Bác tôn bị bắt và lưu đày tại nhà tù côn đảo với số tùy bao nhiêu bị giam trong bao nhiêu năm

HUYỀN THOẠI CÙ LAO ÔNG HỔ

Chủ tịch Tôn Đức Thắng [sau đây xin gọi là Bác Tôn] sinh ra trên Cù lao ông Hổ, một dãy cù lao nằm giữa dòng sông Hậu Giang chảy ngang thành phố Long Xuyên. Trên dòng Hậu Giang, từ Châu Đốc xuôi ra biển, có nhiều dãy cù lao mang tên người như cồn Tiên, cồn Bà Hòa, cồn Bà Lý, v.v.. Đó là tên người đầu tiên khai mở vùng cồn bãi ven sông cho dân tụ hội dần dần, làm ăn sung túc. Nhưng Cù lao ông Hổ lại không mang tên người. Cù lao mang danh một con thú dữ được con người thuần dưỡng, sống có hiếu có nghĩa, được mọi người truyền tụng. Chuyện kể rằng: Thời xưa, khi cù lao còn hoang xơ, rậm rạp, một số người đã đến khai phá, bám trụ làm ăn. Rừng lau, sậy, bần, gáo dày đặc đất cồn. Con người tới đây săn thú, bắt tôm cá, dần dần chặt cây phát cỏ trồng lúa ngô, khoai, đậu, v.v.. Đất cồn màu mỡ ưu đãi người lao động. Chim trời, cá nước thú rừng mặc sức săn bắt. Lúa, khoai tươi tốt bời bời. Không bao lâu, xóm làng trở nên trù phú, nhà nhà no đủ. Có một đôi vợ chồng nhà nông ăn ở với nhau đã lâu mà không có con khiến cho họ băn khoăn lo nghĩ. Một hôm, người chồng chống xuồng vô đồng dở lọp2. Bỗng ông nghe có tiếng gì như tiếng mèo kêu. Vạch trong lau sậy, ông bắt gặp một con cọp con lạc mẹ đang kêu gào thảm thiết. Thương tình, ông túm con cọp trong áo cho nó đỡ lạnh và chống xuồng về nhà. Bà vợ thấy cọp sợ thất kinh, ông nói nó mất mẹ kêu la tìm mẹ, mình không con nuôi nó làm con nuôi, chắc sau này lớn lên nó giúp ích cho vợ chồng mình. Quả nhiên, con cọp mỗi ngày mỗi lớn, càng lớn càng khôn. Nó giúp ích cho ông bà nhiều việc. Ông bà đi ra ruộng rẫy, nó giữ nhà. Cọp giữ nhà thì không con gì dám tới, kể cả con người. Lớn lên, nó giúp ông đi săn. Hôm nay được con heo rừng, hôm sau được con hoẵng. Cuộc sống của ông bà nhờ đó khấm khá lên. Không may, trong một năm, cả hai ông bà cùng lăn ra chết một lúc vì mắc một bệnh dịch nguy hiểm. Con cọp lại một lần nữa mất mẹ. Nó lại kêu gào thảm thiết bên phần mộ ông bà rồi bỏ xóm đi mất. Nhưng tới ngày giỗ cha mẹ nuôi, nó lại tha một con thú rừng đặt cạnh hai ngôi mộ. Cảm mến lòng hiếu nghĩa của con cọp, dân làng truyền tụng câu chuyện về con cọp ấy và đặt tên cho cù lao họ đang sống là Cù lao ông Hổ.

Sinh ra trên mảnh đất huyền thoại ấy từ nhỏ, Bác Tôn đã được giảng giải ý nghĩa của câu chuyện. Lớn lên, khi tuổi thành niên, Bác Tôn đã xác định con đường vào đời của mình, tự thân lập nghiệp, trọn trung với Tổ quốc, trọn hiếu với mẹ cha, đối xử nhân hậu với tất cả mọi người…

BƯỚC NGOẶT TRONG CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA BÁC TÔN [1907-1916]

Khi làm ăn trở nên khấm khá, ông bà Tôn Văn Đề dựng lên trên nền đất cũ một ngôi nhà sàn, chái âm dương, có hàng hiên rộng, có vườn bao quanh… Gia cảnh tốt lành ấm êm. Hai năm sau, bà sinh hạ một đứa con trai đầu lòng. Còn vui mừng nào hơn nỗi vui mừng này! Đó là Hai Thắng. Lớn lên, Hai Thắng được cha mẹ đưa sang quê ngoại ở trong Rạch Cái Sơn [nay thuộc phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên] để đi học. Lúc đó bên Cù lao Ông Hổ chưa có trường học nào cả. Ở nhà ngoại, Hai Thắng đi tắt qua một bờ lau lách là tới Trường tiểu học Trần Minh chỉ cách nhà ngoại chừng 500 mét. Những năm đầu, khi chưa đi học chữ Quốc ngữ, Hai Thắng đi học chữ Nho do ông Nguyễn Thượng Khách [tên thường gọi là ông Năm Khách]. Ông là cậu của Hai Thắng. Ông làm thầy thuốc bắc, có tiệm thuốc bắc hiệu Nam Thái Hòa ở trên chợ. Ngoài giờ làm việc, ông mở lớp dạy chữ Nho cho trẻ trong xóm. Hai Thắng là cháu, là học trò sáng dạ nhất của ông. Lâu lâu, nhà ông Năm Khách có khách từ bên Sa Đéc và trong Rạch Giá đến chơi. Khách chủ họp nhau trên lầu tiệm Nam Thái Hòa. Hai Thắng chăm lo gà nước tiếp khách. Ra vào, anh vẫn chú ý lắng nghe câu chuyện bàn luận của người lớn. Họ bàn văn thơ yêu nước và chuyện quốc sự. Có hôm đang mải mê nghe, ông Năm Khách bước ra bắt gặp. Ông bảo cháu: –         Cháu có nghe thì để bụng, chớ nói lại nghe. –         Thưa cậu! Con nhớ ạ! Từ đó, Hai Thắng càng để ý tới những vị khách tới nhà, chăm chú lắng nghe câu chuyện của họ. Thì ra, ông Năm Khách tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khởi nguyên từ Hà Nội, nhóm do cụ Cử Hoành ở Sa Đéc tổ chức. Bài học vỡ lòng cho cậu học trò Tôn Đức Thắng là bài học làm người, bài học yêu nước, tinh thần dân tộc, quốc hồn, quốc túy v.v. Người học trò nhỏ đã ghi đậm dấu ấn yêu nước trong tâm hồn trong trắng, tạo nên nhân cách riêng của Tôn Đức Thắng. Năm 19 tuổi, Bác Tôn tốt nghiệp tiểu học, được cấp văn bằng, thông thường gọi là Xectiphica. Trở về làng, ai cũng khen gia đình Hai Thắng là có phước. Mọi người khuyên Hai Thắng cưới vợ, sinh con nối dòng cho ông bà Tôn Văn Đề. Hương chức, hội tề làng Mỹ Hòa Hưng cũng khuyên Thắng ra làm việc làng, giúp hương chức trong làng làm việc với các quan Tây ở quận, ở tỉnh. Nhưng với lòng yêu nước, ghét Tây, ghét những kẻ làm tay sai cho Tây, Hai Thắng đã từ chối, kể cả việc cưới vợ, sinh con, theo hướng của phụ mẫu. Cha mẹ hỏi, Hai Thắng nói: – Con muốn lên Sài Gòn học thêm. Vậy là cha mẹ, cậu, dì gom góp lại, cho Bác Tôn 300 đồng bạc Đông Dương ngân hàng để con, cháu tiếp tục lên Sài Gòn ăn học. Số tiền đó tương đương với gần một ngàn giạ lúa thời đó. Với số tiền ấy, Bác Tôn dư sức theo học ba năm ở Trường Chasseloup Laubat và sau đó một năm ở Trường Đào tạo công chức thuộc địa. Điều đó sẽ đảm bảo cho Bác Tôn một cương vị “thầy, chú” cao sang, ăn trắng mặc trơn vào thời buổi ấy. Khi ở trong làng, Bác Tôn đã không chịu làm tay sai cho hương chức, hội tề làng thì đời nào Bác lại theo học để cũng làm tay sai cho bọn thống trị Pháp. Có người rủ Bác Tôn hùn vốn mở tiệm buôn. Họ nói, không bao lâu sẽ trở thành chủ tiệm giàu có như những người Hoa ở Chợ Lớn. Bác Tôn chỉ nói là không thích nghề buôn bán nên không làm theo.

Cuối cùng, Bác Tôn đi học nghề làm thợ máy, thợ điện. Với số tiền có trong tay, Bác rủ thêm một số anh em ở lục tỉnh lên Sài Gòn tìm việc đi học nghề ở các tiệm máy tư nhân. Ý nghĩ ban đầu của Bác Tôn trong việc chọn học nghề làm thợ rất giản dị. Ý nghĩ ấy được nhà văn Lê Minh nắm bắt được trong những năm gia đình Bác Tôn đoàn tụ ở Thủ đô sau năm 1954 và được nhà văn viết trong cuốn Người thợ máy Tôn Đức Thắng3 như sau:

– Nghề thợ đối với Anh vẫn có một có gì hấp dẫn hơn cả. Tay mình làm ra những thứ rất mới, những vật dụng mà quê Anh chưa bao giờ có. Vả lại, có nghề đi đâu cũng sống được.

Có nghề đi đâu cũng sống được! Đó là lý tưởng cuộc đời Bác Tôn. Đó cũng là chân lý của cuộc sống hiện tại.

Với ý nghĩa đó, Bác Tôn cùng nhiều người bạn học nghề tư nhân và năm 1915 thi đậu vào Trường Bá Nghệ [hay đầy đủ hơn là Trường Cơ khí châu Á ở Sài Gòn] niên khóa 1915-1917 cùng với một người em kết nghĩa là Đoàn Công Sở, tên thường gọi là Ba Sứ quê ở Vĩnh Kim, Mỹ Tho.

Đi học nghề làm thợ là bước ngoặt trong cuộc đời và trong sự nghiệp cách mạng của Bác. Chính nhờ có nghề làm thợ mà Bác sống chan hòa với các bạn thợ ở trong nước, với các bạn thợ Pháp và bạn thợ các thuộc địa của Pháp, với công – nông Nga và trở thành người thợ đầu đàn của giai cấp công nhân Việt Nam. 

BÁC TÔN Ở PHÁP VÀ TRONG HẢI QUÂN PHÁP [1916-1920]

Học Trường Bá Nghệ khóa học 1915-1917, Bác Tôn có tay nghề rất khá Bác là thợ cả. Tuy là thợ thực tập trong Xưởng Ba Son nhưng Bác Tôn rất được kính nể. Chẳng những Bác có tay nghề giỏi lại thông thạo tiếng Pháp, giao dịch với giáo viên đốc công, chủ xưởng khá linh hoạt. Bác lại thường đọc sách báo trong và ngoài nước nên nắm rõ thời cuộc và nói lại cho anh em nên ai cũng quý mến. Tháng 7-1916 có lệnh huy động thợ Xưởng Ba Son và học sinh Trường Bá Nghệ sang Pháp. Tháng 9-1916 hơn 400 lính thợ bị dồn xuống tàu Galliéni đưa sang Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất từ bên kia trời Âu đã làm kinh động tới xứ Đông Dương thuộc địa. Họ đưa những người thợ Việt Nam sang làm việc cho Hãng Arsenal de Toulon vốn là hãng chính của Xưởng Ba Son Sài Gòn. Hãng chuyên đóng và sửa chữa tàu cho Hải quân Pháp. – Có nghề ở đâu cũng sống được. Ý nghĩ đó được chứng thực khi những người thợ Việt Nam, trong đó có Bác Tôn sống những ngày trên đất Pháp. Ở nước Pháp, Bác Tôn cùng những người thợ Việt Nam sống chung với những người thợ Pháp. Ở xứ Đông Dương thuộc địa không bao giờ thợ được tổ chức như vậy. Sinh hoạt nghiệp đoàn làm cho những người thợ hiểu rõ quyền lợi của mình. Họ đoàn kết bênh vực nhau đấu tranh với chủ. Họ thương yêu nhau như người cùng dân tộc. Với Bác Tôn, chuyến đi này làm Bác rõ nhiều việc: Ở Đông Dương Bác ghét Tây, thì ở đây có những người bạn Pháp. Tình cảm giữa những người thợ thật đậm đà, thân thiết. Đoàn Công Sở [Ba Sứ] người anh em kết nghĩa của Bác Tôn không may mắc bệnh chết nơi đất khách, quê người. Anh em thợ Việt Nam được sự giúp đỡ của các bạn thợ Pháp đã chôn cất người anh em của mình theo nghi thức dân tộc. Một bức ảnh chụp trước linh cữu Ba Sứ, trong đó Bác Tôn đứng đầu quan tài như một người chủ lễ, được gửi về Vĩnh Kim báo tin cho gia đình. Sau tang lễ Ba Sứ, cuối năm 1916, có lệnh điều Bác Tôn xuống Chiến hạm France thuộc hạm đội Địa Trung Hải của Hải quân Pháp. Là thợ giỏi, Bác Tôn được cử làm Thợ máy trưởng [Mécanicienenchef] trên chiến hạm. Đó là một tuần dương hạm cỡ lớn. Trên chiến hạm có 1.200 lính thủy, pháo thủ, thợ máy. Sinh hoạt trên chiến hạm thì bọn chỉ huy ở trong các cabin có đủ tiện nghi ở tầng trên, còn binh lính sống chen chúc dưới tầng hầm chật chội. Họ là người ở nhiều địa phương và nhiều thuộc địa khác nhau của nước Pháp. Làm việc dưới quyền Bác Tôn có một số lính thợ. Bác luôn luôn ôn tồn, nhã nhặn nên được anh em quý mến. Trong số thợ này, có một người ở Đảo Corse tên là Albert Lentali mà sau này Bác Tôn có dịp gặp lại khi ở Côn Đảo.

Gần hai năm lênh đênh trên biển cả, ngày 11-11-1918, Hải quân Pháp mừng rỡ được tin Pháp – Đức ký hòa ước với nhau, Chiến tranh thế giới thứ nhất chấm dứt. Họ tưởng chiến hạm sẽ cập bờ, họ được giải ngũ. Không ngờ, hạm đội lại hướng mũi tiến về phương Đông, đi vào Biển Đen. Binh lính, pháo thủ, thợ máy, v.v. xôn xao bình luận. Cuối cùng họ mới vỡ lẽ ra là ở phương Đông, một nước Nga Xôviết đã ra đời sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Đế quốc Pháp có cái gọi là “sứ mệnh” can thiệp vào nước Nga, giúp bọn Bạch vệ chống lại chính quyền mới do công – nông nắm giữ. Hiểu rõ nguyên nhân phải sang phương Đông, binh lính không chỉ thất vọng mà còn căm tức. Chiến tranh kết thúc vậy mà họ vẫn phải tiếp tục bắn giết với một nước không thù địch, với những người cùng giai cấp… Một nghiệp đoàn bí mật dưới chiến hạm đã nói rõ cho Bác Tôn cùng những người lính thợ biết rõ những điều ấy. Nhiều pháo thủ không tuân lệnh chỉ huy, không bắn pháo lên đất liền bị giam xuống hầm. Từ căm tức, bất mãn, một luồng phản đối trùm khắp chiến hạm:

– Không được bắn giết người Nga! – Phải quay tàu trở về nước Pháp! Đến ngày 19-4-1919, khi hạm đội neo đậu trước Xêvaxtôpôn thì khí thế phản đối đã lên đến đỉnh điểm. Một người có lẽ là người lãnh đạo tổ chức cách mạng bí mật trên chiến hạm đến gặp Bác Tôn, trao cho Bác một lá cờ đỏ và dặn: – Sáng mai vào giờ chào cờ, anh hãy ra kéo lá cờ này lên kỳ đài của pháo hạm. Mọi việc sau đó, anh em khác sẽ lo…

Đúng lời hẹn, 7 giờ sáng ngày 20-4-1919 lễ chào cờ trên chiến hạm bắt đầu. Một bóng người nhỏ nhỏ mà nhanh nhẹn đã trèo lên kỳ đài hạ lá cờ tam tài xuống, kéo lên một lá cờ đỏ. Lá cờ đỏ tung bay trong nắng sớm và gió Biển Đen như reo vui vẫy gọi… 700 lính thủy nghiêm trang bồng súng chào và đồng thanh hát Quốc tế ca:


Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian!
Vùng lên! Hỡi ai cực khổ bần hàn.

L’internationale, sẽ là xã hội tương lai!
Trên kỳ đài, Bác Tôn hướng về nước Nga xa xôi và quay về phương Đông quê nhà thầm mong ước về một ngày mai huy hoàng trên đất nước. Một tên chỉ huy đã sờ tay vào bao súng lục, nhưng hắn vội rút tay lại. Hắn biết điều gì sẽ xảy ra cho hắn trước ánh mắt của hàng trăm binh lính đang hướng lên lá cờ đỏ. 

TỔ CHỨC CÔNG HỘI BÍ MẬT Ở SÀI GÒN – CHỢ LỚN

[1920-1929]

Sau cuộc binh biến Biển Đen, Bác Tôn trở về Sài Gòn và tiếp tục làm thợ cho Hãng Kroff. Ít lâu sau cuộc binh biến ấy ở phương Đông thì ở phương Tây nổ ra một sự kiện khác làm xôn xao dư luận nước Pháp. Một người yêu nước Việt Nam tên là Nguyễn Ái Quốc đã gửi cho Hội nghị các nước Đồng minh đang họp tại Verseille của nước Pháp một Bản yêu sách tám điểm đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân Đông Dương. Nhiều báo chí cách mạng và tiến bộ ở Paris đã đăng tải nguyên văn bản yêu sách đó. Bác Tôn hết sức khâm phục người yêu nước ấy. Bác đã lặn lội từ Toulon lên Paris để tìm. Tiếc thay không gặp, nên Bác âm thầm quay về Sài Gòn với nỗi niềm tâm sự ngổn ngang: – Ở xứ mình nên tổ chức giai cấp công nhân như thế nào? Lập nghiệp đoàn ư? Ở thuộc địa, dễ gì bọn thống trị cho phép lập nghiệp đoàn như ở nước Pháp. Phải làm gì? Làm sao?… Bản yêu sách dân quyền của Nguyễn Ái Quốc thôi thúc Bác Tôn tổ chức hội cho những người thợ. Thợ thuyền có tổ chức mới có sức mạnh. Bác Tôn đã rõ sức mạnh ấy trong những cuộc đấu tranh của nghiệp đoàn với chủ hãng khi ở Toulon. Càng rõ hơn sức mạnh ấy khi làm cuộc binh biến thắng lợi trên Biển Đen. Mải suy tư, một hôm đang đi trên bến Bạch Đằng, đột nhiên phía sau có tiếng gọi: – Hai Thắng. Hai Thắng. Chú về hồi nào vậy? Sao không xuống chơi? – Ủa, ai mà biết mình vậy? Xuống chơi là xuống đâu? Bác Tôn hơi hoảng hốt khi nghe tiếng gọi đúng tên mình. Từ ngày ở Pháp về, Bác Tôn luôn bị bọn lính kín, mã tà rình rập. Một nông dân trạc tuổi 50 tiến lại gần nắm tay thân mật kéo vào quán cà phê ven đường và nói: “Tui là cậu của Ba Sứ ở Vĩnh Kim lên tìm chú đã mấy hôm, bữa nay mới gặp. Chú đúng là Hai Thắng trong tấm hình này”. Ông đưa ra tấm hình chụp đám tang Ba Sứ ởToulon, Bác Tôn đứng đầu quan tài trông rất rõ mặt. Đoạn ông nói tiếp: “Thằng Ba Sứ có gửi về mấy bức thư nói ông già bà già nó nên gả chị Hai nó cho Hai Thắng. Nó nói nhiều về chú lắm. Tới khi nhận được tấm hình này mới rõ mặt. Ông già, bà già con Oanh hỏi thì nó nói em nó chịu thì nó cũng ưng. Nó giữ tấm hình này ba bốn năm nay. Hôm tôi lên Sài Gòn tìm chú nó mới cho tôi mượn để nhìn mặt. Bây giờ chú đã về thì xuống Vĩnh Kim nói cho con Oanh cùng cha mẹ nó, kẻo mọi người trông đợi…”. Trước cảnh tình ấy, ai nỡ lòng nào từ chối. Ít lâu sau, đám cưới giữa Tôn Đức Thắng và Đoàn Thị Giàu [tức Hai Oanh] được tổ chức. Bà theo ông lên Sài Gòn. Ông làm thợ. Bà lo việc nội trợ. Theo đuổi việc tổ chức lực lượng thợ thuyền, Bác Tôn thường bàn bạc với nhiều anh em ở các xưởng nhà máy, công trường, v.v.. Cuối cùng, mọi người nhất trí nên tổ chức Công hội hoạt động bí mật. Từng người trong mỗi hãng, xưởng, xí nghiệp, công trường, v.v. tập hợp ban đầu năm, ba người thành một tổ Công hội. Việc tập hợp nhau lại, trước hết là làm quen với nhau, qua lại với nhau cho thêm phần thân mật; thấy ai có khó khăn gì thì giúp đỡ nhau; trau dồi nghề nghiệp với nhau; bị ức hiếp thì giúp nhau, bênh vực nhau. Sau này tiến lên thế nào thì tùy cơ ứng biến.

Cứ như vậy mà dần dần nơi nào có thợ đều có tổ công hội như Xưởng Ba Son, Trường Bá Nghệ, Hãng Faci, Nhà máy đèn Chợ Quán, Hãng rượu Bình Tây, nhiều nhà máy xay xát ở Chợ Lớn, v.v.. Đến năm 1925 số tổ công hội lên tới 53 và hội viên đã hơn 300 người. Bác Tôn hướng dẫn anh em đọc các sách báo tiến bộ trong nước, đọc và dịch cho các tổ trưởng những báo cách mạng và tiến bộ của Pháp như báo Nhân đạo, Đời sống thợ thuyền, v.v.. Đặc biệt, tờ báo Người cùng khổ, trong đó có bài của Nguyễn Ái Quốc thì đọc đi, đọc lại tới mức gần như thuộc lòng.


Hoạt động đấu tranh là Công hội lãnh đạo 600 thợ dệt, nhuộm Chợ Lớn bãi công, đòi tăng lương, giảm giờ làm. Cuộc đấu tranh đạt hiệu quả, chủ phải thỏa mãn yêu sách của công nhân. Sự kiện này được Nguyễn Ái Quốc viết trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Chương Nô lệ thức tỉnh. Các hội viên Công hội nghe tin này càng thêm nức lòng phấn khởi, tin tưởng. Tháng 5-1925, một hạm đội Pháp được phái sang Viễn Đông. Michelet là chiến hạm chỉ huy bị hỏng phải đưa vào Xưởng Ba Son sửa chữa. Bác Tôn nhận ra Michelet cũng đã từng có mặt năm nào ở Biển Đen. Nay nó đến đây để rồi tới Trung Quốc đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân Trung Quốc ở các tô giới Pháp.

– Nay nó đàn áp Trung Quốc, mai sẽ tới chúng ta. Phải tìm cách ngăn nó lại hay ít nhất cũng làm chậm bước đi của nó…


Nghĩ vậy, làm vậy. Bác Tôn bàn với tổ Công hội Ba Son vận động một cuộc bãi công và lãn công, kéo dài thời gian sửa chữa Michelet. Vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm, Công hội bí mật Sài Gòn – Chợ Lớn mà đứng đầu là tổ Công hội Ba Son dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bác Tôn đã kìm chân hạm đội Pháp gần ba tháng. Theo yêu sách, công nhân Xưởng Ba Son còn được tăng lương 10%.
Cuộc đấu tranh thắng lợi vang động tới Quảng Châu [Trung Quốc]. Nguyễn Ái Quốc đang ở đó. Người đã cử hai cán bộ về nước liên hệ với người thợ máy Tôn Đức Thắng. Nhiều hội viên ưu tú của Công hội bí mật được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Bác Tôn lại xây dựng Tổ chức Thanh niên vững mạnh để lãnh đạo cả phong trào Công hội và Nông hội. Bác Tôn được bầu vào Thành hội của Tổ chức Thanh niên ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Do một sơ hở về tổ chức cuối năm 1929, Bác Tôn bị mật thám Pháp bắt giam tại bót Catina. Điều tra gần một năm trời, dù không đủ chứng lý chúng vẫn đưa Bác Tôn ra Tòa đại hình Sài Gòn, tuyên phạt Bác 20 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo vì chúng vu cáo Bác Tôn giết người, cướp của trong vụ án ở đường Barbier. Đây là một vụ án khống hèn hạ nhằm đàn áp, hạ thấp uy thế của những người cách mạng.

Tháng 7- 1930, Bác Tôn bị đưa ra Côn Đảo. Lao tù đế quốc đã làm gián đoạn nhiều việc nhằm củng cố Công hội, xây dựng tổ chức Cách mạng Thanh niên tiến tới thành lập tổ chức cộng sản đầu tiên ở Nam Kỳ.

TRONG NGỤC TÙ CÔN ĐẢO [1930-1945]

Ra Côn Đảo, chúng giam Bác Tôn chung với tù hình sự ở Banh I. Số tù 5289.TF. Bề ngoài là tù hình sự cốt để hạ uy thế những người cách mạng, nhưng bên trong chúng coi là một phần tử nguy hiểm, số tù kèm theo hai chữ TF […]. Chúng cũng mong mượn tay của đám tù anh chị ngoài đời thủ tiêu Bác Tôn trong khám. Nhưng với bản lĩnh và trí tuệ của mình, Bác Tôn thuyết phục được bọn tù anh chị và làm cho bọn lính canh tù kính nể. Với con mắt của người thợ ở trong tù Bác Tôn đã thuyết phục và tổ chức tù nhân thành từng nhóm khỏe, yếu giúp nhau, ra làm việc nhóm làm, nhóm nghỉ, công việc có hiệu quả như trong xưởng máy. Tất nhiên, Bác Tôn cũng khéo léo thuyết phục bọn lính canh tù để chúng thực hiện việc coi tù làm và cho tù nghỉ. Bác nói tiếng Pháp ôn tồn thuyết phục bọn chúng. Công việc hiệu quả, lính cai tù ít đánh mắng, lính cũng ít mệt mà tù ít bị roi đòn. Chính bọn tù anh chị cũng dần dần kính nể rồi có cảm tình với Bác. Đêm về, nằm trong khám Bác Tôn dạy anh em học. Không bao lâu có người đọc được thư nhà gửi ra. Có người còn viết thư về nhà. Niềm tin trong lòng họ bừng lên. Họ cũng bớt hung hăng tuyệt vọng như trước. Một hôm, bọn lính canh bắt gặp Bác Tôn đang gõ tường, đánh tín hiệu với khám tù chính trị. Bọn chúa ngục phạt giam Bác vào Hầm xay lúa. Ở đây vừa có án mạng. Bảy Tốt là tù làm cặp rằng trong Hầm xay lúa vừa bị tù nhân đánh chết. Chả là, Hầm xay lúa là một nhà hầm bịt bùng ba bên. Năm cái cối xay đóng bằng thùng tô nô. Những người tù phải vác những bao lúa rất nặng đổ vào và phải cố xay liên tục để đủ gạo ăn cho cả ngàn tù nhân. Ngột ngạt vì bụi và không thoáng khí, tù nhân bị thúc ép làm việc dưới roi đòn ác nghiệt của Bảy Tốt. Thế là một nhóm tù âm mưu, lén lút dùng cần cốt đập đầu Bảy tốt. Bọn chúa ngục đưa Bác Tôn thay Bảy Tốt. Chúng tin rằng thế nào viên cặp rằng mới cũng sẽ bị đánh như Bảy tốt. Chúng không ngờ khi Bác Tôn vào đây không khí làm việc thay đổi hẳn. Giống như ở Sở Tải, Banh I, Bác Tôn cũng tổ chức làm việc như trong xưởng thợ. Nội bộ hòa thuận. Ngày làm việc, đêm học chữ, có hôm còn sàng tấm nấu cháo cho anh em ăn thêm. Ai cũng tỏ ra quý mến người cặp rằng mới. Mọi người tiếc rẻ khi tạm phải xa Bác Tôn khi Bác hết hạn phạt giam.

Giữa năm 1934, Albert Lentali được điều ra làm chủ Sở Lưới ở Côn Đảo. Đây là một sở do bọn chúa ngục Côn Đảo thành lập ra để đánh bắt hải sản trong vùng biển Côn Đảo làm tăng thu nhập cho chúng. Nhận ra Tôn Đức Thắng là sếp cũ của mình dưới Chiến hạm France năm nào. Albert Lentali rất đỗi vui mừng, đã xin với chúa đảo Bouvier nhận Tôn Đức Thắng ra làm ở Sở Lưới. Từ đó, Bác Tôn hằng ngày lái tàu ra khơi đánh cá, đồng thời cập vào bán hải sản cho các tàu quốc tế trên hải phận. Nhờ đó, Bác Tôn nhận được tin tức trong nước và ngoài nước cùng sách báo cách mạng từ Nga, Pháp, Đức, Anh, v v.. Bác cung cấp tin cho Đảo ủy và khéo léo cất giấu tài liệu trong các khám. Khi Đảng bộ trong tù chủ trương “biến nhà tù thành trường học cách mạng” thì Bác Tôn có đủ các sách về chủ nghĩa Mác – Lênin cho các “giáo sư đỏ” như Phạm Văn Đồng, Trần Văn Giàu, Nguyễn Kim Cương, v.v. dùng làm tài liệu giảng dạy.


Tin về Mặt trận bình dân thắng cử ở Pháp và chính phủ mới cử phái đoàn Gôta sang thanh sát Đông Dương gây khí thế xôn xao trong các khám tù chính trị. Tin về ba cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, Nam Kỳ làm cho tù chính trị phấn khởi, tin tưởng ngày thắng lợi đã đến gần. Tin Nhật đảo chính Pháp và Chỉ thị của Trung ương trước tình hình đó được các đồng chí mới bị đày ra Côn Đảo truyền đạt lại và xác định phương hướng đấu tranh của Đảng bộ nhà tù. Sinh hoạt chính trị trong tù tổ chức hết sức bí mật nhưng rất có hiệu quả. Tin Nhật đảo chính Pháp và Chỉ thị của Trung ương được vận dụng khá linh hoạt. Đảng ủy nhà tù chủ trương vận động, thuyết phục lính canh tù người Việt, đoàn kết với họ đấu tranh với bọn cầm đầu. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô ở châu Âu, thắng lợi của cách mạng Việt Nam được truyền ra đảo do một chiếc rađiô cũ được Bác Tôn sửa chữa lại, khi nghe đài Pháp, khi nghe đài Anh, v. v.. Bất ngờ, một hôm nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công và truyền bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Toàn đảo reo mừng sung sướng. Các đồng chí cùng anh em sống rồi! Mọi hành động quá khích lúc này được ngăn chặn. Người ta trông chờ từng giờ, từng phút đoàn thuyền tàu từ đất liền ra đảo đón các đồng chí về. Bác Tôn thì hì hục sửa chữa một chiếc cùng để đưa các đồng chí cốt cán trên đảo về đất liền càng sớm càng tốt. Mờ sáng ngày 23-9-1945, đoàn tàu, thuyền 23 chiếc từ đất liền ra nhổ neo mang theo 1.8664 người chiến thắng từ Côn Đảo trở về. Trên chiếc canô do Bác Tôn lái trở đồng chí phạm Hùng, Phan Trọng Tuệ cùng một số đồng chí khác vượt qua giông bão giữa mùa thu, cập bến an toàn tại cửa biển Mỹ Thanh [Sóc Trăng]. Xử ủy Nam Bộ trực tiếp về Sóc Trăng đón các đồng chí và giao nhiệm vụ công tác mới cho các đồng chí. Bác Tôn được bổ sung vào Xứ ủy. Ngày 25-9-1945, Bác theo giao liên tức tốc lên đường nhận nhiệm vụ mới. Viết về sự kiện này, Giáo sư Trần Văn Giàu có so sánh rất hay:

“Sách xưa kể chuyện, vua Thuấn đi trị thủy, qua nhà ba lần mà không vào. Gương sáng muôn đời! Bác Tôn Đức Thắng bị tù đày 17 năm, trở về thăm vợ con chưa chọn một đêm… Trung Quốc xưa có ông Thuấn. Nam Bộ nay có Bác Tôn. Những vị thánh nhân ấy nêu gương sáng vì nước quên nhà”.

NGƯỜI ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CỦA THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC [1946-1954]

Cảnh vợ gặp chồng, cha gặp con sau 17 năm xa cách. Bà đang bắt gà ở hàng xóm để sáng lên chợ bán, nghe tin chồng về quá đỗi vui mừng, bà chạy vội về, hai tay xách bốn con gà buông rơi lúc nào không biết. Về đến nhà thấy hai con đang ôm cha mà khóc, bà ôm góc cột nhìn chồng gầy gò, xơ xác cũng không cầm được nước mắt. Nhưng nhiệm vụ cấp bách không thể trì hoãn, ông phải vượt qua lộ trước khi trời sáng để tới Thiên Hộ, Cái Bè họp Xứ ủy. Giặc Pháp đang lấn sang các tỉnh quanh Sài Gòn. Ông phải đi ngay. Bà gạt nước mắt tiễn chồng theo người giao liên, hẹn sẽ gặp nhau trong ngày toàn thắng.

Ông họp Xứ ủy rồi trở về Sài Gòn. Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã bầu ông làm đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946. Từ đó Ông ra Hà Nội họp Quốc hội rồi tham gia kháng chiến tại Chiến khu Việt Bắc. Bà lại nuôi con, chờ chồng trong chín năm nữa…

Tình hình đất nước sau Cách mạng Tháng Tám cực kỳ căng thẳng. Giặc Pháp quay lại xâm chiếm Nam Bộ. 20 vạn quân Tưởng tràn vào miền Bắc kéo theo một lũ phản động gọi là Việt quốc, Việt cách gây sức ép với Chính phủ lâm thời. Chúng buộc ta phải để cho chúng 70 ghế trong Quốc hội không qua bầu cử. Chúng câu kết nhau âm mưu lập một chính phủ làm công cụ cho bọn giặc ngoại xâm. Vận mệnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong tình hình ấy, Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên là cực kỳ quan trọng. Phải có đầy đủ đại biểu thực sự của dân thì mới đủ lực lượng chiếm đa số. Vậy nên, các đại biểu Nam Bộ phải có mặt đông đủ. Giặc Pháp đã đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ, chiếm đóng khắp nơi, chia cắt Nam Bộ với toàn quốc. Các đại biểu Nam Bộ phải tập trung ra Tuy Hòa mới có xe lửa ra Bắc. Bác Tôn tập hợp các đại biểu lên thuyền và đích thân giữ buồng lái đưa các đại biểu đến nơi tập kết. Người thủy thủ trên Biển Đen và ở Sở Lưới năm nào lại tỏ rõ tài năng trên biển, đưa các đại biểu tới nơi an toàn.

Mùa xuân năm 1946, Bác Tôn vui mừng gặp được đồng chí Nguyễn Ái Quốc – cũng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh – mà Bác đã biết từ năm 1919 trên đất Pháp và nghe tên khi còn ở Côn Đảo. Nói sao hết nỗi mừng vui hội ngộ. Anh hùng lại gặp anh hùng, tri âm nay hội ngộ cùng tri âm!

Trong phiên họp, khi Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh nói lời từ chức, trao quyền để Quốc hội chọn người xứng đáng đứng ra thành lập Chính phủ mới thì Bác Tôn lập tức đứng lên, nói hùng hồn, dõng dạc: – Tôi xin giới thiệu Cụ Hồ Chí Minh, tức nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc là người xứng đáng hơn hết đứng ra thành lập Chính phủ mới.

Tiếng nói của Bác Tôn là tiếng nói đại biểu cho Nam Bộ đang anh dũng cầm súng bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc vừa giành được. Tiếng nói ấy phù hợp với nguyện vọng của 25 triệu đồng bào cả nước. Tiếng nói ấy là tiếng nói của Nam Bộ Thành đồng Tổ quốc, “là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi đồng bào Nam Bộ cách đó ít lâu. Lời phát biểu kịp thời của Bác Tôn làm thất bại hoàn toàn âm mưu của bọn phản động. Chúng đã chuẩn bị danh sách một chính phủ do chúng thao túng. Cho nên bọn chúng định im lặng, cam chịu thất bại. Tuy vậy, trong danh sách Chính phủ mới, với chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc, Bác Hồ vẫn mời Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Vũ Hồng Khanh giữ các chức vụ quan trọng trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với thiên tài của Bác, chiến lược, sách lược được Người sắp xếp chu đáo, cuối cùng bọn phản động cuốn gói theo quan thầy của chúng.


Từ đó, Bác Tôn sát cánh bên Bác Hồ. Được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Bác Hồ, Bác Tôn – người thợ máy bình thường trở thành một nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, Quốc hội, Mặt trận dân tộc thống nhất của nước ta.

CÂY ĐẠI THỤ TRONG RỪNG CÂY ĐẠI ĐOÀN KẾT

Ngày 3-3-195l, trong Lời phát biểu khai mạc Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói lên niềm sung sướng của Người bằng một hình ảnh: “… Sung sướng ấy là chung của cả toàn dân, của cả Đại hội nhưng riêng cho tôi là một sự sung sướng không thể tả. Một người đã cùng các vị tranh đấu trong bấy nhiêu năm cho khối đại đoàn kết toàn dân. Hôm nay, cũng thấy rừng cây đại đoàn kết ấy đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có một cái tương lai trường xuân bất lão””6. Theo hình ảnh Bác Hồ mô tả, Bác Tôn là một cây đại thụ trong rừng cây đại đoàn kết ấy. Bác Tôn cùng với Cụ Bùi Bằng Đoàn, một nhân sĩ lão thành đảm nhiệm công việc Thường trực Quốc hội suốt cả nhiệm kỳ khóa I. Đồng thời, Bác còn đảm nhiệm công việc chủ chốt các hội quần chúng ở Trung ương: – Ngày 29-5-1946, thành lập Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam [gọi tắt là Hội Liên Việt], Bác Tôn được bầu làm Phó Hội trưởng. – Ngày 27-3-1948, Bác Tôn được Trung ương chỉ định làm Trưởng ban Trung ương vận động thi đua ái quốc.

– Ngày 17-5-1950, thành lập Hội Việt – Xô hữu nghị, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Hội.


– Từ ngày 3 đến ngày 7-3-1951, Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt, thành lập Mặt trận Liên Việt, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt.
– Ngày 10-4-195l, Bác Tôn được Trung ương Đảng cử làm Phó trưởng ban Dân vận – Mặt trận Trung ương. – Ngày 10-9-1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam được thành lập, Bác Tôn được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. – Ngày 20-9-1955, tại Kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa I, Bác Tôn được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. – Tháng 7-1955, Bác Tôn được bầu là Chủ tịch danh dự Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam và Đại hội Hòa bình thế giới họp ở Henxinki [Phần Lan], Bác Tôn được bầu làm Ủy viên Hội đồng Hòa bình thế giới. – Ngày 27-2-1957, thành lập Ban chỉ đạo Thanh toán nạn mù chữ Trung ương, Bác Tôn được cử làm Trưởng ban. – Ngày 15-7-1960, được kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa II bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bác Tôn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm trung tâm Mặt trận đoàn kết toàn dân. Cho nên, Bác là người đầu tiên được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Sao vàng, được Ủy ban Giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin tặng Giải thưởng Lênin Vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc [năm 1955], được Đoàn Chủ tịch Xôviết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin cao quý [năm 1967].


Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ấy, chính là do uy tín, đức độ và tài năng vận động, thuyết phục, một phẩm chất quý báu của người thợ. Trong dịp trao tặng Huân chương Sao vàng, mừng thọ Bác Tôn 70 tuổi, Bác Hồ biểu dương Bác Tôn là “một gương mẫu đạo đức cách mạng”. Thật đúng như vậy. Ở lứa tuổi nào trong cuộc đời của Bác, từ tuổi thiếu niên đến lúc thành niên, từ tuổi trung niên tới lúc tuổi già,… Bác Tôn đều là những tấm gương rực sáng, gương mẫu về việc làm, về hành động, rất gần gũi với người lao động chúng ta.

BÁC TÔN GÁI

Trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác Tôn sẽ mất đi một mảng lớn nếu thiếu hình tượng của Bác Tôn gái – Bà Đoàn Thị Giàu [tên thường gọi là Hai Oanh] quê ở Vĩnh Kim, ngoại thành Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang hiện nay. Quan hệ vợ chồng là quan hệ tình cảm. Nhưng trước khi thành gia thất, Hai Thắng chưa bao giờ biết mặt Hai Oanh và ngược lại. Hai Oanh may mắn biết mặt Bác Tôn qua tấm ảnh chụp trong đám tang em trai từ Toulon gửi về. Tình cảm vợ chồng giữa hai bác do tác động của Ba Sứ. Anh cảm mến người bạn kết nghĩa thắm thiết tới mức mong mỏi cha mẹ gả chị ruột cho Hai Thắng. Chuyện tưởng xa vời hóa ra thành thật. Người con gái xứ Vĩnh Kim đã giữ tấm ảnh Hai Thắng trong bốn năm, chờ đợi anh theo lời em trăng trối. Chuyện thật giữa hai bác khác gì chuyện giữa Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên trong tác phẩm của Cụ Đồ Chiểu. Cưới xong, Ông Bà đưa nhau lên Sài Gòn sống. Ông vẫn làm thợ, Bà chăm lo nội trợ. Tám năm chung sống có hai mặt con. Bà biết ông hoạt động bí mật, tuy không rõ việc gì nhưng đều nguy hiểm, Bà vẫn không can ngăn mà còn phụ giúp chồng trong những lúc có thể. Khi vụ án Barbier vỡ lở, mật thám lùng sục ngày đêm, ông bà đã ba lần dời chỗ ở nhưng tình hình xem ra không yên. Bà đang mang thai đứa con thứ ba thì ông bảo mẹ con bà thu xếp về ở bên ngoại sinh nở, ông có thể bị bắt lúc nào không biết. Đúng như dự đoán, cuối năm 1929, khi Ông ra khỏi xưởng, trên đường về nhà, vừa qua khỏi Cầu Kiêu thì ba, bốn tên lính kín ùa ra bắt ông giải về bót Catina giam cầm tra khảo, rồi ra tòa lãnh án lưu đày dù không có chứng cứ. Bà bồng đứa con trai vừa mới sinh được gần giáp thôi nôi lên thăm chồng trong trại giam để nhìn được mặt con rồi lại gạt nước mắt tiễn chồng lưu đày ra Côn Đảo với hai án: 20 năm khổ sai. Liệu còn có ngày gặp lại không? Bà bồng con trở về quê ngoại trong nỗi chán chường, u uất, lặng lẽ, v.v.. Hơn 5 năm sau, lần đầu tiên bà nhận được thơ chồng gửi về từ Côn Đảo do vợ một người bạn tù vừa thăm chồng về. Bức thư ông viết khiến bà đau nhói trong tim. Ông khuyên bà nên lấy chồng khác để làm ăn, nuôi con. Bà luôn luôn hy vọng ông có ngày về, cho dù thời gian chờ đợi là 15 năm nữa. Vì vậy, Bà viết thư trả lời ông trong niềm tin của mình: “Anh Hai! Nghe lời anh, em đã lấy chồng rồi. Chồng em là Tôn Đức Thắng ở Long Xuyên. Chúng em ăn ở với nhau đã có ba mặt con, nay phải xa nhau, dù bao năm nữa em cũng vẫn chờ!”. Bức thư đầy tình nghĩa ấy in đậm nét trong lòng Bác Tôn. Khi Bà qua đời ở Hà Nội, tuần nào ông cũng đi thăm mộ Bà và nhân đó kể cho anh chị em ở Văn phòng Phủ Chủ tịch nội dung bức thư ấy. Ai nghe cũng đều xúc động.

Trong gần 30 năm sống trong chờ đợi, cuộc sống chung ngắn ngủi, mãi khi tuổi già Bà tập kết ra Bắc, vợ chồng, cha con mới trùng phùng, hội ngộ. Ông bà chăm sóc lẫn nhau hết sức tinh tế và cực kỳ thắm thiết. Bà nấu cho ông những món ăn quê hương mà ông ưa thích. Ông bón cho Bà từng thìa cháo, từng viên thuốc khi Bà lâm bệnh nằm ở Quân y viện 108. Ông cố gắng làm những gì có thể để đền đáp ơn nghĩa của Bà đã gần 30 năm chờ chồng, nuôi con.

*

*      *

Tôn Đức Thắng không phải là nhà lý luận, nhà tư tưởng. Tôn Đức Thắng là người thợ, con người hành động, hành động tiền phong. Bằng hành động thực tiễn, Bác Tôn làm cho ta hiểu rõ nhân cách, nhân tình, đạo làm người, v.v. đúng đắn, xác thực nhất. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “…không phải văn chương nào cũng đều phản ánh trung thực con người. Đôi khi người cầm bút sửa sang ngòi bút của mình nhiều đến nỗi xem văn mà thấy con người không còn đồng nhất nữa. Với Bác Tôn, ngôn ngữ của một chuỗi hành động suốt đời thì không còn có thể làm cho ai hiểu sai mình được”.
Đúng như vậy. Lòng yêu nước, chí tự lập, bước đường vào đời, hành động quả cảm, trí sáng tạo trong việc tổ chức lực lượng giai cấp công nhân, tình yêu bạn bè, đồng chí, vợ chồng, v.v.. Nhân cách, đức độ của Bác Tôn xứng đáng được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương là “Một gương mẫu đạo đức cách mạng”. Thiếu niên, nhi đồng tìm thấy ở Bác Tôn gương yêu nước, yêu đồng bào, học tập tốt, lao động tốt. Tuổi thanh niên tìm thấy Bác Tôn gương tự lập, tự cường, bền chí vượt qua mọi khó khăn, thử thách, v.v.. Các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam tìm thấy ở người đồng chí của mình gương trung thành hết mực với Đảng, dù bị giam cầm, khổ sai vẫn tìm đường hoạt động cho Đảng… Ở tuổi già, Bác Tôn nêu gương tuổi cao chí càng cao, dù ở cương vị nào cũng sống chết nghĩa tình với đồng chí anh em, vợ chồng, v.v..
Hai mươi ba năm Bác Tôn đã đi xa nhưng hình ảnh vẫn luôn luôn lưu lại trong tâm trí chúng ta.

Video liên quan

Chủ Đề