Trồng rau màu trong nhà lưới tiếng anh là gì

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn còn có trên thị trường, rau màu sạch, trồng bằng phương pháp hữu cơ trong nhà lưới được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Vì thế, những năm gần đây, phong trào trồng rau màu trong nhà lưới phát triển ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường nông sản sạch.

Sau một thời gian canh tác rau màu theo phương pháp truyền thống trên diện tích 6 sào đất nhưng cho hiệu quả chưa cao, gia đình chị Phạm Thị Thu, thôn Cầu Cọ, xã Yên Thắng [Yên Mô] ấp ủ dự định thay đổi cơ cấu cây trồng và phương thức canh tác. Chị đã có thời gian trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình trồng rau màu trong nhà lưới [hay còn gọi là nhà màng] và tranh thủ sự hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp & PTNT, mạnh dạn đầu tư xây dựng 1000m2 nhà lưới, trồng thử nghiệm giống dưa lưới.

Tuy là lần đầu tiếp cận với mô hình mới, nhưng chị Thu đã được các kỹ sư trực tiếp hướng dẫn tỉ mỉ, nên đến nay, mọi công đoạn sản xuất, chị và các thành viên trong gia đình đều có thể thực hiện thành thạo. Được biết gia đình chị Thu là hộ đầu tiên của xã Yên Thắng thí điểm trồng dưa ứng dụng công nghệ cao trong nhà lưới, theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện cây trồng đang phát triển tốt, hứa hẹn một vụ dưa thắng lợi, mở ra hướng phát triển mới cho địa phương.

"Gia đình được Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ cao hỗ trợ về giống, vốn và cơ sở vật chất. Bước đầu với 1000m2 diện tích, xuống giống 1000 cây dưa lưới, cùng với hệ thống tưới tiêu tự động vào từng gốc dưa, phân hữu cơ cũng được hòa với nước tưới, giảm thiểu công sức lao động. Trong quá trình chăm sóc, nhận thấy trồng dưa trong nhà màng có nhiều ưu điểm, đặc biệt là tránh được sự chi phối của thời tiết. Như những ngày vừa rồi, thời tiết thay đổi thất thường, kể cả nắng gắt hay mưa lớn thì gia đình tôi vẫn tiến hành sản xuất bình thường." Chị Phạm Thị Thu cho biết.

Canh tác trong nhà lưới đang đem lại nhiều ưu điểm hơn so với canh tác truyền thống, trong đó, ngoài ưu điểm lớn nhất là hạn chế sự tác động tiêu cực của các yếu tố tự nhiên đến cây trồng, nhà lưới còn giúp cây trồng khỏe mạnh, phát triển nhanh, ít sử dụng phân bón và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, các loại côn trùng, sâu bọ rất khó "lọt" vào để phá hoại cây trồng, cây ít bị hư hỏng, từ đó sản phẩm khi cung ứng ra thị trường sẽ dễ bán hơn, người nông dân có thể yên tâm sản xuất.

Theo đánh giá của ông Tống Viết Vinh, xóm 4, xã Mai Sơn [Yên Mô], là chủ 5000m2 nhà màng trồng dưa lê Hàn Quốc: rau màu trồng trong nhà màng cho năng suất, chất lượng cao, chi phí dành cho nhân công chăm bón và phun thuốc bảo vệ thực vật giảm nhiều. Nếu tính chi phí so với trồng rau màu ngoài trời, nhà nông chỉ tốn phần thuốc dưỡng khi rau còn nhỏ, ngoài ra không cần đầu tư khoản chi phí thuốc men nào khác, tiết kiệm được 60% chi phí sản xuất cho mỗi mùa vụ. Từ đó vừa không mất chi phí cho thuốc bảo vệ cây, vừa tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn.

Tương tự, chị Trần Thị Linh, xóm Giải Cờ, xã Yên Đồng [Yên Mô] cũng là cá nhân đi đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Chị Linh kể, vốn dân kinh doanh được đi nhiều nơi, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch của thị trường rất lớn nên chị đã bàn với chồng đầu tư vào làm nông nghiệp hữu cơ. Ban đầu, chị trồng chủ yếu là dưa, cà chua... theo phương pháp hữu cơ, nói không với thuốc trừ sâu và các loại phân bón hóa học. Nhưng rau không phun thuốc thì sâu bệnh nhiều nên càng về sau năng suất càng giảm, mẫu mã lại xấu, bán không được giá, hiệu quả kinh tế kém.

Nhận thấy, phương thức canh tác lạc hậu là nguyên nhân chính dẫn đến mùa vụ thất thường, năng suất thấp, năm 2020, gia đình chị mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu để làm 1000m2 nhà màng để trồng rau màu, thu được kết quả đáng mơ ước. Chị cho biết, trồng trong nhà màng năng suất cao gấp rưỡi so với trước đây, hầu như quanh năm nhà đều có sản phẩm để bán, hàng đi liên tục, không sợ ế ẩm hay thương lái ép giá. Khi trồng trong nhà màng, mỗi năm dưa chị trồng từ 3- 4 vụ, còn cà chua là 2 vụ. Sản phẩm của chị đã bao tiêu đến các trường học, doanh nghiệp và các cửa hàng nông sản sạch, cho thu nhập ổn định từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Canh tác nông nghiệp trong nhà lưới vẫn còn là mô hình mới, cách làm mới. Vì vậy, để khắc phục nhược điểm và đảm bảo năng suất ổn định cho rau màu, Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại tỉnh luôn sẵn sàng hỗ trợ nông dân về giống cây, công nghệ, kĩ thuật mới, đồng thời lựa chọn mô hình điểm và cầm tay chỉ việc, hướng dẫn từng công đoạn, hỗ trợ giám sát kĩ thuật khi cần.

Với sự hỗ trợ của tỉnh, mỗi năm có hàng nghìn mét vuông nhà lưới được hình thành và mở rộng, đến nay toàn tỉnh có hơn 400 mô hình ứng dụng công nghệ cao, gần 100 đề tài, dự án khoa học được triển khai, đã phát triển thành vùng hàng hóa, hoạt động theo chuỗi giá trị, đưa sản phẩm nông nghiệp của Ninh Bình từng bước chuyển dịch từ số lượng sang chất lượng, giá trị sản xuất đạt gần140 triệu/ha/năm.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tại Ninh Bình, trong đó tiêu biểu là khuyến khích mở rộng diện tích rau màu trong nhà lưới đã góp phần tăng giá trị, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và những tác động xấu đến môi trường, đó là hướng đi mới, phương thức mới, chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao, phát triển bền vững.

Chủ Đề