Cách xưng hô với bạn bè

Ngày nay, cách gọi Bố Mẹ trở nên rất thông dụng. [Hình minh họa]

Người lớn tuổi thì gọi là Ông Bà, người Bắc hay gọi bằng Bác và xưng Em tỏ ý thân mật. Chào bác ạ. Người miền Trung miền Nam hay dùng chữ Thưa. Gặp người trẻ tuổi thì họ cũng gọi Cô, Cậu, hay Anh Chị. Cũng như người ta hay gọi cô lái đò, cô hàng xén Ngay cả những người có địa vị thấp kém trong xã hội, người ta cũng gọi bằng Ông Bà: Ông ăn mày, Bà bán rauXứ Huế của tôi có một cách gọi khó hiểu, đó là chữ Cụ. Lúc nhỏ tôi thường nghe những người trong nhà ông ngoại tôi gọi người làm vườn trẻ là Cụ, Cụ Trọng. Người Huế không gọi người già là cụ như người miền Bắc. Người ta dùng chữ Cụ để gọi những người làm nghề lao động chân tay như cụ làm vườn, cụ kéo xe Thật ra chữ cụ này là do biến âm của chữ Cậu, vốn dùng để chỉ một người trai trẻ nhỏ tuổi hơn mình, nhưng vì người Huế có cách dùng chữ Cậu để gọi con nhà quyền quý là Cậu Ấm, cho nên người ta phải đọc khác đi để chỉ con nhà lao động. Đó là do ảnh hưởng của cách kiêng cữ [kỵ húy] của chế độ vua chúa phong kiến ngày trước.Người miền Nam thiên về văn hóa mẫu hệ nên họ hay dùng thứ bậc bên ngoại để xưng hô với người cùng quê cùng xóm. Họ không gọi Chú Bác mà hay gọi Cậu Dì với người họ liên hệ. Khi thân mật quá họ còn gọi hoặc tự xưng là Má, là Ngoại với một giọng Nam rất ngọt. [Tôi không nghe họ gọi nội, trừ phi đó là bà nội thật của họ].

Xưng hô giữa bạn bè:Bạn bè thông thường gọi nhau bằng Anh, Chị, Bạn, xưng Tôi, Tui, hay Mình. Người miền Bắc có cách xưng hô rất vui: Tớ/Cậu, kể cả con gái cũng xưng hô như vậy. Sau này họ còn gọi bằng Bồ, Ông, Bà. Thân mật hơn họ dùng Mày Tao. Nhiều người miền Bắc cho cách xưng hô Mày Tao là vô cùng thân thiết. Họ nói, chỉ cần gặp lại bạn cũ, ôm nhau kêu Mày Tao là họ thấy vô cùng hạnh phúc. Xứ Huế của tôi thích dùng chữ Mi Tau [khi đọc nhẹ đi thì có âm Ta] mà khi qua Mỹ họ rất nhớ cách xưng hô thân mật ấy cho nên khi họp nhau vui chơi với nhau họ thích gọi Mừng họp mặt Mi Tau.

Cách xưng hô với bạn bè rắc rối là sau khi bạn bè lập gia đình. Văn hóa người Việt Nam rất lịch sự, sau khi một người bạn đã lấy vợ hay lấy chồng, người ta thay đổi cách gọi. Khi đó họ không gọi Bạn Bồ Mày Tao nữa, mà gọi là Anh Chị, nhất là khi đứng trước cả hai vợ chồng. Một cô gái khi qua Mỹ du học, gặp một người quen trong trường đại học, hai bên xưng hô là Chú/Cháu. Nhưng sau ngày cưới của cô gái, ông lập tức đổi cách xưng hô, ông gọi bằng Chị và xưng Tôi. Đó là văn hóa Việt Nam, tôn trọng người đã có gia đình, có vị thế riêng. Ngoài xã hội và trên giấy tờ, cô gái còn được gọi bằng Bà. Cách thay đổi từ Cô qua Bà này tương tự như ở các nước phương Tây.

Người Việt Nam còn một cách xưng hô đặc biệt khác nữa, đó là xưng tên. Trong gia đình, anh chị em cũng có thể xưng tên với nhau. Các cô gái rất thích cách xưng hô này với bạn bè và họ vẫn giữ cách xưng tên này cho đến khi nào họ còn thích. Xưng tên thay cho Mình hay Tau Tui Tôi Ta, nghe nhẹ nhàng êm ái hơn.

Xưng hô theo nghề nghiệp:

Một cá nhân khi đã đến tuổi trưởng thành, khi họ có thể ra đời kiếm một việc làm, xây dựng một gia đình riêng, tự lập riêng thì họ rất được xã hội coi trọng, khi đó họ có thể vỗ ngực xưng TÔI với mọi người mà không còn phải khúm núm xưng con xưng cháu nữa. Khi nói chuyện trước công chúng, họ có thể dùng chữ Chúng Tôi để tỏ ý khiêm tốn.

Trong gia đình nhiều khi cha mẹ còn nể nang gọi họ là Anh Chị hoặc Cậu Cô. Người Việt Nam có ý thức tôn trọng những người trưởng thành có công việc, có sự nghiệp, sống tự lập nên có cách gọi theo nghề nghiệp: Thầy giáo, Cô giáo, thầy thông [thông ngôn] thầy ký [thư ký] ông đốc [Doctor = bác sĩ], bác thợ rèn

Xưng hô ở trường học:

Ở trường học, Thầy Cô giáo gọi học sinh là Em, vì đó là thế hệ đàn em của mình, học sinh gọi Thầy Cô và xưng Em. Thầy cô giáo xưng hô với cha mẹ học sinh là Tôi/ Anh Chị: như vậy, học trò và con của thầy cô cùng một thế hệ, xưng hô với nhau bằng Anh/Chị/Em như trường hợp con gái tôi đã kể chuyện ở trên, xưng hô bằng Chú/Cháu là không đúng.

Học sinh học đến cấp 3, lúc bấy giờ gọi là Ban Tú Tài, thầy cô trong trường gọi họ là Anh Chị, không gọi bằng em như ở cấp 1 cấp 2 nữa. Lên đại học thì cái Tôi của họ càng được khẳng định hơn, mạnh mẽ hơn, họ có thể gánh vác việc nhà, việc nước, không ai còn coi họ là em là cháu nữa.

Cách xưng hô ngày nay

Năm 1975, cuộc đổi đời làm thay đổi cả nền đạo lý và giáo dục của Việt Nam. Cuộc sống nhiều thay đổi, nhưng cách xưng hô trong gia đình không thay đổi nhiều trừ chữ Bố dùng để gọi cha lúc trước chỉ có ở miền Bắc, ngày nay chữ Bố được dùng khắp nơi, trở nên rất thông dụng, các cặp vợ chồng trẻ hay xưng Bố Mẹ. Người ta dùng chữ Bố có tính cách thân mật thay cho chữ Cha có tính cách trang trọng, chữ Mẹ cũng trở nên phổ biến hơn, thay cho các chữ Bầm Bủ U Đẻ Me Măng. Tôi thích chữ Mẹ, tôi thấy chữ Mẹ là một chữ hay nhất trong tiếng Việt. Tiếng Mẹ vang lên là thấy cả một gia đình đầm ấm yên vui.

Ngoài xã hội cách xưng hô thay đổi hẳn. Người ta xưng hô thân mật hơn, đem quan hệ trong gia đình áp dụng ngoài xã hội, từ cơ quan nhà nước cho tới công xưởng, ngoài đường ngoài chợ, cách xưng hô không còn theo một nguyên tắc nào cả. Người ta không còn biết ranh giới giữa Chủ/Khách, không tôn trọng người đối diện, bất kể vị thế xã hội của người đó cao hay thấp, cứ gọi một cách tùy tiện. Thấy người nhỏ thì gọi con gọi cháu, thấy người trẻ thì gọi cháu gọi em, gặp người lớn tuổi thì gọi bác chú cô dì một cách thân mật, nhiều khi không cần thiết. Ngày con gái tôi ra trường, làm giảng viên ở trường Đại Học Tổng Hợp ở Sài Gòn, ở trường đại học, sinh viên gọi bằng Cô, nhưng khi ra chợ mua gì đó thì bị các cô bán hàng trẻ tuổi gọi bằng Em. Cách gọi này không xảy ra trước 1975.

Trường học là nơi giáo dục cho học sinh một nền tảng văn hóa đạo đức vững chắc thì ở đây nhiều khi cách xưng hô cũng không còn đúng mực. Các cô giáo nhiều khi gọi học sinh bằng con, thậm chí ngày nay sinh viên đại học cũng bị gọi bằng em bằng con, hiện tượng này đang trở thành một vấn đề gây nhiều tranh cãi trên báo chí ở Việt Nam.

Cách xưng hô tùy tiện không có nền tảng đạo đức này đã gây bất bình cho nhiều người. Xưng hô không đúng là xúc phạm người đối diện, phá vỡ quan hệ giữa hai bên, có thể dẫn tới một sự thiệt hại nào đó. Đem quan hệ gia đình áp đặt cho toàn xã hội là muốn áp đặt một sự khống chế lên cá nhân và xã hội, không cho giới trẻ có cơ hội để tự phát triển vươn lên làm chủ xã hội, làm mất đi ý nghĩa thế hệ trẻ là người chủ tương lai của đất nước.

Dân tộc Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, có một nền tảng đạo lý vững chắc, người Việt Nam khiêm tốn, giàu tình cảm, hiếu khách, cho nên cách xưng hô rất phong phú và tế nhị, tùy từng trường hợp mà người ta biết xưng hô thế nào cho đúng. Một người lịch sự có văn hóa là người phải biết xưng hô đúng cách trong mọi trường hợp, không làm người khác phật lòng mà còn được mọi người yêu mến tôn trọng. Ta tôn trọng người thì người tôn trọng ta. Nghĩ sai nói sai thì dễ làm sai. Đó là quy luật bao giờ cũng đúng.

Video liên quan

Chủ Đề