Cách vận dụng bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết và toán như thế nào có hiệu quả

Phương pháp này có thể được áp dụng xây dựng những nền tảng cần thiết cho việc học tập sớm của trẻ, với những lợi ích trọn đời cho các em. Tìm hiểu về vấn đề này phóng viên Báo GD&TĐ đã có cuộc trò chuyện với bà Lê Thị Thùy Dương , Quản lý chương trình Giáo dục của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam.

Linh hoạt, sáng tạo khi triển khai bộ công cụ ELM

Xin bà cho biết cụ thể hơn về phương pháp ELM?

- Bộ công cụ ELM hỗ trợ phương pháp dạy trẻ mầm non dân tộc thiểu số [DTTS] làm quen với Đọc, Viết và Toán, giúp trẻ có một tiền đề vững chắc trước khi bước vào lớp 1. Bộ công cụ này đã được công nhận rộng rãi từ tháng 11/2016 tại 28 quốc gia thực hiện chương trình của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em.

Đây là một giải pháp dựa trên các bằng chứng thực tiễn, các hoạt động học mà chơi hỗ trợ nhà trường, cha mẹ, cộng đồng và chính phủ trong việc mang tới các cơ hội học tập sớm cho trẻ từ 3 – 6 tuổi; giúp các em hình thành các kĩ năng học sớm về Đọc, Viết và Toán học không chỉ trong trường học mà còn trong cộng đồng.

Việc làm quen với Đọc, Viết và Toán sớm đã tạo ra thay đổi ở từng cá nhân trẻ bằng cách tăng cường kĩ năng của giáo viên và cha mẹ, để họ có thể áp dụng các phương pháp đã được chứng minh có hiệu quả vào công tác chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Bên cạnh đó, bộ công cụ ELM cũng có thể được tích hợp thành công vào chương trình giáo dục mầm non quốc gia và trở thành một giải pháp mang tính chiến lược giải quyết các tồn tại trong học tập của trẻ mầm non.

Trong quá trình thực hiện triển khai chương trình cho trẻ DTTS làm quen với Đọc, Viết và toán có gặp phải những khó khăn gì không, thưa bà?

Bà Lê Thị Thùy Dương, Quản lý chương trình Giáo dục của tổ chức Cứu trợ trẻ em tại Việt Nam

- Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, chúng tôi đã gặp phải một số khó khăn.

Ví dụ: Giờ đọc truyện cho trẻ mầm non, với phương pháp đọc truyện tương tác khác với phương pháp đọc truyện thông thường, giáo viên đã gặp khó khăn: Chưa thật sự làm được theo bộ công cụ ELM; Bản thân trẻ nhỏ còn gặp khó khăn về rào cản ngôn ngữ, nhất là trẻ 3 tuổi mới ra lớp.

Ngoài ra, cơ sở vật chất, ngôn ngữ, đội ngũ không đồng đều, lớp ghép, có nhiều trẻ ở độ tuổi khác nhau, lớp có nhiều trẻ DTTS khác nhau cũng khiến giáo viên rất vất vả, khó khăn trong việc dạy học.

Làm thế nào để có thể giải quyết những khó khăn này?

- Để khắc phục được những khó khăn trên, trước hết đảm bảo về yếu tố thời gian để cho giáo viên làm quen với bộ công cụ đó; làm quen với cách tiếp cận; làm quen với việc làm thế nào để tổ chức được các hoạt động tốt nhất.

Là người tổ chức, triển khai thực hiện chương trình, chúng tôi chỉ đưa cho các giáo viên phương pháp làm theo những nội dung chính, cốt lõi mà thôi. Còn việc triển khai, tổ chức, thực hiện như thế nào, đòi hỏi các thầy cô phải tư duy, sáng tạo trong quá trình soạn giáo án cho phù hợp với đối tượng học sinh của mình tại địa phương.

Ví dụ: Cùng một hoạt động kể chuyện, nhưng với nhóm trẻ 3 tuổi sẽ khác với nhóm trẻ 5 tuổi; nhóm trẻ ở điểm trường chính khác với nhóm trẻ ở điểm trường lẻ; Trong lớp có một nhóm trẻ DTTS sẽ khác với lớp có nhiều nhóm trẻ DTTS. Vì vậy rất cần GV có sự linh hoạt, sáng tạo trong quá trình áp dụng bộ công cụ ELM này.

Điểm hay của bộ công cụ ELM là GV không bị gò bó trong một cách dạy. Tuy nhiên, vẫn có một số GV hơi cứng nhắc nên trong quá trình ban đầu đưa bộ công cụ ELM vào chúng tôi cũng gặp một số khó khăn. Chúng tôi đã phải khuyến khích, động viên GV tự tin.

Điều kiện để giúp trẻ học tập tốt nhất

Triển khai bộ công cụ ELM vào dạy học, trẻ mầm non DTTS có phản ứng thế nào, các em có tiếp thu được bài học không, thưa bà?

- Phải nói rằng, trẻ học theo phương pháp này rất hào hứng, sôi nổi. Cách học mà chơi rất thú vị và lôi cuốn trẻ. Thí dụ: Với hoạt động đọc truyện, trẻ được tham gia, được nói, được trao đổi, được đặt câu hỏi, được thả sức tưởng tượng xem câu chuyện sẽ như thế nào... Phương pháp này đã biến giờ đọc truyện thành một giờ học khiến trẻ mong đợi, háo hức và thành động lực mỗi khi đến trường. Hay các giờ học vận động, trẻ được chơi mà học. Qua các trò chơi nhảy lò cò vào từng ô hay chui qua các vòng chui... trẻ được học các số đếm từ 1 đến 10...

Nhìn chung với phương pháp học tương tác, trẻ rất thoải mái, tiếp thu nhanh và rất hứng thú.

Để trẻ hứng thú làm quen với Đọc, Viết và Toán, không thể không kể đến vai trò của cha mẹ - người trợ giảng thứ hai. Vậy theo bà, vai trò của cha mẹ quan trọng như thế nào với trẻ?

- Hiện nay, rất nhiều cha mẹ trẻ nghĩ rằng, họ không có khả năng dạy con, phải là GV mới dạy được. Nhưng khi chúng tôi tổ chức các cuộc họp, phổ biến những kiến thức và kỹ năng dạy trẻ theo bộ công cụ ELM, nhiều người đã nhận thấy rất đơn giản. Họ không cần phải giàu có để mua các trang thiết bị học tập hay công cụ gì đắt tiền để về dạy cho con. Họ có thể lấy chính các đồ dùng trong gia đình để dạy con. Có thể dạy con ngay trong các hoạt động nấu cơm, làm việc nhà, thậm chí là trong khi chơi với con.

Vai trò của cha mẹ là vô cùng quan trọng trong việc giúp trẻ có thành tích học tập tốt. Bởi vì cha mẹ là người luôn luôn đồng hành bên con. Cha mẹ là người đầu tiên dẫn dắt con, là người thầy đầu tiên và suốt đời.

Vậy điều kiện giúp trẻ học tập tốt nhất là gì, thưa bà?

- Để trẻ có điều kiện học tập tốt nhất có thể trong điều kiện hoàn cảnh của trẻ DTTS, chúng tôi đã hỗ trợ về xây dựng một số lớp học; hỗ trợ xây dựng, cải tạo môi trường vệ sinh cho trẻ, bếp ăn… Đồng thời đầu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực cho GV, cho cha mẹ, tạo môi trường học tập thân thiện.

Chúng tôi đã cung cấp, hỗ trợ một số trang thiết bị thư viện; xây dựng sân chơi vận động liên hoàn cho trẻ phát triển kỹ năng vận động; hỗ trợ một số sáng kiến cộng đồng từ giáo viên đến cộng đồng địa phương.

Phần lớn tại những địa phương chúng tôi thực hiện dự án, cha mẹ hầu như không có tiền mua sách. Thế nhưng qua các hoạt động thư viện cộng đồng, họ đã có môi trường giàu sách, giàu chữ hơn.

Ngoài ra với GV chúng tôi đã có những buổi tập huấn, thao giảng tại cụm, tại trường bằng những bài giảng mẫu để GV chia sẻ các kinh nghiệm với nhau, hỗ trợ lẫn nhau. Đồng thời, chúng tôi còn hỗ trợ một số trợ giảng người địa phương để giúp GV vượt qua rào cản ngôn ngữ giao tiếp với học sinh, với phụ huynh bằng tiếng dân tộc để đảm bảo tốt các hoạt động học.

Trân trọng cảm ơn bà!

CHO TRẺ 5-6 TUỔI LÀM QUEN VỚI VIỆC “ĐỌC”, “VIẾT”

ĐỂ CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO LỚP 1

Lớp 1 là bước ngoặc quan trọng đối với trẻ mẫu giáo. Để thích ứng với việc học tập và những điều kiện mới tại Trường phổ thông, trẻ mẫu giáo cần chuẩn bị sẵn sàng về mọi phương diện: Thể lực, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm-kỹ năng xã hội, thẩm mỹ và khả năng thích ứng với việc học tập. Trong đó ngôn ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Thông tư 23/2010TTBGĐT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề cập đến các nội dung phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho trẻ độ tuổi mẫu giáo kỹ năng tiền học “đọc” học “viết” chuẩn bị cho trẻ bước vào lớp 1 như sau: “Trẻ thể hiện hứng thú với việc “đọc”, trẻ thể hiện một số hành vi ban đầu của việc “đọc”, thể hiện một số hiểu biết ban đầu về việc “viết”. Như vậy việc hình thành kỹ năng tiền học “đọc” học “viết” cho trẻ mẫu giáo là một vấn đề rất cần thiết trong chương trình giáo dục mầm non hiện nay.

Để phát triển khả năng “đọc”, “viết”, trước hết người giáo viên phải phát triển khả năng nghe, nói của trẻ. Không gì phát triển nhanh chóng tích cực bằng việc thường xuyên cho trẻ nghe, cho trẻ nói. Vì vậy, giáo viên thường xuyên trò chuyện và khuyến khích trẻ nói qua các hoạt động trong ngày.

 Cô và các cháu chơi trò chơi: “Chi chi chành chành”

Khi trẻ có khó khăn hay có tâm lý ngập ngừng, nhút nhát, các cô giáo phải cần khích lệ, hỗ trợ động viên trẻ nói. Cô giáo cần tạo ra các tình huống giao tiếp một cách thường xuyên giữa trẻ với trẻ, giữa cô với trẻ và giữa trẻ với mọi người xung quanh.

Phát triển ngôn ngữ qua hoạt động quan sát

Tạo cơ hội để trẻ được nghe các âm thanh khác nhau từ môi trường. Ví dụ: Tiếng kêu của động vật, âm thanh của phương tiện giao thông, âm thanh đồ vật, âm thanh của một số hiện tượng tự nhiên, âm thanh của các lễ hội...Bởi vì các âm thanh khác nhau ấy sẽ có tác dụng kích thích thính giác các giác quan cuả trẻ rất lớn. Tổ chức cho trẻ hoạt động kết hợp với lời nói trong các trò chơi, bài hát, đóng kịch.

Cho trẻ làm quen với “đọc”, “đọc” được tên của mình, “đọc” được các chữ trong các đồ dùng gần gũi, trong các góc hoạt động của lớp của trường.

Cô giáo tổ chức cho trẻ chơi tìm đọc chữ cái từ môi trường xung quanh

Hướng dẫn cách tổ chức cho trẻ đọc. Cô đọc cùng trẻ, cho trẻ nhận được các chữ, hướng chữ, quy tắc đọc tiếng Việt: từ trái sang phải, từ trên xuống dưới.

Cô hướng dẫn cách đọc

Cô dành thời gian để đọc sách với cá nhân, nhóm nhỏ, vừa đọc vừa chỉ tay để trẻ phân biệt các từ, mối liên hệ giữa từ ngữ và tiếng nói, ý nghĩa của từ; hướng dẫn trẻ đọc: từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, đọc hết trang thì giở tiếp trang khác.

Dạy cho trẻ cách “đọc” nhích dần theo từng tiếng

Trẻ có thể đọc chung hoặc mỗi trẻ có một cuốn sách để đọc cùng cô; hướng dẫn và sắp xếp để trẻ tự lấy, cất sách, giữ gìn sách, rèn luyện thói quen đọc sách ít nhất 01 ngày/lần.

Giáo viên tổ chức cho trẻ làm quen với chữ cái qua các trò chơi, thẻ chữ cái, tìm chữ cái trong từ , ghép chữ còn thiếu trong từ, cho trẻ thấy được mối quan hệ giữa các chữ cái, trẻ hiểu các chữ cái được ghép lại thành từ và các từ ghép lại sẽ thành câu, khi đọc lên chúng có ý nghĩa

Trẻ chơi tìm chữ cái theo yêu cầu của cô

Tổ chức hoạt động nhằm giúp trẻ nắm được cách sử dụng công cụ viết như: bút chì, bút lông, phấn…. Biết được hướng viết tiếng Việt, hướng viết của nét chữ, mối quan hệ giữa tiếng nói và viết; cách cầm và sử dụng công cụ viết, cho trẻ vẽ trên sàn, sân, bảng bằng phấn, vẽ trên cát, vẽ bằng que, , tô màu tranh, vẽ tự do trên giấy, trang trí đường diềm bằng bút sáp, bút dạ…để rèn luyện vận động của các cơ nhỏ, sự khéo léo của ngón tay, sự phối hợp tay mắt, giúp trẻ làm quen với cách sử dụng giấy, bút, biết cách cầm bút đúng và giữ giấy khi tô, vẽ, “viết”.

Cô giáo hướng dẫn trẻ tô viết chữ cái

Tổ chức các hoạt động chơi các trò chơi đóng vai có liên quan nhiều đến các hành vi viết, sử dụng công cụ “viết” như: trò chơi bán hàng [“viết” hóa đơn tính tiền, “viết” tên hàng hóa, trò chơi bác sĩ [kê đơn thuốc, “viết” sổ y bạ, trò chơi bưu điện [“viết” địa chỉ, tên người nhận, người gửi,…]. Gợi ý để trẻ tự làm bưu thiếp, làm sách tranh, sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình theo mẫu có sẵn hoặc trẻ quan sát được từ môi trường xung quanh… cho trẻ làm quen với các nét chữ cơ bản như nét thẳng, nét ngang, nét xiên trái, nét xiên phải, nét cong hở trái, hở phải… cách đưa tay để tạo thành nét chữ; sử dụng bút để tô vẽ, tập tô, đồ các nát cơ bản trên giấy, tô chữ cái in rỗng, sử dụng phấn để viết, tô các nét trên bảng, trên sàn nhà, sân chơi.

Dạy cháu cầm bút và tư thế ngồi “viết”

Để tổ chức các hoạt động này được hiệu quả, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ các loại đồ dung, đồ chơi, tạo tình huống, không khí chơi vui vẻ để lôi cuốn trẻ tham gia vào hoạt động, trẻ chủ động tự nguyện chứ tuyệt đối không được ép trẻ phải thực hiện tô, đồ, sao chép và tuyệt đối không được trách móc, chê các sản phẩm do trẻ làm ra.

Tạo môi trường chữ viết phong phú đa dạng. Tạo góc học tập mới hấp dẫn trẻ: Thường thay đổi tên gọi hình ảnh và các góc cho phù hợp với từng chủ điểm, tạo sự mới mẻ khoảng không gian hấp dẫn mỗi khi trẻ đến lớp: Ở góc học tập luôn thay đổi, học xong chữ cái nào, viết lại 4 kiểu chữ [viết thường, viết hoa, in thường, in hoa] treo ở góc học tập để trẻ thường xuyên được củng cố lại.

Môi trường chữ của lớp

Hàng ngày, các cô phải tổ chức cho trẻ tiếp xúc nhiều với chữ viết, tạo nên tính thân thuộc, gần gũi. Ví dụ: Trang trí chữ viết lên các giá, kệ ở các góc, tên của trẻ trên các vật dụng cá nhân, gắn tên cây cối, đồ dùng, đồ chơi ở cả trong và ngoài lớp học. Các bài thơ, ca dao, đồng dao, các thành ngữ đơn giản kèm với hình ảnh, để trẻ được “tắm mình” trong môi trường ngôn ngữ tiếng Việt.

Để phát huy hiệu quả các cô giáo cần trang trí môi trường chữ với nhiều màu sắc, đa dạng phong phú các kiểu chữ to, nhỏ, kiểu dáng khác nhau. Hay với các góc khác cũng vậy, cô và trẻ cùng đàm thoại, thoải mái trao đổi để đặt tên như: “Kiến trúc sư tí hon”; “Bé tập làm thợ xây”; “Ngôi nhà mơ ước”; “Thị trấn tương lai”; [ đối với góc xây dựng].

Ngoài ra nhà trường cần đầu tư kinh phí vào các biểu bảng trang trí môi trường chữ bên ngoài sân trường để tạo môi trường học tập cho trẻ.

Hình ảnh biểu bảng trang trí môi trường học tập của bé của trường

Xây dựng góc thư viện trong và ngoài lớp học phong phú đa dạng đầu sách thu hút được trẻ tham gia. Đối với trẻ mẫu giáo, việc tiếp xúc với sách sẽ giúp trẻ phát triển tốt khả năng “nghe” “nói”. Bên cạnh nguồn tài liệu, sách của nhà trường mua sắm, giáo viên còn thực hiện tốt công tác vận động khuyên góp từ cán bộ, giáo viên, cha mẹ trẻ, tham gia đóng góp để tạo thành một thư viện phong phú với nhiều loại sách. Hệ thống giá, kệ được sắp đặt tạo ra một không gian riêng cho trẻ hoạt động. Các sách, truyện tranh, thơ ca, câu đố… phù hợp với trẻ được sắp xếp và thay đổi linh hoạt tạo hứng thú cho trẻ.

Trẻ tự trải thảm ngồi đọc sách

Thực hiện sưu tầm thêm các loại sách khổ to, chữ to, các sản phẩm của trẻ sau khi học và chơi, Các trang thiết bị đồ dùng đồ chơi phục vụ cho hoạt động phát triển ngôn ngữ như: thẻ từ, bảng chữ cái, băng đĩa, cát xét. Tăng cường cho trẻ làm quen với các tác phẩm văn học thiếu nhi phù hợp với khả năng của trẻ, các tác phẩm văn học: truyện, thơ, ca dao, đồng dao... Từ đó, trẻ sẽ tích cực khám phá, sử dụng, hình thành thói quen đọc sách.Trẻ có thể đọc đi đọc lại nhiều lần cuốn sách mà chúng yêu thích bởi chúng thích thú với câu chuyện và đặc biệt thích đọc sách với người lớn.

Trẻ ngồi đọc sách cùng cô

Các cô giáo luôn là người đọc sách bất cứ lúc nào khi trẻ yêu cầu vào những giờ phù hợp. Hãy cho trẻ được tham gia đọc sách cùng bạn tại góc thư viện của lớp để trẻ có cơ hội lựa chọn cuốn sách của mình sau đó trẻ tự giữ gìn cuốn sách cẩn thận. Hướng dẫn giáo viên để sách vừa tầm với trẻ dễ lấy cất, phải hướng dẫn trẻ cách sử dụng và bảo vệ sách [cầm, mở sách, cất sách sau khi đọc] ...

Xây dựng góc thư viện ngoài trời vừa phù hợp với điều kiện kinh phí của trường lớp, vừa đẹp mắt hấp dẫn tiện dụng. có thể phối hợp với cha mẹ học sinh, phối hợp Đoàn thanh niên, Công đoàn trường hổ trợ nguồn lực, kinh phí, sưu tầm nguyên vật liệu địa phương như bánh xe hơi cũ, cây dừa khô, tre…Lựa chọn nơi có gốc cây râm bóng mát để cho trẻ và cha mẹ cùng nhau ngồi một cách thoải mái thư giản đọc sách đảm bảo sử dụng thuận tiện vào những giờ đón trả trẻ.

Góc thư viện ngoài trời của trường

Lựa chọn nơi có gốc cây râm bóng mát để cho trẻ và cha mẹ cùng nhau ngồi một cách thoải mái thư giản đọc sách đảm bảo sử dụng thuận tiện vào những giờ đón trả trẻ.

Cô đọc sách cùng bé

Để thu hút trẻ, cha mẹ của bé đến với thư viện “Cô, mẹ và bé, giáo viên thường xuyên thay đổi sách, thường xuyên tổ chức giới thiệu với trẻ và phụ huynh, thu hút trẻ đến với thư viện để trẻ được làm quen với nhiều loại sách, giúp trẻ chọn sách đúng ý thích, cô cùng đọc sách với trẻ và vận động ba mẹ cùng đọc với trẻ trong giờ đón trả trẻ hàng ngày…

Nhà trường cần tổ chức cho 100% giáo viên tham gia sinh hoạt chuyên đề “cho trẻ 5-6 tuổi quen với “đọc”, “viết””. Lựa chọn và xây dựng tạo điều kiện cho 01 lớp 5 tuổi làm lớp điểm chuyên đề làm quen với “đọc”, “viết”. Tổ chức hoạt động mẫu để giáo viên được chia sẻ, thảo luận về chuyên đề phát triển ngôn ngữ, nội dung phát triển ngôn ngữ qua việc làm quen với việc “đọc”, “viết”, tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ cho trẻ mẫu giáo làm quen với nghe, nói, làm quen với “đọc”, “viết”, cách tạo môi trường giáo dục phát triển ngôn ngữ như thế nào để đạt được mục tiêu giáo dục... từ đó giáo viên sẽ được tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện tại lớp mình và giúp cho giáo viên nắm rõ hơn phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động phát triển ngôn ngữ một cách linh hoạt sáng tạo hơn. Từ đó được rút kinh nghiệm chung, thống nhất và định hướng áp dụng tại các lớp một cách thiết thực và linh hoạt giúp cho cán bộ, giáo viên triển khai và thực hiện chuyên đề có hiệu quả hơn.

Sinh hoạt chuyên đề

Ban giám hiệu khích lệ tinh thần tự giác học hỏi chuyên môn của giáo viên, cần phải sôi nổi mạnh dạn trao đổi ý kiến sau khi dự giờ, khi làm đồ dùng đồ chơi phục vụ chuyên đề, giúp giáo viên ngày càng hoàn thiện hơn, nhìn nhận ra cái hạn chế của bản thân, của đồng nghiệp. Học tập đồng nghiệp về cách tổ chức hoạt động phát triển ngôn ngữ, tạo môi trường chữ trong và ngoài lớp học. Sau đó cho giáo viên tham quan học tập môi trường chữ ở lớp điểm.

Giáo viên thực hiện tốt góc “Thông tin dành cho cha mẹ”. Thực hiện tuyên truyền đến các bậc phụ huynh về các nội dung cần rèn cho các cháu, kĩ năng “đọc” “viết”. Ví dụ: cách dạy trẻ nhận biết phát âm chữ cái mà con em mình đang học, phối kết hợp ôn luyện tại gia đình, tránh trường hợp cô dạy chữ đúng phụ huynh lại dạy chữ chưa đúng như: Chữ x đọc là “xờ”, chữ s đọc là “sờ”, nhưng có phụ huynh lại đọc là “ích xì” hay “ét xì”; Hay chữ l, n, lại đọc là “e lờ” hay “ en nờ”, …

Khuyến khích cha mẹ thiết lập một tủ sách gia đình với đủ loại sách khác nhau, cha mẹ có thể cùng với bé đọc sách và giúp bé có được thói quen với sách. Hoặc đối với những cháu ngọng, đớt, những cháu chưa tự tin, hoặc những cháu nhận biết chậm... cần nhờ đến sự hỗ trợ giáo dục từ phía gia đình...

Ngôn ngữ đọc và viết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển nhân cách của trẻ mầm non nói riêng, của con người và xã hội nói chung. Lứa tuổi mầm non là thời kỳ phát triển ngôn ngữ và giao tiếp. Đây là giai đoạn có nhiều thuận lợi nhất cho sự lĩnh hội ngôn ngữ và kỹ năng đọc viết ban đầu của trẻ. Trường mầm non, người lớn xung quanh, cha mẹ trẻ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng môi trường ngôn ngữ phong phú tương tác và giao tiếp cũng như các cơ hội cho sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ mẫu giáo.

                                                                Ninh Đa ngày 2 tháng 11 năm 2019

                                                                                            Người viết

                                                                                         Trần Thị Kim Cúc

Video liên quan

Chủ Đề