So sánh gen toxa và toxb

Nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”

Chiều ngày 03/12/2021, tại TP.Hạ Long, Sở KH&CN tổ chức Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở “Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh chủ trì thực hiện. Đồng chí Bùi Quang Minh, Phó Giám đốc Sở KH&CN làm Chủ tịch Hội đồng.

Quang cảnh Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.

Thời gian thực hiện nhiệm vụ là 10 tháng. Nhiệm vụ đã đánh giá thực trạng tổ chức diễn tập khu vực phòng thỉ cấp huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; xây dựng bộ tài liệu Quy trình khung [thứ tự, nội dung các bước diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện trong từng giai đoạn] diễn tập khu vực phòng thủ cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Đại diện nhóm thực hiện nhiệm vụ KH&CN trình bày nội dung nghiên cứu tại Hội đồng.

Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao những đóng góp của Chủ nhiệm và Cơ quản chủ trì; phần báo cáo tổng kết và báo cáo tóm tắt có cấu trúc hợp lý, phù hợp với yêu cầu của một báo cáo khoa học. Với kết quả đạt được, Hội đồng nhất trí đánh giá đề tài xếp loại Xuất sắc.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

Đơn vị tiên phong trong phát triển vùng dược liệu bền vững

Được thành lập từ 2010, Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc là đơn vị tiên phong trong phát triển vùng dược liệu bền vững tại Việt Nam với sứ mệnh bảo tồn, ứng dụng và hiện đại hóa nguồn dược liệu quý vào công cuộc chăm sóc sức khỏe của chính người Việt.

Công ty sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã nhận được sự hỗ trợ của tỉnh và Sở KH&CN để thực hiện dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ trồng và chế biến cây dược liệu tại tỉnh Quảng Ninh” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi, giai đoạn 2011-2015.

Phòng Chiết xuất tinh dầu bưởi của Công ty TNHH nuôi trồng sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc

Công ty đã tiếp nhận 12 quy trình công nghệ về nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế sản phẩm của 3 loài cây dược liệu là hoài sơn, giảo cổ lam, ba kích từ Trung tâm Nghiên cứu trồng và Chế biến cây thuốc Hà Nội [Viện Dược liệu, Bộ Y tế]. Đồng thời, Công ty đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hoà [TP Cẩm Phả]. Công ty đã nhân giống và trồng thành công các loại dược liệu: Ba kích, giảo cổ lam, đinh lăng, cà gai leo, diệp hạ châu, dây thìa canh, hoài sơn… với diện tích trên 20ha; đào tạo 10 kỹ thuật viên cơ sở, nắm vững kỹ thuật sản xuất các loại cây dược liệu; xây dựng thành công 3 mô hình về sản xuất giống ba kích và giảo cổ lam; mô hình trồng cây ba kích, giảo cổ lam và hoài sơn; mô hình sơ chế biến và chế biến hoài sơn và giảo cổ lam. Công ty đã phối hợp với một số địa phương Tiên Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân về quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch các loại cây dược liệu.

Đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện dây chuyền công nghệ hiện đại và phát triển quy trình sản xuất, chế biến khép kín từ khâu ươm trồng, nuôi giống, đến sản xuất, chế biến các sản phẩm trên dây chuyền công nghệ hiện đại với 100% nguyên liệu là các loại thảo dược có từ thiên nhiên được trồng và chế biến theo tiêu chuẩn GACP. Hiện các sản phẩm của Công ty sản xuất đều là sản phẩm OCOP và xếp hạng 4 sao, được người tiêu dùng đánh giá cao, như: trà giảo cổ lam; trà bổ gan, trà giải độc gan; trà diệp hạ châu; viên tiểu đường; viên chè vằng; viên giải rượu, giải độc gan...

Có thể thấy, việc đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất dược liệu tại Công ty TNHH nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đã góp phần bảo tồn, phát triển và gia tăng giá trị của các loài cây dược liệu, tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đồng thời góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân vùng trồng dược liệu.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN

Quảng Ninh: Một doanh nhân nhận giải thưởng “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”

Mới đây, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2021. Doanh nhân Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long [TP Hạ Long, Quảng Ninh] vinh dự là 1/63 người trong toàn quốc được nhận danh hiệu này.

Doanh nhân Lê Quang Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long [TP Hạ Long, Quảng Ninh là người rất tâm huyết với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau củ quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng mô hình kinh tế tập thể, chuỗi liên kết sản xuất; tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới cho năng suất, chất lượng cao; xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường…

Hiện nay, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Việt Long do doanh nhân Lê Quang Thắng làm Tổng Giám đốc đang thực hiện có hiệu quả mô hình trồng rau an toàn tại phường Cộng Hòa [TX Quảng Yên], với diện tích gần 40ha và Nhà máy xử lý rác Khe Giang tại xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí.

Được biết đây là lần thứ 9 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì tổ chức Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” cho 63/146 hồ sơ đề cử từ Hội Nông dân tỉnh, thành phố nhằm tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình tiên tiến, có nhiều sáng tạo, cống hiến trong lao động, sản xuất, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền an ninh Tổ quốc.

Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH&CN [Sưu tầm, biên tập]

TIN TRONG NƯỚC

Que thử phát hiện nhanh bệnh hoại tử gan tụy cấp ở tôm

Đây là phương pháp đặc hiệu, đơn giản, cho kết quả trực quan tại thực địa trong vòng 5-10 phút, thay cho các phương pháp cấy phân lập, chẩn đoán mô học, PRC đòi hỏi phải có kỹ thuật viên có trình độ cao và phòng thí nghiệm.

Tại Hội thảo “Ứng dụng que thử phát hiện nhanh hai độc tố ToxA và ToxB của vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp [AHPND] trên tôm nuôi ở Tây Nam Bộ”, do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN TPHCM tổ chức ngày 26/11, PGS. TS Trần Văn Hiếu, Phó chủ nhiệm Khoa Sinh học – Công nghệ sinh học, Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM cho biết, AHPND là một bệnh khiến tôm [sú, thẻ] chết sớm, với tỷ lệ chết lên đến 100%, lây lan nhanh chóng, gây ra bởi vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus mang hai độc tố ToxA, ToxB. Hiện nay, bệnh AHPND chưa có phương pháp điều trị, nên cần có phương pháp chẩn đoán để phát hiện bệnh chính xác, nhanh tại thực địa. Qua đó, người dân có phương án kịp thời để xử lý và thông báo ngay cho cơ quan quản lý thông báo dịch bệnh.

Theo PGS.TS Trần Văn Hiếu, để chẩn đoán bệnh, có thể sử dụng một số phương pháp như nuôi cấy phân lập, chẩn đoán mô học, PRC. Tuy nhiên, các phương pháp này có nhược điểm như tốn nhân công, cần kỹ thuật viên có trình độ cao, phòng thí nghiệm, chứ không thể làm tại thực địa. Vì vậy, người dân khó quyết định được bệnh do tác nhân nào gây ra một cách nhanh chóng.

Que thử do nhóm nghiên cứu sản xuất. Ảnh: NNC

Trước thực tế đó, nhóm tác giả đã nghiên cứu, sản xuất que thử dựa trên tương tác kháng nguyên – kháng thể. Đây là phương pháp đặc hiệu, đơn giản, cho kết quả trực quan nhanh ngay tại thực địa [5 – 10 phút].

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thu thập thông tin và đánh giá toàn diện thực trạng bệnh AHPND trên các tỉnh nuôi tôm lớn của đồng bằng sông Cửu Long như Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang,... Đồng thời, thu các chủng vi khuẩn gây bệnh, giải trình tự gene và phân tích đặc điểm di truyền để cung cấp thông tin toàn diện về cơ chế gây bệnh và khả năng lây truyền. Sau đó, tạo ra các độc tố, thu nhận protein tương ứng, thu kháng thể,… để sản xuất que thử.

Các que thử đã được Trung tâm Chất lượng Nông lâm Thủy sản vùng IV đánh giá có độ đặc hiệu 98 % và độ nhạy 94 %. Thử nghiệm [dùng đầu tôm để test] cho thấy, chỉ trong khoảng 5 phút, cho kết quả chính xác [1 vạch không bệnh, 3 vạch có bệnh]. Que thử đã được giới thiệu và hướng dẫn sử dụng cho người dân nuôi tôm ở một số tỉnh như Bến Tre, Bạc Liêu,...

Theo TS Hiếu, việc sản xuất thành công que thử, góp phần giải quyết bài toán kiểm soát sớm dịch bệnh AHPND. Ngoài ra, đây là công nghệ nền, chỉ cần thay đổi kháng thể là có thể sản xuất ra nhiều que thử cho các bệnh khác nhau trên các đối tượng thủy sản.

Theo Báo Khoa học và Phát triển

Thu hồi nhôm từ vỏ hộp sữa

Bằng phương pháp thủy luyện sử dụng dung dịch amoni hydroxit [NH4OH], nhóm tác giả ở Viện KH&CN và Quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đã tách được các thành phần nhôm, nhựa, giấy ra khỏi vỏ hộp sữa.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 15 tỉ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng [tương đương 150 ngàn tấn] bị thải bỏ. Trong khi đó, 100% vỏ hộp sữa giấy có thể tái chế thành nguồn nguyên liệu và các sản phẩm có ích. Tuy nhiên, vỏ hộp sữa được làm từ nhiều lớp với các thành phần như giấy, nhựa, nhôm nên khó tái chế hơn nhựa. Ngoài ra, vỏ hộp sữa cần được tách các thành phần này thì mới có thể phân hủy được.

Để tách và thu hồi nhôm từ vỏ hộp sữa, công nghệ được sử dụng rộng rãi là hỏa luyện và thủy luyện. Trong đó, hỏa luyện là quá trình hoàn nguyên kim loại ở nhiệt độ cao nên chủ yếu sử dụng lò đốt, tỏa nhiều nhiệt trong môi trường có chất khử mạnh. Vì vậy, phương pháp này thường gây ô nhiễm không khí, do chứa nhiều bụi hoặc các hợp chất hữu cơ độc hại, tỷ lệ thu hồi kim loại không cao.

Thủy luyện là quá trình thu hồi kim loại bằng các phản ứng hoàn nguyên ở nhiệt độ thấp trong dung môi hóa chất nhỏ hơn 100°C. Ngoài ra, phương pháp này dễ dàng kiểm soát các phản ứng hóa học, nên ít phát sinh các chất thải độc hai. Thủy luyện còn dễ vận hành với chi phí thấp, có thể thu hồi được lượng kin loại nhất định. Vì vậy, nhóm tác giả đã thực hiện nghiên cứu việc tách nhôm và nhựa từ vỏ hộp sữa bằng phương pháp thuỷ luyện sử dụng dung dịch NH4OH.

Vỏ hộp sữa sử dụng cho nghiên cứu tách nhôm Ảnh: NNC

Theo đó, vỏ hộp sữa sau khi được thu gom rửa bằng nước sạch nhằm loại vỏ cặn sữa, bụi bẩn và phơi khô, sau đó cắt nhỏ. Ngâm mẫu vỏ sữa đã được cắt nhỏ vào dung dịch NH4OH pha loãng. Dùng máy khuấy từ gia nhiệt được để khuấy trộn điều khiển nhiệt độ dung dịch.

Sau quá trình tiến hành thí nghiệm, nhóm tìm ra nhiệt độ tối ưu để tách nhôm, nhựa và giấy ra khỏi vỏ hộp sữa là 70oC, trong thời gian 30 phút, nồng độ của dung dịch NH4OH là 5 M, kích thước mẫu vỏ sữa [1x1cm], sẽ cho hiệu suất thu hồi cao nhất là 97,82%.

Nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị Khoa học trẻ lần thứ 3 Trường Đại học Công nghiệp TPHCM. Theo nhóm tác giả, đây là nghiên cứu đầu tiên được thử nghiệm ở Việt Nam đối với việc thu hồi nhôm và tách nhựa từ vỏ hộp sữa thải bằng phương pháp thủy luyện, giúp nâng cao giá trị sử dụng của các sản phẩm thải.

Theo Báo Khoa học và Phát triển

Thiết bị đeo thông minh hỗ trợ người khiếm thị di chuyển thuận lợi

Đây là sản phẩm do nhóm tác giả trẻ của Khoa Công nghệ Cơ khí Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nghiên cứu, chế tạo, hỗ trợ người khiếm thị thuận lợi khi di chuyển.

Ở Việt Nam, có hơn 1 triệu người bị khiếm thị, chiếm 1,12% dân số cả nước. Trong đó, hơn 600 nghìn người bị mất hoàn toàn thị giác. Người khiếm thị gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, do đa số còn sử dụng gậy dò đường thủ công. Họ gặp nhiều trở ngại trong việc xác định các chướng ngại vật và định hướng như không thể nhận biết được các vật thể ở chiều cao mà gậy không chạm tới được, dễ mất phương hướng khi đi vào ngõ cụt hoặc khi liên tục phải thay đổi hướng đi, do không thể nhận biết được các vật cản trong quá trình di chuyển. Một nguyên nhân khác khiến việc định hướng của người khiếm thị bị ảnh hưởng là đầu gậy dễ bị biến dạng do tác động vật lý. Chính vì vậy, việc sáng tạo ra những sản phẩm có thể hỗ trợ tốt hơn cho người khiếm thị cần tiếp tục được nghiên cứu để cải thiện.

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và chế tạo thiết bị đeo thông minh, giúp người khiếm thị phát hiện vật cản ở phía trước thông qua cảm biến hồng ngoại, sau đó cảnh báo người dùng bằng cơ chế rung. Thiết bị sử dụng dễ dàng và linh hoạt, có thể chuyển đổi vị trí đeo một cách dễ dàng.

Thiết bị nhỏ gọn có thể đeo nhiều vị trí trên người. Ảnh: NNC

Phần cứng của sản phẩm bao gồm các khối: nguồn, cảm biến, xử lý và chấp hành. Trong đó, khối nguồn là một viên pin sạc Lithium điện áp 3.7V có dung lượng 400 mAh, qua bộ chỉnh lưu xuống điện áp 3.3V cung cấp nguồn cho các khối khác. Ngoài ra, một mạch sạc cho pin cũng được tích hợp vào hệ thống giúp người dùng không cần phải thay thế pin mỗi lần hết dung lượng. Khối cảm biến gồm một cảm biến khoảng cách thời gian bay. Khối xử lý gồm một con vi xử lý 32 bit. Khối chấp hành gồm một động cơ rung.

Các phần cứng được đặt trong một hộp nhỏ có kích thước [4x6x3cm], làm bằng nhựa in 3D nên sản phẩm khá nhẹ [150gr], phù hợp cho việc đeo trên người. Sản phẩm hoạt động dựa trên hai tính năng là phát hiện vật thể và cảnh báo người sử dụng. Khi sản phẩm hoạt động, cảm biến phát ra tia laser và nhận tín hiệu phản xạ từ các vật cản, từ đó xác định khoảng cách giữa người sử dụng đến vật. Khi khoảng cách giữa người sử dụng đến vật cản dưới một mức ngưỡng cụ thể [1m], thì sản phẩm sẽ cảnh báo người sử dụng bằng cơ chế rung. Để sử dụng sản phẩm, người sử dụng chỉ cần thao tác đóng mở công tắc.

Thiết bị phát hiện chính xác 100% vật cản màu sáng cách người 1m nếu ở trong nhà, ngoài trời thì độ chính xác giảm còn 80% ở khoảng cách 80cm. Tuy nhiên, đối với vật cản màu tối thì độ chính xác kém hơn [90% ở trong nhà và 50% ngoài trời].

Do thiết kế nhỏ gọn, sản phẩm có thể linh hoạt đeo ở nhiều vị trí trên cơ thể như tay, nón, giày, đai lưng để có thể phát hiện vật cản ở nhiều tầm khác nhau. Đây là ưu điểm của sản phẩm so với các thiết bị khác [gậy không phát hiện tầm cao, kính không phát hiện tầm thấp]. Tuy nhiên, hiện thiết bị còn một số hạn chế như khoảng cách phát hiện vật còn thấp [dưới 1m], thời lượng pin chưa cao, độ rung còn hơi nhẹ, nên nhóm tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện sản phẩm hơn.

Kết quả nghiên cứu của nhóm vừa được công bố tại Hội nghị khoa học trẻ lần thứ 3 năm 2021 của Trường Đại học Công nghiệp TPHCM.

Theo Báo Khoa học và Phát triển

TIN QUỐC TẾ

Kính kim cương có độ dẫn nhiệt cao nhất

Các chuyên gia dùng áp suất biến đổi một vật liệu carbon thành loại kính mới có tiềm năng đưa vào sản xuất hàng loạt với tính ứng dụng cao.

Nhóm nghiên cứu quốc tế tổng hợp loại kính carbon mới siêu cứng với tiềm năng ứng dụng dồi dào trong các thiết bị và đồ điện tử. Đây là loại kính cứng nhất với độ dẫn nhiệt cao nhất trong số các vật liệu kính hiện nay. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature hôm 24/11.

Cách các nguyên tử liên kết hóa học với nhau và sự sắp xếp cấu trúc của chúng quyết định tính chất vật lý của một vật liệu, bao gồm cả những tính chất có thể quan sát bằng mắt thường và những tính chất chỉ được hé lộ qua phân tích khoa học.

Carbon dẫn đầu về khả năng tạo thành các cấu trúc ổn định, dù đứng một mình hay kết hợp với nguyên tố khác. Một số dạng carbon có cách tổ chức tinh vi với các mạng tinh thể lặp lại. Số khác có trật tự hỗn loạn hơn, được gọi là vô định hình. Loại liên kết giúp gắn kết vật liệu gốc carbon sẽ quyết định độ cứng. Ví dụ, than chì mềm có các liên kết hai chiều còn kim cương cứng có các liên kết ba chiều.

Quá trình xử lý với nhiệt độ thấp và áp suất cao trong phòng thí nghiệm có thể biến vật liệu buckyball thành kính kim cương siêu cứng. Ảnh: Shutterstock

Do nhiệt độ nóng chảy quá cao, kim cương không thể dùng làm vật liệu ban đầu để tổng hợp loại kính giống kim cương. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi chuyên gia Bingbing Liu và Mingguang Yao tại Đại học Cát Lâm đã tạo ra đột phá bằng cách sử dụng dạng carbon gồm 60 phân tử xếp lại thành một quả cầu rỗng. Vật liệu này được gọi là buckyball và từng mang về giải Nobel danh giá.

Trong nghiên cứu mới, nhóm chuyên gia đã nung nóng nó vừa đủ để làm sụp đổ cấu trúc giống quả bóng đá của buckyball, gây ra sự mất trật tự, sau đó biến carbon thành kim cương tinh thể dưới áp suất. Nhóm nghiên cứu sử dụng máy ép dung tích lớn để tổng hợp loại kính giống kim cương. Họ xác nhận các đặc tính của nó bằng nhiều kỹ thuật tiên tiến chuyên dùng để tìm hiểu cấu trúc nguyên tử.

Theo Vnexpress

Vật liệu cách nhiệt làm từ bỏng ngô

Các nhà khoa học Đức phát triển vật liệu cách nhiệt thân thiện với môi trường từ bỏng ngô, thậm chí có thể dùng làm thức ăn cho gia súc.

Khi các chuyên gia trên thế giới đang tìm cách giảm phát thải carbon, ngành xây dựng nhận được sự chú ý lớn. Các công trình tạo ra gần 40% lượng khí thải CO2 toàn cầu mỗi năm, với hơn 10% xuất phát từ vật liệu xây dựng và quá trình thi công.

Cách nhiệt tốt giúp giảm chi phí sưởi cho các công trình, từ đó giảm phát thải CO2. Tuy nhiên, khoảng 90% vật liệu cách nhiệt được làm từ các loại chất dẻo gốc xăng dầu hoặc sợi khoáng. Những vật liệu không tái tạo này thải ra carbon trong quá trình sản xuất và hiếm khi được tái chế khi một tòa nhà bị phá sập, khiến tình trạng ô nhiễm tồi tệ thêm.

Tuy nhiên, bỏng ngô không có những nhược điểm gây hại cho môi trường và con người như polystyrene. Polystyrene không phân hủy sinh học và đôi khi sinh vật biển ăn nó vì nhầm là thức ăn. Vật liệu này cũng liên quan đến ung thư, mất thị lực và thính lực, suy giảm trí nhớ và ảnh hưởng đến hệ thần kinh ở người.

Vật liệu cách nhiệt làm từ bỏng ngô. Ảnh: Đại học Gottingen

Nhóm nghiên cứu sản xuất vật liệu mới bằng cách nghiền ngô thành hạt nhỏ, sau đó sử dụng hơi nước áp suất cao để làm nở chúng. Tiếp theo, họ trộn một chất kết dính có nguồn gốc từ protein thực vật với các hạt đã nở. Hỗn hợp này sau đó được ép vào khuôn. Khi chất kết dính đã cứng lại, khối vật liệu được lấy ra khỏi khuôn và sẵn sàng để sử dụng.

Không chỉ cách nhiệt, loại xốp mới còn khó cháy và có thể nghiền nhỏ để tái sử dụng, dùng để sản xuất biogas, thậm chí làm thức ăn cho gia súc. Ngoài hạt, các phần bỏ đi như lõi ngô gãy có thể được tận dụng trong quá trình sản xuất vật liệu mới.

Nhóm nghiên cứu đang hợp tác với tập đoàn Bachl của Đức để thương mại hóa vật liệu mới và sử dụng chúng làm vật liệu cách nhiệt cho các công trình. Một số ứng dụng tiềm năng khác là dùng làm bao bì cách nhiệt, vỏ bảo vệ, các bộ phận của thiết bị thể thao và ôtô.

Theo Vnexpress

Tiểu hành tinh sắp đi ngang qua Trái đất có sức hủy diệt hơn bom nguyên tử

Tiểu hành tinh khổng lồ đi ngang qua Trái đất vào tháng 12 có thể gây ra sức hủy diệt lớn hơn cả bom nguyên tử.

Science Times đưa tin, thiết bị theo dõi tiểu hành tinh của NASA phát hiện một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2018 AH đang hướng về Trái đất và có khả năng sẽ đi ngang qua Trái đất vào ngày 27.12. Nó lớn hơn tượng đài Washington với chiều dài khoảng 190m.

Các nhà khoa học cho biết 2018 AH có thể so sánh với tiểu hành tinh đã phát nổ trên sông Podkamennaya Tunguska ở Siberia, Nga, hơn 100 năm trước vào ngày 30.6.1908. Tác động của nó được cho là lớn hơn sức tàn phá do bom nguyên tử gây ra.

Theo một bài báo của Jerusalem Post, 2018 AH đang hướng tới Trái đất nhưng không có khả năng va vào hành tinh của chúng ta. Nó sẽ bay ngang qua Trái đất ở khoảng cách 4,5 triệu km.

Minh họa tiểu hành tinh bay gần Trái đất. Ảnh: AFP

Đây không phải là lần đầu tiên tiểu hành tinh này đến gần Trái đất. Hãng tin Watchers của Iceland năm 2018 đưa tin, 2018 AH - mới được phát hiện năm đó - đã bay qua Trái đất ở khoảng cách rất gần là 297.000km. Để so sánh, khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất là 384.000km.

Mặc dù thời điểm đó nó ở gần Trái đất hơn Mặt trăng, nhưng không được chú ý tới vì nó quá mờ đến nỗi các nhà khoa học không thể nhìn thấy. Họ chỉ nhận thấy tiểu hành tinh này 2 ngày sau khi nó tiến gần tới Trái đất.

2018 AH thuộc nhóm tiểu hành tinh phổ biến nhất - nhóm tiểu hành tinh Apollo. Nó cũng là vật thể lớn nhất bay gần Trái đất hơn Mặt trăng kể từ năm 2011.

Kể từ 2018 AH, không có tiểu hành tinh nào có kích thước như vậy đến gần hành tinh xanh. Tuy nhiên, một tiểu hành tinh khổng lồ có tên là 2001 WNS, dài gần 1km, dự kiến sẽ bay qua Trái đất vào ngày 26.6.2028. Nhưng giống như AH 2018, tiểu hành tinh này cũng sẽ không va vào Trái đất và sẽ chỉ đi ngang qua ở khoảng cách an toàn là 249.000km.

Chủ Đề