Tiêu chí đánh giá bộ thí nghiệm

Căn cứ Nghị định 35/2023/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Nội dung đánh giá phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng hiện nay được thực hiện theo Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP với 02 nội dung chính:

- Đánh giá tính xác thực của hồ sơ đăng ký;

- Đánh giá thực tế năng lực của phòng thí nghiệm.

Cụ thể nội dung đánh giá phòng thí nghiệm được xác định như sau:

(1) Đánh giá tính xác thực của hồ sơ đăng ký bao gồm:

- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép đầu tư;

- Quyết định thành lập phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng;

- Các quyết định bổ nhiệm các cán bộ quản lý hoạt động thí nghiệm (trưởng, phó phòng thí nghiệm);

- Danh sách cán bộ, thí nghiệm viên và bản phân công công việc cho từng cá nhân trong phòng thí nghiệm đã được lãnh đạo phê duyệt, kèm theo các văn bằng, chứng chỉ được đào tạo liên quan (phù hợp với lĩnh vực thí nghiệm quy định tại khoản 1 Điều 5a Nghị định này);

- Danh mục các tài liệu, quy trình quản lý chất lượng và các tiêu chuẩn kỹ thuật đã được lãnh đạo phê duyệt;

- Danh mục các thiết bị, dụng cụ của phòng thí nghiệm; hợp đồng mua, hóa đơn và biên bản bàn giao thiết bị thí nghiệm; quyết định của cấp có thẩm quyền đối với các thiết bị được điều chuyển từ cơ quan khác;

- Chứng chỉ kiểm định/hiệu chuẩn (còn hiệu lực) các thiết bị thí nghiệm và đo lường theo quy định;

- Hợp đồng sử dụng lao động đối với trưởng, phó phòng thí nghiệm và thí nghiệm viên được đăng ký trong hồ sơ;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng hợp pháp địa điểm đặt phòng thí nghiệm kèm theo bản vẽ mặt bằng (kích thước phòng, vị trí các thiết bị thử nghiệm, vị trí lưu mẫu, bảo dưỡng mẫu...).

(2) Đánh giá thực tế năng lực của phòng thí nghiệm, bao gồm:

- Sổ tay chất lượng, các quy trình: quy trình lấy mẫu, lưu mẫu, bảo quản và mã hóa mẫu thí nghiệm; quy trình thử nghiệm thành thạo/so sánh liên phòng; quy trình đào tạo; quy trình quản lý tài liệu kỹ thuật; quy trình quản lý, sử dụng, vận hành máy móc, trang thiết bị thí nghiệm; thủ tục, các biểu mẫu và các tài liệu liên quan;

- Không gian, điều kiện và môi trường đảm bảo thực hiện các thí nghiệm, lưu giữ và bảo quản mẫu;

- Tình trạng trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác lấy, lưu, bảo quản mẫu và thí nghiệm mẫu;

- Tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết bị, dụng cụ, chứng chỉ của thí nghiệm viên và điều kiện thí nghiệm cho từng chỉ tiêu thí nghiệm đăng ký.

Như vậy, nội dung đánh giá phòng thí nghiệm bao gồm các nội dung nêu trên.

Tiêu chí đánh giá bộ thí nghiệm

Nội dung đánh giá phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng theo Nghị định 35/2023/NĐ-CP gồm những gì? (Hình từ Internet)

Tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng phải đáp ứng những điều kiện gì?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 62/2016/NĐ-CP như sau:

Điều kiện đối với tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
1. Tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng quy định tại Nghị định này là tổ chức kinh doanh dịch vụ thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, quan trắc công trình xây dựng đáp ứng các Điều kiện năng lực quy định tại Khoản 2 Điều này và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận đủ Điều kiện hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng là 05 năm kể từ ngày cấp.
2. Điều kiện năng lực:
a) Là tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Đáp ứng các yêu cầu chung của tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17025:2007 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025:2005 và đáp ứng các yêu cầu cụ thể phù hợp với các chỉ tiêu thí nghiệm đăng ký;
c) Người quản lý trực tiếp hoạt động thí nghiệm chuyển ngành xây dựng phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp với một trong các lĩnh vực thí nghiệm của tổ chức;
d) Có thí nghiệm viên phải tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên và có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp cho mỗi lĩnh vực thí nghiệm.

Như vậy, tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng phải đáp ứng các điều kiện theo nội dung quy định nêu trên.

Người quản lý các hoạt động thí nghiệm của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng có những trách nhiệm gì?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư 06/2017/TT-BXD như sau:

Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng
...
3. Trách nhiệm của người quản lý các hoạt động thí nghiệm của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (Trưởng/phó phòng thí nghiệm)
a) Quản lý các thiết bị thí nghiệm, lên kế hoạch định kỳ kiểm định/hiệu chuẩn các thiết bị thí nghiệm theo quy định nhằm đảm bảo độ chính xác của phép đo;
b) Giám sát, phân công công việc cụ thể cho từng thí nghiệm viên phù hợp với văn bằng, chứng chỉ được đào tạo;
c) Chịu trách nhiệm về hồ sơ, tài liệu, sổ sách thí nghiệm phù hợp hệ thống quản lý chất lượng đã xây dựng;
d) Chịu trách nhiệm về các kết quả thử nghiệm của phòng thí nghiệm do mình phụ trách.

Như vậy, trong hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, người quản lý các hoạt động thí nghiệm của tổ chức hoạt động thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (Trưởng/phó phòng thí nghiệm) có 04 trách nhiệm chính nêu trên.