Quản lý giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa năm 2024

Quản lý giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa năm 2024

Cơ quan Lý luận Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam

Cơ quan Lý luận Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam

TCCS - Với vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của cả nước, thời gian qua, các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để phát huy tối đa các nguồn lực, tạo chuyển biến căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục Thủ đô Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Thủ đô và đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Quản lý giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa năm 2024
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hỏi thăm các em học sinh trên địa bàn huyện Ứng Hòa có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập được tặng xe đạp_Ảnh: TTXVN

Quán triệt và thống nhất nhận thức về đổi mới giáo dục và đào tạo

Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố Hà Nội đã có sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 27-CTr/TU, ngày 17-2-2014 để thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó nêu rõ các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 của từng cấp học; xây dựng 9 giải pháp trọng tâm, cách thức tổ chức thực hiện, đồng thời phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thực hiện chỉ đạo của thành phố, các sở, ngành chức năng, các quận, huyện, thị ủy đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Các hoạt động tuyên truyền, quán triệt ở các địa phương, cơ sở được thực hiện chủ động, sáng tạo bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động. Việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo được gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng kế hoạch, đề án của các cấp, các ngành, trong đó nêu rõ nội dung tham mưu, phân công cụ thể trách nhiệm từ cấp lãnh đạo đến cán bộ thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện bằng các giải pháp thích hợp tạo chuyển biển căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo.

Hằng năm, thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị hướng dẫn triển khai nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW đến toàn thể cán bộ quản lý của khối trung học phổ thông công lập trực thuộc và trưởng phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện, thị xã, trong đó quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo trong hệ thống chính trị.

Hà Nội đặc biệt coi trọng công tác xây dựng tổ chức đảng, phát triển đảng viên, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong các trường học, trước hết là trong đội ngũ giáo viên, nhân viên. Phát huy tinh thần cấp ủy trong các cơ sở giáo dục - đào tạo phải thực sự đi đầu đổi mới, gương mẫu thực hiện và chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân về việc tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, đoàn kết trong đội ngũ giáo viên, viên chức và học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để xây dựng nhà trường, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Hằng năm, căn cứ các mục tiêu, chỉ tiêu của nghị quyết đại hội các cấp, Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy cơ sở xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng chính trị tư tưởng cho đội ngũ đảng viên, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường; triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào, các cuộc vận động của ngành giáo dục và đào tạo.

Kết quả đổi mới giáo dục - đào tạo Hà Nội trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, với sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển, hướng tới mục tiêu đến năm 2025 giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, Hà Nội đã và đang quyết liệt thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học và hướng tới xây dựng xã hội học tập.

Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục - đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học

Quán triệt tinh thần xác định đổi mới chương trình nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; dạy người, dạy chữ và dạy nghề, thành phố Hà Nội thực hiện đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức, pháp luật, ý thức công dân, tập trung vào những giá trị cơ bản của văn hóa, truyền thống, đạo lý dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị cốt lõi và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; hoạt động giáo dục thể chất, kiến thức quốc phòng, an ninh và hướng nghiệp được tăng cường; việc dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học. Ngành giáo dục Thủ đô khuyến khích giáo viên tìm tòi các phương pháp phù hợp để truyền đạt kiến thức cho học sinh, lồng ghép, tích hợp các môn học khác, các hoạt động, phong trào khác với việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh những nội dung dạy học trong chương trình, sách giáo khoa, 100% các cơ sở giáo dục của Hà Nội đã rà soát, điều chỉnh theo nguyên tắc bảo đảm mục tiêu giáo dục, tính lô-gic của mạch kiến thức và thống nhất giữa các môn. Có 100% các trường trung học cơ sở đã tiến hành điều chỉnh và xây dựng kế hoạch dạy học của từng tổ nhóm, phân môn của môn học và đã bước đầu tiến hành các hoạt động dạy học theo chuyên đề nhằm định hướng phát triển năng lực người học. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nội dung dạy học lồng ghép, nội dung giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống trong các môn học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 100% các nhà trường đã đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy các môn học, như tích hợp giáo dục đạo đức, lối sống; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển, đảo; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, giáo dục nếp sống thanh lịch - văn minh; giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tiêu biểu là các trường ở quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Trì, Đống Đa, Long Biên... Căn cứ vào nội dung và yêu cầu cần đạt được của chương trình, các trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục một cách linh hoạt, mềm dẻo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, chuyển dần từng bước từ giáo dục tiếp cận nội dung sang hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất người học và xây dựng nền giáo dục theo hướng mở. Các nhà trường được chủ động lựa chọn không gian tổ chức hoạt động giáo dục ở trong và ngoài nhà trường thông qua một số hình thức chủ yếu, như học lý thuyết, bài tập, thí nghiệm, trò chơi, đóng vai, dự án nghiên cứu, tham quan, cắm trại, đọc sách, sinh hoạt tập thể, phục vụ cộng đồng…

Quản lý giáo dục trong xu thế toàn cầu hóa năm 2024
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội bắt đầu tiết học đầu tiên ở trường sau thời gian dài nghỉ ở nhà để phòng, chống dịch COVID-19_Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, hoạt động đổi mới giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh. Hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong những năm gần đây được thực hiện theo “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ban hành theo Quyết định số 673/QĐ-UBND, ngày 24-1-2014 và Quyết định số 3075/QĐ-UBND, ngày 12-7-2012, nên đã có bước phát triển mạnh. Công tác giáo dục nghề nghiệp trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng kể trong việc đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp cho các ngành kinh tế, các khu công nghiệp... Năm 2018, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh đào tạo được 212.789 lượt người (kế hoạch đặt ra là 179.300 lượt người), đạt 118,67% kế hoạch, tăng 108,56% so với năm 2017, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,18%, hướng tới đạt 70%-75% vào năm 2020. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã quan tâm triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là kỹ năng nghề của người học nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và tạo cơ hội tìm việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp.

Công tác kiểm tra, đánh giá được đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh, bảo đảm thực chất, khách quan, công bằng, đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh. Các kỳ thi đã được tổ chức nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Công tác tuyển sinh các cấp học cũng được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và mang lại hiệu quả cao. Từ năm học 2016 - 2017, thành phố chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo phối hợp với ngành thông tin - truyền thông, các đơn vị liên quan tiến hành xây dựng, triển khai cổng điện tử và phần mềm hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 đạt được nhiều kết quả nổi bật, bảo đảm khoa học, tiện lợi,góp phần tăng cường tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân Thủ đô.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập

Đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục thường xuyên. Hằng năm, tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đều tổ chức “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, đồng thời triển khai có hiệu quả Kế hoạch số 177/KH-UBND, ngày 4-12-2013, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2013 - 2020 thành phố Hà Nội”, tổ chức nhiều chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học, thu hút đông đảo người dân tham gia. Thành phố ban hành văn bản hướng dẫn đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã và chỉ đạo Hội Khuyến học thành phố Hà Nội tổ chức tập huấn cho các phòng giáo dục - đào tạo, hội khuyến học, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên luôn quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học viên, điều tra, nắm bắt nhu cầu học tập của người dân, tận dụng tối đa cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẵn có tại địa phương, tổ chức dạy văn hóa và các chuyên đề bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học. Thành phố cũng chỉ đạo xây dựng thí điểm mỗi quận, huyện, thị xã có từ 2 đến 3 mô hình trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, bền vững; tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý.

Tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống trường học. Trong giai đoạn 2012 - 2017, Hà Nội đã triển khai được 952 dự án cải tạo và xây mới trường học trên toàn thành phố với kinh phí gần 20,4 nghìn tỷ đồng; ngân sách các cấp đầu tư gần 17,7 nghìn tỷ đồng thực hiện 880 dự án; vốn xã hội hóa đầu tư xấp xỉ 2,7 nghìn tỷ đồng thực hiện 72 dự án ngoài ngân sách, xây mới được 5.755 phòng học để thay thế 5.755 phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia đã có bước phát triển vượt bậc, đến tháng 3-2018 tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 52% (1.372/2.641), trong đó trườngcông lập là 62% (1.336/2.155). Thành phố đã phát triển đa dạng hóa các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị. Quan hệ hợp tác quốc tế về giáo dục được mở rộng; đã khuyến khích được nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đầu tư, tài trợ, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và xây dựng một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý. Hà Nội luôn coi trọng công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho cán bộ, giáo viên. Hiện nay, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn cao nhất cả nước; tỷ lệ giáo viên đứng lớp ở các bậc học, cấp học đạt chuẩn là 100%, trong đó tỷ lệ trên chuẩn giáo viên mầm non là 53,5%, tiểu học là 93,8%, trung học cơ sở là 75,6%, trung học phổ thông là 21,3%, giáo dục thường xuyên là 16,5%. Cùng với đó, số giáo viên được công nhận giáo viên dạy giỏi các cấp học đạt tỷ lệ cao. Thành phố phấn đấu đến hết năm 2020, tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở và 80% số giáo viên mầm non của Hà Nội có trình độ từ cao đẳng và đại học trở lên; 30% số giáo viên trung học phổ thôngcó trình độ thạc sĩ trở lên; 100% số cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ ngoại ngữ, tin học đáp ứng được yêu cầu chuẩn chức danh nghề nghiệp...

Công tác quản lý giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng bảo đảm dân chủ, thống nhất, coi trọng chất lượng; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục - đào tạo. Chính sách, cơ chế tài chính cũng được đổi mới theo hướng đẩy mạnh huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trên địa bàn Thủ đô.

Một số giải pháp thời gian tới

Một là, tăng cường đầu tư cho sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Thống nhất nhận thức về vai trò quyết định chất lượng giáo dục - đào tạo của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho thế hệ trẻ nhằm tạo sự đồng thuận cao và huy động sự tham gia của toàn xã hội vào công cuộc đổi mới và phát triển giáo dục.

Hai là, tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo, đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục - đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nâng cao năng lực quản lý ở cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo và ở các cơ sở giáo dục - đào tạo. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục - đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục - đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo. Tăng cường quản lý giáo viên trong thực hiện chương trình dạy học; thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giảng dạy, học tập. Tăng cường công tác thanh tra thường xuyên, định kỳ, thanh tra các kỳ thi; kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm trong hoạt động giáo dục. Chủ động, tích cực thực hiện tốt các hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa nhằm phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa, ý thức pháp luật, ý thức công dân. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, thể chất, hướng nghiệp; chú trọng rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, tích cực. Triển khai đổi mới phương pháp kiểm tra, thi, đánh giá người học ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo. Thực hiện tốt việc kiểm định chất lượng giáo dục. Tôn vinh, khen thưởng xứng đáng các cá nhân, tập thể có thành tích đóng góp nổi bật cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo.

Ba là, nâng cao chất lượng các cơ sở đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu. Tiếp tục rà soát, đánh giá năng lực thực tiễn, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành giáo dục và đào tạo để có kế hoạch bố trí, sắp xếp phù hợp. Chú trọng nâng cao phẩm chất, đạo đức lối sống, tác phong, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của nhà giáo; bảo đảm đội ngũ giáo viên đủ số lượng, đạt chuẩn nghề nghiệp, đồng bộ về cơ cấu và một bộ phận đạttrên chuẩn. Nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng quản lý cho cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Tiếp tục ban hành và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.

Bốn là, tăng cường đầu tư xây dựng hệ thống trường, lớp học theo quy hoạch, bổ sung quỹ đất và sắp xếp lại các trường học trên địa bàn, nâng cao số lượng và chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển trường ngoài công lập ở các khu vực ngoại thành, vùng khó khăn. Tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên cố hóa, hiện đại hóa trường, lớp học, có chính sách hỗ trợ để có mặt bằng xây dựng trường học. Từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo, phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục - đào tạo; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục - đào tạo, phát huy vai trò của hội đồng nhà trường, giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch.

Tăng cường sự phối hợp của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào công tác định hướng, phân luồng học sinh sau trung học. Hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông. Triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của địa phương, doanh nghiệp; mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các trường trung học cơ sở,trung học phổ thông đào tạo kỹ năng nghề trong chương trình hướng nghiệp, nhằm đào tạo nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Sáu là, đầu tư, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các cơ sở giáo dục thường xuyên để xây dựng một hệ thống giáo dục mở, tạo điều kiện cho người dân được học mọi lúc, mọi nơi khi có nhu cầu. Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng trên địa bàn Thủ đô để thúc đẩy xây dựng xã hội học tập ở các cộng đồng dân cư, phục vụ hiệu quả công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế./.