Chúc dung là ai

Hồi năm nào, trên FB có trò coi xem mình ứng nhân vật nào trong Tam Quốc, bà con hớn hở xông vào, ông nào được ứng với Lã Bố hay Khương Duy hay Quan Vân Trường gì đó thì kêu ầm lên khoái quá. Bà nào được ứng với Điêu Thuyền thì ôi thôi khỏi nói. Tui cũng không cưỡng lại được, kết quả được ứng với bà Chúc Dung.

Chúc Dung. Minh họa không rõ tác giả.

Bà Chúc Dung là vợ ông Mạnh Hoạch, Man vương của Nam Man [không phải ông Mạnh Hoạch chủ quán gà tươi bọc đất sét nướng dọc đường 5 từ Hải Phòng lên Hà Nội đâu nhá]. Ông này nổi tiếng vì những 7 lần bị ông Khổng Minh oánh cho tơi tả, bắt trói rồi lại thả, cứ thả ra là lại chuẩn bị quân tướng chiến đấu lại, chả ngán tí nào. Tưởng thế là hay mà chưa hay bằng bà vợ, chồng thua liểng xiểng tận 7 lần [thực ra là 8] mà lần nào về cũng được vợ an ủi, bảo sợ quái gì anh, cứ oánh tiếp đi, có em giúp một tay. Bà này nổi tiếng vì là người phụ nữ duy nhất trong Tam Quốc xông pha trận mạc, đánh thì hay mọi nhẽ, chơi dao bá cháy bọ chét, chơi côn cũng tinh thông mọi đường, cưỡi một con ngựa sắc đỏ kỳ quái, có vụ khi chồng thua về đang rầu thì bả từ sau rèm bước ra cười ầm lên mà rằng: “Đã là đàn ông sao không có mưu mẹo? Tôi tuy là một người đàn bà cũng xin ra đánh giúp chàng phen này!”. Nghe tưởng khiêm mà thực ra chả khiêm tí nào.

Trong bộ Tam Quốc 13 tập tui có, thì không có bức tranh nào vẽ bà Chúc Dung. Trong cái trò Dynasty Warriors, bà Chúc Dung được vẽ cực ngầu, tóc vàng trắng mới kinh [Man quốc mà, màu gì chả được, thế mới Man chứ], cơ bắp cuồn cuộn mà sexy mọi nhẽ. Tui chả thấy có vấn đề gì cả. Tui vẫn đọc và hiểu nhân vật này của tui trong sách. Về sau đọc kỹ thì thấy kiểu vẽ của Dynasty Warriors có cái lý của nó, vì Tam quốc miêu tả anh trai Mạnh Hoạch “mắt biếc, tóc vàng”, dân Man “toàn những người mắt xanh, mặt đen, tóc vàng, râu đỏ…”.

Chúc Dung theo Dynasty Warriors

Trên Wiki có bức vẽ bả [bức này thời nhà Thanh] thì gớm gớm lắm quần lắm áo quá, lại cụm rụm nghiêng nghiêng kiểu Lâm Đại Ngọc chả ăn nhập gì với cái dáng cưỡi ngựa đỏ phi dao múa côn gì cả, cầm con dao nhọn hoắt bé tí như cầm lược, trông chán chán là.

Chúc Dung trong sách cổ

Chúc Dung phu nhân trong trí tưởng tượng của fan Tam Quốc 3yen

Tại sao tui nói chuyện này? Là vì mới café với mấy bác, nghe các bác ấy chửi truyện tranh gì đó bố láo bố lếu, dám vẽ ông Lý Thường Kiệt râu ria phát gớm, rằng bọn đần ấy không biết rằng ông Lý Thường Kiệt này là hoạn quan, mà hoạn quan thì tất nhẵn thín.

Hình ảnh các vị tướng trong cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”. Ảnh: Duy Trang [Thanh Niên]

Tui đùa bảo có khi mấy tay vẽ tranh lấy cảm hứng từ ông Lý thời trẻ [sử bảo lúc nhớn lắm rồi, qua tuổi 18 -20 rồi ổng mới tịnh thân cơ mà, trước đó còn nghe đồn có vợ con nữa] nên râu ria nhiều thì khó chứ ít thì chắc vẫn có. Ổng còn được nói là “đệ nhất mỹ nam” thời đó vì mặt đẹp dáng chuẩn. Các bác mắng tui ầm lên, bảo tui thiếu nghiêm túc. Anh hùng dân tộc đấy cô ạ, vẽ vời là phải trang nghiêm và chân thực, nhất là cho trẻ nó đọc. Sử đấy cô ạ, không thể tùy tiện được. Tui nghĩ bụng chả biết các bác dựa vào đâu để kết luận thế nào là “chân thực”, cái kiểu bắt người ta cứ phải nhẵn thín cho vừa lòng em của các bác mới đáng chán. Trẻ nhỏ cầm cuốn sách lên, có cái hình hấp dẫn khiến nó chú ý thì đấy là bước đầu tiên quan trọng để nó lần vào cái chữ. Gớm mở quyển sách, đã lịch sử [thường là viết rất khô đọc rất mệt] thì chớ lại còn tuyền chữ là chữ, hay hình vẽ ông nào cũng hao hao ông nào, mặt trang nghiêm như đá tảng, quần áo khí giới y chang nhau, đứng lẫm lẫm liệt liệt một tư thế, giống như bác gì lúc nào ở đâu cũng thấy đứng một mình, giơ tay lên chả biết chào ai thì ôi thôi, mơ đấy mà nó đọc sử cho các ông.

Một hình dung căn bản về Yết Kiêu. Hình từ trang terrabook.vn

Một hình dung khác về Yết Kiêu. Hình từ trang Họ Phạm Việt Nam

Tất nhiên là bà Bùi Thị Xuân mà phục trang lại như Hokage hay Matsumoto Rangiku thì kể cũng quá đáng, hay bà Lê Chân mà lại từa tựa như robot Poc hay Sakura Ogami thì cũng khí là “bá đạo” [nhưng nói thêm là tượng bà Lê Chân ở Hải Phòng nhà tớ rất hay nhá, ngực căng tràn đầy, tà áo bay uốn lượn giống Tsunade phết đấy].

Tượng bà Lê Chân ở Hải Phòng

Bà Lê Chân trên game Việt

Vụ vẽ minh họa nhân vật này, giới mỹ thuật tạo hình mà được mời mọc cầu thị, được trả công xứng đáng thì có khó gì đâu. Giới này có nhiều người tài hoa, kiến văn sâu rộng, họ mà kết hợp với mấy ông nghiên cứu lịch sử đàng hoàng để có thêm nguồn tham khảo, đối chứng thì mọi chuyện ổn ngay thôi, phần còn lại cứ để cho trí tưởng tượng và sáng tạo lo. Chứ cứ ông Lý Thường Kiệt là vẽ nhẵn nhụi mịn màng, ông Yết Kiêu thì kiểu gì cũng chỉ được đóng khố miệng ngậm dùi đục, ông Quốc Toản lần nào cũng phải bóp quả cam, bà Trưng thì trăm phần trăm trên lưng voi còn ông Phạm Ngũ Lão thì đùi vĩnh viễn bị cắm ngọn giáo ròng ròng máu chảy…, quần áo ai cũng rầu rầu một màu nâu thì chán chết.

Phạm Ngũ Lão “căn bản” trong minh họa về lịch sử Việt Nam

Và Phạm Ngũ Lão trong tưởng tượng của fan hâm mộ. Hình từ chutluulai.net

Nhưng quan trọng hơn là đừng căn cứ bá vơ kiểu “giới chuyên môn và dư luận bất bình cho rằng” mà phấn khởi hết cả lên, phạt lấy phạt để, rồi tịch thu này nọ, rồi còn lăm le bắt người ta “tạm dừng hoạt động”. Hay là tự do xuất bản nó nằm ở tầng thứ 19? Tâm thế cảnh giác không bao giờ thừa, nhưng như thế này thì nhuốm màu bệnh hoạn rồi.

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân viết trên TTCT số ra tuần trước, lo ngại “phấn khích nhân sự trừng phạt này, đã có đôi ý kiến như muốn tăng thêm quyền kiểm soát, “kiểm duyệt” cho cơ quan chức năng về xuất bản.”. Ông kết luận: “Chúng ta đòi hỏi và trông đợi ở đạo lý nghề nghiệp của những người làm nghề sách, từ các tác giả, soạn giả, dịch giả, người làm xuất bản và phát hành, bởi đây là nghề nghiệp đưa đến cho khách hàng thứ sản phẩm chuyên biệt: các hệ thống tri thức, các giá trị văn hóa, nghệ thuật. Nhưng chúng ta cũng nên trông cậy ở chính mình, những người đọc sách… Một dư luận năng động, linh hoạt và nghiêm khắc một cách lịch thiệp về sách sẽ vừa cổ vũ vừa cảnh báo đối với giới đang sản xuất và kinh doanh sách. Suy cho cùng, làm ra và sử dụng các loại sách chính là các thành viên xã hội dân sự chúng ta, và chính chúng ta chứ không ai khác đã và sẽ kiểm định chất lượng sách trên thị trường”.

Tui chỉ muốn nói thêm, người đọc nắm trong tay thứ quyền lực tối thượng, đấy là quyết định mua hay không mua sách. Nó nằm trong tay các vị cả, sao lại cứ sắm thêm hung khí cho mấy bác họ “thích” tên “phạt” dùng hoài?

Mời các bác đọc: “Ứng xử với sách nhảm: quyền lực của người đọc“.

Chia sẻ:

Ý kiến - Thảo luận

Page 2

Muốn làm một giám tuyển bài bản thì không đơn giản

Chúc Dung phu nhân [chữ Hán:祝融夫人, bính âm:Zhurong furen] là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung. Trong tiểu thuyết này, Chúc Dung xuất hiện tại Hồi thứ 90 cho đến Hồi 91 và được giới thiệu là vợ của Mạnh Hoạch Man vương của Nam Man, Chúc Dung cũng là chị ruột của Đái Lai Động chúa, trưởng bộ phát phiên và là chúa động Đái Lai, Chúc Dung giỏi võ, giỏi phi đao, cùng chồng tham gia vào chiến dịch của người Nam Man chống lại sự tấn công của quân Thục Hán vào vùng Nam Trung. Chúc Dung là người phụ nữ duy nhất trong Tam Quốc diễn nghĩa xông pha trận mạc, trực tiếp giao phong trước trận tiền. Đây là một mẫu người phụ nữ mạnh mẽ có nhiều tài năng đã một mình giao chiến với các tướng Thục như Triệu Vân, Ngụy Diên, Trương Ngực, Mã Trung.


Chúc Dung phu nhân - Tam quốc diễn nghĩa

Video liên quan

Chủ Đề