Tại sao ở Tây Nguyên có rất ít các khu công nghiệp tập trung

Sĩ tử khối C đã kết thúc phần thi môn Địa lý và Lịch sử. Dưới đây gợi ý đáp án hai môn này do Trung tâm luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM thực hiện.

Đề thi và gợi ý đáp án môn Địa lý khối C do cô Nguyễn Thị Lành [Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM] thực hiện:

Câu I [3,0 điểm]

1. Trình bày vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta về mặt an ninh quốc phòng

2. Nêu các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất ở nước ta

Câu II [2,0 điểm]:

Trình bày cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ của nước ta. Tại sao công nghiệp lại phân bổ thưa thớt ở trung du và miền núi.

Câu III [2,0 điểm]

Phân tích các thuận lợi và khó khăn về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên. Tại sao vùng này cần kết hợp khai thác với bảo vệ vốn rừng ?

Câu IV [3,0 điểm]

Cho bảng số liệu

a/ Vẽ biểu đồ cột thể hiện diện tích lúa cả năm của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long qua các năm.

b/ Nhận xét diện tích lúa cả năm của hai vùng trên từ biểu đồ đã vẽ và giải thích.

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu I:

1. Trình bày vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam. Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ý nghĩa như thế nào đối với nước ta về mặt an ninh quốc phòng

Trả lời :

- Nội thủy là vùng nước tiếp giáp với đất liền, ở phía trong đường cơ sở. Ngày 12-11-1982, Chính phủ nước ta đã ra tuyên bố quy định đường cơ sở ven bờ biển để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Vùng nội thủy cũng được xem như bộ phận lãnh thổ trên đất liền.

- Lãnh hải là vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia trên biển. Lãnh hải Việt Nam có chiều rộng 12 hải lí. Ranh giới của lãnh hải [được xác định bởi các đường song song cách đều đường cơ sở về phía biển và đường phân định trên các vịnh với các nước hữu quan] chính là đường biên giới quốc gia trên biển

- Đây là hai quần đảo lớn xa bờ của nước ta, có nhiều chứng cứ lịch sử chứng minh thuộc chủ quyền của nước ta từ rất lâu, có ý nghĩa rất lớn đối với an ninh quốc phòng. Hai quần đảo này tạo thành hệ thống tiền tiêu bảo vệ đát liền, hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương trong thời đại mới, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển, hải đảo và thềm lục địa. Việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với các đảo và quần đảo có ý nghĩa là cơ sở để khẳng định quyền của nước ta đối với vùng biển và thềm lục địa quanh đảo.

2. Các biện pháp bảo vệ tài nguyên đất ở nước ta

- Đối với đất vùng đồi núi để hạn chế xói mòn đất phải áp dụng các biện pháp:

+ Áp dụng tổng thể các biện pháp thuỷ lợi, canh tác hợp lý: làm ruộng bậc thang, trong cây theo băng.

+ Cải tạo đất hoang đồi trọc bằng các biện pháp nông - lâm kết hợp. Bảo vệ rừng, đất rừng, ngăn chặn nạn du canh du cư, định canh cho dân cư miền núi.

- Đối với đất nông nghiệp vốn đã ít nên:

+ Cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và có kế hoạch mở rộng diện tích.

+ Thâm canh nâng cao hiệu quả sử dụng đất, chống bạc màu.

+ Cần canh tác hợp lý, glây, nhiễm mặn nhiễm phèn.

+ Bón phân cải tạo đất thích hợp, chống ô nhiễm đất, hóa học, thuốc trừ sâu, nước thải công nghiệp chứa chất độc hại, chất bẩn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh hại cây trồng.

Câu II:

• Trình bày cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ của nước ta.

Hoạt động công nghiệp tập trung chủ yếu ở một số khu vực:

- Ở Bắc Bộ, Đồng bằng sông Hồng và vùng phụ cận có mức độ tập trung công nghiệp theo lãnh thổ cao nhất nước. Từ Hà Nội tỏa theo các hướng với các cụm chuyên môn hoá:

+ Hải Phòng-Hạ Long-Cẩm Phả: khai thác than , cơ khí, vật liệu xây dựng

+ Đáp Cầu-Bắc Giang: phân hoá học, vật liệu xây dựng.

+ Đông Anh-Thái Nguyên: luyện kim ,cơ khí.

+ Việt Trì-Lâm Thao: hoá chất, giấy.

+ Hoà Bình-Sơn La: thuỷ điện.

+ Nam Định-Ninh Bình-Thanh Hoá: dệt, ximăng, điện.

- Ở Nam Bộ hình thành một dải công nghiệp với các trung tâm công nghiệp hàng đầu nước ta như Tp.HCM [lớn nhất cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp], Biên Hoà, Vũng Tàu, Thủ Dầu Một. Hướng chuyên môn hóa ở đây rất đa dạng, trong đó có một vài ngành công nghiệp tương đối non trẻ, nhưng lại phát triển mạnh trong đó có các ngành: khai thác dầu, khí; sản xuất điện , phân đạm từ khí.

- Dọc theo Duyên hải miền Trung ngoài Đà Nẵng là trung tâm công nghiệp quan trọng nhất còn có các trung tâm khác như Vinh, Quy Nhơn, Nha Trang

- Các khu vực còn lại nhất là vùng núi: công nghiệp chậm phát triển, phân bố phân tán, rời rạc.

• Tại sao công nghiệp lại phân bố thưa thớt ở trung du và miền núi.

Ở trung du miền núi, công nghiệp phân bố thưa thớt là do thiếu sự đồng bộ của nguồn lao động có tay nghề, cán bộ khoa học - kĩ thuật, thị trường, kết cấu hạ tầng [đặc biệt là giao thông vận tải] và vị trí địa lí.

Câu III: Phân tích các thuận lợi và khó khăn về tự nhiên để phát triển cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên.

Trả lời:

• Thuận lợi để phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên:

- Đất đỏ ba dan và khí hậu cận xích đạo phù hợp với việc trồng các cây công nghiệp lâu năm:

+ Đất ba dan có tầng phong hóa sâu, giàu dinh dưỡng, phân bố tập trung với những mặt bằng rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển các nông trường và các vùng chuyên canh với quy mô lớn.

+ Khí hậu có tính chất cận xích đạo với một mùa mưa và một mùa khô kéo dài [có khi 4 - 5 tháng]. Mùa khô kéo dài là điều kiện thuận lợi để sấy khô sản phẩm.

+ Tây Nguyên là cao nguyên xếp tầng do ảnh hưởng của độ cao khác nhau, bên cạnh các cây công nghiệp nhiệt đới [cà phê, cao su, hồ tiêu] còn có thể trồng cây có nguồn gốc cận nhiệt đới [chè].

- Về kinh tế - xã hội:

+ Thị trường [trong nước và ngoài nước] về sản phẩm cây công nghiệp đang được mở rộng.

+ Hệ thống thủy lợi đang được đẩy mạnh phát triển. Giống cây công nghiệp lâu năm đang dần được thay đổi với chất lượng và năng suất cao.

+ Người dân có kinh nghiệm.

+ Chính sách đầu tư của Nhà nước, khuyến khích phát triển và thu hút đầu tư, cũng như thu hút lao động từ vùng khác đến.

+Công nghiệp chế biến và mạng lưới giao thông vận tải đang được đầu tư xây dựng.

• Khó khăn trong việc phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên:

- Mùa mưa đất đai dễ bị xói mòn, mùa khô thì thiếu nước.

- Điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Thiếu lao động lành nghề, cán bộ khoa học - kĩ thuật, thiếu vốn đầu tư. Mức sống của nhân dân còn thấp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn nhất là mạng lưới giao thông vận tải, các cơ sở công nghiệp chế biến còn hạn chế.

Tại sao vùng này cần kết hợp khai thác với bảo vệ vốn rừng ?

Lâm nghiệp là thế mạnh của Tây Nguyên vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20. Độ che phủ rừng ở Tây Nguyên là 60% với nhiều loại gỗ quý như cẩm lai, gụ mật, nghiến, trắc, sến.... nhiều chim thú quý như voi, bò tót, gấu,... Tây Nguyên được ví là “kho vàng xanh” của nước ta.

Trong những năm gần đây nạn phá rừng gia tăng làm giảm sút nhanh lớp phủ rừng và giảm sút trữ lượng các loài gỗ quý, đe dọa môi trường sống của các loài chim thú quý, làm hạ mực nước ngầm về mùa khô.

-Ý nghĩa về môi trường sinh thái : Việc khai thác kết hợp với bảo vệ rừng giúp bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã, giữ gìn nguồn gen của các loài động, thực vật quý hiếm, còn có tác dụng điều hòa nguồn nước, hạn chế tác hại của các cơn lũ đột ngột trên các sông ngắn và dốc.

- Ý nghĩa về kinh tế: Tây Nguyên có diện tích rừng và độ che phủ đứng đầu trong cả nước vì vậy việc khai thác đi đôi với bảo vệ rừng ở Tây Nguyên sẽ tăng nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, công nghiệp giấy và cho xuất khẩu. Hơn nữa, nếu không biết bảo vệ rừng thì một ngày nào đó nguồn khai thác sẽ cạn kiệt.

Câu IV:

1. Vẽ biểu đồ

2.

Nhận xét :

- Từ 2005 - 2010 ,diện tích lúa của Đồng bằng sông Hồng giảm liên tục. [giảm 34 nghìn ha].

- Từ 2005 - 2010, diện tích lúa của Đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục [tăng 120 nghìn ha].

- Diện tích lúa của Đồng bằng sông Cửu Long luôn lớn hơn diện tích lúa của Đồng bằng sông Hồng [3,6 lần; năm 2010]

Giải thích:

- Diện tích lúa ở Đồng bằng sông Hồng giảm liên tục là do một phần diện tích lúa chuyển sang các cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn và một phần diện tích đất nông nghiệp được chuyển sang đất chuyên dùng và đất ở.

- Diện tích lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng liên tục vì đất hoang hóa, đất phèn, đất mặn đã được khai hoang và cải tạo đưa vào sử dụng. Thủy lợi được phát triển nên hệ số vụ được gia tăng. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất của nước ta cung cấp lương thực cho cả nước và cho xuất khẩu.

Đề thi và gợi ý đáp án môn Lịch sử khối C do cô Lưu Thị Yến [Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM] thực hiện:

Câu I [2,0 điểm]

Năm 1929, ở Việt Nam có những tổ chức cộng sản nào ra đời? Nêu ý nghĩa sự ra đời của những tổ chức đó.

Câu II [2,5 điểm]

Căn cứ vào các dữ liệu trong bảng dưới đây, hãy xác định vai trò của Mặt trận Việt Minh đối với Cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đó, trình bày suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước ngày nay.

Năm

Nội dung

1941

- Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng [5-1941] quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh, với các tổ chức quần chúng mang tên “cứu quốc”, để tập hợp rộng rãi mọi lực lượng yêu nước. Vận động quần chúng tham gia Việt Minh là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhằm xây dựng lực lượng cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền.

- Chương trình cứu nước của Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng.

1942

- Khắp các châu ở Cao Bằng đều có hội Cứu quốc, trong đó có ba châu “hoàn toàn” [ở đó mọi người đều gia nhập Việt Minh].

- Ủy ban Việt Minh tỉnh Cao Bằng và Ủy ban Việt Minh lâm thời liên tỉnh Cao – Bắc – Lạng được thành lập.

1943

- Các hội Cứu quốc được xây dựng và củng cố ở hầu khắp các vùng nông thôn và thành thị.

1944

- Đảng Dân chủ Việt Nam và Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam được thành lập, đứng trong Mặt trận Việt Minh.

- Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị cho các cấp “Sửa soạn khởi nghĩa”.

1945

- Từ tháng 3-1945, Việt Minh lãnh đạo quần chúng nổi dậy ở nhiều nơi.

- Tháng 4-1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam và Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp.

- Tháng 8-1945, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, phát động và lãnh đạo nhân dân tổng khởi nghĩa thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Câu III [2,5 điểm]

Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Câu IV [3 điểm]

Trình bày nguồn gốc và đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật hiện đại. Việt Nam cần phải làm gì trước sự phát triển của cuộc cách mạng này?

BÀI GIẢI GỢI Ý

Câu I: [2,0 điểm]

* Năm 1929, ở Việt Nam có những tổ chức cộng sản nào ra đời? Nêu ý nghĩa sự ra đời của những tổ chức đó.

* Năm 1929, một loạt tổ chức cộng sản ra đời trên đất nước ta do sự phát triển các phong trào đấu tranh của công nhân, nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp nhân dân yêu nước, làn sóng dân tộc dân chủ ngày càng lan rộng ở Việt Nam.

- Cuối tháng 3/1929, một số hội viên tiên tiến của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì đã lập ra Chi bộ Cộng sản đầu tiên, từ đó vận động thành lập chính đảng cộng sản thay thế cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc thành lập từ năm 1925. Đầu tháng 5/1929, Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên họp tại Hương Cảng [Trung Quốc], đã thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Hội…

Đoàn đại biểu Bắc Kì đề xuất thành lập đảng cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên không được chấp nhận, nên sau khi về nước đã họp Đại hội đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ngày 17/6/1929 ở Bắc Kì thành lập Đông Dương Cộng sản đảng, thông qua Tuyên ngôn, Điều lệ; ra báo Búa Liềm làm cơ quan ngôn luận và cử ra Ban chấp hành Trung ương của Đảng.

- Tháng 8/1929, Tổng bộ và Kì bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Nam Kì thành lập An Nam Cộng sản đảng; ra tờ báo Đỏ làm cơ quan ngôn luận của Đảng; đến tháng 11/1929, họp Đại hội thông qua đường lối chính trị và bầu Ban chấp hành Trung ương của Đảng.

- Đến tháng 9/1929, những người giác ngộ cộng sản trong Đảng Tân Việt ở Trung Kì ra tuyên bố chính thức thành lập Đông Dương Cộng sản liên đoàn.

* Ý nghĩa của sự  ra đời các tổ chức cộng sản năm 1929:

- Đó là một xu thế khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc ở Việt Nam theo con đường cách mạng vô sản

- Đó là thành quả của các hoạt động lựa chọn, giác ngộ cách mạng, huấn luyện và đào tạo cán bộ của Nguyễn Ái Quốc thông qua việc lập ra Cộng sản đoàn [2/1925] tập hợp lực lượng thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã, tiến đến thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên [6/1925] nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết, đấu tranh để đánh đổ chủ nghĩa đế quốc Pháp và tay sai.

- Sự ra đời của các tổ chức cộng sản năm 1929 trên khắp ba kỳ ở nước ta là tiền đề cho việc hợp nhất thành một chính đảng duy nhất với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, thống nhất các xu hướng, quan điểm lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nước ta.

Câu II [2,5 điểm]

Vai trò của Mặt trận Việt Minh:

- Tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh được thành lập từ quyết định của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 đã góp phần hoàn chỉnh những chủ trương của hội nghị Trung ương tháng 11 năm 1939 đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

-  Mặt trận Việt Minh đã tập hợp được đông đảo quần chúng từ công nhân, nông dân đến các địa chủ yêu nước, tầng lớp trí thức tiểu tư sản và cả tư sản dân tộc hình thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc. Mặt trận Việt Minh còn phân hóa và cô lập kẻ thù, chĩa mũi nhọn đấu tranh vào Pháp – Nhật và tay sai.

-  Trên cơ sở phát triển các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, lực lượng vũ trang cách mạng từng bước hình thành và phát triển, cùng với lực lượng chính trị đã tạo nên sức mạnh tổng hợp để nổi dậy Tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.

- Mặt trận Việt Minh còn làm tốt vai trò, chức năng của chính quyền khi ta chưa giành được chính quyền như chuẩn bị lực lượng cho Tổng khởi nghĩa, tổ chức và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa khi thời cơ đến.

- Mặt trận Việt Minh là một sáng tạo của Đảng, không những góp phần quyết định vào thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 mà còn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác xây dựng mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi.

Suy nghĩ về vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay:

- "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể thành viên có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đaị đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..." Đó là củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo nên sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, thắt chặt mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

- Đối với sự nghiệp xây dựng đất nước: Những biến đổi về cơ cấu giai cấp và thành phần xã hội đang đặt ra cho công tác vận động quần chúng nói chung và công tác Mặt trận nói riêng những vấn đề mới. Nhu cầu liên minh, mở rộng việc tập hợp các lực lượng yêu nước đặt ra một cách bức bách. Mặt trận đóng vai trò quan trọng trong việc đoàn kết mọi cá nhân Việt Nam, mọi tổ chức yêu nước không phân biệt giai cấp tôn giáo trong và ngoài nước đồng tâm, hiệp lực để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài.

- Đối với sự nghiệp bảo vệ đất nước : Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò tạo khối đại đoàn kết của cả dân tộc, tập hợp các lực lượng yêu nước để chống lại các âm mưu chia rẽ từ bên ngoài, chống chiến lược diễn biến hoà bình. Đặc biệt, trước những hành động khiêu khích, gây hấn, thù địch của Trung Quốc ở biển Đông hiện nay, vai trò của Mặt trận nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ đất nước, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ.

Câu III: [2,0 điểm]

* Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954:

- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là thắng lợi lớn nhất trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Pháp và là một trong những thắng lợi oanh liệt nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ đã đập tan kế hoạch Nava, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của Pháp và can thiệp Mỹ; làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương.

- Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là chiến thắng oanh liệt nhất, đã tác động đến quá trình diễn biến của hội nghị Giơnevơ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao tại Hội nghị Giơ-ne-vơ về việc chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.

- Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm nức lòng nhân dân thế giới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở Á, Phi, Mĩ Latinh, làm lung lay hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân.

Chiến thắng ở Điện Biên Phủ được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới một chiến công hiển hách, đột phá thành trì hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Câu IV: [3,0 điểm]

* Nguồn gốc:

- Cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật hiện đại là sự tiếp nối cuộc cách mạng công nghiệp từ thế kỉ XVIII-XIX;

- Xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống, của sản xuất, nhằm đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần ngày càng cao của con người;

- Do tình hình bùng nổ dân số thế giới và các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng vơi cạn nghiêm trọng, nhất là kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

- Những thành tựu về khoa học – kĩ thuật cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX đã tạo tiền đề thúc đẩy sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật lần thứ hai của nhân loại.

* Đặc điểm: Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật hiện đại là khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

- Khoa học gắn liền với kĩ thuật, trở thành nguồn gốc chính cho những tiến bộ về kĩ thuật và công nghệ. Mọi phát minh kĩ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học; khoa học đi trước mở đường cho kĩ thuật; đến lượt mình kĩ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất.

- Từ những năm 70 của thế kỉ XX, cuộc cách mạng khoa học – kĩ thuật chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực công nghệ. Cuộc cách mạng công nghệ trở thành cốt lõi của cách mạng khoa học – kĩ thuật, cho nên cuộc cách mạng này còn được gọi là cách mạng khoa học – công nghệ.

* Việt Nam cần làm gì trước sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật?

- Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, nền kinh tế thế giới ngày càng quốc tế hóa cao hình thành thị trường thế giới, Việt Nam cần mở rộng quan hệ giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới.

- Việt Nam cần tiếp thu những tiến bộ khoa học – kĩ thuật tiên tiến nhất của thế giới để phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hóa và xã hội.

- Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp năm 2020 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay chỉ có thể hoàn thành thắng lợi  khi Việt Nam coi trọng vai trò của khoa học – kĩ thuật, đưa những tiến bộ về khoa học – kĩ thuật vào đời sống, lao động, học tập và sản xuất.

- Vai trò của thanh niên : Cố gắng học tập và rèn luyện để tiếp cận trình độ khoa học - kĩ thuật tiên tiến của thế giới, phấn đấu đạt đến trình độ nghiệp vụ cao về chuyên môn, từ đó có thể đóng góp tích cực vào công việc xây dựng một nước Việt Nam hiện đại và giàu mạnh.

Video liên quan

Chủ Đề