Tại sao trẻ em không phải người lớn thu nhỏ

[Last Updated On: 14/10/2021 By Lytuong.net]

Từ xa xưa, cả ở phương Đông và phương Tây, vấn đề bản tính trẻ em và giáo dục trẻ em đã được xã hội đặt ra và tìm cách giải quyết. Tuy đã có nhiều quan niệm khác nhau nhưng đại đa số đều cho rằng, bản tính [tốt hay xấu] của trẻ em từ khi mới sinh ra đã có sẵn, trẻ em và người lớn chỉ khác nhau về lượng chứ không khác nhau về chất. Do quan niệm như vậy nên trong suốt thời kỳ phong kiến, trẻ em được đối xừ như một “người lớn thu nhỏ”, mọi sinh hoạt và phương tiện sinh hoạt đều rập theo khuôn mẫu người lớn [nhưng có kích cỡ nhỏ hơn]. Trẻ em cùng được lao động, sản xuất, ăn uống, vui chơi, hội hè bên cạnh người lớn mà không được quan tâm chăm sóc và giáo dục riêng.

2. Các quan niệm và nghiên cứu về trẻ em từ thế kỷ XVII

Bước sang thế kỷ XVII, ở phương Tây xuất hiện hai khuynh hướng giải quyết vấn đề về bản tính trẻ em và giáo dục trẻ em:

Khuynh hướng thứ nhất là quan điểm của các nhà triết học duy cảm Anh thế kỷ XVII – XVIII, họ cho rằng trẻ em thụ động trước tác động của môi trường vì thế họ đề cao quá mức vai trò của môi trường xã hội đối với sự phát triển tâm lý của trẻ em.

Khuynh hướng thứ hai quan niệm ngược lại rằng, trẻ em tích cực trước tác động của môi trường. Đại biểu của khuynh hướng này là nhà văn, nhà triết học lớn người Pháp J.J. Rousseau [1712 -1778]. ông quan niệm rằng trẻ em và người lớn khác nhau không chỉ về lượng mà còn về chất, “trẻ em có những cách nhìn, cách suy nghĩ và cảm nhận riêng của nó. Ông cho rằng trẻ em từ khi mới sinh ra đã có những khuynh hướng tự nhiên và tích cực, chúng tham gia tích cực vào việc hình thành trí tuệ và nhân cách của mình như một nhà thám hiểm bận rộn, biết phân tích và có chủ định. Mọi sự can thiệp của người lớn vào sự phát triển tự nhiên của trẻ đều có hại. Vì vậy ông đề nghị nên có một nền giáo dục xã hội theo nguyên tắc tự nhiên và tự do cho trẻ. Tuy nhiên, ông chưa đi sâu vào nghiên cứu về trẻ em, chưa cho chúng ta hiểu biết nhiều về trẻ em.

3 Quan niệm duy vật biện chứng về trẻ em

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX Tâm lý học lứa tuổi ra đời và phát triển mạnh mẽ, đặc biệt dòng Tâm lý học hoạt động ra đời đã giúp ta nhìn nhận rõ hơn về bản tính trẻ em và cách thức giáo dục trẻ em. Những nhà Tâm lý học hoạt động khẳng định rằng:

Trẻ em và người lớn khác nhau cả về lượng và chất [khác nhau cả về mặt hình thức lẫn nội dung]. Trẻ em có đặc điểm tâm lý riêng của trẻ em, những đặc điểm tâm lý này vận động và phát triển theo quy luật riêng của trẻ em, cũng như người lớn vận động và phát triển riêng theo quy luật của người lớn. Vì thế người lớn không phải lúc nào cũng có thể hiểu được suy nghĩ, tâm tư, nguyện vọng, tình cảm,… của trẻ mặc dù người lớn cũng đã trải qua thời thơ ấu và thời niên thiếu như trẻ em. Người lớn muốn dạy học và giáo dục trẻ em thì cần phải có ngôn ngữ và cách thức riêng để giao tiếp với trẻ.

Trẻ em là con đẻ của thời đại. Thời đại nào thì sẽ sản sinh ra trẻ em của thời đại đó. Những thành tựu trong tâm lý học đại cương đã khẳng định, tâm lý người có nguồn gốc tự nhiên và nguồn gốc xã hội. Con người sống trong thời đại nào thì tâm lý sẽ chịu sự chế ước của các điều kiện xã hội [kinh tế, chính trị, pháp quyền…] của thời đại đó, vì vậy trẻ em thế hệ ngày hôm ngy sẽ khác với trẻ em thế hệ trước. Vì vậy, muốn nghiên cứu trẻ em không được nghiên cứu trẻ em một cách chung chung trừu tượng, mà phải nghiên cứu trẻ em trong những điều kiện xã hội cụ thể.

Trẻ em là một thực thể đang phát triển. Trẻ em là những con người đang trường thành, tâm sinh lý đang phát triển mạnh mẽ. Tốc độ và cường độ phát triển về tâm sinh lý ở trẻ em mạnh hơn tất cả các giai đoạn lứa tuổi khác. Do các em chưa trưởng thành về tinh thần và thể lực nên cần phải có người bảo hộ và chăm sóc đặc biệt, các em cần phải được dạy học và giáo dục để trưởng thành.

Trẻ em là một thực thể tích cực trước tác động của môi trường. Trẻ em không thụ động trước tác động của người lớn mà trẻ em luôn tích cực, chủ động trong mọi hành vi và hoạt động, vì vậy người lớn phải có những phương pháp giáo dục phù hợp nhằm phát huy tính tích cực của trẻ em.

[Theo: Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm]

TS Vũ Thu Hương, Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội

Đừng áp đặt suy nghĩ cho trẻ nhỏ

Trong cuốn sách Thực hành kỹ năng sống dành cho  học sinh lớp 1 do NXB Giáo dục phát hành có dạy trẻ tăng lòng dũng cảm bằng việc đi trên thủy tinh. Minh họa cho câu chuyện một học sinh dũng cảm là bức ảnh một bé gái đi trên thủy tinh và đoạn thảo luận về sự dũng cảm của học sinh cũng như bài học rút ra sau đó. Là một chuyên gia về trẻ nhỏ, bà đánh giá thế nào về cách giáo dục kỹ năng sống này?

Khi giáo dục trẻ em, chúng tôi chia ra làm 3 mục tiêu rõ ràng gồm giáo dục kiến thức, giáo dục kỹ năng và giáo dục thái độ. Giáo dục lòng dũng cảm thuộc giáo dục thái độ chứ không phải là kỹ năng.

Vậy là tác giả viết cuốn sách nêu trên đã nhầm giữa kỹ năng và thái độ?

Đúng thế. Nhầm lẫn là vì lòng dũng cảm rất giống với thái độ hành vi trong giáo dục kỹ năng, nhưng nó là lĩnh vực giáo dục thái độ. Có lẽ tác giả cuốn sách nhầm lẫn là vì họ không phải là nhà nghiên cứu giáo dục.

Đa phần mọi người nghĩ rằng trẻ em chính là người lớn thu nhỏ, nên áp đặt cách suy nghĩ của người lớn vào trẻ em. Tuy nhiên chúng tôi làm giáo dục thì hiểu rằng, trẻ em là trẻ em, là một lĩnh vực hoàn toàn khác.

Nhưng trẻ em hay người lớn thì đều phải hiểu rằng đi trên thủy tinh là nguy hiểm chứ?

Bạn là người lớn thì bạn biết thủy tinh nguy hiểm, nhưng cháu trẻ nó có biết không? Có cháu biết, có cháu không, có cháu không biết gì. Về kiến thức, các cháu chỉ biết 1, 2 trong khi người lớn đã biết đến 100 rồi. Nếu đem người lớn áp dụng vào trẻ em là sai rồi.

Ví dụ: Có cháu nhảy lên lan can chơi rồi sẩy chân ngã từ lan can xuống. Trong khi đó người lớn chỉ ngã khi họ chủ động tự tử hoặc bị ai đó đẩy xuống. Rõ ràng khi em bé đứng ở lan can, cháu bé không hề biết như thế là nguy hiểm. Nếu nghĩ đứa trẻ sẽ vượt qua nỗi sợ khi thực hành đi qua thủy tinh là sai lầm.

Bởi thế mà trẻ dễ gặp nguy hiểm hơn?

Tôi lấy ví dụ hôm vừa rồi tôi đưa một đoàn trẻ em đi trải nghiệm thực tế ở miền Trung. Trong lúc chơi, có một em làm vỡ lọ nước hoa ngay ở cửa phòng.

Khi đó tôi có nói với các em phải đi dép ngay vào. Độ vài phút sau, có 2 em bỏ dép đi chân đất. Nghĩa là có những trẻ không hiểu và không cảm thấy sợ.

Nên tôi mới nghĩ, nếu thử thách trẻ bằng cách đi qua thủy tinh thì liệu cháu trẻ đã hiểu đó là nguy hiểm hay chưa? Hay nó coi đó là chuyện bình thường.

Cần kỹ năng hơn là “học theo sách”

Như chị nghiên cứu thì việc dạy cho trẻ lòng dũng cảm bằng cách đi qua thủy tinh là không phù hợp?

Không phù hợp chút nào. Nói thẳng ra làm như thế là phản khoa học, đi ngược với thực tế. Còn nếu thủy tinh đã được xử lý để học sinh đi qua mà không bị làm sao, thì đến lúc xảy ra sự việc thật, học sinh sẽ nghĩ rằng đi qua thủy tinh vỡ không làm sao cả, thì khi đó giáo viên có trả lại cho học sinh thịt xương đã mất đi hay không? Trong khi phụ huynh luôn dạy con, hễ có thủy tinh thì phải ngay lập tức đi dép và tránh xa chỗ đó.

Vậy là lo lắng của phụ huynh về bài học này là có cơ sở. Theo chị thay vì cách đó thì có cách nào khác dạy cho trẻ lòng dũng cảm?

Hiểu tâm lý trẻ thì biết, trẻ có nhiều nỗi sợ, ta chỉ cần bám vào các nỗi sợ ấy là trẻ có thể hiểu được. Ví dụ như thử thách trẻ đi qua bóng tối, cháu trẻ sẽ rất sợ.

Nếu làm một đường hầm tối bằng bìa, yêu cầu trẻ chui qua thì sẽ có những trẻ không dám đi qua, nếu đi qua rồi thì chúng sẽ vượt qua nỗi sợ.

Hoặc trẻ đến khoảng lớp 3 lớp 4 thì gần như bé nào cũng sợ ma. Những nỗi sợ ấy có sẵn rồi, sử dụng luôn chứ cần gì phải tạo ra những nỗi sợ khác.

Câu chuyện đó khiến người ta phải đặt câu hỏi về nội dung sách dạy kỹ năng sống cho trẻ, phải chăng việc sử dụng sách để dạy trẻ cũng cần phải xem xét lại?

Khi người viết sách hiểu sai về kỹ năng sống, sách cũng thể hiện quan niệm của họ nên sẽ có những khác biệt. Có tác giả viết đúng, có tác giả viết không chuẩn dẫn đến sự hoang mang cho học sinh. Quan trọng bố mẹ phải hiểu về kỹ năng sống để chọn sách và chương trình học cho con, hơn là nghe theo sách.

Nhưng hiểu thế nào là đúng khi có quá nhiều quan điểm, sách viết khác nhau?

Chúng tôi vẫn nói, kiến thức trong não, kỹ năng ở tay và thái độ ở tim. Kiến thức đạt đến mức giỏi, thái độ đạt mức tốt, kỹ năng đạt mức khéo. Từ đó các cha mẹ sẽ dễ hình dung hơn.

Như tôi, khi con còn nhỏ, tôi luôn đặt câu hỏi, nếu không có mẹ, con mình sẽ thế nào?

Trả lời được, phụ huynh sẽ biết cách làm thế nào. Chứ đừng tư duy kiểu không có mẹ thì có bố, không có bố thì có ông bà, không có ông bà thì có cô dì chú bác… Vậy đến khi bé ở một mình, không có ai cả thì sẽ ra sao?

Có nhiều bài học khác dạy trẻ

Giáo dục kỹ năng sống cho trẻ có thể bằng những cách nào?

Có cực kỳ nhiều tình huống và bọn trẻ nên học cách xử lý. Ví dụ, khi bạn dạy trẻ thoát khỏi đám cháy thế nào, nếu bạn cho trẻ xem hình ảnh, chắc chắn các con rất sợ. Lúc này giáo viên cần giáo dục trẻ phải bình tĩnh thoát ra khỏi tình huống. Hoặc là bài học đặt tình huống trẻ bị bắt cóc và các cách thoát ra.

Để trẻ có kỹ năng ứng phó với các tình huống khó khăn trong cuộc sống, để trẻ không phải là những con gà công nghiệp thì đặt ra một tình huống khó cũng là một cách?

Thay vì nghĩ ra những tình huống khó khăn thì giáo viên nên đặt ra những tình huống hay xảy ra, có nguy cơ xảy ra để hướng dẫn trẻ thoát ra như một phản xạ có điều kiện.

Ví dụ chúng ta dạy trẻ hễ thấy khói là lấy ngay khăn ướt che lên mũi và bò xuống đất. Có những tình huống, sự hiểu biết và kỹ năng của cháu trẻ không chỉ cứu sống chúng mà cứu giúp được người khác.

Câu chuyện về một em bé trong trận sóng thần ở Thái Lan năm 2005 là một ví dụ. Khi thấy nước biển rút nhanh đột ngột, em bé người Na Uy chia sẻ ngay với bố mẹ rằng đó là dấu hiệu của sóng thần.

Ngay khi đó người ta bắc loa kêu gọi mọi người di tản. Vậy là rất nhiều tính mạng được cứu sống bởi cháu trẻ lên 9. Nếu lúc đó bé hoảng sợ chỉ la hét thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Thực tế là trẻ em hiện nay, đặc biệt ở những thành phố lớn, chẳng khác gì những con gà công nghiệp khi đi đâu làm gì cũng có bố mẹ giám sát, đưa đón dù đã đến tuổi học đại học?

Đúng là hiện trạng đó khá nhiều. Nguyên nhân là do kỹ năng sống của trẻ thiếu hụt. Giáo dục trẻ ngay từ nhỏ khả năng sống tự lập là điều cần thiết. Con gái tôi lúc 2 tuổi đã biết đi chợ bằng cách đem mảnh giấy và tiền mẹ đưa ra ngoài cửa hàng sát gần nhà rồi đem thức ăn về.

Đến 4 tuổi cháu đã tự túc được các sinh hoạt như ăn uống tắm gội, sắp xếp quần áo đi học. Đến 5 tuổi cháu đã biết đặt nồi cơm, rửa bát. Đến 7 tuổi cháu nấu được một bữa ăn hoàn chỉnh, 9 tuổi nấu được một bữa cỗ hoàn chỉnh. Nhiều người ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ phải dạy cho trẻ các kỹ năng sống tự lập từ nhỏ.

Giải pháp ra hiệu sách, mua một vài cuốn dạy kỹ năng về áp dụng dạy con, theo chị có nên không?

Đọc sách thì phải lựa chọn tương đối khó vì sự kiểm duyệt sách bây giờ có sự lỏng lẻo, đó là vấn đề khó với phụ huynh.

Nếu chưa có lòng tin vào sách thì phụ huynh có thể tự dạy trẻ các kỹ năng như kỹ năng thoát hiểm, sử dụng các vật dụng nguy hiểm, sử dụng đồng tiền, sử dụng thời gian, giao tiếp, hoạt động nhóm… Cha mẹ nên giáo dục con, quan tâm đến kỹ năng và thái độ vì đây là điểm yếu của nhiều trẻ.

Chỉ cần làm một thử nghiệm nhỏ là đứng trước cổng trường học chào bọn trẻ, bạn đếm thử xem bao nhiêu bé chào lại thì sẽ hiểu hiện trạng này. Đó chính là đạo đức, thái độ sống của trẻ.

Xin trân trọng cảm ơn chị!

Trong khi có nhiều quan điểm khác nhau về giáo dục kỹ năng, thái độ sống, để nhận biết quan điểm nào là đúng thì chỉ cần đứng ở vị thế của đứa trẻ, cái gì là tốt cho trẻ, cái gì có thể ứng dụng được chính là thước đo quan điểm nào là đúng.

TS Vũ Thu Hương

Tô Hội [thực hiện]

Video liên quan

Chủ Đề