Luật khám chữa bệnh năm 2023

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 24/10/2022, tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi], đồng thời tiến hành thảo luận tại Hội trường đối với dự thảo Luật nêu trên. Phiên thảo luận do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Hội trường sáng ngày 24/10/2022 [nguồn quochoi.vn]

Tham gia phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, đa số các ý kiến cho rằng dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] đã tiếp thu cơ bản các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV và Hội nghị đại biểu chuyên trách vừa qua. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận này, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự băn khoăn đối với một số nội dung cụ thể như: mối quan hệ giữa cơ sở y tế công lập và tư nhân; cần quan tâm đến trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng; việc thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập; việc tổ chức, hoạt động của Phòng khám đa khoa khu vực; chính sách đãi ngộ đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh,… và thời gian thông qua dự án luật này.

Ông Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu thảo luận [nguồn quochoi.vn]

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, ông Thạch Phước Bình -  Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh còn băn khoăn về khái niệm “người bệnh” tại khoản 3, Điều 2. Theo đại biểu, thực tiễn cho thấy Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 hiện hành và dự thảo Luật hiện nay đều không điều chỉnh các dịch vụ y tế như chăm sóc sức khỏe sinh sản, phẫu thuật thẩm mỹ, y tế dự phòng. Đây là các dịch vụ y tế không phải là khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] làm cơ sở cho việc quy định trách nhiệm và quyền lợi các bên liên quan cũng như bao quát được hết các hoạt động cung ứng dịch vụ y tế. Đồng thời khái niệm “người bệnh” cần được thay thế bằng khái niệm “người sử dụng dịch vụ y tế” để bao hàm được đầy đủ những người sử dụng dịch vụ.
Về quyền của người bệnh được quy định từ Điều 9 đến Điều 15 của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quyền lựa chọn bác sỹ của người bệnh. Bệnh nhân có quyền lựa chọn bác sỹ hoặc các nhân viên y tế thích hợp với nhu cầu điều trị bệnh của mình. Bệnh nhân có quyền tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc nhà cung cấp dịch vụ y tế khác khi thấy cần vì thực tế các dịch vụ phẫu thuật hiện nay đã sử dụng quyền này của người bệnh. Đồng thời cần bổ sung quyền than phiền, khiếu nại chứ không chỉ quyền kiến nghị của người bệnh.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc giữ bí mật thông tin cho bệnh nhân rất khó thực hiện ở một số tình huống tại bệnh viện. Do đó, đại biểu đề nghị các quy định pháp luật cần cụ hơn để áp dụng cho nhiều trường hợp giúp bệnh viện có cách ứng xử phù hợp. Bệnh nào thì cho bệnh nhân biết, bệnh nào thì chỉ cho người nhà biết.
Về quyền của người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh được nhận bản tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản, đại biểu cho rằng, cần thiết sửa đổi quy định này theo hướng người bệnh hoặc người đại diện của người bệnh hay người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có quyền được xem hồ sơ bệnh án và phải được cung cấp bản sao hồ sơ nếu có yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đồng thời, đại biểu cho rằng việc thiết lập hệ thống sổ sức khoẻ điện tử đến từng người dân; thực hiện cập nhật các thông tin, chỉ số sức khoẻ khi đi khám sức khoẻ, chữa bệnh; quản lý bệnh tật, tiêm chủng, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ bảo hiểm y tế. Các nội dung này cần phải được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh.
Song song đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm việc dự thảo luật đang quy định cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám, chữa bệnh do cơ sở cung cấp, vì giá dịch vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe là lĩnh vực đặc biệt quan trọng, Nhà nước cần thống nhất quản lý giá khám, chữa bệnh của cả bệnh viện công với bệnh viện tư nhân sao cho lợi ích phải hài hòa giữa công và tư, bảo đảm quyền lợi của người bệnh và ổn định xã hội, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu sửa đổi một số điều của Luật dược để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, bức xúc của các cơ sở y tế hiện nay.

B.T.T LOAN
VP Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Trà Vinh

Báo cáo việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi], Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ, bám sát các quan điểm xây dựng luật, thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng về khám bệnh, chữa bệnh.

Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Tổng kết, đánh giá quy định về tự chủ bệnh viện công

Phát biểu thảo luận góp ý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi], đại biểu Quốc hội [ĐBQH] Hoàng Văn Cường bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn; nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Tất cả những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định về tự chủ của bệnh viện công, tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập nói chung, các đơn vị y tế công lập nói riêng là một xu thế tất yếu.

Còn theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan [Đoàn TPHCM], những quy định trong luật chưa giải quyết dứt điểm được vấn đề về xã hội hóa, tự chủ bệnh viện đang đặt ra trong thực tế. Theo đại biểu, mục tiêu của xã hội hóa là phát huy được năng lực của cán bộ, nhân viên y tế, tuy nhiên hiện nay, chúng ta đang loay hoay để giảm xuống mức thấp nhất giá thanh toán theo bảo hiểm y tế. Khi thanh toán theo bảo hiểm y tế thấp nhất có thể thì khó đảm bảo chất lượng cao.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, cần có hoạt động tổng kết, đánh giá chính thức hoạt động tự chủ bệnh viện, cơ sở y tế, để rút ra bài học, giải pháp, làm tiền đề để có những quy định sáng suốt, sát với thực tế trong các vấn đề đấu thầu thuốc, đào tạo nhân lực…

Đại biểu cho rằng cần quy định rõ hơn về chức năng của các tổ chức nghề nghiệp, trong đó làm rõ việc giám sát, kiểm tra, cấp phép, phát huy vai trò của hội nghề nghiệp để đảm bảo nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh. Cần đầu tư nhiều hơn nữa, tham khảo các mô hình, nâng cao cơ chế, chính sách đối với nhân lực y tế để giải quyết dứt điểm các vấn đề thực tế đã đặt ra.

Đại biểu Lò Thị Luyến [Đoàn Điện Biên] phát biểu - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Quy định BHYT chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng trong điều trị trẻ mắc suy dinh dưỡng cấp tính

Đại biểu Lò Thị Luyến [Đoàn Điện Biên] cho rằng, sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt [thành phần có đủ năng lượng, dưỡng chất và vi dưỡng chất, có thể dùng thay thế hoàn toàn bữa ăn cho trẻ] như là một loại thuốc trong điều trị. Trẻ dưới 6 tuổi được Nhà nước cấp thẻ bảo hiểm y tế [BHYT] miễn phí nhưng sản phẩm này không được gọi là thuốc nên không được BHYT chi trả trong khi những gia đình khó khăn không có tiền mua nên rất cần có chính sách hỗ trợ từ ngân sách để  bảo đảm yếu tố bền vững trong điều trị,  giúp số trẻ suy dinh dưỡng được phát triển bình thường.

Đại biểu đề nghị các đơn vị liên quan ban hành cơ sở pháp lý để quỹ BHYT chi trả cho sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt điều trị cho trẻ dưới 6 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính [thể vừa và thể nặng].

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình - Ảnh: VGP/Lê Sơn

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Tiếp thu, giải trình thấu đáo các ý kiến của đại biểu

Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội và phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo.

Về thiết chế Hội đồng y khoa, Bộ trưởng cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc bảo đảm chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề. Tại nhiều nước trên thế giới trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, Dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, bảo đảm tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Bộ trưởng khẳng định, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia để thực hiện đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.

Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.

Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng, căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua bổ sung các khoáng chất, vi chất. Hiện nay, quỹ BHYT đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh [sửa đổi] có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết. Trong phạm vi của luật này và để  bảo đảm cân đối với các điều khoản khác cũng như tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 của dự thảo luật là phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh. Hiện tại, dự thảo luận đưa ra ba cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và do Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này. Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành ba cấp chuyên môn kỹ thuật,  bảo đảm tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán BHYT giữa các tuyến…

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, các ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội,  bảo đảm chất lượng cao nhất, đồng thời  bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.

Cập nhật ngày 24/10/2022

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề