Bản đồ mạng lưới trạm khí tượng thủy văn năm 2024

Tham dự có các lãnh đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn [Bộ TN&MT], các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều đóng góp trong quá trình xây dựng quy hoạch như GS.TSKH Nguyễn Đức Ngữ, GS.TS Trần Thục, GS.TS Trần Việt Liễn; GS.TS Phan Văn Tân... cùng đại diện các Bộ, ngành, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hội nghị cũng kết nối trực tuyến với điểm cầu các Sở Tài nguyên và Môi trường, các Đài Khí tượng thủy văn khu vực, Đài tỉnh/thành phố và toàn bộ các trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn trên phạm vi cả nước.

.jpg]Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành đã tham gia xây dựng Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 8/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 289/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn [KTTV] quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đã đề ra các nhóm giải pháp chính có liên quan đến cơ chế, chính sách; tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế và huy động nguồn vốn. Trong đó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: Quy hoạch được xây dựng trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện và kế thừa Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, Quy hoạch đã bám sát theo nhu cầu thực tiễn nhằm phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những mặt còn tồn tại, bất cập của mạng lưới trạm KTTV trong giai đoạn vừa qua.

Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Hội nghị

Các nội dung Quy hoạch dựa trên cơ sở khoa học, có tính động và mở, có tư duy đổi mới, sáng tạo, tận dụng hiệu quả thành tựu khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, tự động hoá, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt, lâu dài. Việc xây dựng Quy hoạch cũng gắn liền với yêu cầu nâng cao độ chính xác, tính kịp thời và độ tin cậy của công tác dự báo, cảnh báo KTTV, giám sát biến đổi khí hậu phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH.

Trong quá trình thực hiện Quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã luôn nhận được sự quan tâm phối hợp tham gia xây dựng, đóng góp ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, cơ quan ngang Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ; Hội KTTV Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các nhà khoa học, chuyên gia sâu trong lĩnh vực KTTV và biến đổi khí hậu.

Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành đã trân trọng cảm ơn sự tham gia tích cực, các ý kiến đóng góp trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương cùng các chuyên gia trong quá trình xây dựng và hoàn thành Quy hoạch.

Ông La Đức Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn giới thiệu Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Giới thiệu về Quy hoạch, ông La Đức Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho biết: Quy hoạch đề ra mục tiêu phát triển mạng lưới trạm KTTV quốc gia theo hướng từng bước hiện đại, đồng bộ, đạt trình độ ngang bằng với các nước phát triển trong khu vực châu Á và thế giới.

Tiêu chí mạng lưới đạt mức ngang bằng với các nước phát triển khu vực châu Á đến năm 2030:

Mật độ bình quân trạm khí tượng bề mặt đạt 840 km2/trạm, đo mưa độc lập 80 km2/trạm, bức xạ 18.000 km2/trạm, định vị sét 14.000 km2/trạm, ô zôn - bức xạ cực tím 82.000 km2/trạm, thủy văn 650 km2/trạm/lưu vực, hải văn 70 km/trạm dọc theo bờ biển, ra đa biển 200 km/trạm dọc theo bờ biển, trạm phao 650km/trạm dọc theo bờ biển.

Tỷ lệ tự động hóa trên toàn mạng lưới trạm đạt trên 95% đối với các trạm khí tượng, trạm đo mực nước, đo mưa, đo gió trên cao; tối thiểu 40% đối với các trạm đo lưu lượng.

Tầm nhìn đến năm 2050, mật độ trạm KTTV tự động ngang bằng với các nước phát triển trên thế giới với tổng số trạm KTTV đạt 5.886 trạm. Chuyển đổi hầu hết các trạm KTTV truyền thống sang tự động hoàn toàn theo mô hình mạng lưới trạm KTTV hiện đại của các nước phát triển.

Theo ông La Đức Dũng, Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã có những điểm mới mang tính đột phá so với giai đoạn trước, nhằm phù hợp với điều kiện tình hình thực tế và đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đề ra.

Nổi bật là việc quy hoạch mạng lưới trạm theo yếu tố quan trắc [không quy hoạch theo hạng trạm như trước đây], để hướng tới mô hình mạng lưới trạm có mật độ quan trắc hợp lý [không thừa, không thiếu], theo định hướng công nghệ quan trắc tiên tiến, hiện đại, tự động hóa cao như mô hình các nước phát triển trên thế giới. Điều này nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cao về cung cấp thông tin dữ liệu KTTV phục vụ nhu cầu dự báo, cảnh báo và phát triển kinh tế - xã hội đặt ra qua các giai đoạn phát triển.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Quy hoạch cũng ứng dụng các kết quả nghiên cứu đã được công bố, các khuyến cáo của Tổ chức khí tượng thế giới [WMO] về mật độ trạm; các kết quả nghiên cứu các mô hình mạng lưới trạm tiên tiến trên thế giới và điều kiện tình hình thực tiễn để tính toán xác định mật độ và vị trí đặt trạm trong quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tiết kiệm và hiệu quả.

Thay vì phân loại theo hạng trạm như trước, Quy hoạch mới đã thực hiện phân loại trạm khí tượng, thủy văn, hải văn thành 2 loại: trạm cơ bản - quan trắc đầy đủ các yếu tố, có quan trắc viên; và trạm phổ thông - quan trắc một số yếu tố và định hướng là trạm tự động hoàn toàn, không có quan trắc viên. Cách thức phân loại mới nhằm tạo nền tảng quan trọng, thúc đẩy tiến trình tự động hóa, hướng tới mục tiêu tự động hóa 100% các trạm phổ thông. Qua đó, tăng cường năng lực quan trắc của các trạm, tiết kiệm kinh phí quản lý vận hành, giải phóng nguồn nhân lực vận hành trạm và tài nguyên đất đai.

Quy hoạch yêu cầu tập trung đầu tư dứt điểm từng trạm phổ thông theo hướng tự động hóa 100%, tức là đầu tư tới đâu tự động hóa tới đó. Điều này nhằm tập trung cao các nguồn lực đầu tư cho tự động hóa quan trắc, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, chắp vá [nửa tự động, nửa thủ công], thúc đẩy nhanh tiến trình tự động hóa mạng lưới quan trắc.

Ông La Đức Dũng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn

Một điểm mới nữa, việc quy hoạch mạng lưới trạm có sự ưu tiên, tập trung rõ rệt cho các vùng trống số liệu, vùng thường xuyên chịu tác động và rủi ro thiên tai, biến đổi khí hậu.

Căn cứ chức năng nhiệm vụ, Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các Bộ ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch.

Tại Hội nghị, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Điện Biên, Hải Phỏng, Quảng Nam, Cà Mau đã chia sẻ tham luận xung quanh các nội dung phát triển mạng lưới quan trắc trên địa bàn. Theo đó, việc tăng dày mật độ các trạm quan trắc, đặc biệt là các trạm quan trắc tự động sẽ là cơ sở để địa phương nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Bày tỏ ủng hộ các điểm đổi mới trong Quy hoạch, GS.TS Trần Thục, Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam chia sẻ: Quy hoạch được ban hành trong bối cảnh các hiểm họa khí hậu có xu thế gia tăng cả về tần suất và cường độ; xã hội có nhu cầu rất lớn và yêu cầu cao về số liệu khí tượng thủy văn, phục vụ các mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Việc quy hoạch theo yếu tố quan trắc và phân loại trạm đã xét đến ngắn hạn và dài hạn trong phát triển mạng lưới trạm; cho thấy Việt Nam sẵn sàng tiếp nhận xu thế công nghệ mới về tự động hóa, dữ liệu lớn, xử lý, truyền tin và phân tích dữ liệu.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Để triển khai Quy hoạch đạt hiệu quả cao nhất, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các Bộ, ngành, các địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Bên cạnh đó, để đẩy nhanh quá trình tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV quốc gia và giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực KTTV tiếp tục quan tâm, tăng cường đầu tư vào các dự án phát triển, nâng cấp, tự động hóa, hiện đại hóa mạng lưới quan trắc KTTV theo đúng tinh thần chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công tác KTTV của Đảng và Nhà nước.

Có như vậy, việc thực hiện Quy hoạch mạng lưới trạm KTTV thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả, thu được những kết quả quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của đất nước những năm tới và trong tương lai.

Danh mục dự án quan trọng quốc gia, ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021 - 2025:

- Đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc, giám sát tài nguyên nước và tăng cường công tác điều phối việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và lưu vực sông Cả.

- Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Hồng - Thái Bình.

- Đầu tư xây dựng mới trạm ra đa thời tiết và thám không vô tuyến Trường Sa phục vụ công tác dự báo KTTV.

- Xây dựng hệ thống tích hợp công nghệ thông tin về giám sát và dự báo bão phục vụ phòng tránh thiên tai khí tượng và khí hậu ở Việt Nam.

- Tăng cường hệ thống giám sát hải văn.

- Thuê dịch vụ đo mưa tự động phục vụ công tác dự báo KTTV, đặc biệt là mưa, lũ theo phương thức thuê bao khai thác dữ liệu.

Chủ Đề