Tư duy bằng cách đặt câu hỏi

Tư duy phản biện đã không còn là một thuật ngữ xa lạ, nhất là đối với công dân ở thế kỷ 21. Theo World Economic Forum, tư duy phản biện được xếp vào nhóm top 10 kỹ năng cần có đối với con người trong thời đại 4.0 hiện nay. Do vậy, có thể thấy đây là một kỹ năng cần thiết mà chúng ta cần hiểu để áp dụng trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Trong bài viết này, tác giả sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về tư duy phản biện và tầm quan trọng của tư duy phản biện. Bên cạnh đó, bài viết đề xuất hai phương pháp giúp người đọc có thể áp dụng để phát triển tư duy phản biện đó là tranh biện và đặt câu hỏi.

Tầm quan trọng của tư duy phản biện

Trong bất cứ lĩnh vực nào của đời sống, tư duy phản biện đều đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý thông tin và đưa ra kết luận hay quyết định đúng đắn dựa trên các dẫn chứng, lỹ lẽ xác thực thay vì dựa vào cảm xúc hay trực giác.

Theo bài nghiên cứu The Importance of Critical Thinking [Tầm quan trọng của tư duy phản biện], Michele đã tổng hợp một số lợi ích của người có tư duy phản biện như sau:

  • Suy nghĩ về một chủ đề hay vấn đề theo cách nhìn trực quan và phản biện

  • Nhìn vấn đề đa chiều hơn khi đưa ra các lập luận khác nhau liên quan đến vấn đề

  • Đánh giá tính chặt chẽ của một luận điểm

  • Phát hiện các lỗ hổng trong dẫn chứng hoặc lập luận

  • Nhận biết được hàm ý ẩn sâu sau một luận điểm

  • Đưa ra một hệ thống lập luận chặt chẽ để hỗ trợ quan điểm

  • Xác định được tầm quan trọng hoặc mối liên hệ giữa các lập điểm hoặc ý tưởng

  • Tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống.

Quá trình diễn ra của tư duy phản biện

Theo Patterson, tư duy phản biện được hình thành qua 6 bước:

6 bước hình thành tư duy phản biện

Theo sơ đồ, tư duy phản biện sẽ bắt đầu từ việc nắm bắt được thông tin. Ở bước tiếp theo, người học sẽ đưa ra một vài lập luận dựa trên thông tin đã được nghiên cứu. Bên cạnh đưa ra lập luận, người học còn đưa ra thêm một số giả định đây là một bước quan trọng vì tại bước này, người học cần nhìn vấn đề một cách tổng quát nhất để đưa ra tất cả các giả định có thể có. Sau đó, người học cần tìm và đưa ra các lý lẽ, dẫn chứng để chứng minh cho lập luận hoặc bác bỏ các giả định chưa chính xác. Các dẫn chứng này sẽ được kiểm chứng tiếp theo đó để xem chúng đã đủ tính xác thực và có mối liên hệ chặt chẽ với lập luận hay không trước khi người học đưa ra kết luận hoặc quyết định. Cuối cùng, kết luận hoặc quyết định đó cần được kiểm tra chéo, để làm điều này, người học nên đọc thêm các nguồn tin cậy khác hoặc hỏi chuyên gia về vấn đề này để chắc chắn về kết luận và quyết định.

Phân tích ví dụ về quá trình của tư duy phản biện:

Thông tin: Ca bệnh ở Việt Nam cách 10m vẫn mắc Covid

Bước 1: Tiếp nhận và tìm hiểu thông tin:

Thông tin được lấy từ tiêu đề báo Vietnamnet đây là nguồn báo uy tín.

Bước 2: Đưa ra lập luận:

Không tiếp xúc trực tiếp vẫn lây bệnh.

Bước 3: Đưa ra giả định

Mỗi người phải cách xa nhau ít nhất 10m thay vì 2m như hiện nay.

Bước 4: Đưa ra bằng chứng, lý lẽ

Cơ chế lây bệnh: người bình thường tiếp xúc với giọt bắn hoặc chạm tay vào bề mặt có vi-rút.

Nghiên cứu mới khẳng định ngoài cơ chế lây bệnh nêu trên, vi-rút corona có thể tồn tại trong không khí; do vậy, sự xuất hiện của người bệnh ở một địa điểm sẽ gây ra nguy cơ lây nhiễm cho những người khác ở tại địa điểm đó.

Biến chủng mới Ấn Độ [hiện đã có mặt ở Việt Nam] có khả năng lây nhiễm trong không khí rất nhanh, đặc biệt là môi trường kín.

Bước 5: Đánh giá dẫn chứng, lý lẽ và đưa ra quyết định

Các dẫn chứng trên đều được y khoa nghiên cứu và công bố trên báo, do vậy chúng đáng tin cậy. Từ đó, quyết định được đưa ra: thông tin ban đầu có nhiều khả năng chính xác.

Xét giả định, thông tin chính xác một phần nếu nói khoảng cách 2m hiện nay không còn là an toàn. Thứ nhất, do có nhiều dạng môi trường tiếp xúc, nếu tiếp xúc với người bệnh trong môi trường kín thì nguy cơ lây nhiễm của mọi người ở các vị trí là như nhau; nếu tiếp xúc ở môi trường thoáng khí thì khả năng này sẽ giảm xuống. Tương tự, chỉ có một số loại biến chủng Covid mới có khả năng lây lan cao trong không khí. Vì vậy, khoảng cách 2m tính đến thời điểm hiện tại vẫn được cho là an toàn.

Quyết định cuối cùng được đưa ra: khoảng cách 2m là an toàn để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh, tuy nhiên khoảng cách này không an toàn khi xét tới điều kiện môi trường là phòng kín hoặc người bệnh nhiễm các biến chủng nguy hiểm.

Bước 6: Kiểm tra quyết định

Đọc kỹ bài báo và các bài báo khác từ các nguồn thông tin uy tín để kiểm định.

Các phương pháp giúp phát triển tư duy phản biện

Phương pháp tranh biện

Định nghĩa

Theo Andy, tranh biện là hoạt động khuyến khích người học hiểu và phân tích nhiều khía cạnh khác nhau của một vấn đề; ngoài ra nó không chỉ khuyến khích người học phân tích sâu về một vấn đề nhất định mà còn liên hệ nó với các vấn đề khác.

Mối liên hệ giữa tranh biện và tư duy phản biện

Theo Deni, hoạt động tranh biện diễn ra với các bước như sau:

  • Bước 1: Xác định và làm sáng tỏ vấn đề [nhận thức]

  • Bước 2: Tổng hợp thông tin về vấn đề [ phân tích]

  • Bước 3: Đánh giá tính chính xác và tính ứng dụng của vấn đề [áp dụng]

  • Bước 4: Đưa ra kết luận dựa vào các bằng chứng [suy luận]

  • Bước 5: Giải thích kết luận đó một cách logic [giải thích]

  • Bước 6: Đánh giá các lập luận [đánh giá]

Trước hết, khi đọc định nghĩa và quá trình của tranh biện và đối chiếu với quá trình của tư duy phản biện, người đọc sẽ thấy mối liên hệ mật thiết giữa hai hoạt động này nằm ở trình tự diễn ra quá trình từ bước tiếp nhận thông tin, phân tích, đánh giá và đưa ra kết luận/quyết định. Ví dụ, hai kỹ năng này đều có một số đặc điểm chung như: việc đọc hiểu bao gồm phân tích các định nghĩa và đưa ra các lập luận; việc đánh giá đòi hỏi xác nhận nguồn thông tin hoặc phân tích dẫn chứng.

Thứ hai, bản chất của tranh biện đó là cần đưa ra sự thật và bằng chứng để bảo vệ hoặc chứng minh quan điểm của một ý kiến, điều này cũng tương tự đối với tư duy phản biện khi nó cũng dựa vào việc phân tích các dẫn chứng và sự thật để đưa ra quyết định.

Do vậy, tham gia vào hoạt động tranh biện là một cách hiệu quả để phát triển tư duy phản biện.

Ứng dụng

Trong môi trường giáo dục, hoạt động tranh biện luôn được khuyến khích sử dụng như một cụ hữu hiệu cho việc rèn luyện tư duy phản biện.

Theo Stephen, hoạt động tranh biện có thể diễn ra dưới nhiều hình thức, tuy nhiên khi hoạt động tranh biện được sử dụng với mục đích phát triển tư duy phản biện, giáo viên hoặc người tổ chức nên tuân theo một số nguyên tắc căn bản như sau:

  • Chủ đề tranh biện: là một quan điểm cho phép học sinh đồng ý hoặc không đồng ý thay vì đặt ra câu hỏi

Ví dụ: Học sinh nên mặc đồng phục ở trường học.

  • Mỗi đội có thể đưa ra ý kiến của mình trong khoảng thời gian giới hạn cho trước và thứ tự nói của các đội là lần lượt [ví dụ: đội A nêu quan điểm 1 đội B phản bác quan điểm 1 và đưa ra quan điểm 2; sau đó quá trình lặp lại với các quan điểm tiếp theo].

  • Trong quá trình tranh luận, luôn đảm bảo các đội thực hiện hai việc: củng cố quan điểm của đội mình và đặt câu hỏi/phản bác quan điểm đội đối lập.

  • Học sinh không được phép chọn mình sẽ theo quan điểm nào mà việc chia quan điểm nên được thực hiện một cách ngẫu nhiên để tránh việc học sinh luôn phát triển quan điểm theo niềm tin vốn có của mình. Nói cách khác, để học sinh tự chọn phe quan điểm mà mình tự tin hoặc yêu thích sẽ kìm hãm khả năng nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều và khách quan của chúng.

  • Trước khi bước vào hoạt động tranh biện, việc đọc, nghiên cứu và tổng hợp thông tin là bắt buộc đối với các thành viên trong đội.

Phương pháp đặt câu hỏi dựa trên thang Bloom

Thang nhận thức Bloom là gì?

Thang Bloom có 3 mô hình khác nhau: nhận thức, xúc cảm và tâm lý vận động [theo Wikipedia], tuy nhiên trong khuôn khổ bài viết này, tác giả chỉ tập trung vào phân tích cách ứng dụng của mô hình đầu tiên: mô hình nhận thức vì đây là mô hình có sức ảnh hưởng nhất giúp phát triển tư duy phản biện.

Năm 1956, Benjamin Bloom cùng với các cộng sự của mình đã tạo ra thang nhận thức Bloom với 6 cấp độ khác nhau nhằm hỗ trợ giáo viên và người học. Đến năm 2001, nhóm các học giả tâm lý đã đề xuất điều chỉnh phiên bản cũ và đổi mới thành thang Bloom như hình dưới đây:

Thang nhận thức Bloom với 6 cấp độ khác nhau

Mối liên hệ giữa thang Bloom và tư duy phản biện

Một trong số các phương pháp luôn được khuyến khích để phát triển tư duy phản biện là liên tục đặt câu hỏi. Quá trình này sẽ giúp người học đào sâu về thông tin và phát hiện thêm các mối liên hệ xung quanh đến vấn đề. Đồng thời, việc liên tục đặt câu hỏi sẽ làm giảm khả năng đưa ra kết luận hay quyết định từ cảm xúc hay trực quan do người học có thể liên tiếp tìm thấy các cơ sở hay bằng chứng để xác thực thông tin.

Vậy, muốn phát triển tư duy phản biện, người học nên đặt ra các kiểu câu hỏi như thế nào?

Khi quan sát thang nhận thức Bloom, người đọc sẽ thấy cấp độ nhận thức tăng lên dần từ việc ghi nhớ/nhận biết thông tin cho tới các cấp độ cao hơn đó là phân tích, tổng hợp và đánh giá thông tin. Quá trình này cũng tương tự với quá trình diễn ra của tư duy phản biện. Do vậy, việc đặt ra câu hỏi ở mỗi cấp độ nhận thức theo thang Bloom sẽ giúp người học dần hình thành tư duy phản biện.

Các câu hỏi đặt ra theo thang Bloom giúp phát triển tư duy phản biện

Trong thang Bloom, ở mỗi cấp độ nhận thức sẽ có một bộ từ khóa cần thiết để giúp người đọc đạt được mục tiêu ở cấp độ đó. Những từ khóa này vô cùng hữu ích vì nó giúp người đọc làm sáng tỏ vấn đề từ bước đơn giản tới nâng cao; ngoài ra, chúng còn đóng vai trò chỉ đường cho người học dựa vào đó để đặt ra câu hỏi phù hợp với từng vấn đề, từ đó giúp phát triển tư duy phản biện.

Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả sẽ gợi ý một số câu hỏi ở các mức độ nhận thức khác nhau theo thang Bloom như sau:

Cấp độ kiến thức:

  • Vấn đề ở đây là gì?

  • Đối tượng của vấn đề là ai?

  • Vấn đề này diễn ra ở thời điểm/hoàn cảnh nào?

Cấp độ hiểu:

  • Nội dung chính của vấn đề là gì?

  • Cần tập trung vào khía cạnh nào của vấn đề?

  • Bạn có thể tóm tắt lại vấn đề theo ý hiểu của mình không?

Cấp độ áp dụng:

  • Vấn đề này liên quan tới chủ đề nào?

  • Mối liên hệ giữa vấn đề đang nghiên cứu với các vấn đề khác cùng chủ đề là gì?

  • Phương pháp nào được sử dụng để hiểu vấn đề này?

Cấp độ phân tích:

  • Có thể quan sát vấn đề này từ các khía cạnh nào?

  • Dẫn chứng cho vấn đề này là gì?

  • Đã đủ dẫn chứng chưa?

  • Bạn có thể phân loại hay phân biệt.?

Cấp độ tổng hợp:

  • Có giả định nào không?

  • Hệ quả là gì?

  • Từ vấn đề này có thể suy ra điều gì?

  • Có bổ sung thêm dẫn chứng nào không?

Cấp độ đánh giá:

  • Điều gì quan trọng nhất?

  • Các chứng cứ, lý lẽ của bạn có đủ xác thực không?

  • Các lập luận bạn đưa ra có chặt chẽ không?

Tổng kết

Trong thế giới 4.0 hiện nay, tư duy phản biện sẽ trở thành một công cụ đắc lực cho mỗi cá nhân rèn luyện tư duy trong học tập, công việc và cuộc sống. Tác giả hy vọng rằng, thông qua bài viết này, người học sẽ nắm bắt được bản chất, đặc điểm và tầm quan trọng của tư duy phản biện. Đặc biệt, với hai phương pháp được đề cập trong bài viết nhằm giúp phát triển tư duy phản biện bao gồm hoạt động tranh biện và hoạt động đặt câu hỏi, tác giả mong người học có thể ứng dụng để phát triển tư duy phản biện của mình một cách hiệu quả.

Đọc thêm: So sánh tư duy phản biện với tư duy phê phán, tư duy sáng tạo và tư duy logic

Nguyễn Việt Chinh

Video liên quan

Chủ Đề