Biểu cảm về loài cây em yêu toplist

Mỗi loài cây, mỗi loài hoa sinh ra trên đời đều mang một ý nghĩa và biểu tượng riêng. Nếu cây phát lộc biểu tượng cho sự may mắn, cây liễu là chuẩn mực cho vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ, cây tùng thể hiện khí chất hiên ngang, ngay thẳng của người quân tử thì cây phượng vĩ - loài cây hết sức giản dị và thân thuộc lại là biểu tượng của tuổi học trò, là sự báo hiệu cho một mùa chia tay đầy thương nhớ. Cây phượng vĩ đã trở thành một người bạn thân thiết của tuổi học trò.

Phượng có nguồn gốc từ những cánh rừng ở Madagascar. Tại Việt Nam, phượng vĩ được người Pháp du nhập vào trồng khoảng những năm cuối thế kỷ 19 tại các thành phố lớn như Hải Phòng, Đà Nẵng, Sài Gòn. Phượng là loài cây thân gỗ. Thân phượng cao từ 6-12 m, chiều ngang phải hai người ôm mới xuể. Vỏ cây màu nâu, xù xì, những cây phượng già ở thân còn có những mấu nổi lên như những cục u. Ở Việt Nam, phượng vĩ được trồng khá phổ biến, đặc biệt là ở dọc các con đường, ở trong sân trường học bởi khả năng tạo bóng mát của cây. Đây là loại cây dễ trồng, thích hợp với mọi loại đất từ khô cằn đến màu mỡ; phát triển tốt trên mọi địa hình từ đồng bằng đến trung du và núi cao. Tuy nhiên, loài cây này lại có tuổi thọ không cao, trung bình từ 30 đến 50 năm tùy vào điều kiện chăm sóc và thời tiết.

Một cây phượng vĩ lớn có thể cao đến 20m, tán tỏa ra tứ phía với đường kính lên tới 8m. Rễ cây thuộc loại rễ chùm, đâm sâu xuống lòng đất hút chất dinh dưỡng nuôi cây đồng thời bám sâu vào lòng đất để cây luôn đứng vững trước những bão tố dữ dội. Những chiếc rễ cây lâu năm to như những con rắn khổng lồ, chồi lên ngoằn nghèo trên mặt đất lại là chỗ ngồi lí tưởng cho các bạn học sinh.

Thân cây to tròn đến hai học trò ôm cũng không xuể. Nó khoác lên mình bộ áo màu nâu sẫm, khi sờ vào có cảm giác xù xì và hơi thô ráp. Từ những cành cây nhỏ bé, mọc ra hàng nghìn, hàng vạn chiếc lá nhỏ li ti màu xanh lục như những lá me. Lá cây mọc đối xứng qua một xương lá trông rất mềm mại, thỉnh thoảng lại rung rinh, đu đưa làm dáng khi chị gió thoảng qua ghé thăm. Hình ảnh khiến mọi người nhớ mãi có lẽ là hoa phượng.

Hoa phượng có 4 cánh tỏa rộng màu đỏ tươi hay đỏ cam, cánh thứ 5 mọc thẳng, lớn hơn những cánh kia một chút và lốm đốm trắng. Hoa phượng mọc thành từng chùm, một bông phượng có đến vô vàn những bông hoa. Hoa phượng mọc xen kẽ nhau tạo nên một ngọn lửa đỏ rực như muốn thiêu đốt cả cây, làm bừng sáng cả một khoảng trời rực rỡ. Mùa hoa hết, ta lại thấy những quả phượng dài và cong như lưỡi liềm.

Quả phượng khi non có màu xanh, già chuyển sang màu đen và có nhiều hạt.Phượng chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc sống của con người. Phượng thường được trồng ở những nơi công cộng như công viên, trường học để cho bóng mát. Tán phượng xanh mát vừa là chỗ cho chim muông làm tổ, vừa là nơi lí thú để học sinh nghỉ ngơi, hòa mình vào những trò chơi tinh nghịch.

Cây phượng vào mùa hè lá xanh tỏa bóng rất mát. Màu xanh của lá phượng nhìn vào cho ta một cảm giác tươi mát lạ thường. Cây phượng gắn liền với thế hệ tuổi học trò. Khi phượng bắt đầu nở báo hiệu cho một mùa chia tay đang đến. Những lưu luyến vấn vương in sâu trong từng cánh phượng. Những bức ảnh kỉ yếu với những vòng hoa phượng đội đầu hay những chùm phượng cầm tay ghi lại khoảnh khắc tươi đẹp nhất tuổi học trò ngây ngô hồn nhiên. Phượng còn có tác dụng làm tăng thêm vẻ đẹp của không gian khi chúng được trồng ở trên những con đường, trên hè phố. Sắc đỏ của phượng xen kẽ với sắc tím của bằng lăng khiến ai đi qua cũng muốn dừng lại ngắm nhìn. Không chỉ thế, hoa phượng còn ghi dấu biết bao kỉ niệm của tuổi học trò. Ai đó đã tặng ta chùm phượng thay cho lời thương không dám nói. Các cô cậu học sinh thường lấy những cánh phượng, xếp thành hình con bướm ép trong cuốn lưu bút giữ làm kỉ niệm.

Ngoài ra, phượng còn được trồng để lấy gỗ dùng cho việc sản xuất các đồ gỗ dân dụng phục vụ đời sống con người. Vỏ cây, rễ cây dùng trị bệnh sốt rét và hạ nhiệt. Ở nhiều nơi, người ta trồng phượng để chống xói mòn đất bởi cây có rễ ăn sâu vào lòng đất và có tán lá rộng rất thích hợp cho việc chắn gió. Nhắc đến hoa phượng là nhắc đến mùa của thi cử, mùa của chia ly nên người ta còn gọi nó bằng cái tên vô cùng gần gũi, đó là hoa học trò. Chắc hẳn tuổi học trò của mỗi người không thể không có bóng dáng của cây phượng.

Cây phượng đã trở thành một nguồn cảm hứng dào dạt cho lĩnh vực nghệ thuật. Chúng ta có thể nhắc đến các bài hát nổi tiếng như “Phượng buồn”, “Phượng hồng”, “Nỗi buồn hoa phượng”,… hay trong những vần thơ của Quốc Phương, Bùi Đức An,…

“Cánh phượng hồng còn ép hoài trang vởMỗi hè về nỗi nhớ lại miên manTuổi thanh xuân lời thương ấy nồng nànNhững kỉ niệm vẫn ngập tràn rung động”

Phượng được xem là loài cây có sức sống mãnh liệt khi vượt lên trên sự oi bức, nắng gắt của mùa hạ để nở ra những bông hoa mang vẻ đẹp rực rỡ. Có thể nói cây phượng giữ một vai trò to lớn trong cuộc sống của con người. Người ta không chỉ yêu thích nó bởi vẻ đẹp mà còn bởi những công dụng nó mang lại cho đời sống.

Thuyết minh về cây phượng

Thuyết minh về cây phượng

Khi sắp hết một đời lá, cây thường trả cái màu xanh cho trời đất để tìm đến với hanh hao vàng. Từ vàng nhạt màu nắng non đến vàng thẫm ưu tư rồi nhẹ nhàng tạm biệt cành theo gió trở về cõi vĩnh hằng. Bởi thế, người ta nghĩ đến thu, nhớ đến mùa thu người ta nhớ đến màu vàng định mệnh.

Nhưng có một loài cây không chịu tuân theo sự sắp đặt của tạo hóa. Nó không tìm về với màu vàng nguyên thủy của lá thu, cũng không tìm về với thu để rụng lá. Nó tìm về với màu đỏ và dừng lại vài ngày trên gam màu ấy trước khi rụng. Lúc những cơn gió đông lạnh buốt len khắp. Đó là cây bàng, thứ cây người ta trồng nhiều trên sân trường để lấy bóng mát cho lũ học trò. Thứ cây gần gũi với học trò chỉ sau phượng.

Trời lạnh dài suốt tháng chạp, bàng bắt đầu chuyển màu cũng vào những ngày cuối đông ấy. Từ màu lục già sẫm, bàng ghé một chút nhìn màu vàng rồi chuyển mình sang màu đỏ. Trong cuộc chuyển mình ấy, bàng cho ta cảm giác bất ngờ đầy thú vị. Giữa trời đông xám lạnh, bàng đem đến sắc đỏ lộng lẫy. Cả cây không sót một chiếc lá nào màu xanh, sắc đỏ như ngọn lửa bừng sáng, ấm nồng những ngày đông giá rét.

Ta yêu cái màu đỏ rực nồng nàn ấy như yêu cái nồng nàn mãnh liệt của con người đất Việt. Rồi lá đỏ rơi, lá đỏ tạm biệt cây để trở về với hư vô khi đã đi trọn một đời lá, khi đã làm xong phần việc mà tạo hóa giao cho khi sinh ra nó. Tạm biệt cây để lại nhường chỗ cho một lứa lá mới, một thế hệ mới.

Không cố hữu, không tranh giành, những chiếc lá đỏ ấy thanh thản vì biết rằng, suốt một năm qua, nó đã cần mẫn xòe tán, che mát cho bao cô cậu học trò. Nó cũng đã chứng kiến bao buồn vui, bao kỉ niệm, vui cùng, buồn cùng học trò. Nó thấy mình đã thật sự có ích nên ra đi mà không còn phải vấn vương hay tự trách thân tiếc nuối. Lá rụng đến tận cùng, không còn một chiếc nào trên cây.

Dáng bàng được xem là đẹp nhất. Ngay cả lúc này, khi chỉ còn trơ lại những cành khô khốc nó vẫn kiêu hãnh vươn mình, xòe bàn tay gầy guộc lên trời cao như chờ đợi để đón nhận quà tặng của thời gian. Vốn không hào phóng nhưng lúc này bà mẹ thời gian lại mở lòng thơm thảo với bàng. Những cây khác phải đợi suốt cả một mùa đông dằng dặc lạnh mới được ban chồi non thì bàng được ưu ái hơn hẳn.

Chỉ sau cái hành động quyết liệt, rũ đến tận cùng, tận ngọn những chiếc lá đỏ của mùa thu, một thời gian không dài lộc đã về trên bàn tay gầy xòe rộng của bàng. Không chỉ riêng một mình lá lạ khác khi rụng, búp bàng cũng thế. Dáng mọc thẳng đứng trên cành, nhanh đến ngỡ ngàng như là vừa qua một đêm thôi, ai đã thả ngàn vạn búp lá nhỏ khắp các cành cây.

Xanh biếc, chi chít. Những búp non ấy xoay thành tán tròn quanh thân cây. Bàng lại vươn mình, kiêu sa khoe dáng, khoe sắc. Rồi búp non lớn nhanh thành lá, lá đứng thẳng và cao chừng gang tay nhưng chưa xòe ra mà cuộn tròn, vểnh lên như tai chú thỏ mỗi khi dỏng lên nghe ngóng.

Bàng thật lạ phải không? Nhưng chưa hết đâu. Nếu để ý bạn sẽ thấy, khi lứa lộc đầu tiên ấy bắt đầu xoè thành những chiếc lá nhỏ bàng sẽ cho ta lứa lộc nối tiếp. Lứa lộc thứ hai của bàng có màu hồng thẫm. Bàng bây giờ khoác một chiếc áo màu lục non, điểm những chấm hồng thẫm đó. Nó lại kiêu hãnh vươn mình.

Và nếu ta bận bịu, ta mải mê với công việc, ta quên không để ý cây mỗi ngày thì chỉ mười, mười lăm ngày sau, chợt nhớ đến cây, nhìn đến cây ta phải thốt lên tiếng xuýt xoa, ngỡ ngàng. Lá đã xòe kín, tán đã như chiếc ô xanh khổng lồ, và hơn hết, ta có cảm giác như nó vẫn y như thế từ năm ngoái, năm kia và từ bao giờ không biết nữa. Đứng sừng sững như vĩnh hằng cùng thời gian, như bình thản trước mọi sự đổi thay.

Nắng hè tưng bừng khắp nơi. Bàng càng có cơ hội thể hiện mình với các cô cậu học trò. Lá bàng như mời, như vẫy gọi, như khiêu khích cái khát vọng vươn lên mãnh liệt của tuổi trẻ mà những ngày tháng học trò mới là sự bắt đầu. Trong tán lá bàng xanh mơn mướt ấy sự sống và ước mơ ăm ắp trào dâng, chảy không vơi cạn.

Nào các bạn trẻ, hãy đồng hành với màu xanh hy vọng ấy đến tận cùng của ước mơ. Và ngày mai, trong bộn bề kí ức của tuổi học trò bạn sẽ thấy có thấp thoáng tán lá xanh bền bỉ của bàng. Thấy cuộc đời mình đẹp hơn khi mỗi ngày ta biết vươn mình lớn dậy, sống mãnh liệt và có ích như cây bàng tưởng như vô tri kia.

Ảnh minh họa [Nguồn internet]

Video liên quan

Chủ Đề