Người ra đề thi tiếng Anh là gì

Đáng nói, đây là đề thi được sử dụng chung cho hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học.

Việc đề thi dễ cũng sẽ góp phần đẩy điểm chuẩn lên rất cao, tạo khó khăn cho các trường trong tuyển sinh. Đặc biệt trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học có nhiều phương thức tuyển sinh như hiện nay, chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển đại học bằng kết quả thi THPT ngày càng giảm.

Một lẽ thường là đề phải đảm bảo được độ phân hóa phù hợp, dải điểm phải có độ dốc hợp lý để có thể phân loại học sinh tốt, tạo thuận lợi cho xét tuyển vào đại học. Thế nhưng, nhiều bạn học sinh lại đánh giá đề khá dễ, có thể làm được 9-10 điểm, thậm chí học sinh không dùng môn này xét tuyển đại học cũng có thể đạt được 7-8 điểm.

Nhiều bài post trong các nhóm trên mạng xã hội đã than thở về chuyện này, và cho rằng, như vậy sẽ là bất công với các bạn dùng khối A để xét tuyển vào đại học, thiệt thòi so với các bạn khối D và khối A1.

Suy luận này thực ra chưa có cơ sở trong bối cảnh chưa công bố điểm thi, chưa chấm thi, chưa có phổ điểm, chỉ mang tính phán đoán. Song chuyện có nhiều sĩ tử khá "chắc" về điểm thi của mình sau khi tham khảo đáp án trên mạng [được các thầy cô giáo luyện thi giải ngay sau khi hết giờ làm bài và đề được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng] khiến tâm lý các bạn có phần căng thẳng, hoang mang về tương lai của mình.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao năm nay đề thi tiếng Anh lại được xem là khá dễ như vậy? Vì sao có nhiều bạn khá chắc nịch về điểm thi tiếng Anh của mình mặc dù chưa công bố điểm thi hay đáp án chính thức?

>> Bốn trở ngại của người đi làm muốn học tiếng Anh

Phổ điểm các năm trước quá thấp

Có thể hiểu được sự an toàn của ngành giáo dục khi họ muốn thay đổi tình trạng này, bởi phổ điểm các năm trước quá thấp, hầu hết rơi vào mức 3-4 điểm. Điều này là bất bình thường khi mà việc học ngoại ngữ đang ngày càng trở nên rất quan trọng trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế. Cùng một chương trình, cùng một đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, song kết quả đạt được [thể hiện một phần trên điểm thi THPT] lại không được như mong muốn.

Nếu lỗi là do người ra đề thi quá khó, không phù hợp với yêu cầu cơ bản của chương trình, học sinh không làm được thì cũng chả trách được năm nay phải cho "nhẹ nhàng" hơn để các thí sinh làm được bài, dễ đạt điểm trung bình.

Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, học sinh phải học trực tuyến, mà học trực tuyến thì chắc chắn không thể hiệu quả như học trực tiếp. Việc ra đề như thế này, thoạt nhìn có thể xem là "phù hợp"... ...đến việc chênh lệch giữa trình độ và khả năng học ngoại ngữ giữa các vùng, nông thôn với thành thị, miền núi với miền xuôi.

Song nếu chỉ nhìn vào phổ điểm thì nó sẽ rất phiến diện. Thực tế mà nói, số lượng điểm 9-10 môn tiếng Anh các năm trước cũng phải nói là tương đối nhiều, nhưng nó lại tập trung ở các thành phố lớn, các khu vực thành thị của những địa phương có truyền thống hiếu học. Còn các tỉnh miền núi, các vùng nông thôn, điều kiện học tập khó khăn hơn, thì điểm thấp vẫn rất nhiều và kéo phổ điểm đi xuống.

Chúng ta đã nói khá nhiều về vấn đề chênh lệch trình độ học ngoại ngữ giữa thành thị với nông thôn, giữa miền xuôi với miền ngược. Phải nói một điều là điều kiện học tập, đặc biệt với môn ngoại ngữ, của các học sinh ở thành thị là tốt hơn rất nhiều so với khu vực miền núi.

Nhiều gia đình ở thành thị không tiếc tiền đầu tư cho con đi học thêm ngoại ngữ [cũng như Toán, Lý, Hóa...] nhằm ôn thi đạt kết quả cao ở các kỳ thi quan trọng. Chưa kể, khả năng tiếp cận với ngoại ngữ, với công nghệ thông tin... ở thành thị tốt hơn khá nhiều so với nông thôn, miền núi.

Chúng ta cần hiểu rằng việc tự học Ngoại ngữ không như Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa, nó không hề dễ dàng mà phải có sự đầu tư bài bản và không phải ai cũng làm được, học được.

Ở các khu vực nông thôn, miền núi, học sinh không có nhiều điều kiện tiếp cận ngoại ngữ hay công nghệ thông tin, không thể có được nhiều ngữ liệu dạy học như thành thị hay miền xuôi, cũng như chất lượng đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ [ở đây là tiếng Anh] và học sinh không thể được như thành thị.

Và đây là một bất lợi rất lớn cho các trường vùng sâu vùng xa. Điểm thi của họ năm nào cũng thấp, kéo phổ điểm cả nước xuống. Đấy là chưa nhắc đến các "lò luyện thi" ở thành thị, đó là vấn đề về dạy thêm, học thêm, khóa luyện đề online... mà nhiều bạn ở nông thôn dù muốn cũng rất khó có được, bởi phải đầu tư một khoản tiền khá lớn [trong khi điều kiện nhiều gia đình không khá giả hoặc khó khăn].

>> Nỗi lo học sinh lệch chuẩn vì giáo viên tiếng Anh phát âm sai

Mà luyện thi ở thành thị thì chắc ai cũng biết, đề thi thử, đề luyện thường rất khó [nếu không muốn nói khó hơn thi thật], hầu như toàn các từ lạ, ít xuất hiện trong sách. Học sinh thành thị được luyện nhiều nên vào phòng thi làm đề này rất nhanh, có người ra khỏi phòng thi hớn hở "Em làm 5-10 phút xong cái đề này và khá chắc điểm cao", "đề thi dễ hơn đề ôn trên trường".

Thực sự là một sự bất công bằng rất lớn. Đặc thù của ngoại ngữ là biết càng nhiều từ vựng, cấu trúc... càng tốt, càng luyện nhiều càng tốt và về yếu tố này, các thí sinh ở thành thị hơn hẳn so với phần còn lại. Thế mới nói điều kiện học tập các môn học nói chung, và ngoại ngữ với cụ thể là tiếng Anh nói riêng, giữa thành thị và nông thôn vẫn có những khoảng cách nhất định mà không thể giải quyết được trong một sớm hay một chiều. Và chúng ta cũng đừng bất ngờ nếu phổ điểm môn tiếng Anh được công bố vẫn bị lệch về mức dưới 5.

Mục đích của kỳ thi

Một lý do nữa có thể dùng để lý giải cho cái đánh giá "đề thi tiếng Anh năm nay dễ" của nhiều giáo viên và học sinh, đó là về mục đích của kỳ thi. Trước đây khi nó mang tên "thi THPT quốc gia" thì kỳ thi này có hai mục đích là xét tốt nghiệp và xét tuyển sinh đại học và chắc chắn có sự phân hóa mạnh ở những mốc điểm cao.

Đề thi sẽ phải đảm bảo độ khó nhất định. Nhưng năm 2020, do đại dịch Covid-19 tác động, kỳ thi chỉ còn mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT thì đề thi cũng phải có xu hướng phù hợp hơn cho mục đích này, nhưng cũng phải có mức phân hóa phù hợp.

Thực tế đề tiếng Anh năm 2020 đã làm tốt mục đích trên, song phổ điểm vẫn còn lệch về mức dưới 5. Thế nhưng năm 2021, khi nhiều thí sinh và giáo viên đánh giá đề thi môn Tiếng Anh quá dễ, thí sinh không dùng môn này xét tuyển đại học cũng có thể giành 7-8 điểm [trong khi đề thi các môn khoa học tự nhiên được đánh giá khá khó], thì liệu có phải đi từ mục đích "xét tốt nghiệp" của kỳ thi, người ra đề muốn các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học tập trực tuyến như học sinh thành thị [trong bối cảnh hai tháng cuối hầu hết các em phải ở nhà ôn tập do dịch bệnh], cũng có thể làm được mức điểm trung bình để đạt mục tiêu tốt nghiệp?

>> Sai lầm cho con học trường quốc tế để 'giỏi tiếng Anh'

Ra đề thế nào để làm thay đổi phổ điểm cho đẹp hơn, thể hiện khách quan trình độ của học sinh không hề dễ dàng. Tất nhiên chưa chấm thi và chưa công bố kết quả thì chưa thể khẳng định được điều gì, song nếu dư luận đánh giá đề thi "quá dễ" như năm nay thì quả thật đó không phải chuyện bình thường. Dường như đối với môn này, Bộ mới đang đặt mục tiêu đảm bảo kiến thức cơ bản để có thể xét tốt nghiệp, đánh giá đúng chuẩn đầu ra theo chương trình chứ chưa tính toán đến độ phân hóa cho các thí sinh xét tuyển đại học?

Bối cảnh dịch bệnh

Có lẽ rằng đây cũng là một trong những yếu tố khách quan để nói đề thi tiếng Anh năm nay có phần dễ thở, nhẹ nhàng hơn. Khi các em đang ôn tập nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi thì đợt 4 của đại dịch bùng phát. Các em lại phải ở nhà ôn tập online, trực tuyến mà rõ ràng thì chất lượng học trực tuyến không thể được như trực tiếp.

Như Bộ Giáo dục cũng từng đã nêu rõ, đề thi năm 2021 được xây dựng giảm độ khó so với đề minh họa. Điều này thì môn tiếng Anh được đánh giá là thể hiện rõ nhất, trong khi các môn toán, lý, hóa, sinh được nhận định là tương đương hoặc khó hơn. Đề thi nhẹ nhàng tạo tâm lý thoải mái khi làm bài cho các sĩ tử, kết thúc êm đẹp 12 năm đèn sách của các em, trong đó 2 năm lớp 11, 12 là hai năm cuối cấp đã phải chịu những tác động tiêu cực của Covid-19.

Chưa nói đến các mặt sâu xa của vấn đề như vấn nạn dạy thêm, học thêm, các khóa luyện thi, luyện giải đề, sự đầu tư mạnh tay của phụ huynh... thì có thể nói 4 lý do trên là 4 điều cơ bản để lý giải vì sao dư luận đánh giá đề thi tiếng Anh năm 2021 là quá dễ.

Đề thi dễ kéo theo việc ảnh hưởng đến cơ hội và khả năng trúng tuyển đại học của các em, nhất là những ngành "hot", đã có nhiều bài post trên các diễn đàn "kêu than" về vấn đề này. Song việc tạo ra một đề thi vừa với mục đích xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học thì không dễ dàng, nhất là đối với Ngoại ngữ [vốn có đặc thù ăn nhau ở mặt "biết hay không", càng thông thạo từ vựng và luyện nhiều thì điểm càng cao, dễ thì sẽ dễ chung].

Cho đến bây giờ, qua các lần tổ chức thi, điểm này vẫn chưa thể khắc phục được triệt để, vì suy cho cùng, đề thi phải đảm bảo được sự công bằng giữa thí sinh thành thị và nông thôn, giữa thí sinh dùng tiếng Anh để thi đại học và chỉ xét tốt nghiệp, giữa nơi có điều kiện học tập và nơi không có điều kiện học tập...

>> Tôi phí tiền học hai khóa tiếng Anh tại trung tâm

Và thực tế, bên cạnh trình độ về môn này của học sinh, thì phổ điểm và dải điểm Ngoại ngữ [nhất là tiếng Anh] cũng phần nào nói lên được cái sâu xa hơn, đó là khoảng cách giàu - nghèo. Thực ra, chúng ta vẫn chưa thể có những giải pháp căn cơ, phù hợp để cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ nói riêng, các môn văn hóa khác nói chung, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền trên cả nước.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư phát triển cơ sở vật chất dạy học ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một quá trình dài hơi, đi đôi với xóa đói giảm nghèo, không phải một sớm, một chiều là làm được ngay.

Ra một đề thi ngoại ngữ phù hợp cho tất cả học sinh trên toàn quốc vừa để làm đẹp và hài hòa phổ điểm, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức cơ bản của học sinh sau 12 năm và phân loại phù hợp để xét tuyển đại học không phải là dễ, đề thi nào cũng có mặt hạn chế của nó, chỉ đảm bảo phần nào được những điều kiện nào đó, đặc biệt đối với những môn học mang tính chất đặc thù như Ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng.

Việc nâng cao chất lượng giáo dục, xóa bỏ hoàn toàn nạn dạy thêm, học thêm, luyện thi [nhằm mục đích kinh tế, trục lợi]... là những việc cần phải được thực hiện, để cải thiện ngay chất lượng giáo dục, tạo sự công bằng cho tất cả học sinh cũng như các khu vực trên cả nước.

Tất cả các môn học cần phải được coi trọng như nhau, đừng để có những chuyện dở khóc dở cười như thí sinh nghèo trường huyện đạt điểm thi rất cao, thậm chí thủ khoa hay á khoa các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, Sử, Địa nhưng điểm tiếng Anh chỉ "vừa qua mốc liệt".

Hải Trung

>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

Đang tải...

Chủ Đề