Biểu tượng văn học là gì

Trang chủ >> Bình luận >> Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa - nghệ thuật

Về tính hình tượng và tính biểu tượng trong tác phẩm văn hóa - nghệ thuật

- Tác phẩm nghệ thuật là đơn vị tồn tại của nghệ thuật, trong đó hình tượng nghệ thuật được coi như là "Tế bào của tác phẩm. Không có hình tượng nghệ thuật thì không có cơ sở để tạo nên nội dung và hình thức của tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên nghệ thuật chân chính không đòi hỏi các hình tượng nghệ thuật mô tả giống như thật vẻ bề ngoài của đối tượng, mà cần phải phản ánh đúng cái bản chất bên trong của nó. Trên thực tế không thể có hình tượng "chết đứng" như Từ Hải trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Song hình tượng nghệ thuật này được mọi người công nhận. Bởi lẽ nó nói lên được những khát vọng chân chính của con người, thể hiện được sức mạnh chân lý của cuộc sống. Đó là những hình tượng nghệ thuật đã đạt đến tính biểu tượng [ symbolic ]

Biểu tượng và hình tượng là hai mặt biểu hiện tồn tại trong cùng một tác phẩm - thuộc phạm trù nghệ thuật. Chúng có mối tương quan và gắn bó khá chặt chẽ với nhau trong quá trình hình thành nên tác phẩm nghệ thuật. Hai khái niệm này trong thực tế vẫn tồn tại và thường được dùng lẫn lộn với nhau, mặc dù bản chất của chúng là khác nhau. Về phương diện ngôn ngữ học thì biểu tượng [Symbol] [1] và hình tượng [image] không phải là những từ đồng nghĩa. Mặc dù chúng đều là những ký hiệu [sign] nằm trong một văn bản nghệ thuật.

Khái niệm hình tượng nghệ thuật, nói lên phương thức nhận thức và sáng tạo lại hiện thực theo cách riêng biệt, độc đáo và chỉ có ở nghệ thuật. Bất cứ một sự vật, hiện tượng khách quan nào có trong đời sống hiện thực, nếu được mô phỏng lại một cách sáng tạo trong tác phẩm nghệ thuật đều trở thành hình tượng nghệ thuật. Nhìn chung, hình tượng thường được hình thành trong mối quan hệ giữa thế giới hiện thực khách quan với nhận thức chủ quan của con người. Song, hình tượng không là bản sao chép máy móc theo đúng nguyên mẫu của thế giới hiện thực, bởi vì nó thuộc về thế giới của tinh thần thế giới của sự sáng tạo. Hình tượng không chỉ phản ánh hiện thực mà còn khái quát hóa, điển hình hóa toàn bộ thế giới hiện thực, nhằm tìm ra được những yếu tố cốt lõi nhất của hiện thực khách quan. Nhưng, hình tượng không giống với các khái niệm mang tính trừu tượng, mà nó mang tính biểu hiện hết sức sinh động và độc đáo để làm nên tác phẩm nghệ thuật.

Trước thế kỷ 19, phạm trù hình tượng chưa xuất hiện trong lý luận mỹ học ở Việt Nam. Lý luận về hình tượng nghệ thuật mới được tiếp nhận vào giữa thế kỷ 20, từ nguồn mỹ học Châu Âu, trước hết là của học thuật Xô Viết. So với các khái niệm tương đương của phương Tây thì khái niệm hình tượng [obraz] của mỹ học Xô viết còn rất đa nghĩa - vô số tính hình tượng còn thiếu sự phân hoá trong cách sử dụng. Xu hướng chung là thường nghiên cứu về tính điển hình trong hình tượng nghệ thuật và cho đó là đặc trưng duy nhất của nghệ thuật.

Ngược lại với học thuật Nga Xô viết, mỹ học Anh - Mỹ quan niệm: Thuật ngữ " image" [hình ảnh, hình tượng] có nghĩa hẹp và mang tính chuyên biệt [ví dụ không có "image" của thế giới và con người, chỉ có "image" của chi tiết sự vật, tình tiết mô tả, hoặc "image" như một ẩn dụ]. Toàn bộ các hàm nghĩa " hình tượng trong thuật ngữ Nga được thể hiện bằng một loạt thuật ngữ Anh - Mỹ : " Symbol" [mang nghĩa hình tượng nói chung, nhưng nhấn mạnh yếu tố ước lệ nghệ thuật]; "copy" [sao chụp, nói về tính giống như thực của hình tượng]; " fiction [hình tượng hư cấu]; " figure [hình ảnh, như là sự chuyển nghĩa tu từ]; " icon [hình hiệu, kí hiệu tạo hình mô tả v.v..." [ 2 ]

Lâu nay, giới nghiên cứu về nghệ thuật vẫn xem xét nghệ thuật dưới góc độ chung, góc độ triết học về cái đẹp, nghĩa là xem xét nó như là một hình thái ý thức xã hội và nhấn mạnh vào tính hình tượng xem đó là một trong những đặc trưng khu biệt của tác phẩm nghệ thuật.

Đặc trưng nghệ thuật của hình tượng được xác định không chỉ là nó phản ánh và giải thích thế giới thực tại mà còn là việc nó sáng tạo ra một thế giới mới - thế giới mang tính hư cấu. Ngoài bản chất nhận thức khách thể, hình tượng còn mang nhân tố sáng tạo chủ thể. Hình tượng nghệ thuật là hệ quả của trí tưởng tượng trong tư duy của người nghệ sỹ.

Như vậy, nghệ thuật nhận thức và tái hiện cuộc sống bằng hình tượng. Khác với những hình ảnh mơ hồ thuần tâm lý học, hình tượng nghệ thuật còn biến đổi sáng tạo nên chất liệu thực tại như màu sắc âm thanh, ngôn từ, hình ảnh v.v... tức là sự thể hiện một cách sinh động, cụ thể, cảm tính và mang tính nghệ thuật chứ không phải một cách trừu tượng bằng khái niệm như trong khoa học. Khoa học là tư duy bằng khái niệm, thì nghệ thuật tư duy hình tượng. Tính hình tượng trở thành đặc trưng cơ bản của nghệ thuật.

Hướng tiếp cận này xem nghệ thuật là một hoạt động nhận thức cuộc sống; một hình thái ý thức xã hội đặc thù, đề cao vai trò của lý luận phản ánh trong việc nghiên cứu nghệ thuật. Nó tập trung chú ý vào hình tượng trong nghệ thuật xem đó là biểu hiện then chốt, quan trọng, và là hình thức thể hiện đặc trưng của mọi loại hình nghệ thuật. Đây là hướng tiếp cận đúng đắn và có giá trị, trong thời gian qua đã đem lại những kết quả tốt đẹp và đương nhiên sẽ còn phát huy tác dụng tích cực trong nghiên cứu nghệ thuật từ nay về sau.

Tuy nhiên, không nên xem hướng tiếp cận này là duy nhất, mà cần bổ sung, hoàn thiện bằng những thành tựu của những cách tiếp cận khác của các nước phương tây hiện đại. Bởi lẽ, việc tuyệt đối hoá đặc trưng của hình tượng nghệ thuật và dừng lại ở đối tượng này, sẽ dẫn đến sự hiểu biết hời hợt và máy móc về tính hình tượng trong tác phẩm nghệ thuật. Từ đó sẽ tạo nên quan điểm hình thức về hình tượng, tạo thành khuynh hướng minh hoạ công thức, cứng nhắc trong nhận thức cũng như trong sáng tạo nghệ thuật trong thời gian qua. Thực ra hình tượng của nghệ thuật không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ [giá tri nghệ thuật] mà cần vươn tới giá trị văn hoá [giá trị nhân văn]. Quan niệm cổ điển luôn quan tâm đến thị hiếu thẩm mỹ và giá trị truyền thống trong quá trình sáng tạo nghệ thuật - tính tư tưởng trong nghệ thuật [văn học là nhân học - Gorki].

Dưới góc nhìn Văn hoá học thì nghệ thuật, trước hết là một hệ thống văn hoá, cũng giống như mọi hệ thống văn hoá khác, chẳng hạn hệ thống tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội, phong tục, nếp sống, ngôn ngữ, trò chơi, v.v... chúng là một trong những thành tố cốt lõi làm nên cơ cấu văn hoá tổng thể. Song, nghệ thuật không như những hệ thống văn hoá thông thường với chức năng của nó là thoả mãn những nhu cầu tinh thần của con người, mà nghệ thuật lại thuộc về hệ thống văn hoá được cấu thành bởi những đặc trưng riêng của nó - đặc trưng thẩm mỹ.

Nghệ thuật được xếp vào lĩnh vực văn hoá tinh thần, nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần của con người. Nó thuộc hình thái ý thức xã hội, song là một hình thái ý thức mang đặc trưng thẩm mỹ. Nói khác đi, nghệ thuật một mặt được xem là một hệ thống văn hoá như bao hệ thống khác với những đặc tính chung nhất, mà qua đó người ta có thể xác định được các giá trị - chuẩn mực xã hội. Mặt khác, nghệ thuật còn là một hệ thống văn hoá đặc biệt, nó tồn tại như một giá trị thẩm mỹ đặc trưng - sự biểu hiện tập trung, đầy đủ và sâu sắc nhất của quan hệ thẩm mỹ - một đặc trưng mà chỉ riêng nghệ thuật mới có.

Trong đời sống xã hội giá trị thẩm mỹ và giá trị văn hoá luôn thống nhất với nhau về nội dung và tư tưởng, cái đẹp trước hết phải là cái đúng và cái tốt [chân - thiện mỹ]. Vì lẽ đó, khi phản ánh các giá trị thẩm mỹ thì nghệ thuật vẫn luôn hàm chứa trong nó những giá trị văn hoá - giá trị nhân văn. Nghệ thuật tham gia vào các quan hệ thuộc lĩnh vực văn hoá dưới góc nhìn của quan hệ thẩm mỹ, đánh giá các hiện tượng đạo đức qua góc nhìn của giá trị thẩm mỹ. Điều đó có thể nói lên được vì sao trong các tác phẩm nghệ thuật, các hình tượng nhân vật tích cực thường được coi như biểu tượng của cái đẹp, và ngược lại các hình tượng nhân vật tiêu cực, thường được xem là biểu hiện của cái xấu, cái thấp hèn v.v....

Trong nghiên cứu nghệ thuật hiện đại đã có nhiều hướng tiếp cận khác nhau để nghiên cứu đối tượng như: Tâm lý học, Phân tâm học, Ngôn ngữ học, Văn hoá học, Ký hiệu học v.v...Song, hướng tiếp cận Văn hoá học và Ký hiệu học trong nghiên cứu nghệ thuật là được chú ý và quan tâm trong giới học thuật hơn cả.

Như trình bày ở trên, nghệ thuật được xem là một lĩnh vực văn hóa tinh thần và là một trong những thành tố cốt lõi làm nên cơ cấu văn hóa. Nói khác đi, trong lòng của một cơ cấu văn hoá đã bao hàm hệ thống nghệ thuật và các hệ thống văn hoá khác. Và, chúng đều có một đặc trưng chung nhất là tính biểu tượng [Symbolic]. Do vậy, ngoài đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật là tính hình tượng thì nó còn hàm chứa cả tính biểu tượng.

Có nhiều quan niệm về văn hoá, song nhìn về mặt nghĩa hẹp, nó được chỉ định là toàn thể những sản phẩm văn hóa tinh thần - mang tính biểu tượng, do một xã hội sản xuất. Và, để phân biệt được chúng với những sản phẩm khác trong đời sống xã hội, người ta đã gọi chúng là Tác phẩm văn hoá

Về hình thức biểu hiện, khi áp dụng cách phân loại theo Ký hiệu học đối với tác phẩm văn hoá thì đó là những sản phẩm văn hóa tinh thần [mang tính biểu tượng], do một xã hội đã phân tầng sản xuất bằng trong các phương tiện sau đây :

Ký hiệu - ngôn ngữ lời nói: diễn ngữ, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, hò vè, tri thức dân gian v.v... văn hoá truyền khẩu nói chung; ký hiệu - ngôn ngữ viết: văn chương, thi ca, ký, câu đối v.v....; ký hiệu - ngôn ngữ tạo hình: hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, nhiếp ảnh v.v...; ký hiệu - ngôn ngữ hình thể: múa, xiếc, cử chỉ trong giao tiếp, hành động lễ thức v.v...; ký hiệu - ngôn ngữ âm thanh: ca, hát, âm nhạc không lời; ký hiệu - ngôn ngữ tổng hợp: nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, rối, lễ hội, trò chơi v.v..

Theo quan niệm của H. Peretz [GS. Xã hội học, Pháp] khi nghiên cứu về các sản phẩm văn hoá tinh thần, ông cũng cho rằng:

Nói chung, những sản phẩm tinh thần này hiện ra dưới hình thức ngôn ngữ viết [văn chương, triết học]; tín hiệu đồ hoạ [nghệ thuật tạo hình, kiến trúc] hoặc hình ảnh [nhiếp ảnh, điện ảnh]; âm thanh [âm nhạc] v.v... Chúng là những sản phẩm tinh thần mang "tính biểu tượng", chừng mực, chúng tự phân biệt với các đồ vật khác bởi những giá trị [chuẩn mực, đạo đứuc, chính trị hoặc thẩm mỹ] mà chúng chuyên chở, những giá trị mà con người đã gán cho chúng [ 3 ]

Điểm quan trọng tạo thành đặc trưng chung nhất của tác phẩm văn hoá là nó sử dụng các hệ thống ký hiệu hàm nghĩa - biểu tượng, để nhằm đối thoại với thế giới tâm hồn của con người. Chúng trang bị cho con người những cảm xúc "đa nghĩa" nhất, những cốt lõi quy định diện mạo cụ thể của một văn hoá.

E. Cassirer, nhà triết học nổi tiếng người Đức, trong Triết học các hình thái biểu tượng đề nghị thay định nghĩa con người như một "động vật lý trí" bằng định nghĩa con người như một "động vật sản xuất ra các hình thái biểu tượng". Ông cho rằng:

"Tư duy và hành vi "biểu tượng hoá" là đặc trưng tiêu biểu nhất của đời sống nhân loại và toàn bộ văn hoá nhân loại phát triển đều dựa vào những điều kiện này.... chúng ta nên định nghĩa con người là động vật biểu trưng [Animal Symbolicum]... chỉ có như thế, chúng ta mới có thể vạch ra chỗ độc đáo của con người, cũng mới có thể lý giải được con đường mới khai phóng cho con người - con đường hướng về văn hoá" [4]

Quá trình "biểu tượng hoá"[symbolization] chính là quá trình nội nhập [introjection] văn hoá vào đời sống linh trưởng, điều đó nói lên tính chất cách mạng của quá trình tiến hoá của bộ não người. Sự "biểu tượng hoá" đã tạo nên một chiều kích [dimention] mới vào cuộc sống của người vượn, một khi mọi sự vật qua lăng kính nhận thức, đều có sự biến hoá và có sự tiếp nhận những "ý nghĩa" mới thông qua các hệ thống biểu tượng.


Dựa vào năng lực tượng trưng hoá" của con người và xem biểu tượng như là một hình thái biểu hiện ngôn ngữ đặc trưng của văn hoá. Toàn thư quốc tế về phát triển văn hoá [International thesaurus on cultural development] của UNESCO đã đưa ra định nghĩa văn hoá như sau :

"Văn hoá là tập hợp các hệ thống biểu tượng, nó quy định thế ứng xử của con người và làm cho một số đông người có thể giao tiếp với nhau, liên kết họ thành một cộng đồng riêng biệt" [ 5 ]

Trước đó C.Levy - Strauss cũng đưa ra một khái niệm tương tự như vậy. Ông viết :

"Mọi nền văn hoá đều có thể xem như một tập hợp các hệ thống biểu tượng, trong đó xếp hàng đầu là ngữ ngôn, các quy tắc hôn nhân, các quan hệ kinh tế, nghệ thuật, khoa học, tôn giáo [ 6 ]

Như vậy, sự tồn tại của văn hoá luôn được đặc định vào năng lực "tượng trưng hoá" của con người trong quá trình nhận thức và sáng tạo ra các biểu tượng. Bởi lẽ biểu tượng luôn hàm chứa trong nó những giá trị mà đằng sau mỗi giá trị thường ẩn dấu một nhu cầu nào đó của con người. Trong mọi nhu cầu của đời sống xã hội thì nhu cầu văn hoá là nhu cầu cao nhất - nhu cầu sản xuất và tiêu dùng các tác phẩm văn hoá [bao hàm cả tác phẩm nghệ thuật]. Sự đa dạng của các loại hình văn hoá, biểu hiện tính phong phú và tính nhiều vẻ của thế giới biểu tượng.

Tự điển Larousse cho rằng: "Biểu tượng là một dấu hiệu hình ảnh, bằng con vật sống động hay bằng đồ vật, nó biểu hiện một điều trừu tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó".

Trong Dịch thuyết cương lĩnh của Chu Hy, nhà triết học đời Tống cũng giải thích "Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia" tức là dùng cái "có thể hiểu biết" để nói lên cái điều "khó có thể hiểu biết", hay dùng cái cụ thể để nói cái trừu tượng, dùng cái tĩnh để nói cái động, dùng cái hữu hình để nói cái vô hình v.v....

Như trong đồ hình bát quái [8 quẻ] trong kinh Dịch là sự phô bày bằng hình ảnh cụ thể về một hiện trạng cuả thời gian. Đó là sự chuyển dịch của thời gian trong không gian. Mỗi quái là một tượng lớn, được cấu thành ở hai tượng nhỏ cơ bản. Một vạch liền [-] là tượng của nguyên lý Dương v.v..; một vạch đứt [- -] là tượng của nguyên lý Âm. Về mặt hàm nghĩa của ngôn ngữ tượng trưng còn cho phép đọc là: Vạch liền tượng của giống đực, ánh sáng, mặt trời, đàn ông, sự sống, hạnh phúc v.v... Vạch đứt là tượng của giống cái, bóng tối, mặt trăng, đàn bà, sự chết, đau khổ v.v... Biểu tượng luôn mở rộng sự liên tưởng để trí tuệ có thể truy tìm, khám phá ra những ý nghĩa còn chìm khuất trong chiều sâu nhận thức của con người

Qua sự phân tích trên đây ta thấy sự ra đời của biểu tượng gắn liền với sự thực hiện năng khiếu tinh thần đặc biệt chỉ có ở loài người - năng lực "biểu tượng hoá" và, biểu tượng được hiểu là một sự vật hiện tượng nào đó, nhờ thể hiện trong nó một nội dung cụ thể, cảm tính, mà hiện tượng này biểu hiện, trình ra những ý nghĩa, mang giá trị trừu tượng. Có thể nói biểu tượng chính là một dạng thức ký hiệu - ngôn ngữ văn hoá.

Ngành nghiên cứu mối quan hệ giữa vật làm biểu tượng với giá trị mà biểu tượng bao hàm cũng như đời sống của các ký hiệu được F. De Saussure gọi là "ký hiệu học" [Sémiology].

Charler Sanders Peirce; triết gia người Hoa Kỳ đã nhận định rằng : "Chỉ có thể nghiên cứu hoạt động tinh thần của con người bằng những "khách thể đối ứng" ở bên ngoài. Những khách thể đối ứng này mang tính chất thay thế, đại diện cho hoạt động tư duy cho nên mang tính chất ký hiệu [ 7 ]

Vận dụng tiếp cận ký hiệu học trong nghiên cứu văn hoá, Iu. M. Lốtman, B.A. Uxpenxki, những nhà nhân học xem văn hoá như một cơ chế ký hiệu học hoàn chỉnh, và nhìn xuyên suốt trong "văn hoá tinh thần" có một thừa số chung là tư duy bằng ngôn ngữ - ký hiệu, mặc dù nó được biểu hiện bằng nhiều sắc thái, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo nhận định của Iu. M. Lốtman và B.A Uxpenxki thì: "Một trong những biểu hiện chủ yếu của văn hoá là mối liên hệ của nó với "ký hiệu" và "tính ký hiệu" chính bản thân văn hoá đã thiết lập nên một kiểu ký hiệu vốn có ở mình và ở mức độ nhất định đã chế định sự thống nhất bên trong của nó [ 8 ]

Một trong những đóng góp quan trọng cho lý thuyết ngôn ngữ học và ký hiệu học, đồng thời còn làm chỗ dựa cho phương pháp ký hiệu học của R. Barthes chính là công trình của Louis Trolle Hjelmslev.

Tiếp thu quan niệm của F. De. Saussure về ký hiệu - [ngôn ngữ], ông cũng khẳng định rằng , mỗi ký hiệu là hiện tượng được nẩy sinh bằng mối quan hệ giữa "sự biểu đạt"còn gọi là cái biểu đạt [CBĐ] như các sự kiện, hiện tượng, các cái dùng để biểu thị [một đồ vật, hay một hình ảnh v.v....] và "nội dung được biểu đạt" còn gọi là cái được biểu đạt [CĐBĐ]. Đó là những giá trị, chuẩn mực, ý nghĩa v.v... Nói khái quát, mỗi ký hiệu là bao gồm ba yếu tố :

Điều đóng góp quan trọng nhất của L. Hjelmslev là có sự phân biệt giữa"Ký hiệu học biểu thị" với "Ký hiệu học hàm nghĩa"

Hệ thống ký hiệu thông thường là hệ thống ký hiệu biểu thị. Còn hệ thống ký hiệu hàm nghĩa là một hệ thống ký hiệu mà bình diện biểu đạt [hình thức] của nó cũng là một hệ thống ký hiệu biểu thị.

R. Barthess đã tiếp thu khái niệm Ký hiệu học biểu thị và Ký hiệu học hàm nghĩa của Hjelmslev vào hệ thống Ký hiệu học của mình. Có thể tóm tắt sơ đồ "siêu ký hiệu" của R. Barthes như sau :

Một là, hệ thống "Ký hiệu học biểu thị" [A] [ ký hiệu - thông thường ]

Hai là hệ thống "Ký hiệu học hàm nghĩa" [B] [Biểu tượng Siêu ký hiệu ].

Hai hệ thống ký hiệu này lồng ghép với nhau tạo thành "hệ thống trong hệ thống" - hệ thống biểu tượng. Chúng được biểu hiện theo sơ đồ sau đây:



Sơ đồ trên đây đã thể hiện rõ là: trong hệ thống [B] ở bình diện "cái biểu đạt" [CBĐ] - hình thức của hệ thống [B] đã là hệ thống ký hiệu học biểu thị [A]. Còn ở bình diện "cái được biểu đạt" [CĐBĐ] - nội dung của hệ thống [B] lại là một hệ thống ký hiệu nghĩa hàm nghĩa [ẩn dụ].

Cả hai hệ thống [A] và [B] trở thành hệ thống"kép" tạo thành thế giới "siêu ký hiệu" - Thế giới biểu tượng [Symbols].

Để dễ dàng hiểu được sơ đồ cú pháp "Ký hiệu học hàm nghĩa" của R. Barthes trong quá trình tiếp cận Ký hiệu học nghiên cứu biểu tượng, ta có thể chuyển đổi sơ đồ mẫu trên đây trở thành sơ đồ giải thích như sau:


[A] Hệ thống Ký hiệu học biểu thị [ký hiệu biểu thị] bao gồm hai mặt: Hình ảnh, hình tượng biểu thị và ý nghĩa biểu đạt chúng tạo thànhh một ký hiệu thông thường [đơn nghĩa].

[B] Ký hiệu học hàm nghĩa [ký hiệu hàm nghĩa] bao hàm hai mặt: Ký hiệu biểu thị - hiển ngôn, và ký hiệu ẩn dụ - mật ngôn. Chúng tạo nên thế giới của "siêu ký hiệu " - thế giới biểu tượng [đa nghĩa].

Như vậy, biểu tượng luôn có hai mặt:"Cái tượng trưng" và "cái được tượng trưng". Hai mặt này được kết hợp theo tư duy liên tưởng và theo một quan hệ mang tính ước lệ. Sanders peirce cho rằng:"Một biểu tượng là một ký hiệu tuỳ thuộc vào đối tượng mà nó biểu hiện do một luật lệ, thường là một sự liên tưởng chung làm cho biểu tượng được xem như tuỳ thuộc vào đối tượng ấy"




- Bằng hướng tiếp cận Ký hiệu học nghiên cứu biểu tượng cùng với sự phân tích hệ thống "ký hiệu của R. Barthes trên đây, ta nhận thấy biểu tượng bao giờ cũng là hệ thống "siêu ký hiệu. Đó là những ký hiệu với hai mặt biểu hiện: "cái biểu đạt" [CBĐ] là hình thức hàm nghĩa và "cái được biểu đạt" [CĐBĐ] là nội dung hàm nghĩa. Song, ở bình diện "cái biểu đạt" lại là một "ký hiệu biểu thị". Như vậy, toàn bộ tổ hợp này: hệ thống [A] và hệ thống [B] kết hợp lại thành hệ thống kép, tức là "hệ thống trong hệ thống". Từ đó hình thành nên một "siêu hệ thống" - hệ thống biểu tượng. Trong lòng hệ thống biểu tượng gồm có: phần "hiển ngôn"và"mật ngôn" đã tạo nên hệ thống "ý nghĩa của ý nghĩa". Thế giới biểu tượng là thế giới của ý nghĩa.

Ta có thể hình dung bằng lược đồ đơn giản sau đây :

- [a]: Thế giới hình tượng; [a]: Ký hiệu - biểu thị.

- [b]: Thế giới ý niệm; [b]: Ký hiệu - ẩn dụ.

Dưới góc độ nghệ thuật thì biểu tượng được xem là một dạng chuyển nghĩa trong ngôn từ nghệ thuật và là một phạm trù thẩm mỹ. Nó được xác lập bởi hai yếu tố cơ bản: Một bên là "hình tượng nghệ thuật"[ ký hiệu biểu thị ], một bên thuộc về "nghĩa bóng" [ký hiệu ẩn dụ].

Biểu tượng là hình tượng được hiểu ở bình diện ký hiệu và phải là một ký hiệu hàm nghĩa [đa nghĩa]. Như vậy mọi biểu tượng trước hết phải là hình tượng [ký hiệu biểu thị], và mọi hình tượng đều có thể trở thành biểu tượng [ký hiệu hàm nghĩa]. Phạm trù biểu tượng nhằm chỉ cái phần mà hình tượng vượt khỏi chính bản thân nó [ký hiệu hiển ngôn] và luôn hàm chứa những ý nghĩa mang giá trị trừu tượng [ký hiệu mật ngôn]. Biểu tượng tuy có sự tương tác với hình tượng nhưng không đồng nhất hoàn toàn với hình tượng và không phải mọi hình tượng đều trở thành biểu tượng. Có thể nói hình tượng là một "ký hiệu thông thường còn biểu tượng lại là một loại "siêu ký hiệu. Nhìn chung, hình tượng và nghĩa hàm [đa nghĩa] là hai cực không tách rời nhau của một biểu tượng. Bởi lẽ, tách khỏi hình tượng thì ý nghĩa sẽ mất tính biểu hiện, mà tách khỏi ý nghĩa thì hình tượng sẽ bị phân rã trở thành hình tượng thông thường [image] không còn là biểu tượng [symbol].

Do vậy, một hình tượng nghệ thuật [ký hiệu nghệ thuật] nào đó chỉ dừng lại ở tính "đơn nghĩa", chưa có sự "hàm nghĩa" để trở thành một biểu tượng [ký hiệu văn hoá], thì đó chỉ là một hình tượng đơn thuần nghèo nàn về nội dung, kém về tính thẩm mỹ. Nó khó có thể gây xúc động trong lòng người cảm thụ và sẽ mai một, không tồn tại lâu dài mãi với thời gian. Ví dụ: Hai hình tượng Chí Phèo và Thị Nở [image] trong tác phẩm của Nam Cao nếu thiếu bát cháo hành [symbol] thì tác phẩm sẽ thiếu đi mất tính văn hóa tính biểu tượng [ giá trị nhân văn ], mà chỉ còn lại tính nghệ thuật thuần túy tính hình tượng [ giá trị nghệ thuật ]. Hai nhân vật nói trên là hai hình tượng điển hình của tác phẩm, mang tính chất đơn nghĩa.

Nhưng biểu tượng được bộc lộ chính là ở đặc tính phân ly và liên kết giữa chúng. Khi có sự hội nhập vào biểu tượng thì hình tượng trở nên lung linh và trong suốt, ý nghĩa sẽ xuyên thấm qua nó trở thành nghĩa hàm, có chiều sâu và có giá trị. Nghĩa của biểu tượng là cái không thể nhận thấy gián tiếp theo kiểu tư duy logich, và nắm bắt được nó bằng nỗ lực của lý trí. Mà cần có sự thâm nhập trực tiếp, để có thể "giải mã" bằng quá trình liên tưởng và bằng kinh nghiệm bản thân của người cảm thụ. Đó cũng là chỗ khác biệt căn bản của biểu tượng so với hình tượng. Biểu tượng khác với hình tượng, bởi hình tượng chỉ mang tính "đơn nghĩa", nó chỉ đại diện cho một đối tượng cụ thể, duy nhất, không thể nào khác được. Tính đa nghĩa sẽ có hại cho hoạt động chức năng của hình tượng nghệ thuật [ký hiệu biểu thị]. Ngược lại với hình tượng, biểu tượng luôn mang tính "đa nghĩa" và nó bao hàm rộng hơn cái ý nghĩa mà người ta gán cho nó. Điều đó không thể có được ở các dạng thức ký hiệu biểu thị. Bởi lẽ ở mỗi biểu tượng có một sức vang vọng cốt yếu và tự sinh. Cái dư âm đó thúc dục ta liên tưởng tiếp theo để tìm ra chuỗi ý nghĩa mới. Biểu tượng thực sự có tính cách tân. Nó không dừng lại ở chỗ tạo nên những dư âm vang vọng đơn thuần [sức liên tưởng] mà nó còn thúc đẩy sự biến đổi về chiều sâu của ý nghĩa. Thực chất của biểu tượng sẽ mất đi hoàn toàn nếu như khép lại sự bất tận về tính "đa nghĩa" của nó bằng sự giải thích theo lối "đơn nghĩa". Tức là bằng sự giải thích cuối cùng cho một đối tượng.

C.G. Jung cho rằng: "Biểu tượng không phải là một phúng dụ, cũng chẳng phải là một ký hiệu đơn giản, mà đúng hơn là một hình ảnh thích hợp để chỉ ra đúng hơn cả cái bản chất, ta mơ hồ, nghi hoặc của tâm linh [ 11 ]

Henry Corbin cũng nhận định về biểu tượng như sau : "Biểu tượng báo hiệu một bình diện ý thức khác với cái hiển nhiên lý tính; nó là "mật mã" của một bí ẩn, là cách duy nhất để nói ra được cái không thể nắm bắt bằng cách nào khác, nó không bao giờ có thể cắt nghĩa được một lần là xong mà cứ phải "giải mã" lại mãi, cũng giống như một bản nhạc không bao giờ chơi một lần là xong, mà đòi hỏi mỗi lần biểu diễn đều phải phát hiện ra cái mới [ 12 ]

Tóm lại, sự thống nhất giữa hai bình diện của một tác phẩm nghệ thuật - hình tượng nghệ thuật và nghĩa hàm của nó - có thể hoặc là đương nhiên, sẽ dẫn đến sự hình thành biểu tượng [hoặc là ẩn kín, hoặc là bộc lộ]. Ở mức giới hạn của quá trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi yếu tố của hệ thống nghệ thuật như: ẩn dụ, phúng dụ, tỉ dụ, dụ ngôn, ngụ ngôn, các chi tiết nghệ thuật, hình tượng nhân vật, ngôn từ, v.v... đều có thể trở thành biểu tượng. Song, quá trình "biểu tượng hoá" có thực hiện được hay không là còn tuỳ thuộc vào các điều kiện sau:

- Độ đậm đặc mang tính khái quát cao trong tác phẩm nghệ thuật.

- Ý đồ của tác giả có muốn hướng tới sự "biểu tượng hoá" trong tác phẩm hay không.

- Văn cảnh tác phẩm, khi nghĩa hàm của các hình tượng tự bộc lộ, không theo ý định của tác giả [điều này còn bị quy định bởi lôgíc tâm lý của tuyến nhân vật và sự phát triển về mặt tình huống trong tác phẩm].

- Văn cảnh văn học - nghệ thuật được quy định bởi thời đại và văn hoá [tính lịch sử và tính nghệ thuật trong tác phẩm].

Ví dụ : Hình tượng nàng Mona Lisa với "nụ cười muôn thuở" trong bức tranh La Joconde của Léonard de Vinci đã trở thành "biểu tượng" độc đáo trong hàng vạn hình tượng người đàn bà khác có trong nghệ thuật hội hoạ.

Có thể nói biểu tượng là một hình ảnh tượng trưng mang tính chất thông điệp được sử dụng trong tác phẩm nghệ thuật nhằm chỉ ra một ý nghĩa nào đó, theo một quan hệ ước lệ giữa sự vật trong thông điệp và sự vật ngoài nó.

Biểu tượng có hai mặt: "cái biểu đạt" và "cái được biểu đạt". Hai mặt này được kết hợp theo sự liên tưởng và theo một quan hệ ước lệ nào đó.

- Biểu tượng bao giờ cũng có:

+ Tính chất biểu hiện một cái gì bằng sự vật có hình ảnh.

+ Đại diện cho một cái gì đó, nhằm gợi lên một cái gì theo liên tưởng.

+ Tính ước lệ.

+ Mã [ký hiệu]

+ Biểu hiện những giá trị mang tính nhân văn.

Về mặt chức năng, biểu tượng còn mang tính thay thế [vật môi giới]. Biểu tượng không những thay thế cho các đối tượng hiện thực, mà còn thay thế tất cả các quá trình, cả hình tượng, ý niệm của con người. Chức năng thay thế là một trong những đặc điểm của biểu tượng. Bên cạnh đó, nó còn có những thuộc tính và chức năng khác như: chức năng giáo dục, liên kết, dự báo, giao tiếp, thông tin v.v...

Quá trình thay thế trong lĩnh vực nghệ thuật thường diễn ra một cách ước lệ và ẩn dụ, để nói lên một giá trị, một tư tưởng nào đó của con người Cũng như hình tượng nghệ thuật biểu tượng cũng mang tính khái quát cao về các hiện tượng của đời sống. Điều đó đã dẫn đến sự gần gũi với hình tượng nghệ thuật. Xét bên ngoài hình tượng và biểu tượng ít có sự khác biệt. Nhưng chúng có một ranh giới hết sức quan trọng. Một bên là sự "điển hình hoá" còn một bên là "tượng trưng hoá".

Ngoài ra, một nét khác biệt quan trọng không kém giữa biểu tượng văn hóa [ký hiệu hàm nghĩa] với hình tượng nghệ thuật [ký hiệu biểu thị] thì biểu tượng văn hóa bao giờ cũng có tính chất ước lệ mang tính biến động, trong khi hình tượng nghệ thuật mang tính đại diện với tính ổn định của nó.

Khi xác định sự khác biệt về mối liên hệ giữa hình tượng nghệ thuật và biểu tượng văn hóa trong tác phẩm, cần nhấn mạnh bản chất hai mặt của biểu tượng. Một mặt nó vẫn giữ mối liên hệ với việc thể hiện tính hiện thực [tính hình tượng]; mặt khác là nó mang tính tượng trưng [tính biểu tượng] biểu đạt về một giá trị, mang tính trừu tượng, phi hiện thực, khó cảm nhận được. Hai quá trình này luôn mâu thuẫn và thống nhất với nhau. Tính hai mặt của biểu tượng đã nói lên vai trò của tượng trưng trong nghệ thuật. Biểu tượng có thể đưa người đọc, người xem vào lĩnh vực "phi lý" đồng thời lại là phương tiện để khái quát về một giá trị, một ý nghĩa nào đó của hiện thực. Điều đó nói lên biểu tượng khi thì tách xa, khi thì xích lại gần với hình tượng nghệ thuật, nhiều khi nó lại có những nét và những thuộc tính của hình tượng nghệ thuật. Và, nếu lập đi lập lại nhiều lần, hình tượng nghệ thuật sẽ trở thành biểu tượng.

Biểu tượng không chỉ biểu thị một sự việc, nó đã hoàn thành, mà còn biểu thị cái đang phát triển. Nó không chỉ biểu thị mặt bảo thủ, mà còn biểu thị mặt năng động của cuộc sống.

Ví dụ: "ngọn đuốc" tượng trưng cho sự khai sáng, tiến bộ; "cờ đỏ" tượng trưng cho cách mạng. Trong các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và nổi tiếng, chúng ta thường hay gặp những biểu tượng biểu thị cho sự tiến bộ, phản kháng sự lạc hậu hoặc mang ý nghĩa khẳng định công lý và chủ nghĩa nhân đạo. Trong nó tập trung những tình cảm và ước vọng cao cả.

Do đó, một đặc điểm cực kỳ quan trọng của biểu tượng là cơ cấu "cảm xúc" của nó. Bất kỳ một biểu tượng nào cũng đều mang trong cấu trúc của nó một hệ số cảm xúc nhất định.Giữa quan hệ với thực tế thể hiện trong hình tượng nghệ thuật và cảm xúc được ghi nhận trong biểu tượng có sự khác biệt, đương nhiên đối với người cảm thụ nghệ thuật. Trong hình tượng nghệ thuật, tổng hợp cảm xúc chủ yếu của tác phẩm hoà vào sự miêu tả thực tế và sự thể hiện cụ thể cảm tính. Còn cơ cấu cảm xúc của biểu tượng nói lên khát vọng, mong muốn vươn tới giá trị - chân lý của con người. Mặc dù cơ cấu cảm xúc của biểu tượng và quan hệ thực tế thể hiện trong hình tượng nghệ thuật khác nhau, nhưng lại đưa biểu tượng và hình tượng xích lại gần nhau. Do đó những tác phẩm hay và có giá trị luôn luôn có sự trùng khớp giữa hình tượng nghệ thuật với biểu tượng. Và, chúng tạo nên những xúc cảm mạnh mẽ đến người cảm thụ. Đó là những tác phẩm luôn luôn sống mãi và trở thành bất tử với thời gian.

Việc nghiên cứu nghệ thuật theo hướng tiếp cận Văn hoá học [tiếp cận liên ngành] và Ký hiệu học, tuy trải qua thời gian chưa lâu nhưng đã đạt được những kết quả rất có ý nghĩa và có sức thuyết phục. Đặc điểm của nó là tôn trọng nguyên tắc khách quan và khoa học.

Nhìn chung, cả hai hướng tiếp cận theo xu hướng Triết học [mỹ học] và hướng Văn hoá học [tiếp cận liên ngành có vận dụng ký hiệu học] đều cần thiết trong quá trình nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật. Đứng về lợi ích lâu dài, trên con đường tìm ra được quy luật và phương pháp sáng tác được những "tác phẩm" hay và có giá trị , thì hai hướng tiếp cận nêu trên đều có hạt nhân hợp lý và có triển vọng.

Mặc dù phương pháp nghiên cứu khác nhau, nhưng chúng có đối tượng chung là "giá trị nghệ thuật". Sự nhận định về hình tượng nghệ thuật và biểu tượng văn hoá là hai biểu hiện tồn tại trong cùng một tác phẩm nghệ thuật là một hướng mở, để có thể giúp ta nhìn thấy được "bản chất" về giá trịcủa một tác phẩm nghệ thuật. Nó bao gồm hai mặt, nếu hình tượng nghệ thuật tạo nên giá trị thẩm mỹ [giá trị nghệ thuật ] thì biểu tượng văn hóa mang lại cho tác phẩm "giá trị nhân văn" [ giá trị văn hoá ].

Mỗi chuyên ngành khoa học và từng phương pháp tiếp cận đều có thể đi chuyên sâu vào quá trình tìm hiểu nghệ thuật. Nhưng việc phát hiện toàn diện và mang tính khoa học về bản chất của hình tượng và biểu tượng trong tác phẩm văn hóa - nghệ thuật - một lĩnh vực khá phức tạp, còn đòi hỏi có nhiều công trình nghiên cứu tiếp theo với sự hợp lực của các khoa học liên ngành.



Mục lục tài liệu tham khảo

1. Symbol : Biểu tượng [Ký hiệu học] tượng trưng, biểu hiện vật dùng để nêu ra cụ thể hoá một ý nghĩa trừu tượng nào đó, ví dụ "Sư tử" : biểu tượng cho sức mạnh vật chất. "Bồ câu": biểu tượng của hoà bình. Khác với Représentation : Biểu tượng [tâm lý học, triết học]. Hình ảnh trực quan, cảm tính, khái quát về sự vật hiện tượng của hiện thực khách quan, được giữ lại và tái tạo lại trong ý thức và không có sự tác động trực tiếp của bản thân các sự vật và các hiện tượng giác quan và trở thành dấu hiệu ký ức [khách thể vắng mặt]

2. Trích dẫn từ 150 thuật ngữ của Lại Nguyên Ân [biên dịch] Nxb. Đại học Quốc gia - Hà Nội 1999 trang 144

3. Trích từ "Xã hội học văn hoá" của H. Peretz tài liệu dịch của Ban chủ nhiệm chương trình KX.06

4. Dẫn theo sách "Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây hiện đại" của Phương Nxb. Giáo dục, 1999, trang 148.

5. Trích dẫn từ sách "Mấy vấn đề văn hoá và phát triển Việt Nam hiện nay" Bộ VHTT - TT - xuất bản Hà Nội, 1992 trang 164.

6. Trích dẫn theo sách "Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới" Nxb. Đà Nẵng, trường viết văn Nguyễn Du 1997 trang XXIII

7. Trích dẫn từ sách "Mười trường phái lý luận phê bình văn học phương Tây đương đại" tác giả : Phương Lựu Nxb. Giáo dục - Hà Nội 1999 trang 139

. 8. Trích dẫn từ "Một cách tiếp cận văn hoá trong Triết học Mác xít" [Luận án Tiến sỹ khoa học Triết học] - Nguyễn Huy Hoàng trang 36.

9. Trích dẫn từ sách "ngôn ngữ học" khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm" tập 2 Nxb. KHXH, Hà Nội 1986 trang 76

10.Trích dẫn từ sách "ngôn ngữ học" khuynh hướng - lĩnh vực - khái niệm" tập 2 Nxb. KHXH, Hà Nội 1986 trang 78

11. Dẫn theo sách "Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới" Jean Cheralier Alain Greerbrant. Nxb. Đà Nẵng trường viết văn Nguyễn Du 1997 trang XVIII - XXIV.

12. Dẫn theo sách "Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới" Jean Cheralier Alain Greerbrant. Nxb. Đà Nẵng trường viết văn Nguyễn Du 1997 trang XVIII - XXIV.



Bài: TS. Nguyễn Văn Hậu

Bài viết khác :

  • Kỹ thuật trồng cây sung

  • Thực vật thủy sinh vì sao không thối rữa

  • Kỹ thuật giâm cành cây thân gỗ

  • Những chuẩn bị căn bản khi thiết lập hồ thủy sinh

Ý kiến của bạn :

Video liên quan

Chủ Đề