So sánh ngành luật cũa việt nam và nước khác

TS. PHẠM THỊ GIANG THU – ĐH LUẬT HÀ NỘI

Từ cuối những năm 1990, việc sử dụng những kiến thức pháp luật nước ngoài phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy hệ thống pháp luật Việt Nam đã trở thành phổ biến. Rất nhiều công trình nghiên cứu ở cấp độ khác nhau đã sử dụng pháp luật nước ngoài làm nguồn tài liệu tham khảo quan trọng [luận văn, luận án, đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành luật], các tài liệu được sử dụng một cách chính thức [giáo trình] và nó

là một phần quan trọng trong nội dung giảng dạy cho các đối tượng học của giáo viên Trường Đại học Luật Hà Nội. Rõ ràng không thể phủ nhận vị trí của việc nghiên cứu, sử dụng kiến thức pháp luật nước ngoài trong giai đoạn hiện nay. Tuy vậy, cũng còn có một vài tranh luận liên quan đến việc sử dụng pháp luật nước ngoài như thế nào, đến đâu để đảm bảo tính hợp lý và hữu ích của từng vấn đề nghiên cứu, đặc biệt đối với lĩnh vực luật chuyên ngành. Là cán bộ nghiên cứu nhưng không chuyên sâu lĩnh vực luật so sánh, chúng tôi nhận thấy cần phải đề ra những yêu cầu, tiêu chí cụ thể trong việc so sánh pháp luật trong nội dung chuyên môn của mình, đảm bảo hiệu quả của nội dung nghiên cứu. Đây cũng đồng thời là mong muốn cá nhân trao đổi chuyên môn với các đồng nghiệp với mục đích tìm kiếm những tiêu chí chung trong nghiên cứu và giảng dạy. Với những lý do đó, chúng tôi xin được trao đổi một số ý kiến cá nhân về vấn đề này.

Thứ nhất, những yêu cầu cơ bản cho việc so sánh pháp luật

Về cánh hiểu so sánh pháp luật, với tư cách là một bộ phận của Luật so sánh[1], một vấn đề pháp luật [hoặc tổng thể hệ thống pháp luật] được đưa ra so sánh với hệ thống luật quốc gia khác [hoặc nhóm quốc gia khác] trong bối cảnh tổng thể của nó. Đây cũng chính là sự khác biệt giữa so sánh luật và so sánh pháp luật bởi lẽ việc so sánh luật theo cách hiểu của chúng tôi, là nội hàm của so sánh pháp luật. Trong so sánh luật, các văn bản pháp luật cụ thể được xem xét tách rời với một số yếu tố kinh tế xã hội, chính trị khác [đây là những yếu tố mang tính động cao]. Cách so sánh luật cũng có những ưu điểm nhất định, mà trước hết là tìm thấy sự tương đồng hay khác biệt theo nghĩa cơ học của từng qui định pháp luật; mặt khác, cách so sánh này sẽ giúp ích nhiều cho các đối tượng tham gia vào hoạt động có yếu tố nước ngoài [hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, các vấn đề về hôn nhân gia đình…]. Bên cạnh đó, so sánh luật một cách đơn thuần có những nhược điểm không thể phủ nhận khi xem xét các điểm tương đồng hay khác biệt, mức độ và phạm vi điều chỉnh cũng như nguyên nhân sâu xa của việc ban hành văn bản pháp luật cụ thể đó… Điều này sẽ thể hiện một cách rõ ràng nếu đem so sánh luật phục vụ cho công tác nghiên cứu, học tập, bởi lẽ chúng không chỉ ra cội nguồn của sự tương đồng hay khác biệt đó, có thể dẫn tới những đánh giá lệch lạc về một văn bản pháp luật cụ thể.

Với phân tích trên, chúng tôi muốn đề cập tới việc phải đặt hệ thống pháp luật dự định so sánh vào bối cảnh lịch sử cụ thể. Hệ thống pháp luật của một quốc gia, trong mỗi thời kỳ được hình thành dựa trên rất nhiều các yếu tố chi phối, tác động, mà trước hết bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, đặc điểm văn hoá, truyền thống dân tộc, truyền thống lập pháp của quốc gia đó, mà không đơn thuần phản ánh ý chí của một giai cấp. Bên cạnh đó, một hệ thống pháp luật có hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào các biện pháp thực thi pháp luật, vào ý thức pháp luật của cộng đồng dân cư quốc gia đó. Như vậy, rõ ràng, với một hệ thống pháp luật cụ thể, nếu nó được đặt trong bối cảnh cụ thể, cho dù mức độ tương đồng đến đâu, chắc chắn cũng có sự khác biệt với hệ thống pháp luật của quốc gia khác, mà không thể là sự rập khuôn, sao chép pháp luật. Chẳng hạn, hệ thống pháp luật Pháp có rất nhiều điểm tương đồng với hệ thống pháp luật Đức, nhưng giữa chúng có rất nhiều điểm khác biệt. Điều này được qui định bởi chính các yếu tố riêng về chính trị xã hội và truyền thống, tính dân tộc của hai quốc gia đó. Điều này cũng giải thích: việc so sánh pháp luật, nghiên cứu pháp luật của các quốc gia, đối với các nhà làm luật hay nghiên cứu pháp luật chỉ có thể sử dụng kết quả nghiên cứu như một phương án tham khảo, học tập, đánh giá ưu, nhược điểm của hệ thống pháp luật trong tổng thể bối cảnh của chúng, mà không thể coi đó là “những ưu việt nổi trội” so với pháp luật quốc gia khác. Điều này có vẻ mang tính lý thuyết nhưng lại đang là một nguy cơ khi nghiên cứu pháp luật một số nước phát triển [Đức, Pháp, Hoa Kỳ…] và cho rằng pháp luật Việt Nam trong thời gian gần nhất phải qui định tương tự như vậy. Chúng tôi cho rằng, không thể phủ nhận những thành tựu mà hệ thống pháp luật các nước phát triển đã đem lại cho quốc gia đó và sức ảnh hưởng của nó đối với hệ thống pháp luật các quốc gia khác. Tuy vậy, hệ thống pháp luật “văn minh” chỉ có thể đặt trong một nền kinh tế, nền văn hoá pháp lý đến trình độ nhất định. Sẽ là không tưởng và không đạt được hiệu quả khi sao chép hệ thống pháp luật ấy vào một đất nước có nền kinh tế, văn hoá pháp lý như Việt Nam. Chẳng hạn, khi nói đến hệ thống pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán, không ai không nhắc đến Luật Chứng khoán 1933 [Securities Act of 1933 As Amended] và Luật Giao dịch chứng khoán 1934 [Securities Exchange Act of 1934 as Amended] [cùng với những sửa đổi bổ sung qua các giai đoạn] của Hoa Kỳ, nhưng nếu sao chép những qui định này để áp dụng cho thị trường chứng khoán Việt Nam thì thật khó hình dung về hiệu quả pháp luật và tính khả thi của pháp luật, bởi lẽ chúng được ban hành dựa trên nền kinh tế thị trường Hoa Kỳ đã hình thành và phát triển trước đó 200 năm. Hoặc những qui định “vén màn” [prevail] trong Luật Công ty của Hoa Kỳ không thể áp dụng cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam những năm 1990 do các qui định pháp lý khác [qui định về kiểm toán, kế toán thống kê] chưa cho phép thực hiện và ngay trong giai đoạn hiện tại, nếu áp dụng qui định này cho tất cả các công ty, có lẽ tính khả thi sẽ không thực hiện được.

Bên cạnh việc đặt hệ thống pháp luật trong tổng thể môi trường của nó, cũng cần phải có một số yêu cầu cụ thể khác trong quá trình thực hiện so sánh. Trước hết, phải loại trừ nguy cơ “nghiên cứu pháp luật nước ngoài với suy luận rằng các thiết chế pháp luật, khái niệm luật và phương pháp nghiên cứu của luật trong nước cũng tồn tại trong hệ thống pháp luật nước ngoài”[1] và ngược lại. ở đây không đặt ra vấn đề: nhà nghiên cứu đó đề cao hay không đề cao những tư tưởng, phương pháp nghiên cứu luật trong nước mà chúng tôi muốn chỉ ra rằng, nếu sử dụng không đúng phương pháp, cách thức đặt vấn đề, nhà nghiên cứu tự thân họ làm méo đi đối tượng nghiên cứu. Hình dung một cách đơn giản, nếu chúng ta xem xét Luật công bằng [Equity Law] theo con mắt của các nhà nghiên cứu luật học “thuần Việt”, sẽ không thể có cách giải thích đầy đủ, thuyết phục về chúng, bởi lẽ, hệ thống pháp luật Việt Nam [và rất nhiều các quốc gia khác], không đặt ra “Luật Công bằng”. Nhìn nhận ở góc độ chi tiết hơn, nếu khẳng định Ngân hàng Trung ương ở các quốc gia cũng có chức năng, vị trí như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vì đây là hai thiết chế giống nhau cũng dẫn đến kết quả sai lầm tương tự. Với tất cả các ví dụ trên, đều có thể đi đến kết luận: cần phải nhìn nhận hệ thống pháp luật – đối tượng nghiên cứu trong một chỉnh thể thống nhất của nó. Với lập luận đó, nghiên cứu một hệ thống luật [hoặc một lĩnh vực pháp luật chuyên ngành] cũng cần phải được thoát ly khỏi ràng buộc của pháp luật nước nhà. Điều này dường như không tưởng bởi lẽ thực tế các nhà nghiên cứu vẫn mang nặng tư tưởng của pháp luật nước nhà. Những kết quả nghiên cứu, học tập ban đầu thường có ảnh hưởng lớn đến những đánh giá cho cả quá trình làm việc của người học. Vì vậy việc nghiên cứu độc lậph hệ thống pháp luật nước ngoài thường gây trở ngại ban đầu cho nhà nghiên cứu.

Phải sử dụng đúng, chính xác nguồn thông tin, đó cũng là một yêu cầu cơ bản của việc so sánh pháp luật. Michael Bogdan – nhà luật học so sánh Thụy Điển đã cho rằng nguồn thông tin phải đáp ứng được tính phổ biến và đáng tin cậy. Do yêu cầu của việc so sánh, thông thường phương án tốt nhất để sử dụng nguồn thông tin là các tài liệu với ngôn ngữ gốc. Tuy vậy, điều này cũng hoàn toàn không phải dễ dàng bởi lẽ có rất nhiều quốc gia [nhóm quốc gia] sử dụng ngôn ngữ không phổ biến. Trường hợp tiếp theo được lựa chọn là các tài liệu pháp luật của quốc gia đó được đăng tải bằng ngôn ngữ phổ biến do chính quốc gia đó phát hành [để đảm bảo tính sát thực về nghĩa của các văn bản dịch]. Trường hợp nếu hạn chế về tiếng nước ngoài, nhà nghiên cứu mới nên sử dụng tiếng Việt nhưng cũng nên lựa chọn cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm dịch và công bố những văn bản đó bằng tiếng Việt.

Việc xác so sánh mức độ điều chỉnh đối với một lĩnh vực [kể cả cùng với các bối cảnh ra đời của chúng] cũng cần phải được đánh giá trong một chỉnh thể đầy đủ, kể cả các nguyên tắc. Không thể do không tìm thấy một vấn đề không được ghi nhận tại văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực đó mà có ngay nhận xét chúng thiếu đầy đủ, không đồng bộ bởi rất nhiều trường hợp đã được qui định chi tiết ở một văn bản pháp luật khác, kể cả một nguyên tắc khác. Một quan hệ xã hội không đơn giản hình thành và được điều chỉnh bằng duy nhất một văn bản pháp luật. Học giả nổi tiếng người Pháp Réne David đã lưu ý “pháp luật ở những nguồn tài liệu chính thức không phải là yếu tố duy nhất hình thành nên các quan hệ xã hội. Những qui phạm và thủ tục pháp lý mà chúng ta cho là quan trọng, ở môi trường khác có thể chỉ có ý nghĩa trợ giúp rất nhỏ bởi vì quan hệ xã hội được dựa trên những nguyên tắc khác”[1]. Chẳng hạn, khái niệm chứng khoán được ghi nhận trong Luật Chứng khoán Hoa Kỳ, nhưng lại không được ghi nhận trong Luật Chứng khoán Trung Quốc hay trong Luật Chứng khoán Liên bang Nga.

Thứ hai, xác định mục đích của việc so sánh luật. Bao giờ người thực hiện quá trình so sánh cũng phải đặt ra mục tiêu cụ thể định trước, để đảm bảo tính hiệu quả trong quá trình lao động của mình. Thực tế cho thấy, khi tiến hành so sánh pháp luật, người thực hiện so sánh có thể nhằm một [hoặc một số] mục tiêu sau đây

Một là thực hiện so sánh nhằm mục đích tìm ra kết quả mang tính lý thuyết: so sánh giữa hai hệ thống luật, giữa pháp luật quốc gia này và pháp luật của một [một số quốc gia] khác. Trong trường hợp này, theo ý kiến chúng tôi, sẽ là hợp lý khi chúng ta so sánh những vấn đề mang tính nguyên tắc chung, yêu cầu chung cho một lĩnh vực điều chỉnh của pháp luật. Đây đồng thời cũng là yêu cầu khi so sánh phục vụ cho công tác giảng dạy, nghiên cứu những mảng pháp luật cụ thể. Nếu đi sâu vào những qui định quá chi tiết, dường như cần phải đặt mỗi qui phạm [nhóm qui phạm] của một quốc gia cùng điều chỉnh một vấn đề bên cạnh rất nhiều yếu tố tác động khác và làm phức tạp thêm quá trình nghiên cứu. Chúng tôi cho rằng, để có kết quả thiết thực sau khi thực hiện nghiên cứu, nên lựa chọn hệ thống pháp luật theo ba nhóm chủ yếu.

Trường hợp nghiên cứu hệ thống pháp luật của các nước phát triển, chẳng hạn như Anh, Hoa Kỳ [khối nước phát triển có hệ thống pháp luật án lệ] hoặc Đức, Pháp [khối nước phát triển có hệ thống luật thành văn]. Kết quả nghiên cứu hệ thống pháp luật của các nước phát triển có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, bởi lẽ đó có thể được coi là một đáp án cho bài toán của một quốc gia mong muốn xây dựng nền kinh tế thị trường phát triển. Cho dù tính định hướng xã hội chủ nghĩa được thể hiện xuyên xuốt quá trình phát triển nền kinh tế, pháp luật Việt Nam có lẽ cũng phải tuân thủ, đáp ứng những yêu cầu đặt ra của các qui luật vận động của nền kinh tế thị trường mà chúng ta đang mong muốn xây dựng.

Trường hợp nghiên cứu hệ thống pháp luật của quốc gia có đặc điểm kinh tế xã hội tương đồng với Việt Nam, chẳng hạn như Trung Quốc [vẫn duy trì tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong chế độ chính trị và kinh tế] hoặc Liên bang Nga. Đây đều là những nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam, vì vậy hệ thống pháp luật của các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi có giá trị tham khảo lớn đối với hệ thống pháp luật Việt Nam trong giai đoạn cụ thể hiện nay. Việc tìm hiểu, đánh giá hệ thống pháp luật qua từng giai đoạn sẽ cho chúng ta những cơ hội bỏ qua giai đoạn thử nghiệm, rút ngắn thời gian thực hiện quá trình chuyển đổi mà không bị “chệch hướng” hay gây ra thiệt hại cho nền kinh tế. Những kinh nghiệm, kết quả trao đổi về hệ thống pháp luật, về kinh nghiệm quả lý kinh tế giữa các chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam là ví dụ cụ thể. Cũng cần lưu ý thêm, đối với các nước có nền kinh tế chuyển đổi [trong đó có Việt Nam], giai đoạn này thường đặt ra những vấn đề mang tính lý luận, khái quát, thể hiện ngay chính trong các khái niệm, dấu hiện được ghi nhận tại các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý khác nhau. Đây cũng là điểm khác nếu so sánh với các qui định pháp luật của các nước phát triển, thường nhà làm luật không đặt vấn đề theo cách trên, pháp luật qui định những vấn đề rất cụ thể để đạt được mục tiêu hiệu quả điều chỉnh pháp luật [đến mức dường như chúng ta cảm thấy họ không quan tâm tới các vấn đề lý luận, nhưng thực sự không phải như vậy]. Chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể giải thích được điều đó, bởi lẽ, bản thân các nhà nghiên cứu, nhà làm luật của các nước có nền kinh tế chuyển đổi hiện nay cũng “đang trong quá trình chuyển đổi”, vì vậy, việc nghiên cứu sâu sắc hoặc qui định những vấn đề mang tính khái quát lại là cần thiết. Chẳng hạn, nếu trong giai đoạn của nền kinh tế tập trung, khái niệm phát hành chứng khoán chưa được đề cập nhưng đó lại là vấn đề hết sức phổ biến và đã tồn tại lâu dài trong nền kinh tế thị trường.

Trường hợp nghiên cứu hệ thống pháp luật của quốc gia có những ảnh hưởng nhất định hoặc có mối quan hệ thường xuyên với Việt Nam, chẳng hạn các nước trong khu vực ASEAN… Các nước trong một khu vực thường có sự chi phối giao lưu, ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế, đối với đời sống văn hoá, chính trị và kể cả đối với con người với nhau. Điều này lại càng thể hiện rõ ràng hơn trong giai đoạn cụ thể hiện nay. Vì vậy, việc nghiên cứu hệ thống các nước trong khu vực là cần thiết để giải quyết tất cả các mối quan hệ, ràng buộc một cách tự nhiên nêu trên.

Hai là nhằm mục đích xem xét đánh giá cả hệ thống pháp luật hay từng văn bản pháp luật, theo đó sẽ đưa ra những phương án chỉnh sửa, bãi bỏ, bổ sung. Với mục tiêu này, việc nghiên cứu phải được thực hiện với nhiều nội dung đồng bộ khác nhau. Trước hết, phải lựa chọn hệ thống luật để tiến hành so sánh trongg bối cảnh tổng thể của chúng. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu đến mức chi tiết bối cảnh của từng qui định pháp luật cũng cần được mổ xẻ để có được bài học kinh nghiệm.

Ba là nhằm mục đích giải quyết một vụ việc cụ thể. Yêu cầu của việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài trong trường hợp này lại hoàn toàn khác. Trường hợp so sánh nhằm giải quyết các vụ việc cụ thể [chẳng hạn một vụ án cụ thể, một hợp đồng thương mại quốc tế], việc tìm hiểu [và phải hiểu rõ] để tìm thấy điểm tương đồng, khác biệt giữa hệ qui định của pháp luật Việt Nam với qui định của quốc gia có liên quan [nơi sẽ lựa chọn làm nước có luật áp dụng]. Việc sử dụng pháp luật nước ngoài cũng không chỉ có ý nghĩa so sánh mà cụ thể hơn, đó là áp dụng pháp luật. Điều này là hiển nhiên bởi lẽ chỉ có như vậy mới giải quyết tốt các vụ việc cụ thể đó. Mặc dù không nằm trong phạm vi trao đổi của bài viết này, nhưng cũng phải thừa nhận rằng, đây là một điểm vừa yếu vừa thiếu của nhiều luật gia, luật sư và kể cả các cán bộ nghiên cứu pháp luật ở Việt Nam. Những bài học của Uỷ ban Thể dục thể thao, của Hàng không Việt Nam, của Vận tải biển vẫn đang là hiện hữu. Để giải quyết được mục tiêu này, việc tìm hiểu đến mức chi tiết nhất các qui định pháp luật của quốc gia đó là hoàn toàn cần thiết và mang tính bắt buộc.

Thứ ba, việc sử dụng pháp luật nước ngoài đối với các lĩnh vực chuyên ngành

Trong lĩnh vực chuyên ngành, cho dù có theo quan điểm phân chia ngành luật như thế nào, chúng ta cũng phải thừa nhận, đời sống kinh tế xã hội bao gồm nhiều lĩnh vực cụ thể khác nhau và ở những mức độ khác nhau, pháp luật đều điều chỉnh chúng. Vì vậy, các chuyên gia, các đối tượng tuân thủ hay áp dụng pháp luật trong từng lĩnh vực của mình cũng cần phải biết trước hết hệ thống văn bản pháp luật trong nước về vấn đề đó, ở đây đã thể hiện sự chuyên biệt khá rõ ràng. Sẽ là tốt hơn nếu họ hiểu biết pháp luật nước ngoài điều chỉnh vấn đề tương tự. Câu hỏi đặt ra là, việc nghiên cứu và sử dụng pháp luật nước ngoài trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành cần phải tiến hành như thế nào? Theo chúng tôi, ngoài các tiêu chí đã được xác định ở nội dung thứ nhất và thứ hai, cần lưu ý thêm một số điểm

Một là, xác định pháp luật nước ngoài có điều chỉnh/ đã điều chỉnh lĩnh vực đó chưa? Mỗi quốc gia đều đề cao “chủ quyền quốc gia” nhưng kết quả cuối cùng của việc điều chỉnh pháp luật thì không thể khác, đó là mong muốn có một xã hội tốt đẹp hơn. Vì vậy, Michael Bogdan đã nhận xét khi so sánh về nội dung luật thực định của các qui phạm pháp luật của các nước nằm trong hệ thống luật khác nhau và được nhiều chuyên gia đồng thuận “các hệ thống luật châu Âu lục địa và pháp luật Anh – Mỹ Rheinstien dự đoán khoảng 80% các vụ việc thuộc luật tư đều đi đến kết quả giống nhau cho dù chúng được sảy ra và được xét xử tại Mỹ, Canada, Pháp, Achentina hay Nhật Bản”[1]. Một lĩnh vực kinh tế xã hội cụ thể cũng có thể được điều chỉnh hoặc chưa được điều chỉnh tại một quốc gia nhất định, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Đối với từng trường hợp đều có thể giúp cho nhà nghiên cứu có được những đánh giá cụ thể. Chẳng hạn, trong giai đoạn hiện nay, việc một quốc gia đã ban hành hay chưa những qui định pháp luật cụ thể về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp sẽ rất cần thiết đối với nhà nghiên cứu giảng dạy pháp luật chuyên ngành đó của Việt Nam trong sự so sánh đánh giá pháp luật Việt Nam với pháp luật quốc gia khác, với cộng đồng quốc tế.

Hai là, mức độ điều chỉnh của pháp luật nước ngoài đối với lĩnh vực đang cần nghiên cứu xem xét đến đâu [phạm vi điều chỉnh]. Trong phần đầu của bài viết, chúng tôi cũng đã đề cập đến việc xem xét phạm vi điều chỉnh của pháp luật, nhưng ở dưới góc độ chung. Trong mục này, chúng tôi muốn xem xét theo khía cạnh lĩnh vực pháp luật chuyên ngành. Nếu một văn bản pháp luật, hay tổng thể các qui định pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực thường đề cập, qui định những nội dung nào, cách thức điều chỉnh cùng với những loại trừ trong phạm vi điều chỉnh của các văn bản ấy. Đó cũng là bài học hay là kết quả so sánh tốt trong công tác nghiên cứu. Chẳng hạn, khi nói đến pháp luật thương phiếu, văn bản pháp luật các quốc gia thường coi nó là cơ sở pháp lý để phát hành các giấy tờ có giá của các thương nhân, dựa trên đó, việc chuyển nhượng, giao dịch các thương phiếu sẽ tạo điều kiện hình thành các loại giao dịch mới. Nếu như vậy, bài học cho việc ban hành pháp luật thương phiếu của Việt Nam sẽ là: do giới hạn phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh thương phiếu nên trong thực tế, văn bản này không có khả năng áp dụng, kể cả đối với hoạt động chiết khấu các giấy tờ có giá của các tổ chức tín dụng hiện nay…

Ba là, xem xét về hiệu lực pháp lý. Về nguyên tắc áp dụng luật, văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao sẽ tránh nguy cơ bị hạn chế áp dụng bởi văn bản pháp luật khác, có tính ổn định và qui trình ban hành chặt chẽ. Điều này là lý tưởng đối với các quốc gia có kinh tế xã hội phát triển ổn định, cơ sở phát triển bền vững, có hệ thống luật được kế thừa và có các nhà làm luật có khả năng dự đoán sự phát triển xã hội lâu dài. Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản pháp luật có hiệu lực cao cũng gây ra nhưng khó khăn nhất định, điều này lý giải vì sao các quốc gia có nền kinh tế chưa ổn định, hoặc các quốc giâ có nền kinh tế chuyển đổi thường lựa chọn việc ban hành văn bản có hiệu lực pháp lý không cao, điều chỉnh những vấn đề nhay cảm trong thời gian đầu với mục đích đưa dần vào ổn định. ở đây chúng tôi hoàn toàn không có ý định “bênh vực” cho hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực rất mới của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam như thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm, trong thời gian đầu hoạt động dựa trên các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý không cao mà như một phương án tìm kiếm quốc gia phù hợp với mục đích nghiên cứu của mình, đảm bảo giá trị của kết quả nghiên cứu.

Bốn là, trong những trường hợp cần thiết có thể xem xét, so sánh từng mảng vấn đề cụ thể về tính chi tiết, cụ thể trong cơ cấu của văn bản pháp luật. Điều này sẽ giúp ích cho việc đánh giá hệ thống pháp luật chuyên ngành quốc gia đó [kể cả Việt Nam] đã đáp ứng hay chưa việc tuân thủ các cam kết hay các nguyên tắc chung [mà chúng ta vẫn xác định đó là các nguyên tắc quốc tế]. Chẳng hạn, đánh giá về hệ thống luật chuyên ngành ở Việt Nam, có nhiều quan điểm cho rằng “chưa đạt được yêu cầu về sự minh bạch, công khai”. Nhận xét này xuất phát từ quan điểm cho rằng nhiều qui định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có hiệu lực pháp lý cao như Luật Doanh nghiệp, các Luật Thuế, các điều khoản còn qui định mang tính chung chung, thiếu rõ ràng… Bên cạnh những lý giải nguyên nhân vì sao các nhà làm luật Việt Nam lại ban hành những qui định pháp luật như vậy, việc đưa ra xem xét tính chi tiết, cụ thể của văn bản pháp luật Việt Nam với văn bản pháp luật nước ngoài được lựa chọn cũng hoàn toàn là cần thiết.

Thứ tư, có phải mọi nội dung kể cả giảng dạy, nghiên cứu hay công tác biên soạn giáo trình đều cần thiết phải sử dụng việc so sánh luật?

Với những phân tích trên cho thấy việc sử dụng pháp luật nước ngoài cho công tác nghiên cứu, giảng dạy ở Việt Nam là rất quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn băn khoăn với câu hỏi đặt ra cho chính mình. Đó là có phải việc nghiên cứu pháp luật nước ngoài cần được thể hiện trong mọi nội dung hoạt động phục vụ cho công tác giảng dạy của mình hay không? Chúng tôi đưa ra hai nội dung gắn trực tiếp với nhiệm vụ của giảng viên luật: giảng dạy và tham gia biên soạn giáo trình. Thiển ý của chúng tôi là nếu đưa mọi nội dung mình nghiên cứu được về pháp luật nước ngoài vào tất cả các vấn đề giảng dạy, kể cả biên soạn giáo trình có lẽ là khiên cưỡng, thậm chí gây ra sự nhàm chán nhất định bởi đó là các vấn đề chuyên môn mang tính chất chuyên ngành mà không phải là phần “Luật so sánh mở rộng”. Mặt khác, nếu đưa đến mức chi tiết các nội dung cụ thể [chẳng hạn các điều luật] để so sánh trong các tài liệu mang tính ổn định, sẽ là không phù hợp bởi chúng ta hoàn toàn không thể nêu được đầy đủ các yếu tố trong sự so sánh với pháp luật Việt Nam, chưa nói đến việc khó có thể biết qui định đó đã trở thành lỗi thời hay chưa. Sẽ là phù hợp hơn trong lĩnh vực pháp luật chuyên ngành khi sử dụng các kết quả nghiên cứu pháp luật nước ngoài là cung cấp cho đối tượng học / đọc giả thấy được những nét khái quát nhất hệ thống pháp luật nước ngoài đã được lựa chọn trong sự xem xét hệ thống pháp luật nước ta. Bên cạnh đó, cách tìm nguồn tài liệu về pháp luật nước ngoài được đề xuất dễ dàng, phổ biến, với chi phí thấp sẽ là hữu ích hơn cho người học.

Trên đây là một vài ý kiến về lĩnh vực mà cá nhân tác giả cũng còn nhiều băn khoăn, xin được đề xuất để bạn đọc cùng chia sẻ và tham khảo.

NGUỒN: TẠP CHÍ LUẬT HỌC SỐ 6/2005

Chủ Đề