Bác hồ đã sáng tác bao nhiêu bài thơ xuân

Cách đây 46 năm, vào giờ khắc giao thừa, nhân dân ta lại lắng mình xúc động nghe Bác Hồ đọc thư chúc Tết và thơ mừng năm mới trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Thư và thơ của Người gửi đến đồng bào cả nước súc tích, ngắn gọn nhưng luôn âm vang, giàu ý nghĩa. Bác gửi tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những lời chúc đầu năm tốt đẹp, may mắn. Chúc Tết năm 1969 là bài thơ Tết cuối cùng của Bác. Chỉ với 6 câu thơ thể lục bát, Bác Hồ đã gửi gắm được thông điệp quan trọng nhất đến hàng triệu đồng bào cả nước:

Năm qua thắng lợi vẻ vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

Với những thế hệ đi trước, việc nghe thơ chúc Tết của Bác Hồ trong đêm giao thừa trở thành một điều quá đỗi quen thuộc, như một phong tục không thể thiếu, đánh dấu sự “chuyển mình” sang năm mới. Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc Tết đồng bào ta. Trừ bài chúc Tết xuân Nhâm Ngọ - năm 1942, Người viết trong quá trình lãnh đạo mặt trận Việt Minh, 21 bài còn lại được Bác viết trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi đến nhân dân cả nước. Những lời thơ mừng xuân của Bác tuy ngắn gọn, cô đọng nhưng luôn đủ ý về tổng kết tình hình năm qua và nhận định tình hình năm mới, kêu gọi nhân dân đồng sức, đồng lòng hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Và bài thơ chúc Tết xuân Kỷ Dậu - 1969 cũng chứa đựng đầy đủ những nội dung đó.

Bác Hồ chúc tết các cháu thiếu niên nhi đồng. [Ảnh tư liệu]

Ngay trong câu thơ đầu, Bác đã nhắc lại thành quả nhân dân cả nước đạt được trong năm cũ: Năm nay thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi vẻ vang mà Bác muốn nói đến ở đây chính là cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968. Đêm giao thừa và đêm mùng một Tết Mậu Thân năm 1968, quân và dân miền Nam đã đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào hầu hết các cơ quan đầu não của kẻ thù. Sau gần 2 tháng, quân dân miền Nam đã làm tan rã và tiêu diệt khoảng 15 vạn tên địch, phá 600 ấp chiến lược và giải phóng thêm 100 xã với hơn 1 triệu dân. Những con số “biết nói” ghi nhận những thắng lợi mà nhân dân ta đạt được sau cuộc Tổng tiến công Mậu Thân đủ để minh chứng cho thắng lợi vẻ vang trong vần thơ chúc Tết của Bác.

Trên đà thắng lợi đó, Người gửi gắm niềm tin chắc thắng vào tương lai: Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Quả đúng như vậy, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 như “sét đánh” đối với quân xâm lược, gây chấn động dư luận Mỹ. Phong trào đấu tranh ở miền Nam ngày càng sục sôi, vươn mình mạnh mẽ đi đến toàn thắng vào năm 1975.

Với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Người nhắc lại mục đích cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta:

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Vì độc lập, vì tự do, đó không chỉ là chân lý của vị lãnh tụ mà ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã hun đúc qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh tinh thần để làm nên chiến thắng oanh liệt của toàn dân tộc. Dưới con mắt tài tình của vị lãnh tụ tối cao, Bác còn chỉ ra chiến lược chiến đấu: trước đánh cho Mỹ cút, sau đánh cho Ngụy nhào. Cấu trúc ngôn ngữ của 2 câu thơ lục bát trên đã thể hiện rõ quan hệ nhân quả: vì độc lập, vì tự do thì nhân dân ta buộc phải đánh bại quân xâm lược. Cách dùng 2 động từ mạnh trong cùng một câu cút, nhào đã nhấn mạnh gấp đôi sự thất bại thảm hại của kẻ thù. Việc vận dụng khẩu ngữ cút, nhào nhuần nhuyễn trong câu thơ cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt khéo léo của Người.

Hào khí của người lãnh đạo đã “truyền lửa” vào những vần thơ Xuân để kêu gọi nhân dân cả nước quyết chiến, quyết thắng:

Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào

Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn.

Câu thơ như mệnh lệnh, như lời hiệu triệu sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Hai chữ đồng bào trong lời thơ của Người hơn lúc nào hết thể hiện sự thống nhất, cùng chung chí hướng của “con Rồng, cháu Tiên”. Tinh thần lạc quan luôn là tiếng kèn xung trận, thôi thúc cả nước lên đường vào trận chiến mới. Sau những lời kêu gọi chiến đấu, câu thơ cuối là dự báo tương lai sum họp đã thành hiện thực vào mùa xuân năm 1975.

Trong sự nghiệp sáng tác văn thơ, ngòi bút của Người dành nhiều “ưu ái” hơn cho mùa xuân. Không chỉ là trong 22 bài thơ chúc Tết mà còn trong rất nhiều những câu thơ khác. Bởi ở Người, có sự giao thoa giữa tâm hồn thi sĩ và tinh thần, ý chí người chiến sĩ cách mạng. Mùa xuân trong thơ Người là mùa xuân khởi đầu một năm của đất trời nhưng cũng là mùa sáng bừng sức sống của dân tộc, của tinh thần cách mạng lạc quan, vượt lên mọi vất vả, gian nan.

Trước đây, mỗi dịp Tết đến xuân về, đồng bào cả nước lại háo hức chờ nghe Bác Hồ đọc thư và thơ chúc Tết. Thơ chúc Tết của Bác gửi tới đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài thường khen ngợi thành tích của một nǎm công tác và đề ra nhiệm vụ, phương hướng cho nǎm mới, động viên mọi người phấn khởi hǎng hái tiến lên hoàn thành nhiệm vụ mới.

Sinh thời, Bác Hồ có 22 bài thơ chúc Tết, trong đó bài thơ chúc Tết đầu tiên viết năm 1942.

Ngày 6/2/1969, trong phòng khách nhỏ ở Phủ Chủ tịch, Bác Hồ đọc lời chúc mừng năm mới. Ảnh: vov

Sau 30 năm đi tìm đường cứu nước, đến năm 1941, Bác Hồ trở về nước và ở tại hang Pác Pó, tỉnh Cao Bằng để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Mùa xuân năm 1942, Bác Hồ có bài thơ chúc Tết đầu tiên Mừng xuân Nhâm Ngọ 1942. Bài thơ được in trên báo Việt Nam độc lập, một tờ báo của Đảng số 114.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN NHÂM NGỌ - 1942

Tháng ngày thấm thoát chóng như thoi, Nǎm cũ qua rồi, chúc nǎm mới: Chúc phe xâm lược sẽ diệt vong ! Chúc phe dân chủ sẽ thắng lợi ! Chúc đồng bào ta đoàn kết mau ! Chúc Việt Minh ta càng tấn tới, Chúc toàn quốc ta trong nǎm này Cờ đỏ ngôi sao bay phất phới! Nǎm này là nǎm Tết vẻ vang, Cách mệnh thành công khắp thế giới.

Đây cũng là lần đầu tiên lá “cờ đỏ sao vàng” của Việt Minh xuất hiện trong thơ chúc Tết của Bác tung bay phấp phới nơi chiến khu cách mạng. Để ba năm sau, cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lá cờ đỏ sao vàng trở thành quốc kỳ của nước Việt Nam.

Tuy nhiên, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta lần hai. Tháng 11/1945, Trung ương Đảng ra bản chỉ thị “Kháng chiến, kiến quốc”. Đón xuân 1946, Bác Hồ có bài thơ:

THƠ CHÚC TẾT XUÂN BÍNH TUẤT - 1946

Hỡi các chiến sĩ yêu quí, ... Bao giờ kháng chiến thành công, Chúng ta cùng uống một chung rượu đào. Tết này ta tạm xa nhau, Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy. ... Chúc đồng bào:

Trong nǎm Bính Tuất mới, Muôn việc đều tiến tới. Kiến quốc mau thành công, Kháng chiến mau thắng lợi. ... Việt Nam độc lập muôn nǎm!

Ngày 19/12/1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến phát động nhân dân cả nước kháng chiến chống Pháp, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Là năm đầu bước vào cuộc kháng chiến, đến Tết Đinh Hợi 1947, Bác Hồ viết bài thơ chúc mừng năm mới:

THƠ CHÚC TẾT XUÂN ĐINH HỢI - 1947

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió, Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông. Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng. Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào! Sức ta đã mạnh, người ta đã đông. Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập, nhất định thành công!

Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, những lời thơ chúc Tết, mừng Xuân của Bác là tiếng kèn xung trận, động viên đồng bào và chiến sĩ đoàn kết, thi đua yêu nước, hăng hái tăng gia sản xuất chiến đấu anh dũng đến thắng lợi.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN MẬU TÝ - 1948

Nǎm Hợi đã đi qua, Nǎm Tý vừa bước tới. Gửi lời chúc đồng bào, Kháng chiến được thắng lợi; Toàn dân đại đoàn kết, Cả nước dốc một lòng, Thống nhất chắc chắn được, Độc lập quyết thành công.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN KỶ SỬU - 1949

Kháng chiến lại thêm một nǎm mới, Thi đua ái quốc thêm tiến tới. Động viên lực lượng và tinh thần, Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua. Ngành ngành thi đua. Ngày ngày thi đua. Ta nhất định thắng. Địch nhất định thua.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN CANH DẦN - 1950

Kính chúc đồng bào nǎm mới, Mọi người càng thêm phấm khởi, Toàn dân xung phong thi đua, Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới, Chuyển mau sang tổng phản công, Kháng chiến nhất định thắng lợi.

Năm 1950 chiến dịch biên giới thắng lợi, đến năm 1951 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đã bước sang năm thứ năm, Bác Hồ lại viết bài thơ mừng xuân Tân Mão:

THƠ CHÚC TẾT XUÂN TÂN MÃO - 1951

Xuân này kháng chiến đã nǎm xuân, Nhiều xuân thắng lợi càng gần thành công. Toàn hǎng hái một lòng Thi đua chuẩn bị, tổng phản công kịp thời.

Từ 1951-1952, lời thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác như ghi nhận những thành tựu của cuộc kháng chiến của dân tộc, đồng thời như khẳng định thắng lợi ngày càng gần.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN NHÂM THÌN - 1952

Xuân này, xuân nǎm Thìn Kháng chiến vừa sáu nǎm Trường kỳ và gian khổ Chắc thắng trǎm phần trǎm.

Chiến sĩ thi giết giặc Đồng bào thi tǎng gia Nǎm mới thi đua mới Thắng lợi ắt về ta.

Mấy câu thành thật nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN QUÝ TỴ - 1953

Mừng nǎm Thìn vừa qua, Mừng xuân Tỵ đã tới. Mừng phát động nông dân, Mừng hậu phương phấn khởi. Mừng tiền tuyến toàn quân Thi đua chiến thắng mới. Mừng toàn dân kết đoàn, Mừng kháng chiến thắng lợi. Mừng nǎm mới, nhiệm vụ mới, Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào, Mừng phe dân chủ hoà bình thế giới.

Bước vào Đông - Xuân năm 1953 - 1954, Bác Hồ đã có bài thơ mừng xuân Giáp Ngọ năm 1954:

THƠ CHÚC TẾT XUÂN GIÁP NGỌ - 1954

Nǎm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành: - Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do - Cải cách ruộng đất là công việc rất to Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn. Quân và dân ta nhất trí kết đoàn, Kháng chiến, kiến quốc nhất định hoàn toàn thành công. Hoà bình dân chủ thế giới khắp Nam, Bắc, Tây, Đông. Nǎm mới, thắng lợi càng mới, thành công càng nhiều.

Lời chúc Tết xuân Giáp Ngọ của Bác Hồ đã trở thành hiện thực với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, chấm dứt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta, còn miền Nam tiếp tục đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.

Trong những bài thơ chúc Tết tiếp theo, trong năm 1956 và những năm sau này, thơ Bác luôn khẳng định niềm tin quân và dân ta sẽ chiến thắng đế quốc Mỹ, đất nước thống nhất, độc lập, tự do.

Mùa xuân Bính Thân năm 1956, Bác Hồ đã làm bài thơ mừng xuân để nhắc nhở đồng bào, chiến sỹ cả nước:

THƠ CHÚC TẾT XUÂN BÍNH THÂN - 1956

Thân ái mấy lời chúc Tết: Toàn dân đoàn kết một lòng, Miền Bắc thi đua xây dựng, Miền Nam giữ vững thành đồng, Quyết chí, bền gan phấn đấu, Hoà bình, thống nhất thành công.

Với 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nên mỗi độ Tết đến, xuân về, Bác Hồ đều làm thơ chúc Tết nhân dân cả nước.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN KỶ HỢI - 1959

Chúc mừng đồng bào nǎm mới, Đoàn kết thi đua tiến tới, Hoàn thành kế hoạch ba nǎm, Thống nhất nước nhà thắng lợi.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN CANH TÝ - 1960

Mừng Nhà nước ta 15 xuân xanh! Mừng Đảng chúng ta 30 tuổi trẻ! Chúc đồng bào ta đoàn kết thi đua, Xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Chúc đồng báo ta bền bỉ đấu tranh, Thành đồng miền Nam vững bền mạnh mẽ. Cả nước một lòng, hǎng hái tiến lên, Thống nhất nước nhà, Bắc Nam vui vẻ!

THƠ CHÚC TẾT XUÂN TÂN SỬU - 1961

Mừng nǎm mới, mừng xuân mới, Mừng Việt Nam, mừng thế giới! Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh, Kế hoạch 5 nǎm thêm phấn khởi. Chúc miền Bắc hǎng hái thi đua; Chúc miền Nam đoàn kết tiến tới! Chúc hoà bình thống nhất thành công! Chúc chủ nghĩa xã hội thắng lợi!

THƠ CHÚC TẾT XUÂN NHÂM DẦN - 1962

Nǎm Dần, mừng Xuân thế giới, Cả nǎm châu phấp phới cờ hồng. Chúc miền Bắc thi đua phấn khởi, Bốn mùa hoa Duyên-hải, Đại-phong. Chúc miền Nam đấu tranh tiến tới, Sức triệu người hơn sóng biển Đông. Chủ nghĩa xã hội càng thắng lợi, Hoà bình thống nhất quyết thành công.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN QUÝ MÃO 1963

Mừng nǎm mới, Cố gắng mới, Tiến bộ mới,

Chúc Quý Mão là nǎm nhiều thắng lợi!

THƠ CHÚC TẾT XUÂN GIÁP THÌN 1964

Bắc Nam như cội với cành, Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng. Rồi đây thống nhất thành công, Bắc Nam ta lại vui chung một nhà. Mấy lời thân ái nôm na, Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN ẤT TỴ 1965

Chào mừng Ất Tỵ xuân nǎm mới, Nhà nước ta vừa tuổi hai mươi, Miền Bắc xây dựng đời sống mới vui tươi, Miền Nam kháng chiến ngày càng tiến tới, Đồng bào hai miền thi đua sôi nổi, Đấu tranh anh dũng, cả nước một lòng, Chủ nghĩa xã hội ngày càng thắng lợi! Hoà bình thống nhất ắt hẳn thành công!

THƠ CHÚC TẾT XUÂN BÍNH NGỌ 1966

Mừng miền Nam rực rỡ chiến công, Nhiều Dầu Tiếng, Bầu Bàng, Plei Me, Đà Nẵng. Mừng miền Bắc chiến đấu anh hùng, Giặc Mỹ leo thang ngày càng thua nặng. Đồng bào cả nước đoàn kết một lòng, Tiền tuyến hậu phương, toàn dân cố gắng. Thi đua sản xuất chiến đấu xung phong, Chống Mỹ, cứu nước, ta nhất định thắng.

Mùa xuân 1967, trong niềm tin hòa cùng niềm vui chiến thắng của đất nước, Bác Hồ có bài thơ chúc Tết Mừng xuân Đinh Mùi 1967.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN ĐINH MÙI 1967

Xuân về xin có một bài ca, Gửi chúc đồng bào cả nước ta: Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi, Tin mừng thắng trận nở như hoa!

Mùa xuân của cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, mùa xuân báo hiệu ngày thắng lợi đang đến gần.

THƠ CHÚC TẾT XUÂN MẬU THÂN 1968

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua, Thắng trận tin vui khắp nước nhà, Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ. Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!

THƠ CHÚC TẾT XUÂN KỶ DẬU 1969

Nǎm qua thắng lợi vẻ vang, Nǎm nay tiền tuyến chắc càng thắng to. Vì độc lập, vì tự do, Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào. Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào, Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!

Bài thơ chúc Tết mùa xuân năm Kỷ Dậu 1969 là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác Hồ. Bác đã động viên toàn Đảng, toàn dân ta anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tiến lên giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Lời chúc Tết cuối cùng trước khi người ra đi đã thành hiện thực. Ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, và “Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Chào đón năm mới Ất Mùi 2015, chúng ta lại càng nhớ đến thơ chúc Tết mừng xuân của Bác Hồ. Những bài thơ chúc Tết của Bác là di sản văn hóa đặc sắc mà Bác để lại cho chúng ta, luôn tạo cho chúng ta niềm tin vững bước trên con đường đổi mới của đất nước.

Chủ Đề