Bác ba phi ở đâu

Bác Ba Phi [cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi, 1884 - 1964] vốn nổi tiếng với các câu chuyện dí dỏm do ông tự sáng tác và kể cho con cháu, xóm làng nghe. Nội dung câu chuyện do ông kể đơn giản, mộc mạc, xoay quanh cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Với kỹ năng “nhân cách hóa” rất tự nhiên, lối kể hài hước, mượt mà âm sắc trào lộng, xen lẫn các chi tiết “nói dóc”, cường điệu quá mức, những câu chuyện của bác Ba Phi đem lại tiếng cười vui vẻ, sảng khoái cho mọi người sau ngày lao động mệt mỏi. 

Bác Ba Phi trong ký ức con cháu

Nằm nép mình bên dòng sông Kênh Ranh thuộc ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời [Cà Mau], cuối con đường nhựa là nơi cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi sinh sống đến cuối đời.

Căn nhà nơi bác Ba Phi sinh sống đã được con cháu xây mới.

Dù không hẹn trước, nhưng cụ Nguyễn Thị Anh [89 tuổi, con dâu bác Ba Phi] và bà Nguyễn Mỹ Lệ [60 tuổi, cháu nội bác Ba Phi] đều vui vẻ, nồng hậu đón tiếp những vị “khách không mời” như chúng tôi.

Ở cái tuổi ngoài bát tuần, cụ Nguyễn Thị Anh đã không còn minh mẫn được như trước đây, ngay cả họ của mình, bà còn không nhớ nổi. Khi được hỏi về ngày giỗ của cha chồng, cụ Anh chỉ nhớ mập mờ rồi hỏi lại cô con gái cho chắc chắn. Bà Lệ ở phía sau nhà nghe vậy liền đáp lớn tiếng: “Ngày 3/11/1964 Âm lịch má ơi!”.

Nhắc về bác Ba Phi, cụ Anh cười hiền rồi bảo: “Ông già tía vui tính khỏi phải nói…”.

Tiếp lời mẹ, bà Lệ nhanh nhảu nói: “Hồi xưa, cô nghe mẹ với mấy chú kể lại là ông nội rất hài hước. Ông thường kể chuyện cho mấy chú bộ đội nghe, nên mấy chú mến thương ông lắm. Ông nội kể chuyện hay lắm, nói dóc mà người ta tin răm rắp”.

Theo lời kể của bà Lệ, bác Ba Phi là một người đàn ông đẹp trai, dáng người cao khỏe và giọng ca tài tử nên được nhiều cô gái mến mộ. 

Cụ Nguyễn Thị Anh thắp nén hương cho cha chồng - cố Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi. 

Bác Ba Phi có ba người vợ và người nào cũng đẹp người, đẹp nết. Bà vợ cả là cô Ba Lữ [Trần Thị Lữ] - con gái của Hương quản Tế giàu nhất vùng, cũng chính từ đó người ta gọi ông bằng cái tên ghép với tên thường gọi của vợ [tức là Ba Phi].

Sau khi xây dựng gia đình với bà Trần Thị Lữ, nhờ tính siêng năng, cần cù sẵn có, bác Ba Phi đã khai khẩn được rất nhiều ruộng đất ở xứ U Minh Hạ lúc bấy giờ. Bác Ba Phi sống với bà Ba Lữ nhiều năm, nhưng bà vẫn không sinh được con.

Thời gian sau, bác Ba Phi quen bà Lê Thị Lượng [Hai Lượng] và có người con chung tên Nguyễn Tứ Hải [chồng bà Nguyễn Thị Anh]. Vì biết không thể sống hòa thuận dưới một mái nhà với bà Lữ, nên bà Lượng để con lại rồi về quê một mình.

Tiếp đó, bác Ba Phi gặp và cưới bà Lữ Thị Cham [Cà Cham] là cô gái người Khmer Nam bộ. Bà Cham có với bác Ba Phi ba người con gái và qua đời khi mới 24 tuổi.

Yêu thương người nghèo

Bác Ba Phi thuộc lớp hậu duệ của những tiền nhân đi khai mở đất rừng U Minh. Cả quãng đời, nhờ tính cần cù chịu khó bác Ba Phi đã làm chủ cả ngàn héc-ta đất nơi đây. 

Trong ký ức của bà Lệ, sinh thời, bác Ba Phi là người đàn ông hào hiệp, nhân từ với tất cả mọi người mà ông gặp.

Đặc biệt, bác Ba Phi rất mực yêu thương người nghèo. Câu chuyện bác Ba Phi gỡ bộ ván gỗ rất quý cho người nghèo xẻ ra đóng quan tài chôn người chết và cả câu chuyện hiến ruộng cho làng xã để cấp cho dân nghèo sản xuất vẫn được người đời lưu truyền cho đến tận bây giờ.

Khi bác Ba Phi qua đời [ngày 3/11/1964 Âm lịch], con cháu đã chôn ông ngay trên khu đất cạnh nhà trước đây do chính tay ông khai phá. Ngôi mộ của ông hiện nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ Trần Thị Lữ và Lữ Thị Cham.

Ngôi mộ của bác Ba Phi nằm giữa hai ngôi mộ của hai người vợ.

Bác Ba Phi để lại cho thế hệ sau một kho tàng truyện tiếu lâm. Mặc dù không được ghi chép rõ ràng, nhưng những mẩu chuyện kể như: Tàu rùa; câu ếch; rắn tát cá; nếp dẻo; cọp xay lúa… vẫn được truyền miệng và lan tỏa từ Bắc tới Nam. Hễ khi thấy ai nói chuyện “dóc” hay kể chuyện tiếu lâm, mọi người đều ví von: “Nói dóc như bác Ba Phi”.

Bác Ba Phi là hiện tượng văn hóa độc đáo của đất Nam bộ nói riêng và cả nước nói chung. Ông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam truy tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Văn nghệ dân gian năm 2003.

Sau đó, UBND tỉnh Cà Mau đã công nhận Khu lưu niệm Nghệ nhân dân gian Nguyễn Long Phi [bác Ba Phi] là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh vào năm 2015.

DANH TRỌNG

03/02/2022 04:45

Bác Ba Phi đã trở thành huyền thoại, thành tài sản chung đầy tự hào của mảnh đất Cà Mau. Muốn hiểu tường tận đất và người ở đây, thật là thiếu sót nếu bỏ qua truyện Bác Ba Phi. Phải khẳng định một lần nữa, bác Ba Phi là người thật, việc thật. Những câu chuyện ứng tác của ông đã được hậu thế văn bản hoá, làm cho phong phú thêm để tồn tại mãi với cuộc đời. Thậm chí, cố Nhà văn Anh Động [tên thật là Nguyễn Việt Tùng], còn đẩy lên mức độ sáng tạo theo phương thức “Bác Ba Phi hoá”, tiếp tục cho ra đời những câu chuyện mới.

MH: Kiều Loan

Đúng theo quan niệm của phương Đông “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, vài chục câu chuyện của bác Ba Phi còn lưu giữ lại đều là những viên ngọc quý, tinh diệu. Không hoa mỹ, cầu kỳ do kỹ xảo, thủ thuật; trái lại là vẻ giản đơn, tự nhiên, thanh thoát. Truyện kể Bác Ba Phi vì thế đi vào lòng người cũng hồn hậu, dung dị như chính cách người Cà Mau sống và chết với quê hương, đất nước. Truyện của bác Ba Phi đi từ chái bếp sau nhà ra ngoài đìa bưng, rừng tràm, đồng ruộng. Có xa lắm thì cũng vòng qua xóm nhỏ, trổ ra những con sông ngầu đỏ nước lá tràm, rồi thì cũng về với bữa cơm chiều của bác Ba gái. Ấy vậy mà đọc bác Ba Phi, người ta có thể dựng nên cho mình vùng U Minh Hạ trù phú, mênh mông; cá tính, cốt cách của con người Cà Mau thuần khiết. Điều mà cho dù có tìm kiếm thế nào, ở đâu đi chăng nữa, người ta cũng không thể có được.

Trở lại với nụ cười, điệu cười của bác Ba Phi, quả thật, chỉ có thể gọi là đặc sản mang tính khái quát và đại diện cao độ cho phong vị của người Cà Mau. Trong toàn bộ những câu chuyện kể còn lưu lại của ông, hậu thế đều công nhận một điều, đó là bác Ba Phi luôn luôn cười trong mọi hoàn cảnh. Cái cười của ông có thể bật lên khanh khách ngay từ lúc mở đầu, có khi là cái cười lém lỉnh ẩn sâu trong ý tứ. Nhưng tựu trung lại, bác Ba Phi phải cười rồi “mần gì thì mần”, và làm gì, ông cũng tìm thấy nụ cười cho riêng mình, cho cả mọi người. Đó là thứ năng lượng mà ông cha ta đúc kết: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”.

Thật khó diễn giải cho hết những cung bậc cười và hàm ý sâu xa biểu thị qua nụ cười trong truyện kể Bác Ba Phi. Nhưng cũng có những điều hiển nhiên mà ai cũng có thể sẻ chia, đồng vọng. Nụ cười của bác Ba Phi có giọng điệu chủ đạo là hào sảng, là tư thế làm chủ của con người trước thiên nhiên trù phú nhưng khắc nghiệt của vùng đất Cà Mau. Các loại sản vật của Cà Mau qua những câu chuyện kể của ông vừa nhiều về chủng loại, số lượng, lại vừa hù doạ người ta bởi kích cỡ phi thường.

Ở xứ Cà Mau này, không ai cất nhà lầu trước bác Ba Phi. Chẳng thế mà trong truyện “Cất nhà lầu”, bác Ba Phi mô tả: “Ở lâu lối hai năm thì những cây cột tràm sống nhóng lên cao hơn hai thước... Thôi thì phải làm thêm một sàn ở phía dưới. Ở mấy năm thì cái chòi cao vọt lên hoài, thành thử phải cất thêm sàn. Bây giờ trở thành nhà sàn cao sáu, bảy tầng”. Cá của bác Ba Phi nuôi thì phải lựa ao mà ăn. Bởi ba cái đìa nuôi cá bổi, cá rô, cá lóc có thức ăn khác nhau. Cá bổi thì ăn cau tầm vung, thịt chát ngấm. Cá rô mề thì ăn xoài thanh ca nên thịt chua lòm. Chỉ có ao cá lóc ăn dừa khô rụng nên thịt béo ngậy.

Bác Ba Phi xuất hiện với tư thế của một lão nông tri điền, đủ ngón nghề để đi rừng, đi biển, chuyên trị các loại thú dữ. Thế nên chuyện bắt cá kèo, bắt heo rừng, ếch nhái, ăn ong, kỳ đà, rùa rắn... là chuyện nhỏ. Ông còn cười khề khà bắt cả cọp dữ xay lúa cho bác Ba gái; ôm cổ rắn hổ mây thoát khỏi trận cháy rừng kinh thiên động địa. Nhưng những loài thú dữ còn chưa là gì với bác Ba Phi. Trong chuyện kể của ông, có một loại còn độc địa hơn, khiến ông căm giận tím ruột, bầm gan, mà mỗi khi ông tìm cách trị được thì cười hả hê, cười sung sướng.

Đó là bè lũ giặc thù và tay sai đang giày xéo quê hương bác Ba Phi. Không ai khác, chính bác Ba Phi là người đầu tiên ở Cà Mau dạy ong vò vẽ đánh giặc. Sau này, kinh nghiệm của bác Ba Phi toả rộng ra khắp xứ Cà Mau, khiến giặc sợ vỡ mật. Nhờ “nghề nói dóc có sách” mà ông hạ nhục được “Quận trưởng Nhung, quận Rạch Ráng” khét tiếng ác ôn, thoát khỏi vòng bắt bớ. Chưa đủ, với bác Ba Phi, cây mác vót trong tay người nông dân xứ U Minh Hạ vung lên cũng làm kinh hồn, bạt vía đám trực thăng, cá nhái tới nỗi “rụng lìa cái đuôi”.

Đừng nghĩ bác Ba Phi khí khái, hịch hạc mà bông đùa. Cái cười của ông còn thâm trầm, ý nhị, sâu cay đến độ. Như trong chuyện “Bắt cá kèo”, bác Ba Phi kể chuyện bắt cá bằng kẽ tay: “Không nói dóc đâu nghen, biết sao tám kẽ ngón tay mà bắt tới được mười tám con cá kèo không? Theo lý là có tám con thôi, nhưng vì tui sát cá quá nên nhiều con nịnh, chực sẵn bên ngoài, chờ tui thò bàn tay xuống là tụi nó ngậm vô mười đầu ngón tay để dính ké”. Nghe tới đây, những kẻ ăn ở gian hoạt, nịnh bợ, có tật xấu cũng phải giật mình thon thót.

Nụ cười của bác Ba Phi còn đằm thắm, nghĩa tình. Với gia đình, chòm xóm, người ta luôn thấy một bác Ba Phi xông xáo, hào sảng. Với cách mạng, bác Ba Phi thuỷ chung, sau trước. Không chỉ qua các câu chuyện kể, mà cuộc đời ông đã minh chứng cho điều đó. Bà Nguyễn Thị Anh, con dâu lớn của bác Ba Phi hiện đang ở xứ Lung Tràm, xã Khánh Hải, cũng là người hương khói, thờ tự, nay đã hơn 90 tuổi, hồi nhớ: “Hồi trước dân lưu tán về đây, tía tui chia ruộng, cất nhà, cưu mang. Có bộ đội về là ông suốt ngày đem đồ đi tiếp tế, kể chuyện vui”.

Cuộc đời bác Ba Phi đã kết tinh thành một điệu cười mang dáng hình xứ sở, mang phong vị quê hương. Bác Ba Phi cười trăm năm trước, hậu thế trăm năm sau vẫn còn gật gù say đắm./.

Phạm Quốc Rin

Video liên quan

Chủ Đề