Thành phần hóa học của kim ngân hoa

Từ Điển Vị Thuốc – Kim Ngân Hoa

Lonicera japonica Thumb.

1. Tên gọi khác

  • Nhẫn Đông Hoa, Ngân Hoa, Kim Ngân Hoa Lộ, Mật Ngân Hoa, Ngân Hoa Thán, Tế Ngân Hoa, Thổ Ngân Hoa, Tỉnh Ngân Hoa, Song Hoa, Nhị Hoa.

2. Tên khoa học

  • Kim Ngân: Lonicera japonica Thumb.
  • Họ Cơm Cháy (Caprifoliafeae)

3. Mô tả về kim ngân hoa

Thành phần hóa học của kim ngân hoa
Mô tả về kim ngân hoa

  • Kim Ngân Hoa thuộc loại cây dây leo. Thân cây có chiều dài từ 9 – 10 mét, đường kính của thân cây khoảng 1cm. Cây mọc nhiều cành, lúc còn nhỏ thân cây có màu xanh, khi về già thân cây có màu nâu đỏ.
  • Lá cây Kim Ngân xanh quanh năm, dài khoảng từ 3 – 8cm, rộng khoảng 2 – 5cm. Đặc điểm của cây Kim Ngân là rất ít rụng lá, ngay cả cái rét của mùa đông cũng không làm lá cây rụng.
  • Hoa Kim Ngân màu trắng, về sau sẽ chuyển thành màu vàng nhạt và hoa có mùi thơm dễ chịu. Hoa Kim Ngân mọc thành từng chùm ở các kẽ lá, mỗi kẽ lá 2 bông. Tràng hoa cánh hợp dài 2-3cm chia làm 2 môi dài không đều nhau, một môi rộng lại chia thành 4 thuỳ nhỏ. Năm nhị đính ở họng tràng, mọc thò ra ngoài. Cây ra hoa vào khoảng tháng 3 – tháng 5.
  • Khoảng tháng 6 – tháng 8 cây đơm quả. Quả Kim Ngân màu đen mọng, hình cầu.
  • Kim Ngân mọc hoang hay được trồng nhiều Ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tây cũ.

4. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

4.1. Bộ phận dùng:

  • Bộ phận dùng làm thuốc của Kim Ngân là Hoa (Kim Ngân Hoa) và Thân, cành, lá (Kim Ngân Cuộng).

4.2. Thu hái:

  • Hoa được thu hái khi hoa chưa nở hay mới nở. Nên hái khoảng 9 – 10 giờ sáng (khi sương đã ráo).
  • Thân, cành và lá thu hái quanh năm, đem phơi sấy khô.

4.3. Chế biến:

  • Hoa đem sấy sinh rồi phơi hay sấy khô. Kim Ngân Hoa có màu vàng ngà, mùi thơm đặc biệt.

4.4. Bảo quản:

  • Kim Ngân Hoa rất dễ hút ẩm, mốc, biến màu và giảm tác dụng của thuốc.
  • Nên bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.Tốt nhất nên để trên cao cách mặt đất và có thể sử dụng một chút bột vôi sống hoặc chất bảo quản với liều lượng nhỏ ở dưới đáy bao.

5. Thành phần hóa học

  • Hoa của cây Lonicera japonica có flavonoid thuộc nhóm navon là linocerin, inozỉtol, carotenoid như ε-caroten, cryptoxanthin, auroxanthin.
  • Toàn cây có saponin, luteolin, inosilol, carotenoid là cryptoxanthin.

6. Tính vị qui kinh

  • Vị ngọt, tính hàn, quy kinh phế, vị, tâm, tỳ

7. Tác dụng dược lý

Thành phần hóa học của kim ngân hoa
Tác dụng dược lý kim ngân hoa

7.1. Theo Y học cổ truyền:

  • Thanh nhiệt, giải độc.
  • Chủ trị: mụn nhọt, lở ngứa, rôm sảy, dị ứng, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ, giang mai.

7.2. Theo nghiên cứu dược lý hiện đại:

  • Tác Dụng Kháng Khuẩn: nước sắc hoa Kim ngân có tác dụng ức chế mạnh đối với tụ cầu khuẩn, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn lỵ Shiga. Nước sắc có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Tác Dụng Trên Đường Huyết: nước sắc hoa Kim ngân cho uống có tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ chuột lang. Ở chuột lang uống Kim Ngân, số lượng và tính chất các dưỡng bào ở mạc treo ruột ít thay đổi. Lượng Histamin ở phổi chuột lang bị choáng phản vệ cao gấp rưỡi so với chuột lang bình thường và chuột lang uống Kim Ngân trước khi gây choáng (Tài Nguyên Cây Thuốc Việt Nam).
  • Tác Dụng Kháng Khuẩn: Thuốc có tác dụng ức chế nhiều loại vi khuẩn: tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn, liên cầu khuẩn dung huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn ho gà, trực khuẩn thương hàn, trực khuẩn mủ xanh, não cầu khuẩn, trực khuẩn lao… cùng các loại nấm ngoài da, Spirochete, virus cúm (Trung Dược Học).
  • Tác Dụng Kháng Viêm: làm giảm chất xuất tiết, giải nhiệt và làm tăng tác dụng thực bào của bạch cầu (Trung Dược Học).
  • Tác Dụng Hưng Phấn Trung Khu Thần Kinh: cường độ bằng 1/6 của cà phê (Trung Dược Học).
  • Tác dụng chống lao: Nước sắc Kim Ngân Hoa in Vitro có tác dụng chống Mycobacterium tuberculosis. Cho chuột uống nước sắc Kim Ngân Hoa rồi cho chích vi khuẩn lao cho thấy ít thay đổi ở phổi hơn lô đối chứng (Chinese Hebral Medicine).
  • Kháng Virus: Nước sắc Kim Ngân Hoa có thể làm giảm sức hoạt động của PR8 ở virus cúm nhưng không có tác dụng ở phôi gà con đã tiêm chủng (Chinese Hebral Medicine).
  • Tác dụng chuyển hóa Lipid: cho chuột béo phì dùng lượng lớn Cholesterol vỗ béo cho chuột đồng thời cho uống nước sắc Kim Ngân Hoa, mức Cholesterol trong máu của chúng thấp hơn so với nhóm đối chứng (Chinese Hebral Medicine).
  • Trong nhãn khoa: theo dõi 36 bệnh nhân không chọn trước, nước sắc Kim ngân hoa được dùng cho những trường hợp kết mạc viêm mạn, giác mạc loét (Chinese Hebral Medicine).
  • Làm hạ Cholesterol trong máu (Trung Dược Học).
  • Tăng bài tiết dịch vị và mật (Trung Dược Học).
  • Tăng tác dụng thu liễm do có chất Tanin (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).
  • Có tác dụng lợi tiểu (Sổ Tay Lâm Sàng Trung Dược).

8. Một số ứng dụng

8.1. Trị chứng mẩn ngứa, dị ứng:

  • 20 gr hoa Kim Ngân, Thổ Phục Linh, Quyết Minh Tử (sao) mỗi vị 6 gr, Sinh Địa, Mạch Môn, Hoàng Đằng mỗi vị 8 gr, Huyền Sâm, Liên Kiều mỗi vị 10 gr. Cho 800 ml nước, sắc còn 200 ml. Ngày dùng một thang, chia uống làm ba lần.

8.2. Chữa mụn nhọt:Tiên phương hoạt mệnh ẩm

  • Kim Ngân Hoa 16g, Trần Bì 8g, Đương Quy 12g, Phòng Phong 8g, Bạch Chỉ 8g, Cam Thảo 4g, Bối Mẫu 6g, Nhũ Hương 4g, Một Dược 4g, Thiên Hoa Phấn 8g, Tạo Giác Thích 4g, Xuyên Sơn miếng. Ngày uống 3 lần cách xa bữa ăn 30 phút, uống 2 ngày 1 thang.

8.3. Chữa bệnh vảy nến: Ngân Kiều tán (chuyển thành thang) gia giảm

  • Kim Ngân hoa 16g, Liên Kiều 16g, Ngưu Bàng Tử 8g, Kinh Giới 12g, Trúc Diệp 8g, Bạc Hà 6g, Chi Tử 6g, quả Ké 8g, Bồ Công Anh 12g, Hạ Khô Thảo 8g, Thổ Phục Linh 12g. Ngày uống 3 lần cách xa bữa ăn 30 phút, uống 2 ngày 1 thang.

8.4. Trị cảm sốt:

  • 40 gr hoa Kim Ngân, Trúc Diệp, Kinh Giới Tuệ mỗi vị 16 gr, Đạm Đậu Xị 20 gr, Bạc Hà, Ngưu Bàng Tử, Cát Cánh mỗi vị 24 gr, Liên Kiều 40 gr. Tất cả mang sấy khô, tán bột, hoàn viên. Ngày uống 1- 2 lần, mỗi lần 12 gr.

8.5. Trị viêm tuyến vú:

  • 20 gr Kim Ngân Hoa, 16 gr Cam Thảo đất, 20 gr Bồ Công Anh, 20 gr Thông Thảo, 50 gr Sài Đất, sắc uống ngày một thang.

8.6. Chữa sởi:

  • Hoa Kim Ngân 30g, cỏ Ban 30g. Dùng tươi, giã nhỏ, thêm nước, gạn uống. Có thể phơi khô, sắc uống.

8.7. Chữa viêm phổi:

  • Kim Ngân Hoa, Sinh Địa, Huyền Sâm, mỗi vị 20g; Địa Cốt Bì, Sa Sâm, Mạch Môn, mỗi vị 16g; Hoàng Liên 12g, Xương Bồ 6g. Sắc uống ngày 1 thang. Kim Ngân, Sinh Địa, Huyền Sâm, Mạch Môn, mỗi vị 20g; Liên Kiều, Uất Kim, Đan Bì, mỗi vị 12g, Hoàng Liên, Thạch Xương Bồ, mỗi vị 6g. Sắc uống, ngày, một thang.

8.8. Chữa viêm gan virus (Ngũ Linh Thang gia giảm):

  • Kim Ngân 16g; Nhân Trần 20g; Xa Tiền 16g; Phục Linh, Ý Dĩ, mỗi vị 12g; Trư Linh, Trạch Tả, Đại Phúc Bì, mỗi vị 8g. Sắc uống, ngày một thang.

8.9. Chữa viêm gan mạn tính (Hoàng Cầm Hoạt Thạch Thang gia giảm):

  • Kim Ngân 16g; Nhân Trần 20g; Hoàng Cầm, Hoạt Thạch, Đại Phúc Bì, Mộc Thông, mỗi vị 12g; Phục Linh, Trư Linh, Đậu Khấu, mỗi vị 8g; Cam Thảo 4g. Sắc uống ngày một thang.

8.10. Chữa viêm khớp dạng thấp (Bạch hổ quế chi thang gia vị):

  • Kim Ngân 20g; Thạch Cao 40g; Tang Chi, Ngạnh Mễ, Hoàng Bá, Phòng Kỷ, mỗi vị 12g; Thương Truật 8g; Quế Chi 6g. Sắc uống ngày một thang.

8.11. Chữa sốt xuất huyết:

  • Kim Ngân Hoa, rễ cỏ gianh, mỗi vị 20g; cỏ Nhọ nồi, Hoa Hoè, mỗi vị 16g; Liên Kiều, Hoàng Cầm, mỗi vị 12g; Chi Tử 8g. Sắc uống ngày một thang. Nếu khát nước, thêm Huyền Sâm, Sinh Địa (mỗi vị 12g); sốt cao, thêm Tri Mẫu 8g.

8.12. Chữa đinh râu (Ngũ vị tiêu độc ẩm gia giảm):

  • Kim Ngân Hoa, Bồ Công Anh, Tử Hoa Địa Đinh, mỗi vị 40g; Cúc Hoa, Liên Kiều, mỗi vị 20g.

8.13. Chữa viêm phẩn phụ cấp tính:

  • Kim Ngân, Liên Kiều, Tỳ Giải, Ý Dĩ, mỗi vị 16g; Hoàng Bá, Hoàng Liên, Mã Đề, Nga Truật, mỗi vị 12g; Uất Kim, Tam Lăng, mỗi vị 8g, Đại Hoàng 4g. Sắc uống ngày một thang.