Cách nêm muối iốt

Thiếu vi chất iốt kéo dài sẽ tích lũy nhiều nguy cơ tiềm ẩn, gây nên những rối loạn nội tiết không thể lường trước được. Diễn biến của bệnh âm thầm, dần dần bào mòn sự phát triển trí tuệ và sự tăng trưởng bất thường của con người,

trong đó đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và phụ nữ [nhất là phụ nữ có thai]. Điều đáng lo ngại là những rối loạn nội tiết và tổn thương do thiếu iốt đã gây ra không thể nào chữa được. Do đó, chúng ta cần phải ăn muối iốt để bổ sung lượng iốt thiếu hụt trong thức ăn hàng ngày.

Ảnh: alobacsi.com

Muối iốt là muối thường được trộn iốt theo một hàm lượng cho phép. Trước kia, muối iốt được trộn thủ công bằng tay, nay được trộn bằng máy nên MUốI IốT ngày càng đảm bảo về chất lượng vệ sinh và hàm lượng iốt tiêu chuẩn. Hiện nay, muối iốt đảm bảo chất lượng được qui định tại nơi sản suất là 40 ± 5 mcg/10g muối iốt.

Muối iốt không làm thay đổi mùi vị thức ăn mà hoàn toàn như muối thường, được dùng để cho vào thức ăn và làm cho thức ăn trở nên ngon hơn. Lượng iốt được trộn vào muối an toàn cho tất cả mọi người, kể cả người thiếu và không thiếu iốt, kể cả người bệnh bướu giáp đơn thuần hay cường giáp.

Cách lựa chọn mua muối iốt

Để tránh không mua phải muối giả, không đủ tiêu chuẩn phòng bệnh. Người sử dụng muối cần nắm rõ các lưu ý khi mua muối iốt:

· Bao muối đề ngoài là muối i-ốt.

· Có hàm lượng i-ốt cụ thể.

· Có bao bì nguyên vẹn, muối phải khô, sạch, không lẫn những tạp chất bẩn.

· Có nhãn mác nơi sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng.

· Có đăng ký chất lượng rõ ràng.

Cách bảo quản và sử dụng

Bảo quản

· Để trong lọ có nắp đậy kín hoặc túi nilon buộc kín.

· Để lọ, túi đựng muối iốt xa bếp, tránh ánh sáng, tránh nguồn nhiệt.

· Dùng xong mỗi lần rửa lọ sạch, phơi khô rồi lại dùng tiếp đợt khác.

Sử dụng đúng

· Dùng như muối thường trong mọi hình thức nấu ăn chế biến cả khi muối dưa, muối cà, làm mắm, làm gia vị

· Dùng thường xuyên, liên tục ngay cả những vùng, khu vực khi đã thanh toán được các tình trạng rối loạn iốt.

Khuyến cáo

Các loại thức ăn có nhiều iốt là thủy hải sản như cá, tôm, cua, ốc, tảo; rau, trái cây có màu sậm, phủ tạng động vật, sữa Tuy nhiên, nguồn thức ăn tự nhiên có chứa iốt ngày càng giảm hàm lượng đi do chất lượng thực phẩm kém, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, xói mòn làm giảm đi rất nhiều lượng iốt có trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, các bà nội trợ, các bà mẹ, các đầu bếp nấu ăn, các nhà chế biến thực phẩm cần phải sử dụng muối iốt trong chế biến nấu ăn hàng ngày.

Việc nâng cao ý thức sử dụng muối iốt trong cộng đồng hiện tại cần được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc tuyên truyền về tác hại của thiếu muối iốt tới các bà mẹ, các bà nội trợ, các bậc phụ huynh cũng như các em học sinh trong trường học, các tầng lớp nhân dân, về tầm quan trọng của việc sử dụng muối iốt trong các bữa ăn hàng ngày tại gia đình hoặc trường học hay những nơi công cộng. Phòng, chống các rối loạn do thiếu hụt iốt thông qua việc sử dụng thường xuyên muối iốt và chế phẩm có iốt đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe toàn dân nhất là bà mẹ và trẻ em nhằm đạt được mục tiêu phát triển sức khỏe của Việt Nam.

Những nguy cơ bệnh tật do thiếu hụt iốt

Trong cơ thể, iốt rất cần cho hoạt động của tuyến giáp, là nguyên liệu chính trong việc sản xuất hormon tuyến giáp. Hormon tuyến giáp có vai trò điều hòa nhiều chức năng của cơ thể như: giúp cơ thể phát triển, tham gia hoạt động của một số men; làm tăng co bóp cơ tim và tăng lưu lượng tim, tác động trực tiếp đến tần số của tim và mức tiêu thụ ôxy của cơ tim; tác động đến sự sản sinh hồng cầu; quá trình sinh sản các tế bào; làm tăng khả năng lọc của thận; điều hòa nhiệt độ cơ thể; ảnh hưởng đến sự co cơ; kích thích tổng hợp và phân giải chất mỡ; tăng chuyển hóa chất đường; tăng tổng hợp protein khi nồng độ bình thường và phá hủy protein ở nồng độ cao; ảnh hưởng đến chuyển hóa sắt, và phần lớn các chuyển hóa lớn khác trong cơ thể.

Thiếu iốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu iốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác.

Thiếu iốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng... Bệnh cảnh chính do thiếu iốt là gây ra bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, mệt mỏi

Với nhiều vai trò quan trọng như thế nên khi thiếu iốt cơ thể sẽ phát sinh nhiều bệnh tật và các rối loạn chuyển hóa liên quan đến thiếu iốt.

Hưởng ứng ngày toàn dân sử dụng muối iốt 02/11, ngành Y tế kêu gọi mọi gia đình, mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em hãy tích cực sử dụng muối iốt trong bữa ăn hàng ngày để không bị mắc các bệnh rối loạn do thiếu iốt gây ra.

Video liên quan

Chủ Đề