Tại sao con người luôn phạm phải sai lầm

Cuộc sống luôn là một ẩn số và tương lai lại là khái niệm trừu tượng, không ai rõ hết được những gì đang chờ ta ở phía trước. Con đường đời chưa bao giờ là bằng phẳng, dễ đi và người ta ai cũng sẽ phạm phải sai lầm trong cuộc đời. Đây là quy luật bất biến, cái quan trọng là thái độ của mỗi người khi đứng trước sai lầm đó. Elbert Hubbard từng nói: "Sai lầm lớn nhất bạn có thể phạm phải trong đời là luôn sợ hãi mình sẽ phạm sai lầm". Vậy, "Sai lầm" là gì? "Sai lầm" là những điều sai trái, lệch lạc trong suy nghĩ, hành động của con người, đi ngược lại với quy luật khách quan, trái với lẽ phải, có thể gây ra những hậu quả tai hại mà bản thân không mong muốn. Có lẽ bởi sai lầm luôn để lại hậu quả nặng nề nên nhiều người vẫn luôn e sợ, chẳng dám bước về phía trước, luôn luôn hèn nhát trốn tránh. Nhưng nếu không thử hành động làm sao biết đúng hay sai? Không dám bước ra đón nhận bão tố, sao thấy được ánh nắng rực rỡ muôn màu? Nếu bạn cứ sợ phạm phải sai lầm, dần dần bạn sẽ trở thành kẻ tự ti, yếu đuối, bạn khước từ những bài học kinh nghiệm quý báu và sẽ bị tụt lùi ở phía sau. Những khó khăn, trắc trở trong cuộc sống khiến ta vấp ngã, nhưng có vấp ngã, có sai lầm mới có thể sửa sai và vững vàng bước tiếp. Dám làm, dám đứng dậy sau khi ngã, có thể nhìn thấy được thiếu sót của bản thân mới là người mạnh mẽ thực sự. Chính vì vậy, đừng sợ sai lầm, hãy tự tin tiến bước, sống bằng tất cả nhiệt huyết của bản thân, sống một đời thật ý nghĩa và trọn vẹn. Bởi ánh nắng đẹp nhất là sắc cầu vồng sau cơn giông bão! Mọi sai lầm đều tiềm ẩn trong đó một giá trị sống mà bạn cần rút kinh nghiệm và vượt qua…

Không sai, bạn sẽ không bao giờ hành động đúng

“Sai” và “đúng” là do con người và xã hội mặc định. Chúng ta biết rất nhiều điều đúng và làm theo nó. Nhưng điều sai thì chưa ai chỉ dạy chúng ta bao giờ. Chính vì vậy, có đôi khi chúng ta sẽ vô ý mắc phải sai lầm mà không hề hay biết. Chúng ta chỉ làm vì chúng ta thích, chúng ta muốn và chúng ta cho rằng “chỉ cần không ảnh hưởng đến ai là đủ”. Nhưng khi điều đó ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bạn, bạn bắt đầu ân hận: “Giá như mình đừng nông nổi đến vậy”. Nhưng, nếu không mắc phải những sai lầm đó, liệu bạn có trưởng thành như hiện tại? Nếu không mắc phải sai lầm đó, liệu bạn có chững chạc, chín chắn và luôn hành động đúng như bây giờ?

Bạn có động lực để sửa chữa

“Những ai đã từng khiến ba mẹ phiền lòng khi còn nhỏ, thì khi lớn lên họ lại có khuynh hướng yêu thương ba mẹ gấp nhiều lần những người khác. Bởi họ luôn cảm thấy có lỗi với những gì họ đã từng làm lúc nhỏ” - Đọc xong đoạn này, bạn nhận ra điều gì?

Nếu bạn là một người có nội tâm sâu sắc và thường hay suy nghĩ nhiều, thì việc mắc phải sai lầm chính là một bước ngoặt tích cực trong cuộc đời bạn. Bạn có thể hoàn thiện bản thân hơn, tốt hơn, và hơn thế nữa. Nói thế không có nghĩa là bạn có quyền cố tình mắc sai lầm. Khi bạn hành động một cách thiếu suy nghĩ cho dù biết điều đó không tốt, có nghĩa là bạn đang đi xuống, chứ không hề đi lên.

Tuổi trẻ là để trải nghiệm

Bạn chọn sai ngành học, bạn trao tình yêu nhầm người, bạn làm một công việc không như ý muốn… Tất cả không thành vấn đề. Bạn còn trẻ và bạn luôn có quyền lựa chọn lại, quyết định lại. Tuổi trẻ là để trải nghiệm và lựa chọn. Vì khi đó bạn còn tự do, còn thời gian, và còn sức khỏe. Bạn có quyền tự chọn lựa cuộc sống cho mình, tự thay đổi, tự đứng dậy sau mỗi thất bại.

Bạn không cần tiếc nuối, vì…

Những người thành công nhất thường là những người từng trải qua nhiều thất bại nhất. Thất bại rèn được cho họ sự bền bỉ ý chí. Hơn nữa, không ai có dư thời gian để phán xét bạn cả đời. Có thể họ chỉ chú ý đến bạn ở một giai đoạn nào đó. Điều quan trọng là sau khi mắc sai lầm, bạn có sống tốt hơn hay không.

Bạn chỉ có quyền mắc sai lầm 1 lần

Vì khi bạn mắc sai lầm lần 2, có nghĩa là bạn quá dễ dãi với bản thân mình. Nếu biết sai lầm nhưng vẫn lặp lại, bạn đã thiếu tôn trọng bản thân, và làm cho người khác thất vọng. Sai lầm để lớn lên, để trải nghiệm, để cuộc sống thêm ý nghĩa, nhưng bạn chỉ được mắc một lần và rút kinh nghiệm. Bạn không thể bao biện cho sự yếu kém của bản thân bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và xem việc mắc sai lầm như một điều vốn dĩ.

Theo MTO

Chủ Đề