phải ra ngoài Hà Nội. Tuy nhiên, tình hình dịch căng thẳng, việc di chuyển khó và nhiều rủi ro nên Bộ GD&ĐT tổ chức thêm điểm cầu trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - nơi Kiệt học tập.

Như vậy, kỳ năm nay, TS Trình có thêm một trải nghiệm thú vị khi điểm thi rất gần nhà ông. Từ lúc bắt dẫn đoàn IMO đến nay, đây là lần đầu tiên điểm thi gần nhà ông đến vậy.

Nước Nga đăng cai tổ chức kỳ thi, không quan trọng mỗi nước có bao nhiêu điểm cầu, chỉ cần đáp ứng được điều kiện cơ sở vật chất, camera và giám sát viên.

Tại cầu TP.HCM, trong lúc thi, ngoài TS Lê Bá Khánh Trình, 3 giám sát viên khác làm nhiệm vụ, trong đó có một người Hàn Quốc, cùng hệ thống camera xung quanh. Rất may mắn, trong điều kiện dịch bệnh, kỳ thi được tổ chức thành công, an toàn.

TS Lê Bá Khánh Trình nói quá trình chấm thi online không sôi nổi như chấm trực tiếp - cùng ngồi lại, tranh luận, đôi khi gay gắt nhưng rất thú vị. Giám khảo chấm online trao đổi qua chat nên khá bình lặng.

Đề năm nay được TS Trình và nhiều thầy trong ban huấn luyện đánh giá khó hơn nhiều so với đề thi năm ngoái. Mức điểm cho các huy chương cũng phản ánh mức độ khó của đề. Thông thường, để đạt được huy chương vàng, thí sinh phải làm được 29 điểm trở lên nhưng năm nay huy chương vàng chỉ cần đạt 24 điểm.

Trong 6 bài toán, 3 bài khó đối với học sinh Việt Nam là số 2, 5 và 6. Trong đó, bài số 6 ở mức rất khó. Theo truyền thống, nước tổ chức luôn muốn để lại dấu ấn trong đề bằng một câu khó, hiếm thí sinh giải được.

Bài bất đẳng thức [số 2] cũng rất khó, đoàn Việt Nam chỉ có Khoa làm được. Bài số 5 là dạng Toán tổ hợp, đây là điểm yếu của học sinh Việt Nam.

“Tôi muốn nói với các bạn kết quả này là tốt rồi vì đề thi năm nay khó, lại tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh. Sau ngày thi đầu tiên, tôi nói với em Kiệt, bài số 2 thông thường chỉ ở mức độ trung bình nhưng năm nay lại khó, chắc các đội mạnh cũng 'te tua' với bài này chứ không riêng gì các em", ông chia sẻ.

Từng là người dự thi IMO, nhiều năm tham gia bồi dưỡng và đưa học trò đi thi, TS Lê Bá Khánh Trình còn nhiều trăn trở với kết quả của đội. Ảnh: Quyên Quyên.

Chưa có bước tiến đột phá

"Tất nhiên với vai trò người thầy trực tiếp dẫn đội, tôi vẫn mong, hy vọng đoàn chúng ta đứng trong top 10. Không chỉ năm nay, bất kể khi nào học trò cầm chuông đi đánh xứ người, tôi vẫn luôn khao khát như vậy", người đoạt huy chương vàng IMO 1979 nói về tham vọng của đoàn Việt Nam ở đấu trường quốc tế.

Đánh giá thực lực của đội tuyển Olympic Toán Việt Nam, TS Trình cho rằng so với mặt bằng chung trong khu vực, chúng ta ngang ngửa với Singapore, Thái Lan, dù kết quả có năm xếp dưới nhưng là ngẫu nhiên.

So với Nhật Bản, chúng ta cũng xứng tầm với họ. Với những nước ở vị trí dẫn đầu, Việt Nam đang cố gắng bám theo chứ chưa thể bắt kịp trình độ của họ.

Với vai trò người thầy trực tiếp dẫn đội, tôi vẫn mong, hy vọng đoàn chúng ta đứng trong top 10. Không chỉ năm nay, bất kể khi nào học trò cầm chuông đi đánh xứ người, tôi vẫn luôn khao khát như vậy.

TS Lê Bá Khánh Trình

"Nhiều năm dẫn đoàn, tôi nhận thấy trình độ, nội lực của thí sinh Việt Nam gần đây vẫn duy trì ở mức chấp nhận được chứ không mạnh. Tôi và nhiều người vẫn mong chúng ta bám theo các 'ông lớn' như Nga, Mỹ, Trung Quốc. Muốn vậy, kết quả của chúng ta phải thường xuyên nằm trong top 10", TS Trình đánh giá.

Theo ông, những năm qua, chúng ta "chìm nổi" ngoài top 10, chưa có bứt phá, tạo sự bám đuổi hay áp lực đáng kể với các "ông lớn". Nhưng rõ ràng chúng ta có tiềm năng đó.

Đó cũng là điều khiến ông và các thầy trong ban huấn luyện trăn trở từ nhiều năm nay. Kết quả đến từ nhiều yếu tố nhưng về mặt ôn luyện, truyền thụ kiến thức, bản thân người dẫn đoàn chưa ưng ý về chính mình.

"Có thể là trình độ của chúng tôi chỉ đến mức như vậy nên không thể bồi dưỡng tốt hơn cho học trò”, TS Trình khiêm tốn bày tỏ.

Video liên quan

Chủ Đề