Lượng mưa trên biển đông đạt khoảng bao nhiêu mm/năm?

1. Vị trí địa lý

Khánh Hòa có diện tích tự nhiên là 5.197km², phần đất liền của tỉnh nằm ở tọa độ địa lý từ 12°5215" đến 11°4250" vĩ độ Bắc và từ 108°4033" đến 109°2755" kinh độ Đông. Điểm cực Đông trên đất liền của Khánh Hòa nằm tại Mũi Đôi trên bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh cũng là điểm cực đông trên đất liền của Việt Nam. Ngoài ra, Khánh Hòa còn có vùng biển, vùng thềm lục địa, các đảo ven bờ và huyện đảo Trường Sa. Trung tâm hành chính và kinh tế của tỉnh đặt tại thành phố Nha Trang, cách thành phố Hồ Chí Minh 447km và cách thủ đô Hà Nội 1.278km đường bộ.

2. Khí hậu

Khí hậu Khánh Hoà vừa chịu sự chi phối của khí hậu nhiệt đới gió mùa, vừa mang tính chất của khí hậu đại dương nên tương đối ôn hoà. Nhiệt độ trung bình trong năm là 260C. Lượng mưa trung bình trên dưới 2.000 mm/năm, chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12 tập trung 70 - 80% lượng mưa cả năm. Những tháng còn lại là mùa nắng, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Khánh Hòa cao khoảng 26,7°C. Riêng tại khu vực Nha Trang mùa mưa chỉ kéo dài trong 2 tháng, còn lại nắng ấm, rất thuận lợi cho tham quan du lịch biển.

Nhiệt độ trung bình/tháng

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

Cao nhất [°C]

27

28

29

31

32

32

32

32

32

30

28

27

Thấp nhất [°C]

22

22

23

25

26

26

26

26

25

24

24

22

Lượng mưa [cm]

2

0.6

2.1

2

5.1

3.5

2.6

3.2

13.4

25.4

25.1

12.2

3. Đặc điểm địa hình

Diện tích tự nhiên của tỉnh Khánh Hòa, cả trên đất liền và hơn 200 đảo và quần đảo là 5.197km2, xếp trung bình so với cả nước. Địa hình của tỉnh Khánh Hoà tương đối phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông với những dạng địa hình núi, đồi, đồng bằng, ven biển và biển khơi. Phần phía Tây là sườn đông dãy Trường Sơn, chủ yếu là núi thấp và đồi, độ dốc lớn và địa hình bị chia cắt mạnh. Tiếp đến là dạng địa hình núi thấp, đồi thấp xen kẽ bình nguyên và thung lũng, thỉnh thoảng có núi đá chạy ra sát biển, chia cắt dải đồng bằng ven biển thành những vùng đồng bằng nhỏ hẹp, với chiều dài 200km bờ biển khúc khuỷu có điều kiện thuận lợi để hình thành các cảng nước sâu, nhiều vùng đất rộng thuận lợi để lập khu chế xuất và khu công nghiệp tập trung.

Những đặc điểm địa hình này của Khánh Hoà không chỉ tạo ra những cảnh quan phong phú và đa dạng vừa mang tính đặc thù của mỗi tiểu vùng, mang tính đan xen và hoà nhập mà còn có ý nghĩa chiến lược về mặt quốc phòng, vì tỉnh Khánh Hòa nằm gần đường hàng hải quốc tế, có huyện đảo Trường Sa, cảng Cam Ranh và là cửa ngõ của Tây Nguyên thông ra biển Đông.

4. Dân số

Theo số liệu thống kê tháng 4/2009, tỉnh Khánh Hòa có 1,156 triệu người. Với diện tích 5.271km2, mật độ dân số của Khánh Hoà là 222người/km2, trong đó Nam giới có khoảng 572.412 người [49.48%] và Nữ giới có khoảng 584.491 người [50.52%] tỷ lệ tăng dân số của tỉnh bình quân từ năm 1999 - 2009 là 1,1%.

Hiện nay có 32 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trong đó dân tộc Kinh chiếm 95,3%, dân tộc Raglai chiếm 3,4%, dân tộc Hoa chiếm 0,86%, dân tộc Cơ-ho chiếm 0,34%, dân tộc Ê-đê chiếm 0,25%... Ngoài ra, còn có các dân tộc Tày, Nùng, Mường, Chăm... Tại một số địa phương trong tỉnh như Dốc Gạo, Xóm Cồn, đảo Hòn Tre đã tìm thấy dấu vết những cư dân đầu tiên sống cách đây khoảng từ 4.500 đến 5.000 năm.

5. Tài nguyên thiên nhiên

Khánh Hoà có rất nhiều tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên biển, tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng.

Tài nguyên biển:

Với cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, khí hậu lý tưởng, nhiều di tích lịch sử và công trình văn hoá nên Nha Trang đã trở thành một trong mười trung tâm du lịch lớn của cả nước, đặc biệt là du lịch biển với rất nhiều bãi tắm nổi tiếng như như bãi biển Nha Trang, Bãi Tiên, Dốc Lếch, Đại Lãnh.

Dọc bờ biển còn tập trung nhiều đảo lớn, nhỏ có khả năng tổ chức du lịch, lặn biển, vui chơi giải trí trên các đảo. Đặc biệt đảo Hòn Tre là đảo lớn, quanh năm có nhiều bãi tắm đẹp như bãi Trũ, bãi Tre, Bích Đầm, trong đó khu du lịch Hòn Ngọc Việt [Vinpearl Land] trên đảo Hòn Tre là khu du lịch, nghỉ mát sang trọng bậc nhất ở Việt Nam.

Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của Vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới.

Trữ lượng hải sản thuộc vùng biển Khánh Hòa ước khoảng 150 nghìn tấn, trong đó chủ yếu là cá nổi [70%]. Khả năng cho phép hàng năm khai thác khoảng 70.000 tấn. Ngoài các hải sản như cá, mực và các loại ốc, biển Khánh Hòa còn là nơi trú ngụ của chim yến, hàng năm cho phép khai thác khoảng 2.000 kg yến sào. Đây là một đặc sản quý mà không phải tỉnh nào trong cả nước cũng có thể có được, là nguồn nguyên liệu quý cho công nghiệp chế biến dược liệu bổ dưỡng cao cấp.

Biển Khánh Hòa còn có ý nghĩa với việc sản xuất muối do nước biển có nồng độ muối tương đối cao, thuận lợi cho việc sản xuất muối tập trung và các sản phẩm sau muối, nhất là muối công nghiệp.

Tài nguyên rừng:

Diện tích rừng hiện có 186,5 nghìn ha, trữ lượng gỗ 18,5 triệu m3, trong đó 64,8% là rừng sản xuất, 34% rừng phòng hộ và 1,2% rừng đặc dụng. Rừng phòng hộ có 34%, song hầu hết là rừng giàu ở khu vực núi cao, đầu nguồn các huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn và Ninh Hòa. Độ che phủ của rừng là 38,5%, lớn nhất là ở huyện Khánh Vĩnh và huyện Khánh Sơn.

Tài nguyên khoáng sản:

Khánh Hòa có nhiều loại khoáng sản như than bùn, môlíp đen, cao lanh, sét, vàng sa khoáng, nước khoáng, sét chịu lửa, cát, san hô, đá granite... , trong đó, đáng chú ý nhất là cát thuỷ tinh Cam Ranh, đáp ứng yêu cầu của sản xuất thủy tinh quang học, pha lê... trữ lượng 52,2 triệu m3.

Nước khoáng với tổng lưu lượng khoảng 40l/s, khả năng khai thác 3400 - 3500 m3/ngày. Một số nơi đã đưa vào khai thác công nghiệp như nước khoáng Đảnh Thạnh [57 triệu lít/năm]. Tài nguyên khoáng sản Khánh Hòa là một trong những loại tài nguyên có thể tái khai thác trong tương lai để phát triển các sản phẩm cạnh tranh thị trường./.

1. Danh lam thắng cảnh

Khung cảnh Nha Trang

Khánh Hòa, với bờ biển dài và khí hậu ôn hòa, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh vào loại đẹp nhất Việt Nam. Nổi tiếng nhất vẫn là Vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có diện tích khoảng 507km² bao gồm một quần thể gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, với các đảo nổi tiếng như Hòn Tre, Hòn Tằm, Hòn Mun, Hòn Nhiểu.

Nhắc đến Khánh Hoà, không thể không nhắc đến Hòn Ngọc Việt, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp 5 sao Trên đảo Hòn Tre. Với tổng diện tích trên 150ha và 700m bãi biển tự nhiên, Hòn Ngọc Việt là địa chỉ du lịch nổi tiếng nhất của tỉnh Khánh Hoà hiện nay.

Khu du lịch Hòn Tre

Hòn Tằm lại nổi tiếng với những bãi tắm tô điểm bằng những đá vân màu sặc sỡ trắng, xanh, nâu, đen... Dọc bãi tắm là bóng mát của những hàng cây ăn quả bao gồm xoài, mít, sa-pô-chê... Phía sau đảo này có một hang đá rất đặc biệt, kỳ bí mới được ngành du lịch phát hiện và đưa vào khai thác. Đó là hang Dơi, nơi có rất nhiều đàn dơi cư trú trên những vách đá cheo leo ở độ cao 60m.

Hòn Tằm, giống như một con tằm màu xanh giữa nong dâu

Hòn Mun hấp dẫn du khách với những hang động hiểm trở, đá trên đảo có màu đen tuyền như gỗ mun nhưng bãi tắm lại được lát bằng đá trắng. Dưới đáy biển ven đảo là rừng san hô bạt ngàn với nhiều sinh vật biển kỳ lạ. Hòn Mun là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam.

Hòn Mun

Hòn Nhiểu [còn gọi đảo Bồng Nguyên] nơi có Thủy Cung Trí Nguyên với những sinh vật biển kỳ lạ. Cách hồ là bãi sỏi đủ màu, đủ dáng, trải thành từng lớp trên bờ thay cho cát trắng.

Chạy dọc theo các đảo là bờ biển Nha Trang dài khoảng 7km, trải dài từ xóm Cồn đến cảng Cầu Đá. Là những bãi tắm lý tưởng ấy là bãi tắm nằm trên đoạn đường Trần Phú. Đó là một con đường rất đẹp nằm lượn theo bờ biển với rất nhiều ngôi biệt thự xinh xắn, những khách sạn cao cấp, nhà hàng sang trọng nối liền nhau. Xen vào đó là một hệ thống dịch vụ gồm bưu điện, nhà bảo tàng, thư viện, câu lạc bộ, các cửa hàng bán đồ lưu niệm.

Ngoài vịnh Nha Trang, Khánh Hoà còn có nhiều di tích lịch sử của Vương quốc Champa như Tháp Bà, Am Chúa, Thành Diên Khánh.

Tháp Bà [Tháp Po Nagar] là ngôi đền nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 50 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái [sông Nha Trang] tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 km về phía bắc, thuộc phường Vĩnh Phước.

Tháp Bà [Tháp Po Nagar]

Am Chúa là nơi thờ Thiên Y Ana Thánh Mẫu [Po Nagar], một vị phúc thần rất được kính trọng ở Khánh Hòa. Am Chúa được xây dựng trên một ngọn núi có tên là núi Ðại An [núi Dưa], thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Theo sự tích được ghi lại trong một tấm bia đá từ năm 1856 ở Tháp Bà, Am Chúa được coi là nơi phát tích của Bà Po Nagar lúc ấu thơ sống với cha mẹ nuôi, còn Tháp Bà [Nha Trang] là nơi thờ Bà khi đã hiển thánh.

Toàn cảnh cổng thành Diên Khánh

Thành Diên Khánh là một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng tại thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa, Việt Nam, là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Năm 1793, sau khi Nguyễn Huệ mất, nhà Tây Sơn suy yếu dần. Nguyễn Ánh cùng Võ Tánh và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến đánh Diên Khánh. Sau khi đẩy lùi được nghĩa quân Tây Sơn, thấy nơi đây là địa bàn chiến lược quan trọng lâu dài, Nguyễn Ánh quyết xây dựng Diên Khánh thành căn cứ vững chắc, một vành đai phòng ngự kiên cố từ xa.

2. Lễ hội truyền thống

Có 4 lễ hội chính tại Khánh Hòa gồm:

Lễ hội Đền Hùng: Được tổ chức trang trọng hàng năm vào ngày 10/3 âm lịch tại Đền Hùng Vương, hay còn gọi là Đền thờ Đức Quốc tổ Hùng Vương - toạ lạc tại đường Ngô Gia Tự, Thành phố Nha Trang, với nghi thức trang trọng, độc đáo thể hiện truyền thống tốt đẹp cao quý của dân tộc uống nước nhớ nguồn.

Lễ hội Am chùa

Lễ hội Am chùa: Được tổ chức vào ngày 22/4 âm lịch để tưởng niệm nữ thần Thiên Y A Na được nhân dân trong vùng tôn sùng là Bà Chúa, bà mẹ của xứ sở tại Am Chúa, nơi thờ nữ thần Ponagar [Thiên Y A Na] trên sườn núi Đại An [núi Chúa], thuộc xã Diên Điền, huyện Diên Khánh. Theo truyền thuyết, đây là nơi nữ thần giáng trần, sống thời thơ ấu với hai vợ chồng tiều phu già. Nơi đây có miếu thờ và tượng Bà.

Lễ hội Tháp Bà: Được tổ chức vào ngày 20 đến 23/3 âm lịch hàng năm tại khu di tích Tháp Ponagar - thành phố Nha Trang. Đây là lễ hội lớn nhất trong khu vực để tưởng niệm nữ thần Mẹ Xứ sở [phiên âm tiếng Chăm là Po Ino Nogar]. Theo truyền thuyết, Bà Mẹ Xứ sở là người có công tạo lập xứ sở, duy trì nòi giống, tìm ra cây lúa, dạy dân trồng trọt... Lễ hội Tháp Bà không chỉ thu hút đông đảo bà con người Việt, người Chăm ở Nha Trang, Khánh Hoà mà nhiều người ở khắp nơi trong nước cũng nô nức kéo về dự hội.

Lễ hội Tháp Bà

Lễ hội Cá Voi: Từ xưa, ngư dân vùng ven biển đã cho rằng cá voi là một loài cá hiếm, không làm hại ai và thường giúp họ khi gặp giông bão trên biển. Tin vào sự giúp đỡ của cá voi, ngư dân tổ chức việc thờ cúng hết sức thành kính. Họ kiêng gọi cá voi mà gọi là Cá Ông hoặc Ông Nam Hải, xây lăng thờ cúng gọi là Lăng Ông.

3. Đặc sản - Sản phẩm nổi tiếng

Đứng đầu các loại đặc sản là Yến sào, tổ một loài chim biển, một trong những món ăn cung đình đứng đầu trong bát trân kỳ bửu thường được dùng trong yến tiệc của vua chúa thời phong kiến. Ngày nay nước yến là một loại nước uống bổ dưỡng được người tiêu dùng trong nước và quốc tế tín nhiệm.

Những sản phẩm từ yến

Các đảo đá hoa cương vùng biển Khánh Hòa với vách đá dựng đứng, cheo leo, hiểm trở là nơi đất lành cho chim yến trú ngụ, làm tổ và phát triển bầy đàn. Mỗi năm, chim yến làm tổ và sinh đẻ hai lần vào tháng tư và tháng tám. Khi làm tổ, chim yến tiết ra một loại chất dịch từ trong hai tuyến miệng, kéo thành từng sợi trắng và trong suốt gắn dần lên vách đá, đan xen với nhau khô cứng lại thành tổ. Bề ngoài tổ yến giống thìa múc canh gắn vào vách đá nhờ hai mấu nhỏ gọi là chân. Tổ yến hay còn gọi yến sào khi mới bóc từ vách đá có mùi tanh nồng. Gần đây, khi nghiên cứu tác dụng của yến sào trong trường hợp cơ thể bị nhiễm chất độc hại, người ta nhận thấy yến sào hạn chế sút cân, phục hồi sức khỏe nhanh, ổn định các chỉ tiêu huyết học

Cùng với yến sào là trầm hương - một loại hương liệu, dược liệu quý hiếm từ cây Dó Bầu, giúp Khánh Hòa từ lâu được mệnh danh là "xứ trầm, biển yến".

Cá Dầm

Hai đặc sản khác là hai món ăn nổi tiếng không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực ở huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa là bún lá cá dầm và nem. Đây là 2 món ăn được làm từ 2 nguyên liệu khác nhau - một món chế biến từ cá, một món được làm từ thịt. Khác với nơi khác, bún ở đây được làm từng khoanh tròn, to bằng lòng bàn tay, mỗi khoanh được đặt trên miếng lá chuối [nên gọi là bún lá] ăn vào vừa dai vừa ngọt, nước lèo thì vừa trong vừa ngọt đậm vị cá. Đi kèm với món bún là rau thái nhỏ trộn bắp chuối bào, thêm vài lát ớt xanh, món ăn có vị ngọt của cá, vị chát của chuối, vị cay nồng của ớt. Nem Ninh Hòa, gồm hai loại nem chua và nem nướng, có hương vị đặc biệt, cũng là một đặc sản nổi tiếng không thể bỏ qua, được làm từ thịt heo nạc và bì lợn. Thời gian ăn nem chua ngon nhất là 3 ngày sau khi gói. Khi ăn món này phải ăn kèm với tỏi tươi./.

Bản đồ hành chính tỉnh Khánh Hòa

Năm 1989, tỉnh Khánh Hòa được thành lập trên cơ sở tách tỉnh Phú Khánh thành tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà. Khánh Hoà có thành phố Nha Trang thuộc tỉnh, thị xã Cam Ranh và 7 huyện là huyện Vạn Ninh, Ninh Hoà, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm và huyện đảo Trường Sa.

Ðơn vị hành chính cấp Huyện

Thành phố Nha Trang

Thị xã Cam Ranh

Huyện Vạn Ninh

Huyện Ninh Hòa

Huyện Diên Khánh

Huyện Khánh Vĩnh

Huyện Khánh Sơn

Huyện Cam Lâm

Huyện đảo Trường Sa

Diện tích [km²]

251

316

550

1196

336

1165

336

543

496

Diện tích [km²]

354.025

125.311

126.805

227.63

123.94

28.865

18.368

103.396

-

Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế - xã hội và tiềm năng đầu tư trong giai đoạn 2006-2010 cho thấy Kinh tế tăng trưởng liên tục với nhịp độ tương đối cao và đạt được những thành tựu quan trọng; là một trong những tỉnh có đóng góp ngân sách Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Khánh Hòa đang từng bước trở thành một trong những trung tâm kinh tế, du lịch, văn hóa lớn của cả nước.

Tuy nhiên, những thành tựu đạt được của Khánh Hòa chưa tương xứng với tiềm năng. Kinh tế phát triển chưa thực sự bền vững, là một trong những trung tâm kinh tế lớn của cả nước nhưng chất lượng tăng trưởng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Việc huy động, sử dụng các nguồn lực còn hạn chế, đầu tư vẫn còn dàn trải, nhiều công trình kéo dài tiến độ. Tăng trưởng kinh tế vẫn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu, công nghệ sử dụng trong sản xuất và dịch vụ chưa cao. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội vẫn còn một số mặt hạn chế chậm được khắc phục. Môi trường ở một số nơi đang bị ô nhiễm.

1. Về tăng trưởng kinh tế

Trong 5 năm qua, tỉnh vẫn luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, là một trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, là một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam. Vị thế, hình ảnh của Khánh Hòa được khẳng định và nâng cao đối với trong nước và quốc tế.

- Thời kỳ 2006-2010, kinh tế tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ tương đối cao, bình quân đạt 10,8%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước, trong đó công nghiệp-xây dựng tăng 12,3%, nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,5%, dịch vụ [gồm cả thuế nhập khẩu dầu] tăng 12,4%, riêng dịch vụ tăng 10,7%.

2. Về chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Thời gian qua, cơ cấu kinh tế tỉnh Khánh Hòa chuyển dịch theo hướng hiện đại và đạt được những chuyển biến vượt bậc. Năm 2010 tỷ trọng các ngành dịch vụ-du lịch trong cơ cấu GDP đạt 44,19%, công nghiệp-xây dựng 42,23%, nông - lâm - thuỷ sản 13,58%. Dịch vụ-du lịch đang từng bước phát huy lợi thế cạnh tranh của mình và từng bước vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng tăng khá nhanh, từ 40,5% năm 2005 lên 44,19% năm 2010. Nhiều ngành dịch vụ như hoạt động trung chuyển xăng, dầu đã có đóng góp khá lớn [6,87%] vào GDP của Khánh Hòa. Tiềm lực về cơ sở vật chất, dịch vụ của ngành du lịch đang có bước phát triển mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng.

Tỷ trọng công nghiệp-xây dựng duy trì ở mức khoảng 42% nhưng có sự chuyển dịch về chất. Bước đầu đã hình thành một số ngành kinh tế mũi nhọn như đóng tàu, chế biến, xuất khẩu thủy sản... Nhiều sản phẩm mới của công nghiệp địa phương đã tham gia xuất khẩu và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước như đóng mới, sửa chữa tàu thuyền; chế biến thuốc lá, hạt điều, hải sản, yến sào, đường mật; quần áo may sẵn, sản xuất sợi

Khu vực nông nghiệp có tỷ trọng ngày một giảm, năm 2010 giảm còn 13,58%. Điều đáng lưu ý là tuy tỷ trọng nông nghiệp nhưng được chú trọng đầu tư nhiều mặt về giống cây trồng, vật nuôi, cơ sở vật chất kỹ thuật, khoa học công nghệ, thủy lợi... nên chất lượng tăng trưởng nâng cao. Diện tích cây trồng, số lượng gia súc, gia cầm có giá trị kinh tế cao ngày càng được tăng lên.

3. Về đầu tư phát triển

Vận dụng linh hoạt các chính sách của Trung ương, tỉnh đã đầu tư đúng hướng, chủ động xây dựng cơ chế, huy động được nhiều nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế-xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm 2006-2010 ước đạt 47.490 tỷ đồng [cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2000 - 2005], trong đó, vốn nhà nước chiếm khoảng 34%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 4,8%, các nguồn vốn doanh nghiệp, vốn dân v.v. chiếm 61,2%. Riêng năm 2010, tổng vốn đầu tư trên địa bàn ước đạt 15.524 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2006.

Nhiều công trình, dự án quy mô lớn mang ý nghĩa động lực đối với sự phát triển của tỉnh được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: sân bay Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tế, đại lộ Nguyễn Tất Thành, đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường Khánh Lê - Lâm Đồng, Nhà máy thủy điện EaKrong Rou; hệ thống công viên bờ biển và nhiều khu du lịch, khách sạn đã được xây dựng như Vinpearl, Ana Mandara, Sông Lô, Hòn Tằm, Sunrise, Sài Gòn-Yasaka, Novotel, Sheraton, Trung tâm du lịch Suối khoáng nóng Tháp Bà- Nha Trang...

4. Về xuất - nhập khẩu.

- Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tỉnhnăm 2010 đạt 695 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy hải sản các loại, sửa chữa tàu biển, sản phẩm may mặc, hàng nông sản, gỗ, lâm đặc sản... Hàng hoá của Khánh Hoà đã xuất khẩu đi trên 100 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

-Kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn tỉnhtăng bình quân 16,5%,/năm. Năm 2010 đạt 380 triệu USD. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.

5. Về thu chi ngân sách

- Thu ngân sách. Từ năm 2005 đến nay, Khánh Hòa là một trong các tỉnh, thành có số thu ngân sách lớn nhất cả nước. Thu ngân sách hàng năm tăng bình quân khoảng 18%, trong đó tăng chủ yếu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương21% và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 26%;thu xuất-nhập khẩu tăng nhanh chiếm 33%, thu nội địa [bao gồm cả thu ngoài ngân sách], chiếm 67%. Năm 2010, thu ngân sách nhà nước đạt 8.352 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với năm 2006 và tăng 27% so với năm 2009, trong đó thu xuất nhập khẩu đạt 2.687 tỷ đồng, tăng 24%; thu nội địa đạt 5.665 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2009.

- Chi ngân sách nhà nước địa phương năm 2010 đạt 5.502tỷ đồng [bao gồm cả vốn chuyển nguồn năm 2009 chuyển sang]; trong đó, chi đầu tư phát triển tăng nhanh, ước đạt 2.682 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt khoảng 2.415 tỷ đồng.Chi ngân sách thường xuyên chủ yếu cho việc thực hiện chính sách an sinh xã hội theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của HĐND tỉnh.

6. Đánh giá một số ngành, lĩnh vực

6.1. Dịch vụ, du lịch

Lĩnh vực dịch vụ-du lịch tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, đang vươn lên dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế của Khánh Hòa. Giá trị sản xuất dịch vụ năm 2010 tăng 16,0% so năm 2009, trong đó hoạt động thu thuế xuất nhập khẩu 23,7%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2010 ước đạt 29.500 tỷ đồng, tăng 26,1% so năm 2009.

6.2. Công nghiệp-TTCN

Thời gian qua, ngành công nghiệp Khánh Hòa phát triển tương đối toàn diện, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo bước tăng trưởng đột phá. Khánh Hòa đã vượt lên để trở thành 1 trong top 10 tỉnh/thành phố có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao trong cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp-xây dựng năm 2010 đạt 22.008 tỷ đồng, tăng 15,0%; riêng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.398 tỷ đồng, tăng 10,0%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 14,2%.

6.3. Nông, lâm, ngư nghiệp

Những năm gần đây, mặc dù luôn gặp thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp duy trì mức tăng trưởng 5,5%/năm thời kỳ 2006-2010. Năm 2010, giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản đạt 2.738 tỷ đồng, tăng 2,3% trong đónông nghiệp tăng 1,5%, thủy sản tăng 3,2%, ngành lâm nghiệp giảm so năm 2009. Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành thủy sản vẫn giữ mức tăng trưởng cao nên tỷ trọng ngày càng tăng, chiếm khoảng 50-52%, tỷ trọng ngành nông nghiệp thuần có xu hướng giảm, lâm nghiệp giữ ở mức ổn định.

6.4. Lao động, việc làm và an sinh xã hội

Lao động, việc làm. Bình quân hàng năm đã tạo việc làm mới cho khoảng 22-25.000 lao động. Năm 2009 tạo chỗ việc làm mới được 25.552 lao động, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 200 người. Tổng số người tham gia lao động xã hội trong năm khoảng 547.000 người. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt khoảng 33,4%. Hàng năm Khánh Hòa cử hàng trăm lượt cán bộ, công nhân viên đi học tập và công tác ở nước ngoài v.v. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị vẫn còn cao, năm 2009 là 5,3% và năm 2010 là 5%.

- Đời sống dân cư. Công tác xóa đói giảm nghèo, xóa nhà tạm đã phát huy cao độ các nguồn lực của cộng đồng trong xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn quốc gia giai đoạn 2006-2010 đến năm 2010 giảm xuống còn 1,02%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh giai đoạn 2009-2010 đến năm 2010 giảm xuống còn 8,73%. Đời sống của các tầng lớp dân cư ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên thu nhập và mức sống của dân cư vùng nông thôn còn thấp, nhất là ở vùng sâu vùng xa miền núi, ven biển-hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số [Khánh Sơn, Khánh Vĩnh v.v.]. Vấn đề giải quyết việc làm được quan tâm đúng mức, số lao động được tạo việc làm hàng năm là 25.000 lao động, tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 35%. Tổng số tạo việc làm mới giai đoạn 20062010 là 128.109 người, đạt tỷ lệ 102%, tuyển sinh đào tạo nghề 108.316 người tăng 11,6% so với giai đoạn 2001 2005. Chương trình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội miền núi đã mang lại nhiều kết quả thiết thực.

6.5. Giáo dục -Đào tạo

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và đạt được nhiều thành tựu, phát triển mạnh cả về qui mô và chất lượng. Quy mô giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, từng bước xây dựng xã hội học tập; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì, tiếp tục thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học phổ thông. Hệ thống các trường dạy nghề được đầu tư và mở rộng đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của nền kinh tế.

6.6. Văn hoá, Thông tin và Thể thao

Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao sôi nổi, thiết thực phục vụ nhiệm vụ chính trị, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động văn hóa từng bước được nâng cấp, xây dựng mới. Nhiều sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, nhất là thành công của các kỳ festival biển, các cuộc thi hoa hậu tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh Khánh Hòa và Việt Nam trên thế giới. Toàn tỉnh đã có 95% số cơ quan, hộ gia đình và 50% thôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các hoạt động văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở tiếp tục được phát triển tốt. Hoạt động thể dục thể thao quần chúng có bước phát triển rộng khắp, nhiều bộ môn thể thao thành tích cao tiếp tục được duy trì và đạt được thành tích đáng kể./.

Video liên quan

Chủ Đề