Truyện ngắn về thầy cô nhân ngày 20 11

Nhân Ngày Nhà Giáo VN [20-11] xin giới thiệu Chùm 8 câu truyện cực ngắn về Thầy - Trò ở trường Kiến Trúc, khoảng những năm 60-70, thế kỷ trước.

Có nhiều Bạn bè, dù không phải dân kiến-trúc, nhưng đã thân tình, xin mời cùng đọc, cũng là dịp biết thêm Thầy Trò Kiến Trúc tụi tui!

[Có vài bài đã đăng, nay tập hợp lại [bài 1, 2];... vài bài khác được trình bày theo văn phong mới [bài 3-8]].

THẦY TRÒ [1] Quang Nguyễn [KT66]

Thầy dạy môn hình học họa hình, thầy đã già lắm, người mập mạp, phúc hậu, rộng rãi, rất thương học trò. Kỳ thi cuối năm, thi vấn đáp, trò ngồi từ dãy ghế thứ ba, dãy ghế đầu dành cho những đứa bắt thăm đề xong ngồi chuẩn bị, từng đứa lên làm bài trả lời trên bảng, mà có chuẩn bị gì đâu, quay lên quay xuống , ra dấu, rồi chờ đám dưới calque bài trong sách ném lên… Ung dung lên bảng, đàng hoàng vẽ bài, … Thầy đi tới đi lui, chắp tay sau đít, đến sau lưng từng đứa đứng ngó làm bài, thầy thấy đứa nào cũng dấm dúi bùa, không hay biết thầy sau lưng … Đột ngột thầy thò tay chộp bùa một đứa, cả đám học trò hồi họp, còn thằng đó hoảng quá ! Nhưng : - Mặt phẳng này phải nằm phía trên chớ ! Vẽ lại !. Thầy xoay tờ bùa 180◦ rồi trả lại, chắp tay sau đít, thản nhiên tiếp tục bước qua thằng khác.

Thầy rất thương học trò, thầy không muốn học trò thi rớt, phải đi quân dịch. Học trò cũng biết, lợi dụng thầy, không thèm học !

THẦY TRÒ [2] Quang Nguyễn [KT66]

Ở trường, cuối năm, môn khoa học nào cũng thi hai kỳ, kỳ hai là để vớt những đứa rớt kỳ một. Ở một đợt thi kỳ hai, thi vấn đáp, buổi chiều, đã gần hết giờ, phòng thi chỉ còn lèo tèo vài đứa.

Thầy : - Thằng Đ đâu rồi mấy đứa ? Một lúc lâu, chỉ còn vài đứa chưa lên thi.

Thầy : - Thằng Đ đâu rồi mấy đứa ? Có trò nào thi xong chạy kiếm nó kêu nó vô thi ! Nhưng thằng học trò cuối cùng đã thi xong mà vẫn không thấy Đ đâu ! Lúc đó thằng học trò cuối cùng mới dám rụt rè nói : - Dạ nó đang ở Vũng Tàu chưa về !

Thầy : - Một đứa chạy ra kêu nó về thi. Thầy đợi nó hai ngày thôi.

Rồi thầy bước ra cửa. Hai ngày sau, thầy gọi thằng hôm trước tới, nói : - Con chạy ra Vũng Tàu nói thằng Đ khỏi về. Thầy không đợi được. Đã đến hạn thầy phải nộp bảng điểm ! Thầy vớt cho nó đậu rồi !

Thầy rất thương học trò, thầy không muốn học trò thi rớt, phải đi quân dịch. Học trò cũng biết, “pha” thầy luôn, chơi là chính !

THẦY TRÒ [3] :  Với Thầy BẠCH dạy Toán Nguyễn Đình Cung [KT58] 

Ở trên bảng đen thì Thầy đang thao thao vừa giảng vừa triển khai những hàng chữ và con số của bài toán, ở dưới thì có gần chục cái đầu, đứa thì ham nói chuyện không thèm nghe, đứa thì ù-ù cạc-cạc mắt nhìn Thầy mà tâm trí đang ở đâu đâu... Bỗng dưng Thầy ngưng bặt không nói nữa.

Thầy vừa thốt mấy tiếng "ủa... ủa..." vừa lùi lại nhìn vào những con số trên bảng vừa nói "sai rồi ... sai rồi" làm cả bọn chúng tôi cùng im lặng chú mục nhìn lên Thầy.

Thầy loay hoay đảo qua nhìn lại mấy hàng chữ số mà không tìm thấy chỗ sai, miệng nói "bí đái ! bí đái !" Tôi tình cờ nhìn lại hai hàng bên trên so với hàng cuối cùng, đứng dậy: "Thưa Thầy, Thầy lấy trên đem xuống thiếu một chữ !" rồi chỉ chỗ viết thiếu. Thầy la lên "đúng rồi" xong thêm vào con số thiếu và tiếp tục bài giảng.

Không biết đứa nào nói nhỏ nhỏ nhưng lại vang lên rõ-ràng: "Thầy đái được rồi, tụi bây ơi !" Thầy quay lại cười, nạt: "Chép bài đi !".

THẦY TRÒ [4] :   Với Thầy PINEAU dạy môn "Histoire de l'Architecture" : Nguyễn Đình Cung [KT58]

Bạn Cổ-Văn Hậu và tôi mới được quân-trường Thủ-Đức thả về sau hơn tháng "một hai - một hai" nhờ được Trường can thiệp cho được hoãn nhập ngũ đến khoá sau, để về thi, vừa lúc chỉ còn đúng nửa tháng cho các môn lý thuyết. Tôi cuống cuồng phải vừa mượn cours, tìm tài liệu còn thiếu, vừa phải hoàn tất nộp croquis một số môn lý thuyết cho kỳ vấn đáp, vừa làm bài construction của Thầy TRẦN VĂN TẢI đến hạn phải nộp, và hằm-bà-lằng các thứ lặt-vặt khác,... Cuối cùng, mọi việc cũng tạm ổn, sau nhiều đêm thiếu ngủ.

Ngày thi vấn-đáp môn Histoire de l'Architecture của Thầy PINEAU. Đây là môn tôi ngại nhất, cho là không quan trọng, lại "xếp bút nghiên" bỏ hết thời quân-trường. Tôi mượn notes của Bạn Nguyễn-Hữu Sơn, vội-vội vàng-vàng xem qua như "cưỡi ngựa xem hoa". Sơn trước học Lycée Yersin Dalat, có quyển notes rất đầy đủ.

Vào thi, Thầy PINEAU hỏi tôi về Jardins Francais. Chó ngáp phải ruồi, khi ngồi chờ đến phiên, tôi lật qua mấy bài trong notes, ngẫu nhiên đọc bài này. Tôi như mở cờ trong bụng, trả bài khá suôn sẻ. Thầy chỉ ngắt lời hỏi thêm vài chỗ cần thiết. Chưa nói hết, Thầy PINEAU phán: "Bon, merci, au suivant !".

Mấy ngày sau, kết quả, Thầy PINEAU cho tôi... Médaille ! Đây là một Médaille hiếm hoi của môn này. Nhớ hai câu thơ của Vũ Đình Liên [Ông Đồ Già] :

... "Những người muôn năm cũ,
Hồn ở đâu bây giờ ?"...

Mà thấy nhớ các Thầy chi lạ !

THẦY TRÒ [5] : Đỗ Xuân Đạm [KT66]

Chuyện thứ 2 của QuangNg kể, nếu là về kỳ thi môn Luật nhà phố của thầy Nguyễn Hữu Thiện thời thằng Đ. đó là tui, tui không đọc thông báo nên không biết ngày thi, cảm ơn bạn nào đã sáng tác ra lý do "nó đang ở Vũng Tàu".

Khi tui gặp thầy xin thi, thầy rất khó xử vì lý do không đọc thông báo của tui không chínhđáng, chưa biết giải quyết ra sao thời có một bạn từ quân trường có giấy phép về thi, nhưng đi trể nhầm ngày,

Thầy mừng rỡ cằm tấm giấy phép lên gặp Khoa Trưởng để xin mở kỳ thi đặc biệt, tui được thi ké.

Thầy ra hai câu hỏi: Hai nhà A và B có tường chung:

1- Khi nhà A sửa tường chung nhà B có phải chia phí tổn không? 2- Cây nhãn nhà A vươn cành qua nhà B, cành đó có trái ai hưởng?

Tui trả lời gọn lỏn: 1- Chi phí sửa chữa chia đôi. 2- Nhà B hưởng.

Thầy xem xong nói "Đậu rồi" nhưng hỏi thêm tại sao nhà B hưởng trái?

- Dạ, tại cành đó nằm trong không gian nhà B.

- Sai bét, lý do là vì nhà B phải quét lá rụng, hiểu chưa...

- Dạ, cảm ơn thầy.

THẦY TRÒ [6] : Cũng xin góp một chuyện cực ngắn Châu Đắc Chấn [KT72]

Hôm đó cũng giờ Thầy Bạch, lúc nghĩ giữa giờ... Dạo đó, trường đang treo giải vẽ logo của trường Kiến trúc. Mới vừa có kết quả, anh Võ Thành Lân đoạt giải [bàn tay cầm ê ke], trong lúc nghĩ giữa giờ anh em bàn tán về ý nghĩa logo, đa số là khen hay. Lúc đó thầy Bạch cũng đứng chung, có bạn hỏi ý kiến Thầy, thầy lặng thinh một lúc rồi cười... "... mấy anh vẽ tục tĩu quá... mấy anh ơi!..." các bạn cười cái rần...

THẦY TRÒ [7] : THẦY CHO EM XIN LỖI Đỗ Khắc Quang [KT77]

Ngày ấy khó khăn, chán chường, bụng đói. Chiến tranh đến gần lắm. Không gian đặc quánh. Nghèo bó cái eo, bó cả học lẫn mơ mộng vẽ vời đồ án. Học chỉ đối phó là chính... Đang chán học, ta nghĩ cho kẻ khác thì ít, tìm vui chọc phá thì nhiều... Thầy cô ta có... chừa đâu ! Thầy dạy cái môn hẻo nhất: Nga Văn. Thầy với đôi mắt nhìn buồn xa vắng. Lũ thứ ba bọn tụi tui, ngang ngửa quỷ ma, lôi Thầy ra hành hạ. Thầy đến lúc phải nói: Thầy có muốn đâu, ngày ấy Thầy sang Tiệp học Cơ khí, đụng lúc cơn bão chính trị, Thầy dạt qua Nga học... Văn. Thầy học ở Nga bốn năm rồi về nước. Họ nói Thầy đã học bên Nga khá lâu, nên để Thầy... dạy Nga Văn là... chuẩn. Hơn 30 năm, học hành làm chuyên môn ở Mỹ.

Kinh tế suy thoái, bất động sản Mỹ rớt te tua. Thất nghiệp, bảo về quê, mình dạy... Anh Văn, ... thấy mồ hôi vã ra trên trán. Nhìn gương sáng nay thấy đôi mắt mình nhìn quen quen... Vâng, đôi mắt Thầy ngày ấy... Ôi chao, Thầy cho em xin lỗi !

THẦY TRÒ [8] : CHUYỆN NHỎ Trần Văn Tý [KT64]

Ngày tôi mới vào trường gặp ngay Thầy Thâng dạy giờ đầu tiên.

Cuối giờ Thầy bảo : - Các em tìm trường khác mà học. Nếu tìm không được mới trở lại đây. Tôi rất ngỡ ngàng không hiểu Thầy nói vậy có ý gì ! Tôi xuống Họa Thất lần đầu, mới hiểu ra : gặp ngay một ông già đang bò trên bảng vẽ to ầm, bên cạnh là một cô gái khoản độ 14-15, đang làm nègre.

Thấy ông là SV già, tôi hỏi : - Thưa bác, bác vào học năm nào ? Ông ta nhìn cô con gái, nói : Khi con bé này chưa sanh ! Bây giờ nghĩ lại mà vẫn còn ớn trường mình !

Chuyên đề "TRUYỆN CỰC NGẮN THẦY-TRÒ KIẾN TRÚC":

Ngày 20/11, cùng đọc những truyện ngắn về tình cảm thầy trò hay và xúc động nhất. Những câu chuyện không chỉ là món quà tinh thần gửi đến thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam mà còn giúp mọi người hiểu hơn về tình cảm thầy trò thiêng liêng, cao quí.

Món quà ngày 20/11 có thể là một bó hoa tươi thắm, một lời chúc chân thành, nhưng cũng có thể là một câu chuyện về tình cảm thầy trò hay và ý nghĩa. Sau đây là tổng hợp truyện ngắn về thầy cô hay và ý nghĩa nhất, bạn có thể tìm đọc vào ngày 20/11.

[Ảnh: SGGP]

Người thầy và những tờ tiền cũ

Nhà nó nghèo, lại đông anh em, quê nó cũng nghèo nên từ lâu chẳng có mấy ai dám nghĩ đến chuyện cho con vào đại học. Ba mẹ nó cũng vậy, phần vì quá nghèo, phần là vì nghĩ đến điều kiện của con mình “làm sao mà chọi với người ta”!… Thầy là người duy nhất ủng hộ nó, cho nó niềm tin rằng “mình có thể”.

Vui mừng chẳng được bao lâu, bao nhiêu lo lắng tràn về vây lấy nó… Năm năm trời, hàng trăm thứ tiền như bầy ong vo ve trong đầu nó.

Rồi thầy đến mang cho nó một lô sách, vở mà nó đoán là những bài học “nhân-lễ-nghĩa” của thầy, dúi vào tay nó một gói nhỏ mà thầy bảo là “bí kíp” rồi dặn chỉ lúc nào khó khăn nhất mới được mở ra. Nó đã không “cảnh giác” thừa.

Gói “bí kíp” mà lúc nhận từ tay thầy nó đã ngờ ngợ là một xấp những tờ tiền 10.000 đồng bọc trong hai lớp nilon cũ kỹ, những tờ tiền được vuốt phẳng phiu phần nhiều đã nhàu nát mà nó tin rằng thầy đã để dành từ lâu lắm! 900.000 đồng, nó cứ mân mê những đồng 10.000 đã cũ mà thèm một góc không có ai để khóc.

Đã hai năm kể từ cái ngày thầy lặn lội lên Sài Gòn thăm nó, dúi vào tay nó những đồng 10.000 nhọc nhằn rồi lại vội vã trở về. Sau đó thầy chuyển công tác. Hai năm, thỉnh thoảng nó vẫn nhận được những đồng 10.000 của thầy [lạ thay, lại vào những lúc tưởng chừng như nó bế tắc nhất!]. Hai năm, nó vẫn chưa một lần về thăm thầy.

Trưa, mới đi học về, mẹ điện lên báo: “Thầy H. mất rồi!”. Nó chỉ lắp bắp hỏi được ba chữ: “Sao thầy mất?”, rồi sụp xuống khi mẹ cũng nghèn nghẹn ở đầu dây bên kia: “Thầy bệnh lâu rồi mà không ai biết. Ngày đưa thầy vào viện, bác sĩ chụp hình mới biết thầy đã hư hết lục phủ ngũ tạng rồi, chưa ai kịp đi thăm thì thầy đã…”.

Nó bỏ hết mọi sự leo lên xe đò. Trong cái nóng ban trưa hầm hập với cơn say xe mệt mỏi, nó thấy thầy hiền hậu đến bên nó, dúi vào đôi tay nóng hổi của nó những tờ 10.000 đồng lấp lánh…

Đến bây giờ nó mới để ý thấy thầy đã xanh xao lắm, bàn tay tài hoa khéo léo ngày xưa đã gân guốc lên nhiều lắm… Nó chợt tỉnh, nước mắt lại lăn dài trên má, trái tim nó gào lên nức nở: “Thầy ơi… Sao không đợi con về?”.

Vì nó cứ đinh ninh: nếu đổi những đồng 10.000 kia thành thuốc, thầy sẽ sống cho đến khi nó kịp trở về…

[Ảnh: PLXH]

Bài học làm người từ cô giáo dạy Sử

Sau ba năm tôi mới có dịp trở lại trường cũ. Mọi thứ không thay đổi nhiều, sân trường vẫn rợp bóng cây, những chiếc ghế đá vẫn còn ở đó, trầm mặc và nhẫn nhịn. Tiếng cô giảng đều đều trên lớp và ánh mắt ngây thơ của đám trẻ học trò khiến tôi nhớ lại những kỷ niệm thời cắp sách.

Tiếng trống trường đã điểm, giờ ra chơi đến. Tôi lại thấy bóng dáng của cô từ trong lớp. Vẫn dáng hình ngày xưa khi gieo mầm con chữ cho chúng tôi. Cô vẫn tận tụy đến lớp, vẫn chèo lái những con thuyền mơ ước của những cậu học trò nhỏ chúng tôi đến bến bờ hạnh phúc.

Giọng cô nhẹ nhàng phân tích cho học sinh chúng tôi những sự kiện lịch sử đáng nhớ, những chiến thắng vang dội của quân ta khắp các chiến trường. Chốc chốc cô ngừng giảng và nhìn đám học trò đang tròn mắt suy ngẫm. Chính cô cũng không thể nhận ra được những thế hệ học trò đó còn nhớ mãi công ơn của cô tự ngày nào.

Cô về trường tôi từ khi trường chỉ có mái lá đơn sơ. Ngày mưa cũng như ngày nắng, cô vẫn đạp chiếc xe Thống Nhất đã bạc màu đến lớp. Có lần những hôm trời mưa bão rất to mà cô vẫn cố đạp hơn chục cây số đến lớp vì sợ học sinh phải chờ.

Có khi nước ngập quá bánh xe mà cô vẫn bước tiếp, đến lớp thì cả thầy cả trò đều ướt hết. Phòng học dột nát không thể theo học. Những khi mưa gió như vậy cô lại nhớ về vùng quê Bình Lục, nơi người ta vẫn “cưỡi trâu đi họp huyện” cô lại thấy xót thương.

Cô thường kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về miền quê và gia đình cô. Miền quê chiêm trũng, ngập quanh năm những có nghị lực phi thường.

Giờ đây khi mọi thứ đã được thay mới, cô vẫn ngày ngày đến lớp. Là một giáo viên dạy sử nên tính cô rất nghiêm khắc. Cô luôn dạy chúng tôi phải biết tự phấn đấu vươn lên.

Cô thường bảo, lịch sử là cái gốc rễ của một quốc gia dân tộc, khi các em hiểu sử cũng hiểu truyền thống quý báu của ông cha ta, biết mà học hỏi, biết mà phát huy những truyền thống quý báu đó.

Theo lời dạy đó, mỗi thế hệ học sinh chúng tôi đều cố gắng trở thành một học sinh ngoan trong mắt cô. Đã 27 năm trôi qua với bao thế hệ học trò đến và đi khỏi ngôi trường này, nhưng hình bóng cô mỗi ngày lên lớp thì vẫn vậy.

[Ảnh: Dân trí]

Những học trò đầu tiên của cô nay đã đầu hai thứ tóc cũng không sao quên được những lời dạy, những kiến thức mà cô đã truyền đạt. Cô luôn dạy cách làm sao để hiểu và nhớ về một sự kiện lịch sử lâu nhất. “Chỉ khi các em hiểu rõ nguyên nhân tại sao và giải thích được những sự kiện, những mối ràng buộc đó thì em mới có thể làm tốt một bài lịch sử”.

Tôi còn nhớ kỷ niệm về cô khi còn đang học phổ thông. Là một học sinh chuyên văn nên tôi rất thích những môn xã hội, đặc biệt là tìm hiểu những kiến thức lịch sử.

Khi còn học ở trung học cơ sở tôi đã được nghe những thông tin về cô với phương pháp dạy hay, là một giáo viên giỏi ở trường. Và khi theo học cô tôi thực sự bị thuyết phục bởi cách giảng dạy ân cần và chu đáo.

Trong những giờ giảng, cô nhấn mạnh đến những sự kiện then chốt nhất, có tính quyết định đến giai đoạn lịch sử đang nghiên cứu. Cô thường dặn chúng tôi: “muốn học được lịch sử thì cần phải biết hệ thống kiến thức, tóm gọn vấn đề lại rồi triển khai thật nhỏ ra. Như vậy vừa nhớ lâu lại không bị mất ý”.

Theo lời khuyên của cô, mỗi chúng tôi đều nhớ rất rõ những vấn đề lịch sử và không hề bỏ sót chút nào khi làm bài kiểm tra. Không chỉ cho chúng tôi những bài học lịch sử mà cô còn dậy cách đối nhân xử thế ở đời.

Cô cho mỗi chúng tôi biết thế nào là cuộc sống thực tại, nó không màu hồng cũng không trải thảm đỏ mà mỗi trái tim non nớt chúng tôi vẫn hoài tưởng. Cô vẫn ví, cuộc đời như một cuộc chiến đấu chính bản thân mình vậy.

Nếu kiên cường thì họ sẽ không bao giờ gục ngã, nhưng chỉ cần sơ sảy họ có thể đánh đổi cả cuộc đời. Tôi mơ hồ hiểu những gì cô nói, nhưng đến giờ thì đó lại là bài học đáng giá theo mãi cuộc đời tôi.

Mỗi một năm trôi qua cô đón một thế hệ học trò tìm đến những điều mới mẻ trong trang sách lịch sử. Nhưng cũng là lúc cô tiễn thế hệ học trò của mình đi. 40 năm như vậy, sau 27 năm mà “tay lái” của cô vẫn vững mái chèo.

Cô không còn đạp xe đến lớp như ngày xưa nữa, cô không còn giảng bài khi lớp ngập mưa, nhưng những tiếng giảng của cô vẫn trong trẻo và dịu hiền. Nó vẫn hàng ngày dẫn dắt những thế hệ học trò như chúng tôi tìm đến được những chân trời mới.

Cô trang bị cho mỗi chúng tôi đầy đủ hành trang tri thức và vốn sống của cô để chúng tôi không còn lạ lẫm và bỡ ngỡ khi bước chân vào đời.

Những đồng nghiệp của cô vẫn nghĩ sao cô tận tâm với học trò đến vậy. Cô cười nhẹ và nói: “Nó đã theo cái nghiệp mất rồi, thiếu học sinh như thiếu chân tay vậy. Không sao chịu được”.

Có lẽ nhờ cô mà những bài giảng lịch sử vẫn thấm nhuần trong tôi. Mỗi khi tiếp cận một sự kiện tôi không quên tìm kỹ về nguyên nhân của nó.

Hiểu nghề để làm nghề như cô vẫn dặn chúng tôi. Sẽ mãi nhớ những kỷ niệm về cô, kỷ niệm về thời học trò và những bài giảng quý báu mà cô đã trao tặng cho mỗi chúng em. Chúng em sẽ luôn trân trọng nó như món quà quý giá nhất của cuộc đời.

[Ảnh: Dân trí]

Người thầy năm xưa

Tôi sinh ra ở làng quê nhỏ. Ngôi trường tiểu học của tôi cũng là trường làng bé lắm. Ngồi trường ấy ngày ngày chào đón các em học sinh nghèo tay lấm chân trần. Vâng, trường tôi nghèo lắm. Nhưng ở nơi đó tôi đã tìm thấy nhiều niềm vui và những kỉ niệm về người thầy thân thương với lòng biết ơn sâu sắc.

Đã hơn 10 năm nhưng hình ảnh và lời nói của thầy vẫn luôn hằn sâu trong ký ức tôi. Đó là năm học lớp 5, tôi được chuyển sang học lớp mới. Ngày đầu đi học tôi đứng rụt rè ở cửa lớp vì e sợ thầy, bạn không quen. Thầy nhìn thấy tôi và hỏi han ân cần. Nhìn ánh mắt trìu mến và cầm bàn tay ấm áp của thầy, tôi bước vào lớp trong sự yên tâm lạ thường.

Từ lần đầu được gặp thầy rồi được thầy dạy dỗ, tôi càng hiểu và thấy yêu quý thầy nhiều hơn. Với thầy, tôi có thể diễn tả bằng hai từ “yêu thương” và “tận tụy”. Thầy tận tụy trong từng bài giảng, từng giờ đến lớp. Cả những ngày nóng bức hay những ngày mưa, thầy đều đến lớp để mang cho chúng tôi nhiều điều mới lạ.

Tôi nhớ đến mùa nước nổi, khắp đường xá, trường học đều đầy nước. Thế mà thầy trò chúng tôi vẫn đến lớp đều đặn, học bì bõm trong nước thế mà vui đến lạ. Những bài giảng của thầy dường như “đánh thắng” cả mùa nước lũ. Khi không đến lớp, thầy lặn lội đến nhà các học sinh để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình và tạo điều kiện tốt hơn để chúng tôi yên tâm ngày hai buổi đến trường. Thầy tôi là như thế, thầy tận tụy với nghề, yêu thương tất cả học sinh.

Tôi đã từng được đến chơi nhà thầy – một ngôi nhà mái lá đơn sơ nhưng gọn gàng, sạch sẽ. Căn nhà bé nhỏ ấy chứa đựng tấm lòng yêu thương bao la của thầy tôi. Hơn cả 1 người thầy dạy chữ, thầy còn dạy chúng tôi biết bao điều trong cuộc sống. Thầy luôn nhắc nhở chúng tôi cố gắng học tập, không khuất phục cái nghèo.

Thầy vẫn tin rằng các học trò của thầy sẽ xây dựng một tương lai tươi sáng hơn. Niềm tin của thầy truyền sang niềm tin của chúng tôi – những đứa học trò nghèo chan chứa bao nhiêu là ước mơ và hoài bão. Những lời dạy dỗ của thầy đã theo tôi trong suốt những tháng năm dài.

Riêng với tôi, tôi vẫn nhớ mãi những lần được thầy đưa đến trường. Con đường đá đến trường đã thấm biết bao giọt mồ hôi của thầy tôi. Tôi không sao quên được hình ảnh thầy với chiếc xe đạp cũ kĩ cứ kêu “kót két” theo từng vòng quay. Thế mà chỉ cần ngồi sau lưng thầy, con đường dài dường như ngắn lại; cái nóng của buổi trưa nắng gắt dường như cũng mát dịu hẳn đi. Nhìn lưng thầy ướt đẫm mồi hôi mà miệng vẫn vui cười.

Ôi! Sao mà nhớ thầy đến thế! Trên con đường dài với lắm gập ghềnh, thầy và tôi cùng nhau trò chuyện nhiều điều thú vị. Bất chợt tôi cảm thấy thầy thật gần gũi và thân thiết như một người bạn lớn.

Có lần thầy hỏi tôi rằng: “Nếu chỉ được đi qua một lần trên con đường đầy hoa dại, con sẽ chọn một bông hoa nào con cho là đẹp nhất?!”. Lúc bé thơ ấy tôi nào hiểu những gì thầy muốn nói, chỉ khẻ cười rồi im lặng. Rồi thầy bảo rằng “trên đường con đi sau này sẽ có nhiều “bông hoa” như thế. Con đừng đợi phải đi hết quãng đường, hãy nắm lấy cơ hội để con có thể tiến xa hơn”. Và khi đó tôi mới hiểu điều thầy muốn nói, lời nói của thầy đã cổ vũ tôi đủ can đảm bước xa làng quê bé nhỏ để lên thành phố học tốt hơn.

Đúng là thầy tôi, lời khuyên nhủ thật nhẹ nhàng nhưng sâu sắc và làm người ta yên lòng lắm. Đến hôm nay, tôi bỗng nhớ lại những câu chuyện của người thầy năm xưa. Thầm cảm ơn thầy về những gì tốt đẹp thầy đã dành cho tôi. Đó là những lời dạy dỗ quý báu cổ vũ tôi trong những tháng năm dài.

Gần 10 năm nay ít có dịp về thăm thầy cũ. Ngôi trường làng ngày xưa đã tàn phai ít nhiều. Mỗi lần về thăm lại thấy mái tóc thầy tôi bạc trắng nhiều hơn. Nhưng dù thời gian có trôi qua bao nhiêu, tấm lòng thầy vẫn như thế, vẫn tận tụy và đầy yêu thương.

Đối với tôi, “người thầy năm xưa” là biểu tượng của một nhà giáo Việt Nam ưu tú. Ở thầy tôi là sự hy sinh cao cả xuất phát từ lòng yêu nghề, yêu trẻ. Đến hôm nay, trong lòng tôi vẫn mãi mãi kính trọng và biết ơn “người thầy giáo năm xưa”.

XEM THÊM

Những bài thơ 20/11 ngắn tri ân thầy cô ngày Nhà giáo Việt Nam

"Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay. Con bỗng thấy tóc thầy bạc trắng. Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn. Mà sao ...

Ngày 20/11 nên cho con tặng quà hay tặng phong bì thầy cô?

Ngày 20/11 sắp đến, nhiều bố mẹ vẫn đang đau đầu nghĩ tặng quà gì cho thầy cô giáo của con. Nên tặng quà hay ...

Quà 20/11 cho cô giáo mầm non

Một món quà 20/11 ý nghĩa cùng bó hoa tươi thắm và tấm thiệp xinh xắn từ các bậc phụ huynh sẽ khiến ngày 20/11 ...

Thơ hay về giáo viên tặng cô giáo mầm non ngày 20/11

Những bài thơ hay về giáo viên ngắn gọn nhưng ý nghĩa, rất phù hợp với lứa tuổi mầm non để đọc tặng cô nhân ...

Lời chúc 20/11 ý nghĩa và ấn tượng nhất dành tặng cô giáo mầm non

Lời chúc 20/11 hay và ý nghĩa sẽ là món quà giá trị nhất đối với các cô giáo mầm non vào ngày Nhà giáo ...

Quà 20/11 ý nghĩa dành tặng thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Nếu bạn đang bí ý tưởng mua quà 20/11, những gợi ý quà tặng 20/11 ý nghĩa dành tặng thầy cô giáo sau sẽ khiến ...

Video liên quan

Chủ Đề