Cách tính trợ cấp thôi việc cho công chức

Trợ cấp thất nghiệp là một trong những khoản trợ cấp quan trọng được sử dụng hỗ trợ người lao động mất việc và không có nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên, đối với công chức có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không khi nghỉ việc khiến nhiều người lao động thắc mắc.

Công chức khi nghỉ việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1. Những đối tượng nào là công chức?

Căn cứ theo Luật số 52/2019/QH14 ban hành ngày 25/11/2019 sửa đổi bổ sung một số điều của Luật công chức và Luật viên chức thì công chức được hiểu như sau:

2. Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan phục vụ theo chế độ chuyên nghiệp, công nhân công an, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước..

[Theo Khoản 2, Điều 1, Luật số: 52/2019/QH14 sửa đổi Điều 2, Khoản 4, Luật cán bộ, công chức]

Như vậy, công chức là người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước, đơn vị quân đội. Công chức trong biên chế được hưởng lương từ ngân sách nhà nước và có các chính sách đãi ngộ riêng theo Luật cán bộ, công chức.

2. Công chức có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không khi nghỉ việc

Trợ cấp thất nghiệp là một trong những chế độ đặc biệt dành cho người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc và đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp [BHTN] theo quy định của Pháp luật. Khi được hưởng chế độ BHTN người lao động sẽ được hưởng các chế độ như: trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm.

Trợ cấp thất nghiệp là chế độ đặc biệt dành cho người lao động theo quy định.

Công chức không nằm trong đối tượng tham gia BHTN và không được hưởng trợ cấp khi nghỉ việc.

Căn cứ theo Điều 43, Luật Việc làm năm 2013, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc có hoặc không xác định thời hạn là đối tượng bắt buộc tham gia BHTN.

Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp

1. Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:

a] Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

b] Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

c] Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động quy định tại khoản 1 Điều này.

[Điều 43, Luật Việc làm năm 2013]

Đối chiếu với quy định về công chức theo Luật cán bộ, công chức thì công chức không thuộc đối tượng tham gia BHTN. Theo đó, công chức khi nghỉ việc sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.

3. Nghỉ việc công chức được hưởng những quyền lợi gì?

Công chức tuy không được hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng khi thôi việc công chức sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc và chế độ BHXH theo quy định của pháp luật quy định tại Điều 8, Nghị định 46/2010/NĐ-CP quy định về thôi việc và thủ tục nghỉ hưu đối với công chức của Chính phủ. Cụ thể các quyền lợi của công chức khi nghỉ việc như sau:

3.1. Mức hưởng trợ cấp thôi việc

Mức hưởng trợ cấp thôi việc của công chức được quy định cụ thể tại Điều 5, Nghị định 46/2010/NĐ-CP như sau:

  • Mỗi năm làm việc được tính bằng 1/2 tháng lương hiện hưởng gồm: mức lương theo ngạch, bậc, phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp thâm niên nghề; hệ số chênh lệch bảo lưu lương [nếu có].

  • Mức trợ cấp thôi việc thấp nhất bằng 01 tháng lương hiện hưởng.

Mức hưởng trợ cấp thôi việc của Công chức theo quy định.

Điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc:

Công chức được hưởng chế độ thôi việc thì phải thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 59, Luật Cán bộ, công chức năm 2008. Cụ thể:

- Do sắp xếp tổ chức;

- Theo nguyện vọng và được cấp có thẩm quyền đồng ý;

- Công chức thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 3, Điều 58, Luật cán bộ, công chức [sửa đổi bổ sung bởi Khoản 12, Điều 1, Luật số 52/2019/QH14] gồm các trường hợp:

  • Thôi việc do công chức có 02 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ do cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền quyết định;

  • Thôi việc do giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý mà có 02 năm không liên tiếp trong thời hạn bổ nhiệm được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;

  • Thôi việc do không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý nhưng trong 03 năm có 02 năm không liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ ở vị trí việc làm đang đảm nhận.

Trường hợp công chức đã được đào tạo, bồi dưỡng nhưng tự ý bỏ việc khi chưa được cơ quan, tổ chức, đơn vị đồng ý thì không được hưởng trợ cấp thôi việc mà còn phải bồi thường chi phí đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật [theo Khoản 4, Điều 49, Luật Cán bộ, công chức 2008].

3.2 Mức hưởng BHXH một lần

Mức hưởng BHXH 1 lần đối với công chức được tính như đối với người lao động bình thường theo quy định của Pháp luật về Bảo hiểm xã hội. Mức hưởng được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

  • Tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước 2014;

  • Tính bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Trường hợp công chức nếu chưa đủ 01 năm đóng BHXH thì hưởng bằng số tiền đã đóng; tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Điều kiện hưởng BHXH 1 lần theo quy định tại Điều 60, Luật BHXH năm 2014. Cụ thể khi công chức nếu có yêu cầu và đáp ứng các điều kiện sau thì được hưởng BHXH một lần:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc là nữ công chức cấp xã tham gia BHXH chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;

  • Ra nước ngoài để định cư;

  • Đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS

Xem thêm >>Hưởng bảo hiểm xã hội một lần bao nhiêu sau 20 năm làm việc?

Như vậy, công chức không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc. Tuy nhiên sẽ được hưởng các quyền lợi về BHXH một lần và hưởng trợ cấp thôi việc khi đáp ứng điều kiện theo quy định. Hy vọng những chia sẻ trong bài viết từ BHXH điện tử eBH sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích đến bạn đọc.

TIN LIÊN QUAN>>Từ 1/7/2022 có tới 05 bảng lương mới của cán bộ, công chức, viên chức được áp dụng

Video liên quan

Chủ Đề