Vì sao phải thay đổi chương trình sách giáo khoa

Đổi mới chương trình, SGK là cần thiết

Nhiều ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh góp ý đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông [gọi tắt là SGK] theo hướng giảm tải, phát huy tư duy sáng tạo của thầy và trò

Mở đầu cuộc trao đổi với chúng tôi, GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân đặt vấn đề: “Chúng ta có nhiều thầy cô giáo giỏi, tại sao không tận dụng, phát huy tư duy sáng tạo của họ?”.

Xây dựng bộ chuẩn kiến thức

Theo GS-TS-Nhà giáo Nhân dân Võ Tòng Xuân, sau gần 40 năm sống trong hòa bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD-ĐT] đã có tiến bộ khi tiếp cận cách quản lý giáo dục hiện đại, bước đầu xây dựng bộ chuẩn kiến thức những môn học trong khối phổ thông [nói nôm na, ví dụ môn toán thì đã có bộ chuẩn kiến thức toán từ lớp 1 đến lớp 12 dạy gì]. Do đó, các thầy cô có kinh nghiệm dạy toán sẽ căn cứ vào các chuẩn kiến thức mà xây dựng giáo án để dạy, những người xuất sắc hơn sẽ được các NXB mời viết SGK cũng căn cứ vào các chuẩn kiến thức đó.

Như thế, có thể một SGK toán lớp 1 sẽ được vài NXB gửi đến các trường chọn lựa để thầy cô tham khảo viết giáo án. Quyển nào thích hợp cho vùng miền nào nhất và dùng phương pháp dạy nào dễ hiểu nhất thì trường sẽ chọn mua. Không nên chỉ dùng 1 SGK mà bắt buộc thầy cô cả nước sử dụng vì có những khác biệt bởi ngôn ngữ vùng miền, học sinh khó tiếp thu.

Giáo viên và học sinh mong muốn một chương trình, sách giáo khoa thực hành nhiều hơn lý thuyết. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Chu Văn An [quận 11, TP HCM] trong một tiết học Ảnh: TẤN THẠNH

“Nhìn sang nước Mỹ, chúng ta thấy ở cấp liên bang, Bộ Giáo dục xây dựng bộ chuẩn kiến thức các môn học. Từ bộ chuẩn liên bang, ngành giáo dục của các tiểu bang thiết lập bộ chuẩn kiến thức riêng cho phù hợp với tiểu bang mình. Các NXB sách tư nhân trong tiểu bang sẽ xuất bản SGK cho tiểu bang họ. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét, không nên duy trì kiểu làm rất tốn kém của Bộ GD-ĐT trước đây là bộ tự in SGK cho toàn quốc. Đã có bộ chuẩn kiến thức môn học rồi thì để cho xã hội bám vào đó mà viết sách, viết giáo án và dạy. Bộ cứ căn cứ vào bộ chuẩn mà kiểm tra. Như thế, ngân sách nhà nước sẽ không còn gánh nặng hàng ngàn tỉ đồng mà các nhà giáo và học sinh không phải chỉ theo đúng một nội dung và một cách dạy. Có như vậy, chúng ta mới phát huy tư duy sáng tạo của thầy và trò, giáo dục mới thật sự đổi mới”- ông Võ Tòng Xuân phân tích.

Gần gũi, phong phú vùng miền

Bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm [quận 1, TP HCM], nhận xét chương trình và bộ SGK hiện hành của học sinh tiểu học đơn điệu về hình thức, ôm đồm kiến thức và quá thiên về văn hóa vùng miền Bắc Bộ.

“Xét về nội dung, nhiều bài học trong SGK hiện hành có hay nhưng cách khai thác, đặt vấn đề chưa kích thích sự phát triển tư duy của học sinh, chưa hướng đến việc rèn cho học sinh kỹ năng tự học và chưa có hướng mở để giáo viên dạy học một cách linh hoạt, đáp ứng được văn hóa vùng miền. Chương trình giáo dục tiểu học mới cần đổi mới sao cho học sinh được học những gì đơn giản nhất, ít môn, lượng kiến thức tinh gọn để học sinh dễ nhớ. Về hình thức, SGK phải có màu sắc tươi vui, hình ảnh sinh động để tạo được hứng thú đối với học sinh” - bà Điệp góp ý.

Đau đáu về việc chương trình SGK cấp THCS quá tải, đặc biệt là môn ngữ văn, cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Du [quận 1, TP HCM], cho biết: “Dù Bộ GD-ĐT đã thực hiện giảm tải nhưng chỉ là sự cắt giảm cơ học, không có sự gắn kết. Chúng tôi rất mong muốn một chương trình và SGK mới. Ở đó, kênh hình nhiều hơn kênh chữ, thực hành nhiều hơn lý thuyết và gần gũi, ứng dụng thực tế nhiều hơn vì các em học văn không phải để trở thành nhà ngôn ngữ mà để làm phong phú tâm hồn, làm người. Ngoài ra, giảm số bài phải học để tập trung vào những tác phẩm tiêu biểu đại diện cho cả giai đoạn văn học. Hiện nay, học sinh phải học rất nhiều tác phẩm nhưng hầu như không có gì đọng lại, việc học như cưỡi ngựa xem hoa”.

Tuy nhiên, theo cô Hiền, thay đổi chương trình chỉ là một khâu trong đổi mới giáo dục. Quá trình đổi mới này có thành công hay không cần triết lý giáo dục cụ thể, rõ ràng và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố người thầy.

Đề cao vai tròcá nhân

Cô Đỗ Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền [TP HCM], cho rằng mục đích môn lịch sử là giáo dục lòng yêu nước cho học sinh nhưng kiến thức trong sách lịch sử rất hàn lâm, gây chán. Ở từng trận đánh, từng chiến thắng đều có gắn với những cá nhân anh hùng nhưng SGK lại đưa ra rất ít, thậm chí không đề cập, chỉ nói chung chung. Giáo dục lòng yêu nước theo cách này rõ ràng không hiệu quả. “Chương trình khối 10, 11 ít rơi vào nội dung đề thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh đại học nên giáo viên có thể thiết kế bài giảng theo hướng sinh động nhưng khối 12 thì không thể bởi thi thế nào dạy học thế đó. Chương trình, SGK mới cần xây dựng theo hướng giảm khối lượng kiến thức. Đặc biệt, không thể thiếu vai trò to lớn của các cá nhân trong các chiến dịch, trận đánh” - cô Thủy nói.

Nhóm Phóng viên

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ban hành đã hiện thực hóa quan điểm đổi mới giáo dục cho những năm tới. Trong khi đó, sách giáo khoa [SGK] là một phương án dạy học dựa trên chương trình chuẩn quốc gia.

Sách giáo khoa là cụ thể hóa mục tiêu giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh và là bước đột phá, đòn bẩy để phát triển giáo dục nước nhà. SGK mới có cấu trúc và nội dung không giống như SGK hiện hành. Đây là SGK dạy học theo định hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực học sinh cho nên sách phải viết làm sao cụ thể hóa được mục tiêu của chương trình tổng thể và chương trình môn học một cách khoa học nhất và nghệ thuật sư phạm nhất. Mặt khác, SGK chỉ là một phương án mở giúp giáo viên thuận lợi trong việc hướng dẫn học sinh trải nghiệm từng đơn vị kiến thức trong bài học. Tuy được chọn một bộ SGK, nhưng mỗi giáo viên vẫn có quyền tham khảo và vận dụng các cách tiếp cận, cách giải quyết một vấn đề kiến thức ở các bộ SGK khác nhau. Đối với học sinh, SGK chỉ là một trong những công cụ giúp các em bày tỏ biểu cảm, cách nghĩ, cách thể hiện khác nhau và rồi cùng nhau thảo luận, hợp tác, chủ động tìm cách sở hữu kiến thức cho chính mình.    Thực tế hiện nay, nhiều nơi vẫn chưa thoát ra quan niệm cũ: SGK là pháp lệnh, cho nên chưa dám mạnh dạn thay đổi hoạt động chuyên môn khi trình độ học sinh và điều kiện hiện có của nhà trường không tương đồng. Có thể nói, để dạy học nhẹ nhàng, hiệu quả, quyền quyết định chủ yếu là ở giáo viên, ở mỗi nhà trường mà không phải là ở SGK. Nhiều bộ SGK sẽ cho ra cách dạy học khác nhau cũng như phản ánh thực tiễn giáo dục phong phú ở nhiều địa phương, thậm chí mang dấu ấn riêng, đậm chất nghệ thuật sư phạm của nhóm tác giả SGK. Giáo viên sẽ được tự do sáng tạo, trên cơ sở trải nghiệm nhiều bộ SGK khác nhau. Mặt khác, khi có nhiều bộ SGK, sẽ kích thích giáo viên tự chủ nội dung và phương pháp, tức là thay đổi giáo dục từ dưới lên. Điều đó giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo [GD và ĐT] chỉ đạo sát thực hơn, thực tế hơn với sự đa dạng của địa phương, tức là điều chỉnh cách chỉ đạo đổi mới giáo dục ở cấp Trung ương, hay chính là thay đổi từ trên xuống. Quá trình biên soạn SGK theo cơ chế xã hội hóa giúp các tác giả và nhà xuất bản hoàn toàn được chủ động, sáng tạo trong tất cả các khâu như: Tự chủ chọn tác giả và xây dựng bản thảo; tự lo kinh phí và từ đó xác định cho mình trách nhiệm lớn hơn. Ngoài ra, nhiều bộ SGK sẽ chống được độc quyền của các nhà xuất bản trong việc in ấn và phát hành SGK, đã tồn tại suốt nhiều năm qua.    Tuy nhiên, quá trình triển khai biên soạn SGK vừa qua bộc lộ những hạn chế cả về nội dung dạy học lẫn sự chỉn chu về mặt sư phạm. Chưa nên vội đưa quá nhiều văn thơ nước ngoài vào SGK tiểu học, nhất là học sinh các lớp 1, 2, 3 là giai đoạn đầu đời của cả một con người. Mặt khác, cần nhặt hết “sạn” trong SGK. Rõ ràng, SGK tuy là sách xã hội hóa nhưng đã được Nhà nước thẩm định trước khi đưa vào trường học thì phải chuẩn, phải “sạch”. Vì vậy, cần chấm dứt tình trạng còn “sạn” trong SGK. Đáng chú ý, giá SGK quá cao trong khi vẫn có những giải pháp để giá sách giảm xuống như: Đấu thầu rộng rãi công đoạn in sách; giảm đến mức thấp nhất số trang mỗi đầu sách; không cần có SGK ở một số môn học hoặc hoạt động giáo dục [như hoạt động trải nghiệm, giáo dục thể chất] mà chỉ giữ lại sách hướng dẫn dạy cho giáo viên. Nếu làm được như nêu trên, chắc chắn cặp sách của các em tới trường sẽ nhẹ hơn, đỡ trĩu nặng trên đôi vai trẻ nhỏ. Cùng với đó, việc bán sách tham khảo kèm SGK, theo “bó”, rồi môi giới tiếp thị sách tham khảo để nhận phí phát hành là những việc làm phản cảm, cần phê phán và giám sát chặt chẽ hơn nữa theo tinh thần chỉ đạo của Bộ GD và ĐT.    Để thực hiện đổi mới giáo dục thành công cần quyết liệt thay đổi cách làm SGK. Nếu cơ quan quản lý giáo dục, các nhà tổ chức, nhà xuất bản không thay đổi tư duy, tiếp tục duy trì và áp dụng cách nghĩ và phương pháp cũ để làm SGK mới trong cơ chế thị trường thì sẽ là sai lầm và để lại bức xúc trong dư luận xã hội là điều tất yếu. Xã hội hóa SGK là tốt, là tiến bộ, nhưng dễ gặp phải cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhóm tác giả và các nhà xuất bản. Do đó, Bộ GD và ĐT cần quyết liệt với những chế tài chặt chẽ hơn để ngăn chặn lợi ích nhóm hay tình trạng nể nang khi thẩm định SGK. Khi lựa chọn và quyết định từng thành viên trong nhóm tác giả cũng như các ủy viên của hội đồng thẩm định cần sự chuẩn xác ở nhiều khâu và bảo đảm tính khoa học. Cần tránh làm SGK theo nhóm kiểu thân quen hay người nhà mà ít chú ý tới sự đóng góp năng lực từng cá nhân cho toàn nhóm, cho chất lượng cả cuốn SGK. Các thành viên trong nhóm tác giả cũng như hội đồng thẩm định SGK phải là sự kết hợp hài hòa của những cá nhân có năng lực chuyên môn sâu, có hiểu biết và trải nghiệm giáo dục phổ thông với những giáo viên giỏi có tầm nhìn, chuyên gia đầu ngành vững vàng, am hiểu sâu sắc tư tưởng đổi mới giáo dục.  

 Đặng Tự Ân 


 Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề